Tặng các bạn OCS khóa 6 và những OC nào có lần đặt bảng tên
tại tiệm T.L. ở Sài gòn vào đầu thập niên 70.
Vào cuối tháng Giêng năm 71, sau khi ra trường Hải Quân OCS ở
Newport, Rhode Island, Hoa Kỳ, tôi cùng khóa 6 trở về Bộ Tư Lệnh
Hải Quân ở Sàigòn “nằm” chờ gắn lon và chọn đơn vị đầu tiên trong
đời lính thủy.
Trong thời gian chờ đợi, tôi vừa mừng vừa lo lẫn lộn. Lo vì không
biết sẽ chọn được đơn vị nào Hạm đội, Hải đội, Giang đoàn hoặc
Thủy bộ.. Nghe OC Lễ Mụn, một “thủ khoa khóa 5 OCS” nhưng từ hàng
cuối đếm lên, “được” chọn Thủy bộ. OC Lễ cho biết đi Thủy bộ hắc
ám lắm. Tàu Thủy bộ thường bị biệt phái vào các vùng sình lầy,
khỉ ho cò gáy như khu rừng đước U-Minh thượng và U-Minh hạ thuộc
vùng Rạch Giá. Tàu bè Thủy bộ bằng sắt dày bị VC phục kích bắn
B40 đụt lũng thường xuyên và bị mìn đánh chìm như ăn cơm bữa. OC
Hào cùng khóa 5 OCS với OC Lễ, mới ra tường vừa tân đáo đơn vị
đã được phong chức Chỉ huy phó đơn vị vì các cấp trên đa số bị
thương hoặc biệt phái vào vùng hành quân. Nghe muốn lạnh cẳng.
Còn phần tôi mừng vì dù sao đi nữa, tôi sắp có dịp đi ra các đơn
vị để tung cánh chim cho thỏa mãn mộng hải hồ. Học hành tà tà,
tôi ra trường đứng hạng giữa nên không có hy vọng chọn những đơn
vị tốt như mình muốn. Thôi thì có đi dơn vị nào cũng được.
Những ngày chờ đợi ra đơn vị là những ngày nghỉ lý tưởng nhất
từ khi nhập lính. Mỗ i ngày cả khóa chúng tôi phải vào điểm danh
ở Hải Quân công xưởng. Xa Sàigòn chỉ một thời gian ngắn trong thời
gian du học cứ tưởng là thật lâu lắm. Sau khi điểm danh, các nhóm
đổ tung ra như ong vỡ tổ. Kéo nhau chạy khắp thành phố, thường
không hẹn mà gặp mặt nhau ở các quán ăn trên đường Tự Do, Nguyễn
Huệ hoặc trong quán cà phê nghe nhạc TCS, nhạc Beatles...
Đả nhất là đi “rửa mắt” khi ngắm các cô thiếu nữ xinh đẹp Sàigòn
với các chiếc áo dài bay tha thướt, với chiếc váy cao qua đi lại
dập dìu trên đường phố. Chiều đến, cùng một nhóm OC Tường đen
, Thắng Đầu bò, Liêm mù, Thanh Kỳ Dê, Hùng Sexy, Gà tồ, Cường kiến
lửa...hẹn nhau đi ăn nhậu ở quán chú Bảy ở gần trường đua Phú Thọ
hoặc lái xe qua quán nhậu bên Nhà bè ăn gỏi sen. Xong rồi có khi
rủ nhau lên động tìm hoa. Đời lúc ấy thật sướng như tiên.
Người thân lính thủy đứng trước Tạm Trú Hạm (Sài gòn năm 70)
Xin mượn một bài thơ của VAT gởi trên diễn đàn OCS để đưa ta về
lại Sài gòn vào đầu thập niên 70.
Cám ơn Quang Baby,
Mang về ly café đặc quánh
Của La Pagode, của Givral hò hẹn
Và em váy cao ngây thơ cười nụ
Ta về hát trong đêm “The shadow of your smile“
Em quần bó thời trang Sylvie Vartan tóc ngắn
Dài quá vai theo ước nguyện hẹn thề
Áo dài trắng em trinh nguyên bờ mộng mị
Gởi về đâu... thôn-vỹ-dạ-trắng-quá-nhìn-không-ra (*)
Hỡi những người em gái 1970
Em đứng tựa hàng dừa xanh và sông chảy ra đông
Như những chàng trai ra đi trăm hướng
Bỏ lại Sàigòn dòng người thác chảy
Đêm thâu vui ngặt nghẽo trận cười
Em khuất lấp trong đám đông, ta lạc giữa sông hồ
Chinh chiến tàn, ôi tang điền thương hải
Những người em gái 1970
Còn lại chăng thân cũ bóng hình
Cám ơn các em đã cho ta và bạn hữu
Những cơn mê bọn ta nói sảng suốt đời...
VAT
(*) thơ Hàn Mạc Tử
Một buổi trưa trên đường đến Bộ Tư
Lênh Hải Quân đi điểm danh như thường lệ, đang lái xe trên đường
gần đến bồn binh Sàigòn, tôi thấy phía bên mặt có tiệm khắc tên
lam dấu hiệu T.L. Tôi mới chợt nghỉ đến bảng tên bằng plastic
đen chữ trắng đang đeo từ Mỹ mang về. Hai ngày trước tôi bị anh
Quân Cảnh Hải Quân chận lại ở cổng chánh và cảnh cáo tôi đang
đeo bảng tên không đúng tiêu chuẩn. Đúng ra bảng tên của Hải
Quân Mỹ to hơn bảng của HQVN.
Lỡ chạy qua khỏi tiệm, tôi quay đầu chiếc Honda trở lại tiệm khắc
dấu. Sau khi dựng xe Honda bên vỉa hè phía trước cửa tiệm, bước
vào tiệm tôi thấy hai cô gái trẻ đang cấm cuối làm việc chăm chỉ
hình như không thấy tôi bước vào. Mỗi cô sử dụng một cái máy khắc
chữ trông giống như cái thước song song đo bảng đồ của hải quân
mà anh em OC dùng trong giờ học hải hành với Chief Jone ở trường
OCS. Tôi đứng hơi sính rính một lúc lâu không thấy ai hỏi gì. Tôi
vừa định quay ra cửa để đi thì một cô ngồi phía bàn máy bên trong
gọi lại:
-Chú cần đặt gì? Xin lỗi đang bận quá không thấy chú đi vào. Chú
có đợi lâu không?
Tôi quay trở lại và trả lời:
- Tôi mới tới. Thấy các cô bận tôi định trở lại chiều nay. Định
nhờ cô làm sửa bảng tên tôi đang đeo cho đúng kiểu của Hải Quân
Việt nam. Không biết cô sửa lại được không?
Cô nhìn vào ngực tôi nơi có bảng tên đang đeo, vội trả lại:
-Dạ được chứ. Cứ tin đi, em biết cách sửa cho chú. Không đúng,
không đẹp, không lấy tiền.
Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe cô nói chuyện lanh lợi quá. Mới thế
mà cô đã dùng 3 “không” một lúc. Tôi hỏi lại:
-Sao cô tài thật mới nhìn thoáng qua mà biết cách sửa rồi và
còn dám bảo đảm như vậy.
Cô trả lời khá nhanh:
-Thưa chú cả tuần nay tụi em đã sửa rất nhiều bảng tên như vậy
rồi. Chú cứ yên tâm.
Bây giờ mới biết đã có các OC đã đến trước tôi và giao bảng tên
cho các cô sửa. Chưa kịp trả lời cô nói tiếp:
-Có phải chú mới ra trường hải quân ở Mỹ về.
Tôi xác nhận:
-Đúng năm! Sao cô biết hay quá vậy?
Cô vội trả lời:
-Cũng dễ thôi. Nhìn các chú mới ở Mỹ về là biết liền. Da mặt chú
nào cũng trắng trẻo đầy bơ sữa và đầy đặng (có lẽ ăn nhiều ở Ney
hall). Mấy ngày nay, thấy các chú Hải Quân mặc. quân phục và đeo
lon Alpha chạy qua lại tiệm em như con thoi.
Nghe cô vừa nói xong thì mới biết mình gặp thứ thiệt rồi. Tôi
chưa kịp tấn công mà bị pháo kích tới tấp, đành phải rút lui ngay:
-Như vậy tôi xin để bảng tên lại cho cô sửa lại. Chiều tôi ghé
lấy có được không? Làm ơn cho tôi biết giá bao nhiêu để tôi trả
trước.
Cô cho hay:
-Chú đừng lo. Khi nào làm xong thì chú trả tiền.
Cô nhìn kỹ tên tôi trên bảng tên thì có vẽ thắc mắc và hỏi:
-Hình như cách đây mấy tháng tụi em có làm một bảng tên có tên
giống hệt như tên chú vậy.
Tôi mới chợt nhớ khóa 4 OCS có một OC cũng giống như tên tôi ra
trường trước tôi và có lẽ cũng ghé qua tiệm đặt bảng tên như tôi
vậy.
-Đúng rồi. Tôi có người bạn cùng tên cùng họ cùng chữ lót như
tôi. Anh ấy đi khóa trước tôi. Chắc anh ấy cũng tới đây làm bảng
tên như tôi vậy. Chắc tiệm các cô nổi tiếng trong nhóm Hải quân
?
Cô chỉ mỉm cười không nói gì thêm.
Tôi nhìn đồng hồ thấy hơi trễ giờ điểm danh, liền tháo bảng tên
đưa cho cộ Hẹn chiều đến trở lại để lấy. Vội đi tôi quên hỏi cô
bán hàng tên gì.
Như thường lệ, sau khi điểm danh, anh em OC giải tán nhanh chóng.
Mạnh ai nấy tẩu nhanh. Ai nấy muốn hưởng trọn phút quý báo với
những gì mình thích, những gì yêu mến trước khi bắt đầu cuộc hành
trình quan trọng trong đời lính hải quân. Không biết gì sao, tôi
có vẽ nôn nóng hơn ngày thường và muốn trở lại tiệm khắc dấu T.L.
ngay. Tôi phải từ chối khéo nhóm thằng Hùng Gà tồ, Hùng Sexy đang
rũ đi vòng phố chiều nay.
Vừa khỏi cổng chánh Bộ Tư Lênh Hải quân, tôi phóng xe Honda thật
nhanh ngang qua bồn binh tượng Đức Trần Hưng Đạo, qua chợ Sàigon
thẳng tới tiệm T.L. Không biết mình cần lấy bảng tên gấp vì sợ
Quân Cảnh làm khó dễ khi không có đeo bảng tên. Hay là muốn gặp
cô bán hàng ? Vừa đến tiệm thì cô bán hàng lúc trưa đã vội hỏi:
- Sao chú đến lấy hàng sớm quá vậy. Em chưa có dịp làm bảng tên
cho chú.
Tôi hơi mắc cỡ trả lời hơi ấp úng:
-Hôm nay không biết sao, Sĩ quan trưởng toán cho tụi nầy tản hàng
sớm. Có đến hơi sớm xin cô cho tôi ngồi chờ. Chờ khi nào cô làm
xong thì tôi mới đi. Nếu không có bảng tên, bị quân cảnh bắt nhốt.
Uổng cho mấy ngày cuối ở Sài gòn trước khi ra đơn vị.
Cô vừa mỉm cười vừa trả lời:
-Như vậy em phải làm ngay cho chú.
Tôi bắt đầu ra vẽ người lịch sự:
-Không biết cô có bị phiền khi thấy tôi ngồi chờ không?
Cô trả lời một cách hồn nhiên:
-Có gì đâu. Chú muốn chờ bao lâu cũng được. Luôn tiện nếu chú
muốn xem để học nghề thì em dạy cho.
Lòng tôi vui như mở hội. Có phải là cá sắp cắn câu rồi chăng?
Chắc là số mệnh định sẵn rồi. Chưa có dịp đi tàu học nghề đi biển,
bây giờ làm nghề khắc bảng tên thì cũng tốt thôi. Đến lúc nầy tôi
mới có dịp hỏi:
-Tôi cũng muốn học nghề lắm. Trước hết, xin cô giáo cho biết tên
để dễ nói chuyện.
-Em tên Lam. Còn chị Hảo của em đang làm việc bên kia. Hai chị
em vừa làm phụ vừa trông tiệm cho ba má.
Bây giờ tôi mới bắt đầu thả dê và bắt đầu dùng “câu tủ” hơi quê
hơi xưa một chút nhưng thường có hiệu nghiệm:
-Người đẹp mà tên cũng đẹp. Tôi đâu có già lắm đâu mà gọi tôi
là chú. Gọi anh có được không?”
Lam không những không có vẻ gì mắc cỡ như các cô gái khác. Có
lẽ cô tiếp xúc các khách hàng hàng ngày nên thường nghe câu “thả
dê” nầy như ăn cơm bữa. Cô tấn công lại:
-Đúng là “Đường nào dài như đường Trần Hưng Đạo. Có lính nào xạo
cho bằng lính hải quân”
Tôi đứng ú ớ không biết trả lời xạo. Gặp sư tử Hà Đông thứ thiệt
rồi. Ăn miếng trả miếng. Thật ra tôi bắt đầu có cảm tình với Lam.
Cô có vẽ đẹp bình thường của cô gái tuổi dậy thì. Tóc Lam đen để
dài đến ngang vai. Lam có cặp mắt đen lóng lánh to như hột nhãn.
Lam có giọng nói nửa Huế nửa Nam nghe thật dễ thương. Có lẽ tôi
thích nhất là tính tình vui vẻ hồn nhiên của Lam.
Sau đó tôi cố tìm mọi lý do “chính đáng” đến tiệm gặp Lam. Trước
hết xin mấy bảng tên mới của mấy OC thân để đem tới tiệm làm bảng
tên mới cho tôi. Tôi lấy lý do là tôi làm mất bảng tên mới làm
hôm qua. Làm được mấy lần thì bị Lam chọc quê khi thấy tôi mới
bước vào tiệm:
-Có phải chú mới làm mất bảng tên nữa không?
Tôi bẽn lẽn trả lời đồng ý. Cuối cùng tôi có hơn mười bảng tên
đeo mệt nghỉ. Đeo đến giải ngũ cũng không hết được (Thật ra bị
bọn CS giải ngũ non). Tìm thêm cách khác, tôi đi hỏi các OC nào
muốn sửa lại bảng tên theo kiểu HQVN không tốn tiền thì đưa cho
tôi. Chẳng những không lấy tiền mà còn phải đãi tụi bạn mấy chầu
café nữa. Trò chơi nào cũng lắm công phu.
Dù chưa có một giờ nào đi biển, mà tôi đã biết thả neo rồi. Học
nhanh lắm. Lúc nào rảnh là tôi tới tiệm ngồi lì dù không có ai
cho hoặc nhờ đặt bảng tên thêm. Thỉnh thoảng Lam còn cho tôi leo
lên bàn máy tập khắc bảng tên cho khách hàng nào dễ tín. Mấy thằng
bạn OC muốn hại bạn không để thằng em làm ăn gì cả. Thấy tôi ngồi
trong tiệm tụi nó chạy xe gắn máy ngang bóp còi inh ỏi.
Có lần OC Cường Mèo Cali ghé tiệm rũ tôi đi chơi như mấy ngày
đã quạ Tôi cũng muốn đi chơi lắm nhưng ngại bỏ Lam ở lại thấy buồn
buồn. Cuối cùng tôi từ chối khéo. Thế là tôi cũng là người “chung
tình” còn gọi là “mê gái” phải không ? Được cái nầy thì mất cái
kia.
Dù muốn hay không, ngày chọn đơn vị đã đến. Đậu hạng khoảng giữa
trong nhóm hơn 60 tân Thiếu Úy Hải Quân, tôi cũng hên chọn tàu
tuần biển, Tuần Duyên Hạm HQ-607 thuộc Hạm Đội. OC Cần Mèo hoang,
Sơn đen... cũng chọn loại Tuần Duyên Hạm như tôi. Còn mấy OC barman
(chức sắc) học giỏi đậu cao chọn tàu biển lớn. OC Trung Thâu nước,
Ngọ, Bạch, Hường lùn, Hùng Gà tồ, Hùng Sexy chọn LST, WHEC hoặc
đơn vị như ý muốn.
Nghe nói, loại tàu HQ 607 tuy nhỏ nhưng đi biển mút chỉ dễ bị
sóng lắc lư “như con tàu đi” không ngừng. Đi tàu nầy, nếu yếu sóng
thì từ chết đến bị thương. Tuy không biết mình có chịu được sóng
không, nhưng tôi vẫn thích chọn đi tàu biển vì có dịp đi khắp vùng
biển VN cho thỏa mãn mộng giang hồ của đời lính biển. Không thử
thì không biết mùi.
Mấy ngày trước khi quen được Lam ở tiệm khắc dấu, tôi rất là hăng
hái chờ ngày rời Sàigòn để đi công tác ở đơn vị đầu tiên trong
đời. Không biết tại sao khi làm quen Lam rồi, tôi có cái gì luyến
tiếc không muốn rời Sàigòn ngay nữa. Hay là tôi bắt đầu có cảm
tình với cô bán hàng xinh xinh rồi.
Trong lễ chính thức ra trường OCS tổ chức tại Sài gòn, tôi và
các bạn khóa 6 mặc quân lễ trắng được gắn lon Hải Quân Chuẩn úy.
Tàu tôi mới chọn có tên là Nam Du (HQ 607) đang biệt phái vùng
bốn duyên hải công tác vùng biển Phú Quốc. Chờ hơn một tuần, tàu
xong công tác trở về bộ tư lệnh Hạm đội để nhận tiếp liệu, dầu
nhớt, thức ăn và tu sửa tiểu kỳ(sửa chữa nhẹ, bảo trì những gì
nhỏ nhặt) cần thiết cho chuyến công tác dài sắp tới.
Những tàu thuộc loại Tuần Duyên Hạm (PGM- Patrol Gunboat Monitor)
thường biệt phái khoảng ba hoặc bốn tháng cho một trong năm vùng
duyên hải như Đà Nẵng, Qui Nhơn/Cam Ranh, Vũng Tàu, Phú Quốc hoặc
Năm Căn.
Sau khi từ giã Lam một cách vội vã, tôi lên tàu HQ607 rời bến
tàu trong Hải Quân công xưởng đi chuyến hải hành đầu tiên. Mặc
tiểu lễ trắng đứng ven boong tàu chào về hướng phía Bộ Tư lệnh
Hải Quân. Nhìn vào Sàigòn, đây là lần đầu tiên tôi có dịp chiêm
ngưỡng vẻ đẹp cả thành phố một cách khách quan. Từ giã Sài gòn
kỳ nầy mang theo trong lòng cái gì thương thương nhớ nhớ.
Tàu rẽ nước ngang qua bến đò Thủ Thiêm, qua cầu A, B nơi có LST,
WHEC cập. Đến gần khu Khánh Hội, tất cả nhóm đứng chào giải tán
để vào nhiệm sở hoặc nghỉ ngơi để đi ca tới. Lần đầu tiên được
thật sự đi trên chiến hạm, tôi không muốn đi nghỉ vội và cứ nhìn
tàu rẽ sống đi ngang qua Khánh Hội, khu Nhà Bè thuộc vùng Đặc Khu
Rừng Sát. Qua nhiều khúc sông, tàu đến cửa Vũng Tàu nơi sông Sài
gòn gặp biển Thái Bình Dương. Cửa sông mở rộng, phía bên trái là
thành phố Vũng Tàu hiện xa xa dưới chân núi lớn. Tàu đổi hướng
nam đi về hướng đảo Côn Sơn, để lại mũi Vũng tàu nhỏ dần phía sau
lưng tàu.
Tiếng máy tàu chạy nghe điều hòa dễ làm buồn ngủ. Thỉnh thoảng
máy tàu rộ lên to thay đổi tốc độ khi chân vịt bị sóng đưa hỏng
lên khỏi mặt nước. Mặt trời đang lặn xuống phía tây sau dải đất
liền xa xạ Nhìn biển khơi mênh mông vào cảnh hoàng hôn thật tuyệt
đẹp. Gió biển mát hiu hiu mang theo hơi nước mặn. Bây giờ tôi thật
sự bước vào cuộc đời hải nghiệp hằng mong ước và mới biết mình
chọn hải quân là đúng.
Ca đầu tiên trong đời hải quân, tôi đi ca hai chung với Hạm phó
(HP) HQ Thiếu Úy Chảy để học nghề. Thiếu Úy Chảy là Sĩ Quan đoàn
viên. Trước khi vào hải quân, HP Chảy đi tàu buôn Việt Nam Thương
Tín.Về hàng hải thì HP Chảy có rất nhiều kinh nghiệm để tôi có
dịp học hỏi. Khi lên ca, tôi ăn mặc chỉnh tề đội nón, đeo lon lá,
đeo cả bảng tên của Lam khắc cho. Vừa thấy tôi bước vào phòng
chỉ huy, HP Chảy và mấy anh vận chuyển nhìn tôi mỉm cười nhưng
không nói với tôi tại sao họ cười. Sau nầy mới biết ít có ai đi
ca ăn mặc chỉnh tề trên chiếc tàu nhỏ bé như vậy. Đúng là “rookie”
có khác. Một thời gian sau, tôi không còn ăn mặc chỉnh tề khi đi
ca nữa. Sống đâu theo tục lệ đó.
Gần đến cuối ca hai, gió và sóng bắt đầu thổi và đánh mạnh vào
hông bên trái tàu. Tàu đi về hướng nam. Con tàu bắt đầu lắc lư
nghiêng ngửa theo hình con số 8. Đến bấy giờ tôi cảm thấy nhức
đầu khó chịu nhưng vẫn cố gắng làm nhiệm vụ sĩ quan trực cho đến
hết cạ Tôi xem hải bàn, gyro, radar, loran để chấm tọa độ rồi báo
cáo vị trí về vùng hành quân qua vô tuyến. Thường dùng ống nhòm
quan sát tàu bè, ghe đánh cá qua lại phía trước mũi tàu. Sau khi
bàn giao ca xong, tôi vội leo cầu thang xuống phòng ngủ. Vừa mới
tới cửa phòng đã ngửi thấy mùi dầu máy tàu bốc lên mũi. Tôi cảm
thấy thức ăn nước uống cơm chiều vừa rồi muốn trào từ bao tử như
quả núi lửa đang sôi sùng sụt sắp trào ra gần đến miệng núi.
Vội chạy vào đến cầu tiêu, chưa kịp mở miệng thì thức ăn trào
ra như thác lũ. Nào cơm, nào cá, nào rau, nào nước ngọn trộn lẫn
chất acid như cháo trong bao tử phun ra không kịp thở. Bây giờ
mới biết thế nào là say sóng. Ói ra rồi thì cảm thấy dễ chịu hơn
một chút. Sau khi lau chùi, định quay trở lại phòng ngủ, vừa bước
mấy bước lại phụt ra ói tiếp. Kỳ nầy không có ra nhiều thức ăn
như trước mà chỉ còn nước chua mùi acid trong ruột tuôn rạ Say
sóng .mệt quá, mới tự nghỉ có phải ta chọn lầm nghề chăng? Bây
giờ mới hiểu được cái câu do một số anh em hải quân thường nói:
“Biển cả ơi giờ đây ta mới biết.
Mộng hải hồ giết chết cuộc đời ta”.
Đã lỡ leo lưng cọp rồi thì phải đeo theo luôn.
Sau trận ói khinh khủng đầu tiên, tôi không dám ăn cái gì nữa.
Chỉ có uống nước chịu trận. Khổ là ăn, uống bao nhiêu thì ra bấy
nhiêu. Lúc sóng động, đi ca tôi đem theo cái “sô” theo để ói. Còn
gọi là đi ”ca sô”. Kẹt quá, nếu tiện thì chạy ra hành lang tàu
chồm đầu xuống nước, ói thẳng xuống biển cho cá ăn. Còn gọi là
đi ”nuôi cá”.
Tàu đến vùng gần vùng đảo Phú Quốc thì bớt sóng. Trời thương,
cũng mừng. Liên lạc được với OC Đổ Kỳ Nam tự là Kỳ Nhông cùng khóa
đang trực phòng hành quân vùng 4 Duyên Hải. Vừa lên bờ là có một
nhóm bạn OC nào Kỳ Nhông, Cao Cát, Minh Tề, Thịnh PTà trên cầu
tàu An Thới đang chờ. Tụi nó dìu tôi vào quán Bò Vàng để ăn lấy
sức như dìu một chiến sĩ bị “sóng biển quay tơi bời hoa lá” vào
nhà thương.
Vừa vào quán, tôi vội gọi coca cola và uống một lúc bốn năm chai
nóng vì nước đá chưa kịp tan trong vòng vài phút đến nỗi anh bồi
không mang ra kịp. Lúc đói khát thì không còn là “an officer and
a gentleman” nữa. Trong khi ấy mọi người nhậu beer và nhìn tôi
cười ngạc nhiên cùng thông cảm cho thằng bạn đau khổ nầy. Đêm ấy,
tôi thức sáng đêm nói chuyện có khi một mình trong khi ai cũng
mệt ngủ gục rồi. Dân trên bờ có khác.
Nghỉ bến An Thới được vài ngày, tàu HQ607 bắt đầu ra khơi đi tuần
vùng biển từ miền bắc Phú Quốc giáp biên giới Miên vùng vịnh Hà
Tiên đến mũi Cà mau phía nam. Chân tôi có dịp bước lên những quần
đảo Thổ châu, Nam Du, hòn Chuối, hòn Khoai, Hòn Tre... Trên tàu
lúc đó có cố vấn hải quân Mỹ. Không còn nhớ tên, cố vấn nầy là
Hải Quân Đại Úy, cũng xuất thân từ OCS đi chuyến đầu tiên trên
HQ607. Lúc rảnh chúng tôi nói chuyện gia đình, chuyện trường OCS...Tại
sao nói chuyện bằng tiếng Mỹ mà tôi bị mỏi tay mỏi chân quá.
Nói về PGM mà không nhắc đến căn nhà ngoại ô là một điều thiếu
sót. Căn nhà ngoại ô được đặt tên có vì nó được gắn vào ngoài thành
đai của chiếc tàu. Thật sự căn nhà nầy giống như cái hộp rộng khoảng
gần một thước tây vuông. Treo lơ lưng phía sau tả hạm (bên trái
tàu). Ngồi đây thì hưởng được gió mát trăng thanh. Mục đích của
chiếc nhà nầy là để đi cầu, đại tiện lẫn tiểu tiện. Biển rộng mênh
mông không có ai gần để thấy. Ngồi chồm hỏm trên hai mảnh sắt mỏng
của căn nhà ngoại ô, tha hồ mà thả bom B52 thẳng xuống biển cho
đả bầu tâm sự Kỳ nầy đi “nuôi cá” bằng cửa hậu. Nhiều hôm biển
động sóng cao. Mỗi lần tàu nhảy sóng, thì căn nhà nầy cũng nhảy
theo. Hai bàn tay nắm chặt vào dây cable trong lúc ngồi chồm hỏm.
Nếu nắm không chặt thì cả thân người rớt xuống biển để nuôi cá
mập luôn. Trên PGM, tôi thích nhất là căn nhà ngoại ô nầy. Có lần
sau công tác trở về Sài gòn ngang qua bộ tư lệnh, quên kéo căn
nhà ngoài lên boong tàu để dấu. Vừa cập bến bị tư lệnh phó Hạm
Đội Nguyệt kêu điện thoại xuống phạt cảnh cáo.
Một thời gian sau tôi cũng bắt đầu quen được sóng gió và chiêm
ngưỡng được những cảnh đẹp thiên nhiên của trời biển rộng mênh
mông, những hòn đảo với bãi cát trắng dưới nước trong như thủy
tinh cùng hàng dừa xanh đẹp thơ mộng. Tôi thường viết những lá
thư tình đầy ướt át (vì bị ói tùm lum) gởi về cho Lam để cùng tôi
chia xẻ những cảnh đẹp biển cả. Thích nhất là những lúc sóng gió
yên lặng như tờ mặt biển phẳng như tắm gương, phản ảnh những đám
mây bay cao trên bầu trời xanh biết. Lúc nầy tôi mới biết mình
đã chọn nghề hải quân là đúng năm trên năm.
Mỗi lần về bến An Thới nghỉ, mừng muốn chết khi đặt chân lên mặt
đất vững chắc. Không thấy lắc tới lắc lui như đứng trên tàu nữa.
Lên Hải đội 4, ngủ trên bờ với mấy OC bạn thật là đả cuộc đời.
Mừng thêm là nhận được những lá thư đầu tiên của Lam gởi. Lam viết
cho tôi mỗi ngày. Biết được Lam có ý mến mình. Lòng tôi vui tràn
niềm hy vọng. Có phải cá đã cắn câu rồi ? Tôi bắt đầu đếm từng
ngày để tàu xong công tác trở về bến Sài gòn gặp Lam. Hay là tôi
đang cảm giác tình yêu mới chớm nở chăng ? Vậy thì .chưa chắc “ai
là cá” mà “ai là mồi câu” ?
Sau bốn tháng công tác trên vùng biển Phú Quốc, tàu trực chỉ trên
đường về bến Sài gòn. Sao tàu chạy chậm như rùa bò thế. Lúc rời
bến Sài gòn lòng luyến tiếc không ngơi, giờ trở về lòng thật hân
hoan vô hạn. Tàu vừa cập cầu tàu trong hải quân công xưởng, tôi
lên xe Honda nhờ người bạn chở thẳng tới tiệm gặp Lam. Đến nơi,
sau khi hỏi thăm gia đình Lam cho phải lễ bắt chước “an officer
and a gentleman”, tôi xin phép được rũ Lam đi dạo phố Sài gòn.
Tuy mới biết nhau chỉ bốn tháng, xa nhiều hơn gần. Những lá thư
tình thường xuyên viết cho nhau làm chúng tôi có cảm tưởng như
đã quen nhau lâu lắm rồi. Lam cho biết gương mặt tôi không còn
da trắng mịn như baby như lúc mới gặp mà thay vào gương mặt đen
và má lúm với vẻ già dặn của người lính biển. Má lúm là phải vì
say sóng ói mửa triền miền. Cái say sóng thật là lạ. Say nhừ tử
trên tàu nhưng vừa bước chân lên đất liền là tỉnh ngay. Họ cũng
là người đầu tiên nhảy lên bờ đi trước. Đi chơi trên bờ cả đêm
không biết mệt.
Lam và tôi nắm tay nhau dạo phố Sài gòn trong một ngày nắng đẹp.
Ước gì cùng nàng đi khắp thành phố cả đêm để bù lại những ngày
xa cách thương nhớ. Nhìn bảng tên tôi đang đeo trên chiếc áo lính
bạc màu còn mang mùi biển mặn. Quay nhìn vào đôi mắt đen của Lam,
tôi mỉm cười. Nàng đã khắc tên tôi trên bảng tên màu đen. Còn
tôi đang khắc tên nàng trong quả tim đỏ hồng. Mới biết được đời
hải quân say biển lẫn say tình.
Nguyễn Hồng Quang
Hè 2007, vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn
|