SỐ 34 - THÁNG 4 NĂM 2007

 

Thơ

Về biển
24 Phạm Hồng Ân
Em vẫn là đêm
24
Huỳnh Kim Khanh
Vọng quốc

23
Trần Việt Bắc
Hoài sầu thụy nhân
21
Ưu Du
Chuyện cũ
21Ngọc Trân
Một lần đi

18
Tôn Thất Phú Sĩ
Nghe hồn bay bổng
18
Kim Thành

Truyện ngắn, Tâm bút

Ngã ba sông
14
Phạm Hồng Ân

Trại tỵ nạn Kuantan
14
Nguyễn Hồng Quang
Tháng tư trong mắt học trò
13
Hoàng Mai Phi

Nhánh hoa khô
14
Cỏ Biển

Ăn chơi
15
Xuân Phương

Dưới vùng cỏ non
8Ưu Du

Như cơn gió thoảng
8Võ Thị Đồng Minh
Một chuyến công tác
8Hoàng Mai Phi
Phận người
8Song Thao
Hiến tặng
8Nguyên Nhi

Văn học, biên khảo

Giao Chỉ và Tượng Quận
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành (8)
4Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 21

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn
1Ưu Du
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 28

1 Huỳnh Kim Khanh


 

Nhánh hoa khô

 

Má tôi trở về sau chuyến đi thăm mấy người bà con ở bờ Đông, những ngày ở bên đó bà rất vui vì được gặp lại họ hàng thân quen sau nhiều năm xa cách, đang hào hứng kể lại chuyện bà được người em họ dẫn đi Casino và lần đầu tiên biết chơi kéo máy, đi thăm thác nước nổi tiếng giữa biên giới hai quốc gia Bắc Mỹ, nhắc tên hết người này đến người khác, bỗng nhiên giọng bà trầm xuống nói với tôi :

- Tội nghiệp dì Huệ bây giờ yếu quá chỉ quanh quẩn trong nhà, con có thì giờ rảnh ráng điện thoại hỏi thăm dì.

Lâu lắm rồi tôi chưa gặp lại dì Huệ, lần gặp mặt gần nhất cũng đã hơn mười lăm năm khi dì về Việt nam thăm chúng tôi :

- Cháu thấy dí ( * ) không thay đổi chút nào, vẫn trẻ giống như cháu mới gặp ngày hôm qua khi dí chưa đi nước ngoài.
- Vậy à, nhưng dượng lại ly dị với dí rồi cháu ơi !

Tôi thốt tiếng kêu ngạc nhiên :

- Hả ! Sao kỳ vậy ???

Dạo ấy tôi vẫn còn ở quê nhà nên chưa mường tượng được chuyện hai vợ chồng đã sống với nhau hơn ba chục năm, đầu bạc răng long và có gần chục đứa con sống lẫn con chết, lại chia tay nhau mà lại ở ngay đất Mỹ thừa mứa mọi thứ ! Bây giờ tôi mới hiểu câu " ăn no rửng mỡ " trong dân gian hay nói, nhất là ở Tây phương xứ sở xem trọng tự do cá nhân nên có vô số duyên cớ khiến người ta có thể bỏ nhau, nhưng cũng có rất nhiều gia đình tan vỡ chỉ vì lý do duy nhất, sống với nhau lâu quá, nhìn nhau mãi đâm ra nhàm chán, giống như người ta hôm nào đó bỗng dưng muốn ăn phở thay cơm, thế thôi !

oOo

Tôi có hai người dì họ, người chị lớn tên Lan còn người em tên Huệ, người bàng quang bên ngoài nhìn vào sẽ thấy chúng tôi là những người bà con xa thuộc loại " cà nông bắn không tới " . Nghe má tôi kể lại :" Bên cố ngoại mình chỉ có hai anh em, cha mất sớm nên người anh " quyền huynh thế phụ " đứng ra nuôi dưỡng và dựng vợ cho người em, hai anh em là người sinh ra bà ngọai tôi và má của dì Lan, Huệ vì vậy họ là hai chị em con chú bác ruột, cùng sống chung dưới mái nhà từ đường,khi lớn lên mới chia ra mỗi người đi lấy chồng một nẻo. Bà ngọai tôi theo chồng về tận Nhà bè làm nghề ruộng rẫy, lúc đó má của hai dì có khiếu buôn bán nên mới có cơ hội kết hôn với một người Tàu sống ở Chợ lớn. Hồi má tôi còn nhỏ thỉnh thoảng vẫn theo ngoại tôi đến thăm người dì họ của mình. Bà ngọai tôi mất sớm lúc má tôi mới tám tuổi, ông ngọai sau đó tục huyền, chịu không nỗi sự hà khắc của mẹ ghẻ đến năm mười hai tuổi má tôi xin ông ngọai cho về ở với dì họ, theo vai vế đến đời tôi phải gọi người là " bà dì " . Má tôi sống với người này và gọi bà bằng mẹ. Trong khi má tôi mồ côi mẹ thì hai dì Lan, Huệ lại mất cha sớm hơn, nhưng bà dì lại quyết ở vậy nuôi hai con không chịu tái giá. Bà dì thừa hưởng tài sản của chồng để lại là một cửa hàng buôn bán nên có đời sống tương đối khá giả. Má tôi sau khi bà ngọai tôi chết bị mẹ ghẻ bắt phải thôi học bởi xã hội cổ hủ thời ấy quan niệm con gái không nên cho đi học với lý do khắt khe " con gái biết chữ chỉ để viết thư tình " , trong khi đó bà dì lại là người văn minh, tiến bộ hơn nên hai dì Lan, Huệ từ nhỏ đã được bà dì cho đi học trường Nhà trắng, lớn lên lại tiếp tục sang Nữ học đường. Mỗi ngày má tôi cùng hai dì ngồi chung xe ngựa kéo, kẻ đi học người đi ra cửa hàng giúp việc bán buôn.Thời gian êm đềm cứ thế trôi qua ….." Tôi chỉ nghe má tôi kể sơ về mối liên hệ giữa Má tôi và hai người dì họ khoảng thời gian đầu, đoạn sau lại không nghe má tôi nhắc đến. Ký ức hồi nhỏ lúc sáu, bảy tuổi của tôi về hai người dì họ là những chùm giấy thiếc xoắn tròn đủ màu treo đong đưa theo gió ở cửa, hay những món đồ chơi lạ mắt dì cho chị em tôi trong lần gia đình tôi dạo phố tình cờ ngang qua cửa tiệm của dì.

Năm hai chị em tôi bắt đầu học những năm cuối trung học, trong chuyến về thăm và chúc tết bà dì nghe bà nói với má tôi :

- Má thấy hai đứa con gái bây lớn bộn rồi nghe, mà coi bộ còn " khờ ịt " bây dẫn hai đứa ra cửa tiệm của con Lan với Huệ cho tụi nó " học khôn " , tập làm ăn với hai dì nó.

Và bà không cho mấy chị em gọi bà là " bà dì " , phải gọi là " bà ngọai " . Vâng lời bà chúng tôi chia nhau sau giờ học ra cửa tiệm hai dì Lan, Huệ học hỏi cách thức buôn bán, tiếp khách hàng. Cửa hàng của dì Lan chuyên bán đồ chơi của nước ngoài từ HongKong, Paris gửi tới, Dì Huệ lại có cửa tiệm nhập cảng các loại vải vóc, màn cửa. Trong những bữa cơm gia đình tôi hay hỏi má tôi :

- Sao hai dì Lan, Huệ đều lấy chồng người Tàu vậy má ?

Má tôi chỉ trả lời cụt ngủn :

- Tại bà ngọai gả !

Tôi cắc cớ hỏi tiếp :

- Sao bà ngọai không gả má cho Tàu ??

Ba tôi lúc đó cười cười nói nửa chơi, nửa thật :

- Có chứ, chút xíu nữa mấy đứa thành con của Anh Bảy " cà ri dê "

Má tôi cả thẹn hái nguýt ba tôi rồi đánh trống lảng nói qua chuyện khác.Chị tôi vốn ít nói nhưng cũng thắc mắc :

- Sao dì Lan đẹp như vậy mà chịu lấy dượng xấu trai quá.

 Người ngoài nhìn thấy hai vợ chồng dì Lan đều có suy nghĩ lầm lẫn tưởng dì lấy chồng xấu vì ham giàu, thật ra là ngược lại. Sau này nhân ngày giỗ ông dượng có cả gia đình tôi về tham dự, bà dì quay qua hỏi tuổi chị tôi, bà bấm đốt ngón tay rồi lẩm bẩm :

- Năm nay mười bảy tuổi, tuổi Dần cầm tinh con cọp, giống tuổi dí Lan con. Tuổi này cao số để bà gả chồng cho, bà có biết ở đầu đường có thằng thợ sửa xe hạp với tuổi con, để bà làm mai cho, bảo đảm về sau hai đứa làm giàu, mai mốt con sẽ làm bà chủ " ga ra " .

Chị tôi chưa kịp lên tiếng tôi đã nói hớt :

- Ngoại ơi, hai người đâu có quen biết nhau, tụi con quan niệm phải thương yêu nhau mới lấy nhau.

Bà hừ một tiếng :

- Đàn ông nào hôm nay nói thương con, ngày mai nó cũng sẽ nói thương đứa khác. Lấy chồng chỉ cần hạp tuổi là được. Hồi xưa bà gả chồng cho dí Lan đó, đâu cần thương yêu bây giờ hai vợ chồng nhà lầu, xe hơi làm ăn giàu ghê chưa ! Dì bây hồi đó đâu có ưng còn khóc nói với bà " Má ơi ! thằng đó nó là người làm công cho nhà mình, nó xấu quá, con để ý thấy nó chỉ có hai bộ đồ mặc trên người " , bà nói " Ừ thì nó xấu nên sẽ không có con nào thèm nó, nó nghèo nhưng chịu khó và siêng năng làm lụng, má sẽ giúp vốn nó làm ăn, miễn hạp tuổi con là đủ …"

Chuyện cổ tích chú Cuội mơ lấy Hằng nga bỗng hóa thành sự thật, bông hoa lài bỗng chốc bị cơn phong ba độc đoán và mê tín thổi rơi xuống cắm vào bãi phân trâu bên dưới gốc cây..!

 Về nhà tôi là người lên tiếng đầu tiên quyết liệt phản đối :

- Trời ơi ! Bây giờ là thế kỷ hai mươi rồi, Bà ngọai quan niệm gì kỳ cục vậy, tên sửa xe đó con biết mà, có lần chị em con chở nhau về, chiếc Honda bị cán đinh tụi con phải ghé vô vá bánh xe ở đó, Ba má nghĩ sao khi bà đòi gả chị con như vậy !!

Ba má tôi an ủi :

- Thì ba má đâu có bằng lòng chuyện này, tại tính tình của mấy người già là vậy, hay muốn đứng ra cưới gả để chứng tỏ mình có nhiều phúc đức, con cháu đầy nhà.

Đến lúc này chị tôi mới hé môi :

- Hèn gì con thấy mấy đứa em họ con của hai dí ít về thăm ngoại, tụi nó sợ nên trốn không dám gặp mặt bà. Từ nay con cũng bắt chước tụi nó trốn luôn.!

 Về sau tôi nghe bà vú già giúp việc kể lại mới biết bà ngọai gả dì Lan năm đó dì mới có mười sáu tuổi, khi đó tôi chưa sinh ra đời, còn dì Huệ thì muộn hơn chị mình hai năm sau. Ban đầu dì Lan khóc lóc dữ dội không chịu, bà ngọai đòi tự tử. Thấy mẹ mình hy sinh cả cuộc đời son trẻ không tái giá nên dì vì chữ hiếu đành phải vâng lời bà, khi sinh xong đứa con đầu lòng dì chán nản vì trình độ giữa hai người quá chênh lệch, muốn ly dị nhưng sợ mẹ buồn. Còn phần má tôi khi nghe bà dì nói có tên Chà Và " sết ty " hay đi góp tiền chợ để mắt tới cho nên bà định làm mai mối, nhưng phải chờ hỏi ý kiến ông ngọai ruột của tôi trước, má tôi hoảng kinh giả vờ về thăm cha rồi viện cớ phải ở lại chăm sóc cho mấy người cậu để ở lại nhà luôn và sau này mới lập gia đình với ba tôi.
Có một lần trời mưa tầm tã, ba má tôi chở nhau trên chiếc vespa cũ, hai người trùm chung một chiếc áo mưa poncho ghé nhà dì Lan bàn công việc, tiễn ba má tôi ra về dì quay vào nói với bà vú thấy ba má tôi chở nhau đi thật hạnh phúc, dì vừa nói vừa cười nhưng nước mắt chảy ra ràn rụa.!

oOo

 Trong hai dì, dì Huệ là người gần gũi với tôi hơn, khi tôi ra trông nom cửa hàng cho dì, dạo ấy tôi vừa mới bắt đầu bước chân vào " con đường tình ta đi " . Hai dì cháu chênh nhau gấp đôi tuổi nhưng trông dì rất trẻ, ai cũng tưởng dì là chị của tôi. Người chồng của dì có diện mạo trái ngược với chồng của chị mình, tướng tá cao to, gương mặt hơi đẹp trai có chút dáng vẻ trí thức qua cặp kính gọng vàng. Tôi nghĩ, chắc bà ngọai thấy trong đám cưới mặt mày dì Lan buồn thê thảm như đám tang nên lần này bà thay đổi ý kiến khi lựa chọn chú rể. Má chồng dì Huệ là bạn làm ăn buôn bán quen thân với bà ngọai vì cửa tiệm họ ở cùng một dãy phố, dì Huệ với chồng cũng có quen nhau trước khi cưới chắc chắn dì có hạnh phúc hơn chị mình.

Một hôm trời mưa, buổi chiều cửa hàng vắng khách tôi ngồi dở tập thơ chép tay viết từ năm ngoái nắn nót ghi thêm mấy bài thơ mới miệng ngân nga bài hát :

  ….. Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mải
Đời chia như nhánh sông,
... Ngày nhà em pháo nổ
Tâm hồn anh rướm máu
Ôi nhát chém thương đau
Ôi, nhát chém hư vô, !

Dì Huệ từ phía sau đi ra nghe tôi hát dì nói bài hát buồn quá, nhìn tập thơ viết bằng mực tím của tôi dì cầm lên đọc :

- Hồi đó dí cũng hay chép thơ giống cháu, dí rất thích bài " Hai sắc hoa tigôn " của TTKH.

Tôi nói như reo :

- Cháu có biết bài thơ này, nhưng cháu không thích thơ chỉ thích hoa thôi. Hèn gì trước cửa nhà ngoại có trồng hoa tigôn, của dí trồng hở ?

Dì cười, nụ cười buồn tôi chưa thấy bao giờ :

- Không phải, nó do một người bạn thân của dí trồng.
- Chắc người đó biết dí thích hoa tigôn

Gặp người cùng sở thích, tôi huyên thuyên nói tiếp ;

- Hỏng biết tại sao cháu lại thích hoa tigôn vô cùng, nhiều người nói nó đâu có đẹp bằng mấy thứ hoa khác như thược dược hay hồng nhung sao lại thích ? Cháu thích chỉ vì thấy nó mảnh mai nhỏ bé rất tội nghiệp, nó phải đeo bám theo cổng rào, lại không sống được khi hái xuống đem cắm vào bình, nó kể như tàn đời khi bị cắt rời thành nhánh nhỏ. Dí còn nhớ mấy cái biệt thự dọc bên hông chùa Xá Lợi hông, mỗi trưa tan học đi về ngang thế nào cháu cũng phải vói tay hái mấy nhánh mới được, hoa đỏ và hoa trắng, nhưng tại sao hoa đỏ người ta trồng nhiều hơn hoa trắng vậy dí, và gọi là hoa tim vỡ ?

Dì không trả lời mà chỉ đọc mấy câu thơ :

... Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài khi trông thấy tôi vui
Bảo rằng hoa giống như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng thế thôi !

Nghe vậy tôi le lưỡi :

- Cháu biết bài thơ này nói về chuyện tình dang dở nhưng không hiểu sao rất nổi tiếng và được nhiều người thích. Người ta lại nói " Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Tình mất vui khi đã vẹn câu thề !" Dang dở thì buồn rớt nước mắt, nhìn đâu đâu cũng thấy cảnh vật trở nên ảm đạm làm sao mà đẹp được.!
- Đời không như là mơ, cũng chẳng đẹp như thơ cháu ạ !
- Hình như khi người ta thất tình thì bài thơ hay bài nhạc sáng tác mới hay, mới có hồn phải không dí ?

Dì không trả lời tôi mà hỏi chuyện khác :

- Bồ của cháu có phải là anh chàng Hải quân mặc đồ trắng lần trước có ghé ngang cửa hàng mình ?
- Dạ đúng đó.
- Sao dí không thấy ghé nữa ?
- Đơn vị ảnh ở Quy nhơn lận dí ơi, hôm đó anh về công tác ở Saigon.

 Lần đầu tiên đề cập chuyện tình yêu tôi mới biết dì là người sống về nội tâm, bởi vì cách nói chuyện khác với những gì tôi đã thấy trong đời sống thường ngày. Tôi có đọc ở đâu đó một câu mà đã quên mất tên tác giả " Nụ cười là giọt nước mắt khô không lệ " Có nhiều người miệng luôn luôn mỉm cười, tưởng chừng nơi họ toàn là niềm vui bất tận, thật ra là những người chất ngất nỗi đau không rời trong trái tim mình.

Trước khi đóng cửa tiệm ra về dì nhắc tôi chiều mai nghỉ một buổi, dì bận ở bên nhà lớn phụ giúp tiếp khách cho Bác Hai là anh chồng của dì tổ chức lễ cưới con gái. Cửa hàng tọa lạc ở khu vực đa số là người Hoa sinh sống chung quanh nên tôi có dịp trông thấy nhiều đám cưới gả. Họ có những cổ tục khác biệt với người Việt Nam như khi rước dâu bắt buộc bà mối phải cầm cây dù đi bên cạnh che cho cô dâu trên đường đi, trước khi vào nhà phải bước qua một cái vịm bằng sành có đốt giấy vàng mã trừ tà.Thời buổi văn minh bây giờ vậy mà vẫn còn tục trọng nam khinh nữ ở hầu hết các gia đình của họ, nghe má tôi nói người Trung Hoa họ không thích sinh con gái vì khi gả đi lấy chồng phải " bù của " cho nhà trai. Tôi hay gân cổ lên cãi :

- Sao lại có chuyện bất công như vậy, con gái sinh ra được cha mẹ nuôi lớn chưa nhờ được, về nhà chồng lại phải phục vụ nhà chồng, vậy còn chưa đủ đòi tặng thêm tiền bạc, của cải gọi là " hồi môn " mới chịu cưới ? ? Tục lệ " náo tân phòng " của những người bạn thân phá phách cô dâu, chú rể đêm tân hôn để chúc mừng là chuyện vui còn cho là tạm được, còn chuyện kia thì vô lý quá.

Thế nhưng chuyện ấy vẫn xảy ra ở giữa thế kỷ hai mươi này, trước ngày rước dâu một hôm, nhà đàng gái phải trình của " hồi môn " cho đàng trai đến xem, phía trước hai gian nhà lớn được chất đầy các thứ cô dâu sẽ mang theo chồng. Dọc hai bên tường treo đầy những tấm lụa, những cái mền, mùng đều có hai chữ " Song hỉ " bằng giấy đỏ dán bên trên. Dưới đất thì là chén bát, nồi niêu, bếp gaz, máy móc nhiều thứ.Nhưng quan trọng nhất là hộp đựng giấy tờ bằng khoán đất đai, nhà cửa đồ nữ trang, lớn nhỏ, nhiều ít tùy theo bên nhà cô dâu giàu hay nghèo, đa số làm bằng vàng lá, ngọc thạch chen lẫn kim cương. Những gia đình thuộc loại ông chủ lớn phải thuê nhiều người vệ sĩ theo canh giữ hộp nữ trang này.

Gia đình của bên chồng dì Huệ thuộc loại làm ăn buôn bán có tiếng tăm, bây giờ tôi mới hiểu tại sao người Tàu thừa tiền bạc, thế lực có thể nắm giữ kinh tế của một ngành hay nghề cả một nước. Họ không giống người Việt bởi họ luôn duy trì chuyện " Tam thế đồng cư " , ông bà, cha mẹ, con cháu đều ngụ chung nhà. Tài sản được tập trung vào một mối để kinh doanh vì thế nên họ có nhiều vốn liếng trong lúc cạnh tranh. Người trưởng tộc hoặc anh lớn đứng đầu cai quản công việc làm ăn, thu nhập kiếm được sẽ phân phát đồng đều. Anh em nào muốn kinh doanh riêng được cho mượn vốn để phát triển tài sản riêng, nhưng sau đó phải hoàn lại tiền đã mượn lại quỹ chung của gia đình. Trong khi đó người Việt Nam lại có xu thế phân tán gia đình, chia chác xé nhỏ gia tài sau khi cha mẹ qua đời và đa số vì yếu vốn nên thất bại khi kinh doanh.

Tôi nghe nói trong các nàng dâu, dì Huệ của tôi được bà má chồng cưng chiều hơn tất cả các người khác bởi khi về nhà chồng dì đã được mẹ " bù của " rất nhiều. Có lần nghe chú em chồng của dì kể lại, ngày cưới khi bước vào nhà dì không thèm bước ngang qua lò lửa, đã vậy đêm tân hôn dì cứ ngồi trong phòng ôm đàn mandolin hát rồi khóc một mình, lúc các anh em họ và bạn bè dìu chú rể say khướt vào phòng và bắt đầu náo tân phòng thì dì chửi toáng lên làm họ bỏ chạy hết, vậy mà bà má chồng vẫn không dám nói tiếng nào với dì.

Nhiều lần sang nhà lớn chơi với đám con dì, ngôi nhà thật rộng lớn nhiều tầng, mỗi tầng là một gia đình. Bắt đầu từ dưới thấp gia đình bác Hai là anh cả, sang đến anh Ba, Tư, Năm, tầng trên cùng là của gia đình dì Huệ. Một nửa gian nhà dùng làm phòng khách ngăn cách với bức vách ở giữa là phòng ăn, nửa kia là một dãy có ba phòng ngủ. Cả đám con gái, con trai dồn chung nhau chia hai phòng, một phòng còn lại là của dì dượng. Bọn chúng lúc nhúc trèo lên mấy cái giường tầng giống như đám hát rong đang làm xiếc. Đó là những gia đình giàu có, vài lần có dịp cùng dì đi vào các con hẻm nhỏ thăm mấy người làm công tôi còn trông thấy có những cái nhà bé tí, nếu là người Việt chỉ có thể cư ngụ đủ cho một gia đình ; với họ lại chen chúc ba bốn gia đình, thậm chí mỗi gian buồng chỉ kê được một cái giường hai tầng vậy mà cũng đủ cho hai vợ chồng cùng mấy đứa con sinh sống. Hình như đối với họ chuyện ăn uống quan trọng hơn là chốn ở, thảo nào đa số người họ đều béo phì.

Dưới tầng lầu của người bác Hai tôi thường trông thấy một bà già tuy trắng trẻo nhưng rất gầy ốm, người của bà nhỏ nhắn với da dẻ khô đét bao phủ bộ xương. Đó là bà thím của gia đình dượng. Nghe nói bà cũng gần trăm tuổi rồi, bà thường hay ngồi chiếc ghế xích đu ngoài ban công nhìn xuống đường. Hôm đám cưới đứa cháu bà được dìu xuống dưới nhà mặc áo gấm thọ ngồi vào chiếc ghế cho cô dâu chú rể lạy chúc phúc, theo thứ bậc bà lớn hơn bà nội cô dâu. Lần duy nhất và cũng là lần đầu tiên tôi trông thấy bà chập chững đi ra phía ngoài đầu cầu thang khi tôi lên tầng trên, gặp bà tôi chỉ nói được câu chào :

- A chím, nị hảo ma ! ( chào bà thím, bà khỏe không )

Bà cười :

- Hảo, hảo ! ( khỏe, khỏe )

Bà không nói được tiếng Việt, tôi không biết tiếng Tàu, nhưng tôi kinh hoàng khi nhìn theo dáng đi của bà, với đôi bàn chân cụt ngủn bà lắc lư người chầm chậm bước đi. Hai chân bà không có các ngón chân, tất cả đã bị bẻ quặp vào lòng bàn chân, ban đầu tôi tưởng bà bị dị tật nhưng nhìn kỹ thật ra không phải, các ngón chân chắc đã bị bó quặp lại từ lâu nên mu bàn chân gồ lên thành một cục vuông vức, gót chân và các ngón đã hợp lại tạo đế chân thành một mặt phẳng. Bà mang đôi dép Nhật, hai cái quai choàng ngang mu bàn chân không có ngón, vì đa giác đế bàn chân quá nhỏ nên bà không thể đi đứng nếu không có chỗ tựa, hai bàn tay nắm thanh chắn cầu thang cứ thế bà đi như lết từng bước thật chậm. Hồi nhỏ trong quyển Quốc văn có bài tập đọc nhắc đến hủ tục xâm mình của người Việt và bó chân của người Tàu. Sau này tôi hay đọc những tác phẩm của nhà văn Hoa Kỳ Pearl's Buck, bà có viết về tục bó chân của những gia đình quyền quý bên Trung Hoa, con gái nhà quý tộc phải được bó chân từ khi lên bốn, năm tuổi, bởi vì nhà chồng sẽ xem xét đôi bàn chân của cô dâu, nếu không bó chân họ có thể sẽ bị từ hôn ! Tôi chỉ đọc thế và tưởng tượng qua sách vở nhưng đến hôm nay tình cờ trông thấy, tự nhiên người tôi nổi gai ốc với cảm giác đau đớn khủng khiếp ! Không biết ở thế hệ của tôi có mấy ai nhìn được hình ảnh thật về đôi bàn chân bị bó của những người phụ nữ quý phái Trung Hoa cách đây gần một thế kỷ ? Không hiểu bà làm cách nào đến được đất nước Việt Nam xa xôi với đôi bàn chân thế này ? Và người đàn bà với đôi chân như thế đời sống của họ có gì vui ? Họ không thể một mình đi ra ngoài và còn có thể làm được gì nếu không phải chỉ quanh quẩn giữa những bức tường hoặc vuông sân, cuộc đời ví như một loại dây leo buồn bã, sống hết kiếp tầm gửi của mình !

oOo

Tháng chạp sắp hết, ngày hai mươi ba đưa ông Táo chầu trời lại nhầm chủ nhật, má tôi bảo mang cho bà dì hộp mứt, mấy lọ củ kiệu, dưa chua nhà làm sẵn, luôn tiện xin bà cắt cho nhánh mai về chưng Tết. Tôi xách xe Honda đi một mình bởi bà chị tôi kể từ khi nghe bà dì đề cập chuyện mai mối, chị tôi trốn biệt không dám gặp bà.
Xuống tới nhà trao xong mấy món quà, bà dì nói với tôi :

- Cháu ở lại ăn cơm, chiều mát bà sai thằng Xường nó cưa cho con gốc mai đem về cho mẹ.

Trong khi người làm công mang bộ lư đồng trên bàn thờ ra ngoài sân đánh bóng, tôi giúp cho bà mang hết mớ mền gối trong tủ ra phơi nắng. Ngày Tết cũng là dịp mọi người dọn dẹp giặt giũ, sơn phết, quét tước tổng vệ sinh mọi thứ cho thật sạch sẽ. Lúc thu dọn gian phòng dì Huệ ngụ mỗi lần dì về thăm bà, tôi vô tình làm rơi chiếc hộp vuông vức đan bằng sợi đay, bên ngoài có thêu hình đôi chim đậu trên cành trúc, loại hộp ngày trước các cô gái hay dùng đựng kim chỉ thêu thùa đặt phía trên ngăn tủ. Nắp hộp bật tung rơi ra một mớ hình ảnh vàng ố, bà trông thấy kêu tôi mang hết ra chiếc bàn ngoài phòng khách lau bụi rồi xếp lại từng tấm.Tôi tò mò hỏi bà :

- Ảnh của ai vậy bà ?

Bà cầm một tấm lên nhìn vào rồi nói :

- Hình của bạn trai dì Huệ hồi xưa lúc còn đi học.

Tôi trố mắt nhìn xấp hình thắc mắc bởi chưa từng được nghe má tôi hay ai nhắc đến chuyện tình cảm của dì. Có lẽ tất cả đã quên khi thấy dì yên thân sống bên chồng và có với nhau nhiều đứa con. Lật mặt sau những bức ảnh, màu giấy đã trở nên vàng ố vì năm tháng nhưng nét chữ vẫn còn rõ ràng : " Tặng đóa hoa Huệ của anh hình chụp lúc mới vào trình diện " ; sau lưng tấm khác lại ghi : " đây là chỗ anh ngũ " ; rồi một tấm nữa " Anh đang ngồi ở nhà ăn trong quân trường " ; tấm hình chụp người lính mặt mày đen nhẻm đang cầm sợi dây đu đưa trên xà ghi lại " Anh đang học về < nhiệm sở đào thoát > " ; Tất cả bức hình đều ngụ ý thuật lại đời sống tình cảm nhớ thương của mình cho người ở nơi xa ; giống như bức ảnh chụp một thanh niên trai trẻ vận bộ quân phục trắng toát đứng nghiêng nghiêng nhìn ra biển xa với dòng chữ ghi phía sau " Đây là hình chụp anh đứng nhìn núi Cô Tiên và nhớ em rất nhiều " " Nha Trang những ngày mưa nhớ em tha thiết " à. Lời lẽ sau lưng những tấm ảnh ghi rõ ngày tháng, đầy ắp thương nhớ làm cho người đọc cảm nhận mối tình thật tha thiết của người viết, ngày ấy xưa lắm lúc đó tôi chưa sinh ra đời. Tôi bâng khuâng hỏi thêm :

- Người này chắc là thương dí Huệ lắm phải không bà ? Sao hai người không lấy nhau !?

Và tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe bà trả lời một cách bình thản :

- Tại bà không chịu gả dì cho " thẳng " ( người đó ). Bà còn nhớ chiều hôm đó cậu ấy tới xin phép bà đưa cha mẹ tới nói chuyện xin cưới dì Huệ con, bà từ chối liền. Tội nghiệp nó năn nỉ bà và khóc ròng ngay lúc đó, bà biết hai đứa là bạn chơi với nhau từ nhỏ, bà cũng thương nó lắm chứ nhưng bà không thể làm khác với lời trăng trối của ông dượng lúc lâm chung. Cháu biết không, cả buổi tối nó không về, cứ đứng trước cửa rào mặc tình cho nước mắt tuôn rơi. Sáng ra bà thấy cái hàng rào " bông nho " dì Huệ bây với nó trồng bị vạt hết một góc vì nó vừa khóc, vừa bứt từng cái lá bởi tức tối và tuyệt vọng.

Tôi không hiểu tại sao bà lại thản nhiên giống như có trái tim băng giá khi quyết định như thế, lời lẽ bà nói về người bạn trai dì Huệ cho thấy bà cũng hết sức quý mến anh ta. Bà nhắc đến tên người ấy một cách thân thiết rồi nói thêm :

- " Thẳng " giỏi lắm, bây giờ làm lớn lắm đó.

Nghe bà nói đến tên tôi sực nhớ người yêu của tôi cũng ở cùng quân chủng với ông ta. Tôi hơi bất bình cho cuộc tình của dì nên bạo gan hỏi thẳng :

- Ông " ngọai " trăng trối điều gì mà bà không cho hai người lấy nhau vậy bà ?
- Hồi ông trước khi chết bắt buộc bà phải hứa chỉ gả hai người dì của con cho người Tàu mà thôi. Lúc đó bà nói rõ chuyện này với cả hai và bà không thể làm khác hơn. Đây là phong tục, tập quán của dòng họ. Mà bây giờ hai đứa cũng đâu có tệ, một bên làm quan lớn, một bên thì giàu có đó.

Bà nói một cách hài lòng giống như vừa làm được một việc tốt, thuận tình hợp lý ! Tôi thở dài trong dạ, cũng lại là những tập tục cổ hủ khiến giết chết biết bao nhiêu mối tình thơ mộng, bao nhiêu hạnh phúc gia đình ! Tôi có nghe nói từ xa xưa người Trung Hoa không bao giờ chịu gả con gái cho sắc dân khác, họ sợ đứa con gái sẽ mang bí mật gia truyền về bên nhà chồng và dòng giống của họ sẽ không còn chiếm độc quyền nghề nghiệp có thể thao túng được mọi việc. Có thể hai dì đều tưởng một khi đã được mẹ cho học trường Tây, hấp thụ nền văn minh ắt bà có suy nghĩ khác, thật ra không phải. " Bức tường rêu " trong lòng bà không dễ bị lung lay, giống như những ngôi mộ rêu phong xưa cũ nhưng lại xây bằng thứ đá vôi, ô đước tồn tại từ thế kỷ này qua thế kỷ khác đến giờ vẫn còn ghi đậm dấu tích khó thể xóa nhòa là bằng chứng. Tôi cứ tưởng trong tác phẩm " Xô ngã bức tường rêu " kể về một câu chuyện gia đình người Tàu có cô con gái được một chàng trai người Việt yêu thương, ông cha trong truyện rất quý mến chàng trai nhưng vì tục lệ cổ hủ ông ta không thể gả cô cho người cô yêu vì khác chủng tộc, tất cả chỉ là hư cấu, tôi thật không ngờ câu chuyện lại xảy ra trên mình hai người dì họ của tôi.

Tôi chợt hiểu tại sao cho đến bây giờ dì Huệ vẫn còn giữ những tấm ảnh dù đã vàng phai, đó là một cách giữ mãi hình ảnh của mối tình đầu trong cuộc đời mình, giữ mãi những lời yêu thương và buồn bã của người yêu.Thời gian trôi qua, người đã đi qua nhưng tình vẫn còn lại mãi. Khi xếp những bức ảnh cũ vào hộp tôi lại phát giác ra phía dưới đáy hộp trên lần vải lót có một quyển sổ nhỏ bìa nhung đỏ. Lòng tò mò thúc giục tôi khiến tôi tạm quên phép lịch sự tối thiểu, chuyện tình của dì Huệ làm lòng tôi thương cảm đến độ muốn biết hết tận cùng mới thỏa dạ. Vừa lật tấm bìa cứng tôi chưng hửng, quyển sổ trước kia chắc hẳn rất dầy bởi bên ngoài có ghi rõ bốn trăm trang nhưng chỉ còn độ mấy mươi trang cũ kỹ, ố vàng, những trang khác chắc dì Huệ đã xé bỏ, dấu xé vẫn còn để lại bên trong gáy tập, trên các trang còn lại chỉ vẻn vẹn chép bài thơ " Hai sắc hoa tigôn " của TTKH, nhiều trang giấy bị nhăn nheo dường như nước mắt làm ướt giờ đã khô, lật trang kế tiếp tôi thấy một nhánh hoa tigôn ép vào tập đã khô cứng, màu hoa đỏ xưa kia nay trở thành đen xỉn, chỉ vương lại tí chút màu đỏ ở cuối mỗi đài hoa giống màu máu bầm của một trái tim tan vỡ. Nhìn nhánh hoa khô tôi chợt nhớ câu hát :

…. " Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo
Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi "

Tôi có cảm giác bà dì rất toại nguyện vì đã làm đúng lời người đã khuất, hài lòng khi nhìn thấy hai đứa con gái rất có hiếu, đã vâng lời mẹ lấy người chồng do bà lựa chọn bây giờ con cái đầy đàn, cuộc sống giàu có ở nhà lầu, đi xe hơi đẹp thỉnh thoảng đưa nhau về thăm bà, có biết đâu sau lưng những hạnh phúc mà hai người dì của tôi đóng vai kịch sĩ trình diễn cho bà xem, vãn tuồng người đào hát lại trở về cuộc đời thật với những nỗi buồn riêng âm thầm chôn giấu trong tim.

oOo

 Bây giờ hai dì đã già, Dì Lan đang sống đời góa bụa, con cái đông nhưng theo nếp sống Mỹ hóa, chúng ở riêng bỏ bà má một mình cô quạnh trong căn nhà rộng, tưởng rằng thuê người tuần lễ hai ngày tới dọn dẹp, cho bà nhiều tiền là đã đầy đủ bổn phận làm con, có hôm bà bị ngất đi chẳng đứa nào hay, tỉnh dậy lại lò mò thay quần áo bị ướt nước tiểu, nấu nồi cơm ăn tuần lễ chưa hết. Dì Huệ thì không biết là may mắn hay thê thảm hơn bởi khi vừa đến xứ tự do người chồng lại " ngựa quen đường cũ " nay cô này, mai cô khác. Anh ta ly dị với dì để rảnh rang về Việt Nam gặp lại người tình dan díu lúc trước, Dì Huệ hiện đang ở với đứa con gái Út được mấy đứa cháu chăm sóc tận tình, sau cơn stroke nhẹ dì còn chưa hồi phục lại. Tôi biết người yêu xưa của dì sau bảy lăm bị đi tù nhiều năm cũng đã sang Mỹ và sống cùng tiểu bang với dì bởi báo chí địa phương có lần nhắc đến tên ông. Đôi lúc tôi muốn gọi điện hỏi thăm ông để có dịp nói đến tên dì bởi tôi biết chắc trong thâm tâm, ông không bao giờ quên được mối tình tức tưởi với dì cho dù ông cũng đã có vợ con. Người đàn ông nào cũng có lúc thích sống những phút giây ngoài vợ chồng dù chỉ trong ý nghĩ để được tự do thương nhớ trong âm thầm, giống như câu ca dao xưa hay hát :

" Tóc mai sợi vắn sợi dài,
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm "

Nhưng suy nghĩ lại, tôi thôi không muốn nhấc phone cũng không đề cập tên ông với dì vì làm thế dì đã không bớt buồn, ngược lại sẽ khiến dì nhớ lại chuyện xưa tinh thần sẽ sa sút hơn bây giờ. Còn ông, chắc chắn được tin ông sẽ tới thăm dì với tư cách một người bạn cũ. Chuyện tình đã hơn năm mươi năm, lần gặp cuối cùng cũng đã ba mươi mấy năm, nếu ông đến thăm sẽ không giấu được vẻ thương hại dì trên mặt, ông sẽ đánh mất đi vĩnh viễn hình ảnh xinh đẹp, tươi tắn ngày xưa khi nhìn thấy những nét già nua, tang thương vì bệnh tật của dì trong hiện tại. Hai người dì của tôi trong ngày cưới, giống như những cánh hoa chúng đã chết ngay khi vừa bị cắt rời khỏi thân cây đem cắm vào bình, chỉ duy trì được nét tươi tắn giả tạo " trong héo ngoài tươi " . Cũng vậy, khi người ta ngắt cánh hoa mang ép vào tập mong giữ lại một hình ảnh đẹp, có ngờ đâu chỉ trở thành một nhánh hoa khô không hương sắc !.

Đời sống hai dì làm tôi nhớ lại câu nói của một triết gia mà tôi quên mất tên đã ví von rằng : " Một người sống không tình yêu đó là một thi hài biết thở " . Ai cũng biết là điều chua xót và đau khổ nhất trong cuộc sống nhưng vẫn có nhiều người không thể tự quyết định được đời mình.

Cỏ Biển.
Tháng 4/2007



(*) gọi là dì khi xưng hô với nhau của người Hoa