SỐ 26 - THÁNG 4 NĂM 2005

 

Thư Tòa Soạn

Thơ
Tháng tư tôi
NNguong
Dòng sông 30 năm
Nguyễn Xuân Vời
Mũi tên tình yêu
Hoàng Du Thụy
Hai con sóng
Tóc Tím
Em đã về với biển
Huỳnh Kim Khanh
Quẩn
Trần Việt Bắc
Đêm trừ tịch
Hoàng Mai Phi
Hẹn ngày mai
Tôn Thất Phú Sĩ
Tưởng nhớ nhà thơ say: Lý Bạch
Maihoado
Tháng tư, nhớ Nhatrang
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Câu chuyện ở đầu sông
Phan Thái Yên
Lẽ ra mùa mận
Nguyên Nhi
Đêm xuân trong trại tù Cao Lãnh
Phạm Hồng Ân
Khúc đoạn trường
Song Thao
Những cuộc tình 30 năm sầu xứ
Hải Yên
Gã hàng xóm tốt bụng
Tầm Xuân
Giữa dòng sóng đỏ
Cỏ Biển
Lá thư không gửi (9)
Trương Thanh Diễm Thùy
Tiếng hát bình yên trong thinh không
Phạm Hồng Ân
Tháng tư thứ 30
Vũ Hoàng Thư

Dịch thuật, biên khảo
Sống thiện chết lành
Ngô Văn Xuân
Nhà Trần khởi nghiệp (1)
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 13
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 20
Huỳnh Kim Khanh


 

Tháng tư thứ 30

 

Vũ Hoàng Thư

Lời nói đầu : X. và Y. là hai người bạn có thật trong đời sống tỵ nạn ở nước ngoài. Vì tôn trọng sự riêng tư của họ, tác giả đã dấu tên và tạm gọi họ bằng tên X. và Y. trong bài viết.

Hương tố hinh hoa ngậy lên từ thung lũng. Con suối ngày nào ầm ĩ sau những cơn mưa cuối năm bây giờ chỉ róc rách những giọt nước cuối. Hấp hối, cạn giòng... như đợi chờ những cơn mưa, đợi chờ một mùa xuân tới. Tháng tư bao giờ cũng có những đám mây đen, mây thực sự bay trên bầu trời và mây ký ức, những vầng mây hải đảo một chiều nào tiếp tục bay theo chiều đếm của 30 mùa xuân. "Chiều nay có một người di tản buồn..." Điệu nhạc buồn, buồn hơn hết tất cả những nỗi buồn trên trái đất cọng lại. Ngày chân cất bước ra đi, núm rễ đứt, còn chăng chiếc rễ cái và èo uộc dăm cái rễ con bắt đầu bám vào đất mới. Từ đó những địa danh xa lạ gắn liền điệu hát dã dượi, "Chiều Maubert có em và tôi, khúc tango sầu chơi vơi..."

Hàng năm đến tháng tư, như ngựa Hồ ngóng gió Bắc, vết thương từ năm cũ tưởng chừng đã liền mặt, tấy đỏ lên. Phía đông, phía tây của biển Thái Bình, người làm quen với những nỗi ngậm ngùi. Bên này, bên kia... những chia cách mà con người không hề có được sự lựa chọn như câu chuyện giữa hai người bạn một thời trung học, lớn lên trong chiến tranh. Một người là X. và người kia là Y. Họ cùng nhau theo tầm học đạo và tham dự những lớp Thiền cho đến khi cả hai bước vào quân ngũ. Thinh thoảng họ gặp nhau một đôi lần khi về phép. Chiến cuộc tàn, đời đổi thay, hai người bạn gặp lại nhau trên đất Mỹ. Bấy giờ X. mới biết gia đình Y. thuộc về phía những người vừa chiến thắng. Một vài tranh luận xảy ra sau những lần trà dư tửu hậu, rồi những cuộc gặp mặt thưa lần cho đến một ngày gần đây, khi Y. mời X. đến nhà. Cuối bữa tiệc, vợ chồng Y. mời X. một đĩa xôi bắp nhão do vợ Y. nấu theo kiểu đặc sản của người miền Nam. Không ngờ đĩa xôi bắp nhão, rất bình thường như bất cứ món ăn bình thường nào khác lại khiến hắn suy nghĩ miên man. Từ miếng xôi bắp bỗng trở về mồn một bên tai những tiếng rao bánh mì, xôi đậu, bánh trái buổi sáng sớm ở bên nhà những ngày mới lớn. Một thời có mẹ cha, có anh chị em, có bạn bè và quê nhà. Bây giờ hắn mất hết những thứ yêu dấu đó, kể cả quê hương. Bất chợt trong vị ngọt của bắp, hắn nhận ra quê hương không chỉ là những gì cao xa trừu tượng mà nó nằm ngay trước mắt, đơn giản và đậm tình người trong từng đĩa xôi, hạt nếp. Ta yêu những đĩa xôi là tức khắc ta yêu lấy hết tất cả những người chung quanh cùng ăn đĩa xôi với ta, huống chi những người ấy là bạn ta. Xúc động, hắn hứa sẽ làm tặng vợ chồng Y. một bài thơ. Hôm sau X. gởi cho Y. một bài thơ như thế này :

Dĩa xôi bắp nhão

Gởi Y.

Tôi có người bạn tên Charlie,
Thời tiểu chúng Vạn hạnh tràn đầy mộng mị.
Ước nguyện cứu độ nhiều hơn tám vạn bốn ngàn cánh sen.
Và khi cuộc đời dưới mắt chúng tôi, “sông núi là sông núi”...

Tôi không biết gì nhiều về hắn,
Mà thật ra có quan trọng gì điều đó?
Một đêm cuối năm hai đứa nằm ở góc chùa đợi tàu.
Tâm sự lai rai, những thằng con trai mới lớn
Cà kê đến mãi cuối khuya.
Cũng từ đó tôi biết mình có thằng bạn tên Charlie...

Mấy năm khói lửa mịt mờ xuôi ngược,
Hắn nơi này, tôi ở nơi kia.
Gặp mặt đôi lần, café, thuốc lá la cà,
Những ly bia, men chưa lên vội.
Rồi cuộc chiến tàn, đổi dời dâu bể,
Người tứ tán, sử lịch hỗn mang.
Nơi xứ lạ một ngày tôi gặp lại,
Thằng bạn từ thành phố biển xa xưa.
Tay bắt mặt mừng.
Đời lắm chông gai phía trước,
Và những gánh nặng còn mang trên lưng.
Những con sông tên Gianh, Bến Hải kiếp đời,
Chảy trên quê hương và còn âm ỉ trong lòng người.
Tôi nhớ nghĩ muôn điều trong vạn hạnh.
Bây giờ đã đến thời chăng, “sông núi không còn là sông núi”...?

Bẵng một dạo.
Tôi không nhớ bao lâu...
Tôi tìm gặp Charlie.
Chiều L.A. nắng hung, ám khói,
Trận cháy rừng, mặt trời đỏ ối thời hoang sử.
Cuống họng khô, buồng phổi nổ bưng.
Bất ngờ được mời dĩa xôi bắp nhão.
Mát.
Mềm.
Trắng mịn.
Mùi dừa bào ngát lịm quê hương.
Tôi bắt gặp vị hương của bắp,
Và tình người nhen nhúm.
Những con sông chia cách trở thành vô nghĩa,
Đời thoáng chốc và hý luận bọt bèo...
Tôi hứa sẽ làm một bài thơ tặng vợ chồng Charlie.
Trong bất chợt miếng xôi bắp thành dòng pháp nhũ,
Thì ra tôi muốn nói với Charlie,
“Sông núi vẫn là ... sông núi” sau cùng...

X.

oOo

Vài bữa sau, Y. trả lời bạn với bài thơ:

Gặp bạn cũ, nhớ chuyện xưa

Gởi X.

Vâng, tao là Charlie, bạn mày.
Cùng những thằng bạn khác trong tiểu chúng Vạn Hạnh.
Thằng Kh., thằng Th., thằng Ph., …, thằng Oanh.
Đúng là cái thời sao mà khờ dại.
Cái thời làm theo, không biết nghĩ suy.
Nhắm mắt tôn sùng những điều ngụy tạo.
Răm rắp tuân theo những lời rêu rao.

Có lẽ tao biết về mày nhiều hơn là mày biết về tao.
Tao đến nhà mày nhiều lần – Còn nhà tao, mày chưa đến.
Nhà tao- căn nhà nhỏ tối om với bà mẹ nghèo lo toan trăm mối.
Căn nhà mà tao không muốn các bạn đến chơi.

Tao thường gặp tụi mày ngoài đường, đầu ngỏ.
Hoặc hẹn nhau ở quán tre, hầm gió.
Nhâm nhi thuốc lá, cà phê.
Nghêu ngao nhạc tình, nhạc trẻ.
Rồi thằng nào cũng làm như có vẻ.
Ta đây là… khó hiểu.
Ta đây là… cao siêu.

Tụi mình gặp nhau la cà, tán gẫu.
Rành rẽ các tên tài tử Tây, Âu.
Thuộc lòng những bài hát tiếng Tây, tiếng Mỹ.
Nhưng dường như chưa một lần cạn nghĩ.
Sông Gianh, sông Bến Hải – vì sao?
Dường như chưa một lần khắc khoải
Tại sao Việt Nam hình chữ S gãy hai.

Có bao giờ tụi mình thắc mắc:
Đất nước ta sao không chạy dài từ Nam ra Bắc?
Có bao giờ tụi mình ước mơ:
Một ngày kia đất nước sẽ liền bờ.
Dường như trong ta có quê hương mà vắng tình yêu tổ quốc.

Chúng ta lớn lên ôm theo những điều không rõ.
Chúng ta lớn lên không màng cạn tỏ.
Chúng ta mặc cho gió cuốn trôi.
Chúng ta mặc cho đời rong ruổi.
Đúng là cái thời chúng ta đi trên mây.
Cái thời dửng dưng: mặc sông, mặc núi.

Rồi núi sông dâu biển đổi dời.
Rồi phận người xuống chó, lên voi.
Và những thằng bạn- thằng còn, thằng mất.
Có thằng ra đi, có thằng ở lại.
Có thằng bên kia, có thằng bên này.

Có thằng ngồi trách phận than thân.
Có thằng cứ luyến lưu, không rời dĩ vãng.
Có thằng quyết tâm ôm mối thù dai dẳng.
Những thằng bạn của mình,
Nhiều thằng vẫn còn đi trên mây.

Nhưng cũng có thằng lớn khôn theo biển dâu.
Mắt nó sáng ra sau cuộc đổi dời.
Nó nhìn thấy rõ đâu là chân chánh.
Nó nhìn thấy rõ đâu là gian manh.
Nó quyết từ nay không bị đánh lừa.
Nó sẽ không bao giờ trông gà hóa cuốc.

Tao gặp lại mày ngỡ ngàng sau trước.
Tóc bạc, mắt mờ, gối mỏi, lưng cong.
Cái chuyện núi sông không dám đèo bồng.
(Ta tư cách gì nói chuyện núi sông)
Hãy để núi sông yên phần sông núi.
(Sông đã liền sông, núi đã liền núi)
Ta học được gì những ngày tháng cuối?

Y.

oOo

Sau ba mươi năm vẫn mênh mông ơi những biên giới. Con người đắp những chiến hào và thành lũy. Và con người dựng lên những ốc đảo trong tâm hồn mình. Có bên này và có bên kia, những giả định lớn rộng đem tới mù lòa. Danh xưng và khẩu hiệu làm con người trông gà hóa cuốc. Dành độc quyền yêu nước trong khi đó phải là quyền của mọi người chỉ tổ dẫn đến chỗ bị đánh lừa và tự lừa mình.

Ta học được gì những ngày tháng cuối?

Câu hỏi của Y. đánh động đến tâm linh Việt. Máu đã chảy thành sông, nước mắt mặn đổ ra chứa đầy hơn biển đông cho những tuyên ngôn, nghị quyết rỗng và phù phiếm. Có lẽ đã đến lúc ta phải học từ những hạt nếp, đĩa xôi, học yêu thương từ những cái rất bình thường và từ đó yêu lấy những con người rất bình thường quanh những đĩa xôi rất bình thường, những con người bình thường mà ta vẫn quen gọi là anh em cùng một bào thai, đồng bào ?

Vũ Hoàng Thư
04/2005