SỐ 34 - THÁNG 4 NĂM 2007

 

Thơ

Về biển
24 Phạm Hồng Ân
Em vẫn là đêm
24
Huỳnh Kim Khanh
Vọng quốc

23
Trần Việt Bắc
Hoài sầu thụy nhân
21
Ưu Du
Chuyện cũ
21Ngọc Trân
Một lần đi

18
Tôn Thất Phú Sĩ
Nghe hồn bay bổng
18
Kim Thành

Truyện ngắn, Tâm bút

Ngã ba sông
14
Phạm Hồng Ân

Trại tỵ nạn Kuantan
14
Nguyễn Hồng Quang
Tháng tư trong mắt học trò
13
Hoàng Mai Phi

Nhánh hoa khô
14
Cỏ Biển

Ăn chơi
15
Xuân Phương

Dưới vùng cỏ non
8Ưu Du

Như cơn gió thoảng
8Võ Thị Đồng Minh
Một chuyến công tác
8Hoàng Mai Phi
Phận người
8Song Thao
Hiến tặng
8Nguyên Nhi

Văn học, biên khảo

Giao Chỉ và Tượng Quận
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành (8)
4Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 21

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn
1Ưu Du
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 28

1 Huỳnh Kim Khanh


 

Tháng tư trong mắt học trò

 

Hôm đó,một ngày nắng đẹp, chúng tôi vẫn tới lớp như thường lệ. Cứ đến giờ điểm danh đầu buổi học chúng tội nhận ra có vài đứa bỗng dưng không đến lớp nữa.  Tuy rằng các tin tức chiến sự bất lợi từ mặt trận liên tiếp chạy trên hàng đầu của các báo tại thành phố và trên các làn sóng đài phát thanh, chúng tôi vẫn phải đến lớp học theo thời khóa biểu quy định. Trong khi ấy, mỗi khi chiều xuống, dân chúng chung quanh cư xá của tôi bàn tán xôn xao, các bậc trung niên chụm đầu vào nhau bàn luận các tin tức thu thập từ mọi nơi; trên báo chí, trên đài phát thanh, các đài phát thanh ngoại quốc có chương trình Việt ngữ. Dáng dấp lo âu và sự lo lắng cho những ngày sắp đến hiện rỏ trên gương mặt mọi người, thỉnh thoảng đâu đó có tiếng chép miệng thở dài. Bước vào buổi học với giờ sử địa, các lời giảng của vị giáo sư đứng tuổi có phần lạc lõng, chúng tôi cũng đồng thông cảm cho thầy vì ngay cả tâm tư của chúng tôi cũng không được bình yên để tiếp nhận các lời giảng. Khác với thường lệ, thầy đến lớp không mang theo sách vở, tôi đoán có lẽ hôm nay thầy không soạn bài trước, nhưng với kiến thức sưu tầm sau bao năm dạy học, thầy có thể giảng liên tiếp trong hai giờ học không cần nhìn vào sách vở. Chương trình sử học năm đệ nhị nhấn mạnh về thế giới sử mà điểm chính là hai cuộc thế chiến kèm theo các cuộc cách mạng tại các nước Á châu tiền bán thế kỷ hai mươi. Chúng tôi nghe thầy giảng bài và ghi chép trong uể oải, và có phần miễn cưỡng. Đây là một cảnh khác thường, không biết có phải đây là điềm lành hay dữ. Trong khi, những ngày đầu của niên học chúng tôi hăng hái đặt nhiều thắc mắc, nữa đùa nữa thật và tranh luận trước các đề tài của thầy đưa ra. Chính những trò đùa trong lúc đó mà các chi tiết lịch sử dần dà đã đi vào đầu óc chúng tôi lúc nào không hay. Tiếng chuông reng báo hiệu giờ ra chơi đã điểm,  tiếng anh trưởng lớp từ dãy bàn cuối thét lên trong khô khan " Nghiêm!". Chúng tôi mấy mươi thanh niên đồng đứng dậy chào tiễn thầy ra khỏi lớp, không hiểu vì sao thầy chần chờ vài giây nhìn đám học trò. Bọn học trò không còn pha trò và phá phách như thường lệ, không hiểu vì sao chúng tôi bỗng im lặng đồng tình, một sự im lặng trong thông cảm giữa tình thầy trò trước tình hình đất nước.

Giờ ra chơi hôm đó không còn rộp rịp nữa, mỗi đứa chúng tôi hối hả đi làm vệ sinh cá nhân và trở về lớp học nhanh chóng, chúng tôi để hết tâm trí cho môn vạn vật sắp tới. Trong vòng mười lăm phút ngắn ngủi tôi duyệt lại dàn bài căn bản cho các bài học để chuẩn bị cho bài thi sắp tới. Các học sinh khác cũng lo lắng duyệt lại bài vở, không ai bảo ai nhưng chúng tôi đồng hiểu rằng nếu thiếu điểm để lên lớp đệ nhất thì triển vọng phải xếp bút nghiên và khăn gói ra Đồng Đế càng đến gần kề. Đúng như câu   " Rớt tú tài anh đi trung sĩ ". Giáo sư phu trách vạn vật năm đó của lớp chúng tôi là cô Nhung, với dáng dấp của một nhà mô phạm trong chiếc áo dài, cô đến lớp sớm hơn thường lệ. Chúng tôi,  không ai bảo ai, tự động tiến về chỗ và đứng chào.

Cô khoát tay bảo
-  Chưa tới giờ, các em tự nhiên .

Nhưng mỗi đứa trong chúng tôi không ai rời chỗ, chúng tôi dọn dẹp sách vở trên bàn cho vào hộc tủ và chuẩn bị giấy bút trên bàn. Chúng tôi tiếp tục chuyện trò vẩn vơ, trong phút chốc tôi bắt gặp ánh mắt lo âu buồn bã của cô và chúng tôi liếc mắt ra hiệu cho nhau. Trong trí óc tôi lúc đó, tôi chỉ còn nghĩ đến đề thì mà cô sắp phát ra nên cố tình ngước mắt lên bàn giáo sư  để quan sát. Ngoài xấp đề thi được bao kín trong chiếc phong bì to, tôi nhận thấy cô đang theo dõi các tin tức trên báo, mắt cô nhìn trong xa xăm xuyên qua khung cửa sổ. Gió hây hây thổi vài sợi tóc dài trên vai cô. Bất chợt cô quan sát chúng tôi, hằng mấy mươi con mắt đang hướng về bàn giáo sư, chậm rãi cô tìm đôi kính râm và đeo vào. Thằng bạn ngồi phía sau lưng tôi khẽ nói..

 - Chết rồi. Bả đeo kính râm thì mình hết đường "quay phim" 

Sau vài giây bỗng cô dùng khan mu xoa lau mũi 

- Ủa ! Thằng nào làm cô khóc vậy ? Chết tươi à nghen..!
Bọn tôi ngớ ngẩn nhìn nhau

Chúng tôi hoàn toàn không hiểu vì sao, riêng tôi thì nghĩ rằng có lẽ cô đang buồn chuyện nhà, có thể cô có bà con thân thuộc đang chạy loạn hay đang kẹt trong vòng lửa đạn đang dần khép về thủ đô. Dòng suy nghĩ của tôi bị đứt đoạn bởi tiếng chuông trường. Chúng tôi đồng lượt đứng dậy và một lần nữa cô khoát tay và ra dấu cho trưởng lớp xé phong bì phân phát đề thi cho anh em. Kể từ lúc này, lớp học im lặng, đâu đó vài tiếng giấy sạt sào  lật qua lại, chen lẫn là tiếng lách cách của thước kẻ và bút chạm trên mặt bàn gỗ. Thỉnh thoảng có tiếng tằng hắng hay ho nhẹ của anh chàng nào đó. hay tiếng khịt mũi ; một bản hòa tấu không soạn giả và nhạc trưởng mà lúc nào cũng dạo lên đúng nhịp, đúng tông, đúng điệu. Tôi khẽ quay đầu nhìn ngang vai trong lúc ưỡn vai cầm đề thi dựng trước mặt để che tầm nhìn của cô. Sau hai cái nháy mắt và 3 ngón tay tôi hiểu ngay là thằng bạn đang bí câu hỏi thứ hai tiết mục thứ ba. Chầm chậm tôi tìm cách ra dấu cho nó nhưng khó quá, dưới màn kính râm kia, làm sao tôi biết được cô đang nhìn ai. Tôi suy nghĩ mãi không biết làm sao trả lời cho hắn, nhưng không thể vì thế mà tôi dừng làm bài thi  “ lo cho mày, tao rớt thì ai lo cho tao đây “. Tôi tiếp tục làm bài thi mà mắt láo liên nhìn cô rồi lại nhìn hắn, gương mặt nó thiệt là thảm, nhưng làm sao hơn được. Tôi cố gắng trả lời các phần còn đang dở  dang, khi bắt đầu sang trang mới tôi cố gắng dựng trang giấy đứng thẳng lên cho hắn đọc. Cũng may là hắn ta không bị cận thị, hắn đọc được chi tiết nào không thì tôi không rõ, nhưng tôi phải cố gắng đóng kịch như đang duyệt lại bài làm của tôi. Có tiếng gõ nhẹ trên bàn giáo sư, tôi giật mình nhìn lên thì bắt gặp cô đang nhìn tôi. Tôi nhủ thầm.. "Kỳ này tiêu rồi !. ". Nhưng cô chỉ tằng hắng và lắc đầu nhẹ Dầu cho có dốt nát cách mấy tôi cũng hiểu được đó là ân huệ mà cô dành riêng cho tôi. Cho đến giờ phút này khi đang ngồi viết những dòng chữ này vĩnh viễn tôi không còn dịp để tỏ lời cám  ơn sự rộng lượng của cô.  Không khí càng thêm căng thẳng, tỷ lệ thuận theo kim đồng hồ gõ tí tách. Trong cái không khí im lặng của lớp học là những tiếng ầm ỹ của máy xe đủ loại trên con đường Công Hòa vắt ngang cổng trường.

Chúng tôi sinh ra và lớn lên, khi đất nước chìm đắm trong khói lửa của chiến tranh, vào thời điểm đó thì không còn bao lâu nữa chúng tôi sẽ nhận được giấy gọi nhập ngũ. Một số lớn trong chúng tôi đã được thụ huấn căn bản quân sự tại khu phố mình cư ngụ hay qua chương trình Quân Sự Học Đường  nên chúng tôi biết rất rỏ các loại vũ khí cá nhân và cộng đồng. Như tiếng súng AK-47 của Công quân nổ “ tốc tốc “ trong khi súng trường M-16 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có tiếng trầm hơn với “đạch đạch”. Khi nhìn các chiến đấu cơ nhào lộn oanh kích, chúng tôi có thể phân biệt đâu là phi cơ A-37 hay F-5. Chúng tôi cũng không lạ gì khi bàn ghế rung chuyển theo nhịp độ trải thảm của pháo đài bay B-52 vào “mùa hè đỏ lửa”. Vào lúc chúng tôi đang miệt mài, dồn hết tâm trí vào bài thi thì tiếng phản lực cơ âm vang  xa xa trầm bổng rồi bỗng gầm thét đinh tai. Chúng tôi có cảm tưởng như phi cơ đang bay sát mái nhà.

"Ình ".

Một tiếng nổ lớn gần như rung chuyển thành phố đang vào trưa, chúng tôi cảm nhận được sức ép nhè nhẹ trên lồng ngực và cả lớp dừng bút nhìn nhau dò hỏi. Mọi người đều bàng hoàng. Sau tiếng nổ, tiếng phản lực cơ gầm thét xa dần thành phố kèm theo sau vài tiếng nổ “ục ục ục" của súng liên thanh. Sau mươi giây lấy lại bình tĩnh chúng tôi nhìn nhau và cười đùa hồn nhiên. Một vài đứa pha trò bằng cách bắn súng miệng kèm theo khiến cô phải đứng dậy tiến ra giữa lớp khoát tay bắt cả lớp im lặng. Nhìn gương mặt lo âu của cô chúng tôi thoáng hiểu tình trạng đang bước vào giai đoạn nghiêm trọng. Ngoài đường tiếng máy xe quân sự và tiếng còi hụ của xe cảnh sát lấn át các loại tiếng động.. Bỏ chúng tôi ngồi lại trong lớp, cô tiến ra hành lang nghe ngóng. Không bỏ lỡ dịp may bọn tôi tha hồ "quay phim".. Trong lúc vài đứa chúng tôi lấp ló nhìn ra đường phố, vài đứa nghe ngóng, thì cùng lúc vài đứa lợi dụng cơ hội, vội vã chép bài của bạn bè. Tiếng còi báo động của Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia từ phía đối diện vọng lại vào trường nghe thật rỏ. Nhìn xuyên qua cửa hậu của lớp học, tôi nhận ra tình trạng nghiêm trọng đang phủ lên toàn trường, thầy cô đều bước ra khỏi lớp và trao nhau vài câu hỏi, nhưng tất cả đều lắc đầu trong lo âu. Cô trở lại lớp và thu dọn vật dụng riêng tư cho vào cặp sách.

- Thưa cô. Chuyện gì vậy cô ? 
Có tiếng hỏi từ cuối lớp

- Thưa cô - Hình như bên Cảnh Sát đang báo động ứng chiến.

Cô tỏ vẻ bối rối
- Cô cũng không biết  - Thôi làm bài lẹ lên đi

Nhưng chúng tôi không còn tâm trí đâu nữa để tiếp tục làm bài thi, trong khi tiếng còi báo động phía Tổng Nha Cảnh Sát hụ liên hồi, đó đây tiếng còi xe cảnh sát hú inh ỏi và trên bầu trời văng vẳng có tiếng trực thăng vần vũ. Một học trò trong lớp chớm người nhìn ra ngoài đường và lên tiếng

- Cô ơi  - Cảnh sát đang kéo kẽm gai trước cổng trường

Đến lúc này thì quả thật không còn là trò đùa nữa, không ai bảo ai chúng tôi thu dọn vật dụng cho vào cặp, mặc dầu bài thi còn đang làm dang dở trước mặt. Có vài học sinh đứng dậy nhìn ra cổng trường để xác nhận. Sau vài phút hoang mang, có tiếng đếm “ một hai ba, một hai ba “ trong loa phóng thanh toàn trường. Giáo sư các lớp ngày hôm đó đều tiến ra hành lang để nghe ngóng, chúng tôi lại bàn tán xôn xao nên chúng tôi không nghe rõ thầy Tổng Giám Thị đã loan báo chuyện gì, nhưng cả lớp chỉ thấy cô hớt hải chạy vào phòng thi bảo.

- Các em nộp bài thi mau rồi về nhà ngay bây giờ ! Đừng rong chơi ! Thiết quân lực rồi.

Khi thấy chúng tôi còn đang hoang mang, với kinh nghiệm của một nhà giáo cô tiếp.
- Đừng lo ! Các em làm tới đâu cô chấm tới đó

Chúng tôi vội vã nộp bài và ra sân sắp hàng ngay ngắn trước cửa phòng như thường lệ Từng lớp tuần tự tiến về cuối hành lang, các giáo sư không còn đứng giám sát hàng ngũ của chúng tôi như thường lệ mà tiến nhanh về phía văn phòng, trong khi các thầy giám thị giữ gìn trật tự và hướng dẫn học sinh ra về. Với hệ thống giáo dục nhân bản, đặt  nhân lễ nghĩa trí tín làm trọng và được đào luyện trong kỷ luật nên tất cả học sinh rời trường trong tật trự trong lúc tình trạng nghiêm trọng đè nặng lên thành phố. Tôi vội vã tìm Tuấn, mặt anh ta cũng hoang mang như cả bọn chúng tôi.
- Tuấn !. Cho tao quá giang nghen.!
- Ừ

Có lẽ đến đồ vật cũng lo sợ cho thảm họa chiến tranh hay lòng hoang mang và sự lo sợ trong tất cả chúng tôi khiến đồ vật cũng khiếp sợ. Chiếc xe gắn máy năm mươi phân khối của Tuấn không chịu nổ máy. Hai thằng học sinh lớp đệ nhị quăng tất cả sách vở vào chiến giỏ và hì hộc đẩy khối sắt nặng trịch ra khỏi cổng trường. Đây không còn là lúc để bắt mặch sửa chữa chiếc xe gắn máy.Khu vực trường chúng tôi bị phỏng tỏa nên chúng tôi phải rời trường càng sớm càng tốt. Dòng người đổ ra con đường Cộng Hòa như thác lũ. Các vòng kẽm gai đã được Cảnh Sát Dã Chiến giăng ngang dọc tạo thành một hành lang hướng dẫn dòng người rẽ trái và cuốn về phía công trường Cộng Hòa. Dọc theo hành lang, Cảnh Sát Dã Chiến đã trang bị đầy đủ và sẵn sàng trong tư thế ứng chiến. Khi ngang qua một viên sĩ quan thì sau lưng tôi có tiếng một thằng bạn cùng lớp hỏi lớn.

- Có chuyện gì vậy ông thầy ?

- Dinh Độc Lập ăn bom. Về nhà lẹ đi ! Đừng lang thang ngoài đường mà ăn đạn !
Người sĩ quan trả lời gần như ra lệnh

Khi đã rời xa khuôn viên trường mặt đường có phần trống trải hơn. Tôi bảo
- Mày leo lên đi ! Tao đẩy. Coi nó nổ không

Hì hục suốt mấy chục thước. chiếc xe nặng ký cộng thêm trọng lượng của thằng bạn, hai đầu gối của tôi tê buốt, hơi thở nặng nhọc nhưng phải cố gắng vì không còn chọn lựa nào khác. Chiếc áo sơ mi đẫm mồ hôi càng thêm khó khăn. Cuối cùng thì chiec xe cũng nổ giòn sau khi sặc sụa phun một loạt khói mit mù. Hai tay níu chiếc yên sau, dùng hết sực lực của đôi tay, tôi rút người phóng lên, chiếc xe hơi lảo đảo vài vòng trước khi trở lại thăng bằng.

Saigon đang hỗn loạn, mọi người xuôi ngược, gương mặt mọi người hốt hoảng âu lo. Lác đác vài bác xích lô gập người, dồn sức lực vào đôi chân, cố đưa khách về nơi mà họ muốn đến. nhưng cũng có người từ chối chở khách vì họ phải quay về nhà gấp để lo cho gia đình. Dọc theo đường, các cơ sở thương mại hối hả thu dọn hàng hóa. Trong giây phút hỗn loạn đó, các phụ nữ với gánh hàng rong trên vai là thiệt thòi hơn hết; họ không biết phải về đâu tránh nạn, đường về nhà thì xa mà gánh hàng chưa kịp bán hết, trong lúc cảnh sát và quân đội đã được điều động nhanh chóng chiếm ngự các vị trí quan trọng. Họ bắt đầu giăng kẽm gai quanh các cứ điểm chiến lược và kiểm soát việc đi lại khiến cho giao thông trên đường phố thêm phần khó khăn.

Những ngày sau đó bọn học trò chúng tôi phải đối diện một việc đến bất ngờ ngoài dự đoán của các học sinh trung học thời đó. Chúng tôi phải hoàn tất chương trình học lớp đệ nhi trong vòng ngắn nhất. Tất cả học sinh đều bàng hoàng trước cái tin sét đánh, chúng tôi không có thời giờ để ôn bài và chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến. Trong vòng một tuần lễ chúng tôi phải hoàn tất các bài thi cuối năm. Không còn thời giờ để ôn bài vở mà thật sự ;nếu có, bọn học sinh chúng tôi cũng không còn tâm trí để ôn bài. Các tin tức chiến sự bất lợi dần được loan tin trên đài phát thanh, báo chí và nhất là tin đồn. Mỗi ngày, mỗi giờ học sinh chúng tôi cũng như mọi người dân Saigon đón nhận nhiều tin tức khác nhau, đôi khi lại trái ngược và mâu thuẫn. Nhưng trong cơn hấp hối và hoảng loạn đó vẫn có người đón nhận không suy nghĩ, mọi người muốn dựa vào một nguồn tin nào đó cho dù là thất thiệt và không tưởng để hy vọng, để cố gắng tồn tại. Lớp học thưa dần, không bảo nhau chúng tôi ngầm hiểu là số học sinh vắng mặt đã được một viên chức hay cơ quan nào đó đỡ đầu hoặc can thiệp để di tản khỏi Saigon. Từ khi bước chân vào trường học, đó là lần đầu tiên tôi đến phòng thi mà không chuẩn bị bài vở, đầu óc vẫn còn hoang mang trước các tin tức di tản chiến thuật từ vùng cao nguyên đến vùng địa đầu giới tuyến và trung phần Việt Nam. Trong các buổi thi, ngay chính giáo sư cũng không còn tâm trí để theo dõi học sinh, các biện pháp ngăn cấm gian lận trong phòng thi dường như dược nới lỏng, bằng chứng là có vài học sinh lén mở sách ra xem thì chỉ nhận được một tiếng “Suỵt” thay cho cái “trứng vịt” như thường lệ.

Những ngày sau đó, tin tức chiến sự lại tồi tệ hơn, trước cảnh xáo trộn trong chánh phủ, màn ảnh truyền hình mỗi đêm được mọi người chăm chú theo dõi. Trong cơn mưa giông bất chợt chiều hôm đó vị Nguyên thủ của miền Nam đã đọc diễn văn từ chức. Chúng tôi đã không đến trường từ nhiều hôm trước, bạn bè giờ mỗi đứa mỗi ngã tìm đường sống còn, mẹ tôi đã chuẩn bị mọi thứ và bắt' chúng tôi phải mang giày bata để chuẩn bị cho cuộc chạy loạn. Không bảo nhau nhưng mọi người đều không biết phải chạy về đâu khi khói lửa súng đạn đang dần siết chặt vào thủ đô. Saigon của tôi đang trong cơn hấp hối. Đêm đêm tiếng đạn pháo kích ì ầm vọng về từ ngoại ô và phi trường, lác đác một vài tiếng súng tiểu liên nổ lạc lõng, tai họa đang rình rập quanh người dân Saigon và sẵn sàng chụp lên đầu họ khi thời gian đã điểm. Khi các phi cơ chiến đấu của xứ cờ hoa gầm thét và lượn quanh trên vòm trời cũng là lúc mây đen dần khép kín  Saigon, màu tang tóc đang kéo về thành phố của tôi. Suốt đêm tiếng trực thăng vần vũ không dứt. Ngoài đường có tiếng người la hét gọi nhau, cãi vã, thúc hối.Dưới sức người họ cố khuân vác những gì có thể lấy được từ các cơ sở ngoại kiều hay các nhà vừa bỏ trống. Trời đổ cơn mưa phùn lất phất, giấy tờ bay lác đác bên đường, người ta giẫm lên mọi vật mà đi ; đó đây vài cụm khói nhỏ do những phần tử du thủ du thực đốt phá, họ lang thang khắp nẻo đường. Saigon cua tôi không còn trật tự. Khi mặt trời bắt đầu ló dạng từ trời đông thì cũng là lúc thành phố im lặng, một cái im lặng đến rợn người. Tiếng phi cơ im bặt trong buổi sáng sớm hôm đó, không còn tiếng xành xạch của trực thăng, không còn tiếng rít gió của chiến đâu cơ phản lực. Lúc người ta nhìn rõ mặt nhau thì cũng là lúc tiếng trọng pháo từ hướng Lăng Cha Cả, ngã tư Bảy Hiền vọng về, dưới ánh nắng ban mai dọc theo con đường trước nhà tôi các chiến sĩ Biet Động Quân đã nằm dài theo con lộ, mặt đường chằng chịt kẽm gai và các khẩu trọng pháo đã vào ví trực xạ. Người lính BĐQ miền nam vẫn tươi cười hồn nhiên trong trò chơi chiến tranh, súng đạn với họ dường như là trò đùa. Âm thanh từ máy máy truyền tin của họ báo cho mọi người biết trò chơi của họ sắp tới chất đầy máu lửa. Không ai bảo ai, mọi người trong xóm tôi bắt đầu gồng gánh rời khỏi nhà, cũng là lúc khói đen vần vũ bốc lên cao từ hướng ngã tư Bảy Hiền. Gia đình tôi gia nhập đoàn người rời khỏi khu vực trong lúc tiếng  đại pháo và súng trường nghe rất gần, lồng ngực tôi rung theo từng tiếng nổ. Đi đâu bây giờ ? Khi nắng lên cao thì súng nổ khắp nơi ròn rã hơn. Tạm thời gia đình tôi dìu nhau chạy về nhà bà con trên đường Lê Van Duyệt vì nơi đó cách xa các vị trí quân sự, ngược dòng người chạy loạn, các chiến sĩ thuộc nhiều binh chủng khác nhau tiến hàng dọc, họ khoát tay ra dấu chỉ hướng cho người chạy loạn ; ngờ đâu đó là lần cuối họ vẫy chào người dân miền nam. Tại tại một vài nơi họ đã vào ví trí chiến đấu, tôi thấy rõ các xạ thủ đại liên đang tháo nắp thùng đạn và nạp vào súng, vài nơi họ tìm các vật dụng cần thiết để thiết lập công sự phòng thủ. Súng càng nổ lớn thì mây đen dần kéo về che lấp Saigon. Quây quần trong nhà bên chiếc máy thu thanh, mọi người theo dõi diễn biến trong lo âu. Lác đác vài viên đạn súng trường lốp đốp rơi trên nóc tôn, mái ngói. Trời về trưa nhưng mọi ngươi không ai cảm thấy đói mặc dầu bao tử trống không từ lúc ban mai, và cũng không ai buồn nghĩ đến bữa cơm trưa. Chiếc máy thu thanh cỏn con bỗng dưng có sức thu hút mãnh liệt khiến bao nhiêu ánh mắt đổ dồn về nghe ngóng.

Giờ thứ 25 của Saigon đã điểm.

Rỉ rả bài hát "Nối vòng tay lớn " được hát đi hát lại đến nhàm chán và không ai buồn để ý. Hỗn loạn bắt đầu khi các phần tử vô kỷ luật đổ ra đường, họ hò hét đi khắp nẻo đập phá các công sở, căn cứ quân sự, các nhà bỏ trống;  theo sau họ, mọi người đổ xô vào giành giựt tất cả mọi thứ. Lác đác các binh sĩ lang thang trong chiếc quần đùi lê bước chân về nơi vô định, có người ngồi gục đầu bên vệ đường mặc cho thiên hạ qua lại, vài người lính mình trần đứng ôm đầu nhìn đồng đội oằn oại với vết thương. Một chiếc xe jeep quân đội thắng gấp trước nhà. Từ trên bao lơn nhìn xuống, tôi thấy rõ viên sĩ quan trong quân phục binh chủng Nhảy Dù bước xuống xe cùng vài người lính, họ nói chuyện trong vài phút và bắt tay nhau, những người lính thuộc quyền còn đang bịn rịn nữa muốn đi nữa muốn ở lại, thì bỗng viên sĩ quan xoay lưng về phía họ rút súng lục toan bắn vào đầu nhưng những người lính thuộc quyền đã kịp thời khóa tay.Viên sĩ quan ngồi quỵ xuống bên chiếc jeep và ôm đầu khóc nức nở, dưới sự canh gác của các người lính thuộc quyền. Người dân chung quanh nhìn cảnh tượng trong ngờ vực. Sau khi một người dân cao niên đến an ủi viên sĩ quan và các người lính, họ trút bỏ vũ khí và quân phục rồi cùng nhau biến dạng vào dòng hỗn loạn của thành phố, quân trang và quân dụng trên xe được mọi người chiếu cố tận tình như bầy kênh kênh giành mồi. Chỉ trong vài phút chiếc jeep chỉ còn là một đống sắt phế thải.Trời trở nên ảm đạm hơn khi bóng đêm dần đến, tiếng súng hoang vẫn nổ rền, lửa hồng thấp thoáng vài nơi trong màn đêm..

Bức màn sắt đã thực sự phủ xuống quê hương tôi.

HoangMaiPhi
tháng 4 / 2007