Như cơn gió thoảng... 15-Mars-2007
Những lần đi chùa, có những lúc rảnh trước giờ tụng niệm, tôi
thích ra ngồi trước thềm, khung cảnh yên tĩnh thật dễ thương, làm
cho tâm hồn mình thư thả và lắng động. Sân viên chùa rộng rãi,
cây cối xanh tươi cũng làm cho tâm tư mình êm ả, tôi nhìn trời,
nhìn mây, nhìn các em nô đùa, và ngẫm nghĩ đến cuộc sống.
Phía sau chùa bãi cỏ xanh mướt chảy dài, cỏ đã trở nên tươi đẹp
sau những trận mưa đầu thu. Thoáng nghỉ về dĩ vãng, tôi tưởng
nhớ đến đồng quê xanh tươi gió mát của quê hương mình, và cũng
chợt nhớ đến bài hát của ngày xa xưa:
“ Ai bảo chăn trâu là khổ,
Chăn trâu sướng lắm chứ,
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao...“
Còn gì sung sướng hơn khi cảm thấy như trút bỏ hết những phiền
lụy lo âu trong cuộc sống; còn gì sướng bằng như không còn “sân
si hỉ nộ” ở trong tâm; và từ đó mình như bước vào cuộc sống với
lòng tràn đầy “ từ bi hỷ xả”. Lời Phật dạy vẫn tồn tại đó, chúng
ta vẫn cố gắng nghe theo để bước vào một thế giới từ tâm.
Tôi ngước nhìn bầu trời xanh đượm những cụm mây trắng, mây không
gió như đứng lặng yên, thuyền ra biển không gặp sóng gió thì lặng
lẽ trôi theo dòng nước, cũng như cuộc sống chúng ta sẽ yên tĩnh
lắng động nếu không gặp phải những cơn bão tố.
Tôi vẫn nhớ đến bụi tre xanh bên lối mòn đi vào xóm nhỏ, bụi tre
vẫn sừng sững theo năm tháng, những đốt tre theo thời gian từ từ
cũng biến đổi màu sắc. Mới ngày nào còn bé nhỏ, tôi thường đến
ngồi dưới bụi tre để nghe tiếng lá xào xạc như muốn kể cho tôi
nghe điều gì đó. Chả hiểu những chiếc lá tre dài và nhọn có sức
quyến rũ gì khiến cho tôi thích ngắm; để rồi bụi tre và tôi đã
trở thành đôi bạn thân tự lúc nào.
Thời gian dần trôi, tôi lớn lên và đi học xa nhà, nhưng cứ mỗi
lần về quê tôi lại đến thăm bụi tre. Tre ban đầu nhỏ nhắn, lóng
tre cũng yểu điệu, đùa giỡn với ngọn gió và từ từ cao lớn hơn tôi.
Tôi cũng lập gia đình như hầu như mọi người con gái khác, rồi
có con; những lúc đưa cháu ra thăm bụi tre, tôi thường bảo là
mẹ vẫn yêu thích bụi tre này. Một hôm tình cờ nhìn xuống đất,
chợt thấy có búp măng con tách đất ra vươn lên như tò mò nhìn
quanh quẩn. Chỉ búp măng, tôi bảo con “ tre có con rồi con ơi,
con nhìn đây này, tre cũng có con vậy”.
Con tôi và búp măng sao mà giống nhau thế, cũng mới ra đời, cũng
ngơ ngác.
Năm sau tôi về lại, tôi có thêm cháu nửa; bụi tre nẩy ra nhiều
bụp măng con. Măng con tuy không biết nói, tuy không biết đi, nhưng
trồi lên cao, nảy nở rất nhanh tạo thành những lóng tre, ban đầu
được bao bọc một lớp lá mỏng để che chở nắng mưa bất thường, và
từ từ cao lớn thì lớp vỏ ngoài được bốc đi như cô gái e ấp dậy
thì.
Tre cũng già và mỏi mệt vì lo cho măng, cũng giống như tôi đi
đầu xanh về đầu bạc. Luật đào thải trong cuộc sống dầu cho mình
là con người hay vật vô tri vô giác thì cũng giống nhau. Mình vẫn
gọi đó là “ tre già măng mọc”.
Tre cũng già, đốt tre bắt đầu khô đi, nứt nẻ, lá đã rơi rụng nhiều,
nhìn vào đã thấy héo úa. Tôi nhìn lại bản thân tôi cũng vậy thôi.
Da đã bắt đầu có những nếp nhăn, tóc đã muối tiêu, và con người
đã mỏi mệt. Ngẫm nghĩ đến lời Phật dạy “sanh lão bệnh tử” đã là
người hay là cây cối có ai tránh khỏi không, tre già măng mọc,
con người đến ngày nào đó rồi cũng phải ra đi.
Quê chồng tôi có dòng sông dài và dễ thương, dòng sông mà tôi
vẫn nói đùa với chồng tôi đây là dòng sông định mệnh của hai đứa
chúng mình. Mỗi lần về quê, chúng tôi vẫn đến bờ sông ngồi ngắm
dòng sông êm đềm trôi chảy, tôi chợt nhớ đến câu nói ngàn xưa,
cuộc sống con người “ ba chìm bảy nổi”. Ngày thơ ấu tôi không hiểu
rõ câu nói đó, nhưng rồi với ngày tháng chồng chất, với nỗi buồn
lo cho cuộc sống, cho gia đình và những thăng trầm đã qua, tôi
mới nhận thấy người xưa nói đúng, cuộc sống ít ai mà được suôn
sẻ, không ít nhiều cũng bị những vấp ngã và từ đó mới lấy ra những
bài học để mà nghiệm đến lời Phật dạy trong mười điều tâm niệm.
Dòng sông quê hương mình rất dễ thương vì có những khóm lục bình
trôi nổi theo dòng nước. Nhìn bèo nổi hoa trôi, tôi lại nghỉ đến
thân phận làm người, chúng ta có nên tin vào hai chữ “định mệnh”
không và thật sự có “định mệnh” không, làm sao chúng ta trả lời
câu hỏi này được, tuy nhiên chiếc giày có số, con người chắc cũng
có cái gì đó đưa đẩy chúng ta, cái mà chúng ta vẫn gọi đó là “định
mệnh”. Sông có khúc, người có lúc, hay là không ai giàu ba họ,
mà cũng không ai khó ba đời.
Tôi ngồi nhìn dòng nước lại nghỉ đến thân phận người đàn bà “
thân gái như mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu”. Cái chịu đựng
của người đàn bà thật đáng phục, cái chịu đựng rất kiên trì, và
bền bỉ, người thì hướng về con cái để sống, người thì hướng về
một cái gì thiêng liêng để mà câu xin ơn trên giúp sức, người thì
tâm niệm Phật khi bị buồn phiền.
Tại sao lại nói rằng mười hai bến nước mà không một, hai... hay
là một con số nào đó. Có phải chăng một năm có mười hai tháng,
hay là chúng ta có mười hai con giáp và nếu chúng ta sanh vào con
nào đó thì sẽ vướng vào khó khăn vì tuổi tác chăng.
Dòng sông vẫn lờ đờ trôi, tôi lại hình dung ra hình ảnh của người
đàn bà đang chèo chiếc ghe nho nhỏ, trên đó có mấy đứa con dại,
dòng sông vẫn vô tình, khi chảy nhẹ nhàng và khi ồ ạt, người đàn
bà đó phải cố gắng giữ con thuyền không bị lật đổ, dầu cho nước
có đục hay trong,dầu có qua bao nhiêu sóng gió, miễn sao đưa các
con đến bến an toàn và thành công.
Thuyền một khi đã cặp bến, các con đã lên bờ thì người mẹ mới
nở được nụ cười sung sướng, lòng an lạc và tâm tịnh yên.
Tôi lại trở về thăm làng cũ vì e ngại rằng với tuổi tác tôi không
còn sức khỏe nửa. Tôi ghé thăm bụi tre, bui tre đã nảy nở quá nhiều,
xung quanh có nhiều cây lớn bé như xum xuê che chở cho cội tre
già. Tôi không còn chen vào để ôm tre được nửa mà chỉ nhìn để nói
với tre rằng chúng mình vẫn may mắn còn gặp được nhau.
Tre cũng như tôi già theo năm tháng, tre cũng như tôi con cháu
đầy đàn, tre cũng như tôi đến ngày nào đó cũng phải ra đi.
Nhìn bầu trời xanh, có những cụm mây trắng bay hững
hờ theo gió,tôi liên tưởng tới con sông quê cũ năm nào với
dòng sông nước lững lờ trôi và tôi thầm thì nói với tre, “tre
ơi, cuộc đời mình...“Như cơn gió thoảng”..
Võ thị Đồng Minh
|