SỐ 27 - THÁNG 7, NĂM 2005

 

Thư Tòa Soạn

Thơ
Bạch phiến
Hoàng Du Thụy
Những trưa nắng cũ để, dành
NNguong
Những tiếng hát bão giông
Phạm Hồng Ân
Áo em ngày cũ
Huỳnh Kim Khanh
Hè xưa
Trần Việt Bắc
Tơ sầu canh thâu
Hoàng Mai Phi
Mong một lần chim gãy cánh phù vân
Tôn Thất Phú Sĩ
Tình em
Maihoado
Mây hạ
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Mùa hè săn đuổi
Thi Vũ
Căn cước tháng tư
Nguyên Nhi
Dạ khúc
Phan Thái Yên
Nhạt màu phố cũ
Song Thao
Nhà tù conex
Nguyễn Hồng Quang
Một cái Tết bị lãng quên
Tầm Xuân
Chùm phượng vỹ
Cỏ Biển
Điện thư
Hoàng Mai Phi
Hành trình về lứa tuổi đôi mươi
Hoàng Quốc Việt
Những bài thơ TTPS
Doãn Quốc Sĩ
Haiku và những cơn nắng hạ, II
Vũ Hoàng Thư

Dịch thuật, biên khảo
Sống thiện chết lành (2)
Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 14
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 21
Huỳnh Kim Khanh


 

Nhà tù Conex

 

Sau nhiều ngày bận đi công tác xa trở về, đến nay tôi mới có dịp ở nhà nghỉ cuối tuần. Nghỉ việc sở nhưng làm việc nhà. Cắt cỏ là việc chánh hôm nay vì cỏ lên cao gần đầu gối. Tôi đành phải chui vào trong nhà chứa dụng cụ (tool shed) nằm phía sau vườn để tìm lôi máy cắt cỏ ra. Dù mới có đầu hè, hôm nay có lẽ là ngày nóng nhất ở vùng Washington. Thêm vào hơi nước ẩm, một đặc tính vùng nầy, làm cho không khí càng nặng nề, khó chịu hơn. Tia nắng hè hâm nóng bên trong tool shed bằng tôn gây nhiệt độ lên cao hơn gấp bội. Vào phía trong chỉ có một chốc lát, mồ hôi trên mặt tôi đọng giọt, rơi xuống sàn. Mồ hôi bắt đầu thấm ướt áo thun. Bỗng nhiên tôi có cảm tưởng như tôi đang đứng trong nhà tù conex khi còn ở tù cải tạo thành Ông Năm, Hốc Môn khoảng 30 năm về trước.

Chữ conex ghép từ hai chữ containerexpress. Tạm dịch: conex là thùng sắt chứa hàng hóa hoặc dụng cụ chở thẳng đến chỗ ấn định. Trong thời đánh nhau với bọn Cộng quân trước năm 75, quân đội Mỹ thường dùng conex để chuyên chở súng đạn, lương thực, dụng cụ, từ nước Mỹ và nước Đồng Minh qua Việt Nam bằng máy bay hoặc tàu thủy. Sau khi đến lãnh thổ Việt Nam, những conex nầy được phân phối khắp mọi nơi. Bắt từ khu Khánh hội, khu Tân Sơn Nhất ở Sàigòn conex được phân phôi đến căn cứ Long bình, Củ chi, Tây Ninh. Conex chở từ vịnh Cam Ranh, hải cảng Đà Nẵng đến các tiền đồn hẻo lánh như Đắc tô, Khe Sanh, Đồng xoài, Bình giả, Chu Lai. Nơi nào có quân đội Mỹ hoặc VNCH là có thùng conex màu xanh bộ binh hơi to hơn nhà tool shed chở tới.

Sau khi miền Nam Việt Nam mất, bọn Cộng Sản tịch thu tất cả những gì Mỹ và VNCH để lại kể cả các thùng conex. Bọn chúng không những dùng thùng conex chứa dụng cụ võ khí, mà dùng nó để nhốt người cải tạo. Nhà tù conex được gọi là nhà tù con. Còn những trại tù nhốt hàng trăm ngàn người tù cải tạo ở rải rác từ Bắc vào Nam được gọi là nhà tù lớn. Đúng là nhà tù lớn nhốt nhà tù con. Để hình phạt, chúng dùng nhà tù con để nhốt các anh em cải tạo nào bị chúng cho là chống đối, ngoan cố, tập họp trễ, học tập không tốt... Còn anh em cải tạo nào trốn trại bị bắt lại, thì chỉ bị nhốt trong tù con mút chỉ. Một dịp ra khỏi tù con sớm là khi bị đem ra xử bắn thôi.

Tôi có dịp "hân hạnh" hưởng được mùi cay đắng của nhà tù con. Tôi bị nhốt trong tù con gần ba ngày tưởng chừng như là ba năm trong tù lớn. Một trong những kế hoạch chuẩn bị cho cuộc trốn trại bí mật của tôi là thực tập chui rào qua trại khác để thăm dò địa điểm và rèn luyện tinh thần. Vào một đêm, tôi có dịp chui hàng rào đi qua một đại đội bên cạnh để xem trận đá banh tranh giải thế giới được truyền hình trên màn ảnh TV trắng đen 13 inches. Một cái TV duy nhất trong trại đặt giữa sân bóng chuyền. Tôi còn nhớ rõ đó là World cup 1978, trận đá banh giữa đội cầu Tây Đức và đội cầu của một quốc gia thuộc Âu Châu. Vào khoảng 9 giờ đêm, đang lúc xem các cầu thủ Tây Đức tấn công gây cấn mạnh liệt, thình lình nghe tiếng còi tập họp từ tiểu đoàn tôi bên kia hàng rào kẽm gai. Tôi tự than thầm:

"Chết rồi! Kỳ nầy chắc dính búa tạ!"

Tiếng còi vang động cả tiểu đoàn như là tiếng còi báo động máy bay Mỹ sắp đến thả bom Hải Phòng, Hà nội. Anh em cải tạo nhốn nháo hối hả chạy về tổ mình như đàn ong vỡ tổ. Anh em thuộc tổ gần hàng rào đa số nhanh chân chui hàng rào trở về được. Không may vì tổ của tôi ở hơi xa cách hai ba hàng rào. Khi tôi vừa ló đầu qua hàng rào cuối cùng thì gặp tên quản giáo rọi cây đèn pha vào mặt:

"Anh nầy đứng lên. Giơ tay lên khỏi đầu. Không tao cho vệ binh bắn nát óc bây giờ."

Sợ quá, hồn vía lên mây, giơ tay đầu hàng. Tên vệ binh chĩa súng vào bụng dẫn tôi vào thùng conex đặt giữa sân tiểu đoàn, không nói một lời rồi đống sầm cửa sắt lại.

Trời bên ngoài trời đã tối, trong conex càng tối hơn như địa ngục. Lần tiên trong đời tôi mới thực sự thấy sợ. Sợ vì cố mở mắt to muốn lột tròng con mắt mà không thấy gì cả. Cảm thấy mình chơi vơi. Bình thường nhờ ánh sáng hình ảnh để nhận định khoảng không gian. Ánh sáng không có thì không gian cũng mất đi. Có lẽ giống cảm tưởng của các phi hành gia không gian trong phi thuyền đang lơ lửng nhìn về khoảng không gian đen tối vô tận. Lúc thường bên ngoài vào đêm ba mươi không trăng sao nhưng vẫn thấy đường đi cảnh vật mờ mờ. Tại sao mắt mình không thấy gì? Bị mù rồi hay sao? Hay là mình đã chết xuống địa ngục đen tối rồi.

Sự hoang mang, lạc lõng kéo dài một thời gian, tôi mới lấy bình tĩnh lại và bấm móng tay thật mạnh vào bắp vế thấy đau nhói. Biết mình còn sống, còn tỉnh ngủ. Thế tại sao mình không thấy gì?

Không biết thời gian trôi qua được bao lâu, tôi bắt đầu làm quen được cảnh vật trong conex. Chỉ một lỗ nhỏ như lỗ đinh ở gốc phía trên trần phát một tí ánh sáng của đèn mờ trong trại. Không khác gì ngọn sao Bắc đẩu làm điểm chuẩn cho cuộc hải hành trong đêm tối đen trên biển khơi mênh mông.

Mò gặp được chiếc võng đeo giữa phòng conex. Cảm ơn người bạn nào ở đây trước tôi đã để lại chiếc võng nylon quí báu nầy. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Kéo thử chiếc võng xem có cột chắc không. Thấy an toàn, tôi leo lên chiếc võng và chọp mắt lại cố tình quên đi những cảnh vật xung quanh. Cho ăn chắc tôi rờ mí mắt để biết mình đang nhắm mắt thật sự. Lo sợ cùng mệt mỏi tôi ngủ đi lúc nào không hay.

Hơi lạnh về khuya làm tôi giựt mình tỉnh dậy cảm thấy chơi vơi trên võng treo cao. Những cảm giác lạc lõng trong không gian và không có thời gian lại trở lại trong đầu như khi mới bị nhốt vào đây. Tôi cẩn thận leo xuống võng và bò xung quanh như đứa bé vì không biết phần nào là đất phần nào trên không.

Một lúc sau, đứng vững trên sàn, tôi bắt đầu mò xung quanh bức tường sắt lạnh vô tình để tìm kẽ hở chui ra. Sự vắng lặng cùng sự cô lập với thế giới bên ngoài làm tôi sợ hãi hơn. Hơi thở dồn dập, tôi thật muốn ra khỏi nơi nầy ngay bây giờ. Dù biết rằng bên ngoài cũng là tù không có tự do nhưng thấy còn hơn trong tù con nầy. Hơn ba năm sống trong tù lớn đã quen rồi. Tối thiểu, tôi vẫn còn nhìn được cảnh vật, còn có bạn để nói chuyện trò, chia sẻ nỗi buồn vui của mình. Giờ đây hoàn toàn bị cô lập. Càng muốn ra bao nhiêu mà không có cách nào ra được, thì càng bực bội bấy nhiêu. Sự hoang mang lo sợ đè nén tim trong lồng ngực làm tôi muốn nghẹt thở. Phải bình tĩnh lại. Phải dùng lý trí để thoát cơn hiểm nghèo nầy. Nếu không thì sẽ bị mất trí đi. Cuối cùng, tôi lấy lại bình tĩnh và quyết định leo lên võng lại nhắm mắt lại an thần. Tôi lại rơi vào giấc ngủ mê man.

Đang ngủ mê, giựt mình khi nghe tiếng dộng ầm ầm vào cánh cửa. Mừng thầm vì tưởng có người mở cửa thả ra. Nghe tiếng vệ binh oang oảng bên ngoài:

"Anh kia, tỉnh dậy. Còn trong đó không? Trả lời ngay."

Tên vệ binh đến xem tôi còn sống hay chết hoặc trốn ra chưa.

Còn mơ ngủ nhưng vẫn phải cố gắng trả lời vì lo sọ cho bọn chúng nổi cơn bắn xã vào conex như chuyện xẩy ra ở tiểu đoàn 2 bên cạnh trước đây:

"Có tôi đây"

Chờ lâu không thấy hắn nói gì có lẽ hắn đã bỏ đi xa rồi. Niềm hi vọng được cho ra ngoài bay đi nhanh chóng.

Trước khi tôi bị chuyển về trại nầy, có một câu chuyện về huyền thoại về Trung úy Trung. Anh em cải tạo thành Ông Năm ca tụng anh như một anh hùng của cải tạo. Trung úy Trung thường chống đối sự giam cầm các sĩ quan VNCH ngay từ ngày đầu vào cải tạo. Anh Trung là người bị bọn Cộng Sản nhốt vào conex đầu tiên và lâu nhất. Anh thỉnh thoảng tuyệt thực phản đối sự bất nhân đạo của Cộng Sản. Như thường lệ cứ vài tiếng đồng hồ trong đêm, tên vệ binh dộng báng súng vào cửa sắt conex rầm rầm để xem anh Trung còn đó không. Cứ bị đánh thức dậy cả đêm, anh Trung nóng giận hét lên và chửi đỏng:

"Tao ở đây có đi đâu được mà hỏi hoài vậy. Bố mẹ chúng mầy không cho ông ngủ"

Hai tên vệ binh nóng giận, không nói một lời, lên súng AK thay phiên nhau bắn xã vào conex của anh Trung. Đạn bắn vào mảnh sắt văng lửa như đốt pháo ngày Tết hoặc pháo bông nổ đầy trời vào ngày Fourth July ở thủ đô Washington. Chúng bắn đã gần hết đạn. Chiếc conex bây giờ đầy lỗ đạn như chiếc rỗ vớt cá. Một lúc sau không nghe tiếng của anh Trung nữa. Bọn vệ binh tưởng anh Trung đã chết. Chúng mở cửa ra thì thấy anh Trung nằm co bất động ở góc phòng phía xa. Người anh dính đầy máu. Tên vệ binh kéo người anh Trung ra ngoài conex để xem như thế nào.

Tên vệ binh ngạc nhiên khi thấy anh Trung không chết mà chỉ bị thương ở cánh tay và cánh chân. Nghe tiếng súng nổ vang động khu Thành Ông Năm, tên Thượng Ủy tiểu đoàn, các quản giáo và vệ binh chạy đến conex anh Trung xem chuyện gì. Vì có cấp chỉ quy đến nơi, tên vệ binh khát máu không có dịp bắn viên đạn ân huệ cuối cùng vào đầu anh Trung. Thế là anh Trung được thoát chết trong gang tấc và được đưa vào bịnh viện gần đó. Một thời gian sau lành bịnh Trung úy Trung được đưa về trại và nhốt vào conex tiếp. Một anh hùng trong thời bình không bao giờ đầu hàng bọn Cộng sản.

Tiếng gà gáy từ phía xa xa. Tia sáng mặt trời đầu tiên chiếu qua lỗ nhỏ như đinh. Mừng cho bóng đêm không còn ám ảnh tôi nữa. Hừng đông đem lại niềm tin cho một ngày mai.

Bận lo lắng cả đêm nên quên hẳn chuyện tiểu tiện. Sáng nay cảm thấy khó chịu. Cơn mắc tiểu bắt đầu tấn công mãnh liệt. Chịu đựng một thời gian nhưng thất bại, tôi vừa kêu gọi vừa đập tay vào cánh cửa sắt hi vọng tên vệ binh mỡ của cho đi ra ngoài. Kêu mãi rát cổ họng. Đập mãi đau tay quá không thấy ai trả lời.

Càng cố gắng nhịn, bọng đái lại càng muốn nổ tung ra. Chịu không nổi nữa đành phải chạy đến gốc cửa làm đại. Tới đâu hay tới đó. Giải được bầu tâm sự sung sướng như đời lên tiên. Trong chút lát, mùi nước đái bắt đầu xông lên, khai tận óc. Từ khi vào trại cải tạo hơn ba năm, hàng ngày sống quanh những luống rau muống đã quen mùi phân và nước tiểu. Thế mà bây giờ khi ngửi mùi nước tiểu chính cống của mình muốn nhợn cả lên.

Ánh nắng trưa hè vùng nhiệt đới bắt đầu nung nóng cái conex bằng sắt như là ngọn lửa hồng nung sôi nồi nước đặt trên bếp. Mồ hôi bắt đầu ẩm chiếc áo kaki xanh, chiếc áo duy nhất của người cải tạo, che ấm ban đêm, thấm mồ hôi cho người cải tạo ban ngày. Đến trưa nóng quá tôi cởi hết tất cả áo quần ra. Kỳ nầy thành nhà nghèo thứ thiệt. Mồ hôi đổ ra như tắm trong phòng tắm hơi. Tắm hơi miễn phí mà còn than thở gì nữa. Dùng chiếc áo kaki lau mồ hôi thế khăn tắm.

Đã quá giờ trưa chẳng thấy ai đem thức ăn nước uống đến. Bọn Công Sản ác thật. Đói khổ nhưng không khổ bằng khát nước. Không uống rượu nhưng mặt nóng bừng. Mắt có lúc thấy đôm đốm lặp lòe. Trời ơi có lẽ nào mình sắp chết trong chiếc conex vô tình nầy. Tôi chợt mơ về những ngày đi bơi nước ấm trong hồ bơi trường OCS vào mùa đông tuyết phủ vùng Newport. Chợt mơ lúc đi tàu HQ 607 bỏ neo gần những đảo quanh vùng Phú Quốc, Nha Trang. Tôi thường nhảy xuống biển nước trong xanh mát bơi vào bãi biển cát trắng với những hàng dừa xanh cao. Chợt mơ về những ngày đi tuần trên sông Sàigòn, tôi thường có dịp nhảy xuống sông bơi theo chiếc PBR thả trôi theo dòng sông. Nước ngọt mát lịm thấm vào thân người vào giữa trưa hè nóng vùng nhiệt đới.

Đang lúc mơ màng nửa tỉnh nửa mê, hai mí mắt thật nặng trĩu vừa muốn thiếp đi, thình lình nghe giọng nói bên ngoài và nghe tiếng nước tạt vào chiếc conex với tiếng xèo xèo khi nước chạm vào mảnh sắt nóng bỏng vào giữa nắng hè. Hơi nước bốc lên như nước sôi. Tiếng nước tạt vào càng nhiều, tiếng nóng xèo xèo bớt dần đi. Hơi nước bắt đầu chui vào kẽ hở. Một lúc sau, nhiệt độ trong chiếc conex giảm bớt khá đi.

Đến chiều nghe tiếng chìa khóa đang mở cửa. Cánh của mở tung ra. Tên vệ binh dẫn theo một anh cải tạo đem cơm và bình nước cho tôi. Tên vệ binh không cho tôi ra ngoài để tiểu tiện. Khát nước quá tôi vội ôm bình nước uống hơn phân nửa. Ăn xong chén cơm với muối, tôi đưa chén không lại cho anh bạn. Chiếc cửa đóng sầm lại. Đêm kinh hoàng lại đến với tôi.

Đêm thứ hai bắt đầu quen với hoàn cảnh xung quanh, tôi cảm thấy bớt lo sợ so đêm đầu tiên. Tuy thế vẫn không làm tôi quên đi cảnh cô độc lạnh lẽo về đêm. Lo buồn cho thân phận mình. Lo ngại cho chương trình trốn trại của tôi trở thành mây khói khi bị nhốt mãi trong conex nầy.

Gần ba ngày sau, tôi được thả ra trở lại tổ. Mấy người bạn rất mừng khi thấy tôi được ra tù con và thấy tôi sụt đi khoảng ba bốn kilô. Lòng tôi tự hỏi tôi có đủ gan dạ trốn đi không?. Nếu trốn bị bắt lại thì tôi có chịu nổi sự hành hạ trong tù conex nầy?. Tự nghỉ thà bị bắn chết vẫn còn sướng hơn là bị bắt nhốt trong chiếc tù con.

Sau khi trở về tổ, tôi nghe tin Trung úy Thu thuộc tiểu đoàn 2 cải tạo bên cạnh bị nhốt vào conex do tội chống đối. Chiếc conex nhốt anh Thu cách phòng tôi qua một hàng rào. Mỗi chiều sau khi ăn cơm xong, tôi thường chờ xem có bóng dáng anh Thu không. Sau khoảng ba tuần, vào một buổi chiều mặt trời vừa lặn, bỗng thấy anh Thu được tên vệ binh mở cửa conex cho ra đi tiểu tiện. Tôi có gặp anh Thu một tháng trước đây. Anh có thân hình khỏe mạnh như một lực sĩ. Không ngờ chỉ có vài tuần bị nhốt, thân hình anh tiều tụy, mặt mày xanh như tàu lá chuối. Anh không đi được vì bị nhốt khá lâu trong conex thiếu ánh sáng thiếu chất dinh dưỡng. Thấy anh đang bò như đứa bé về phía hàng rào tìm chỗ tiểu tiện. Anh lén nhìn lên và nhận diện tôi với ánh mắt linh hoạt vui tươi như ngày nào. Có lẽ bọn Cộng Sản hành hạ thân thể anh, nhưng chúng không thể nào kềm chế tâm hồn bất khuất của anh. Cảm động và thông cảm cho số phận anh như riêng cho số phận tôi. Chỉ có người trải qua cùng hoàn cảnh đau khổ mới hiểu nhau hơn.

Tôi giật máy cắt cỏ vài ba lần máy bắt đầu chạy. Tiếng máy làm phá động trưa hè êm ả cùng mang tôi trở về hiện tại. Sau vài tiếng đồng hồ đẩy máy đi tới đi lui, cỏ dài bị cắt thấp đều thẳng trông gọn sạch hẳn ra. Ở xứ nầy, nếu để cỏ dài quá, người bạn hàng xóm sẽ nhắc khéo theo kiểu Tây phương thì nghe khó chịu lắm. Có lần nói móc với người bạn hàng xóm:

"Ở bên xứ tao, con người còn coi không quan trọng huống chi vài cọng cỏ lẻ tẻ. Nếu cỏ nhà mầy dài quá sẽ có người tới xin cắt cỏ để đem về cho trâu, bò, ngựa của họ ăn. Làm một công được hai chuyện. Họ dùng lưỡi liềm để cắt không phải tốn tiền xăng nhớt, tiền máy móc gì cả. Thêm nữa, không làm nhiễm độc bầu không khí."

Anh ta ngạc nhiên và chỉ cười khi nghe tôi nói như vậy. Ở đời cũng lạ cái gì mình không thích, không muốn thì cứ đưa đến không. Cái gì mình muốn ham thì không bao giờ tự động có được. Không muốn cỏ mọc thì nó cứ bò lên cao vùn vụt cho bõ ghét. Còn những thứ như rau tươi, cây quả ăn chờ hoài chẳng thấy hoa quả. Mặc dù chăm bón, nuông chiều mà chỉ thấy toàn cỏ dại mọc thôi.

Đang lúc khát nước vì trời nóng quá và mồ hôi đổ ra nhiều, may quá như nắng hạn gặp mưa rào khi được vợ tôi mang ly nước đá chanh lạnh đến. Ngồi xuống thềm đá, tôi uống từng ngụm nước đá chanh lạnh chảy từ từ xuống cuống cổ lan vào tận ngủ tạng. Thật là đã quá. Ước gì có ly nước đá chanh nầy trong lúc bị nhốt trong conex thì có ở thêm vài ngày trong đó cũng không ngại.

Một cơn gió hè thổi nhẹ qua làm dịu bớt phần không khí nặng nề. Nhìn mảnh vườn với cỏ xanh vừa mới cắt tôi tự mãn nguyện cho công trình mình. Hè năm nay không còn nghe tiếng ve sầu như năm rồi. Phải chờ thêm 16 năm nữa mới có dịp nghe tiếng ve trở lại. Thay vào tiếng ve, những tiếng máy cắt cỏ vang vọng xa xa cùng tiếng búa đóng đinh dựng nhà quanh xóm đánh dấu mùa hè đã đến vùng Washington.

Nguyễn Hồng Quang
Hè 2005- Vùng Washington, D.C.