Trần Việt Bắc
LTS: Người Việt chúng ta ai đã đọc và tìm hiểu về
sử thì đều biết là sử nước Việt chỉ được bắt đầu được viết từ thời
nước Việt có tự chủ, nói cho đúng hơn là từ thời Lý. Quyển sử đầu
tiên được viết là Sử ký của Đỗ Thiện, rồi sau đó là Việt Chí của
Trần Chu Phổ, rồi Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu. Những quyển sử
này đã bị thất lạc. Quyển sử đầu tiên còn lại là Đại Việt Sử Ký
Toàn thư (ĐVSKTT) của ông Ngô Sĩ Liên, từ khi lưu hành, đã được
coi là bộ chính sử và được tham khảo bởi nhiều bộ sử khác.Quyển
sử này đã ghi lại được những tài liệu trong sách của ông Lê Văn
Hưu để chúng ta - hậu thế- có thể biết được những việc đã xảy ra
trong quá khứ của tộc Việt. . Bộ sử này đã viết lại những việc
từ ngày lập quốc của nước Việt, thời điểm cả ngàn năm trước khi
ĐVSKTT được viết.Từ thời dựng nước mơ hồ với những truyền thuyết,
rồi sau đó là hàng chục thế kỷ bị đô hộ, nào có ai ghi lại những
việc đã xảy ra! (Mà nếu có ghi chép lại cũng sẽ bị thiêu hủy bởi
những kẻ chiếm đóng; vì khác với quan niệm của họ!).
Những sự kiện thành văn, ĐVSKTT một phần lớn đã tham khảo từ các
sử sách của Trung Quốc. Tuy nhiên đây là những văn bản đầy thành
kiến, theo quan niệm của một quốc gia thống trị viết về một quốc
gia bị trị, thí dụ như Hậu Hán Thư quyển 116 chép về văn hóa của
người Lạc Việt như sau: "Người Giao Chỉ không
phân biệt trưởng ấu... Không biết lễ giá thú, chỉ theo dâm hiếu mà không biết
tình cha con, không biết đạo vợ chồng, ..." (trích
từ Việt Sử Toàn Thư của sử gia Phạm Văn Sơn) . Đây là những câu
viết của người có quan niệm thống trị, tác giả là Phạm Việp.
Ông ta không hiểu phong tục người Việt xứ Âu Lạc, cũng như không
tìm hiểu thêm; để viết về một dân tộc có văn hoá và truyền thống
khác hẳn Trung Quốc, nhận định theo quan điểm riêng, thiếu sự
khách quan của một người viết sử.
Bởi thế, sau khi tham khảo chúng ta chỉ nên lấy những sự kiện
- sự kiện mà thôi -của các sử gia Trung quốc cho thời khuyết
sử của tộc Việt. Sau đó phải so sánh các sự kiện này với sự kiện
khác, kiểm chứng và rút tỉa ra những điều không bị cảm tính chi
phối, may ra chúng ta mới biết được đâu là sự thật của quá khứ
đã được ngoại bang ghi chép. Vì thế chúng ta phải rất thận trọng
khi tham khảo cổ sử của Trung Quốc để tìm hiểu về sử nước nhà.
Từ những tham khảo này, bộ ĐVSKTT đã dựng nên một quá khứ của
tộc Việt cho thời khuyết sử mà một phần lớn đã tham khảo từ sử
liệu của Trung Quốc. Điều này đã gây nên nhiều nghi vấn cho hậu
hậu thế!
Hậu thế chúng ta may mắn có được những phương tiện truyền thông
tân tiến. Tham khảo sử liệu qua "internet" là một việc hết sức dễ dàng - nếu chúng
ta muốn làm - ai cũng có thể tra cứu những tài liệu, mà ngày xưa, tiền nhân mong
muốn nhưng không tìm được. Bằng chứng là rất nhiều người đang bàn thảo về sử
Việt trong các diễn đàn ở các "Web site" khác nhau. Người
viết cũng chỉ là một trong những người đang làm việc này, hoàn
toàn làm theo sở thích và vì sự tò mò, với mong muốn được hiểu
biết thêm về sử Việt. Biết đâu có thể góp ý cho những bạn đọc cùng
sở thích, và đặc biệt là có thể cống hiến cho các bạn trẻ muốn
tìm hiểu về sử Việt.
Dù sự hiểu biết về sử rất giới hạn và cũng không biết lượng sức
(hiểu biết về Hán học của người viết rất là thô thiển!), nhưng
cũng cố gắng tìm câu trả lời để mong biết đâu là sự thật (!) cho
những câu hỏi về nguồn gốc của mình, (với sự trợ giúp của các nhu
liệu thông dịch (1) cũng
như bộ tự điển Hán Nôm của Thiều Chửu và những "chức năng" (function)
của "Word").
Mong mỏi được học hỏi thêm từ các học giả thông hiểu về sử học
cũng như Hán học.
----------------------------------------------
Đại Việt Sử Ký Toàn
thư là bộ chính sử của nước Việt, được viết lại với nhiều truyền
thuyết của nhân gian và những tham khảo từ cổ sử của Trung Quốc
cho thời gian khuyết sử của nước Việt, như Sử Ký của Tư Mã Thiên,
Hán Thư của Ban Cố, Hậu Hán Thư của Phạm Việp cùng các bộ sử khác.
Tuy nhiên ĐVSKTT đã có nhiều vấn đề khi tham khảo từ những sử liệu
này. Như sử liệu bị chi phối vì hoàn cảnh và cảm tính của các sử
gia, cùng những sự kiện đôi khi mâu thuẫn đã được nêu lên trong
cổ sử của Trung Quốc. Việc này đã gây nên những tham khảo vòng
quanh và sự suy đoán theo những chiều hướng khác nhau đầy hoang
mang của hậu thế. Rồi những giả thuyết được đưa ra những tranh
luận triền miên.
Bài viết này, người viết xin nêu lên vấn đề tương quan giữa Giao Chỉ,
tức là cổ Việt và Tượng Quận thời Tần để mong có sự
góp ý của các bậc thức giả, ngõ hầu chúng ta có thể hiểu biết
thêm về vấn đề nan giải này trong sử Việt .
ĐVSKTT: [i]Đinh Hợi, năm thứ 44 [214 TCN], (Tần Thủy Hoàng năm thứ 33). Nhà
Tần phát những người trốn tránh, người ở rể người đi buôn, ở các đạo ra làm binh,
sai hiệu úy Đồ Thư đem quân lâu thuyền, sai Sử Lộc đào ngòi vận lương, đi sâu
vào đất Lĩnh Nam, đánh lấy miền đất [b]Lục Dương [/b] (2), đặt các quận Quế Lâm,
Nam Hải và Tượng Quận (tức là An Nam) ; ...".
Sau đó là An Nam Chí Lược của Lê Tắc (Trắc), 1335, được in bởi
Viện Đại Học Huế, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt nam, 1961. Được
chuyển qua ấn bản điện tử bởi các ông Công Đệ, Doãn Vượng, Lê Bắc
năm 2001: "QUYỂN ĐỆ NHẤT, Tống Tự.
Nhà Tần (246-207 trước công nguyên) lấy Giao Chỉ làm Tượng-Quận;...".
Theo như trích dẫn trên thì An Nam (cổ Việt gồm Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật
Nam) là Tượng Quận thời Tần. Câu viết này đã nêu lên
một số nghi vấn cho các sử gia. Rồi từ nghi vấn này dẫn đến những
nghi vấn khác cùng với các giả thuyết khác nhau. Điều này đã
gây nên nhiều khó khăn cho sự tìm hiểu về sử Việt cho hậu thế
- mà người viết là một.
1- Quan tâm của các sử gia về vấn đề Giao Chỉ và Tượng
quận.
Đại Việt Sử Cương (ĐVSC) của sử gia Trần
Gia Phụng, tập 1, trang 74:
"1. Trung Hoa xâm chiếm cổ Việt. ... . Năm 214 TCN
(đinh hợi), Tần Thủy Hoàng Đế (Ch'in Shih Huang-ti, trị vì 221-210 TCN) sai
Đồ Thư và Sử Lộc cầm quân tiến xuống phía nam, vượt sông Dương Tử, chiếm vùng
đất mà người Trung Hoa gọi là vùng Bách Việt, lập ra 3 quận là Quế Lâm (Kueilin,
nay là vùng bắc và đông Quảng Tây), Nam Hải (Nanhai, tức Quảng Đông) và Tượng
Quận (Hsiang, vùng Bắc Việt ngày nay)" .
Mặc dù ông Trần Gia Phụng viết là quân Tần xâm chiếm cổ Việt vì
Tượng Quận là vùng Bắc Việt ngày nay, nhưng trong ghi chú số 27,
trang 65, ông đã nêu lên vấn đề như sau:
[i]" Toàn Thư cũng như các bộ sử khác, kể cả Cương Mục
chép theo các bộ sử Trung Hoa việc tướng nhà Tần đã chiếm đất Lĩnh
nam và đặt ra các quận Quế Lâm (nay là vùng bắc và đông bắc Quảng
Tây), quận Nam Hải (nay là Quảng Đông) và Tượng Quận (vùng cổ Việt)
năm 2q14 TCN. Sau đó toàn thư và các bộ sử cũ của nước ta lại [b]viết
thêm[/b] (tvb: do tác giả tô đậm) rằng: Lúc đó, tại cổ
Việt có triều đại An Dương Vương (trị vì 257-208TCN). Về các sự
kiện liên quan đến triều đại An Dương Vương, các câu hỏi được đặt
ra là: Thục Phán, người nước Ba Thục ở tận Tứ Xuyên (Sichuan),
Trung Hoa, sao có thể qua tới cổ Việt để đánh Hùng Vương? [Phía
bắc của Bắc Việt là hai tỉnh Vân nam (Yunnan) ở tây bắc và Quảng
Tây (Giangxi) ở đông bắc. Phía bắc hai tỉnh này mới là Tứ Xuyên.]
Chuyện nỏ thần có thể là lịch sử hay không? Cuối cùng,[b] nếu
năm 214 TCN cổ Việt bị quân Hán chiếm và đổi thành Tượng Quận[/b] rồi,
thì cần gì Triệu Đà phải đánh lần nữa vào các năm 210 TCN và 208
TCN? Vậy phải chăng chuyện An Dương Vương chỉ là truyền thuyết".[/i]
Một lần nữa, trong ghi chú số 5, trang 100, ông lại nêu lên sự
quan tâm của mình:
[i]" .... . Ở đây có một điểm trong các sách sử cũ cần
cẩn án: 1) Nếu theo các bộ sử cũ, năm 214TCN, Đồ Thư và
Sử Lộc chiếm đất Lĩnh Nam (phía nam núi Ngũ Lĩnh) lập ra 3 quận
Quế Lâm, Nam hải và Tượng Quận,[b] mà Tượng Quận bao gồm
cả cổ Việt,[/b] thì tại sao các bộ sử cũ còn chép rằng
Triệu Đà hai lần đánh cổ Việt, năm 210 TCN và năm 208 TCN? Nếu
Triệu Đà phải đem quân đi đánh cổ Việt,[b] có nghĩa là
lúc đó người Trung Hoa chưa chiếm được cổ Việt.[/b] 2)
Thứ nhì, nếu cổ Việt đã rơi vào tay Đồ Thư từ năm 214 TCN, thì
chuyện An Dương Vương dùng nỏ thần để chống cự với Triệu Đà chỉ
là chuyện truyền thuyết không có thật". [/i]
Vậy nếu Tượng quận gồm cổ Việt thì sử liệu nói về An Dương Vương chỉ
là truyền thuyết!
Việt Nam Sử Lược (VNSL) của sử gia Trần Trọng Kim,
ấn bản đầu tiên năm 1921, được in lại bởi nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin, 1999,
trang 29:
" 3. Nhà Tần Ðánh Bách Việt. Khi An
Dương Vương làm vua nước Âu Lạc ở bên này, thì ở bên Tàu vua
Thủy Hoàng nhà Tần, đã nhất thống thiên hạ. Ðến năm đinh hợi
(214 trước Tây lịch). Thủy Hoàng sai tướng là ÐồThư đem quân
đi đánh lấy đất Bách Việt (vào quãng tỉnh Hồ Nam, Quảng Ðông
và Quảng Tây bây giờ). An Dương Vương cũng xin thần phục nhà
Tần.Nhà Tần mới chia đất Bách Việt và đất Âu Lạc ra làm ba quận,
gọi là: Nam Hải (Quảng Ðông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng
Quận (Bắc Việt (2)).
Người bản xứ ở đất Bách Việt không chịu để người Tàu cai
trị, trốn vào rừng ở. Ðược ít lâu quân của Ðồ Thư, vốn là người
ở phương bắc, không chịu được thủy thổ, phải bệnh rất nhiều.
Bấy giờ người Bách Việt thừa thế nổi lên giết được Ðồ Thư".
Theo sử gia Trần Trọng Kim; thì Bắc Việt (cổ Việt) là Tượng quận
thời nhà Tần.
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt (NGMLCDTV)
1971, được in lại bởi nhà xuất bản Xuân Thu, Los Alamitos California.
Tác gỉa là nhà văn và cũng là học giả Bình Nguyên Lộc. Đây là một
bộ sách khá dầy, nặng phần khảo cứu về ngữ pháp, gần 900 trang
(khổ nhỏ) . Tác giả đã viết một đoạn khá dài (từ trang 221 đến
trang 287) trong chương 2: " Những sai lầm", tiết
mục D: "NƯỚC TÂY ÂU MƠ HỒ VÀ TƯỢNG QUẬN BÍ MẬT", để
nói về sự phản tương quan giữa cổ Việt và Tượng Quận. Ông đã đưa
ra những nhận xét (với cách hành văn châm biếm và đôi khi hài hước
của một văn sỹ, cùng với những kiến thức của một học giả uyên bác
về ngữ học, phê bình về những sử liệu mà theo ông là ngụy tạo,
đây là một điều rất hào hứng cho người viết!) để nói lên những
sai lầm về giả thuyết của các học giả như: L. Aurousseau, H. Maspéro,
Trần Kinh Hòa, Nguyễn Phương,... . Sau đó ông dùng "4 bằng
chứng", đặc biệt là bằng chứng thứ 4, đã được coi là bằng
chứng "quyết định" để ông có thể đi đến những kết luận
như sau:
Trang 283:
" Với câu sử của Tư Mã Thiên và Lưu An (3) và
những gì chúng tôi đưa ra để bác bỏ các thuyết, ta đã làm sáng tỏ được:
1.- Tần không hề đánh xuống khỏi Hạ-chí -Tuyến Bắc, tức Tây Âu
không là cổ Việt.
2.- Tâu Âu Lạc là một địa danh hoàn toàn không có.
3.- Huyện Tây Vu không thể là nước Tây Âu hùng mạnh.
4.- Thượng du tả ngạn Nhĩ Hà không thể là nước Tây Âu hùng mạnh.
5.- Trạch Hu Tống là vua của Tây Âu, theo Lưu An chép. Khi Tây Âu không
là Bắc Kỳ, không là Thượng du Bắc Việt thì Trạch Hu Tống (4) chẳng
dính líu gì tới cổ Việt hết.
6.-Tượng Quận không hề là Bắc Kỳ, vì Tần Thỉ Hoàng không
có chiếm Tượng Quận.
7.- Không có chánh sách trồng người tại cổ Việt Nam để đẩy dân Việt nam vào
thế thiểu số."
Đặc biệt là trong chương này ông cũng đã đưa ra một giả thuyết
khá lý thú về nguồn gốc của An Dương Vương, tuy nhiên đây không
phải là trọng tâm của đề tài, nên người viết hy vọng có thể sẽ
trình bày vấn đề này trong một bài viết khác trong tương lai.
Việt Sử Toàn Thư (VSTT) của sử gia Phạm
văn Sơn, ấn bản đầu tiên năm Canh Tí (1960), tái bản bởi nhà xuất
bản Đại Nam, tủ sách sử học, trang 50:
" Về Tượng Quận, Việt Nam Sử Lược chép là Bắc Việt . Chúng
tôi không đồng ý vì Bắc Việt khi đó là Âu Lạc đã thành
Tượng Quận thì sau nầy đâu có sự kiêm tính của Triệu Ðà bằng
binh đao, chúng tôi cũng không thấy sách nào nói như
Việt Nam Sử Lược rằng An Dương Vương đầu phục nhà Tần để quyết
định rằng vì sự thần phục nầy mà Âu Lạc biến thành Tượng Quận.
Tóm lại ảnh hưởng của nhà Tần bấy giờ chỉ mới đến địa phận
Tây Âu là tỉnh Quảng Tây và miền Uất Lâm cùng Nam Hải. Sau
đó Tần triều phái 50 vạn người tù đầy đến chiếm đóng các nơi
đã cướp được để bảo vệ bộ máy cai trị vừa mới thiết lập".
Ông Phạm Văn Sơn cũng đưa ra thêm ghi chú ở cuối trang 50 này
như sau:
"Theo Trúc Khê tiên sinh: Sử ta nói Tượng Quận nhà Tần
là đất Bắc Kỳ. Trung Kỳ bây giờ, song so sánh địa lý và dẫn chứng
với các sách thì Tượng Quận chính thuộc về một phần đất của tỉnh
Quảng Tây nước Tần ngày nay. Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng
Kim nói Tượng Quận là đất Bắc Kỳ có thể không đúng..
Sử gia Phạm Văn Sơn đã không đồng ý Giao Chỉ là Tượng quận,
tuy nhiên ông không đưa ra những chứng minh qua sử liệu để
phản bác vấn đề Giao Chỉ là Tượng quận thời Tần
Vậy qua sử sách hiện đại và cận đại, chúng ta thấy vẫn đang có
những sự mâu thuẫn. Sự việc đã dẫn tới nghi vấn lớn và khó hiểu
hơn nữa là xuất xứ của An Dương Vương. Nhiều giả thuyết đã nêu
lên về vấn đề này, tác giả ĐVSKTT- ông Lê Văn Hưu và sau đó là
ông Ngô Sỹ Liên cùng các sử gia khác trong các thời sau - đã đặt
làm một thời kỳ riêng là "Kỷ nhà Thục, An Dương Vương" trong
sử Việt. Điều này làm cho hậu thế hoang mang, vì không biết đâu
là sự thật của lịch sử!
2- Giao Chỉ và Tượng quận qua thư tịch cổ (5) của
nước Việt
Ngược dòng thời gian, người viết xin trích dẫn những tài liệu
trong thư tịch có liên quan đến vấn đề Giao Chỉ và Tượng quận.
Phương Đình Địa Dư Chí (PĐĐDC)của Nguyễn
Văn Siêu (6), "lần
đầu in bằng chữ Hán vào năm Canh Tý (1900), niên hiệu Thành Thái
thứ 12", tái bản bởi nhà xuất bản Văn Hoá - Thông Tin,
trang 28: "Nhật Nam thái thú: Vua Hán Vũ đế đổi Tượng
quận nhà Tần là Nhật Nam. Nhà Ngô lại đặt là quận Cửu
Đức. ...".
Ông Nguyễn Văn Siêu cho là Nhật Nam thuộc về Tượng quận (Nhật Nam
ở xa hơn về về phía nam so với Cửu Chân và Giao Chỉ).
Đại Nam Nhất Thống Chí (ĐNNTC) của Quốc Sử Quán triều
Nguyễn, nhà xuất bản Thuận Hoá, khi viết về các tỉnh miền trung châu Bắc Việt
đã viết như sau (thí dụ điển hình là tỉnh Bắc Ninh)":
"Dựng đặt và diên cách. Đời Hùng Vương xưa là bộ Vũ Ninh, đời
Tần thuộc Tượng quận, đời Hán thuộc quận Giao Chỉ, tức là đất hai
huyện Luy Lâu và Long Biên, ....".
Các sử quan triều Nguyễn vẫn coi Bắc Việt (cổ Việt) là Tượng quận
đời Tần.
Vân Đài Loại Ngữ (VĐLN) của Quế Đường Lê Quí Đôn do
Phạm Vũ và Lê Hiền dịch và chú giải, xuất bản bởi nhà sách Tự Lực, trang 167:
" Đời An Dương Vương, quân nhà Tần sang đánh cướp lấy miền đất Lục-lương
của Nam Việt (người Lĩnh-nam phần nhiều ở vào khoảng đất núi, tính người cương
cường nên gọi là Lục Lương), đặt ra các quận: Quế -lâm; Nam hải; Tượng -quận
(Quế -lâm nay là Quảng-tây; Nam-hải nay là Quảng-đông; Tượng-quận nay
là nước ta).
Qua trích dẫn trên, ông Lê Quí Đôn cũng đã viết Tượng quận là cổ
Việt.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KKĐCSTGCM hay
Cương Mục) . Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn thảo (1856-1881). Viện Sử Học dịch
(1957-1960). Nhà xuất bản Giáo Dục (Hà Nội) ấn hành 1998. Trong quyển 1: đề
tài "Hùng Vương dựng nước" viết như sau:
" Năm Đinh Hợi (214 tr.c.ng.) (Thục An Dương Vương năm thứ 44; Tần
Thủy Hoàng năm thứ 33). Nhà Tần sai Đồ Thư và Sử Lộc sang lấy đất Lĩnh Nam,
đặt ra Tượng quận.
Bấy giờ nhà Tần hám đất Việt có nhiều ngọc trai và ngọc cơ, muốn chiếm
lấy đặt làm quận huyện, mới bắt kẻ trốn tránh, người gửi rể và lái buôn ở các
đạo đi làm lính, sai hiệu úy là Đồ Thư làm tướng, Sử Lộc thì khơi cừ lấy lối
tải lương, đi sâu vào cõi Lĩnh Nam, cướp lấy đất Lục Lương, đặt ra Quế Lâm,
Nam Hải và Tượng Quận để đày những kẻ phải đi thú . Người Việt bấy giờ đều
rủ nhau núp vào trong rừng rậm, không ai chịu để cho người Tần dùng. Lại ngầm
bầu những người tài giỏi lên làm tướng, đánh nhau với người Tần, giết được
hiệu úy Đồ Thư.
Lời chua: .... Quế
Lâm, Nam Hải, Tượng quận: Theo sách Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi nhà
Tống, ba quận ấy là đất Bách Việt ngày trước, từ Tần Thủy Hoàng lấy được thiên
hạ, mở núi dọn đường, cướp lấy đất Dương, Việt, đặt ra Nam Hải, Quế Lâm và
Tượng Quận. Bây giờ tỉnh Quảng Tây tức là Quế Lâm, tỉnh Quảng Đông tức là Nam
Hải, đất Giao Chỉ tức là Tượng Quận đời Tần.".
Các sử quan triều Nguyễn nói cổ Việt là Tượng quận thời Tần.
Việt Sử Tiêu Án, soạn giả: Ngọ Phong Ngô
Thời Sỹ 1775. Dịch giả: Hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa
Á Châu 1960. Nhà xuất bản: Văn Sử 1991. Chuyển sang ấn bản điện
tử bởi: Công Đệ, Doãn Vượng, Lê Bắc 2001. Kỷ: Ngoại Thuộc: Nhà
Triệu, Triệu Đà .
"Nhà Tần cho là nước Việt ta nhiều châu
báu, muốn chia nước ta ra làm quận huyện, sai Hiệu úy là Đồ Thư
mang quân vào sâu mãi Lĩnh Nam lấy đất Lục Lương đặt
ra Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận 1. Người Việt
ta đều chạy trốn vào trong rừng rậm, không chịu để cho
nhà Tần dùng, ngầm đặt Kiệt Tuấn làm tướng, đương đêm đánh Đồ
Thư, nhà Tần bèn mang 500 vạn dân phát vãng đi đày sang ở đó,
cử Nhâm Ngao làm quan Úy ở Nam Hải, Triệu Đà là quan lệnh Long
Xuyên".
Không thấy ông Ngô Thời Sỹ nói rõ về việc Giao Chỉ là một phần
của Tượng quận, nhưng chữ "nước Việt ta" và
"người Việt ta" đã nói lên việc quân Tần đã
tấn công cổ Việt.
Khi nói về thời Triệu Đà ông viết như sau:
"Xét sử cũ: An Dương Vương mất nước, để quốc thống về
họ Triệu, chép to 4 chữ: "Triệu Kỷ Vũ Đế". Người đời
theo sau đó không biết là việc không phải. Than ôi! Đất
Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là Đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân,
Nhật Nam. Triệu Đà khởi ở Long Xuyên, lập quốc
ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc
quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước
ta" .
Qua câu viết này, dù không trực tiếp viết ra, nhưng người viết
cho là ông cũng đã gián tiếp công nhận Giao Chỉ nằm trong
Tượng quận.
Ở cuối trang, dịch giả viết trong ghi chú 1 như sau: "1
Tượng Quận. Quận do nhà Tần đặt, song chỉ có tên, chưa có đất và
chưa có bộ máy hành chính cấp quận. Xưa nay nhiều người
lầm Tượng Quận bao gồm cả đất Việt Nam ngày nay."
Đại Việt Sử Ký Tiền Biên của ông (Ngô Thời Sỹ) cũng
viết: "Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là Đất Việt Giao
Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam". Người viết xin đặt câu hỏi về
đoạn văn này.
[b]Đại Việt Sử Ký Toàn Thư[/b] (ĐVSKTT quyển 1, trang
138) viết như sau (với ghi chú số 2 và 3, của người dịch):
[i]Đinh Hợi, năm thứ 44 [214 TCN], (Tần Thủy Hoàng năm thứ
33). Nhà Tần phát những người trốn tránh, người ở rể [8b] người
đi buôn, ở các đạo ra làm binh, sai hiệu úy Đồ Thư đem quân lâu
thuyền, sai Sử Lộc đào ngòi vận lương, đi
sâu vào đất Lĩnh Nam, đánh lấy miền đất [b]Lục Dương [/b] (2)
(7), đặt các quận
Quế Lâm (nay là huyện Quý của đất Minh, Quảng Tây), Nam Hải (nay
là tỉnh Quảng Đông) và Tượng Quận (tức là An Nam) ;
cho Nhâm Ngao làm Nam Hải úy, Triệu Đà làm Long Xuyên lệnh (Long
Xuyên là thuộc huyện của Nam Hải), đem những binh phải tội đồ
50 vạn người đến đóng đồn ở Ngũ Lĩnh, Ngao và
Đà nhân đó mưu xâm chiếm nước ta.
(Chuế tế: con trai không có tiền nộp sính lễ, lấy thân ở gửi nhà
vợ nên gọi là chuế tế [ở gửi rể] như cái bướu ở mình người ta,
là vật thừa. Lục Lương là người Lĩnh Nam phần nhiều ở chỗ núi rừng,
trên cạn (lục), tính người mạnh tợn (cường lương) nên gọi là[b] Lục
Lương [/b]). [/i]
Câu hỏi được đặt ra: Tượng Quận bao gồm cổ Việt hay ở
ngoài cổ Việt ? Đâu là sự thật của lịch sử ?
3- Tìm hiểu nguồn gốc của vấn đề.
Chúng ta cũng biết rằng, thư tịch hay các sách về sử của nước Việt
chỉ được viết ra từ thời Lý. Đầu tiên là Sử Ký của Đỗ Thiện (8),
Việt Chí của Trần Chu Phổ (9),
Đại Việt Sử Ký cuả Lê Văn Hưu (10)(những
sách này đã bị thất lạc), Đại Việt Sử Lược của tác giả Khuyết Danh
(11), ĐVSKTT của Ngô Sĩ Liên, v.v.... Những sách này đã tham khảo
và lấy những sử liệu từ những bộ sử của Trung Hoa như sách Hoài
Nam Tử của Hoài Nam Vương Lưu An (trình cho Hán Vũ Đế năm 139 TCN),
Sử Ký của Tư Mã Thiên (năm 97 TCN), Hán Thư của Ban Cố (khoảng
năm 92, là năm ông này bị chết trong ngục, bộ sử này sau đó đã
được hoàn tất bởi cô em gái là Ban Chiêu), Hậu Hán Thư của Phạm
Việp ( khoảng trước năm 445 là năm ông này bị giết) v.v... . Tuy
nhiên khi tham khảo những sử liệu được viết từ một quốc gia "thống
trị"; để viết sử cho một quốc gia đã qua một thời gian "bị
trị", các sử gia phải vô cùng cẩn thận, từ việc so sánh các
sử liệu về việc đồng nhất của các sự kiện, còn phải phân tách,
phán đoán, lý giải để tìm hiểu sự thật của lịch sử. Vì các sử gia
của quốc gia thống trị đã viết sử theo quan niệm của họ, nhiều
khi đến độ sai lầm vì nhiều lý do khác nhau. Nếu những tham khảo
được lấy từ những điều chủ quan hay sai lầm để viết sử nước nhà,
hậu thế sẽ đọc được những sự việc trong quá khứ với đầy nghi vấn
và hoang mang với câu hỏi đâu là sự thật ?
Sử gia Phạm Văn Sơn đã nêu ra vấn đề là cổ Việt (hay Giao Chỉ và
Cửu Chân) không phải là Tượng quận thời Tần, dù trong các thư tịch
và cổ sử của nước Việt cũng như cận và hiện đại đều nói như thế.
Người viết đã trích dẫn đoạn văn của ĐVSKTT nói về Tượng Quận: "... đặt
các quận Quế Lâm (nay là huyện Quý của đất Minh, Quảng Tây)30,
Nam Hải (nay là tỉnh Quảng Đông) và Tượng Quận (tức là
An Nam) (3) ".
Đoạn văn với cước chú số (3) trang 138, tập 1 viết như sau:
"3 Tượng Quận: tên quận đời Tần mà trước đây nhiều sách sử của ta
và của Trung Quốc đều chú giải là quận Nhật Nam, hay bao gồm cả ba quận Giao
Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thời Hán, tức đất An Nam. Thuyết đó
là dựa vào một câu cước chú của Hán Thư (q.28 hạ, tr. 11a) về quận Nhật Nam
thời Hán: "Quận Nhật Nam - quận Tượng thời Tần ngày trước".
Nhưng từ cuối thế kỷ XIX, thuyết đó đã bị phê phán. Chính Hán thư phần Bản
Kỷ (q.7 tr.9a) chép rõ rằng: "Năm thứ 5 hiệu Nguyên Phương (76
TCN), bãi bỏ quận Tượng, chia đất".
Dù đây chỉ là cước chú (12) trong
ĐVSKTT, nhưng tài liệu này đã chỉ ra manh mối cho người viết, đã
giúp rất nhiều cho việc tìm hiểu về cội nguồn của vấn đề.
Hán Thư, quyển 28 (13) "Địa
lý chí đệ bát hạ" viết về quận Nhật Nam như sau : "Quận
Nhật Nam, là Tượng Quận cũ thời Tần .... . Thuộc Giao Châu"
Hán Thư, quyển 7 (14) " Thiệu
Đế kỷ đệ thất" viết về việc bãi bỏ Tượng quận và chia
quận này làm hai, sát nhập vào hai quận Uất Lâm và Tường Kha : "Mùa
thu, bãì bỏ Tượng Quận, chia và sát nhập vào Uất Lâm, Tường Kha".
Hai quận Uất Lâm và Tường Kha ở phía đông bắc tỉnh Quảng Tây và
một phần của Tứ Xuyên, rất xa quận Nhật Nam, nên khó có thể nghĩ
rằng Nhật Nam là Tượng Quận thời Tần. Vì thế người viết nhận thấy vấn
đề về "Giao Chỉ và Tượng quận" bắt nguồn từ việc tham
khảo sử liệu trong Hán Thư của Ban Cố. Bộ sử này; hai
quyển 7 và 28 đã nêu lên mâu thuẫn về vấn đề Tượng Quận và Giao
Chỉ. Vì chỗ toạ lạc của hai địa danh này ở quá xa nhau.
Câu hỏi được đặt ra:
- Tượng Quận thời Tần nằm ở đâu? Ở phía tây bắc Quảng Tây ngày nay;
hay kéo dài xuống phía nam tới tận quận Nhật Nam, và bao gồm cả Giao Chỉ là
nước Việt cổ ?
- Giao Chỉ có bị quân Tần đánh và chiếm đóng không?
Bởi vì nếu Giao Chỉ là Tượng Quận hay nằm trong Tượng Quận thì
Giao Chỉ đã bị quân Tần đánh và chiếm đóng. Còn như nếu Giao Chỉ
nằm ngoài Tượng Quận thì Giao Chỉ không bị quân Tần xâm lăng, vì
chỉ có thể chiếm đóng sau khi đã thành công trong việc dùng võ
lực để xâm lăng.
Theo thiển ý, để hiểu rõ về một biến cố xảy ra, chúng ta cần ba
yếu tố chính. Đó là nhân vật, thời gian và không gian (địa điểm).
Các sử liệu đã đưa ra tên của nhân vật, thời gian, và địa điểm
- nơi đã xảy ra những diễn biến này . Tuy nhiên tên những địa điểm
nơi xảy ra biến cố đã bị biến đổi theo thời gian; cũng như qua
các triều đại. Vì vậy, hậu thế rất khó có thể mường tượng được
những nơi liên quan đến biến cố này nếu không có họa đồ để tham
khảo.
1. "HanoConv1.0", "Hanosoft".
Xin thành thật cám ơn các quý vị trong hội Hán Nôm đã thiết
lập nên những nhu liệu này và cho phép xử dụng miễn phí. Không
có các nhu liệu này thì bài viết này sẽ không thể hoàn tất!.
2. Trong ấn bản
điện tử hiện đang lưu hành trên internet ghi là "Tượng
Quận (Bách Việt)". Tuy nhiên người
viết thấy trong bản chính (sách), ông Trần Trọng Kim viết là " Tượng
Quận (Bắc Việ)t" .
3. Lưu An viết
sách Hoài Nam Tử. Người viết sẽ viết thêm về nhân vật này trong
phần sau của bài viết.
4. Nhiều sách
viết là Dịch Hu Tống. Người viết sẽ dùng tên này.
5. Người viết
mạn phép gọi là "thư tịch cổ" cho những tài liệu
từ thời nhà Nguyễn trở về trước là những thư tịch viết bằng
Hán tự.
6. Nguyễn Văn
Siêu sinh năm Kỷ Mùi ( 1799), tự là Tốn Ban, hiệu là Phương
Đình, người làng Lủ ( Kim Lũ), huyện Thanh Trì, Hà Nội. Văn
nhân nổi tiếng cùng thời với Cao Bá Quát với câu đối khen
tặng của vua Tự Đức:
"Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán,
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường"
Tùng: Tùng Thiện vương. Tuy: Tuy Lý Vương.
7. (2) ĐVSKTT
: Đây viết là Lục Dương, cuối câu viết là Lục Lương .
Sử Ký của Tư Mã Thiên trong “Nam Việt Úy Đà liệt truyện viết
là Dương Việt. Cũng trong Sử Ký, phần Tần Thủy Hoàng bản kỷ
viết là Lục Lương. Vậy theo thiển ý, tác giả ĐVSKTT gồm hai
chữ Lục Lương và Dương Việt thành chữ Lục Dương ở đây.
8. Sử Ký của
Đỗ Thiện được viết sau năm 1135, khoảng dưới triều Lý Anh Tông
(1138-1175).
9. Quyển sử này
được viết trước sách Đại Việt Sử Ký (1272) của Lê Văn Hưu.
10. Đại Việt
Sử Ký (ĐVSK) của Lê Văn Hưu, gồm 30 quyển, hoàn tất năm 1272.
11. Đầu thời
nhà Trần, người viết phỏng đoán là sách này được viết trong
khoảng thời gian từ 1234 đến 1258.
12. Trang mở
đầu của bộ ĐVSKTT : " ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ. Bản in
Nội các quan bản. MỘC BẢN KHẮC NĂM CHÍNH HÒA THỨ 18 (1697).
tập 1. Lời giới thiệu: Giáo sư Viện sĩ: Nguyễn Khánh Toàn.
Khảo cứu về tác gỉa, văn bản và tác phẩm: Giáo sư Phan Huy
Lê. Dịch và chú thích: Ngô Đức Thọ. Hiệu đính:
Giáo sư Hà Văn Tấn. NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI, HÀ NỘI -
1998
14. Hán Thư
quyển thất. Thiệu Đế kỷ đệ thất : "thu , bãi Tượng
quận, phân thuộc Uất Lâm, Tường Kha".Hán thư của
Ban Cố, quyển 7 viết:[i] "Thu , bãi Tượng Quận, phân
thuộc Uất Lâm,Tường Kha [/i]
|