Vũ Hoàng Thư
hương xưa mộng vẫn xoay vần
nhớ người ta đợi tần ngần cõi xa
Nắng đầy lên lòng mắt. Nắng vỡ xuống rừng tùng. Ve râm ran dài
suốt một vùng đồi. Tiếng hát diệu kỳ lâu lắm chưa được nghe, người
hẫng trong dãy phượng đỏ chói chan những ngày mới lớn. Thơ ấu đi
và thơ ấu trở về giữa không gian quê nhà. Khoảng đời ở giữa là
nỗi trống lưu vong. Những chuyến về Đông phương nói theo anh Thi
Vũ là những lần “recharge our batteries”. Những thỏi pin cạn dần
chất điện, hao hớt nguồn năng nơi những vật lộn xứ người.
Người
khô héo miền đất khách như cây quít Hương Cần đem trồng nơi xứ
tuyết. Cho đến sáng hôm nay tôi được tắm lại khung trời của nắng,
gió và hơi hám người phương đông. Bây giờ hương quê là hít thở
thật gần, trầm trầm khí quản. Mọi lời nói ngưng và không cần thiết
khi buồng phổi căng gió, những cơn nồm của biển xa một thời và
ngọn gió bấc mùa tháng chạp thuở trước quay về làm nổi ụ làn da
vừa se lên trong cơn nắng.
Trên kia Yên Tử rừng xanh mây trắng.
Mây rất trắng và trôi nhanh rồi bất ngờ mây đen kéo đến. Haiku
của Issa trở về nhảy múa trên núi đồi Yên Tử,
khi làm ngạ quỷ
lúc hóa Phật đà
những chòm mây hạ
(becoming demons
becoming Buddhas...
the midsummer clouds
Issa)
Vô thường đùa với phù vân. Ma và Phật thấy từ một góc nhìn, quay
đầu lại huyễn hoặc mây bay, không còn ma hay Phật. Trong thơ có
họa. Thi sĩ cầm cọ vẽ mây. Mây bay thành thơ đượm hương Bát Nhã.
Ngày
lên cao, càng lúc càng oi, lỗ chân lông mở rộng dần theo từng luồng
chảy rịn quanh lưng. Cơn giông ập đến bất ngờ hấp nóng, người đổ
gập trong nước. Tôi leo lên bảo tháp chùa Hoa Yên thắp một nén
nhang lễ bái vị thiền tổ Trúc Lâm giữa trời mưa. Đỉnh Yên Tử mờ
trong màn trắng. Phía dưới mây sà xuống rừng tùng rồi bay đi. Tôi
đứng lặng, gởi gió một lời thơ,
Yên Tử trắng mây ngàn
Phau phau cô đỉnh lặng
Người, những chuyến đò ngang
Yên Tử trắng mây ngàn
oOo
Những chuyến đò ngang và mây bay. Những cụm mây rụng xuống lòng
sông theo dòng về lại biển. Về Nhatrang, thành phố biển - thành
phố một thời. Thuở liễu xanh, biển xanh và tóc còn xanh. Thuở có
nắng có gió và Em. Chỉ có ở Nhatrang mới hiểu thế nào là ánh mắt
sâu thẳm của một đại dương. Chỉ trên bãi cát dài Nhatrang người
ta mới thấy lồng lộng một ngõ hồn. Đại dương thâu gọn vào đôi mắt
ai đó và đôi mắt nọ mở trùng cho ta một lòng xanh của biển.
Khi tôi đến, Nhatrang đang bận rộn chuẩn bị cho Biển Festival 2007.
Nhìn ra mặt vịnh, có một cái gì vương vướng tầm nhìn. Cuối cùng
mới nhận ra chiếc cầu cáp treo quái ác nối ra đảo Hòn Tre đã giết
mất đi nét thoáng và thơ mộng của vịnh Nhatrang ngày xưa. Có một
cái gì không ổn khiến ta không khỏi mường tượng một cô gái Việt
thướt tha trong chiếc áo dài mà chân của cô lại mang giày Nike!
Trở lại Nhatrang, ngôi nhà cũ đã mất, trước mắt tôi một bãi đất
trống chìm thỏm vào những cao ốc xa lạ chung quanh. Mái nhà xưa
đã không còn. Bây giờ chỉ còn tôi, nắng sớm và tiếng hát vỡ òa.
Nhớ giọng hát Lệ Thu buồn nấc nghẹn, "Chờ mong nắng cho
tươi đời xuân xanh/ Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn." Trở
Về Mái Nhà Xưa - Torna A Surriento. Bài hát lay dậy một nostalgie
của phố xưa. Phố có tên gọi Nhatrang, có đường Độc Lập, có đường
Duy Tân tha thướt biển. Có đường Bá Đa Lộc nằm dưới vòm lá bàng
chạy ngang ngôi trường thân yêu. Có người em Nữ Trung Học thấp
thoáng vạt trắng bay trong chiều Đinh Tiên Hoàng... Nhatrang chính
là Surriento của tôi. Tôi đâm ước phải chi bài “Nhatrang Ngày Về”
của Phạm Duy cũng nổi tiếng như bài “Trở về mái nhà xưa” của De
Curtis, để cho nhiều thế hệ trên thế giới sẽ ngâm nga Torna A Nhatrang...
Nơi chắc chắn có rất nhiều nàng Mona Lisa đẹp hơn ở Florence, những
Cầm Nương tóc thả dài theo biển cát và miệng cười phiếu diễu Nhatrang.
Con đường biển bây giờ sầm uất, khách sạn chọc trời bắt đầu nối
đuôi mọc lên, rập khuôn Waikiki ở Hawaii. Những thành phố biển
ở Việt Nam như Nhatrang, Mũi Né, Phú Quốc, Hạ Long, Đồ Sơn... cũng
như những kỳ tích khác đang đánh đĩ tâm hồn và thể xác của mình
cho kỹ nghệ du lịch. Phải có một quốc sách phát triển du lịch,
nếu không, giang sơn cẩm tú hay nói gần hơn, môi sinh của chúng
ta một ngày kia sẽ bị giẫm nát dưới gót chân những đại tài phiệt
quốc tế và đám cường quyền xôi thịt địa phương. Nhatrang thơ ấu
của tôi đang biến mất dần. Ôi buồn ! Buồn như tên đường đã mất.
Trần Phú ?! Ông là ai, ông xa lạ như một vẫn thạch vô danh bay
ngoài không gian không chút liên hệ nào với tôi. Hãy trả lại cho
tôi Duy Tân và những hàng phi lao thơ dại...
oOo
Như thế, tôi đã trở về sau 32 năm. Nhớ quay quắt đưa chân tôi
đi. 32 năm, thời gian đủ dài cho một thế hệ mới sinh ra và trưởng
thành trong bầu khí hậu mới. Lòng không khỏi kích động khi máy
bay hạ dần cao độ chuẩn bị đáp xuống Tân Sơn Nhất. Chiều Saigon
mờ nhạt dưới cánh bay. Ngoài kia trời bao la xanh, mây trắng gần
lại, vỡ dần vào khung kính phi cơ. Tôi tan loãng trên tầng mây.
Những đám mây như không có thật. Những đám mây bay qua trong ba
mươi hai năm từ một chiều tháng tư. Những đám mây trắng lọn chỉ
có ở quê nhà hôm nay, không hiện hữu ở một nơi nào khác trên mặt
trái đất. Tôi đã chào đám mây một lần cuối mấy mươi năm trước tưởng
không bao giờ gặp lại. Và bây giờ Saigon lồ lộ bên dưới, tôi muốn
dang tay ôm hết một khung trời. Những hangar cũ kĩ đen đúa bên
phi đạo chạy vụt qua trước mắt dẫn tôi về những tiếng phản lực
gầm rống trên bầu trời quê hương một thời. Nhanh như chớp điện,
tôi bắt gặp cảm giác một cái gì đã xa lắm và cũng rất gần. Quê
hương. Chiến tranh. Tuổi trẻ. Thế hệ của tôi đã mất đi rất nhiều
trong cuộc chiến vừa qua, tuổi trẻ và sự trong trắng.
Đêm đầu tiên
ở Saigon tôi chìm trong cơn giông sũng nước, mát rần cảm giác.
Đánh một vòng phố, phố như lạ. La Pagode không còn. Brodard đổi
dạng thành một coffee chain của Mỹ, Gloria Jean's. Thôi không buồn
xem Givral hư hao như thế nào nữa. Đi tìm quán Nhị Kiều, Hân Dakao,
Làng Văn, Thu Hương... Tất cả chỉ là quá khứ nhạt nhòa. Tôi tự
bật cười về sự vô lý của chính mình, làm thế nào những nơi chốn
ấy tồn tại được qua những thăng trầm quá lớn trong mấy mươi năm
biển dâu. Gặp lại Phiệt sau mấy chục năm, thằng bạn thiết thời
trung học, thời hai đứa chia đôi một điếu thuốc. Ghé café Phúc
Âm, ngẫu nhiên cùng nghe những bản nhạc một thời quán Gió xa xưa,
hai đứa ôn lại những cái đã không còn, triết lý vụn Heraclitus,
ta không thể ghé lại hai lần trên cùng một dòng sông.
Rời Saigon
tấp nập tôi tìm gặp một Hà nội cổ vẫn còn giữ nét của Việt Nam
xưa. 36 phố phường nhỏ nhắn hoa tím bằng lăng. Đồ đạc bán trong
phố cổ không còn liên hệ gì đến tên phố nhưng cần gì, vẫn bắt được
cái hồn Thăng Long phảng phất đó đây trên khắp lối đi và sinh hoạt.
Tô phở Bát Đàn sáng sớm chen chân sắp hàng gây ấn tượng. Cọng hành
xanh nằm vắt ngang tô nước ngọt và trong, hương phở bốc nhè nhẹ
lên mũi không ngậy mùi bò như ở Saigon hay ở Mỹ. Cắn miếng ớt,
thanh thoát húp lấy chỉ vài lần tô phở đã cạn lúc nào không hay.
Mồ hôi rịn ra từ trán, lau vội và nhìn ngày bắt đầu tưng bừng lên
ở mọi góc phố. Đánh một vòng quanh phố cổ gặp đủ loại hàng xén.
Chiếc nón cối, biểu tượng gây nhiều ác cảm trong quá khứ, che sụp
hẳn gần hết khuôn mặt hiền lành của một cậu trẻ tuổi bán bánh giò,
bánh chưng, đạp xe tảo tần kiếm sống qua ngày, 3 ngàn một chiếc
bánh. Dạo một lúc, mùi chiên từ phố Hàng Mành kích thích khứu giác
làm bụng cồn cào. Ghé vào quán bún chả Đắc Kim nghe cái nóng tan
dần theo cốc bia Hà nội. Cọng bún tươi trắng nõn thơm mùi gạo vừa
xay trong cối đá tối qua trôi tuột lẹ vào thực quản cùng với miếng
chả vừa miệng. Đĩa rau sống xanh mát làm tăng thêm vị ngon của
nem Hà nội thơm lựng mùi thịt heo nhà. Ở giây phút này mọi thứ
có thêm tĩnh từ "nhà" đi kèm đều
tuyệt diệu. Tiếng "nhà" nghe êm ái làm sao. Rau nhà,
heo nhà, gà nhà, cơm nhà... Nhớ nhà. Về nhà. Tôi đã nhớ và tôi
về.
Một
điều ghi nhận đáng được nhắc đến trên chuyến đi từ nam ra bắc,
đó là mọi cổng vào phường xóm đều treo bảng đề tên "Khu
phố văn hóa …." Sao bỗng nhiên người ta đề cao văn hóa ở khắp
nơi như vậy nhỉ. Sự thiếu vắng văn hóa ở mọi tầng lớp quá trầm
trọng nên bây giờ người ta phải nhấn mạnh, phải đề cao ? Che lấp
một tự ti ? Hay họ nghĩ rằng chỉ cần nhắc đến hai chữ văn hóa lập
tức mình có văn hóa ? Văn hóa không thể là mì ăn liền. Văn hóa
thể hiện trong lối sống từ những điểm thông thường nhất, nhỏ nhặt
nhất đến những phạm trù rộng lớn như chính trị, xã hội. Ví dụ người
dân phải đóng tiên hối lộ để giấy tờ có chữ ký của chủ tịch ủy
ban nhân dân khu phố, của công an khu vực là chưa có văn hóa. Nạn
tham nhũng làm đường sá, cầu cống hư hỏng ngay vừa khi hoàn tất
vì chính quyền ngó lơ cho “đối tác” xây cất làm việc thiếu tiêu
chuẩn, đến nỗi phải cấm bảng “Cầu chờ lún”, “Đường chờ lún” là
thiếu văn hóa. Những sự việc này tôi nghe được ngay từ miệng của
“nhân dân”, những tài xế taxi, người chạy xe thồ, xích lô, tài
xế xe chở mướn, người hướng dẫn du lịch tức là những thành phần
lao động vật lộn với đời sống hàng ngày ở trong nước chứ không
phải từ những Việt kiều “xấu mồm, tiêu cực, chống phá cách mạng”
ở nước ngoài. Nhìn lên cao, đảng độc quyền yêu nước, khống chế
phê bình đối lập. Không chấp nhận ai nói khác đảng là chưa có văn
hóa. Khổ thật, văn hóa không phải là sự hiện hữu của hai chữ văn
hóa ở trên biểu ngữ treo đầu khu phố. Hãy mời văn-hóa-banderole
bước xuống cuộc đời để đi vào mọi ngõ ngách đời sống bằng hành
động.
Việt Nam có nhiều thay đổi về kinh tế, tấp nập mấy
lần hơn trước. Tuy nhiên sự phồn thịnh ở bề mặt không che dấu được
sự khó khăn mà người dân đời thường phải khắc phục hàng ngày. Hãy
tạm quên vẻ hào nhoáng của Saigon để nhìn sự nghèo đói ở miền Nam,
miền Trung và miền Bắc, những nơi tôi có dịp ghé qua hay ngay cả
ở những thành phố chính như Saigon, Hà nội, Đà Nẵng, v.v... Sức
sống của một dân tộc đầy khí thế tiếc thay chỉ mới được cho phép
vươn lên gần đây. Sức sống ấy nếu được nuôi dưỡng và vun trồng
trong tự do từ 1975 thì nhất định Việt Nam bây giờ phải là một
Tiểu Long ở châu Á. Ba mươi năm đen tối u muội, ba mươi năm đất
nước trễ tràng so với các nước láng giềng châu Á. Trên thế giới
hiện nay có hơn 190 quốc gia, chỉ còn bốn nước vẫn đeo đuổi chủ
nghĩa Marx. Liên sô, quốc gia sáng lập chủ nghĩa cộng sản đã từ
bỏ chế độ này gần 20 năm nay. Việt nam 32 năm nhìn lại khiến tôi
không thể không liên tưởng đến một câu nói vừa khôi hài vừa đầy
đủ sự thật của một chính khách Tây phương : “chủ nghĩa cộng sản
là con đường dài nhất đi từ chủ nghĩa tư bản đến... chủ nghĩa tư
bản.”
Vũ Hoàng Thư
Tháng 6, 2007
|