SỐ 34 - THÁNG 4 NĂM 2007

 

Thơ

Về biển
24 Phạm Hồng Ân
Em vẫn là đêm
24
Huỳnh Kim Khanh
Vọng quốc

23
Trần Việt Bắc
Hoài sầu thụy nhân
21
Ưu Du
Chuyện cũ
21Ngọc Trân
Một lần đi

18
Tôn Thất Phú Sĩ
Nghe hồn bay bổng
18
Kim Thành

Truyện ngắn, Tâm bút

Ngã ba sông
14
Phạm Hồng Ân

Trại tỵ nạn Kuantan
14
Nguyễn Hồng Quang
Tháng tư trong mắt học trò
13
Hoàng Mai Phi

Nhánh hoa khô
14
Cỏ Biển

Ăn chơi
15
Xuân Phương

Dưới vùng cỏ non
8Ưu Du

Như cơn gió thoảng
8Võ Thị Đồng Minh
Một chuyến công tác
8Hoàng Mai Phi
Phận người
8Song Thao
Hiến tặng
8Nguyên Nhi

Văn học, biên khảo

Giao Chỉ và Tượng Quận
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành (8)
4Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 21

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn
1Ưu Du
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 28

1 Huỳnh Kim Khanh


 

Giữa hai lằn đạn - Truyện dài

 

Ưu Du

Chương  1

NGƯỜI ANH PHONG SƯƠNG

Anh Toàn Thắng hiên ngang oai hùng, đẹp trai trong bộ quân phục màu vàng ka ki, cà vạt đen, găng tay trắng, mũ két cầm tay, giày đen, giây biểu chương màu tam hợp, móc bên gù vai.
Anh đến nhà đón Hoài đi dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Không phải là chờ xem buổi đại lễ long trọng, mà Hoài cùng dân chúng dám bất bình la ó om sòm. Khi trải qua ba giờ chầu chực mỏi mệt, khó chịu dưới ánh mặt trời nắng chang chang. Thì thật là hỗn láo, kỳ thị và bất công.
Nhất là khi ông Mỹ tên Timothy làm trưởng đoàn cố vấnĐại tá Tư Lệnh Sư Đoàn có Cố Vấn William là quan khách ngoại quốc danh dự đầu tiên đến Việt Nam, được ông Tin-trưởng mời tham dự, thị sát. Hầu thực hiện việc yểm trợ, tiếp liệu các nhu yếu của Mỹ Quốc Viện Trợ, trong việc thực hiện chương trình tay bắt tay “hòa hảo mật thiết”. Cờ Mỹ tung bay, năm mươi ngôi sao lấp lánh, có mười ba sọc, gồm sáu trắng bảy đỏ, nền xanh biển, in trên hầu hết các nhu yếu phẩm từ Mỹ chuyển về xứ ta.
Đó là những kinh viện và quân viện; Là một nhu cầu chính trị, thực hiện giai đoạn then chốt đầu tiên. Mỹ giàu thật! Họ đã bay đi viện trợ khắp bốn phương trời. Kể cả nước nghèo và chậm tiến ở bên bờ đại dương nầy, cũng được Mỹ ưu ái nhìn đến. Không hiểu họ có muốn đổi chác, dòm ngó gì?! Hay không kỳ vọng mơ tưởng mảy may?! Mà họ chỉ muốn hào phóng cho đi tất cả?
Tỉnh Thị Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng, lo hành chánh và quân sự. Các vị hành pháp, tư pháp mũ mão cân đai chỉnh tề, đi sau vị chủ tọa, kèm bên quý phu nhân, kiêu sa, đài các, vòng vàng sáng chói, quần áo thơm tho rực rỡ muôn màu. Thì, đám dân ngu khu đen đứng dưới nầy trơ mắt ếch, thộn ra nhìn như kỳ lân đá.
Từng đôi một tiến lên khán đài, trịnh trọng trang nghiêm. Người xướng ngôn viên xưng danh các vị, trên khán đài vụt đứng dậy hăng hái vỗ tay hoài. Khi quốc thiều và quốc kỳ kéo lên, họ mới im lặng đứng yên.
Đám dân gian vỗ tay rời rạc, lổng chổng, vang lên lẻ tẻ nhiều nơi. Họ vỗ tay không nhiệt tình, mà vì bổn phận thì đúng hơn. Quý phu quân kiêu hùng oai dũng hiên ngang với tài danh lẫy lừng, nhưng các quý phu nhân không là gì, ngoài dựa hơi hám vai vế của chồng, một bước nhảy tót trên sàng danh vọng. Mặt họ hếch lên, dương dương tự đắt tự phụ hơn. Bọn cơ hội đón gió trở cờ, tham ô, lợi dụng và lạm dụng chỗ thân quen, nhân cơ hội biết mặt biết tên, tâng bốc cầu thân và đi đêm đút lót vài phu nhân. "hùm chết để da, người ta chết để tiếng" mà.
Khán giả tha hồ chỉ trỏ, nói chuyện bàn tán lộ liễu và bất lịch sự, lấn ác tiếng người xướng ngôn viên gào lên, trong máy phóng thanh 100 watl, đặt trên nhiều cột điện cao thế.
Buổi lễ long trọng, càng kéo dài, như bất cứ buổi lễ nào khác.
Gió lộng xô đầu bù tóc rối, áo quần bám bụi vàng, mặt mày mệt mỏi hốc hác; đồng bào bơ phờ chán ngán thở phào, như trút gánh nặng đè vai, vội vã ra về. Tiện cùng một đường đi, Thắng mời Hoài rẽ qua nhà thăm cho biết.
Thắng ở chung với bốn anh bạn độc thân vui tính, căn nhà đủ tiện nghi, vui vẻ đầy tiếng cười rộn rã.
Thảo nào ngày cuối năm, hai anh đi sắm đồ dùng có năm màu khác nhau. Họ bàn tán về hai phi công Việt Nam: Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử, đã ném bom bắn cháy Dinh Độc Lập, vào hôm tháng 2 năm l962. Khiến gia đình Ngô Tổng Thống phải dời sang Dinh Gia Long an vị, chờ kiến thiết lại.
Nghe đâu bản vẽ Dinh Độc Lập sẽ tu chỉnh, do đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, đoạt giải Khôi Nguyên La Mã đảm nhiệm. Chuyện giội bom gây xôn xao, rúng động dư luận trong nước và ngoại quốc, ảnh hưởng khá nhiều về mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, nhất là đời sống dân cư an lành bỗng chốc kinh dị. Chả hiểu vì sao.
Thấy Thắng về với bạn, họ tế nhị chuyển đề tài, niềm nở tiếp chào Hoài. Sau khi giới thiệu nàng với bạn bè ở chung nhà, Thắng nói:
- Mời Hoài ngồi, anh vào thay bộ quần áo nặng nề, rồi ra ngay. Xin lỗi!
- Anh cứ tự nhiên.
Năm chàng độc thân, có anh Lê Tiến là đĩnh đạc nhất, về tuổi tác cũng như về binh nghiệp: Thiếu tá Nhảy Dù, ba mươi sáu tuổi. Tuy thế anh còn nét trẻ trung, vui tính. Kế đến là anh Vương Gia Tùng: Y sĩ Quân Y. Anh Nguyễn Kháng Chiến: Đại úy Biệt Động Quân. Anh Đào Ngũ Quang: Trung úy Thủy Quân Lục Chiến. Sau rốt là Thiếu úy Đinh Toàn Thắng, hai mươi hai tuổi.
Anh Tiến nhìn Hoài nháy mắt, trêu chọc anh Tùng:
- Hoài biết không! Anh thích làm nghề mổ xẻ tim gan phèo phổi. Không phải nghề mổ xẻ như Bác Sĩ Tùng nhà ta. Mà anh í hả! Anh thích mỗ thịt con bò, thịt con heo, thịt con ngựa, lấy bộ ruột non, ruột già kia.
- Để làm gì cha nội? Ngửi thì hôi, nhìn thì ghê quá.
- Ấy. Sao “toa” nóng quá vậy hở Quang? Để yên “moa” nói tiếp nào. Chưa gì nó đã nhảy phóc dzô miệng mình. Còn hứng thú đâu mà kể chuyện tiếp. Moa không thèm nói chuyện tiếp, thì Quang có bổn-phận-sự, trách-nhiệm-vụ, trình bày cho các bạn nghe: Tại sao toa đi lính!? Sao mỗi lần nhận thư nhà, là toa khóc như mưa thế?
Quang pha ly chanh đá mang ra mời Hoài, anh ngồi trên ghế nệm bên các bạn. Quang và Thắng cùng đi lượn phố Tết, mà Hoài thường biết mặt. Anh phát một cữ chỉ, tủm tỉm cười đùa:
- Á à àChả vì lúc đó “moa” lười học, ăn chơi lêu lổng. Hoang đàng chi địa. Đếch có tấm bằng nào, dù tuổi đã hai mươi. Moa ở nhà đeo bố mẹ, trốn chui trốn nhủi như con dế mèn, trong cái lu, giấu kín ở góc phòng tối, luyện “Tịch tà kiếm phổ”. Mẹ kiếp! Cảnh Sát lục soát nhà, nắm tóc tôi lôi lên, họ mang về đồn bót hỏi cung tới tấp:
- Anh có yêu đồng bào, yêu Nước, yêu gia đình, yêu lính tráng không?
- Có.
- Anh sẵn sàng đoàn kết, hy sinh, không?
- Rất sẵn sàng.
- Hãy chuẩn bị đi lính.
- Không.
- Tại sao? Anh nói rằng anh yêu Nước. Anh sẵn sàng hy sinh mà?
- Tôi vãi vào đấy cơ man nước tiểu. Nó khiến tôi thân bại danh liệt rồi. Còn đâu.
- Đừng có gà mờ, ấm ớ hội tề mí tôi, không được đa. Tôi hỏi anh có yêu Nước không? Chữ Nước viết hoa. Có nghĩa là Tổ Quốc. Đất Nước. Quê Hương, chứ không phải là nước uống hay nước đái. Anh nghe ra chửa?
- Ô! Nói nghe hay đáo để! Tôi mà không yêu Nước à! Có điều tôi chán ghét. Họ không đùm bọc yêu thương nhau, mà thù hận, giết chóc. Tôi không thích tham dự cuộc chiến. Thế thôi.
- Bây giờ, tôi mời anh đi.
- Đi đâu?
- Đi lính.
- Đi thì đi. Chứ sợ gì ai!
- Chúng nghĩ “moa” ngông cuồng, hay thần kinh bất ổn, nên cho ngay con số tám vào hai cườm tay, kêu cái cộpĐau điếng, khiến moa tỉnh hẳn người. Lỡ vênh váo rồi cho tới luôn, chứ có gì mà sợ! Có sức chơi thì có sức chịu. Bố kiếp! Thiên la địa võng ơi, phen nầy hết giả đò thương tật, chân không đi điệu tango nhún nhẩy rồi. Còn sung sướng chán. Hơn cả Đường Minh Hoàng bên Tàu, hơn Gia Long, Tự Đức. Các cậu biết tại sao!? Giờ ăn cơm có người đem tận chỗ. Giờ đi cầu, có lính ôm súng gác. Giờ ngủ có lính đổi canh. Đó chính là Đào Ngũ Quang, mà bố mẹ ưu ái đặt tên cho. Ấy mà! Sau nầy đi lính nghiêm trang đàng hoàng, sự thực moa đếch cần đào ngũ đâu nhe. Bởi nhẽ là moa rất yêu mến đồng đội, đoàn kết chiến đấu, một lòng trung quân ái quốc. Mong thăng cấp như thằng Chiến bạn nối khố nè. Về việc khóc hu hu, đơn giản thôi, moa đa tình, nhớ quê hương, nhớ bố mẹ anh em, và cô bồ nho nhỏ ở phương xa. Không được đấy phổng?
Họ cười ha hả. Quang muốn nhảy dựng lên, chơi giựt nổi với đời, muốn mình là cái đinh, là cái rốn của vũ trụ. Anh thích lấy le nổ những pha ghê hồn. Không bùi tai, không đẹp mắt, không lé mắt, thì không ăn tiền. Không nổi, thì đời kém vui.
Lạ lùng thay, đến nay anh đã "thành nhân chi mỹ", nhất là về mặt giao tế, lịch lãm. Anh xong cử nhân văn chương, đang dạy trường tư và dạy trong Sư-đoàn 2, là điều Hoài rất ngạc nhiên, tưởng anh chỉ lè phè là một “võ biền”.
Tùng chuyền gói thuốc Quân Tiếp Vụ đến các bạn, thở từng hơi thuốc vặt, nói:
- Quang chọc quê anh đó. Nhất là khi uống rượu thì phải biết, Quang uống rượu rất chì. Rượu xịn mà “vô mỏ, vô cơ”, ui đã điếu rồi, hắn nói hết sẩy. Hoài đừng tin.
- Dạ. Em biết. Ảnh lém lắm.  
Trong phòng bỗng chốc lặng như tờ. Quang có cảm tưởng các bạn đang nghĩ về chuyện chàng kể, nửa đúng nửa sai vừa qua. Anh biết hối hận về ngày cũ đã lêu lổng. Lẽ ra anh là trung úy rồi. Thời buổi nầy, không còn hàn sinh áo mão gánh gạo lên Tỉnh, thi Hội, thi Đình. Người trai hôm nay phải có hoài bão, ý chí, lập trường, kiên cường, có lý tưởng cùng vốn kiến thức sâu rộng, để tự vươn lên với đời đích thực hơn.
Thắng bước ra phòng trong bộ pijama màu kem viền sọc xanh, trông anh trẻ trung tươi mát, như một bạch diện thư sinh.
Anh cười nói:
- Trời ơi! Đoàn kết, kiểu thằng Quang á hả; Đoàn kết là “đết còn” ấy.
- Đừng có dốc tổ nghe. Ỷ ta đây “đẹp dzai, con nhà ràu, học rỏi” ứ hử! Báo cho mà biết có người chịu đèn rồi nhe.
Những anh lính chiến phong sương hoan hỉ cười vang. Vui vẻ. Trẻ trung hòa ái vô ngần.


Chương  2

ĐƯỜNG TRĂNG TỐ NỮ

Hơi thuốc thơm thoang thoảng bay bay, khiến phòng khách be bé gọn gàng, trong căn nhà nho nhỏ xinh xinh, có vẻ thanh lịch dễ thương hơn.
Thắng ngồi bên chiếc đàn guitare đánh vài điệu. Trông anh phong lưu an hòa, khuôn mặt xinh trai bỏ lững tay đàn, thỉnh thoảng ngẩng lên, liếc mắt nhìn về phía Hoài, làn khói nhạt vướng lại đôi mắt sáng ngời, anh đá lông nheo, kèm theo nụ cười tinh nghịch, cử chỉ hòa ái, vui tươi.
Hoài nhìn sững chàng trai, mỉm cười như bị thôi miên. Cái nhìn không cho Thắng biết là sự vui tính, phong lưu, đẹp trai ấy, khiến nàng ngẩn ngơ phút giây hoài cảm. Hoài chớp mắt đáp lời thầm lặng, và ngưỡng phục.
- Hương Hoài biết bản nhạc nầy chứ!
Nàng dối Thắng, vờ lắc đầu nhè nhẹ, để nghe anh nói:
- Đấy là bản nhạc "Thu quyến rũ". Này nhé: Anh mong chờ... Hoài thương... Ấy chết!
Thắng cười xinh xinh, anh ca tiếp: “Anh mong chờ mùa thu. Trời đất kia ngã mầu xanh xanh lơ. Đàn bướm kia đùa vui bên muôn hoa. Bên những bông hồng đẹp tươi. Anh mong chờ mùa thu... Hoài thương quyến rũ anh rồi”.
Khóe mắt Hoài khắc khoải ưu sầu, lóe sáng tia chớp hứng khởi, từng phiến u hoài rụng rơi, tim bừng lên niềm vui thích dịu dàng.
Bao tin yêu dấu ái ngày xưa, sống dậy trong lòng. Tiếng hát ấm ngọt, diệu vợi, khuấy động tâm hồn Hoài lắng đọng, như con thiên nga huyên náo, khuấy đảo tưng bừng mặt nước đang yên ắng. Hoài thán phục và rụt rè trước mặt chàng trai, bởi vì anh khả ái, lịch lãm, vui tươi. Lúc nào Thắng cũng lộ vẻ hân hoan, khiến anh thêm hồn nhiên dễ thương.
- Cảm ơn anh đã gieo cho Hoài niềm tin.
- Hoài thiếu niềm tin, từ buổi anh thấy Hoài đứng tư lự, bên góc nhà thờ kìa.
- Ồ! Hoài trầm tư vậy a!
- Bởi nhẽ, anh có "tâm sự đau buồn" gần như thế.
- Em thấy anh lạc quan, yêu đời quá mà.
- Ấy! "Cười là tiếng khóc khô không lệ. Người ta cười những lúc quá chua cay", Hoài biết đấy. Có câu danh ngôn “Giữa quá khứ đã trốn tránh ta. Tương lai mà ta mù tịt. Chỉ có hiện tại gồm các bổn phận của ta”. Thế thì, bổn phận ta là vui vẻ, lạc quan, yêu đời, để tự vươn lên.
- Dạ phải.
- Hoài ngoan lắm. Nhớ hôm trước đi lễ, anh đứng gần Hoài ở cuối giáo đường. Em lo cầu nguyện, nào có hay. Không ngờ em cùng đạo mí anh đấy.
- Anh tếu thật, "Tứ hải giai Huynh, Đệ" mà.
- À há! Quả thực anh vô duyên bỏ xừ! Đừng buồn anh, cô bé nha.
- Ối dào. Hơi đâu buồn anh, cho mệt.
Thắng nghe Hoài nói "Hơi đâu buồn anh", thì đầu nàng nghiêng nghiêng, mái tóc dài rung rung, bờ môi cong cong, mím mím, mỉm mỉm, thấy dễ mích lòng, dễ hờn nhau, và dễ thương... ghê nơi. Thắng cười:
- Biết rồi. Chán ơi là chán.
Tiếng đàn xưa như rót về từng phiến u hoài, ngân vang trong lòng, khi ngọn lửa tình nồng nhiệt còn bí mật âm ỉ cháy. Dĩ vãng xa xôi hiện ra, như dòng sông phủ sương xám đục mờ nhòa, bao chua xót vỗ sóng âm thầm, làm nhăn mặt nước.
- Xị mặt ra rồi. Cấm không buồn à nha.
- Dạ. Ông tướng ơi.
Thắng lặng người mất vài giây thân ái, nhìn Hoài. Anh mỉm nụ cười duyên, chiếc răng khểnh tinh nghịch lú ra khỏi vành môi phớt hồng, như trêu ghẹo nàng.
Anh móc đàn trên đinh treo, Thắng quay nhìn đám lá me bay bay ngoài khung cửa sổ, hững hờ đáp nhẹ xuống bên bờ giếng. Anh chào chị em Hoài, lững thững về nhà.
Sau kỳ thi trúng tuyển trở thành Hoa Hậu, (trong số một trăm năm tám cô tham dự) Hoài rất hân hạnh được đại tá ký giấy mời vào làm việc tại Phòng 5, trực thuộc Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 2, đặt tại Sơn Trà, cùng sư đoàn với Thắng.
Trong Sư-đoàn nầy có Ban 1 quân số. Ban 2 an ninh. Ban 3 hành quân. Ban 4 tiếp vụ. Ban 5 tâm lý chiến. Thắng làm ở ban quân số, vốn có quen biết trước khi Hoài được thu nhận vào “đại gia đình huynh đệ chi binh”, do đó đôi khi có việc, họ cần hỗ trợ và bổ sung công việc cho nhau.Hoài yêu màu tím. Thế nên, từ áo dài, áo lạnh, khăn quàng, bít tất, giày, đều tím “tông xuyệt tông”. Khi lên sân khấu diễn kịch, ca hát, Hoài lại tô mí mắt màu tim tím, môi son phơn phớt màu tím hoa cà. Trông lãng mạn, đa tình, mơ màng, và buồn rười rượi.
Mặc dù Hoài vẫn biết: “Chí lớn trong thiên hạ, không đựng đầy trong vị rượu quý. Không đựng đầy trong đôi mắt giai nhân”.
Ban 5 do trung úy Phước làm Trưởng phòng, quê quán anh ở Huế, là một người hiền lành từ tâm và độ lượng. Anh có vợ và hai con trai. Thượng sĩ Cương nói giọng Bắc làm Trưởng ban văn nghệ. Có vợ và trai gái năm con. Trung sĩ Nhất Thái có vợ và một con, nói giọng Bắc là phó ban văn nghệ.
Trong ban văn nghệ còn có sáu nữ và mười lăm Nam. Năm cô làm chung với Hoài mười bảy tuổi là: Tuyết Ngọc Trúc nói giọng Bắc, ở trong Sài Gòn ra, Trúc mười chín tuổi. Lan Anh hai mươi ba tuổi, quê ở Tam Kỳ. Thu Hoa, Mai Hồng hai mươi lăm tuổi, cùng quê ở Quảng Nam. Thu Hương ba mươi hai tuổi, quê ở Đà Nẵng. Hoài là em Út nhỏ nhít của Sư Đoàn. Về kinh nghiệm, công việc, tài năng và tuổi đời, Hoài thua hẳn đàn anh, đàn chị.
Hoài kết thân với Trúc, là một thiếu nữ xuân-thì, khá xinh đẹp, duyên dáng và tài hoa. Trúc là cháu họ xa xa của Đại Tá. Nàng đi làm có tài xế đưa đi đón về. Cuộc sống khá thoải mái về vật chất. Về tinh thần thì Trúc có phần hạn hẹp. Muốn bảo vệ uy danh cậu, Trúc phải đi thưa về trình. Khi cậu đi hành quân vắng nhà, Trúc lại qua mặt mợ vù vù, vì mối đa tình, và cuộc sống tình cảm khá sôi nổi, lăng nhăng của cô.
Có phải Trúc là "nữ châm" không, mà cứ như cục nam châm, hút trai trẻ hằng tá. Trúc hay nhờ Hoài đến cổng bấm chuông, gửi lính mang “Giấy mời ở phòng 5 đi Họp khẩn”, Trúc xin phép mợ cho nàng vắng nhà.
Sổ lồng rồi, Trúc tha hồ tung bay giữa bầu trời tự do, cô hẹn với bồ đi dạo phố, đi chơi, du hí thoải mái. Đôi lúc cô cậu xin ngồi nhờ ở nhà chị Thương, nói chuyện cả buổi.
Phải nói rằng Trúc có nhiều ưu điểm nổi bật, làm mờ khuyết điểm, (mà cô gái đẹp thường có). Để kết thúc bức tranh Tố Nữ, Trời còn ban cho Trúc có giọng ca oanh vàng, làm say đắm biết bao người.
Nhờ thân thế cậu, và ưu điểm, Trúc tự đặt mình ở ngôi vị cao hơn anh chị em cùng phòng. Trong ban 5 muốn chiều ý Trúc, có thể họ không “khẩu phục tâm phục”, không vì ý kiến của Trúc đúng. Chỉ vì họ muốn nịnh Trúc, phòng xa khỏi bị đổi đến các vùng địa đầu giới tuyến, giữa lằn đạn mũi tên. Họ sợ việc làm của mình, sẽ đến tai ông Tá, đôi khi cô thêm mắm giặm muối thì nguy to.
Tuy nhiên, Trúc có tính tốt, bao che anh em, không rảnh công đi mách chuyện đâu đâu, có hại cho đồng nghiệp.
Trúc rất cảm tình với bé Hoài khờ khạo, (có chút kiến thức căn bản, ở nhà quê ra Tỉnh). Trúc thấy Hoài hiền như nai. Mọi công việc của Hoài, đều do Trúc chỉ dẫn lúc ban đầu. Anh Thái là người tận tình hướng dẫn dặn dò Hoài:
- “Nên chọn Tuyết Ngọc Trúc làm bạn”.
Ý kiến hay, Hoài cũng nghĩ có lẽ Trúc là bạn tốt.
Một buổi tối kia, từ trong khu đồn trú đóng quân chằn chịt hầm hào hố bom lỗ chỗ, các cô rủ nhau xuống dưới chân đồi, ra cổng, định ăn bún bò Huế tại quán bà Thi, ở bên cầu.
Đến lưng chừng đồi (mà Hoài đặt tên là đồi TT2, có nghĩa là chị Trúc, anh Trọng), trong mái nhà hầm chôn hai phần ba ngập xuống đất, một phần tường và mái nhô lên khỏi mặt đất, chung quanh khu bệnh xá chất đầy bao cát, và có từng dãy giao thông hào.  Người ra kẻ vào vội vàng, khẩn thiết và im lặng.
Tò mò, các cô rủ nhau vào xem. Dưới ánh đèn điện vàng vọt, tù mù hắt ra. Một cảnh tượng bi thương hãi hùng phơi bày: Độ tám cái ghế bố. Hai thương binh xài chung một ghế bố, người nằm xuôi kẻ nằm ngược. Họ rên xiết, quặn quại, quắt queo. Vết thương lầy nhầy máu mủ, tỏa mùi hôi thối nồng nặc, khiến khứu giác nghẹt thở. Có người tay chân quờ quạng, đôi mắt thao láo. Người băng chân kẻ băng tay, băng đầu, vân vân...
Quá vào trong tí nữa, hai bác sĩ quân y, và bốn năm y tá lo cấp cứu cho một thương binh bị đạn ghim vào gan ruột. Thân hình anh ta bê bết máu. Mắt lạc thần, mặt xanh lè. Anh ta đau đớn gào lên, nghe rùng rợn kinh khủng. Mùi hôi tanh máu khô, mùi creostote, alcoln, mùi cỏ ẩm, mùi thuốc súng khét lẹt.
Hoài thấy Huyền Nữ, cô y tá trung-sĩ, mà các anh quân nhân thân thương, âu yếm gọi Nữ là: “Trung tá y sĩ em cưng ưi”!(đã chính thức được áp triện son, con dấu có hàm ý phong cho cô là:
- “Ta đã vinh thăng, đừng có xớ rớ, đừng ì ra, đừng hòng lên mặt dạy đời. Ta không chịu nổi”)
Nữ thản nhiên, cầm trên tay bàn chân đẫm máu, của một thương binh vừa bị cưa cụt, cô bọc cái chân ấy trong nilôngCô liệng nó vào thùng đựng rác bằng sắt. Nghe kêu khô khan một cái..."Đùng".
Hoài rùng mình, cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, sự đau đớn, rên xiết não nuột, như tiếng hú từ Âm Ty đưa về. Cho Hoài trọn ý niệm kinh hoàng tột đỉnh, về cơn đau đớn của kiếp người. Đến lúc này, không thể nào chịu đựng nỗi cảnh khủng khiếp rùng rợn đó. Không biết mình là ai, ai là mình, Hoài ngất xỉu.
Trúc hoảng hốt la lớn. Bác sĩ quân y, y tá và mấy bạn, vội chạy đến bên, vực Hoài nằm lên một góc ghế bố, do anh thương binh nhổm dậy, nhường chỗ. Bác sĩ khám bệnh và mỉm cười, không lo ngại.
Hoài thực sự vào Đời khi tóc vừa chấm ngang lưng, mắt xanh hớt hãi vương từng phiến u hoài. Hoài say mê đi tìm cuộc sống mới, cụ thể dần dần đổi thay hoàn cảnh hiện tại. Không muốn đầu hàng sự đau khổ. Lao khó. Muộn phiền. Nghèo đói: Làm kiệt lực con người.
-Tình yêu- là ánh sáng hướng thiện, soi dọi đường trăng Tố Nữ trước mặt khỏi vấp ngã. Hoài đoạn tuyệt tất cả, sẵn sàng xây dựng viên gạch đầu tiên chân xác. Mặc dù Hoài không yêu thích cảnh sống đa dạng nầy. Nhưng đành chấp nhận. Cuộc sống cuộn chặt vào đời mình chỉ vì miếng cơm manh áo. Hoài không muốn phiền lụy anh chị.
Sự thay đổi lối sống nầy, có gì đâu! Đơn giản thôi! Một động tác nhẹ nhõm, uốn mình nhảy qua khe suối nhỏ, như chú mèo uyển chuyển, nhẹ nhàng nhảy từ trên mái nhà, xuống nền đất.
Thế là đã rũ bỏ sau lưng... tất cả mật ngọt. Hương hoa tình yêu, và hủ mật... đắng. Đắng nghét của đời.

 

Chương   3

NHỮNG HIỀN HUYNH VUI TÍNH

Tiến đứng dậy ra mở cửa cho các cô vào. Gặp nhau họ hoan hỉ chào hỏi, vui vẻ chuyện trò. Thắng ngồi bên, nghiêng đầu qua vai Hoài, nói:
- Các anh thân mời quý em đi dự party ở nhà Sa, bạn cùng khóa với anhSa biết Hoài là "em gái xa xa của anh", nó đòi anh làm mai, làm mối hoài. À, nó muốn lấy vợ rồi. Em!
- Còn anh?
- Lính tráng như anh, giang hồ qua bốn bể, vợ con gì. Tuy thế, đôi khi bốc đồng lên, anh tổ chức đám cưới tập thể. Em thấy thế nào?
Thắng lại vào phòng thay bộ đồ civilHọ ra ba chiếc xe Jeep đậu trên sân nhà. Thắng, Hoài, ngồi hàng ghế sau, do Quang lái. Ghế trước Tùng và Hiến ngồi. Thắng hỏi lại:
- Em nghĩ sao về chuyện anh vừa nói?
- Anh thì lung tung, linh tinh. Ai biết đâu mà ngờ.
- Đôi khi Hoài cần biết cái lung tung, linh tinh, nữa đấy. Ấy! Đồng tiền bát gạo, nó hơn nhau ở chỗ ấy, đấy! Nó ăn tiền ở chỗ ấy, đấy... Hốt bạc à nha.
- Anh là chúa đùa dzai mà. Hoài nghe phát mệt.
- Điều Hoài không muốn nghe, thì đã nghe rồi. Điều em muốn nghe, thì anh thú thật là... anh không dám nói.
- Tại sao?
- Hoài sẽ giận, không thèm nghe. Thì anh sẽ buồn lắm.
- Hoài càng chẳng muốn nghe, ông thầy bói.
- Hoài là cô em khôn nhất đời.
- Hổng dám đâu.
Quang quay xuống đá lông nheo với Hoài, trêu chọc Tùng:
- Hoài không dám, thì có Tùng nhà ta dám nè. Ai mà ảnh chả dám. Người chết ở nhà xác, anh dám móc tim gan ra, đem đi thí nghiệm. Nữa là...
- Ấy. Bạn lầm to. Xác chết đôi khi ngồi bật dậy, đòi mình trả mạng sống nữa đó. Cảnh sát đến nhà, bạn sợ bắt lính. Huống hồ gì xác chết, kéo đoàn Âm binh lên phòng “moa”, gõ cửa bằng lưỡi hái đen sì. Ai không kinh khiếp, khi nhìn bầy quỷ lố nhố ngoài cửa, đến chờ kéo chân, kéo cổ mình đi. Há.
- "Toa" phải hầu Diêm Vương, trị bệnh cho Đại-chúng cô hồn chứ.
- Nghiệp dĩ mà. Lúc đó, “moa” kéo Quang đi cùng, cho có bạn hộ tống nhe.- Này, nói trước cho mà biết. Đừng ấm ớ, rủ “moa” đi vào cái cửa độc nhất vô nhị. Có đi, mà chả có về, đó nha.
- Xời! Sợ cái gì chả biết. Có Thắng và Hoài chờ ngoài Heaven's Gate. Họ nắm cẳng “toa”, kéo lại mấy hồi. Nếu cần “moa” nắm một cẳng trong cửa thiên đàng, Thắng nắm một cẳng ở ngoài cửa trần thế. Rị lại.
- Dùng dằng kéo co, cái kiểu đó, thì ... xạc háng, thấy tổ tui rồi, còn đâu.
Nhiều tiếng cười ngất, thoải mái vang lên. Quang cho xe vào ngôi nhà quét vôi vàng, rợp bóng, nằm riêng biệt, kiêu hãnh trên đại lộ Trưng Nữ Vương.
Ở đây có tiệc tùng tưng bừng. Rượu nồng say sưa. Xa hoa đắm đuối. Bàn tiệc bày la liệt các món ăn bốc khói, thơm ngào ngạt. Mọi người hân hoan, niềm thư thái an hòa, qua nhiều lần chạm ly lốp bốp, vui vẻ chúc tụng lẫn nhau.Sau buổi tiệc, màn cửa dày kéo lại, đèn mầu bật lên. Trong thâm tâm Hoài có phần hơi buồn, vì Thắng thân mật với quý bà, quý cô gái. Anh buông mình vào mấy điệu nhảy rất tây, rất tình. Nàng buồn khó tả, khi bắt gặp tia mắt anh nhìn có loáng nước lóng lánh, tráng lên nét vui cười tinh nghịch.
Hoài cảm thấy ơn ớn không thể chịu nổi mùi rượu nồng, phà ra từ người đàn ông lạ, rượu vào mềm môi, họ càng nói nhiều, nói to, không thèm im lặng nghe người khác nóiMặt ông đỏ như trái cà chua, mũi phì phò khói thuốc thơm nặng mùi, giọng nói của ông ta lè nhè rề rề kéo nhựa ra, táo bạo, bớt nhã nhặn, không tự chủ lúc quá chén.
Ánh sáng ngọn đèn mờ, qua chao lụa mỏng chiếu vào khuôn mặt Hoài, khiến Thắng biết không khí nơi đây, chẳng thích hợp với cô gái chưa từng nếm trải mùi đời. Dù đó là nơi người lính trẻ vui nhộn, trí thức, tao nhã, lịch duyệt, do chất men say rượu nồng, làm phù phiếm hơn.
Cơn đau đầu đời, khiến Hoài kinh khiếp, nàng ôm song cửa hẹp khư khư, không chịu bỏ ngỏ cho tình cảm bay về. Hàng hoa anh đào bên bờ hồ Xuân Hương, mà nàng vẫn mơ thấy. Giờ đây, như xua đuổi giận hờn, thất vọng, đớn đau vì cuộc tình đầu gãy đổ, nhức nhối trong tim, như mũi tên xuyên qua lồng ngực.Do bản năng thiên phú, Hoài chợt nghĩ đến Hoàng, và, họa luôn hình ảnh anh, đậm nét trên từng khuôn mặt, dáng vóc, cử chỉ mỗi chàng trai đang dự tiệc nơi đây.
Nàng thầm nghĩ: Có lẽ đời sống của một thư sinh, Hoàng không có mấy cuộc vui, làm mệt tâm hồn và thể xác đến thế. Sự giải trí của cậu "học trò" con nhà gia giáo, dẫu sao cũng mang tính chất trẻ thơ, đơn giản hơn nhỉ.
Hoài nhớ Hoàng nhiều. Mỗi lần Hoàng đến bên Hoài, thân thoang thoảng mùi nước hoa thơm nhẹ, dễ chịu dường bao! Hoài ưa cúi xuống vùi mặt mình vào trên mái tóc anh thoảng mùi nước hoa nhè nhẹ. Chính Hoài đã trải qua nhiều lần xúc động và ngất ngây vì mùi nước hoa, và cả mùi của riêng Hoàng.
Anh đứng đắn, vui vẻ ngọt ngào đầm ấm, chứ có bao giờ giọng nói lè nhè kéo nhựa ra! Có thể anh không thích uống rượu, "trai gái nhố nhăng", nhảy đầm lơi lả chăng? Thật kinh khủng và Hoài tiếc ngẩn lòng! Mình có thể nối lại tiếng đàn xưa, qua nhịp cầu tri âm, cùng cánh thư tình, bay đi bay về. Nếu Hoài muốn mà!
Do Hoài phi lý, tạo ra nông nỗi đó thôi. Hoài cứ ray rứt vì chuyện nầy, đâm ra buồn phiền mãi. Nhưng... Mộng tình đã vụt tắt, xa bay, thì... thầm nhớ, mơ chi, anh chàng văn nhã, hào hoa kia, cho thêm tủi, thêm buồn.
Đến trao cho Hoài đĩa bánh kem và ly trà thơm, ngồi kề bên nàng, nhìn các bạn khiêu vũ, rồi quay lại, Thắng trách yêu:
- Em nên hoà mình vào cuộc sống, quên muộn phiền, làm già nua khuôn mặt em. Em đẹp đến thế mà... Anh không muốn Hoài nhăn nhúm, như trái táo khô. Nhẽ ra em nói thế nầy: "Hai tay bưng chén rượu Đào. Xin mời quân tử uống vào, cho say". Không nói hở? Anh vẫn OK! Nghe lời anh nào! Cười lên cô bé hoa hậu. Em có nụ cười quyến rũ làm xiêu lòng người, mà ích kỷ, dấu mãi trong xó nhà. Chán bỏ xừ!
- Anh nói nhiều. Nặc cả mùi rượu... nếp than.
- Ơ! Như anh là... tay tổ bợm nhậu, không bằng.
- Biết đâu. Anh say ngầm đó.
- Lém vừa thôi cô bé. Anh say không vì rượu, mà vì lý do khác.
- Hoài biết rồi. Các cô bu quanh anh, như đàn ong vây quanh tổ đó.
- Đúng thế. Họ hỏi cô gái tóc dài, áo tím cánh sen kia, là gì gì ...của anh, mà ngồi bí sị ở góc ghế.  Điệu nầy anh... anh... hết biết đường đi về Saigon mất.- Anh về Saigon hay ở đâu, có can dự gì tới...  ai.
- Thế mới chết.
- À! Anh về Saigon, nhớ cho em kính lời thăm bác, chị, em, họ hàng thân quyến. Bạn bè cũ mới, cả người anh không quen, nữa nhé.
- Vừa vừa thôi. Anh không gói trọn hàng trang đâu.
- Các cô đó gửi lời trước em rồi?
- Ai lẩm cẩm như em! Họ thực tế, hòa đồng, sáng tạo hơn. Vì thế, họ bớt đau khổ.
Mặt trời gát núi. Từng thuyền mây hối hả bơi về cuối trời lãng đãng ánh hoàng hôn. Như buồm lam căng gió, xuôi về chân trời xa xanh niềm ước mơ, dạt dào hy vọng.
Thấy hai người cúi đầu rù rì nói chuyện, họ bắt Thắng và Hoài song ca bản "Ngày hạnh phúc" Nàng bẽn lẽn thẹn thùng, vừa hân hoan vui thích. Thắng không chịu, anh giẫy nẩy lên, đưa hai tay về phía các bạn, cười nói:
- Tôi sẽ ca cho các cậu nghe chục bài hạnh phúc. Nhưng, vào dịp khác, chứ lúc nầy không được. Cho tôi còn hơi thở. Mai lấy sức về Saigon chứ. Bù lại, nếu các cậu muốn, hãy tháp tùng theo "đôi song ca" thì xin mời... đi xem Đại Nhạc Hội ở Saigon ra. Nghe nói có Elvis Phương tuổi trẻ tài cao, Lệ Thu, Sĩ Phú, Hà Thanh, Thanh Thúy, Ngọc Cẩm, Nguyễn Hữu Thiết trình diễn. Đi nhe. Gọi là món quà tạm biệt, tiễn tôi về Saigon. Nào. Ủng hộ đi.
- Chứ không phải là ... cậu bao chúng tớ à?
- Cũng tùy.
- Nói cái gì, lơ tơ mơ thế! Tển xí gạt bọn mình đấy.
- Ở nhà "bum" còn hơn. Cu cậu muốn tách rời bọn mình. Đừng có tin.
- Anh Tiến giàu kinh nghiệm thật, nhảy dô tim đen của tôi rồi.
- Phải tỏng tòng tong đi. Thôi, để cô cậu tự do.
Chiến nhấp nhấp ngón tay trỏ, chỉ Thắng, dằn mặt:
- Đi tự do quá trớn, tôi không chờ cửa đâu nhé.
- Anh Ba! Cho em nhờ tí.
- Khỏi lo. Đã có Quang chờ ngoài cửa, nắm cẳng cậu ta, rị lại rồi.
Họ cười ngất. Không ai mà không có nhiều thiện cảm, với các anh lính chiến độc thân, vui tính, khi lần đầu tiên gặp gỡ, ân cần siết chặt tay nhau. Tình thân mỗi ngày một thắm thiết, từ tuổi trẻ sáng ngời, đầy tin yêu, hồng lên đức mến.
Các bạn quay gót, sau khi trêu đùa cười nói chọc quê Thắng. Hai người chào gia chủ, bạn bè và đi ra phố.
Thắng rất vui, khi thấy Hoài cười rạng rỡ, má thắm môi hồng, mắt sáng long lanh, dáng dấp nhẹ nhàng thư thái, như phiến lá đong đưa, dưới đêm đầy trăng sao an bình nơi thành phố.
Tự trong thâm tâm, anh mong Hoài đi trên con đường mới, có cỏ lạ hoa thơm. Với hình bóng chàng trai khác trong tâm tư Hoài, qua sự hỗ trợ của không gian và thời gian. Hầu xóa sạch vết buồn xa cũ, một thời làm cô gái đau thương.
Thắng tiễn Hoài về nhà. Anh bước ra đường với chiếc solex nổ giòn.

(còn tiếp)