Ta sẽ đến đứng bên bờ nước cũ
Mộng xanh ngần dậy nối mộng em xưa
Bùi Giáng
1.
Người họa sĩ sau nhiều năm lưu vong xứ người trở về thăm quê ở cuối
dòng sông Hương rồi theo đò ngược lên bến Tuần vào một ngày không
lâu sau Tết. Ông sống trọ ở đó rồi chết vào một đêm cuối mùa Xuân.
Mỗi sáng sớm, Ôn Thiên, người lão bộc mù lòa quanh quẩn suốt đời
trong ngôi nhà được dùng làm quán trọ duy nhất của bến Tuần, vẫn
chăm chỉ quét dọn căn phòng y nguyên chăn chiếu, vãng vất hơi hướng
của người bạn vong niên sớm thành tri kỷ. Ôn nhớ bạn, hốc mắt quầng
sâu, chòm râu thưa xơ xác, tiếng ho khan, và mùi thơm của những
hớp rượu Tây uống vào buổi sáng. Ôn sờ nắn từng bức tranh được treo
ngay ngắn trên bức tường vôi rạn vết thời gian. Tay ôn run rẩy vuốt
ve lên những tảng màu sông núi cau gợn tang thương. Ôn dừng ngón
tay mình ở khoảng thân hình người thiếu nữ đứng tắm khỏa thân trong
bức tranh cuối cùng người họa sĩ không kịp hoàn thành trước khi
lìa đời... Ôn Thiên nhớ tới lần người họa sĩ cầm tay để ôn dò dẫm
lên vùng quánh đặc giữa thân thể người đàn bà trong tranh, cắc cớ
hỏi. Ôn có biết chỗ ni là chi không? Ôn Thiên lắc đầu khi nghe bạn
giải thích về nơi cửa rừng đam mê đó. Ôn Lê ! Cụ mi vẽ vời chi mà
tô hô ra rứa, ai mà coi cho được !? Ôn Thiên trách cứ xong rồi nối
dòng cười với bạn ... Ôn lắc đầu cười một mình, bước ra khỏi nhà,
lần rải đi về phía bến đò. Nỗi ước ao rực rỡ sắc màu vùi ngủ trong
ôn từ rất nhiều năm qua chợt thức giấc muộn màng. Bừng lên trong
nhận chịu vô thức về một định mệnh đã an bài chợt bàng hoàng cánh
phượng đỏ vấy nắng lung linh trong màu xanh của lá la đà trên mặt
nước lúc đò chèo qua Thiên Mụ. Đã hơn sáu mươi năm, sau lần xuống
Huế đầu tiên của thằng Thiên năm mười một tuổi. Cơn bệnh đậu mùa
thập tử nhất sanh đã cướp mất ánh sáng của một đời người.
Trời như đang bắt đầu cho một ngày nắng. Ôn Thiên cảm thấy mặt
mình hây hây chút ấm của ánh mặt trời. Ôn nghe gió về lao xao lướt
trên mặt sông. Tiếng máy đò khản nghẹt nặng nề như muốn chìm úng
vào sông để mặc cho nguồn nước thượng dòng đẩy con đò trôi. Đò xuôi
về Nguyệt Biều, Long Thọ hay tấp qua Xước Dũ, Văn Thánh. Những thôn
xóm nên thơ dọc theo thượng dòng sông Hương la đà màu xanh của từng
khu vườn mít, thanh trà, hun hút êm đềm trong cái nhìn lan trải
của trí nhớ một người mù. Con sông nhỏ Bạch Yến lượn lờ uốn quanh
Nham Biều, Ngọc Hồ, Hải Cát, Đình Môn, thả hương cây trái về xuôi
cho giáng châu đỏ lòng Kim Luông xanh mướt vườn dâu. Làng Hồ, quê
ôn, với mùi mít chín thơm tay. Anh đưa em tới làng Hồ. Em mua
trái mít, anh bồ trái thơm...(Ca Dao). Màu xanh của lá, màu
vàng đỏ của bông hoa. Ôn chợt nghe mình bâng khuâng lẩm bẩm thành
lời từng miếng màu sắc đến từ trí nhớ đọng xoay trong hốc mắt khô
rốc mỏi rời.
Tiếng gàu nước kéo từ sông lên, xối róc rách lên mạn thuyền gỗ.
Mùi chanh chùm kết từ dưới bến đò thơm vọng lên nơi ông đang đứng
dưới bóng mát cây ngô đồng. Cây không già như ôn, nhưng ôn chẳng
còn nhớ nó được trồng từ lúc nào. Có lẽ một ngày nào đó thời Ôn
Diệm. Trước những năm chiến trận hung hăng tác loạn, cuốn hút mọi
người, cuốn hút tất cả vào cuộc chiến tranh tàn hoại điêu linh.
Cả ôn Thiên mù lòa, tẩm quất kiếm sống qua ngày, cũng phải nhắm
mắt làm chuyện không ngờ để cùng người mà tất tả sống qua cuộc biển
dâu. Ôn Thiên rờ dọc theo thân ngô đồng, vỏ cây xù xì nhám nhúa.
Có người nói lá cây ngô đồng trở màu xám vào mùa đông. Đang cuối
mùa xuân, có lẽ lá đã về lại với màu xanh. Hay cây ngô đồng chẳng
có ai trồng mà mọc? Cây lớn lên với thời gian, bấm mình vào đất
cứng, vươn dài cội rễ dọc ngang mà khứng chịu gió núi mưa nguồn
như ôn sống già với quanh quẩn mù lòa như một chứng nhân câm nín
chẳng ai ngại ngần.
Chuyện đời người bạn tự tha phương được kể ra giữa những cơn say
làm ông buồn bã nhớ nhiều về quá khứ đời mình tưởng đã chìm đắm
trôi sông. Ôn đi về phía bờ sông, vốc nước vả ướt mặt. Ôn đầm người
xuống nước, tiếng sóng bên tai âm trầm nhịp đập của dòng sông đang
thở quyện lẫn đâu đó tiếng máy con đò đưa xác người họa sĩ xuôi
dòng về lại với gia đình. Ôn thấy trong trí nhớ mình xóm Bao Vinh
lao xao con đường lát gạch mấp mé bờ nước. Màu gạch đỏ cũng tươi
tắn như trong cơn mộng của bạn mỗi đêm về. Nằm trăn trở nhớ quê,
nhớ đời mình... Từ một biển xa.
2.
Chuyến xe khách cuối ngày từ bến xe chợ Đông Ba đưa người sinh viên
trường Mỹ Thuật lên tới Văn Thánh lúc trời đã nhá nhem tối. Nhớ
lời dặn của người liên lạc, anh quảy túi xách lên vai đi nhanh về
phía làng Ngọc Hồ. Chân bước mà lòng thì ngổn ngang bao nỗi buồn
lo ngại ngùng lẫn lộn. Anh buồn vì sắp phải bỏ nhà, bỏ phố, và lo
lắng cho cuộc sống xa lạ sắp tới. Huế sau tết Mậu Thân đã rõ mắt
nhìn tang thương đổ nát, phân tán chia lìa. Không còn những ngày
sinh viên hào hứng, la cà ở Trương Định uống café và cảm thấy mình
cao lớn. Khúc phố Trần Hưng Đạo âu sầu nhớ bạn. Quán Lạc Sơn rộn
ràng lớp người gươm súng. Chân chẳng buồn qua lối về Bãi Dâu vì
cô học trò nổi tiếng ngổ ngáo và đẹp tản thần đã bỏ nhà, bỏ trường,
bỏ quán chè nhạc tiền chiến, vô bưng. Một số đông bạn bè đã vào
Đà Nẳng hay Sài Gòn để trốn lính hoặc đi lính. Một số thì ngưỡng
mộ quyền năng sinh sát của nhóm người từ núi về, tay thử nhúng chàm
để thỏa chút lòng còn mang mối mặc cảm tự ti cũng đã kéo theo nhau
vào núi. Chỉ còn anh và một nhóm nhỏ bạn bè ở lại thành phố. Từng
chiều rời rạc bước chân qua triền dốc đoạn đành của chiếc cầu gãy
nhịp. Vai cầu cong oằn chúi vào nhau cũng buồn như lòng người đi
trên cầu lo lắng về một tương lai không lối thoát đầy thách đố.
Gần đây, trong sự hối thúc của lệnh động viên nhập ngũ, ba mạ anh
đã đồng ý cho anh vào vùng giải phóng qua sự móc nối của bạn bè
để tạm lánh một thời gian chờ hòa bình đến.
Mãi suy nghĩ vẩn vơ, anh đến điểm hẹn ở bìa làng lúc nào không
hay. Anh lo sợ nhìn màn đêm như tấm vải sô đen đang phủ trùm lên
cảnh vật quanh mình. Người giao liên đã đứng chờ anh tự lúc nào,
ra dấu đi về phía bờ sông. Không kịp nghĩ đến dáng đi uyển chuyển
mà nhanh nhẹn của bóng người trước mặt, anh vội vã bước theo sau
để khỏi bị lạc lối. Anh quờ quạng lần từng bước vào trong khoang
đò chật hẹp, ngồi xuống bên chiếc túi xách người nữ giao liên vừa
trao cho. Những ngón tay thuôn mịn thị thành khiến anh bất giác
quay nhìn bóng người ngồi cạnh. Trong tăm tối, làn hơi thở thơm
hương con gái chuyền dậy trong anh cảm giác mơn man diệu kỳ làm
phập phồng cánh mũi... Hai đứa mi nằm sát xuống, không được noái
chuyện nghe! Tiếng người chèo đò thì thào vọng qua vách nứa khép
kín. Người sinh viên và bóng người con gái im lìm nằm xuống bên
nhau. Anh nằm trân mình không dám một mảy may động đậy. Hơi thở,
làn hương, như sợi dây vô hình trói ghì cảm giác làm tê rần những
đầu ngón tay bấu cứng mảnh ván khoang đò. Tiếng nước vỗ vào mạn
đò đều đặn theo nhịp chèo ru anh vào giấc ngủ chập chờn, loáng thoáng
những hình ảnh thân yêu đang trôi vào kỷ niệm. Bóng mạ tất tả mỗi
buổi mai cho kịp phiên chợ. Dáng người cha cần mẫn làm thợ may ngoài
phố, ngày hai buổi cong lưng đạp xe đi về qua khoảng đường lát gạch
đỏ của khu xóm Bao Vinh. Bóng cầu thướt tha bầy con gái học trò,
khăn san bay thắm màu chiều cho hồn ai áo lụa trông vời. Tất cả
đang xa dần theo dòng nước trôi xuôi. Còn lại anh hoảng hốt lao
đao trong con đò chèo ngược nước. Ý nghĩ buồn bã trào tới như nước
triều dâng khiến anh muốn đưa tay vuốt mặt, mắt mở trừng nhìn vào
màu đêm tăm tối... Cô gái trở mình trong giấc ngủ say. Nàng nằm
nghiêng người, bầu ngực êm mượt chạm lên cánh tay anh. Người sinh
viên nằm im nghe tiếng thở mình và hơi thở cô gái hiền thơm quyện
vào nhau, bềnh bồng tâm trí...
Đò lên tới bến Tuần vào lúc nửa đêm. Họ sẽ tạm trú qua đêm ở khu
bến chợ để ngày mai tiếp tục đi bộ vào khu giải phóng. Trong gian
phòng trọ lù mù ánh đèn dầu, anh sinh viên nhìn sững cô gái quên
cả tiếng chào từ giã của người chèo đò.
Cô gái mỉm cười, nhìn khuôn mặt ngạc nhiên đến sững sờ của người
sinh viên.
- Anh Lê bộ á khẩu rồi hỉ ? “Con Gái Thầy Nô” đây. Bộ lạ lắm
răng!?
- Thiệt không ngờ gặp Đông ở đây...Có cả bà chằng “Con Gái Thầy
Nô” nữa.
- Mình Đông thôi. Cái tên tê là vì người ta đặt cho mình. Dù không
ưa, không đúng, người ta cũng cứ gán cho.
- Rứa mà tui lại nghe đồn là Đông đã trưng bằng cớ rõ ràng cho
người đặt tên rồi mà!?
Nhìn khuôn mặt không vui của cô gái, anh nói lảng sang chuyện khác.
Có lẽ vì hoàn cảnh, vì chuyến đò vừa qua, hai người chuyện trò thân
mật như bạn cũ lâu ngày gặp nhau, cho dù người sinh viên cũng như
nhiều thanh niên khác đều là khách quen của quán chè gia đình cô
gái. Họ đến chẳng phải vì chè ngon trong chiếc quán vườn thơ mộng,
mà để thả hồn mơ mộng, ngắm nhìn đôi mày liễu cong dài và nét đẹp
rúng lòng với thân hình vệ nữ của cô học trò ngổ ngáo trong cánh
áo tay trần mịn óng măng tơ.
Cái tên “Con Gái Thầy Nô” được gán ghép cho Đông sau lần một gã
học trò trường Nguyễn Du đến quán chè hỏi có phải nàng là con gái
của thầy Nô. Gã học trò và đám bạn cười phá lên khi nghe nàng ngây
thơ trả lời cha mình là một ông Đội Cảnh Sát. Vài ngày sau khi Đông
tìm hiểu ra được ý bỡn cợt quá đáng của gã học trò muốn hỏi có phải
hạ thân nàng bạch bản và lấy đó rêu rao làm trò đùa, nàng tức giận
đến phát khóc quyết chí trả thù. Giữa lúc gã học trò đang quây quần
cùng bầy bạn, cô gái bưng chè đặt lên bàn xong lấy trong túi áo
ra vài sợi lông dài đen nhánh thả vào ly chè. Của “Con Gái Thầy
Nô” tặng đó! Ăn vô cho bổ bề ngang, sang bề dọc... Từ sau ngày đó,
cái biệt danh quái ác đã gắn liền với cô học trò dạn miệng ngổ ngáo
và gã học trò thì mất biệt tông tích, chẳng còn thấy đến quán chè
ba hoa cùng bè bạn.
Cho đến một ngày... sau Tết Mậu Thân. Thành phố Huế tang thương,
lửa đạn ngút trời. Gã học trò trường Nguyễn Du xuất hiện trước cửa
nhà Đông với súng ngắn, băng đỏ, và một nhóm người gươm súng nạt
nộ oai phong. Gã học trò đọc án lệnh của Ủy Ban Cách Mạng Thành
Phố để bắt giữ người cha là Cảnh Sát Ngụy. Sau một hồi lâu khóc
xin, gã học trò đồng ý cho Đông đi theo Cách Mạng để cha khỏi phải
bị bắt. Không kịp từ giã cha mẹ gia đình, cô gái ra đi. Cuộc đời
nàng sa vào lối rẽ không ngờ. Nàng thoát chết lúc băng qua Tây Lộc,
theo nhóm du kích vũ trang rút về Văn Thánh, An Hòa, rồi an toàn
vào khu giải phóng. Gã học trò ba hoa vô hại trong quán chè ngày
nào nay là một xã đội trưởng du kích, lầm lì, tính toán. Ngày Đông
hay tin cha bị sát hại tuy nàng đã bằng lòng vô bưng theo kháng
chiến là ngày đau buồn nhất trong cuộc đời nàng. Nỗi đau thương
tiếc cha và sự uất giận sao quá ngây thơ để bị phỉnh gạt khiến nàng
quên sợ tìm gặp gã học trò du kích, nguyền rủa không tiếc lời. Sắc
đẹp của cô gái mà hắn vẫn hằng thương tưởng và tập thể những người
trẻ tuổi mới vào bưng quanh nàng khiến hắn đành tìm lời dịu ngọt.
Công việc hàng ngày dạy học cho trẻ em trong làng, gần gũi với tiếng
cười trẻ thơ, giúp nàng nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ gia đình, phố
xá. Chuyến đi Ngọc Hồ đêm qua là công tác giao liên đầu tiên nàng
được tập thể giao sau gần ba tháng quẩn quanh trong khu rừng ngán
ngẩm mặt người...
Đêm đầu sông trôi sâu vào quá canh tàn, rời rạc tiếng chó sủa sao
khuya. Trong gian phòng mờ ngọn dầu hao, tiếng cô gái mềm theo dòng
lệ rưng.
- Gặp anh, Đông mừng mà tủi. Em vui, nhưng không biết mình nên
buồn hay vui. Cuộc sống tai ương lao tới quá nhanh đến choáng
váng, ngã khụy.
Mái tóc cô gái dài hơn dạo trước Tết, thả bóng tối vào đôi mắt
sâu huyền diễm rồi buông hờ xuống bờ vai tròn trịa thanh xuân
- Đông còn nhớ bức tranh tôi vẽ cô gái với đôi mắt màu tím biếc.
Cô gái nhìn người thanh niên mỉm cười chế diễu.
- Ông họa sĩ ni vẽ đẹp mà lối tặng tranh lại càng độc đáo hơn
ai hết. Ai đời đem tranh đến tặng mà lén nhét vô giữa bụi bông
cẩn rồi bỏ về. Mạ dọn vườn thấy đem vô... Vẽ vời chi mà cắc cớ
rứa không biết ? Mắt to như khu chén, cổ dài như cổ cò, tay chưn
thì lòng thòng... Nói thì nói rứa, mà khi em xin treo phía sau
quầy thì mạ chịu liền... Mắt tím có lẽ vì khóc nhiều phải không
anh?
Người họa sĩ bước khẽ đến bên cô gái. Anh cầm tay nàng. Họ im lặng
nhìn nhau. Bên ngoài trời vẫn còn đêm.
3.
Bãi sông khuất vắng mấp mé bờ nước lúc triều dâng. Tàng cây si già
rậm xanh mái lá la đà tỏa bóng xuống khoảng bờ cát phủ lá mục êm
ái bước chân. Đôi trai gái tình cờ tìm ra chỗ hẹn hò lý tưởng vào
một buổi trưa sau buổi dạy tìm chỗ trốn nắng trốn người. Lớp rơm
khô trải ra ân cần mời họ ngồi xuống bên nhau. Thân xác chìm ngập
vào nhau trong chiếc nôi êm hạnh phúc tuyệt vời. Không gian ríu
lại chẳng một thoát hương, đôi vòng tay tìm nhau ghì xiết cơn giật
động vỡ bờ cho vành môi sặc trào từ lồng ngực đam mê từng âm thanh
nguyên thủy thấm lộng đến tận cùng cảm giác. Cô gái trễ tràng khuy
áo, trầm mình xuống dòng sông lặng lờ con nước. Sau lớp vải mong
manh, cặp đỉnh vú nhọn hoắt xuân thì lồng lộng trong bóng nước.
Buổi trưa im ngát, râm ran tiếng ve luân chuyền trong rừng cây vắng
gió. Trời xanh không một vẩn mây. Bóng Trường Sơn chập chờn dao
động lúc cô gái khua đôi tay trần làm thành những vòng sóng dần
lan trên mặt nước.
Người họa sĩ căng mắt nhìn dòng sông trước mặt. Mái tóc người yêu
thon thả bồng bềnh theo điệu sóng lơi lả trên bờ vai trắng ngần.
Chàng cảm thấy hồn như tan loãng theo từng giọt nước vỗ về lên dáng
nàng nguyên sơ ngà ngọc. Người họa sĩ nín thở say sưa chuyền lên
khung vải qua từng nhát cọ, từng tảng màu, mối tình cảm nồng say
đang rần rật trong thân xác mình.
Cô gái e thẹn nhìn người thiếu nữ khỏa thân trong bức họa.
- Ông ni thiệt ! Vẽ chi mà cả vạc dễ sợ rứa?
Người họa sĩ mang giá vẽ lên vai. Anh sánh bước cùng người yêu,
nói nhỏ vào tai nàng.
- Em vừa có biệt danh mới... Em là “Con Gái Thầy Đồ”...
Tiếng cười đôi trai gái giòn tan trên con dốc nắng lúc họ đuổi
nhau chạy về phía trường học.
Cặp tình nhân đang sống những ngày chứa chan hạnh phúc. Họ chẳng
ngớt nhìn nhau rồi cùng nhìn về phía cuối dòng sông. Nơi phố xá
gia đình, nơi ước mơ đậu lại cho một cuộc trở về. Họ chỉ cần có
nhau, ngoài ra tất cả đều là phụ thuộc. Chẳng ngại chi cuộc sống
thiếu thốn gian khổ, hai người chỉ mong làm tròn trách vụ giao phó
ở trường học để được yên thân. Người họa sĩ quen dần với công tác
kẻ biểu ngữ. Những khẩu hiệu thi đua, diệt Ngụy chống Mỹ cứu nước,
màu vàng đỏ treo khắp cùng thôn làng giải phóng. Sau vài lần bị
phê bình kiểm điểm, anh học được thói quen cất xếp suy nghĩ sáng
tạo ở một góc riêng trong trí tưởng mình để thuần thục hoàn thành
những bức vẽ hiện thực theo đúng yêu cầu. Anh vẽ đi vẽ lại mặt mày
những cô gái khỏe mạnh, cổ ngắn mà to, không có nét ngực, cánh tay
tròn trục nắm lại giương cao trong nền trời đỏ rực chói chang. Anh
vẽ với nỗi phiền hà chôn kín trong lòng.
Nhiều đêm mỗi tuần, lớp học được dọn làm nơi học tập kiểm thảo
cho nhóm thanh niên sinh viên bỏ phố vào bưng. Lá cờ giải phóng
xanh đỏ sao vàng may vụng về được treo phủ lên tấm bảng đen. Dưới
ánh sáng leo lét của ngọn đèn thắp bằng đá khí xì tỏa mùi hôi, phần
xanh bẩn bạc nhược của lá cờ xám chìm vào tấm bảng loang lổ vết
phấn.
Người xã đội trưởng du kích, gã học trò đệ nhị trường Nguyễn Du,
không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để hậm hực bóng gió về liên hệ tình cảm
giữa người họa sĩ và cô gái hắn vẫn hằng mơ tưởng. Những lần như
thế, họ chỉ im lặng nhìn nhau cười qua ánh mắt.
Cho đến một hôm, điều mà đôi tình nhân không hề dám nghĩ tới đã
giáng xuống cuộc đời họ như nỗi khe khắt nhất của định mệnh. Người
họa sĩ được trên “chiếu cố” cho đi “thực tế” ở miền Bắc Xã Hội Chủ
Nghĩa. Gã xã đội trưởng mừng rỡ ra mặt khi mang lệnh công tác đến
cho anh. Hắn hí hửng ra điều biết chuyện.
- Anh Phủ trong chiến đoàn Nguyễn Đại Thức ngày trước, chừ làm
lớn ngoài Vinh, giúp anh đó. Rứa là anh đạt được nguyện vọng rồi,
sướng hỉ!
Cô gái thành phố lớn nhanh qua những tai ương dồn dập xảy đến với
nàng. Mất cha, mất liên lạc với gia đình, nay lại phải xa cách người
yêu. Họ bám víu vào hi vọng anh chỉ đi công tác vài tháng sau đó
sẽ trở về lại. Buổi chiều trước ngày đi, đôi tình nhân yêu nhau
trong tổ ấm của họ lần cuối. Hai người ôm nhau, im lặng nhìn bóng
Trường Sơn u uẩn đổ chìm trong dòng sông đục màu mây xám lao đao.
Người họa sĩ trao cho nàng bức họa ghi dấu thời yêu thương vô vàn
của hai người. Cô gái gạt lệ, nhìn thật lâu vào mắt người yêu...chỉ
để rồi khóc nức nở trên đường về qua con dốc hiu hắt nắng tàn.
Niềm hi vọng được trở về với người yêu sau vài tháng đi “thực tế”
đã kéo lê thành phần đời đau thương suốt bảy năm dài. Năm đầu tiên
là giai đoạn khổ sở nhất của người họa sĩ. Nỗi quay quắt nhớ người
yêu và sự thất vọng khi nhìn ra khuôn mặt thật điêu tàn của miền
Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa khiến anh quá đỗi đau lòng. Anh tìm cách nhắn
tin nhưng tất cả đều không có kết quả. Biết bất cứ ai đi công tác
Trị Thiên anh đều viết thư nhắn gởi rồi thấp thỏm vắn dài chờ đợi
mãi một hồi âm không bao giờ đến. Bảy năm đăng đẳng chậm chạp trôi
qua với công việc tẻ nhạt của một gã thợ vẽ quẩn quanh với hai màu
vàng đỏ nghèo nàn. Trong giấc ngủ đến khó khăn từng đêm, hình ảnh
người mẹ bồng con đứng buồn bã bên dòng sông vẫn thường hiện về
khiến anh bừng tỉnh ngờ ngợ hỏi lòng rồi chong mắt đếm canh dài.
Sau tháng Tư năm bảy lăm, niềm vui của người họa sĩ chóng tàn như
ngàn cánh sen tả tơi trong hồ Tịnh Tâm thiếu nước đọng bùn khô.
Gia đình Đông, sau ngày nàng vô bưng rồi người cha bị sát hại chôn
tập thể ở Bãi Dâu, bà mẹ và hai đứa em nàng đã bỏ xứ vào Nam lập
nghiệp, không hề trở lại Huế. Anh theo đò lên khu làng xưa bên tận
đầu nguồn sông Hương tìm hỏi dấu tích người yêu. Dân trong làng
cho hay không lâu sau ngày anh phải đi “thực tế”, vì có vấn đề với
người xã đội trưởng du kích, Đông đã bỏ vùng giải phóng đi biệt.
Gã du kích thì bị lính Sài Gòn bắn chết trong một trận càn.
Những ngày sum họp tự hào cũng qua nhanh với gia đình người họa
sĩ như nước nguồn chảy trào qua Bao Vinh đầm đìa lối gạch cũ mòn
hưng phế. Đứa con kháng chiến trở về thất vọng với công việc nhàm
chán là cán bộ thông tin văn hóa ở một xã nghèo nằm cuối dòng sông
Hương trắng xác bơ phờ cánh đồng muối mặn. Anh chẳng lo toan được
chi cho gia đình. Cha mẹ cần mẫn chắt chiu từ bao năm, vất vả gầy
dựng được tiệm may ở Ngã Giữa, nay phải hàng ngày ra vào âu lo phờ
phạc vì bị quy là tiểu tư sản, thuộc diện kiểm kê. Người em trai
là sĩ quan quân đội miền Nam thì vất vả lao đao trong trại cải tạo
mờ mịt núi xa.
Niềm đau lớn nhất của anh là ước mơ được diễn tả suy tưởng và cái
nhìn của người họa sĩ qua màu sắc riêng biệt của mình thì đã như
cánh đóm lẻ loi, chập chờn, mất hút đêm thâu. Đã bao lần sau đêm
thức trắng say sưa với dao cọ, người họa sĩ đành phải bất lực buồn
bã nhìn tác phẩm mình trước khi xếp cất vào nơi khuất lấp. Từng
hoàng hôn nhìn ráng chiều lung linh trên nóc hàng dương rũ đầu muộn
phiền lối gió thấp thoáng cánh buồm từ biển về, lòng anh càng nung
nấu giấc mộng ra đi.
Vùng đất tự do cuối biển Thái Bình xa đã giúp hiện thực giấc mơ
của người họa sĩ. Anh được nhiều người trong xã hội phương Tây mến
mộ qua nét vẽ độc đáo đầy sức sống lứa đôi. Thế nhưng càng vẽ anh
càng nhớ nhiều tới người xưa nơi nguồn sông khốn đốn. Đời sống vật
chất đầy đủ và cuộc hôn nhân vội vàng chẳng giúp được chi cho cuộc
sống tinh thần sa sút. Chỉ sau vài năm trong cảnh sống gia đình
bế tắc, với chiếc bàn chải đánh răng trong túi áo và chai rượu trên
tay, anh bỏ nhà từ giã người đàn bà đã không mang lại sự bình an
trong tâm hồn anh vẫn mãi hoài tìm kiếm. Hội họa, nỗi cô đơn trong
nuối tiếc dằn vặt chẳng nguôi...và như thế người họa sĩ sống cuộc
đời mình, từng ngày, bắt đầu bằng cơn say vào buổi sáng.
Sự bồng bột oan khiên thời tuổi trẻ đã khiến anh và biết bao người
cùng trang lứa ngờ vực chối bỏ hạnh phúc niềm vui đến trong tầm
với. Chỉ để rồi chẳng thể nào tìm lại được trong suốt quãng đời
còn lại. Cô học trò duyên dáng hồn nhiên, sống trọn vẹn cho tình
yêu bên bờ nhân duyên đành đoạn. Cô gái Gio Linh héo hon bầu ngực,
gồng gánh nước sông dưới bóng trăng lu khuyết huyễn giấc mơ tàn.
Người đàn bà trên vùng đất lưu vong, sòng phẳng trong cuộc sống
và tình yêu. Bức họa đầu tay anh vẽ bằng tất cả đam mê thuở vừa
yêu, hoang sâu bờ mắt tím và dáng em dìu dặt quán chiều. Bức tranh
cổ động d? xanh, cánh tay cô gái nắm chặt giương cao hô hào nhân
dân ra sức thi đua lao động. Những họa phẩm được trang trọng trưng
bày tại các phòng triển lãm kiêu kỳ ở Sydney, Melbourne, Paris...
Anh say bằng những chai rượu đắt tiền để rồi giữa cơn say hình ảnh
quá khứ thoắt động trở về vỡ tràn bờ nuối tiếc. Người họa sĩ bồi
hồi nghĩ tới hình ảnh gã trai tơ lúc hắn luống cuống giấu món quà
tặng tình yêu đầy đam mê vào bụi hoa trongvườn nhà cô gái... Anh
có tất cả và anh đã khờ dại bỏ đi.
Sự hối tiếc đã thôi thúc người họa sĩ về bên nguồn sông xưa. Như
con thú hoang trở về hang động thoa liếm vết thương đau, anh trở
về tìm lại dấu vết yêu thương ngày cũ, mong vá víu manh áo đời đã
quá tang thương.
4.
Chuyện đời người họa sĩ đắng cay như từng hớp rượu mạnh ép mời ôn
Thiên ráng uống để bạn vui. Quán chiều bên bến đò im bặt tiếng cười
nói của nhóm khách cuối ngày vừa rời quán cho kịp chuyến xe nôn
nóng đợi trên cầu. Gió từ sông thổi ruồng qua dãy bàn ghế lỏng chỏng,
trơ trọi hai ông già ngồi trăn trải lòng mình qua men cay. Ôn Thiên
lắng nghe tiếng dòng sông trôi về xuôi, xốn xang sóng động trong
hồn rêu phong bờ đá. Biết bao mảnh đời đi qua bến đò Tuần bằng bước
chân tình cờ của định mệnh. Họ tất tả lên rừng xuống phố, giết chóc
khóc cười, sống vội sống mòn, than vãn trần tình, đi biệt. Ôn Thiên
vẫn một đời ở lại, âm thầm như bóng, nghe ngóng loanh quanh. Từng
âm động, tiếng người, rớt đọng vào tai rồi trầm tích trong ngăn
phần trí nhớ của một kiếp mù lòa. Xúc động theo câu chuyện tình
của bạn, ôn Thiên nghe từ trong quá khứ trỗi dậy từng tràng âm thanh
náo động đạn bom và giọng nói ngọt ấm của người thai phụ trẻ tuổi
giữa những ngày hè năm sáu tám. Ôn xúc động lần tìm tay bạn. Những
ngón tay già nua run rẩy vỗ về nhau, thiệt thà như tiếng khóc hóa
mòn dấu đá in hằn trong ký ức vừa chợt nhão ra thành giọt nước mắt
hoen bờ mắt sâu khép kín.
Không lâu sau ngày người họa sĩ đi “thực tế”, cô gái biết mình
có thai. Nàng vui mừng báo cho tập thể hay với hi vọng gã xã đội
trưởng sẽ buông tha, không còn theo đuổi ve vãn để được yên thân.
Không ngờ hắn lại càng tỏ ra cay cú thô bạo hơn. Một lần lợi dụng
lúc vắng người, hắn dùng sức mạnh toan làm hỗn, nàng đã may mắn
chạy thoát được. Cô gái quyết định trốn khỏi vùng giải phóng về
lại Huế. Tên xã đội trưởng dẫn du kích đi tìm bắt nàng lại. Nhằm
lúc một đơn vị lính quốc gia đang hành quân lục soát trong vùng,
vài du kích bị tử thương trong số đó có cả tên xã đội. Cô gái bị
tình nghi là cán bộ giao liên, nàng được đưa về hậu trạm của đơn
vị hành quân
đóng ở bến đò Tuần để điều tra. Một sĩ quan người miền Nam, biết
cô gái lúc ở Huế, đã đứng ra cứu vớt, bảo lãnh cho nàng được tự
do.
Ôn Thiên uống cạn ly rượu. Ôn ngồi quay mặt về phía dòng sông,
bóng chiều trầm lặng phủ lên lũng mắt sâu kín niềm đau.
- Nghe nói người sĩ quan, chẳng sá chi chuyện lỡ lầm, đã cưới
cô gái rồi đưa vô sống trong Nam. Dù răng thì cụ mi cũng có được
đứa con sống ở mô đó trên cõi đời ni. Còn tui phải chôn con mình
lúc chỉ mới là cái bào thai năm sáu tháng.
Người lão bộc mù nghe tiếng thở dài của bạn lặng chìm vào tiếng
nấc nghẹn, ấp úng rã rời men rượu. Ôn Thiên nghĩ tới nơi sinh trưởng,
làng Hồ. Thuở thằng Thiên mắt sáng, bàn chân tuổi chín mười rón
rén bước theo tiếng chim rúc trên con đường làng lổ đổ bóng nắng
trưa thơm mùi mít chín. Phần số mù lòa đẩy đưa ôn đi ngược dòng
sông Hương đến bến đò Tuần rồi buộc chặt đời mình ở đó. Năm mươi
năm qua ôn Thiên sống âm thầm kiếp đời nô bộc trong quán trọ nghèo
nàn bên bến sông. Hòa bình. Chiến tranh. Quốc gia. Cọng Sản. Sống
chết. Đói nghèo. Cười khóc... Tất cả là tiếng đời quen lạ vây quanh,
là âm động cuồng quay vùng thính giác bơ phờ nghe ngóng. Trong gian
phòng nhỏ cuối quán trọ, chiếc phản gỗ mít lâu đời trơn bóng là
nơi ôn Thiên hành nghề tẩm quất kiếm sống qua ngày. Tấm gỗ dày cả
gang tay có bao cát chắn quanh cũng là trần che chắn cái hầm trú
ẩn đã bao lần giúp ôn sống còn qua hơn hai mươi năm súng đạn vô
tình. Trên tấm phản đó biết bao thân xác rã rời đã trong một giây
lát nằm lại thơ thới mà quên đi chiến trường mỏi mệt. Lính quốc
gia, lính Sài Gòn, du kích, bộ đội, nam, nữ... chỉ là những sợi
gân cốt mỏi rời được ôn xoa bóp chăm lo. Ở đó, có khi những mảnh
đời đã được trải ra, kể lể, than thân... trong lúc ôn Thiên chỉ
im lìm lắng nghe và cần mẫn làm tròn công việc với đôi tay nô bộc
mù lòa.
Cho đến một đêm... Tiếng rên dồn dập lạ tai của o du kích và những
ngón tay bấu chặt lên người khiến ôn Thiên dừng tay nghe ngóng hỏi
han. Chỉ có tiếng trở người và chút âm thanh cấp bách vừa kịp ghì
ríu trong cổ họng. Lúc tay vừa chạm vào đôi bầu ngực căng tròn của
cô gái thì trong người ôn cũng chợt rùng rùng cảm giác trào ngợp
khó tả làm tim đập nhịp liên hồi. Hai con thú hoang vồ siết nhau
trên vùng châu thổ cuộn sóng đam mê mênh mang bờ bãi. Từ đó, căn
hầm tăm tối là nơi họ chìm ngập vào nhau cho thỏa thuê cảm giác
mở toang trên từng phân li da thịt.
Ngày o du kích cho biết có thai, ôn Thiên vui mừng nhưng cô gái
chẳng nói năng chi. Vài tháng sau, cô gái cho ôn biết tập thể đã
đưa nàng ra kiểm thảo, buộc phải phá thai và đưa đi làm công tác
giao liên ở vùng khác. Ngày chia tay, cô gái nói cho ôn biết nơi
nàng quăng giấu cái bào thai rồi lặng lẽ bỏ đi. Ôn Thiên đã khóc
suốt trên đường về làng Hồ nơi ôn chôn cất đứa con vừa tượng hình
hài. Và biết bao năm sau đó mỗi khi nghĩ tới cảnh sống cô đơn đời
mình.
Cách đây không lâu, trong ngày khánh thành chiếc cầu mới bắt qua
sông gần bến Tuần, ôn đang đứng dưới tàng cây ngô đồng thì nghe
có tiếng phụ nữ hỏi chào. Ôn Thiên đó hỉ !? ... Giọng người đọng
vào tai thì cho dù bao nhiêu năm ôn cũng chẳng thể quên. Huống chi...
Ôn chợt rúng người, nghe tiếng mình bật hỏi... Rứa O đó hỉ !? Tui
đây... Tiếng trả lời nhỏ lại bước theo người. Ôn Thiên đang lóng
ngóng thì có người đẩy ôn suýt té . Tránh ra cho đồng chí chủ tịch
huyện đi cắt băng cầu mới...
Lời phát biểu của người đàn bà trong buổi lễ qua hệ thống khuếch
thanh theo gió lởn vởn lúc gần lúc xa vọng xuống bến đò. Giọng nói
chen vô đầu quẩy động lớp âm thanh đã từ lâu lắm ôn không hề muốn
nghĩ tới. Bàn tay người tẩm quất mù đã khơi mở cơn thèm muốn ăm
ắp lâu đời của o du kích khỏe mạnh mà xấu xí chẳng ai để ý tới.
Ôn nghĩ tới những vết rổ sần kín trên mặt của người đàn bà rồi chợt
vuốt mặt mình lúc lần bước về phía bờ sông...
5.
Tiếng chuyện vãn của nhóm đàn bà ở dưới vạn đò đi chợ về làm ôn
Thiên chợt tỉnh giấc mê ngày ... Ôn Thiên ni thiệt, ra tuốt ngoài
sông mà ngủ nướng. Ôn nằm trên nắng dưới nước như rứa coi chừng
bị đau thương hàn đó nghe... Ôn Thiên răng mà giống như ngày càng
lẩn từ cái hồi ôn họa sĩ Việt kiều chết tới chừ... Tội nghiệp, đi
Đông đi Tây cho bưa rồi về cái xó ni mà chết một mình... Ôn Thiên
ầm ừ vài tiếng khản nghẹt trong cổ họng chừng như để trả lời câu
quở trách của mấy mụ o dưới đò thiếu chuyện nói. Đầu óc ôn bềnh
bồng với ý nghĩ hình như mình đã nằm yên ở vị thế này từ lâu lắm.
Cảm giác nóng rát trên mặt trên ngực vì ánh mặt trời trưa gay gắt
khiến ôn muốn chuồi người hẳn vào lòng nước mát. Ôn biếng lười nằm
yên lắng nghe tiếng mái chèo khua xuôi ngược trên sông, lắng nghe
từng con sóng nhỏ thì thầm vỗ về quanh thân thể mình. Chỉ có dòng
sông mới thấu hiểu được nỗi lòng người sống đời khốn khó, nổi trôi
theo định mệnh u hoài của nó. Ôn mường tượng tới đôi bờ sông mãi
ngó về nhau, cách biệt một dòng trôi, thất vọng lỡ làng. Sự cách
biệt của đôi bờ, thời gian, kiếp người, cũng đau lòng như đắng cay
không nói hết.
Ông Trời khiến ôn mù lòa quẩn quanh một chỗ lại cắt cớ bắt phải
làm chứng nhân câm nín cho biết bao chuyện thương tiếc lỡ làng.
Phải chi hai mẹ con người đàn bà ghé bến Tuần sớm hơn đôi ba ngày
hay người họa sĩ sống thêm mươi hôm nữa. Phải chi... Ôn Thiên nghĩ
tới hình ảnh cha con trùng phùng sẽ không bao giờ có trong sự thực
mà cảm thấy lòng dạ mình đau như xé. Ôn đã giữ yên lặng để được
nghe tiếng cười tràn ngập niềm vui của người mẹ và đứa con gái nhỏ
nô đùa trên bến sông. Để rồi, buổi sáng hôm sau, khi họ đi rồi,
ôn lại băn khoăn tự trách về sự im lặng của mình.
Hai mẹ con người đàn bà Việt kiều đến thăm bến Tuần chỉ mấy ngày
sau khi người họa sĩ qua đời. Trên quãng đường ngắn từ quán nước
về nhà trọ, tiếng trò chuyện bằng ngôn ngữ ngoại quốc thánh thót
như chim của hai mẹ con chen lẫn trong tiếng cười khúc khích của
cô gái nhỏ khiến ôn Thiên trong giây phút quên cả muộn phiền. Người
mẹ nhanh nhân sánh bước với ôn Thiên.
- Xin lỗi bác Hai. Cháu nó nói tiếng Việt không rành lắm. Cháu
vừa hỏi tôi, mắt bác Hai như vậy mà sao bác đi nhanh hay quá?
- Chỉ một khúc đường ngắn, đi tới đi lui mỗi ngày cả hơn năm mươi
năm ni nên chi quen rồi O ơi.
Ôn Thiên đưa hai mẹ con vào căn phòng khang trang duy nhất của
quán trọ, nơi người họa sĩ đã sống mấy tháng cuối cùng của cuộc
đời. Người đàn bà vui vẻ giúp ôn Thiên trải xếp lại chăn chiếu trong
phòng. Lắng nghe giọng nói miền Nam hồn nhiên vui tai của người
khách trọ làm ôn Thiên cũng trở nên bặt thiệp góp chuyện.
Tiếng người đàn bà nói như reo từ phía cuối phòng nơi treo tranh
của người họa sĩ quá cố.
- Sao nhà trọ có nhiều tranh của họa sĩ Lê vậy bác Hai? Ông ta
ở Úc mà nổi tiếng qua tận bên Mỹ đó bác. Ủa, có một tấm hình như
đang vẽ dở dang ...
Nghe nhắc tới bạn, ôn Thiên chợt buồn đến lạc giọng.
- Ôn Lê về thăm quê ở Huế, rồi lên Tuần mấy tháng, uống rượu
vẽ tranh. Ôn họa sĩ chết đột ngột vì bệnh tim, chẳng kịp vẽ cho
xong bức tranh ôn nuôi dưỡng trong đầu suốt một đời lưu lạc.
Tiếng người đàn bà chùng xuống ngậm ngùi.
- Tội nghiệp quá! Thuở sinh thời của cha mẹ, cháu nhớ không hề
nghe cha hay mẹ đề cập gì đến họa sĩ Lê nhưng có lẽ họ có quen
biết nhau. Một lúc nào đó thời son trẻ. Nhà cha cháu để lại bên
Mỹ vẫn còn treo bức tranh thiếu nữ bên sông của họa sĩ Lê ký tặng
mẹ. Bức họa cũ , tương tự như bức đang vẽ dở dang, nhưng màu sắc
thì tươi thắm chứ không xám chìm ảm đạm thế này.
Ôn Thiên đứng lặng người, đôi hỏm mắt phủ mây đục nhướng lên cố
nhìn ngoái vào vùng trí nhớ in hằn từng phiến tích âm động khóc
cười của những nỗi đời sa chân bước qua bến Tuần một ngày một đêm
nào đó.
- Mẹ con O về bến Tuần thăm ai rứa?
- Mẹ cháu mất đã hai mươi năm, còn ông Ngoại của bé Thu qua đời
gần ba năm rồi. Trước ngày mất, ông trăng trối ân hận đã không
về thăm lại bến Tuần một lần. Ông nói bến Tuần là nơi cha mẹ gặp
nhau rồi thành vợ chồng ở đó. Thời đó ba cháu là sĩ quan quân
đội miền Nam.
- Tui đui mù loanh quanh ở đây suốt đời, có khi đã gặp cha mẹ
O rồi mà không nhớ. Rứa chớ mẹ O tên chi ?
- Ba thế hệ, ba mùa. Mẹ là mùa Đông, gởi gắm mùa Xuân cho con
gái. Tới phiên cháu, Hạ nghe con trai quá, hơn nữa vùng cháu định
cư ở Mỹ mùa Thu đẹp lắm, lá rừng phong đỏ ối in hình xuống mặt
hồ gương lắng đọng mây trời.
- Có giống màu đỏ của bông phượng không O? Tui chỉ còn sót lại
màu đỏ của phượng trong trí nhớ. Và màu xanh của lá...
Ôn Thiên thẫn thờ bước ra cửa. Gió từ sông thổi ruồng qua hiên
trống, mát mùi hơi nước. Hình như có cơn mưa từ nguồn về bay tạt
qua đây mang theo tiếng cười của đôi tình nhân lồng lộng suốt dọc
một chiều sông dài đăng đẳng mấy mươi năm. Hình như có giọt lệ lắng
đọng trong bóng tối của đôi mắt khép, sâu hút kỷ niệm. Ôn Thiên
nuốt tiếng thở dài, quay vô nhà lần tìm chiếc dù, đưa cho cô gái
nhỏ.
- Cháu đói bụng chưa ? Che dù cho mạ kẻo mưa ướt. Ra quán, vừa
ăn vừa coi mưa, nói chuyện nhà.
Đứa bé che tay, thầm thì vào tai mẹ. Người đàn bà tát yêu vào má
con, méc với ôn Thiên.
- Bé Thu vừa nói với cháu là ông Hai nên nói là nghe mưa thì
mới đúng. Con bé này lí lắc thiệt mà...!
Bàn tay chai sạn ôn Thiên ngại ngần run rẩy xoa lên mái tóc mịn
màng của đứa bé. Ôn nhớ tới đứa con chưa kịp ra đời đã phải đành
cuộc vĩnh ly.
- Cha mi! Ôn ni coi mưa bằng hai lỗ tai mấy chục năm ni không
sót một giọt.
Người đàn bà nhìn mưa giăng sa mù lên mặt sông, biệt tăm dáng núi.
Những con đò mong manh như lá co ro nép vào nhau nhỏ nhoi tội nghiệp
trên dòng nước bất chợt mênh mông . Bà bỗng nhớ quay quắt người
mẹ hẩm hiu vắn số, nhớ tới người cha cam chịu sống đời cô đơn ,
trải lòng hy sinh cho con gái. Số phận nào đã khiến mẹ cha tất tả
qua đây, tình cờ nào đẩy đưa họ gặp nhau nơi bến giang đầu rồi dắt
díu nhau theo dòng mệnh hệ nổi trôi ? Trong cơn mưa chiều từ một
đầu sông xa lạ, quá khứ đời người trở về bồi hồi gõ nhịp như tiếng
mưa đang thánh thót rơi đều trên mái lá. Lướt thướt theo làn mưa
bay là hình ảnh từng chặng đời thương khổ của mẹ cha. Tháng ngày
con thơ dại trong lòng quê nội, êm đềm như cây trái sông nước miền
Nam. Năm tháng long đong cơ cầu mẹ vất vả nuôi con, nuôi chồng,
trong trại cải tạo. Cái chết oan khiên của mẹ trên đường vượt biển.
Cuộc sống trầm lặng của cha trong suốt quãng kiều cư, chấm dứt bằng
căn bệnh trầm kha đã hành hạ đớn đau thân xác ông năm cuối đời.
Hình ảnh kỷ niệm như khúc phim quay chậm trong sướt mướt mưa chiều,
bật thành tiếng nấc kêu thương nghẹn chìm câu chuyện kể.
Người đàn bà ôm con vào lòng, cất tiếng cười nhẹ, cố dằn cơn xúc
động.
- Trời nước ở đây buồn quá, có lẽ con người cũng đa cảm đa sầu
lắm, phải không bác Hai?
- Thì lúc buồn, khi vui. Như tiếng khóc, tiếng cười, tui vẫn nghe
vẫn nhớ tới mỗi ngày. Mãi rồi quen đi. Như O thấy tui cứ lần rải
đi ra đi vô mỗi sáng mỗi chiều, rứa mà đã sáu mươi năm trên bãi
sông quạnh quẽ ni.
Mưa vẫn rơi. Ôn Thiên ngồi lặng hồn nghĩ tới sự lỡ làng của thời
gian, nơi chốn. Cũng chiếc ghế kia, chỉ vài ngày trước đây, người
họa sĩ đã ngồi thương tiếc đời mình qua men rượu. Thôi thì cái chi
rồi cũng có nguồn cơn. Cho dù là tiếng con khóc nhớ cha mẹ hôm ni
hay tiếng người thương khóc số phần nhơn duyên mình ba bốn mươi
năm trước. Tội nghiệp là mỗi con người phải đành theo ngả rẽ không
vừa ý. Ôn Thiên nghĩ tới mười mấy năm luân lạc của người mẹ. Ôn
cảm kích mối tình cao thượng của người sĩ quan miền Nam. Ôn không
thể làm chi khác hơn là trân quí mối tình phụ tử của người cha đã
suốt đời hi sinh cho con, tình cảm mà suốt đời ôn chỉ là tưởng mơ
vô vọng.
- Thôi, mẹ con O đói thì kêu cơm ăn đi nghe. Để tui về gói bức
hình tự họa của ôn họa sĩ Lê tặng lại O đem về Mỹ treo kế bên
bức họa con gái cho vui.
6.
Lúc nhóm đàn bà đi chợ chiều ngang qua bến sông phác giác ôn Thiên
nằm mê man, nửa người chìm trong nước sông, thì đã quá muộn. Ôn
qua đời trên đường chở tới bệnh xá. Người bến Tuần đưa ôn Thiên
về làng quê Ngọc Hồ. Trời đang giữa mùa hè. Đò chèo theo con sông
Bạch Yến lừng hương mùi mít chín. Dòng sông lung linh bóng nắng
của hàng phượng nở bông đỏ rực. Ôn Thiên đã chết rồi.
Phan Thái Yên
Tháng Tư, 2005
|