(tiếp theo)
Trăn trở cả đêm với những lo nghĩ đâu dâu, Thiếm Tư hết thở dài
thở vắn lại trở mình trên chiếu nghe sột soạt. Quanh quẩn trong
đầu “..Phải chi ngày tháng cứ như xưa tui đâu có thở than trách
móc thân phận chi đâu, tui đành lòng với mạng số mà. Tuy có điều
thằng Nèm... thiệt tình nhìn nó trong dạ tui lại có chút xót xa
có chút chua xót.” Quá nửa đêm, Thiếm buộc lòng chấp nhận “ Ối
! hơi đâu mà lo mà nghĩ, cùng lắm cũng chẳng thể nào tệ hơn trước
được “ Cuối cùng Thiếm dứt khoát để mặc cho mọi chuyện đưa đẩy
tự nó nên chỉ dăm phút sau tiếng ngáy nhè nhẹ của Thiếm đã hòa
chung với tiếng ngáy của mọi người.
Tiếng đò máy ngoài sông đánh
thức mọi người. Chị Ba là người thức dậy trước nhất. Tới bên mùng
chị khẻ gọi :
- Mợ Hai.. Dậy đi. Cũng hừng đông rồi.. Chuẩn bị rồi
theo đò ra ngoài chợ được rồi.
Nghe tiếng chị Ba mọi người đều cùng
thức. Tiếng ông Chủ Ruộng, bà Chín, bà Chủ Ruộng, giáo Hoạch cả
con Sen, Đẹp..cũng ơi ới vang lên.
Bà Chủ Ruộng lên giọng :
- Mẫn à ! đừng có mang chi cho nhiều.
Một bộ mặc, một bộ thay còn thì để lên tới Thầy Gòn mình mua thêm.
Ăn theo thuở, ở theo thì. Dầu hèn cũng thể.....
- Ối ! đồ của tui tui mặc ; có trộm có cướp của ai đâu. Mình quê
thì chịu mình quê vẫn hơn. Chớ làm quá người ta lại cười là thứ
nhí nhảnh xảnh xẹ.
Bà Chín vổ ngọt :
- Bà Nội thằng Nèm nói phải đó má con Út Lép.
Dưới nầy mình mặc sao cũng được nhưng ở miệt trển người ta ăn mặc
khác.
Thiếm Tư nghĩ lại nên im lặng. Đẹp cũng lui cui sắp đặt nầy
nọ để cho vô giỏ bàng. Giáo Hoạch tuy bụng muốn cười nhưng lại
không dám nên ngó lảng ra ngoài sông. Ông Chủ Ruộng diện bộ côm
lê trông bảnh chẹ trong khi bà Chủ Ruộng vận áo dài the đen, quần
Mỹ a láng cón. Thiếm Tư mặc bộ bà ba xám, tuy ngượng ngùng nhưng
vẫn cố làm lì. Chận rận một lúc rồi mọi người cùng ra bờ sông chờ
đò. Má con Bé Hai, bà Hai Đảnh cũng từ bên xóm bước qua :
- Tư nè
! bây cứ yên tâm ở trên trển đi. Việc nhà với mấy đứa nhỏ có tao
với chị Chín ngó chừng. Bây vững dạ mà lo chữa trị. Chu choa cứ
tưởng tới lúc bây dìa, cả xóm nhìn không ra mới chết đó chứ !
Thiếm
Tư mắc cỡ ngó xuống trong khi thằng Nèm vô tình chỏi ngang :
- Chùng
đó má như Chung Vô Diệm cổi lớp.
Nói xong nó biết đã lỡ lời nên
cúi gầm mặt xuống, Thiếm Tư hiểu thằng con không có ý gì nên cũng
lờ đi. Ngoài sông chiếc đò vừa chạy tới, thấy lố nhố trên bờ nên
đảo một vòng rồi từ từ xoay mũi tiến vào bờ đón khách. Mọi người
lần lượt bước lên. Ngó thấy thằng Nèm hai mắt rưng rưng vì lần
đầu xa má, Thiếm Tư tuy cũng xót lòng nhưng ngó thằng con :
- Nèm
! Bây ở nhà với con Út nhớ coi chừng coi đổi với lại phải nghe
lời bà ngọai, dì Ba nghen.
Thằng Nèm dạ nhỏ trong miệng vì nước
mắt đã ràn rụa. Chờ cho chiếc đò khuất xa, mọi người bước vào để
lo công chuyện như thường ngày. Trên đò tuy hai mắt ráo hoảnh nhưng
trong ruột Thiếm Tư cũng bời bời ; Thiếm xuôi tay mặc cho mọi việc
xảy vì cái sẽ xảy ra ở ngày mai thiệt quá tầm tay của Thiếm.
Ra
dến chợ, sau khi ghé mua mấy chục bánh tét cốm giẹp để ăn đỡ đường,
mọi người hối hả tới bến xe cho kịp chuyến xe đò nhứt. Đâu đó xong
xuôi ông bà Chủ Ruộng, Thiếm Tư, Đẹp ngồi chung một hàng ghế,Giáo
Hoạch phải ngồi riêng rẽ ở ghế phía sau.
Chẳng mấy chốc xe đã đầy,
anh lơ hối mọi người ngồi đâu yên đó cho xe chạy. Vừa khi xe bắt
đầu bắt trớn, bụng Thiếm Tư lại nhôn nhau khó chịu. Đẹp vói tay
bôi chút dầu Nhị Thiên Đường lên trán cho Thiếm rồi biểu nhắm mắt
ngẩn mặt ngó lên cao. Dần dần Thiếm thấy dễ chịu hơn nên mở mắt
ra nhìn hai bên đường. Cứ nghĩ tới hai chữ Thầy Gòn, Thiếm Tư lại
cứ nôn nao, không biết bao lâu nữa mới tới, không biết nó như thế
nào. Thỉnh thoảng bụng dạ Thiếm lại bị hót lại khi xe ngang qua
cầu làm mặt mũi Thiếm tái xanh. Qua khỏi Nha Mân là Thiếm Tư dần
dần quen, bắt đầu hỏi nầy hỏi nọ với con Đẹp :
- Đẹp ! từ nẫm tới
giờ con đã đi Thầy Gòn chưa ?
- Út ơi ! con cũng như Út. Có hề biết Thầy Gòn mặt tròn mặt méo
như thế nào mà Út hỏi con.
Ông Chủ Ruộng nghe hỏi cũng lên tiếng
:
- Từ hồi thằng Lành đi Tây dìa, tao với má của nó có đi. Cũng
hơn chục năm rồi. Mà nè giáo Hoạch. Bây giờ chắc
Thầy Gòn cũng
thay đổi dữ lắm hả ?
Giáo Hoạch chưa kịp trả lời thì bà Chủ Ruộng tới luôn :
- Bộ ông hổng nghe thằng hề Văn Hường nó ca hay sao “ đèn Thầy
Gòn ngọn xanh ngọn đỏ, tui đi đã mỏi chưn mà vẫn muốn đi hoài
“.
Ông Chủ Ruộng chặt chặt lưỡi chọc quê :
- Sắp nhỏ đâu ? mau phựt
đèn cho bả xuống giọng coi bây !
Giáo Hoạch thấy vậy vội lên tiếng
:
- Mấy năm gần đây Sài Gòn thay đổi dữ lắm. Nhà lầu cả chục từng
mọc lên như nấm. Xe cô, nhất là xe máy dầu chạy muốn chóng mặt
luôn. Còn xe Huê kỳ bóng lộn chạy nhan nhản khắp nơi.
Bà Chủ Ruộng
tiếp :
- Chợ búa, người ta có đông không ?
- Từ lúc tàu há mỏm chở người di cư từ ngoài Bắc vô thì ở đâu cũng
đầy người với người.
Thiếm Tư tò mò :
- Họ có khác mình không ông giáo ?
-
Thì cũng như người mình nhưng
có điều họ nói giọng khó nghe lắm. Có chữ họ xài khác mình.
Vừa lúc xe vừa đến bắc Mỹ Thuận, tiếng rao hàng tiếng mời vô
tiệm ăn cơm nghe lanh lảnh. Chờ xe ngừng hẳn, ông chủ Ruộng mở
cửa hối mọi người mau mau vô quán tìm chỗ ngồi. Thấy tận trong
cùng có bàn trống Giáo Hoạch bước vô giữ chỗ chờ cho mọi người,
-
Giáo Hoạch ! bây kêu cà phe cho mọi người đi. Ai muốn ăn gì thì
cứ kêu, Phần tui... má thằng Làng kêu cho tô cháo thập cẩm. Mẫn,
bây thử cháo lòng đi. Nghe nói ngon lắm đó.
Thiếm ngồi ngó quanh,
không biết phải làm sao. Giáo Hoạch biết ý nên hỏi :
- Thiếm ! ăn
gì để tui kêu cho.
Thiếm Tư bối rối :
- Cái gì cũng được, ông giáo kêu luôn cho tui
với con Đẹp đi.
Giáo Hoạch lần lượt kêu món ăn cho mọi người, chỉ
một lúc sau trên bàn thức ăn được dọn lên nghi ngút khói.
Ăn uống xong xuôi, hành khách lại lên xe tiếp tục chuyến đi. Xe
qua An Hữu rồi Cái Bè,Cai Lậy, Thuộc Nhiêu, Giáo Hoạch ngồi kể
rõ từng nơi cũng như những điểm đặc biệt của từng địa danh. Mọi
người lắng nghe quên cả nhìn phong cảnh hai bên đường cho mãi đến
khi xe ngừng ở Trung Lương.
(còn tiếp)
Trần Phú Mỹ
|