SỐ 35 - THÁNG 7 NĂM 2007

 

Giới thiệu sách mới

Thơ

Dẫu ngày mai anh trở lại
24
Lê Miên Khương
Định nghĩa

24 Phạm Hồng Ân
Yêu em tàn mấy mùa trăng
24
Huỳnh Kim Khanh
Hoài vọng

23
Trần Việt Bắc
Nhớ tháng năm xưa
21Ngọc Trân
Chia tay người
18
Tôn Thất Phú Sĩ
Giọt tình sầu
18
Kim Thành
Thư em gửi chị

21
Trần Hoan Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút

Về xưa
14Phan Thái Yên
Chiếc kẹp tóc bài thơ
14
Phạm Hồng Ân
Bảng tên đầu tiên
13
Nguyễn Hồng Quang
Như hạt mưa sa
14
Cỏ Biển
Chuyện tình màu tím
15
Trương Thanh Diễm Thùy-Bảo Lộc
Me Sàigòn
8Xuân Phương
Tình đời và tự do
8Ưu Du
Mẹ Âu cơ
8Võ Thị Đồng Minh
Mặn bờ môi
8Song Thao
32 năm nhìn lại
8Vũ Hoàng Thư


Văn học, biên khảo

Giao Chỉ và Tượng Quận (2)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành (9)
4Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 22
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn
1Ưu Du
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 29
1 Huỳnh Kim Khanh


 

Nhu hạt mưa sa

 

Chiếc xe đổ dốc một đoạn trước khi lên cầu, phản xạ bàn chân khiến tôi giảm nhẹ ga tránh cái exit trước khi tăng tốc độ, xe vượt qua cầu giống hệt như bao lần tôi đã đi qua trong bốn mùa, hết năm này tiếp theo năm khác. Mùa hạ năm nay vì thay đổi chỗ làm mới nên giờ giấc của tôi trở thành trái ngược, khi mọi người hối hả về nhà lại là lúc tôi ra đi bắt đầu một ngày làm việc. Mặt trời chiều mùa hè vẫn còn chiếu những tia chói chang nóng bức khiến mặt đường nhựa bốc hơi loang loáng. Lên đến đỉnh cầu, giữa làn gió mát dịu thổi quyện qua cửa xe là một mùi khăm khẳm, nồng nồng chen vào, cái mùi giống hệt như bao ngày gia đình tôi chen chúc trong chiếc xe đò chật chội đi về miền biển tìm đường vượt biên, ngang qua những làng đánh cá ngổn ngang neo thuyền, trên bến giăng ngập lưới phơi, dọc bãi cát thỉnh thoảng vài người đàn bà trên vai gánh hai thúng cá đi như chạy, mang những con cá còn tươi rói tung tăng nhảy nhót ra chợ bán, dù ở phương trời nào người ta cũng dễ dàng nhận ra đó là mùi của biển. Lần đầu xuống Cali tôi ghé làng chài cuối bãi Long Beach, dấu vết một thời chỉ còn là ngôi nhà thấp lè tè xiêu vẹo, bãi cát trơ trọi chẳng thấy bóng dáng chiếc thuyền nào, trước nhà hai cây cột chống làm cổng rào phía trên gác chiếc ghe nhỏ tẻo teo làm biểu tượng, người ta không cần đọc tấm bảng giới thiệu, trong không khí đã thoang thoảng cái mùi quen thuộc của biển mỗi trưa hè, bốc lên phả vào mũi du khách nhắc nhở nơi này đã từng là một bến cá nhộn nhịp, cái mùi mỗi khi ngửi được khứu giác đánh thức vị giác lan man trên đầu lưỡi làm tôi nhớ đến những bữa cơm ấm áp của gia đình ở quê nhà thời con gái có chén nước mắm, con khô cá mang hương vị mặn mòi của biển.

 Hôm nay là ngày cuối cùng làm giờ này vì đầu tuần tới tôi được hoán chuyển với người khác và sẽ bắt đầu làm việc vào buổi ban mai giống mọi người, không biết có phải là điều may mắn đối với tôi chăng ? Công việc hiện tại quá nhàn nhã, không khí yên tĩnh khác với ca ngày, toàn bộ ê kíp làm đêm không đến hai mươi người chỉ mình tôi là nữ, vừa làm vừa hát nho nhỏ một mình hay nghĩ ngợi lời lẽ, sắp đặt một tình huống mới cho nhân vật trong bài viết của tôi. Chỉ có một điều duy nhất khiến tôi không thoải mái cho lắm là mỗi khi rời chỗ ngồi đi qua phòng ăn tối, tôi phải vượt qua hàng hàng lớp lớp dãy dài những bộ quần áo đã hoàn chỉnh phổng phao treo cách khoảng lủng lẳng. Màu cam của bộ đồ đính nhiều miếng vải nhựa lấp lánh ánh lân tinh phản chiếu, ống tay áo, ống quần nối kín với chiếc găng, đôi giày cao su, thêm chiếc mũ trùm đầu kín mít chỉ chừa khuôn mặt, bộ áo liền quần khiến tôi có cảm giác hơi rờn rợn liên tưởng chúng giống như những tử tội đang gục đầu trên giá treo cổ. Tôi hỏi một anh bạn đồng nghiệp mới biết đó là bộ quần áo dành cho công nhân làm việc ở giàn khoan dầu ngoài biển tận vùng Alaska lạnh giá. Hàng hóa của công ty làm ra đều mang tính chất cứu nguy cho một sinh mạng vì vậy tất cả phải hết sức cẩn thận, không cho phép một lỗ thủng nhỏ dù chỉ bằng đầu kim, ống gaz bơm khí, chiếc van tự động mọi thứ đều phải được kiểm tra nhiều lần, thỉnh thoảng gặp những lô hàng in chữ US Coast Guard, US Navy làm tôi nhớ lại thời con gái xa xăm quay quắt chờ đợi người tình của mình đang neo tàu ỏ hải đảo nào đó hay lang thang ngoài trùng khơi vạn lý. Vì công ty tôi đang làm được xây trên doi đất cao nên vào những buổi chiều hè mặt trời đi ngủ trễ tôi lại thả bộ dọc theo mé bãi đi về phía cửa sông nhìn xuống phía dưới triền sông thoai thoải, nếu lái xe theo đường nhựa dọc theo mé nước một đoạn là sẽ thấy biển. Hai bên bờ sông lúc nước ròng tôi thấy vô số loài tảo biển trôi dạt vướng trên những hòn đá nhỏ rải rác, mùi tanh nồng của những lá “ thổ tai “ nằm phơi xác cộng thêm mùi của hãng chế biến cá nằm phía bên kia bờ lúc nào cũng có vài chiếc thuyền đánh cá neo đậu sau chuyến ra khơi, vào những ngày nắng bốc hơi nồng nặc, cái mùi nồng khắm khiến cho tôi nhớ về quê cũ là đây.

oOo

  Tôi nhận việc ca ngày đã hơn tháng và cảm thấy mình không vui bằng những ngày trước. Hình như không gian tĩnh mịch thích hợp với tôi hơn, ban đêm làm việc ít người, mỗi người một góc làm phần việc của mình, gặp nhau giờ ăn, giờ nghỉ, trước khi ra về đứng kháo chuyện gần mười lăm phút trước máy cà thẻ, lúc nào cánh đàn ông cũng tìm cách đùa giỡn chọc ghẹo ông Tàu câm điếc, tôi đứng nhìn họ ra dấu bằng điệu bộ, khoa tay múa chân, nhăn mặt, nhíu mày cuối cùng cả đám cười với nhau như vỡ chợ. Không hiểu họ nói chuyện gì nhưng tôi cảm thấy vui lây nên chẳng thấy chút mệt mỏi, buồn ngủ cho dù đã quá nửa đêm. Anh bạn nói với tôi, ca này thuộc loại quốc tế bởi không có bao nhiêu người nhưng có đủ sắc dân, Tây “ kẹt giỏ “ (1), Đại Hàn, Phi, Tàu Hongkong, Tàu Đại lục, Tàu Miến điện và Việt Nam là tôi với anh ta.

Ca ngày tổng số hai phần ba là người Tàu bởi họ nói chuyện với nhau chỉ một ngôn ngữ duy nhất, chỉ có bên xưởng dán găng tay, đế giày mới tập trung nhiều người Ấn độ, Sau này tôi mới biết có vài người Việt nhưng đều là gốc Hoa ở Chợ Lớn.Ngồi chung bàn ăn đối diện với tôi là một người đàn bà trẻ có nốt ruồi góc khóe môi dưới rất đặc biệt, nó mòng mọng to giống như trái mồng tơi chín đỏ, lần đầu tiên gặp chị ta tôi có một cảm giác quen thuộc mà không thể nhớ ra vì sao !. Chị bạn ngồi cạnh nói với tôi bằng tiếng Việt với giọng tức tối : “ Chị biết không người Trung hoa ở đây họ phân biệt dữ lắm, Tàu Đại Lục, Hong Kong, Đài Loan, Việt Nam và gần đây có thêm Tàu Myanmar tức là Miến điện, tại bọn tôi đã sống ở Việt Nam lâu năm cho nên trong thâm tâm những người ở đây họ không nhìn nhận chúng tôi là đồng hương với họ !”. Nghe họ nói bỗng nhiên tôi nhớ câu hát mấy đứa con nít trong xóm hay hát nghêu ngao thời tôi còn nhỏ mà tức cười : " Cắc chú (2) ba Tàu thằng nào cũng như thằng nấy, thằng nào hỏng giấy tống cổ nó đi dìa Tàu.." Thói quen của những người tha phương cùng ngôn ngữ ở đâu cũng giống nhau, câu nói đầu tiên đều hỏi thăm nhau trước kia ở đâu, qua đây năm nào ?, dù là gốc Hoa nhưng hầu hết mọi người đều ở miền nam Việt Nam và qua năm bảy chín, câu chuyện trở nên rôm rả bằng tiếng Việt, người phụ nữ đối diện thỉnh thoảng nhìn tôi cười mà không nói tiếng nào. Cả tuần lễ sau tôi mới nghe người này bập bẹ nói một câu, thì ra vì rời Việt Nam lúc còn nhỏ nên không còn nhớ nhiều tiếng Việt. Giờ cơm trưa chỉ có nửa tiếng nhưng chúng tôi ba hoa thiên địa hết mười lăm phút, A Lình, tên người phụ nữ trẻ đối diện nói nhiều từ ngữ khiến tôi cười sặc cả cơm trong miệng, đại khái như :

- …. hôm qua ngộ làm “ pể “ cái áo, cái kim trong máy bị “ vỡ “ dồi, cái kéo trên “ pàn “ “té “ xuống trúng chân ngộ.

Tôi sửa từng chữ :

- … Hôm qua tôi làm “ rách “ cái áo, cây kim trong máy bị “ gãy “ rồi, cây kéo trên bàn “ rớt “ xuống trúng chân tôi.

 Dần dần tôi biết được hoàn cảnh gia đình của từng người trong bàn ăn, Chị Xuần có chồng và hai con trai, A Hà vừa mới bảo lãnh chồng từ Đại lục sang, Chị Chánh mới gả con gái, A Ngõ thì chồng làm thợ hàn à, những người nói tiếng Việt làm chung với tôi đếm chỉ hết một bàn tay. Riêng với A Lình càng nhìn tôi càng cảm giác quen thuộc mơ hồ nhưng chưa có dịp hỏi bởi lúc nào trên mặt chị cũng thấy nét ngượng ngùng buồn bã. Một lần tan ca ra bãi đậu xe thấy A Lình đứng xớ rớ bên cạnh chiếc xe, phía băng sau có hai người đàn bà ngồi sẵn, một người bước xuống mở cửa đẩy A Lình vào chiếc ghế ngồi cạnh tài xế, tôi nhận ra đó là ông già người Đại lục bị thọt chân công nhân bên phân xưởng dán keo. Hôm sau tôi hỏi A Ngõ mới biết ông già thấp chũm gù lưng, thọt chân là chồng của A Lình, tôi chép miệng nói thầm " thảo nào nét mặt chị ta lúc nào cũng có vẻ buồn buồn". Nhìn hai người tôi bỗng nhớ tới hai nhân vật trong vở nhạc kịch Thằng Gù Nhà thờ Đức bà nổi tiếng là anh chàng gù kéo chuông và cô gái hát rong xinh đẹp.

Chị Xuần nói với tôi :

- Con Lình nó không chịu ngồi ghế trước với ông chồng, lần nào nó ra trễ cũng bị bà cô chồng chiếm chỗ băng ghế sau, đẩy nó lên phía trước, bả chửi nó hoài bắt nó ngồi chung với chồng, nó mắc cỡ đâu có chịu.

Những giờ nghỉ giải lao ngồi tụ họp uống nước tôi hay lân la nói chuyện với A Lình nhờ vậy mà tiếng Việt của Lình tiến bộ thấy rõ, một bữa A Lình nói với tôi :

- Nhờ quen với “ chế “ mà bây giờ “ ngộ “ nhớ lại và nói tiếng Việt nhiều rồi,

Tôi cười :

- Chị thì trái lại, vô đây làm quên hết tiếng Anh, lại nói tiếng Tàu. Bữa kia bà cai Anita khen chị “ nị cỏn hủ tố lớ “. Chị thấy cái nốt ruồi trên khóe miệng của em có vẻ quen quen, hồi trước em ở đâu tại Việt Nam ?
- Em đi khỏi Việt Nam hồi bảy, tám tuổi nên không nhớ lắm, Nghe má em nói hồi đó ở Chợ Lớn.
- Chị hồi xưa cũng có thời gian ở đó gần chợ Xã Tây, trong con hẻm ăn thông qua đường Nguyễn Trãi.

A Lình lắc đầu :

- Em không nhớ rõ chỉ nhớ có đi học trường tiểu học cạnh chùa Ông Bổn với chế của em là A Dìn.

Cái tên của người chị làm tôi trực nhớ em gái Út tôi có một đứa bạn hàng xóm cũng tên A Dìn, nhỏ này cũng có cô em gái tên A Lình rất xinh xắn, bọn trẻ chung quanh hồi đó hay tụ tập trước nhà tôi vào những buổi trưa chơi những trò của trẻ con dưới bóng mát của gốc cây Phượng vỹ trồng bên kia tường rào một kho hàng.

- Phải hồi trước gia đình em ở trong tiệm bán đồ điện, A Xúc em tên Chánh, Má em là bà Muối ?
- Phải phải,

A Lình hớn hở gật đầu, nét vui mừng của người “ tha hương ngộ cố tri “ hiện rõ. Ngày trước chị em A Lình chơi thân với mấy đứa em tôi, sau bảy lăm chúng chỉ là những đứa bé ba bốn tuổi. Tôi hỏi thêm :

- Em còn nhớ A Dục nhà cuối hẻm gần cửa sau tiệm đồ điện, chị là A chế của nó đây, trong xóm chỉ có một mình gia đình chị là người “ duyệt nằm “ ở, còn nhớ không ?

 Tôi nhìn người đàn bà ngồi trước mặt và nhớ lại hình ảnh con bé năm nào còn nhỏ xíu, đôi mắt xếch một mí, gương mặt tròn quay hồng hào bụ bẫm với hai cái bím tóc lúc lắc bên mang tai, con bé có một cái nốt ruồi rất đặc biệt nằm trên khóe môi dưới, nó rất to màu đỏ bầm, người ta nói con bé có đi lạc bao lâu cũng đều dễ nhận nhờ có cái nút ruồi này vì nó không nằm ở chỗ kín trong người. Bà phò giữ hai chị em hay địu chúng ra ngồi dưới bóng mát ở khoảng đất trống trước nhà tôi, thả cho lũ trẻ chạy giỡn với nhau. Đến tuổi đi học bà dẫn luôn mấy đứa đến trường trong đó có em tôi, không bao lâu nhà nước Cộng sản đánh tư sản thương nghiệp, tất cả cửa tiệm bán lẻ, những gian hàng trong chợ đều bị đóng cửa kiểm kê để nhà nước trưng thu mua, thành lập tổ mua chung, bán chung. Tiệm điện của dòng họ nhà A Lình cũng cùng số phận. Bẵng đi vài hôm không thấy bóng dáng hai đứa trẻ, đi ngang thấy tiệm điện nhà A Lình bị dán niêm phong, tôi mới biết họ đã tìm đường vượt biên, cả dãy phố đóng cửa im ỉm, nhiều cửa tiệm khác cũng bị dán giấy với lý do giống hệt nhau. “ Nhà vắng chủ nên bị niêm phong “.

oOo

A Lình nói với tôi : “ ... Rời Việt Nam lúc ấy em còn nhỏ lắm nên chẳng biết gì, chỉ nghe mẹ em kể lại. Năm đó người Hoa đi vượt biên bán công khai nhiều lắm, mỗi đầu người ít nhất phải đóng mười hai cây vàng, dòng họ lại đông và chỉ buôn bán nhỏ không phải là tư sản loại lớn làm sao có đủ số vàng theo yêu cầu cho nên phải ngược ra miền Bắc tìm đường đi tốn ít vàng hơn. Người dẫn đường bàn rằng nên đi đường bộ an toàn cho đám đàn bà con gái, không ngờ bị kẹt lại nằm chờ lâu quá, khí hậu khác biệt nên “ pà pá “ A Lình ngã bịnh rồi qua đời, nếu trở về thì nhà đã bị lấy mất rồi.Cuối cùng thì mọi người bàn nhau trở về Trung quốc dù sao vẫn là bản thổ ngày xưa. Lại phải ăn chực nằm chờ ở cổng Hữu nghị quan một thời gian mới sang được biên giới bên kia …. “

Về sau nhiều người kể lại cho tôi nghe ; tất cả người Hoa năm đó về Trung quốc đều được nhà nước cho xe chở về các nông trường rất xa xôi, ở đó mọi người già trẻ đều phải ra đồng làm việc, thực phẩm được cung cấp theo công điểm, khẩu nhà A Lình theo quan hệ tính ra là ba mẹ con nên công xá không nhiều, lúc ở Việt nam chỉ buôn bán nên gia đình họ bấy giờ không biết làm gì nên được phân công vào tổ chăn nuôi, suốt ngày phải lo gánh nước tắm heo, cho chúng ăn và quét dọn chuồng trại, công việc thật vất vả.
Tôi hỏi A Lình :

- Hồi ấy chị có nghe nói bên Trung Quốc rất thương mến người gốc Hoa bên này, họ tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ một cách đặc biệt cho đồng hương đang bị ngược đãi ở Việt Nam.
- Chuyện đó thì em không biết, nhưng hầu như tất cả đều phải làm việc trong nông trường, có mấy ai được về sống trong thành phố ?

Tôi thầm nghĩ : “ Chủ nghĩa Cộng sản ở nước nào cũng hành xử y hệt như nhau, đều có những lời lẽ hoa mỹ giống nhau, chúng khiến người ta trở thành đàn cừu đứng núi bên này cứ lầm tưởng tưởng cỏ phía bên kia sẽ xanh hơn. Một thời tôi hay nghe những cán bộ Cộng sản Việt Nam ca tụng hai nước Việt Nam, Trung Hoa là anh em thân thiết. “ Núi liền núi, sông liền sông. Môi hở răng lạnh “ Thế nhưng sự thực răng vẫn hay cắn môi đến bật máu tươi và môi thì luôn luôn chờ dịp may nào đó nhếch mép để gió lùa răng tê buốt.

- Chị hỏi em câu này, chị xin lỗi nếu làm cho em buồn. Vì sao em lấy ông ấy làm chồng.

A Lình xoay người nhìn tôi với đôi mắt buồn cố hữu :

- Em lấy chồng để trừ nợ !

Tuy không nói rõ chi tiết vì sao mang nợ nhưng tôi cũng đoán được một phần lý do. Mọi người khi còn ở Việt nam chỉ quen buôn bán, chưa bao giờ làm những công việc đồng áng nặng nhọc bằng tay chân nơi thôn dã, làm sao chịu đựng được một đời sống quá cơ cực, kham khổ triền miên.

Đất Trung Hoa vốn trọng nam, khinh nữ nên hầu hết các gia đình chỉ có con trai, đến lúc cần thiết dựng vợ gả chồng mới thấy trai thừa, gái thiếu. Nhà A Lình có hai cô con gái gần đến tuổi cập kê, so với con gái sinh đẻ ở tại thôn làng thì hai đứa có nhan sắc hơn hẳn họ nên là cái đích cho các bà mối nhắm tới. Có một bà rất khôn, biết gia đình A Lình không quen chịu cực nên hết lòng giúp đỡ và thành bạn thân trong gia đình, kịp đến lúc hai chị em vừa lớn thì nghĩa tình cũng trở thành sâu nặng. Một người quen của bà ở tận nước ngoài xa xôi nhờ bà tìm vợ cho đứa con hơi đứng tuổi. Lấy chồng và được đi qua Mỹ là một ao ước của hầu hết tất cả những người con gái sống ở đất nước nghèo khó. Nhờ quen thân với bà mối nên chị Dìn của Lình được chọn, hôm bà mối dẫn người đàn ông từ nước ngoài về xem mặt cô dâu, A Lình vẫn còn trực ngoài trại heo thay cho chị bạn bị ngã trợt chân khi gánh nước tắm heo, bỗng nghe con bé nhà bên cạnh nhắn về gấp vì “ a má “ bị ngất. Chạy vội về nhà vừa đến cổng bà mối đã lôi tuột đi vòng ngõ sau, vào nhà thấy mẹ đang nằm trên giường đấm ngực rên rỉ không thành lời. Khi khách về rồi A Lình mới biết chị Dìn trở chứng không chịu ra chào và lẻn trốn mất, bà mẹ cho người đi tìm khắp nơi vẫn không thấy, cuối cùng đành phải bắt A Lình tạm bưng nước mời khách giùm. Những ngày sau mặc cho bà mẹ dỗ dành chị Dìn vẫn nhất quyết không ưng vì lý do ông khách quá xấu, người bé loắt choắt, chân thấp chân cao đã vậy lại gù lưng. Bà má rên rỉ bỏ ăn quên ngũ :

- Con ơi là con, mày giết tao có hơn không ! Bao nhiêu năm trời nuôi lớn, nếu không ưng thì mày đừng có nhận lời. Mày chê người ta xấu, nếu không xấu thì làm gì được tới tay mày, có chán vạn con khác đã cuỗm mất trước rồi, lấy chồng ở Mỹ chớ bộ cái xó nhà quê này à.

Chị Dìn bán cái sang Lình :

- Lúc trước tại chưa nhìn thấy ông ta, với lại nghe nói đi Mỹ ai lại không ham. Sao má cứ bắt con phải ưng lấy người đó mà không kêu con Lình, hôm đó nó bưng nước mời khách chứ đâu phải con.! Má mà ép con bỏ nhà ra đi cho má xem.

Bà má giật mình và cũng vừa nghĩ ra cách giải quyết, vậy là A Lình lại trở thành đối tượng cho bà thuyết phục, A Lình chống chế :

- “ A má “ à ! Con còn nhỏ mà, mới mười sáu tuổi thôi, đã biết gì đâu !
- Chỉ có con là thương má, con không giúp má lấy tiền đâu trả lại cho người ta, mình trót tiêu pha cả năm rồi nếu không thì làm gì tụi bay ăn diện sắm sửa bấy lâu nay, bây giờ thất hứa thì còn mặt mũi đâu nhìn người. Cũng tại con chị chết tiệt của mày trước đó nó ưng chịu tao mới nhận tiền của người ta.

Nói mãi hai đứa con gái chẳng đứa nào bằng lòng, bà má ra đòn quyết liệt cuối cùng với A Lình vì biết nó rất có hiếu

- Không đứa nào ưng thì tao chỉ có nước đi tự vẫn.

Tới nước đó A Lình chỉ còn cách duy nhất là thay thế chị mình lấy người ấy. Còn con đường nào khác để chọn nữa đâu !!

Ngày cưới A Lình buồn quá, giống như thất tình cho dù chưa biết yêu là gì, chị thấy dường như mình đánh mất một cái gì đó quan trọng lắm, nó mơ hồ nhưng đã làm A Lình bâng khuâng cuống cuồng mà vẫn không níu kéo được vì không thấy rõ.

Bây giờ tôi mới biết được nỗi buồn cố hữu trên gương mặt A Lình, không phải người thiếu nữ nào khi bắt đầu lớn cũng đều có một giấc mơ trong lòng, nhưng với chị thời con gái chưa kịp nhận ra đã vụt bay, đi lấy chồng mà biết trước mình không có đủ hạnh phúc dù chỉ nữa đời còn lại !

Thời gian đầu mới sang, vì sợ A Lình nghe theo lời người khác bỏ con mình nên cả gia đình chồng giữ riết lấy chị không cho đi đâu một mình, gần mười lăm năm trời chỉ có việc sinh con đẻ cái và làm công việc trong nhà, đến khi đứa con nhỏ nhất lên mười thì chị mới được cho đi làm cùng chung một hãng với gia đình chồng. Cũng may là A Lình sanh con gái nên bác sĩ nói không bị di truyền tật nguyền của cha mình và chúng giống mẹ nên rất xinh đẹp.

- Bây giờ em chỉ sống vì hai đứa con, chúng nó là nguồn an ủi duy nhất mấy năm sau này. Nhờ có hai đứa con nên gia đình chồng cũng không còn quá khe khắt như trước, chồng em thỉnh thoảng cũng có gởi chút tiền về cho bên nhà em.

Nhắc đến chuyện gởi tiền tôi bỗng nhớ lan man nên hỏi A Lình ;

- Em có biết chuyện của A Chí không ? Hình như nghe nói chị ấy đang chuẩn bị ra tòa ký giấy ly dị.
- Hai người ở riêng mấy năm nay rồi, sau cái dạo chị ấy về Việt Nam làm đám ma cho bà mẹ.

Chuyện của A Chí thì khác với A Lình, gia đình chồng chị cũng là người gốc Hoa ở Chợ Lớn trước kia, hai người lấy nhau qua bà mối. Giống như nhiều người lấy chồng Việt kiều, sang bên này đi làm có tiền thường hay dành ra chút ít gởi về giúp đỡ gia đình ở quê nhà, nhưng việc làm này của A Chí bị gia đình chồng phản đối kể cả người chồng với lý do :

- Nhà “ tao “ bảo lãnh “ mày “ sang đây không phải để mày đi làm gởi tiền về cho má mày.

A Chí không vừa nên đáp lại :

- Tiền “ tui “ gởi là tiền của tui làm ra, tui có quyền nuôi má tui. Tui không lấy tiền của ai hết.

Bà má chồng điên tiết nên lấy tiền giấy vàng mã dành đốt cho người chết bỏ vào bao thư gửi về cho mẹ và bà mối đã giới thiệu anh chồng về cưới A Chí. “ Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí “ không biết có phải vì thế mà bất ngờ hai người lần lượt qua đời trong thời gian ngắn ngủi. A Chí cuống cuồng về dự đám tang của mẹ mới hay cớ sự, chị về nhà nhìn mặt bà má chồng lại nhớ đến cái chết của mẹ mình. Điều khiến chị buồn và cảm thấy cô đơn là người chồng lại nghe theo lời bà mẹ. Giận dữ chị đạp ngay ông chồng xuống giường và gào lên “ trả má lại cho tao ! “ mỗi khi ông chồng đòi gần gũi.

oOo

 Đời con gái ai cũng có nhiều niềm vui nỗi buồn, có người than “ Làm con gái đã buồn, có chồng lại càng buồn hơn ! Vậy mà ai cũng muốn có chồng. “ Mấy ai có đủ hạnh phúc hết cả một đời ? Có mấy ai sống được yêu trọn vẹn, được như trong mơ, một giấc mơ lớn đời mình đến nơi đến chốn ? Được tự do thong dong thoải mái đi đây đi đó làm điều mình muốn một mình mình ? Thuở nhỏ còn là con gái bị cha me trói buộc nghĩ rằng đi lấy chồng để thoát khỏi sự kiềm tỏa, được tự do ai dè lại sa vào vòng lẩn quẩn của bổn phận nặng nề hơn. Con gái sinh ra là phải lấy chồng, đàn bà sinh ra là để làm vợ, làm mẹ. Đi ngược lại, làm không được coi như không phải là một người con gái bình thường. Người xưa đã ví “Làm thân con gái như hạt mưa sa, hạt rơi giếng mát, hạt rơi ruộng đồng.. ” người ta quên không đề cập đến những hạt mưa trót rơi trên biển, những hạt mưa lênh lênh theo ngọn sóng không biết đến khi nào dừng lại. Con gái lấy chồng giống như hạt mưa khi rơi xuống nó sẽ không còn là một hạt mưa thuần khiết sẽ bị hòa nhập mất tăm trong lòng đại dương, trong giếng nước và trên ruộng đồng.

Cơn mưa rào đầu tiên ập xuống, mưa cuối hạ làm mặt đường bốc mùi hơi đất. Những cơn mưa tiếp nối nhỏ từng giọt tí tách xuống mái hiên, êm êm giống như bản nhạc xưa cũ một thời tôi đã nghe và rất thích, bây giờ trở thành kỷ niệm, tôi nói thầm với A Lình, A Chí, với những người đã từng có thời con gái :

- Đây là bài hát người nhạc sĩ viết giùm có lẽ dành cho những người con gái, lời ca nghe như đang than van thương xót một thời “ à. tiếng nói thơ dại ngày ấy “ và “ … bây giờ mộng đời bay cao … !. Hãy cố vươn vai mà đứng, tô son lên môi lạnh lùng. Hãy cố yêu người mà sống, lâu dần đời mình sẽ qua... lâu dần đời mình sẽ qua !! “ (3)

Cỏ Biển
Tháng 7/2007


(1) những người thuộc các nước Đông Âu, da trắng nhưng ngôn ngữ chính không phải là tiếng Anh.
(2) tiếng nói quen thuộc của người bình dân gọi người Tàu sống ở Việt Nam thay vì “ khách trú “
(3) Bài hát trước năm 1975 không nhớ rõ tên.