Một
Dù
nghịch với cô, má tôi vẫn gởi tôi qua nhà cô những ngày lễ hoặc
cuối tuần. Mãi về sau, khi đã trưởng thành, tôi mới biết đó là những
ngày nhà tôi thiếu gạo.
Cô tôi thấp choắt, lanh lợi, có thể vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa chửi
bới tru tréo. Cô làm lụng quần quật như trâu để cho vay lấy lời
cắt cổ. Cô chắt mót từng đồng cắc, thuộc loại người mà má tôi châm
chọc là vắt chày ra nước. Làm mọi cho cô để đổi cơm, ăn
ngủ tại chỗ, lớn lên chút nữa thì có vợ có chồng rồi đẻ đái luôn
ở nhà cô, là mấy đứa cháu kêu cô bằng cô bằng dì. Họ từ ruộng hạn
đồng khô ra tỉnh. Tôi thuộc một dạng khác. Tôi thường theo anh Chắt
lủi sâu vào những đám lá tối trời, những nghĩa trang hoang quạnh
lau sậy um tùm, lùng hái rau mơ về pha màu bánh lá. Bánh lá làm
từ bột pha nước cốt rau mơ có màu lam buồn. Tôi biết xắt chuối cây
trộn cám cho heo. Riêng chuyện xay bột tôi không thể dù có cố gắng
ít nhiều: đầu tôi chỉ cao vừa chạm mặt cối đá. Còn việc này, bây
giờ nhắc lại tôi vẫn còn ghê ghê: gãi gầu và nhổ tóc ngứa cho cô.
Cô có một số con nợ trong cư xá. Dượng làm chức quản cơ, lại có
quyền giám sát Cư-Xá-Gia-đình-Cảnh-sát-Hương-thôn này. Tuy gọi là
hương thôn nhưng nó lại nằm ngay trong phố, sát trường trung học
nữ Mỹ Tho, gần sân vận động tĩnh. Cô dượng không có con chung. Tôi
nghe nói mù mờ là mỗi người đều có con riêng ở xa. Tôi nghĩ dượng
biết đọc, dù rằng tôi vẫn phải đọc tờ Phong Trào Cách Mạng Quốc
Gia cho ông nghe trong khi ông lơ mơ ngủ trưa. Năm đó tôi mới thi
đậu lên trung học. Trong họ hàng nhà tôi, học đến đó được gọi là
có chữ có nghĩa dữ dằn rồi. Thuộc bản cửu chương đã là
thông thái, biết thêm chuyện thành tây có cảnh Bích Câu
như tôi thì muôn phần quảng bác. Dượng khen chữ tôi đẹp. Có lần
ông đọc để tôi viết thư lên ai đó kêu oan việc ông bị thả thư rơi
tố cáo ăn hối lộ. Tôi nhớ ông dặn đi dặn lại bao lần, không được
quên câu “Xin quan lớn mở lượng hải hà, đèn trời soi xét, con
xin hậu tạ.”
Buổi tối, tinh anh phát tiết sớm của tôi được khai thác
một cách nhẹ nhàng, lãng mạn hơn: tôi thường đọc thư tình cho chị
Tầm dưới chái bếp, nơi chị ngủ, sát vách chuồng heo. Chị người ngoài
họ, ở đợ trừ nợ cho má. Người yêu chị năm đó làm binh nhất gác cổng
căn cứ không quân Biên Hòa. Thư anh viết về cho chị lúc nào cũng
kết thúc bằng câu “Hun em một ngàn cái”. Lần nào tôi cũng
mắc cỡ mà cố tình bỏ qua đoạn này. Nhưng mấy người trai gái yêu
nhau hình như có thần giao cách cảm hay sao đó! Chị cứ nhéo đùi
non tôi, kỳ kèo: “Đó, chưa hết đâu, sao em đọc nhảy vậy! Chưa,
chị biết em đọc còn thiếu mà! Thôi, ráng đọc cho đủ đi cưng, chị
cho trái chuối cô Tư mới vú. Chỉ có mình chị biết chỗ dấu.”
Nằm chung giường với chị, nghe cải lương từ chiếc radio Phillips
sáu đèn trong phòng ngủ cô dượng là đã khoái, gặm thêm chuối muồi
thì còn gì thích hơn! Tôi gồng mình, mím môi đọc câu đó cho chị.
Lớn lên, dù có nhiều lần dại dột viết thư tình, tôi tự hào chưa
bao giờ điên tới độ viết một câu u ám như vậy.
Hai
Đến khi cô mua được mấy mẫu đất ở Trung Lương thì mọi chuyện có
phần hơi khác. Đất mới, trồng mận, ao đìa nhiều hơn liếp. Ngò tây
mọc chen cỏ vòi voi và rau muống bò ngợp ao đìa. Buổi sáng dượng
chở cô trên chiếc Vespa từ Mỹ Tho ra Trung Lương chăm vườn. Thời
đó có được chiếc Vespa là đã hách xì xằng lắm. Tôi, ngày nghỉ học,
sáng đi chiều về bằng xe lam. Tôi biết thêm tát mương bắt cá, nuôi
cá tra bằng cám trộn mận rụng, làm cỏ vườn và đọc tạp chí Hương
Quê học cách chiết cây, tháp cành. Mận Trung Lương nức tiếng hồng
đào, đi khắp Sài Gòn và lục tỉnh. Tôi mê mùa mận chín. Dưới những
tán mận trĩu trái, lũ ve ran tiếng ca hè. Mận có nhiều loại nhưng
người Trung Lương chuyên trồng mận hồng đào và mận da người. Mận
hồng đào trái tròn, đỏ rưng rưng. Mận da người thon thả, chín ưng
ửng màu da con gái. Hồng đào ngọt lịm, da người ngọt thanh. Tôi
cùng dượng và những người hái mận dần công lúi húi dưới những tán
cây rậm lá. Thỉnh thoảng, từ cuối vườn, gió đưa tiếng cô đốc thúc,
chửi bới, đay nghiến lũ cháu và giọng lầm rầm trả treo của bọn lái
buôn trái cây.
Căn nhà vườn của cô tôi dần dần thành hình. Đó có thể nói là một
trong những ngôi nhà bề thế nhất vùng: mái ngói, nền cao tới ngực,
lót gạch bông, vách bổ kho. Khu vực thờ ông bà nội tôi chiếm một
vị trí then chốt trong căn nhà mênh mông. Tất cả mọc lên từ những
trái mận hồng đào. Dựa vào cái cơ ngơi phòng kho bề bộn giữa vườn
mận sum suê này, cô tôi củng cố thêm uy thế của mình trong họ tộc.
Người bên nội tôi tấp nập về đây những ngày lễ giỗ. Riêng má tôi,
chưa bao giờ tôi thấy bà lui tới Trung Lương. Nhịp cầu liên hệ dành
cho tôi, vị sứ giả của hòa bình và hữu nghị.
Nếu người vắt kiệt tài năng văn học của tôi là chị Tầm qua những
lần viết thư tình giùm chị thì người khai mở lãnh vực hội họa cho
tôi lại chính là cô tôi. Cô là người rộng rãi bỏ tiền ra mua cọ
sơn để tôi thực hiện tác phẩm hội họa trên tôn đầu tiên của mình:
chân dung con Nô. Dường như tự bức chân dung con Nô với cái lưỡi
đỏ chét lè dài lê thê, hai hàm răng trắng hếu chơm chởm chưa nói
lên đủ điều cần nói, cô biểu tôi đề thêm vào đó cái tựa Coi Chừng
Chó Dữ. Mặt con Nô sau vài hôm nắng gió thành bạc phếch, nứt nẻ,
chảy dài giống mặt ngựa. Cũng không sao, đó cũng là một lời cảnh
cáo tốt cho người ngoài: bên trong hàng rào, người giống cái, trừ
cô ra, đều là “ngựa”! Cô kêu vậy! Nhân lúc bị cô mắng, dượng rỉ
vào tai tôi: “Mày chỉ cần vẽ bả rồi treo ngoài rào là trộm đạo
chạy tét!” Dĩ nhiên là tôi không mét lại cô. Tội nghiệp, sự
quật khởi của người đàn ông trong dượng chỉ có vậy!
Những lúc rảnh tay, tôi và dượng lén chơi cờ tướng. Ông chơi cờ
dỡ, lại hay hồi nước. Tôi thì hiếu thắng, thường nện ông thẳng tay.
Ông cay cú, hay đòi chơi thêm để gỡ gạc, nhưng khi cô tôi đằng hắng
từ xa thì ông biết thân, tiu nghỉu hẹn hôm khác. Có bữa ông dắt
tôi vào buồng kín, nơi ông dấu bình rượu thuốc. Dượng cháu mỗi người
hai ly trước khi ăn cơm. Tôi biết uống rượu từ đó. Tính cô nghiệt
ngã nên chị Bo phục dịch cô nấu ăn khá. Chị là chị họ tôi, con cô
Sáu. Thì cứ cho là ngon, đối với một đứa nhỏ thiếu ăn như tôi! Nhưng
một hôm phát giác hai bàn tay, và cả hai cánh tay của chị Bo nữa,
đầy ghẻ ngứa, tôi đâm kén ăn. Nhìn chị ngồi tênh hênh gọt khoai
mỡ rồi đập nhừ, thỉnh thoảng ngưng dao, xuýt xoa, gãi gãi đến tưa
máu mấy mụn sần trên mu bàn tay, tôi thề suốt đời sẽ không ăn canh
khoai mỡ.
Những người nuôi ong thường hay mang đồ lề đến vào đầu năm, khi
vườn mận mới bắt đầu mùa hoa. Cô tôi có phần dễ dãi với thợ nuôi
ong: ong giúp cho mận đậu thêm trái. Khi bầy ong tất tả đi đi về
về đánh mật hoa, những người nuôi ong nấu nướng, ngồi uống trà khan
dưới bóng râm. Họ ở lại năm ba ngày trong những lều vải. Cô tôi
thường than vãn: “Mấy ông nuôi ong còn có mật, tui ngu mới làm
chuyện nuôi ong tay áo. Nuôi một lũ cháu chẳng nhờ được đứa nào.”
Ba
Tôi ít gặp ba tôi, người em út của cô. Có thời ổng đi lính com
măng đô, bị thương ở đèo An Khê. “May quá, nhờ vậy mà tao không
bị trấn ra Điện Biên Phủ”, sau này ông hào hứng kể. Thời Ngô chí
sĩ chấp chánh, ông làm hương quản gì đó, đâu ở miệt Vĩnh Kim, sau
lại từ giã chính trường, chuyển sang quân đội, phục vụ trong Bảo
An Đoàn. Coi lại những tấm hình ông thời trai trẻ, khó nói là ông
được trai. Nhưng ông lại có thói trăng hoa và được số đào hoa. Do
vậy mà tôi có tới gần hai mươi anh em không rõ mày mặt. Ông cứ lãng
bạt kỳ hồ, khi đi khi về. Sau mỗi bận ông về ít lâu, tôi lại có
thêm một đứa em ruột. Và lại nghe phong phanh một dì hai nào đó,
ở đâu đó, đang ở đẻ.
Tôi thích sống xa ông vì ông cấm tiệt anh em tôi không được đọc
tiểu thuyết. Đối với ông thì cứ hễ sách là tiểu thuyết, chẳng được
cái tích sự gì. Vậy mà có một hôm tôi bắt quả tang trong xắc ma
ranh của ông quyển Hồn Bướm Mơ Tiên với lời tặng ở trang đầu: Gởi
anh Út- Thương nhau mới tặng sách này- Để làm kỷ niệm những ngày
xa nhau- Dù cho sách có nát nhàu- Cũng đừng thay dạ đổi lòng mới
hay!!! Tôi thắp đèn dầu đọc đi đọc lại quyển sách trong tiếng
ngoét ngoác à uôm của ếch nhái ễnh ương. Hồi đó thành phố còn hoang
quẻ, hẻm sau xóm tôi còn con kinh đục ngàu hai bờ lúc nhúc nhà sàn,
trại mộc, trại hòm. Chỉ cần một trận mưa đêm, nước rác ngập lềnh
con lộ đá. Tôi lén lút đọc sách là bởi ba tôi nghiêm cấm: thường
thì tôi thích làm trái lời ông! Vậy nếu dạo ấy ông khuyên tôi đọc
sách thì sau này ít ra tôi cũng là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh.
Dĩ nhiên ông liệt vào ngoại lệ những quyển sách giáo khoa mà má
tôi đã tảo tần hết sức để mua cho chúng tôi.
Nếu có người nào trong anh em mà cô tôi có tỏ ra để tâm chăm sóc
một chút, thì đó là ba tôi. Cũng dễ hiểu: tôi chưa hề thấy cô bước
ra khỏi lãnh địa nhỏ bé của mình. Một tuần cô chỉ ra chợ vài bận,
hỏi đon hỏi ren giá cả để coi chị Bo có gian lận tiền mua thức ăn
mỗi ngày không. Đối với cô, ba tôi là người lịch duyệt sông hồ.
Lâu lâu tôi gặp người bác thứ năm từ khu kháng chiến nào đó dưới
Cai Lậy lên thăm cô. Ông nhậu dữ! Bên họ nội tôi ai thịnh đạt đường
phụ nữ thì suy kém mặt nhậu nhè. Và ngược lại. Bác Bảy tôi chết
trẻ vì uống nhiều rượu. Bác Chín tôi chết chưa kịp già vì có nhiều
vợ. Riêng Bác Năm tôi sung cả đôi đường. Coi ra ông cũng là người
có học: biết hò huê tình và biết hát Vân Tiên. Cô hỏi: “Mày
cũng có ít vốn rồi, sao không bán ruộng ra thành tránh bom đạn,
lại có dịp làm ăn lớn?” Ông tu cạn một ly xây chừng rượu đế,
nuốt ực rồi trợn mắt: “Thôi đi chị ơi, gối rơm theo phận gối
rơm, có đâu dưới thấp mà chồm lên cao!” Chắc ông nói mỉa! Tôi
chưa thấy ai, ngoài ông, dám trợn mắt với cô tôi. Tôi không để ý
chuyện ông theo Việt Cộng, vài bữa đi bứng đồn nhổ bót một đêm,
như lời ông kể. Tôi khoái ông vì tính tình ruột để ngoài da, nhưng
cũng bực ông bởi mỗi khi hỏi ông chuyện thời sự nhân tình, ông chỉ
khoác tay: "Lo chi chuyện đó mà lo- Kiến trên miệng chậu
có bò đi đâu..."
Bốn
Tôi lớn mau và rời gia đình sớm. Những ngày phép lính, về Mỹ tho,
tôi không hề vào thăm cô. Một lần, má tôi nói cô nhắn. Sau khi đã
cẩn thận thay bỏ quần áo trận, tôi đi xe lam vào gặp cô. Cô định
tính chuyện tôi với con nhỏ nào đó bên kia rạch Đạo Thạnh. Cô nói
đã bàn chuyện đó với ba má nó. Nói thiệt, lần đó, tò mò, tôi có
kêu đò qua con rạch lúc nhúc những bông lục bình để tự mình coi
mắt con nhỏ. Dĩ nhiên nó không biết và không thèm để ý đến thằng
con trai là tôi đang đi đi lại lại lớ xớ trên bờ đò. Con nhỏ đứng
dưới gốc mận hồng đào. Nhụy hoa mận trắng li ti cứ theo gió bay,
rơi đầy tóc nó. Tôi nhớ Thôi Hộ xưa cũng có một người thơ bên những
áng hoa đào. Nhưng tôi không hứa hẹn gì với cô tôi hết: tôi cứ nhìn
gương ba tôi mà phát lạnh! Tôi không muốn làm ai phải khổ. Nhiều
lần, trong đời, tự thâm tâm, tôi rất kiêu hãnh về cá tính mình.
Năm
Mà thật, kiến trên miệng chậu có bò đi đâu. Không biết
đối với những người khác thì biến cố ấy có ý nghĩa gì chứ riêng
với tôi, và những nhân vật tôi nhắc đến ở trên, thì cuộc đổi đời
đó thật là dễ sợ. Ba cha con, là ba tôi- anh tôi và tôi, người ngồi
tù trên Bảy Núi, kẻ bị giam miền cao nguyên, đứa đi cải tạo miệt
Đồng Tháp. Nói nào ngay, năm đó ba tôi đã giải ngũ sớm. Nhưng ông
có chịu ngồi yên đâu! Ông thống lĩnh một đội banh nữ ở một tỉnh
biên giới, nghe nói thường xuyên đi đấu giao hữu khắp miền. Không
biết đội banh nữ của ông có đạt được thành tích nào đáng kể không
chứ với cương vị huấn luyện viên, ông đạt được một thành tích lớn:
đá tung lưới một nữ cầu thủ trong đội, người mà sau này tôi có vài
dịp gọi bằng dì hai. Bởi đội banh đó mà khi Việt Cộng thắng trận
ông bị ghép vào thành phần Thiên Nga. Không kỳ cục chút nào hết!
Ông không táng mạng là phước bảy đời!
Ra tù, ba tôi lững thững vác bao bị trở về Trung Lương, chia lại
một nền nhà từ ngôi vườn cô tôi. Ông không có gì thay đổi, vẫn thỉnh
thoảng nhắc tôi đừng đọc sách báo. “Tụi mày là con mà chẳng
bao giờ giống tao. Suốt đời tao có đọc sách báo gì đâu mà sao vẫn
sống thọ?” Năm đó ông chưa tới sáu mươi, ý chừng cho rằng trong
chiến tranh mà sống sót tới tuổi đó là đã đủ mãn nguyện rồi. Tôi
năm đó vừa ba mươi, muốn trả lời ông rằng tôi được tuổi này cũng
là quá thọ. Lại e là hỗn, nên thôi!
Căn nhà cô tôi ngày một hoang tàn. Nghe đâu dượng đau bệnh sao
đó, bất trị. Một sớm cô phát giác dượng treo cổ lên xà nhà. Có tiếng
đồn xa, xì xầm rằng cách đối xử của cô làm dượng uất. Đó là lúc
tôi đang nằm trong trại cải tạo. Con cháu cũng tản xa, chỉ còn chị
Bo. Chị có chồng, xẻ thêm một miếng đất của cô, dựng nhà sát bên.
Phần vườn còn lại cô bán lần, ba tôi nhờ dành dụm mua được một ít,
còn thì vào tay người lạ. Căn nhà thì sống ngắc ngoải. Và do đó
chết uất nghẹn hơn. Trước hết cô bán gạch nền, sau đó phần vách
ván, cuối cùng là ngói. Thoạt tiên là ngăn nhà thờ ông tôi bốc hơi.
Rồi đến ngăn nhà khách để cuối cùng thì cô còn lại cái chái bếp
không rộng hơn cái chuồng heo, vách lá, mái che tôn vụn. Ngôi nhà
bị lóc dần da, thịt, rồi xương. Như con trâu già bị thịt. Giậu đổ
bìm leo, cô ăn ngủ không yên, lại thường đau bụng. Sau khi mổ hai
lỗ thăm dò mà không tìm được nguyên nhân, người ta để mặc cô rền
rỉ suốt ngày. Tưởng thế nào cô cũng tiêu đời, anh Bo xích lô, chồng
chị Bo ghẻ ngứa, đem xe vô nhà thương lén chở cô về chờ mai táng.
Vậy mà cô có chịu chết đâu! Cô lành vết mổ, nhì nhằng chì chiết,
nguýt hái xỏ xiên má tôi một thời gian nữa rồi mới chịu từ giã cõi
đời. Tôi nhớ đó là một buổi sáng vườn nhà rụng đầy hoa mận trắng.
Người em cô, ông bác Năm hay ngâm Lục Vân Tiên của tôi, đã chết
mấy tháng trước. Con ông, anh Chắt, người tôi đã kể hay chở tôi
đi hái rau mơ hồi nào, suốt ngày nhậu nhè, chửi đổng và nói chuyện
đóng tàu vượt biên. Chắc là tàu giấy! Có bao giờ anh có được một
khoanh vàng lận lưng?
Chị Tầm thì cuộc đời coi vậy mà cũng không được bằng phẳng. Trong
chiến tranh thì chị và anh binh nhất không quân đi đi lại lại, đến
ngày hòa bình anh về thì chị đã gởi ngoại hai cháu. Phiền là sao
lúc người ta thụt thò lén lút với nhau thì yên vui là vậy mà khi
vai kề má dựa dài dài thì nảy sinh biến cố. Không biết vì lý do
nào đó, anh bỏ một nghìn cái hôn chạy lấy người. Hồi ở
trại mới về, tôi có qua Giồng Trôm Bến Tre quê chị để thăm. Lúc
đó chị lại có chồng, nguyên trước kia là du kích xã, mới vừa bị
điều động sang Kampuchia. Chị khóc tấm tức, “Ước chi còn như
những ngày xưa, chị em mình nằm nói chuyện tào lao, dù cho ở góc
chuồng heo nhà cô Tư cũng được.” Tôi cũng nghe nghèn nghẹn,
không hiểu tại sao. Qua những năm lính năm tù, tôi tưởng mình đã
trở thành thằng con trai chai đá.
Sáu
Mùa hè xưa, trong làn gió hâm hấp nóng, vườn mận bắt đầu ửng chín.
Sau mỗi trận mưa đêm, sáng ra, dưới ánh nắng rưng rưng, vườn mận
như đổi thịt thay da thấy rõ. Những chùm mận tháng tư chín đỏ mọng
nước. Một mùi thơm thoang thoảng đâu đây. Bầy chim trao trảo kéo
về nhảy nhót, kêu lảnh lót khắp vườn. Chúng đến để chia mận ngọt
đầu mùa. Hết kỳ bãi trường, mùa mận lại qua đi, vườn mận thêm những
cây già cỗi, không còn cho trái sai như mùa trước. Gần bên gốc những
cây mận lão người ta đặt sẵn cây con. Ngày nào đó, khi gốc già bị
loại bỏ, cây mận con sẽ bắt đầu cho trái chín. Tôi là một thứ cây
con không chịu ăn rễ đất này. Tôi muốn trổ lá đâm cành ở một bầu
trời khác. Trong tôi, những kỷ niệm vui buồn thuở nhỏ đã ít nhiều
rơi rớt. Chùm hoa mận trắng đã mờ nhạt trong tâm hồn tôi bạc bẽo
cùn mằn.
Cây mận Trung Lương đã có lúc mang lại sự ấm no, sung túc cho người.
Nó đã làm nên cơ ngơi cô tôi. Còn bây giờ, nó phơi trần sự nhỏ nhoi
và bất lực trong việc tìm ra miếng cơm manh áo. Tôi giật mình khi
nghe kể mang một tụng mận ra chợ, cả ngày cầy cục bán đổ bán tháo,
bán hết, cũng chỉ đổi được một lon gạo. Không đủ nấu cháo một buổi!
Vào mùa mận, nhìn mận rụng đầy gốc, tiếc nhưng chẳng làm được gì.
Giá rẻ mạt mà không lái nào tới mua. Một số nhà vườn đã đốn gần
hết mận. Số phận cây mận mong manh như cuộc sống của những người
đang trông cậy nó. Cái đói xồng xộc đến thăm nhiều nhà. Người ta
dửng dưng nhìn những gốc mận lão chết lần mà không màng trồng lại
mận con. Đó cũng là bi kịch của vú sữa Vĩnh Kim, ổi xá lị Mỹ Thuận,
cam sành Cái Bè, những loại cây trái phù phiếm không vực nổi phận
người. Cây trái nhiều loại khác thực tế và do đó kinh tế hơn. Khu
vườn nhà tôi mỗi ngày một thưa thớt mận. Ba tôi còn giữ vài cây
làm cảnh chứ trong làng ngoài xã mọi người đã lên liếp trồng khoai.
Rồi cao lương. Rồi cảm khung chỉ. Rồi bạc hà để lấy tinh dầu
Nhiều năm liền lụt về Trung Lương, Cai Lậy, Cái Bè, Mỹ Thuận. Không
phải nước sông Tiền vượt bờ mà nước từ Đồng Tháp tuôn ra. Đó là
thành quả của những kế hoạch đào kinh tưới kinh tiêu. Người ta bán
cây mận làm củi. Ba tôi lại tiếp tục đốn. Tôi đòi ông giữ lại gốc
mận hồng đào bên cầu ao. Cây mận như vị lão tướng cuối cùng còn
sót lại của một binh đoàn đang ùn ùn rã ngũ. Cô đơn. Buồn bã. Nhiều
khi ghé vào thăm má, trời lộng gió, ngồi dưới những bông hoa mận
rụng trắng đầu, tôi thử ráng mường tượng lại bức tranh thời niên
thiếu. Nền bức tranh loang lổ ấy là cái bệt màu xám xịt ghê khiếp:
cái cảnh mấy đứa nhỏ làm mọi trừ nợ, kiếm cơm, suốt đời tính toán
bằng năm ngón tay chai sạn.
Bảy
Sau nhiều năm tôi trở về thì cây mận lão cuối cùng đó cũng không
còn nữa. Thời gian mà, tùng bách rồi cũng thành củi khô, biển
còn hóa thành ruộng! Cái ao có bắt nhà cầu nuôi cá trê phi
ngày nào đã được lấp bằng làm chuồng bò. Thằng em tôi ngày nào còn
chạy lông nhông ngoài ngõ bây giờ đã là một trang hán tử chăn bò.
“Thoạt đầu còn mương còn ao, còn thả cá, chăn vịt. Sau này chuyển
sang gà, heo. Rồi dê, bò. Mình phải nhanh nhạy với thị trường, nếu
không muốn đói. Cái gì cũng có phong trào. Anh biết nếu bán bầy
dê trễ mấy ngày thì xem như cụt vốn.” Những vườn mận Trung
Lương từ năm não năm nao đã tụt hậu với phong trào, bất lực khi
giải quyết vấn đề bao tử. Cái chết đáng đời, không có gì tức tưởi!
Ở vườn sau, một vài cọc cà phê nấm ăn vàng lá, là những gì còn sót
lại của một phong trào nữa vừa tàn lụi. Tôi nói thèm mận hồng đào,
buổi trưa đứa em dâu mang về một rổ hồng đào Thái Lan.
Chị Bo ghé qua thăm, hỏi chuyện nước ngoài. Trông chị như một bà
lão hom hem, nếu tình cờ gặp giữa đường đố có nhận ra. Tóc chị bạc,
hẳn nhiên. Đầu chị hói, điều tôi ít thấy ở phụ nữ. Chuyện trò, thỉnh
thoảng chị lại gãi gãi cánh tay và kẽ giữa những ngón tay. Lạ, tất
cả mọi sự đều thay đổi, trừ chứng ghẻ ngứa của chị! Tôi bỏ ý định
đòi má tôi buổi chiều nấu canh khoai mỡ nêm rắc ngò ôm ăn với cá
lòng tong kho tiêu. Chị kể chuyện anh Chắt về sau lấy vợ quê nhưng
khá giả. Nhân lúc đất hẹp người đông, anh bán hết mấy công mận cho
người ta xây phố, rồi tiếp tục nhậu nhè và chửi đổng cho tới lúc
chết năm ngoái vì bệnh gan.
Lẽ ra bây giờ là mùa mận! Nhà cửa san sát trong ngôi vườn cô tôi
xưa, che khuất khu đất nghĩa trang gia đình, nơi hàng năm tôi sơn
và tô chữ lại mộ chí ông tôi. Tôi biết cô nằm phía dưới chân ông,
bên cạnh dượng: cô dượng đã chuẩn bị chỗ nghỉ ngơi từ hồi tôi còn
con nít. Ba má tôi không ai nhắc tôi ra thăm mộ. Còn tôi, cứ lần
lữa mãi cho tới ngày lên máy bay, đành hẹn lòng chuyến sau. Trong
suốt những ngày về, tôi không hề muốn gặp lại những người quen cũ,
những người một thời có dính líu tới cuộc đời tôi, hiện đang còn
cắm rễ đâu đó trên vùng đất này. Tôi hiểu sự đổi thay không ngờ
của mình. Tôi hiểu tôi là một thứ người phụ nghĩa bạc tình đáng
ghét. Cũng có thể bởi tôi hình dung ra được sự đổi thay của người
khác. Mỗi người tự nhích xa mình một chút, giữa chúng ta toác ra
một khoảng cách mịt mù. Nhưng đó là người sống, đã đành, còn người
chết? Tôi không biết ông tôi. Ông mất khi tôi chưa có mặt trên đời.
Những người nằm xuống khác là những người tôi gặp mặt đôi lần, nhớ
cũng được mà quên cũng xong. Còn cô và dượng? Không cần đứng trước
mộ phần, nhiều đêm xứ xa tôi vẫn tưởng tượng ra được cái thân hình
xương xẩu của dượng trong bộ đồ bà ba trắng thùng thình đang đong
đưa dưới sợi dây thừng, và văng vẳng giữa khuya là tiếng chì chiết
chửi rủa của cô.
Tám
Buổi trưa nằm võng, nghe thằng em kể chuyện xóm chuyện làng, nghe
bầy chuột chạy chíu chít trên ngọn dừa lão. Lẽ ra bây giờ là mùa
mận! Cả ngôi vườn không còn gốc mận nào. Nhà vườn hàng xóm cũng
vậy. Buổi chiều thả dọc con lộ 60, cửa nhà lúc nhúc. Biết bao mùa
mận đã qua chốn này. Lẽ ra bây giờ là mùa mận!
Không chủ ý, tôi lơ ngơ băng qua bên kia con lộ bốn, rẽ xuống ngôi
chợ nhỏ, trước kêu là chợ Bờ Đò. Con rạch cũ, nơi lưu trú cấm cố
của những đám lục bình, ngày nay không còn nữa. Chỗ này hồi trước
là bến đò ngang, ngó nghiêng qua hàng cau già là căn nhà gạch có
con nhỏ mà xưa cô tôi tính chuyện cho tôi.
Phải nói chuyện với con nhỏ một đỗi tôi mới nhận ra nó.
Tôi nhớ đúng ra năm nay tuổi nó chỉ vừa khoảng năm mươi.
Nhưng sao dòm giống hệt như bà già bảy chục! Phần nó, tôi
chắc chắn nó không thể nào nhận biết được tôi. Tôi chận con nhỏ
ở chỗ hồi đó là chiếc quán cóc lụp xụp mé lộ đất, nơi nó tập bán
buôn lụn vụn với người qua đò. Cũng hồi đó, quanh đây là những vườn
mận Trung Lương nức tiếng. Tôi giả đò làm người ở xa, tới hỏi mua
cây mận hồng đào con, rặc giống. Nó dòm tôi như đứa từ
sao hỏa xuống. Tôi liếc thấy trên bàn thờ nhà nó dĩa trái
cây; trong có mấy trái táo, chùm nho và mấy trái mận Thái Lan, thứ
mận mà đứa em dâu tôi mua ở chợ hàng bông Mỹ Tho trưa qua. Tôi nhớ
tới dấu răng nó để lại trên trái mận hồng đào Trung Lương
hơn ba mươi năm về trước.
Tôi vốn người nhẹ dạ, xa quê thỉnh thoảng đọc được đôi bài viết
về quê hương, về trái mận Trung Lương nức tiếng, tưởng vẫn còn đây
những vườn mận gió tung hoa rợp trắng trời. Ngờ đâu chỉ đọc được
những hồi ức mơ hồ cũ kỹ. Thứ hồi ức được cập nhật hóa bằng trí
tưởng tượng nghèo nàn. Về đứng giữa trời Trung Lương mới biết đó
chỉ là những nỗi niềm hoài cổ tội nghiệp. Vừa thôi! Lẽ ra bây giờ
là mùa mận. Cho dù một góc vườn ai vần còn đôi tán mận để những
đứa con nít rún lòi đen thủi- mũi dãi xanh lè che mát tuổi thơ,
nhưng đã không còn rồi một Trung- Lương- mùa- mận!
Khổ cho tôi, thật khổ thân tôi! Xưa Thôi Hộ trở về Đào Hoa thôn,
người xưa biền biệt phương nao, chỉ thoáng nhìn hoa thắm mà nhớ
má ai hồng. Còn tôi, trở lại làng Trung Lương, vườn xưa cỏ cây còi
cọc, chắc quý vị làm thơ tưởng tôi thấy má người mà nhớ ra được
mùa hoa? Người thì sờ sờ ra đó, nhưng đôi má hom hem tái nhợt kia
làm sao có thể làm cho một kẻ vốn vô tình, như tôi, liên tưởng lại
nổi một trời hoa mận cũ?
Nguyên Nhi
|