SỐ 34 - THÁNG 4 NĂM 2007

 

Thơ

Về biển
24 Phạm Hồng Ân
Em vẫn là đêm
24
Huỳnh Kim Khanh
Vọng quốc

23
Trần Việt Bắc
Hoài sầu thụy nhân
21
Ưu Du
Chuyện cũ
21Ngọc Trân
Một lần đi

18
Tôn Thất Phú Sĩ
Nghe hồn bay bổng
18
Kim Thành

Truyện ngắn, Tâm bút

Ngã ba sông
14
Phạm Hồng Ân

Trại tỵ nạn Kuantan
14
Nguyễn Hồng Quang
Tháng tư trong mắt học trò
13
Hoàng Mai Phi

Nhánh hoa khô
14
Cỏ Biển

Ăn chơi
15
Xuân Phương

Dưới vùng cỏ non
8Ưu Du

Như cơn gió thoảng
8Võ Thị Đồng Minh
Một chuyến công tác
8Hoàng Mai Phi
Phận người
8Song Thao
Hiến tặng
8Nguyên Nhi

Văn học, biên khảo

Giao Chỉ và Tượng Quận
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành (8)
4Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 21

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn
1Ưu Du
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 28

1 Huỳnh Kim Khanh


 

Phận người


SONG THAO

Giả thử bạn có một tên bạn nối khố từ hồi còn đi học ba bốn chục năm về trước nay bạn gặp lại hắn ở thành phố Montréal này thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Mấy chục năm cách biệt dễ gì bạn đã nhận ra tên bạn từ thời xa xôi đó. Cái gọi là thời gian ít khi trễ nải bổn phận lắm. Thế nào nó cũng  đẽo gọt chút đỉnh làm khuôn mặt tên bạn của bạn khác đi một chút. Lại nữa, sang tới bên đây tên nào cũng có khuynh hướng tăng thêm thể tích, nhất
là những tên trên dưới năm chục tuổi đời. Chút thịt thêm thắt này đôi khi cũng sinh ra nhiều chuyện lắm. Nó là bằng chứng của một cuộc sống ổn định tự mãn. Vô phúc bạn lại là một anh HO vừa lớ ngớ mò sang hoặc bạn là một tên di tản chậm chạp vừa rời đảo qua và bạn lại vừa tinh mắt vừa có tính nhanh nhẩu vồ vập tên bạn cũ thì bạn có thể sẽ hối hận. Nhiều phần bạn sẽ nhận được một cái bắt tay lỏng lẻo, một lời chào hỏi phải phép, vài câu xã giao nhạt nhẽo trước khi người bạn khéo léo vén tay nhìn đồng hồ rồi cáo từ trước cặp mắt ngỡ ngàng của bạn.

 Trường hợp tôi gặp Ngọc lại khác hẳn. Tôi mới đặt chân tới thành phố này chưa được bao lâu, nước da chưa nhả hết cái nắng vùng nhiệt đới, khuôn mặt chưa xóa đi được nét khắc khổ của thời gian dài sống với các anh cối bên nhà, và đôi mắt vẫn còn ngơ ngác trước cuộc đời mới. Chung quanh tôi người ta đang rộn ràng ăn tết. Cả chục ngàn người quần là áo lượt đi lui đi tới khiến khu Complexe Desjardins thường ngày rộng là thế mà hôm nay co lại như một chiếc túi chật chội bí rị. Giữa trùng trùng lớp lớp những chiếc đầu đen nhấp nhô chuyển động đó tôi nhìn ra ngay cái đầu của Ngọc dù đã trên dưới ba chục năm chúng tôi không gặp nhau. Chẳng phải là vì tôi có một cặp mắt làm nản lòng những tiệm bán kiếng mà vì cái đầu ngày xưa chúng tôi vẫn riễu cợt là đầu cá trê cho tới bây giờ nó vẫn là cái đầu cá trê. Nhìn từ phía sau chiếc đầu như một bức tường có cây leo chằng chịt bị sóng gió thời gian xô nghiêng như có thể đổ được bất cứ lúc nào. Nhìn từ phía trước nó như mũi một chiếc tàu thủy vừa làm được một kỳ công là chui từ trong tường ra mà không hề bị sứt mẻ một chút xíu nào cả. Cái đầu mà hồi đi học chúng tôi vẫn rỡn là chỉ cần nhìn vào đã biết ngay Ngọc là một dân di cư vô Nam bằng tàu há mồm một trăm phần trăm chẳng chệch đi đâu được.

 Tôi cố chen chúc tiến tới gần cái đầu của Ngọc. Cũng khó khăn vất vả lắm. Như cố gắng lội trên mặt biển để bắt một trái banh đang bị sóng biển xô đi mỗi lúc một xa. Nỗi háo hức của tôi quả có làm phiền những người chung quanh. Bước chân tôi có lúc đạp lên giầy người khác, cánh tay tôi có lúc mạnh bạo gạt ngang gạt dọc, cái lưng tôi có lúc húc càn như một người xa lạ với phép lịch sự. Kết quả là tôi cũng thu góp được không ít
những khuôn mặt giận dữ, những cái liếc xéo thiếu cảm tình, những tiếng lầm bầm tức tối và đôi khi cả những câu mai mỉa tím người. Ngày tết mà ôm cả đống bực mình của thiên hạ vào người thì thật không vui. Nhưng biết làm sao được. Tôi phải nắm được cái đầu cá trê trước mặt bằng bất cứ giá nào. Cuối cùng tôi cũng ở bên cạnh cái đầu của bạn tôi. Tôi nhích lên phía trước nhìn ngược lại cho chắc ăn rồi nắm vai Ngọc hỏi như reo:

- Ngọc phải không?

 Ngọc nhìn sững tôi. Ánh mắt chuyển từ ngạc nhiên sang mừng rỡ. Cánh tay nhúc nhình như muốn ôm chầm lấy tôi nhưng không được. Cả hai tay anh còn bận ôm một thùng các tông vuông vức nặng nề. Nhận ra đôi cánh tay vướng vìu như bị trói chặt vào chiếc thùng mặt Ngọc bỗng đỏ ửng lên. Anh chàng ngượng. Tôi bắt gặp lại khuôn mặt động một chút là mắc cở thời xưa. Ngày xưa khuôn mặt này được chúng tôi gọi là khuôn mặt con gái. Và Ngọc có huê danh là cô Ngọc. Dĩ nhiên đường đường một đấng nam nhi râu mép đa lún phún đâm ra mà bị gọi là con gái thì ai mà chẳng tức tối. Ngọc đã từng liều lĩnh buông ra những câu chửi lại. Nhưng cái lối chửi của Ngọc dù liều lĩnh tới đâu cũng nhẹ hều. Lối chửi của những đứa con gái. Thấm gì với những tên đầu trâu mặt ngựa nhất lớp. Và cô Ngọc vẫn hoàn là cô Ngọc. Tôi còn nhớ mai hồi đó chính phủ Ngô Đình Diệm phát động chiến dịch truất phế Bảo Đại. Trường Chu Văn An tổ chức một buổi đưa học sinh đi vận động đồng bào bỏ phiếu truất phế tại khu Phú Thọ Hòa. Đêm đó chúng tôi phải ngủ đêm tại chỗ để tổ chức đốt lửa trại. Giữa khuya, lúc đồng bào đã giải tán, chúng tôi ngồi ăn cháo do nhà trường đãi. Chuyện qua chuyện lại, mũi dùi châm biếm lại chĩa vào Ngọc. Đứa tung đứa hứng mấy tên khu nhà lá trong lớp làm Ngọc tức phát điên người. Ngọc càng chửi chúng càng chọc tức. Ngọc đỏ mặt tía tai bất thần cởi thắt lưng tụt quần xuống giơ chim ra tức tưởi nói: " Đây này, đứa nào bảo ông nội mày là con gái thì nhìn đây!". Cả bọn ôm bụng cười ngoặt ngoẽo. Tiếng cười oang oang vọng ra giữa đêm khuya làm mấy con trâu nằm ngủ trong chuồng gần đó nhớn nhác đứng lên kêu nghé ngọ ầm ĩ. Ngọc chạy vào một góc tối giữa những đống rơm đứng khóc ngon lành như một đứa trẻ.

 Hàng ria mép lún phún mềm oặt nay đã thành những chân râu biếng cạo lấm chấm chỗ trắng chỗ đen. Khuôn mặt có những vết xếp nếp thời gian tuy vậy vẫn còn giữ nguyên vẻ lúng túng thuở xưa. Tôi cầm cánh tay Ngọc kéo ra một góc vắng người. Ngọc khó khăn cúi người thả chiếc thùng các tông xuống sàn nhà, dang hai tay lay hai vai tôi:

 - Tôi đâu có ngờ gặp lại cậu ở đây. Bạn cùng lớp tụi mình ngày xưa biến đi đâu hết mà tôi chẳng gặp thằng nào cả. Gặp lại cậu mừng quá!

 Ngọc bóp mạnh hai vai tôi lắc thêm một hồi nữa. Chiếc đầu cá trê gật gù cùng với nụ cười không nở ra trọn vẹn. Tôi liếc nhìn Ngọc. Chiếc áo lạnh dày cộm cũ kỹ đã ngả màu dài tới gần đầu gối phủ lên chiếc quần màu xanh nhạt nhầu nát. Đôi giầy bốt thô kệch lốm đốm những vết dơ trắng đục được cột bằng sợi dây dơ dáy. Ngọc có vẻ ngượng nghịu trước tầm mắt tôi. Anh lúng túng hỏi:

 - Cậu qua hồi nào vậy?

 Tôi thở dài:

 - Chậm chân lắm. Mới được có tám tháng.

 Ngọc nhích ra một chút để nhìn ro từ đầu tới chân tôi:

 - Mới có tám tháng! Thế mà trông bảnh chọe hơn cái thằng đã uống nước Montréal tới mười tám năm nay rồi.

 Tôi đâm ngượng với chính mình. Chẳng là sáng nay trót dại đánh nguyên một bộ com-lê cà vạt cho có vẻ tết nhất. Tôi đánh trống lảng:

 - Cậu còn nhớ thằng Tùng không nhỉ?

 Ngọc lặng lẽ gật đầu. Tùng là tên đầu sỏ của đám bạn bè trêu chọc Ngọc ngày xưa. Huê danh cô Ngọc cũng là tác phẩm của tên này. Một thoáng lưỡng lự rồi Ngọc cười cười hỏi tôi:

 - Bây giờ nó ở đâu?

 - Nó qua Mỹ trước tôi hai tháng. Tuần trước có điện thoại cho tôi. Nó có nhắc tới cậu.

 Ngọc di di đôi giầy trên sàn nhà, đầu cúi xuống, mắt tư lự:

 - Kể bây giờ gặp lại nó cũng hay!

 Tôi nhếch miệng đùa:

 - Cậu không sợ nó chọc cậu nữa à?

 Ngọc cười. Không phải nụ cười tự tin của người đã thoát ra được cái mặc cảm bị trêu chọc mà là nụ cười giả lả của người an tâm vì tai họa còn nằm ở một nơi chốn rất xa xôi. Vả lại chắc đứng cạnh tôi Ngọc cũng vững lòng hơn. Ngày xưa tôi đã chẳng từng là bức tường chắn bảo vệ Ngọc khá hữu hiệu sao? Tôi và Ngọc ngồi cạnh nhau. Những lúc Ngọc bối rối khổ sở đều có tôi chống đỡ cho Ngọc. Ngọc cũng không để tôi thiệt thòi. Nhà Ngọc có một tiệm tạp hóa nho nhỏ, thỉnh thoảng Ngọc lại giúi cho tôi một bao thuốc lá thơm. Ở cái thời mà năm bảy đứa trốn ra sau hè chia nhau một điếu thuốc lá thì nguyên một bao thuốc kể ra cũng là một cách trả công khá hậu hĩnh. Tôi chỉ vào chiếc thùng giấy hỏi:

 - Mua gì mà ôm một thùng lặc lè như vậy? Thuốc lá chăng?

 Ngọc ngơ ngẩn không bắt được mảnh hồi ức của tôi. Anh lúng túng giải thìch:

 - Mua gì đâu. Bà xã tôi có một gian hàng trong này. Tôi ôm hàng của bà ấy đấy chứ. Toàn bánh chưng không, nặng như cái cùm. Cậu có thìch lấy một cặp ăn chơi. À quên, để tôi hỏi bà ấy đã không lại làm ầm lên mệt lắm.

 Tôi sững người nhìn Ngọc. Mấy chục năm mới lại gặp nhau sao bạn tôi lại ăn nói tào lao như vậy. Tôi gạt ngang:

 - Thôi cậu đừng bày vẽ nữa. Cậu đưa tôi tới giới thiệu với bà xã cậu đi chứ.

 Ngọc như có vẻ ngại ngần. Môi anh run run lắp bắp:

 - Thôi cậu ạ!

 Tôi ngạc nhiên nhìn Ngọc. Ngọc như cảm thấy cặp mắt mở rộng của tôi. Anh luống cuống chống chế:

 - Bà ấy bận buôn bán nên hay gắt gỏng lắm.

*
* *

 Bù trừ là luật của trời. Chẳng ai có tất cả mà cũng chẳng ai mất tất cả. Được cái này thì hỏng cái kia. Cha ăn mặn thì con khát nước. Cha dạy học con bán sách. Anh nhiều tiền thì bói không ra một đứa con. Anh đẻ sòn sòn thì tiền chẳng bao giờ thấy bén mảng tới nhà. Chồng khôn thì vợ dại. Chồng hiền thì vợ dữ. Lộc trời cứ san sẻ đều như vậy. Thì cũng được đi. Nhưng trong trường hợp của Ngọc thì luật bù trừ đúng là tác phẩm của một
ông trời không tim.

 Nhìn vào khuôn mặt sát sạt của Vân, vợ Ngọc, chẳng ai có thể làm lơ được đôi mắt sắc lẻm nằm dưới cặp lông mày rậm và xếch như một con dao mác được mài bén. Đôi mắt khi quắc lên thì đá cũng phải đổ mồ hôi chứ kể chi cái anh chàng Ngọc bạn tôi. Tôi đã chạm vào đôi mắt đó khi cùng đi với Ngọc lại quầy hàng của vợ anh. Vừa trông thấy bóng Ngọc, Vân đã quắc mắt lên nhìn chăm chăm vào chồng. Cặp mắt như hai đốm lửa nóng bỏng. Ngọc bị chảy ra thảm hại. Máu trên mặt anh chạy trốn hết. Lưng anh đổ xuống vì sức nặng của thùng bánh chưng. Anh chậm chạp tiến tới chân nhấc không muốn nổi. Vân lớn giọng chì chiết, hai hàm răng rít lại:

 - Tưởng ông nội chết đường chết chợ rồi chứ! Sai về lấy có thùng bánh mà bò mãi không ra. Làm ăn chỉ có một ngày mà gặp cái ngữ ăn hại này thì còn nước non gì nữa. Trời ơi là trời!

 Ngọc đứng như trời trồng. Tôi chẳng nhìn thấy một phản ứng nhỏ nhỏi nào nơi anh. Tôi thấy bất nhẫn vội lên tiếng:

 - Thưa chị, tôi là bạn học cũ của anh Ngọc, mấy chục năm mới gặp lại nhau nên tôi giữ anh lại nói chuyện. Cho tôi xin lỗi vì tôi không biết chị chờ anh Ngọc.

 Khuôn mặt đang bừng bừng sát khí của người đàn bà bỗng chùng lại như một thỏi sắt nung đỏ bị nhúng vào nước. Cái miệng vừa buông những lời thậm tệ đã vẽ ra ngay được một nụ cười tươi tắn:

 - Anh là bạn học cũ của anh Ngọc tôi à? Quí hóa quá! Chúng tôi bận làm ăn buôn bán nên ít bạn bè. Gặp anh chúng tôi mừng lắm. Mời anh lúc nào rảnh ghé qua nhà chơi. Để anh Ngọc tôi cho anh địa chỉ.

 Một vài khách hàng tới mua đồ. Vợ Ngọc lăng xăng bán hàng miệng nói tía lia ngọt sớt.

 Tôi đứng ngỡ ngàng trước sự thể xẩy ra trước mắt. Cùng một khuôn mặt mà sao phút trước khác hẳn phút sau. Cứ như hai cái mặt nạ úp ngược nhau lúc thiện lúc ác. Bạn tôi mà đụng vào người đàn bà này thì chỉ có nước dẹp lép. Tôi nhìn sang Ngọc. Anh như một chú học trò bị kêu lên trả bài trong bụng không có một chữ mặt tái xanh đứng chào cờ chờ hình phạt của cô giáo. Tôi cảm thấy thương bạn tôi quá. Tôi nhủ lòng phải bênh vực anh như tôi đã từng bênh vực anh ngày xưa lúc hai đứa còn mài đũng quần trên ghế nhà trường.

 Ngọc và tôi hồi đó kể cũng có duyên với thi cử. Tú tài một, tú tài hai, cả hai chúng tôi cùng đậu cái rụp. Lên Đại Học Ngọc thi đậu vào Quốc Gia Hành Chánh. Việc Ngọc học Quốc Gia Hành Chánh làm tôi ngạc nhiên. Bản tính nhút nhát e lệ của Ngọc thì cai trị được ai. Lại nữa, chốn quan trường người ta kèn cựa nhau từng chút, bạn tôi sẽ ứng xử ra sao trong cuộc sống nhiều bon chen đó. Tôi e ngại Ngọc sẽ hụt hẫng trong vòng danh lợi. Anh chẳng thể nào không là kẻ chịu nhiều thiệt thòi. Tôi xẵng giọng hỏi Ngọc:

 - Sao cậu lại chọn Quốc Gia Hành Chánh?

 Ngọc lấm lét như người bị bắt quả tang phạm lỗi. Anh tránh ánh mắt tôi, nhỏ nhẹ nói như thú tội:

 - Vì họ cho học bổng. Mình cần tiền!

 Câu trả lời của Ngọc làm tôi bối rối. Ngọc không có quyền chọn tương lai. Anh chỉ biết đối phó với hiện tại. Cách đối phó của Ngọc là cách tự vệ của một con rùa. Cất cái đầu và bốn chân vào trong mai. Rồi thì mọi sự sau đó mặc cho thế sự xoay vần.

 Đứa nào trong chúng tôi hồi đó mà không cần tiền. Mới di cư vào Nam chưa được bao lâu, cha mẹ chúng tôi còn đang vất vả với cuộc sống mới. Nuôi con ăn học cho tới tú tài đã là cả một cố gắng của những di dân mới. Tôi cũng cần tiền nhưng tôi có thể chạy vạy đi kiếm một chân kèm trẻ tại tư gia hoặc xin dạy giờ tại các trường lấy tiền đi học. Và tôi đã chọn được ngành học đúng sở thìch mà không vất vả lắm về chuyện tiền bạc.

 Ngọc thì không thể như vậy được. Bảo anh xoay sở kiếm tiền nuôi thân ăn học thì có khác nào ném một người chưa biết bơi xuống nước. Anh sẽ bị ngộp với cuộc sống, sẽ vùng vẫy một cách vô vọng trước khi bị chìm lỉm.

 Khi Ngọc tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh thì tôi nhận được học bổng đi du học. Chúng tôi mất liên lạc. Tôi cắm cúi trên chồng sách vở bằng thứ tiếng ít nhiều lạ lẫm nên chẳng còn nhiều thời giờ cho thế giới bên ngoài. Những tin tức về Ngọc tôi nhận được đều là do thư của những tên bạn cũ.

 Ngọc khởi đầu cuộc đời Phó Quận khá thuận lợi. Anh học giỏi, ra trường đỗ hạng cao nên được về trấn nhậm tại một quận ven đô Saigon. Đường hoạn lộ của anh cũng càng ngày càng lên cao. Từ ven đô anh cứ leo theo đường núi phía tây nhích lên dần. Khi tôi trở về nước thì Ngọc đã leo tít lên tới một quận heo hút trên miền núi. Chẳng ai có tin tức chính xác gì về anh. Anh sống như thế nào tôi hoàn toàn mù tịt. Ngọc như một cái bóng mờ đôi lúc tạt qua trong trí tôi. Cái bóng dễ dàng bị cả núi công việc của một đời sống bận rộn đè chìm lỉm mất tiêu.

 Chỉ tới khi đất nước tan tành, bó thân vào trại tù cải tạo gặp lại Tùng tôi mới được biết thêm tin tức về Ngọc. Tùng say sưa nhắc lại những tháng ngày cũ nơi trường Chu Văn An. Bất thần hắn nhếch miệng cười hỏi tôi:

 - Mày còn nhớ thằng "cô" Ngọc không?

 Tự nhiên tôi cảm thấy câu nói của Tùng thậm vô duyên. Tôi bỗng giận ngang:

 - Nhờ anh tí! Hồi đó nếu không có tao chắc tụi mày đã ăn thịt nó rồi. Trông thấy cái bản mặt mày là tao đa thấy bực cho thằng Ngọc. Không nhớ sao được!

 Tùng toét miệng nhúc nhích hàng ria mép hạ giọng:

 - Thế mà nó có vợ rồi lại có con nữa. Mà con trai đàng hoàng đấy.

 Câu nói của Tùng nghe ra như một câu châm biếm mỉa mai. Hắn nhìn sững tôi. Khuôn mặt nhẩn nha chờ đợi cho tôi thấm thìa nét ẩn dấu nằm bên trong câu nói. Tôi tỉnh bơ trêu chọc:

 - Thì đã sao? Mày đã từng được coi chim nó rồi mà.

 Tùng phá lên cười. Hình như cái hoạt cảnh đêm nào ở Phú Thọ Hòa vẫn chưa nhạt phai nỗi thú vị trong hắn. Hắn chấm dứt tràng cười lấy tay bịt miệng nói nhỏ:

 - Tao nghi không phải là con nó.

 Tôi giật mình. Chẳng lẽ cuộc đời lại ném cho Ngọc thêm một lần thiệt thòi nữa sao. Tôi bối rối hỏi Tùng:

 - Sao mày biết?

 Tùng tỉnh bơ cúi xuống nhặt một cục đất ném vào một chú chim đang vội vã sục mò vào luống rau muống của tổ hắn trông. Chú chim hốt hoảng xoải cánh vẽ một đường thẳng tắp lên không trung. Tùng buông một câu chửi gọn gàng:

 - Đ.M. Trông mà ngứa mắt. Thứ này vặt lông nướng cho vàng xé ra chấm muối tiêu thì đã thấy ông bà ông vải luôn.

 Một năm trong tù khó nhìn thấy mặt miếng thịt làm tôi nuốt nước miếng khan trước câu nói béo ngậy của Tùng. Tùng nhìn thấy cái cần cổ nhấp nhổm lộ liễu của tôi cười nhạt nói:

 - Mẹ kiếp! Đúng là ở đời hơn nhau cái "numéro" mày ạ. Khôn ngoan như mày với tao thì bó thân trong tù nghĩ được ăn miếng thịt chắc sướng hơn được ôm vợ. Còn khặc khà khặc khừ như thằng Ngọc thì bây giờ phây phây ở ngoại quốc.

 Tôi nghĩ trong bụng. Thằng nào đi được thì sướng thằng ấy. Nhưng sao như có chút buồn phiền trong lòng. Trong cái tận cùng của khổ nhục con người thiếu hụt nhiều thứ lắm. Tôi thầm trách mình. Như muốn thoát ra khỏi những so đo hèn hạ, tôi vội hỏi Tùng:

 - Thằng Ngọc tếch được à?

 Tùng nhìn tôi với con mắt khinh khỉnh:

 - Bộ nó còn đợi mày nữa hay sao?

 Thằng này có lối nói chuyện thật mất dạy. Tôi muốn mắng vào mặt nó mấy mắng nhưng tôi còn cần biết thêm tin tức về Ngọc nên nói lửng lơ:

 - Thằng đó cái gì cũng chậm chạp mà lúc cần dọt sao nó dọt lẹ thế. Tuốt tận trên núi mà bay được!

 Tùng bĩu môi nhìn tôi:

 - Cái ngữ nó mà làm được gì. Nó nhờ con vợ nó hết.

 Nghe cái giọng dè bĩu của Tùng tôi nổi cơn chọc tức hắn:

 - Số nó như vậy là số thân cư thê. Tốt! Nó có vợ quí như vậy mà mày còn chê nỗi gì?

 Tùng nổi đóa:

 - Mày đíu biết gì cả! Vểnh tai nghe tao nói cho mà biết. Vợ nó là cháu ông Tỉnh Trưởng xếp của nó. Ông Tỉnh thấy ông Phó Quận chân chỉ hạt bột nên nhờ người dò hỏi nó. Thằng Ngọc đang cu ki một mình nơi đìu hiu cô quạnh muốn vợ muốn chết mà đâu có biết tán gái. Thấy có của dâng sẵn thì gật đầu liền. Mà em người ngợm cũng ngon lành lắm. Chỉ phải cái tội mặt trông hơi dữ. Lại phải thêm một cái tội là bụng đã ôm một tác phẩm của một chàng không quân hào hoa bay nhanh như chớp. Đám cưới nó bên nhà gái lo hết. Lại lo nhanh như là một đám cưới chạy tang. Nhanh như vậy mà vợ nó vẫn sanh non một đứa con trai.

 Tùng cất giọng cười khoái trá. Làm như diễn tả thêm được một chi tiết đắc ý chứng tỏ anh chàng Ngọc đúng là "cô" Ngọc là một niềm vui lớn lao của hắn. Tôi bỏ ngoài tai tiếng cười, gạt khỏi mắt cái miệng toang hoác thú vị, lòng bỗng cảm thấy thương Ngọc vô kể.

 Ngọc ngồi trước mặt tôi vẫn giữ cái vẻ ngờ nghệch từ hồi còn đi học. Anh xoay xoay ly cà phê trước mặt, đôi tay bối rối vụng về. Anh nhỏ nhẹ bảo tôi:

 - Cậu đừng nói chi với thằng Tùng về chuyện của tôi nghe.

 Tôi trấn an Ngọc:

 - Nói làm chi! Mà mắc mớ chi cậu sợ nó dữ vậy?

 Ngọc chống chế:

 - Chẳng phải sợ nhưng tôi muốn được yên thân.

 Suốt đời bạn tôi chỉ mong được yên thân nhưng cuộc đời luôn luôn cuốn quanh Ngọc những vòng chỉ rối. Ngọc mới tâm sự với tôi về cuộc sống gia đình anh. Những gì anh nói, tôi đã nhìn thấy ngay từ lần đầu tới cửa tiệm tạp hóa của vợ chồng anh. Vân ăn mặc đẹp đẽ, mặt mũi trang điểm kỹ càng, đầu tóc bới cao cứng ngắc như sắp đi dự dạ hội. Nàng vồn vã đon đả với mấy bà khách, liếc mắt đong đưa với mấy ông khách. Cho người này một chút dịu ngọt, người kia một chút tình tứ. Trong khi đó Ngọc xốc xếch trong bộ quần áo cũ mèm, chiếc mũ len úp chụp xuống đến tai, quì mọp xuống sàn nhà bận rộn sắp xếp lại từng hũ tương, từng chai nước mắm hoặc cong lưng dí mũi vào những bao cá, bao thịt đông lạnh. Anh luôn tay luôn chân chẳng lúc nào nghỉ. Thỉnh thoảng anh giật mình với tiếng sai bảo the thé của vợ, rón rén lấy đồ đưa tới quầy tính tiền. Trời mùa đông cắt da cắt thịt mà Ngọc cứ phải ra vào xoành xoạch. Lúc đi lấy hàng, lúc đi giao hàng tới nhà cho khách. Khuân vác nặng nhọc cồng kềnh. Da thịt chịu lạnh từng chập làm anh hắt hơi sổ mũi thường xuyên. Người anh đẫm đặc mùi dầu gió. Tôi thấy bất nhẫn cho bạn. Có chút thời giờ rỗi rảnh là tôi tới tiệm tạp hóa lấy cớ mua chút đồ nán lại nói chuyện với vợ chồng Ngọc. Tôi ngầm hy vọng là sự có mặt của tôi làm Ngọc dễ thở hơn. Dù sao Vân cũng nể tôi tí chút. Quả vậy, mỗi lần tôi đến là Ngọc như trút được gánh nặng. Vân vui vẻ chuyện trò với tôi, đôi khi còn cười đùa rỡn cợt nên quên béng la hét anh chồng. Lợi dụng cảm tình của Vân tôi đỡ đòn cho Ngọc và có lúc còn nhắc cho Vân nhớ dù sao ông Phó Quận Ngọc cũng đã bảo bọc mẹ con nàng hồi ở Việt Nam. Vân bĩu môi dè bĩu:

 - Xí! Anh tưởng hồi đó tôi sướng lắm đấy hả? Mà thôi chuyện ngày xưa bỏ không nói tới làm chi nữa. Bây giờ mà không có con này thì cha con ông ấy treo mỏ từ lâu rồi!

 Nói thì nói vậy chứ Vân cũng có chút thay đổi. Ít nhất mỗi tuần tôi cũng "mượn" được Ngọc đi uống cà phê với tôi một hai lần. Những giờ phút ngồi với tôi trước ly cà phê là những giờ thoải mái nhất của Ngọc. Anh có cơ hội để tâm sự với tôi, thổ lộ những bực dọc trong cuộc sống hàng ngày. Một cách để anh xả bớt những ưu phiền của một người chồng không được nể trọng. Thấy vẻ lụn bại của bạn nhiều lúc tôi cũng không kềm giữ được bực tức:

 - Thì cậu cũng phải làm sao chứ chẳng lẽ cứ bẹp dí như vậy suốt đời.

 Ngọc đăm đăm nhìn tôi. Tôi đọc được tất cả vẻ nhẫn nại trong cặp mắt tối tăm đó. Anh thở dài trả lời:

 - Có tôi làm cục kê thì thằng con đỡ khổ. Cũng vì thương con cậu ạ!

 Vợ chồng Ngọc chỉ có một con trai độc nhất. Thằng con mà Tùng bảo vợ Ngọc đã sanh non. Vịnh năm nay đã ngoài hai mươi, đang học Đại Học. Ngoài giờ học nó cũng phải ra trông hàng phụ với mẹ. Con một mà coi bộ không được mẹ cưng chiều. Vân khắt khe với thằng con chẳng kém gì với chồng. Hai cha con như hai đám cỏ dại nép mình dưới gốc cây cổ thụ là Vân. Bao nhiêu ánh nắng mặt trời cây hứng hết. Đám cỏ dại suốt đời sống phận bạc bẽo. Hai cha con hàng ngày chia nhau những lời cay đắng. Thằng con cũng chịu đựng chẳng kém gì ông bố. Tôi ít khi thấy được nụ cười trên khuôn mặt bảnh bao dễ thương của Vịnh. Lúc nào nó cũng nem nép thủ thế. Miệng mồm chỉ biết có vâng dạ.. Cặp mắt chẳng dám nhìn thẳng vào ai. Tay chân luôn luống cuống sợ sệt.

 Hai cha con cùng chịu những trận bão cuồng nộ của Vân nên dễ gần nhau. Ngọc thương con một cách lạ lùng. Hình như tất cả lẽ sống của anh nằm nơi Vịnh. Tôi đã có lần đọc được ánh mắt nửa thương hại nửa giận dữ của Ngọc khi anh đứng nhìn Vân la mắng con. Tôi có cảm tưởng nếu một ngày nào đó Ngọc dám đương đầu với vợ thì lý do chắc không ngoài tình thương dành cho đứa con. Câu nói mỉa mai của Tùng lảng vảng trong đầu tôi. Tôi buột miệng hỏi Ngọc:

 - Cậu thương con như vậy mà lại chỉ có một đứa thôi nhỉ?

 Ngọc ngước mắt nhìn tôi dò hỏi rồi cúi đầu nói:

 - Số trời cả!

 Tôi không hiểu đó là một câu trả lời hay là một lời than vãn.

  *
* *

 Ngọc gọi cho tôi từ một phòng điện thoại công cộng nhân lúc đi giao hàng cho khách. Anh bồn chồn hỏi tôi:

 - Mấy tuần nay sao không thấy cậu đến? Mụ vợ tôi càng ngày càng quá quắt. Bà ấy lồng lộn như cọp nằm trong cũi. Tôi chẳng hiểu ra sao cả.

 Tôi lựa lời nói với Ngọc:

 - Kệ bà ấy! Tôi cũng ngán bà ấy lắm. Mai mốt rảnh tôi sẽ lại chơi. Hồi này bận quá chẳng cựa quậy vào đâu được.

 Ngọc như có vẻ an tâm với câu trả lời của tôi. Giọng anh vội vàng:

 - Nhớ mai mốt tới nghe. Có cậu cũng đỡ khổ lắm. Tôi phải về gấp kẻo bà ấy la. Nhớ đến nghe!

 Tiếng cúp máy khô khốc làm nhói tim tôi. Nói gì được với Ngọc bây giờ. Khi Vân ngỏ ý nhờ tôi giữ sổ sách thuế má cho cửa hàng tôi nhận lời ngay vì nghĩ rằng sẽ có cớ để lui tới với Ngọc thường xuyên hơn. Ngày "nhận việc" Vân mời tôi tới nhà nói chuyện cho yên tĩnh. Nàng ở nhà một mình. Ngọc và thằng Vịnh trụ ở cửa hàng. Vân tiếp tôi trong bộ đồ ngủ hớ hênh. Cử chỉ, lời nói và đôi mắt gửi cho tôi một thông điệp rất rõ ràng. Làm chi mà tôi không biết. Nhưng tôi tỉnh bơ như không. Chẳng phải lần đầu tiên trong đời mà tôi làm ngơ trước những mời mọc quyến rũ. Ở Việt Nam lúc ở tù cải tạo về tôi đã có thời đi buôn hàng chuyến. Đồng hội đồng thuyền đi tầu lửa, ăn hàng chợ và ngủ nhà trọ có thiếu gì bà chồng đi học tập chưa về. Thời buổi đổi đời, sống nay biết nay, ngày mai là một cái lỗ hổng đen xì, con người dễ buông thả. Vậy mà tôi tự đặt cho mình một luật lệ nghiêm khắc. Không bao giờ phản bội bạn bè còn trong tù ngục cải tạo. Đối với những người tôi coi là bạn, những người bạn không biết tên biết mặt, tôi còn không thể cắm sừng lên đầu họ. Huống chi người bạn sờ sờ trước mắt. Vân làm sao có thể hiểu được tôi. Nàng như thiếp đi trong cơn mộng dữ. Vân tới ngồi sát cạnh tôi, trao cho tôi tập hồ sơ. Tôi cầm đọc. Nàng ghé sát người giải thìch. Hơi thở nhột nhạt trên má tôi. Gò ngực phủ ấm bên vai tôi. Mùi nước hoa suồng sã sực nức. Tôi đứng dậy giả bộ đi lấy một ly nước rồi ngồi qua bên ghế khác. Câu trả lời khá rõ ràng. Vân như sực tỉnh. Lửa trong mắt nàng quắc lên nóng bỏng. Cả khuôn mặt toát ra vẻ thách thức dữ dằn. Tôi lấy cớ bận việc cáo từ. Vân đứng phắt dậy theo tôi ra cửa. Tiếng cửa dập mạnh tưởng chừng như kẹp nát gót chân tôi.

 Tôi chẳng còn đường lui lại. Ngọc như chết đuối trong lòng biển thù hận của Vân. Thỉnh thoảng anh nhỏi lên bám víu lấy tôi bằng những cú điện thoại ngắn ngủi vội vã nhân lúc đi giao hàng. Anh than van chèo kéo tôi. Tôi lựa lời an ủi Ngọc như dỗ dành một đứa trẻ. Rồi cơn giận dữ của Vân sẽ dần dần nguôi ngoai. Tôi nghĩ như vậy.

 Nhưng cú điện thoại hốt hoảng của Ngọc vào một đêm buốt lạnh làm tôi tái tê. Giọng nói hổn hển xoáy vào tai tôi:

 - Bà ấy đuổi tôi đi rồi. Cậu bảo tôi phải làm sao bây giờ?

 Tôi nghe rạn nứt trong từng tiếng từng câu của bạn. Ngọc đang thập phần bối rối. Tôi cố trấn an Ngọc:

 - Ngọc! Cậu nghe tôi đây. Tôi sẽ tới đón cậu liền bây giờ. Cậu đang ở đâu?

 Nghe được vị trí nơi Ngọc đang đứng chờ, tôi vội lái xe tới ngay. Từ đằng xa tôi đã nhìn thấy Ngọc trong một trạm đợi xe buýt. Anh đứng co ro thiểu não tay xách chiếc túi xộc xệch nhầu nát. Trông thấy xe tôi, Ngọc vội vàng chạy tới. Dáng anh xiêu xiêu muốn đổ.

 Những gì Ngọc kể cho tôi nghe sau đó làm tôi bối rối. Như cảm thấy có chút trách nhiệm. Thời gian gần đây Vân đã dan díu với một tên khách hàng người Pháp. Nàng lao vào đam mê như người trả một mối thù nào đó. Cuồng nhiệt và liều lĩnh. Bất chấp mọi người chung quanh. Tên Pháp lởn vởn thường xuyên ngoài cửa hàng, công khai đón Vân đi chơi đêm. Ngọc chịu đựng hết mức. Cho yên cửa yên nhà. Bởi tội nghiệp thằng con. Nhưng khi Vân bỏ đi suốt đêm thì cục bột như Ngọc cũng phải nhúc nhích. Anh nhỏ nhẹ trách cứ. Vậy mà Vân làm dữ thẳng tay đuổi anh ra khỏi nhà.

 Tôi nhìn sang Ngọc. Khuôn mặt anh thẫn thờ như người mất hồn. Anh vừa bị xô đẩy vào một tình huống quá đáng. Và anh đã trỗi dậy theo cung cách của anh. Lảo đảo như ngọn lửa trước gió. Liu riu như có thể tắt ngấm bất cứ lúc nào. Đêm xưa ở Phú Thọ Hòa anh đã chui vào bóng tối đứng khóc sau lúc giận dữ. Đêm nay anh ngồi lặng câm nhìn bóng tối trước mặt. Cuộc đời luôn luôn bày ra những phiền toái làm anh vướng víu hụt hẫng.

 Tôi cố xua đi nỗi ê chề của bạn. Tôi quay sang anh. Chiếc đầu cá trê nhìn ngang trông đúng là đầu của một con cá trê bị chặt ra khỏi thân cá. Ruột gan Ngọc cũng vừa bị chặt đứt ra từng đoạn. Tôi vỗ nhẹ vào đầu bạn tôi:

 - Việc chó gì cậu phải buồn rầu lo lắng. Cậu tin tôi đi, rồi đâu cũng vào đó hết.

 Ngọc buông tiếng thở dài:

 - Tôi đang lo cho thằng Vịnh. Chẳng hiểu rồi nó sẽ sống ra sao!