SỐ 26 - THÁNG 4 NĂM 2005

 

Thư Tòa Soạn

Thơ
Tháng tư tôi
NNguong
Dòng sông 30 năm
Nguyễn Xuân Vời
Mũi tên tình yêu
Hoàng Du Thụy
Hai con sóng
Tóc Tím
Em đã về với biển
Huỳnh Kim Khanh
Quẩn
Trần Việt Bắc
Đêm trừ tịch
Hoàng Mai Phi
Hẹn ngày mai
Tôn Thất Phú Sĩ
Tưởng nhớ nhà thơ say: Lý Bạch
Maihoado
Tháng tư, nhớ Nhatrang
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Câu chuyện ở đầu sông
Phan Thái Yên
Lẽ ra mùa mận
Nguyên Nhi
Đêm xuân trong trại tù Cao Lãnh
Phạm Hồng Ân
Khúc đoạn trường
Song Thao
Những cuộc tình 30 năm sầu xứ
Hải Yên
Gã hàng xóm tốt bụng
Tầm Xuân
Giữa dòng sóng đỏ
Cỏ Biển
Lá thư không gửi (9)
Trương Thanh Diễm Thùy
Tiếng hát bình yên trong thinh không
Phạm Hồng Ân
Tháng tư thứ 30
Vũ Hoàng Thư

Dịch thuật, biên khảo
Sống thiện chết lành
Ngô Văn Xuân
Nhà Trần khởi nghiệp (1)
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 13
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 20
Huỳnh Kim Khanh


 

Gã hàng xóm tốt bụng

 

Gã làm một hãng với TX, lại trùng ca, từ 7 giờ sáng đến 3:30 chiều. Cái tướng gã lêu khêu, trong một dây chuyền sản xuất lủ khủ toàn đàn bà con gái Xì mầu mỡ, trông rất ấn tượng, bi hùng chi lạ! Hai cu li lão thành thường gặp nhau nửa tiếng cơm trưa, thời gian vừa đủ để gã đấu hót vung vít. Chuyện cơm đùm cơm xách là chuyện tự nhiên của hầu hết cu li xứ này, TX lại biết thêm chiều gã thường ghé tạt một chỗ nào đó ngoài phố, cơm hàng cháo chợ qua quít. Không thấy gã than phiền gì cuộc sống đơn lẻ, lại không nghe gã nhắc nhở chi đến người thân, TX không dám hỏi phần gia cảnh.

Làm chung cả năm TX mới phát hiện ra gã ở cùng apartment với vợ chồng mình. Hai nhà chỉ cách nhau một khúc quanh, che khuất bởi một dậu ivy. Từ đó, tiện nhiều việc. Nhất là khi xế TX không khá gì hơn xế gã, cứ cảm cúm ho hen miết, chuyện đèo nhau đi đi về về là thường. Có nhiều cuối tuần, nhà cần khách, vợ chồng TX hú gã sang xơi cái gì đó cho vui. Đớp món nào gã cũng xuýt xoa, khen ngon, khen tuyệt, làm TX đâm nghi ngờ cái năng khiếu thưởng ngoạn ẩm thực thiên phú của mình. “Anh ấy tốt bụng đấy chứ!” Vợ bình luận. “ Chưa biết được, em! Họa hổ họa bì nan họa cốt- Tri nhân tri diện bất tri tâm!” TX lý sự vụn. “Không, em nói tốt bụng đây là dễ ăn, bụng tốt, cho gì vào cũng được, cũng xong đấy mà.” À ra vậy, chẳng qua TX khá chậm tiêu!

Cũng có khi TX quá bộ sang gã, chén chú chén tôi giải sầu. Sau nhiều bận nhậu chay, nốc bia với khói thuốc, biết TX rất ưa phá mồi, gã mới chịu khó chạy mua ít nem chua hay chả lụa. Trong một quốc gia tiên tiến, chuyện ngồi lê đôi mách đã được hiện đại hóa cực kỳ. muốn tâm sinh sự năm ba tiếng đồng hồ chỉ cần bốc điện thoại rồi nằm tênh hênh trên sofa hoặc hú một tiếng rồi nhảy tọt vào trong chat room là ổn cả; thì việc túm tụm năm ba người tuy còn nặng tính bộ lạc nhưng lại có cái sướng riêng mà không phải phàm nhân nào cũng thấu đáo được. May thay, phần hội luận của bọn này chưa làm phiền những ai khuất mày khuất mặt. Nhiều khi, chỉ cần nhìn dĩa lạc rang cô độc nằm chỏng gọng giữa bàn, gã có thể say sưa lập thuyết tràng giang đại hải về nền văn hóa ẩm thực và nghệ thuật nấu ăn! TX lại được dịp tái khẳng định rằng con người thường nói, và thường nói nhiều, về cái mà mình thiếu hoặc không có. Ví dụ TX hay nhắc nhở đến tiền bạc. Còn gã hàng xóm sính bàn chuyện nấu nướng có lẽ vì cả năm bếp lửa nhà gã không có dịp bập bùng.

Con người là một cây sậy, Pascal nói đúng! Nhưng đó là một cây sậy biết nấu nướng!” Một bữa gã hàng xóm TX phán như đinh đóng cột.

“Đúng năm trên năm ! Từ khai thiên lập địa, con người tìm đủ mọi cách để thỏa mãn cái ăn của mình!” Nhà ngôn ngữ học ngồi đối diện với gã tán đồng. “Ăn, ăn và ăn! Lật bất cứ quyển từ điển tiếng Việt nào xem, không dưới 150 từ có chứa chấp chữ ăn. Ngay cả những từ không dính dấp chi đến cái sự cắn, sự nhai, sự nuốt cả. Ví dụ ăn bẩn, ăn bòn, ăn cánh, ăn chận, ăn cướp, ăn đòn, ăn gian, ăn hại, ăn hiếp, ăn khách, ăn khớp, ăn thua, ăn trộm, ăn ý, ăn sương..." “

“Thôi đủ rồi cậu, không bàn chuyện chữ nghĩa nữa!” Gã cắt ngang. “Cổ nhân xem thường cái ăn, tức là không để ý tới cái hard ware, chỉ tôn trọng cái phần soft ware, gọi miếng ăn là miếng tồi tàn. Thời nay khác, miếng ăn trở thành văn hóa, nấu ăn được nâng lên hàng nghệ thuật. Đâu phải bây giờ tớ mới để ý đến nghệ thuật nấu ăn! Bao lâu cơm hàng cháo chợ, tớ đã dày công nghiên cứu cái công phu này, nay hỏa hầu nghĩ đã được bảy tám thành. Càng ngày thì cái ước mong đem sở học ra thi thố lại càng thôi thúc tớ. Tớ lại sắp có vợ! Chán cảnh cơm hàng, cháo chợ, vợ em trật nết lắm rồi!”

“Cơm hàng cháo chợ thì bọn này hẳn biết. Còn vợ em trật nết là vợ làm sao?” TX thắc mắc. “Lại còn cái việc nấu nướng, nó liên quan gì đến chuyện anh cưới vợ?”

“À vợ em trật nết tức là mấy bà bạn trên internet ấy mà! Còn câu hỏi thứ hai của cậu mới thật là ấm ớ! Thời buổi này cánh đàn ông đã được bình quyền với phụ nữ, xông pha lửa khói là chuyện vinh quang. Cậu không biết những đầu bếp trứ danh thời đại đa số đều là nam giới cả sao? Tài nội trợ, nấu ăn khéo léo là tiền đồn trọng yếu bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tớ sẽ thực hành nấu ăn ngay trong ngày mai!”

Thì ra TX hiểu vì sao thỉnh thoảng thì gã lại đi xa. Chắc bay theo tiếng gọi của em trật nết. Cũng mừng, gã sắp có đôi có bạn để chiều chiều đi làm về hè nhau nổi lửa.

“Tớ nghĩ mình đã nắm khá vững lý thuyết cơ bản về nghệ thuật nấu nướng.” Gã hàng xóm tốt bụng gật gù. “Nấu nướng là thứ nghệ thuật biến ảo khôn lường, quỷ khiếp thần kinh! Cái bếp chính là nơi khêu gợi nhất nhà! Mấy cha tuổi hơi quá lứa một chút nhưng nếu tài nghệ nấu nướng ảo diệu thì cũng không lo, không khó tìm được vợ non đào nhí! Chuyện này TX biết!”

“Kể nghe, TX!” Nhà ngôn ngữ học dục.

“Ca dao cạo: Gái ngoan vớ được chồng già- Gọn bếp, sạch nhà, ngọt cá, ngon cơm.”

“Cuộc sống hiện đại tất bật, nhiều gia đinh tiện đâu ăn đó, cơm đường cháo chợ.” Gã hạ giọng.” Nhiều ông gần như quên béng rằng cái nghĩa vụ vĩ đại nhất của mình là được nấu ăn để cung phụng cho chính những người mình yêu thương nhất! Mấy cậu thử tượng tượng nếu buổi chiều cả gia đình cùng xuống bếp, mỗi người một việc... Cái khung cảnh ấy thật đơn giản nhưng chính nó là bằng chứng hùng hồn của hạnh phúc gia đình. Bếp lửa không bập bùng thì cái tình chồng vợ làm sao sôi sùng sục? Bao gạo on sale sẽ ẩm mốc từng ngày!”

“Tốt, nhưng anh nên đi những bước đầu thật thận trọng.” TX tài lanh. “ Thoạt đầu anh nên dùng những nguyên vật liệu rẻ tiền, dễ bảo quản, ít gia công. Tôi đề nghị trứng và bắp cải. Trứng thì luộc, chiên, kho, xào, nấu chi cũng được. Còn bắp cải hả? Ăn sống, làm gỏi, luộc, cho nhiều nước với bột ngọt vào thì là canh đại dương! Ngon, bổ, rẻ...”

“Tớ nghĩ là cậu đang bôi bác khả năng sáng tạo của tớ! Được, sẽ có ngày các cậu sáng mắt ra!”

Quanh Co Nghệ Thực

Qua chơi với gã cuối tuần sau, TX chưa kịp sáng mắt thì đầu óc đã tối sầm. Cả không gian chìm ngập trong một tổng hợp mùi mà TX không thể diễn tả nổi. Gã hàng xóm tốt bụng đang nhuể nhoại mồ hôi bên mấy bếp lửa đỏ rực. Trong chậu nước lổn ngổn rau và củ.

“Tớ sẽ xây dựng một gia đình theo đúng truyền thống ông cha. Kệ, ai chê là cổ cũng mặc. Bí quyết bồi đắp hạnh phúc gia đình là luôn luôn tạo ra sự ấm cúng. Bữa cơm gia đình góp phần đun nóng không khí ấy. Cả nhà sẽ cùng ăn, cùng bàn chuyện công việc, học hành Giờ khắc sum họp ấy sẽ làm con người cảm nhận về hạnh phúc rõ rệt nhất. Buổi cơm gia đình là tấm gương phản chiếu hạnh phúc! Đi làm về oải cách mấy tớ cũng sẽ hô hào Nổi lửa lên em!

Trên bàn và trên kệ sách la liệt những cẩm nang dạy nấu ăn. Từ những kỳ thư mà gã nói gởi mua đâu tận trong nước như Nghệ Thuật Nấu Ăn Toàn Tập của Quốc Việt lão bà bà, Gia Chánh Làm Bếp của Văn Châu diệu thủ thư sinh, Ba Mươi Sáu Món Nhậu Hấp Dẫn của Thu Yên nữ hiệp, Các Món Nhấm Tuyệt Vời của Như Hoa tiểu cô nương đến những bí kíp của các đại sư phụ như Invitation to Chinese Cooking của Martin Yan, Culinary Artistry của Karen Page, The Art of Persian Cooking của Forough Hekmat... Từ những bài báo riêng lẻ phỏng vấn các quần hùng có mặt đặt tên trong Who's Who of Food and Beverage cho đến bộ Bách Khoa Toàn Thư Nghệ Thuật Nấu Ăn Thế kỷ XXI của cặp song kiếm Marc Veyrat. Một góc phòng là chiếc TV đang giờ tỉ đấu Iron Chef trên Food Chanel.

“Nấu nướng là phương cách tốt nhất bày tỏ sự chăm sóc những người mình yêu mến. Người đầu bếp cần có tấm lòng. Nấu ngon rất dễ, chỉ cần để vào đấy một chữ tâm. Một người đàn ông hiện đại mà không biết nấu ăn là một tội phạm gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm. Thế nên nhiệm vụ nam giới ngày nay là không được để phái nữ lâm vào cảnh cơm đường cháo chợ. Nấu ăn là một thứ vinh quang mà tớ cần chinh phục!” Gã lại ca cẩm.

“Nhưng hôm nay anh thử nấu món gì?” TX thắc mắc.

“Tớ mở đầu với quyển cẩm nang Thực Phổ Bách Thiện. Sách này gồm 100 bài thơ phổ biến cách làm những món ăn Huế.”

“Cá mười ăn một rằng bà xã tương lai của anh người gốc Huế.”

“Thong thả hẳn biết! Tác giả sách này là bà Trương thị Bích, con dâu của Tùng Thiện Vương. Tớ chọn nó vì món ăn trong đó đơn giản lại đậm đà tình tự dân tộc! Này:

Bông mai ướm nở, hái nay vừa,
Tước cạnh, xoi tim, cuống phải chừa.
Tôm quết, gia màu, dồi nhận lại,
Chiên lần nhúng trứng, lửa bưa bưa...

Đó là cách làm món Chả bông bí. Nên nhớ món ăn dân tộc vốn rất phong phú về gia vị. Sách dạy nguyên tắc sử dụng gia vị trong các loại canh như sau:

Canh bầu thì thích lá rau hao,
Cho biết rau hành bỏ bí đao.
Hầm mít lại ưa sân với lốt,
Bí ngô thời phải tỏi gia vào.

Tuy nhiên tớ không muốn sao y bản chính, áp dụng cứng ngắc một cách nấu ăn nào hết. Người bắt chước là người không thể đi xa trong nghệ thuật, kể cả nghệ thuật nấu ăn. Chắc cậu dư sức biết người đầu bếp trứ danh là người có tài sáng tạo? Không có con đường nào, phương cách nào là đúng, là duy nhất trong việc nấu ăn. Cậu cần có khả năng chọn lọc những gì nằm trong kinh nghiệm bản thân, thích hợp với cá tính mình. Người nay nấu nướng cầu kỳ hơn người xưa nên tam bách dư niên hậu, không chừng bọn đầu bếp hậu hiện đại xem món ăn chúng ta bây giờ là đơn giản, cổ lỗ.

“Nhưng hôm nay thì ta nhắm món nào hử?”

“Cậu chạy đi lấy thùng bia, luôn tiện ghé chợ mua giùm tớ ít hột vịt lộn hay gói khô mực cũng được!”

“Sao vậy? Anh nấu được món gì thì ta cứ tạm dùng vậy.”

“Chưa được đâu! Còn trong thời gian thử nghiệm mà! Cậu có biết Harland Sanders đã kỳ cạch như thế nào để ngày nay chúng ta có món gà chiên Kentucky tuyệt hảo với 11 loại gia vị và kỹ thuật nấu bằng nồi áp suất không?Nếu cậu ngại ra chợ thì tớ chơi mì ăn liền vậy! ””

“Kỳ vậy, sao anh nói nấu ăn không có gì là khó? Cứ đổ nước mắm vào thì gọi là kho. Thêm tí nước thành món xào. Tí nước nữa thành canh thôi mà.”

“Nguyên tắc mà tớ phát kiến là như thế! Đối với người quyền biến thì tuyệt nhiên nấu nướng không khó. Cái khó là ăn những cái mình nấu được, ông cụ non ạ.”

Nhưng rồi cũng có lần gã hồ hởi trình diện thành tựu của gã với bọn này sau khi đã nếm ở bếp đến ứ bụng. “Ớn quá!” Gã thật thà khai báo. Thì ra gã nếm trước để xem mặn lạt ra sao rồi mới thêm mắm muối. Thêm xong, nếm lại xem đã đạt yêu cầu chưa. Chưa hả? Thêm tí nước mắm rồi nếm lại. Giai đoạn kế đó là nếm xem ngọt lạt ra sao để cho đường vào. Nêm đường xong, nếm lại. Chưa vừa ý? Thêm nữa tí đường trước khi lại nếm. Cứ nếm tới nếm lui như thế cho đến lúc món ăn lên bàn thì gã chỉ còn nước ngồi nhìn.

“Sao, cậu cho điểm món này đi chứ!” Quả là gã có cặp mắt tinh đời! Điều yêu cầu của gã đặt không nhầm đối tượng: TX, một chuyên gia ẩm thực, kẻ sành sỏi về nghệ thuật thưởng thức (chứ không phải sáng tạo), vẫn thường có những ý kiến rất nặng ký trong vấn đề ăn uống. Chỉ cần húp tí nước màu vàng vàng thì TX biết ngay đây là món cà ri.
“Cay tuyệt! Món cà ri này cay tuyệt!” TX chỉ mong gã hiểu nhầm rằng không phải TX ca tụng cái sự tuyệt vời của nắm ớt bột quá tay.

Nhưng được cái gã hàng xóm TX không hề tự mãn về thành tựu của mình. Có lần gã trầm ngâm: “Tập nấu ăn cũng giống như luyện tập thiền. Việc sửa soạn thức ăn tức là học hỏi, là ý thức. Tớ có thể cam đoan với các cậu rằng thất bại là điều không thể tránh được trong tiến trình học tập nấu ăn. Trước khi đạt đến vinh quang của một tay đầu bếp giỏi, thì các cậu sẽ phải nếm mùi thất bại nhiều lần. Không hề gì! Thất bại là mẹ thành công!”

Còn Đây Cái Nhớ

TX không biết đã bao lần gã gặp bà mẹ của sự thành công. Hôm đám cưới gả, bọn này xơi món ăn nhà hàng và sau này mỗi khi đến thăm đôi vợ chồng mới, TX thấy người đứng bếp chính không phải là gã. Tuy nhiên, bà xã gã bảo gã là người phụ bếp rất nhanh nhẹn tháo vát. Có điều TX nhận ra gã không còn vệ sinh như ngày độc thân vì trong món rau sống không có mùi xà bông bột. Có lẽ bây giờ gã chỉ rửa rau bằng nước phông tên suông. Bắt chước gã, món nào TX cũng khen ngon. Có thể, giống như bà xã TX đã nhận xét về gã, bà xã gã đang xem TX là một người láng giềng tốt bụng.

Một hôm, tàn độ rượu, TX và gã ra hàng hiên hóng mát.

“Bây giờ mồ yên mả đẹp rồi, bếp lò khạc lửa thường xuyên rồi, không còn điều chi phiền muộn chứ?” TX hỏi chuyện cho lấy có.

“Này,” gã ghé tai TX, “sao mà thỉnh thoảng mình lại khoái, lại nhớ, lại muốn trốn con mẻ, tìm cơm chỉ, cơm bụi một bữa!”

“Trời đất! Ấm đầu hả đại ca? Hay chưa chi mà đã cơm không lành canh không ngọt?”

“Không, cái đời cơm hàng cháo chợ đã quen, thiếu quán xá lại thấy buồn buồn! Giờ này nhiều con phố chưa ngủ. Hàng quán xênh xang nằm đợi người về từ ca hai, ca ba. Ngồi quán khuya tán chuyện chiến tranh hòa bình, thiên tai bão lụt với mấy người mới gặp lần đầu thì tuyệt! Những ngày ấy mới đây sao mà xa ơi là xa. Mà này, hình như món xà lách ngoài quán cũng ngon hơn món xà lách nhà mình mần!”

“Thì rủ chị ấy. “

“Không được, đây là cái thú cô đơn! Thói quen cũng có những lý lẽ riêng mà e rằng ngôn ngữ khó lòng lý giải!”

“Đừng vớ vẩn, cha! Mà thôi, lâu lâu trốn vợ, cơm hàng cháo chợ một bữa cho thỏa máu giang hồ thì có sao? Riêng cái mục thứ hai ấy thì hãy quên tiệt giùm đi, cha nội!”

“Mục gì, nói nghe coi?”

“Lại vờ vịt! Mục vợ em trắc nết ấy!”

Tầm Xuân