SỐ 26 - THÁNG 4 NĂM 2005

 

Thư Tòa Soạn

Thơ
Tháng tư tôi
NNguong
Dòng sông 30 năm
Nguyễn Xuân Vời
Mũi tên tình yêu
Hoàng Du Thụy
Hai con sóng
Tóc Tím
Em đã về với biển
Huỳnh Kim Khanh
Quẩn
Trần Việt Bắc
Đêm trừ tịch
Hoàng Mai Phi
Hẹn ngày mai
Tôn Thất Phú Sĩ
Tưởng nhớ nhà thơ say: Lý Bạch
Maihoado
Tháng tư, nhớ Nhatrang
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Câu chuyện ở đầu sông
Phan Thái Yên
Lẽ ra mùa mận
Nguyên Nhi
Đêm xuân trong trại tù Cao Lãnh
Phạm Hồng Ân
Khúc đoạn trường
Song Thao
Những cuộc tình 30 năm sầu xứ
Hải Yên
Gã hàng xóm tốt bụng
Tầm Xuân
Giữa dòng sóng đỏ
Cỏ Biển
Lá thư không gửi (9)
Trương Thanh Diễm Thùy
Tiếng hát bình yên trong thinh không
Phạm Hồng Ân
Tháng tư thứ 30
Vũ Hoàng Thư

Dịch thuật, biên khảo
Sống thiện chết lành
Ngô Văn Xuân
Nhà Trần khởi nghiệp (1)
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 13
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 20
Huỳnh Kim Khanh


 

Nhà Trần khởi nghiệp

 

Trần Việt Bắc

Lời tựa:
Để bảo vệ Việt Nam thoát khỏi sự xâm lăng của bắc phương thì nhà Trần đã có công vào bậc nhất. Ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, một đội quân đã chinh phục Trung Hoa và nhiều nước khác từ Á qua Âu. Nhà Trần thay nhà Lý, sau đó đã lãnh đạo đất nước để chống lại đội quân kiêu hùng này. Sự thay đổi triều đại là một chính biến rất lớn lao. Biến cố này cũng tương tự như sự thay đổi thể chế miền nam Việt Nam hồi 30 năm trước. Biết bao nhiêu sách vở và tài liệu đã nói tới việc này. Tuy nhiên việc thay đổi triều đại từ Lý sang Trần chỉ được bộ chính sử của Việt Nam là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) ghi lại sơ sài. Nguyên nhân và diễn tiến việc nhà Trần bước vào chính trường chỉ được viết chưa đầy một trang giấy . Tiếp theo là bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KĐVSTGCM) của Quốc Sử Quán triều Nguyễn cũng không thêm được những gì có chi tiết mới hơn. Thời cận đại thì có Việt Nam Sử Lược của ông Trần Trọng Kim, Việt Sử Toàn Thư và Việt Sử Tân Biên của ông Phạm Văn Sơn cũng chỉ ghi lại một cách giản lược những nguyên nhân và diễn tiễn, dựa theo hai bộ ĐVSKTT và KĐVSTGCM.

May mắn là cổ sử của Việt Nam còn lại được quyển Đại Việt Sử Lược (ĐVSL) của tác giả Khuyết Danh đã ghi thêm khá nhiều chi tiết về những diễn tiến này . ĐVSL đã được viết trong thời Trần Phế Đế (1377-1388). Khá nhiều những sử liệu trong sách này được dùng để tham khảo cho bài viết này.

Vì muốn học hỏi và hiểu biết thêm sử về nước nhà, người viết đã mạo muội viết ra những suy nghĩ thô thiển của mình, mong được chỉ bảo thêm để sửa chữa những sai lầm và thiếu sót.
Kính.

Phần 1: Họ Trần tham chính

Nhà Trần lên làm vua thay nhà Lý sau một cuộc chính biến không đổ máu với câu tuyên bố của Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ : "Bệ hạ (1) đã có chồng rồi”, các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư-ĐVSKTT).

Rồi sau đó là bài chiếu “…… nói "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay". Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh(1) là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết". Tháng 12, ngày mồng một Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân.
Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế”. Đổi niên hiệu là Kiến [34b] trung năm thứ 1, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện Hoàng , sau đổi là Văn Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng Đế. Phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước”.

Sự thật như thế nào? Kết quả thì rõ ràng là nhà Trần lên làm vua thay nhà Lý sau 216 năm làm chủ đất nước, từ khi Lý Thái Tổ lên ngôi năm1009 tới khi Lý Chiêu Hoàng (2) nhường ngôi cho Trần Cảnh (3) năm 1225.

Sao lại có chuyện “đảo chính” dễ dàng đến như vậy! Việc thay đổi một triều đại đã xảy ra chỉ vì việc tảo hôn của hai đứa trẻ, khi nam và nữ chỉ mới tám tuổi !

Những người biết qua về sử Việt đều hiểu rằng đây là một âm mưu có tính toán từ trước.
Vậy những nguyên nhân nào đã đưa đến cuộc hôn nhân này?
Hầu hết các sử gia xưa, cũng như mới đây đã viết về của cuộc thay đổi triều đại Lý sang Trần, đều cho là sự việc đã chớm mào từ cuộc hôn nhân của Thái tử Lý Sảm và bà Trần Thị Dung, con gái ông Trần Lý .

ĐVSKTT: “[26a] Vua [lánh] đến miền Quy Hóa giang ….
“Hoàng thái tử [Sảm] đến thôn Lưu Gia ở Hai Ấp nghe tiếng con gái của Trần Lý có nhan sắc, bèn lấy làm vợ. Nhà Trần Lý nhờ nghề đánh cá nên giàu, người quanh vùng theo về, nhân có quân chúng, cùng nổi lên làm giặc. Thái tử đã lấy con gái của Lý, trao cho Lý tước minh tự, phong cho cậu người con gái ấy là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ.

Ngô Sĩ Liên nói: Thái tử [Sảm] đi lần này là vì nước loạn mà tránh nạn, sao lại buông lòng dâm dục ở ngoài mà tự tiện phong tước cho người? Bởi cao Tông rong chơi vô độ, giường mối bỏ hỏng, cho nên mới thế. Nhưng họ Lý nhân thế mà vong, họ Trần nhân thế mà hưng, ấy là do trời cả”.

Thái tử Sảm đến nhà Trần Lý, gặp con gái ông là Trần Thị Dung, say mê nhan sắc của cô, sau đó cưới cô và phong chức Minh tự cho cha vợ là Trần Lý; cùng chức Điện tiền chỉ huy sứ cho Tô Trung Từ là cậu của Trần Thị Dung. Quyền bính dần dần vào tay họ Trần, kết quả là việc thay đổi triều đại. Trần Cảnh lên ngôi, vua đầu tiên của nhà Trần.
Trần Lý là ai? Tô Trung Từ là ai ? Sự việc có đơn giản như ĐVSKTT chép hay không? Người viết trước hết xin trình bày vài điều về gia phả họ Trần, dựa theo ĐVSKTT .


Gia phả họ Trần

Theo như ĐVSKTT thì tổ của nhà Trần là ông Trần Kinh , ông này sinh ra Trần Hấp. Ông Trần Hấp sinh ra ông Trần Lý. Tới đây, hậu thế chỉ biết tới ông Trần Kính là ông nội của ông Trần Lý. Những đời trước ông Trần Kính thì không thấy sử liệu nào nói rõ ràng.

Việt Sử Khâm Định Thông Giám Cương Mục (VSKĐTGCM):
“Tổ phụ Trần Thừa tên là Kinh, người làng Tức Mặc, sinh con là Hấp, Hấp sinh con là Lý, Lý sinh ra Thừa, đời nào cũng chuyên nghề đánh cá; Thừa lấy vợ là Lê Thị sinh ra nhà vua”.

Gia phả tộc Trần tới khi Trần Cảnh lên làm vua:

1-Trần Kinh

2-1 Trần Hấp

3-1 Trần Lý (?-1210)

4-1 Trần Thừa (1184-1234): thọ 51 tuổi

5-1 Trần Liễu (1211-1251)
5-2 Thụy Bà Công Chúa
5-3 Thái Tông Trần Cảnh (1218-1277):thọ 61 tuổi
5-4 Khâm Thiên Vương-Trần Nhật Hiệu (1225-1269)
5-5 Hoài Đức Vương Trần Bá Liệt

4-2 Trần Tự Khánh (?-1223)

4-3 Trần Thị Dung (1195-1259): 65 tuổi

4-4 Trần Tam Nương (gả cho Nguyễn Đường)

4-5 Công chúa Ngoạn Thiềm (được gả cho Nguyễn Nộn)

3-2 Trần ? (4)

4-1 Trần An Quốc
4-2 Trần Thủ Độ (1194-1264)

Theo như phả hệ đồ trên thì ông Trần Lý là con cả ông của Trần Hấp và ông là anh của thân phụ ông Trần Thủ Độ.

Sự liên hệ của họ Trần với quan nhà Lý .

Thời vua Lý Cao Tông (5), đất nước loạn lạc, nhà vua thì ăn chơi, giặc cướp nổi lên khắp nơi. Ông Trần Lý lúc này giầu có nên cũng có nhiều người tới theo. Giòng họ Trần lúc này cũng có quân đội riêng mặc dù đây chỉ là hương binh, có lẽ để tự bảo vệ hay cũng có thể đợi thời cơ và như ĐVSKTT viết : “…cùng nổi lên làm giặc”. Người viết xin lạm bàn về nguyên nhân và diễn biến chuyện “nổi lên làm giặc” của dòng họ Trần ở Thiên Trường.

Như sử liệu đã viết,con gái ông Trần Lý là Trần Thị Dung có người cậu là Tô Trung Từ. Vợ ông Trần Lý là chị của Tô Trung Từ. Họ Tô ở Đại Việt không có nhiều, chúng ta chỉ thấy có ông Tô Hiến Thành là nhân vật nổi tiếng hơn cả trong thời này.

Ông Tô Hiến Thành làm Phụ chính đại thần cho vua Cao Tông (lên ngôi năm 1176) khi ông vua này mới được 3 tuổi. Ông đã có công dẹp giặc Thân Lợi (1141 thời Anh Tông). Dẹp giặc Ngưu Hồng và Ai Lao (1159, thời Anh Tông). Mang quân đánh Chiêm Thành ( năm 1167), Chiêm Thành xin hoà và triều cống. Được vua Anh Tông cử giúp đỡ Thái tử Long Trát và sau đó đã được cử nhiếp chính khi ông vua này băng . Ông nổi tiếng thanh liêm (6). Ông bị bệnh và mất năm 1179 khi vẫn đang làm Thái úy.

Vậy Tô Trung Từ với bà chị -vợ ông Trần Lý- có liên hệ gì với ông Tô Hiến Thành ? Theo như gia phả của dòng họ Trần- Phước ở Nam Định thì vợ ông Trần Lý là hậu duệ của ông Tô Hiến Thành. Là con hay cháu nội? Chúng ta thử làm bài tính về tuổi tác để phỏng đoán sự liên hệ này.

Năm 1184, con trưởng ông bà Trần Lý là ông Trần Thừa (thân phụ Thái Tông Trần Cảnh) chào đời. Vậy bà họ Tô vợ ông Trần Lý có lẽ khoảng 18-20 tuổi, người viết phỏng đoán năm sinh của bà khoảng 1165. Lúc này ông Tô Hiến Thành đang làm quan với chức Đô tướng dưới triều Lý Anh Tông. Rất có thể bà là con gái của ông Tô Hiến Thành.

Dù bà họ Tô hay ông Tô Trung Từ là con hay cháu nội, thì ông Trần Lý đã có những liên hệ gián tiếp với triều đình nhà Lý qua việc làm rể họ Tô . Ông Lý đã hiểu rõ những việc xảy ra trong cung đình: vua Cao Tông thì ăn chơi hoang phí, quan lại gian tham, dân chúng đói khổ (7), cướp bóc nổi lên khắp nơi (8), nhà Lý đang suy vong. Giàu và có quân lính (hương binh) trong tay, họ Trần chờ cơ hội thuận tiện để bước vào chính trường.

Loạn Quách Bốc

Năm 1208, Phạm Du là tri phủ Nghệ An làm phản, “cho người đi cướp bóc khắp nơi” (ĐVSKTT) , vua Cao Tông sai hoạn quan Phạm Bỉnh Di đi đánh. Phạm Du thua, “Bỉnh Di tịch biên gia sản của Du rồi đốt hết”. Phạm Du thù Phạm Bỉnh Di. Ông ta cho người về kinh, hối lộ cho các quan và vu cáo là Bỉnh Di giết người vô tội đồng thời kêu oan .

ĐVSKTT diễn tả về chuyện ân oán giữa Phạm Du và Phạm Bỉnh Di như sau:
Kỷ Tỵ, [Trị Bình Long Ứng] năm thứ 5 [1209] : vua sai phụng ngự gọi Du về kinh. Mùa thu, tháng 7, Bỉnh Dư về đến Kinh sư, sắp vào tâu, có người ngăn lại nói rằng: "Lời của Du đã đến tai vua trước rồi, vua còn chưa nguôi giận" . Bỉnh Di nói; "Ta thờ vua hết trung mà bị kẻ gian tặc gièm pha ư? Huống chi là có mệnh vua đòi, ta cón tránh vào đâu?", rồi Bỉnh Di vào. Vua sai bắt, đem giam cùng với con là Phụ (9) ở Thuỷ viện. Sắp đem hành hình thì tướng của Bỉnh Di là bọn Quách Bốc nghe tin đem quân đánh trống hò reo tiến vào, đến ngoài cửa Đại Thành bị người coi cửa chống cự. Bọn Bốc phá cửa tiến vào…”.

Hai cha con Phạm Bỉnh Di bị giết, không thấy ĐVSKTT nói là ai đã làm chuyện này, tuy nhiên ĐVSL nói rõ là Phạm Du cùng với em trai “cầm đồ binh khí của vua giết Bỉnh Di và Phụ”.

Tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc và đồng đảng tấn công vào cung, , xông vào kho của hoàng cung lấy của rồi cướp xác hai cha con Phạm Bỉnh Di mang xuống bến Triều Đông (ĐVSL), bến này ở phía đông của thành Thăng Long. Quách Bốc mang quân trở lại cung Vạn Diên để “đón ”(10) Hoàng tử Thầm và Thái tử Sảm cùng với mẹ của Thái tử là Hoàng hậu họ Đàm (An Toàn Hoàng hậu) (11) và hai người em gái (em cùng mẹ), đem về nhà Đoàn thị ở Hải Ấp (theo ĐVSL). Vua Cao Tông lúc này đã lánh đến miền Qui Hóa giang, đây là vùng sông Hồng Hà khá xa về phía tây bắc của kinh đô Thăng Long ( khúc sông nằm trên vùng biên giới tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc). Vậy là vua cha thì bỏ chạy lên phía tây bắc, các con cùng vợ là hoàng hậu họ Đàm bị bắt về phía đông nam (Hải Ấp thuộc Nam Định).

Năm 1209: “Rồi ở căn nhà ấy (nhà Đoàn thị ở Hải Ấp-NV), bọn Quách Bốc tôn vương tử Thẩm lên làm vua” (ĐVSL). “Bọn Đàm Dĩ Mông (anh của Đàm hoàng hậu-NV), Nguyễn Chính Lại đều chịu nguỵ chức của Thầm” (ĐVSKTT).

Cờ tới tay.

Bọn Quách Bốc mang hai Hoàng tử, hai Công chúa và Hoàng hậu của về Hải Ấp để lập triều đình mới, ông vua mà họ tự phong là Hoàng tử Thầm. Vùng này là nơi họ Trần có nhiều ảnh hưởng, chuyện xung đột giữa Quách Bốc với Trần Lý khó có thể tránh khỏi. Hơn nữa như đã trình bày ở trên Trần Lý là người đang chờ cơ hội và cờ đã tới tay!

Người viết xin thử tìm hiểu việc họ Trần bước vào chính trường như thế nào. Muốn nhập cuộc và chiếm lợi thế thì sự dò xét cũng như móc nối là việc ắt phải có. Tô Trung Từ có lẽ là người làm nhiệm vụ này, ông ta là hậu duệ của Phụ chính đại thần Tô Hiến Thành, nên có thể đã quen biết người của hoàng tộc. ĐVSL viết: “bấy giờ có lẽ gia thần của vương tử Sảm là Lưu Thiện đi theo Nguyên Tổ (là ông Trần Lý)” . Từ câu viết trên ta có thể phỏng đoán là sự móc nối đã thành hình.

Thái tử Sảm (12) có lẽ đã quen biết Tô Trung Từ nên cho Lưu Thiện theo Trần Lý. Lúc này Thái tử vẫn còn đang dưới sự quản thúc của Quách Bốc. Bọn Bốc lập Thầm làm vua, thì ngôi Thái tử không để làm gì, sinh mạng sẽ khó khỏi tránh kiếp nạn. Lưu Thiện được móc nối và ngả theo Trần Lý để tìm cách cứu Thái tử. Chữ “theo” trong câu viết trên của ĐVSL có thể hiểu là nhận làm nội ứng.

ĐVSL lại viết: “Đến khi Phạm Ngu là người ở Diêu Hào nói rằng: Thẩm tuy lớn nhưng là con thứ, Sảm tuy nhỏ nhưng là con chính, chỉ có hai ông mới la liệu được vậy”. “Hai ông” ở đây là Trần Lý và Tô Trung Từ, Phạm Ngu là một vị quan trong triều, trung thành với Thái tử Sảm. Thấy sự dò xét và móc nối đã xong, Phạm Ngu khuyên hai họ Trần và Tô hưng binh để cứu Thái tử Sảm. Tới đây, người viết lạm nghĩ là nếu Phạm Ngu không khuyên thì Trần Lý và Tô Trung Từ cũng đánh Quách Bốc. Hơn nữa nếu Quách Bốc không trú quân ở Hải Ấp thì Trần Lý cũng tìm Bốc mà đánh. Nắm được Thái tử, và hoàng gia thì Trần Lý và Tô Trung Từ muốn thao túng điều gì cũng được.

Trần Lý và Tô Trung Từ khởi binh để đánh Quách Bốc ngay trong địa bàn của họ. ĐVSKTT không nói tới việc này xảy ra như thế nào ngoài câu viết “cùng nổi lên làm giặc”. ĐVSL cũng không kể về diễn biến này ra sao, chỉ có câu viết tiếp theo là: “Nguyên tổ (Trần Lý-NV) bèn cùng với Phạm Ngu đón vương tử Sam về Lỵ Nhơn lập làm vua, tôn xưng là Thắng Vương và giáng vương tử Thầm làm tước vương”. Câu này nói lên kết quả của diễn biến là Quách Bốc đã thua, Trần Lý và Tô Trung Từ đã cứu được thái tử Sảm, không thấy tài liệu nào nói tới việc bắt hay giết Quách Bốc, người viết phỏng đoán là bọn Bốc đã thua và chạy thoát.

ĐVSL viết tiếp theo câu trên: “Ngay sau đó vương tử Sảm lại trở về Hải Ấp và cư ngụ trong một ngôi nhà ở thôn Lưu gia. Ở đấy thái tử lấy người con gái thứ hai của Nguyên Tổ (Trần Lý-NV) ta làm Nguyên phi. Dùng Đàm Dĩ Mông làm Thái úy, Nguyễn Chánh Lại làm Tham tri chính sự, Nguyên Tổ làm Minh tự, Phạm Tu làm Thượng phẩm Phụng ngự, Tô Trung Tự làm Điện tiền Chỉ huy sứ. Số còn lại mọi người đều có chức vị sai biệt nhau”.

Theo như ĐVSKTT thì Trần Thị Dung, con gái của Trần Lý có sắc đẹp hơn người đã được dùng làm mồi để câu Thái tử Sảm. Mỹ nhân kế có thể dùng tức thời để tạo phương tiện cho mục đích (thật là buồn cho thân phận phái nữ thời phong kiến đã bị lợi dụng nhiều lần để đạt mục đích của cha anh và dòng họ trong lịch sử-Lời NV) . Cuộc hôn nhân này đã là một trong những yếu tố chính cho việc thay đổi triều đại. Tuy nhiên, theo nhận xét riêng về phái tính, thì một người phái nam; ra đời được 14 năm 6 tháng chưa phải là một người trưởng thành. Sử gia Ngô Sĩ Liên có lẽ đã quá lời khi viết: “Thái tử [Sảm] đi lần này là vì nước loạn mà tránh nạn, sao lại buông lòng dâm dục ở ngoài mà tự tiện phong tước cho người”.

Việc Thái tử Sảm lấy Trần Thị Dung làm vợ đều là những dàn xếp có mục đích của ông Trần Lý, Tô Trung Từ, cùng với An Toàn hoàng hậu họ Đàm và Đàm Dĩ Mông (anh hoàng hậu). Chuyện Đàm Thái hậu ghét Trần Thị Dung, vua Huệ Tông (thái tử Sảm) yêu thích bà Dung là chuyện 7 năm sau (1216), khi thời cuộc đã biến đổi. Với cuộc hôn nhân lịch sử này, hai bên đều có lợi. Họ Trần và họ Tô có cơ hội tham chính, Hoàng hậu sẽ có binh lực của hai họ Trần, Tô bảo vệ để có thể về lại cung và lên ngôi Thái hậu sau này, với Đàm Dĩ Mông thì chức Thái uý “ngụy” này có thể trở nên chức Thái úy thự thụ.

Thế là họ Trần đã bắt đầu bước vào chính trường, dù đây chỉ là một “triều đình lưu vong”. Trần Lý được phong chức Minh Tự (13), Tô Trung Từ là em vợ được phong chức Điện tiền chỉ huy sứ (coi quân đội của hoàng cung). Những tước vị được phong có lẽ chỉ là những hứa hẹn của Thái tử Sảm. Qua những diễn biến được kể ở trên, người viết trộm nghĩ là hành động của Thái tử được coi như làm phản, vì Thái tử chưa biết rõ về tình trạng sống chết của vua Cao Tông như thế nào mà đã lập triều đình riêng và phong quan tước bừa bãi.

Nhưng không may ông Trần Lý đã bị chết trước khi có cơ hội để thực sự tham chính.

ĐVSKTT có một câu viết không rõ ràng nói về việc ông Trần Lý chết là : “Canh Ngọ, [Trị Bình Long Ứng] năm thứ 6 [1210] Mùa xuân, tháng 3, vua sai Thượng phẩm phụng ngự là Đỗ Quảng đem quân đến nhà Tô Trung Từ đón Hoàng thái tử về Kinh sư, còn người con gái [Trần thị] thì về nhà cha mẹ. [Bấy giờ] Trần Lý đã bị bọn giặc khác giết,…”.

Sau khi ông Trần Lý chết, binh quyền vào tay người con trai thứ hai của ông là Trần Tự Khánh.

(còn tiếp)


(1) “Bệ hạ”: đây là Lý Chiêu Hoàng

(2) Theo ĐVSKTT: Bà Lý Chiêu Hoàng (Chiêu Thánh) sinh tháng 9 năm 1218, Thái Tông Trần Cảnh gả bà (vợ của ông!) cho Lê Phụ Trần năm 1258 lúc bà đã 41 tuổi, thời gian sau , bà có hai người con với ông này là Thượng Vị hầu Tông và Ứng Thụy công chúa Khuê . Bà chết năm 1278, thọ 61 tuổi ta.

(3) Trần Cảnh sinh tháng 6 năm Mậu Dần 1218, ĐVSKTT: “Họ Trần, tên húy là Cảnh, trước tên húy là Bồ, làm Chi hậu chính triều Lý, được Chiêu Hoàng nhường ngôi, ở ngôi 33 năm [1226-1258], nhường ngôi (làm Thượng hoàng) 19 năm, thọ 60 tuổi [1218- 1277]”

(4) Người viết không thấy sử liệu nào nói về thân phụ của ông Trần Thủ Độ. Tuy nhiên ông này có tên là Trần Hoằng Nghi . Trần Tự Khánh (1175-1223) là anh cả, Trần Thừa là em kế (1184-1134), những tài liệu này được ghi trong http://vietnamgiapha.com/XemGiaPha/367/giapha.html
Người viết xin phép www.vietnamgiapha.com về vai của ông Trần Tự Khánh, danh xưng của thân phụ ông Trần Thủ Độ cũng như việc bà họ Tô - vợ ông Trần Lý- là hậu duệ của Phụ chính đại thần Tô Hiến Thành.

(5) ĐVSKTT: “Tên huý là Long Trát con thứ sáu của Anh Tông, mẹ là Hoàng hậu họ Đỗ , sinh ngày 25 tháng 5 năm Quý Tỵ, Chính Long Bảo Ứng thứ 11 [1173]. Năm Thiên Cảm Chí Bảo thứ 2 [1175] sách lập làm Hoàng thái tử. Anh Tông băng, bèn lên ngôi báu, ở ngôi 35 năm [1176- 1210]

(6) ĐVSKTT : “Sử thần Ngô Sỉ Liên nói: Tô Hiến Thành nhân việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy bị gió lay sóng đập mà vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yêu dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng, thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy.”

(7) ĐVSL (Đại Việt Sử Lược): năm 1208, “đói to người chết đói nằm gối lên nhau”

(8) ĐVSKTT: “Ất Sửu, [Thiên Gia Bảo Hựu] năm thứ 4 [1204],…. Người Tống sang cướp ở biên giới. Dân ta mệt nhọc chạy nạn, gặp cướp dần nổi. Vua thì ham thích tiền của, các quan phần nhiều bán quan buôn ngục”.

(9) Có lẽ Phụ là con của Phạm Bỉnh Di trước khi làm hoạn quan, hoặc có thể Phụ là con nuôi, tương tự như trường hợp Lê Văn Khôi là con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt (ông là hoạn quan).

(10) ĐVSL bản dịch viết là “đón”. “Bắt cóc làm con tin” thì có lẽ đúng với sự việc hơn.

(11) ĐVSKTT: “Giáp Dần, [Thiên Tư Gia Thuỵ] năm thứ 9 [1194] , (Tống Thiệu Hy năm thứ 5). Mùa thu, tháng 7, hoàng thái tử Sảm sinh. Phong Đàm Nguyên phi làm An Toàn Hoàng hậu”.

(12) Thái tử Lý Sảm (sau là Lý Huệ Tông) sinh tháng 7 năm Giáp Dần (1194). Biến cố xảy ra tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (1209), nói chính xác Thì thái tử đã ra đời được 14 năm và 6 tháng.

(13) Tước vị cao thời nhà Lý (dưới tước hầu), cũng được dùng trong thời nhà Trần.