Đà Lạt, thành phố mệnh danh là quê hương tình ái, nơi trai gái
lý tưởng hẹn hò. Thơ mộng, không kém phần thi vị, lãng mạn cho
bao cặp tình đắm đuối yêu nhau. Họ thích dìu nhau đi thật chậm
trên những con đường vòng vắng ngắt quanh co uốn khúc cao thấp
nhấp nhô, như những lượn sóng. Tĩnh mịch quyến rũ và đầy vinh
sang. Xe nhà bóng loáng, nhiều ngôi biệt thự xinh xinh, thấp
thoáng ẩn hiện dưới đồi thông giao nhánh reo vui trong gió thông
rì rào.
Đà Lạt trầm lắng nghe tiếng thơ trữ tình, luôn thì thầm thở khúc
nhạc du dương trong suối mơ. Bên thác nước đổ muôn trùng diệu vợi.
Bao gốc thông già xanh ngắt bốn mùa vi vu, nhiều cành lá xôn xao
gọi mời. Nơi có những luống hoa muôn màu rực rỡ. Nhiều bụi sim
rừng tim tím và bầy sơn ca lả lướt, tự do hòa ái uyển chuyển tấu
khúc nghê thường.
Thành phố ấy chìm trong giếng mắt u hoài, vẫy
gọi tôi muốn quay về cùng với giấc mộng quan hoài. Nơi mẹ từng
à ơi ru con trong chiếc nôi đời hồng hoang trinh nguyên, đong đưa
muôn sợi nhớ, nghìn luyến thương gợn sóng lăn tăn dồn dập canh
cánh bên lòng, dập dìu con tìm về chốn cũ. Nơi ấp ủ một đời thúc
giục bước chân hải hồ tôi dừng bước bên thềm hoang sơ. Tất cả những
tiếng nhạc du dương từ tình yêu năm xưa, giờ chỉ rớt lại cái quá
khứ còn nóng bỏng, đến nghẹn ngào, ngậm ngùi chua xót.
Ngày thứ
Bảy, từ 26-10-1963 đến thứ Hai, người dân thị thành tai to mặt
lớn trong nước vui mừng, nô nức khánh thành Trung Tâm Nguyên Tử
Lực Cuộc Đà Lạt. Rất đông đủ quan khách hiện diện. Đặc biệt nhất
là có Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ông Bửu Hội. Đại Sứ Henry Cabot
Lodge và các hàng Bộ Trưởng về Đà Lạt khai hội.
Ấy thế mà chỉ cùng
giao thời nầy, tình hình chính trị sục sôi kỳ lạ. Những vụ xuống
đường rầm rộ. Những người cầm đầu cuộc cách mạng, kêu gọi nhau
vùng dậy đứng lên đập tan cuộc sống cũ. Họ “dũng cảm” muốn dành
lại tự do no ấm cho con người. Tự do! Hai tiếng nầy vang lên nghe
thân thương, truyền cảm, trìu mến, quyến rũ, ngọt ngào, thú vị,
hay hay lý tưởng hoài bão, dấn thân tha thiết mời gọi thế nào ấy!
Vai trò “Cách mạng đảo chánh” hay đĩnh đạc hơn “Dành lại quyền
tự do thống trị” không hàm hậu ý chế nhạo ai, là làm sao nâng cao
đời sống con người cùng khổ, thoát ra cảnh chiến tranh huynh đệ
tương tàn, luôn đè nặng lên lương dân vô tội. Tự do rất trân quý
và đầy kính trọng.
Khoảng mùa mưa, thượng tọa Thích Quảng Đức lên
giàn tự thiêu giữa ngã tư Phan Đình Phùng và Lê văn Duyệt, đòi
hỏi tự do tôn giáo. Rồi, bao nhiêu bàn thờ tiên sinh ông bà, cha
mẹ, do con cháu rầm rộ dọn ra ngoài đường. Cùng sinh viên học sinh
và một số dân cư xuống đường biểu tình đòi tự do tín ngưỡng. Tự
do báo chí. Tự do ngôn luận. Tự do đi lại suốt. Họ làm một cuộc
cách mạng. Như Littré nói:
- “Cách mạng là gạch nối giữa trật tự
cũ tan rã, và trật tự mới được dựng lên” bằng những vết máu, thay
vết son”.
Cuộc cách mạng đảo chánh “gia đình trị” đưa quan niệm tự do hạnh
phúc đi sâu vào lòng người dân. Chính nghĩa vong yểu như xứ sở
thân yêu từng mang dấu tích hùng sử ca, đã bị lên án gắt gao và
bị tiêu diệt, diễn ra ác liệt tại thủ đô Sàigòn, đã bị xóa nhòa
dưới rừng cờ hoa phất phới tung bay trong nền trời xanh bao la,
chào mừng ngày đại thắng.
Người ta nức lòng mong chờ từng giây phút
hòa bình tự do đến, mà các vị tiền bối cha ông chúng ta đã dày
công dựng xây, đã làm, vẫn được thực thi. Dẫu rằng ảnh hưởng sâu
sắc đến cư dân thị thành, cùng tất cả dân quê trên toàn lãnh thổ
Việt Nam thăng trầm qua bao thế kỷ. Đúng là Ý Trời!
Nền Đệ Nhất
Cộng Hòa sụp đổ hoàn toàn. Giấc mộng cũ, chế độ cũ cùng chiến tranh
tàn khốc đã từng “theo đóm ăn tàn” mang bạn bè, người thân chú
bác, anh em, ra đi biền biệt, gieo đau thương tang tóc khổ sầu
cho hàng ngàn gia đình vừa cáo chung. Tôi chua xót nghĩ thầm:
Dù
các ông có đi đêm với ai thành công. Đi với Tàu. Với Tây. Với Mỹ
hay với Ta. Thì có lẽ đất nước nầy cũng thất bại. Vì hàng rào Ấp
Chiến Lược (Strategic Hamlets) đắc sách kiên cố thừa nước đục thả
câu, bị nhổ phăng đi, nay bị sụp. Làm sao sàng lọc ra môn ra khoai
- Thì tiêu tùng cả đời nhà họ “Mạt” ấy chứ chả chơi! Thiện tai!
Trước cửa ngỏ cuộc chiến mới, người ta say sưa hoan ca men chiến
thắng túy lúy với nhau. Họ háo hức kể cho nhau nhiều tin thổi phồng
rất giựt gân. Đồn đại những tin huyễn hoặc thất thiệt. Dù chỉ những
hàng tít nhỏ chạy trên nhật báo, cũng khiến người dân giật nẩy
mình, hoang mang, kích động tính, hay hăng say nổi máu anh hùng
lên.
Phạm trù cách mạng riêng đối với tôi, nào có ích gì! Phe chế
độ cũ sụm bà chè. Hay phe cách mạng mới có “hứng khởi hồ hởi” đứng
lên - Có quật khởi hay trường tồn - Có tiêu vong; Thật chả là gì!
Khi đa số dân chúng vẫn chạy ăn từng bữa một. Mồ hôi và nước mắt
chan hòa trên bát cơm, biết bao khuôn mặt hãi hùng âu lo thời cuộc.
-Chiến tranh, chết chóc, đau khổ và cơm áo- Những thứ nầy cứ quyện
chặt vào nhau. Họ lấy đâu ra có thì giờ nghĩ đến việc chống đối
ai!
Chiếc cầu vồng bảy sắc sinh động nối mạch tình quyến luyến
giữa con người và con người, mà tôi thân thiết gọi là lòng nhân
ái đùm bọc chí tình yêu thương xiết đỗi – đã nhạt phai trong tôi
ít nhiều. Không còn đậm đà như những năm tôi sống trong vùng chiến
tranh từ Mộ Đức. Minh Long. A Sao. A Lưới. Sa Huỳnh. Tà Biên, nữa
rồi.
Trái lại, trong tôi bùng lên cuộc tình buồn, còn kèm theo nỗi
hận căm cuộc chiến đấu mưu cầu cho tự do! Dù rằng đối với tôi,
tự do vẫn tuyệt vời thoải mái hơn tù tội, gò bó. Hòa bình vẫn sung
sướng trân quý hơn chiến tranh. Chiến tranh đem lại giết hại, thù
hận huynh đệ tương tàn phi lý điên cuồng, tàn ác và thẳng tay chém
giết lẫn nhau. Vết xe cũ đã lăn và đang lăn trên con đường gian
khó. Khiến lòng ta thêm đau đớn xót xa hơn.
“Ông” đắc thắng (lên
thay thế “ông” chiến bại) nào, cũng vỗ ngực tự hào ta là nhất.
Rồi căn cứ vào điều luật cũ, tái lập điều chỉnh nên dự luật mới.
Có khi sáng tạo, thêm bớt, sửa đổi, vá víu lại cho hợp tình hợp
lý với thời cuộc. Như những người cỡi con lừa, tay cầm cây roi,
bó cỏ khô, với củ cà rốt móc ở trước càng xe. Họ quay lưng về phía
trước, một tay túm lấy đuôi lừa. Họ ung dung thích nhìn lại nơi
đã toàn thắng mỹ mãn vừa đi qua. Chả cần chung vai đấu cật, góp
sức an hòa, đoàn kết vạch định tương lai cam go, cùng nhìn về một
hướng phải đưa dân tộc đến. Nếu họ chịu khó nhìn về dĩ vãng để
cùng nhau hướng về xây dựng một quốc gia hùng mạnh, thì quá tốt.
Họ sẽ cai trị muôn dân như Đường Minh Hoàng vương quốc đời Tần.
Hay sẽ như Thiers lãnh tụ Cọng Hòa Pháp, đàn áp đẫm máu Công Xã
Paris? Nào ai biết được ngày mai sẽ ra sao?
Còn con lừa già thì
cứ gồng mình lên, ra sức cố lôi chiếc xe thổ mộ cọc cạch, nó cứ
mở to đôi mắt bò lết tới trước, hy vọng “tợp” được bó cỏ bay củ
cà rốt, ăn đỡ lòng.
Do đã từng chứng kiến cảnh chiến tranh đau
thương vô vàn để lại trong đời. Cảnh người dân chất phác và người
lính vô tội vì dân tộc phải chết bờ chết bụi, vùi nông một nấm
mộ vội vã bên đường. Cảnh con người ốm đau bệnh tật lê lết không
thang thuốc. Họ cố kéo lết cuộc đời thấp hèn, đớn nghèo luôn bám
riết sau lũy tre xanh quê hương. Tôi đã biết thế nào là lễ độ,
khi mặt trời ở phương đông vẫn hào phóng tỏa những vầng hào quang
tuôn chảy xuống vạn vật. Lóng lánh trên những tàng cây xanh um
bóng mát lung linh, tạo thành những dòng sáng rực rỡ trường tồn
miên viễn.
Tôi rất ghét và thù chuyện chiến tranh hay “chính chị chính em”,
tôi xin cúi đầu an phận làm phó thường dân nam bộ thấp hèn. Tôi
cũng không bao giờ dám mơ tưởng mình sẽ là một người đẹp nổi tiếng
về viết văn, làm thơ. Càng không bao giờ tôi dám tự hào mình sẽ
cầm cây bút chiến, để viết văn nghị luận hùng biện hay ho, chữ
đẹp tốt, văn thơ giỏi. (Mặc dù chữ viết của tôi khá đẹp).
Chuyện
tình đời và hai chữ tự do ấy đã quá xưa, cũ rích như trái đất rồi.
Tôi và có thể hầu như mọi người đều bao dung và độ lượng khi định
nghĩa tổng quát danh ngữ hay tính ngữ “Tự Do”:
Đó là phạm trù triết học, biểu hiện một quy luật nhịp nhàng có
tự do trong trật tự của một quốc gia. Sự phát sinh tự do qua ý
chí của con người và xã hội, nhân quần. Tôn trọng các quyền phát
huy tự do (nghĩa là không quá bị cấm đoán, cưỡng ép, hay bị ràng
buộc khắt khe bởi những quy chế hiến pháp, lập pháp, hành pháp
gắt gao, nói chung chung). Tự do nhưng trong căn bản đạo đức ôn
nhu và hành sử hợp lý.
Tôi chỉ muốn thực tế ghi lại những điều
quá thật, càng không vì thù giận ai, không chỉ trích, không bon
chen. Chỉ vì cuộc sống ấy, có phần gián tiếp ảnh hưởng sâu sắc
đến số phận riêng mình, khiến tôi đau lòng không ít. Thế thôi.
Ưu Du
|