SỐ 26 - THÁNG 4 NĂM 2005

 

Thư Tòa Soạn

Thơ
Tháng tư tôi
NNguong
Dòng sông 30 năm
Nguyễn Xuân Vời
Mũi tên tình yêu
Hoàng Du Thụy
Hai con sóng
Tóc Tím
Em đã về với biển
Huỳnh Kim Khanh
Quẩn
Trần Việt Bắc
Đêm trừ tịch
Hoàng Mai Phi
Hẹn ngày mai
Tôn Thất Phú Sĩ
Tưởng nhớ nhà thơ say: Lý Bạch
Maihoado
Tháng tư, nhớ Nhatrang
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Câu chuyện ở đầu sông
Phan Thái Yên
Lẽ ra mùa mận
Nguyên Nhi
Đêm xuân trong trại tù Cao Lãnh
Phạm Hồng Ân
Khúc đoạn trường
Song Thao
Những cuộc tình 30 năm sầu xứ
Hải Yên
Gã hàng xóm tốt bụng
Tầm Xuân
Giữa dòng sóng đỏ
Cỏ Biển
Lá thư không gửi (9)
Trương Thanh Diễm Thùy
Tiếng hát bình yên trong thinh không
Phạm Hồng Ân
Tháng tư thứ 30
Vũ Hoàng Thư

Dịch thuật, biên khảo
Sống thiện chết lành
Ngô Văn Xuân
Nhà Trần khởi nghiệp (1)
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 13
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 20
Huỳnh Kim Khanh


 

TIẾNG HÁT BÌNH YÊN TRONG THINH KHÔNG
BÃO GIÔNG ÂM NHẠC

 

PHẠM HỒNG ÂN

Năm trước, nhạc sĩ Ly Hoàng Thao có cho tôi nghe những ca khúc của anh. Những ca khúc, thật ra, chỉ là những bản “nháp” đầu tay, qua một studio còn thiếu nhiều tiện nghi. So với những ca khúc phổ thơ của Trần Ngọc, Ly Hoàng Thao đang đi bằng bước chân dò dẫm, khởi đầu. Trần Ngọc đã có tên tuổi, bởi hai CD thành công rực rỡ: “Tình Yêu Màu Thiên Thanh” và “Ru Em Ngọt Ngào”. Hơn nữa, khi đọc tên ca sĩ trên CD “nháp” của Ly Hoàng Thao - tôi đâm ra thất vọng. Cathy Hậu? Một bóng dáng loanh quanh nào đó chạy dọc theo ký ức. Cathy Hậu? Cái tên quá xa lạ, quá đìu hiu trong thế giới công hầu nghệ thuật. Cái tên không ăn khớp với đường ray quá khứ. Cái tên, có vẻ...lạc lõng, bơ vơ giữa trục quay hiện tại. Tôi chợt tiếc rẻ thời gian của mình. Ngồi gò lưng bên computer để sửa lại các truyện ngắn. Hay trần thân dưới máy weld hoàn thành sản phẩm cho đời. Có thể...sẽ thống khoái hơn chăng? Tôi tiếc rẻ giống như tiếc rẻ một ly cà phê thiếu đường, thiếu khói thuốc, thiếu bằng hữu vây quanh. Nhưng sau đó, tôi cố gắng ngồi lại. Ngồi lại với Ly Hoàng Thao. Vì đó là tim óc, là sức sáng tạo miệt mài của anh. Anh đã vun bồi, đã khai phá, đã tìm kiếm suốt đời một chỗ đứng trong chốn lao đao nghệ thuật.

Bài nhạc thứ nhất vút lên. Vút lên như ngọn pháo bông. Từ đấy, tiếng hát tủa ra, tung xa khắp vòm trời. Tiếng hát không dừng lại. Cứ thế, tiếp tục bay cao, bay cao. Bay cao...cho đến lúc vượt tiếng nhạc, bỏ tiếng nhạc lửng lơ giữa thinh không giới hạn của âm hưởng. Và cứ thế, tiếng hát đẩy tôi lên tuyệt đỉnh. Nơi đó, chỉ có bình yên và xúc cảm dập dồn.

Bài nhạc thứ hai kéo tôi trở về hiện thực. Tiếng hát của Cathy Hậu như trầm xuống, hạỳ thấp đến đáy vực thẳm. Tiếng hát đi đến chỗ cùng đinh, đi đến tận cùng nỗi thống khổ của loài người. Tiếng hát lăn lộn với nhân gian, xóa bỏ lao lung, dẹp tan mọi rác rưởi cuộc đời. Tiếng hát biến địa ngục thành thiên đường. Biến tai ương thành hoan lạc. Biến sóng gió thành Thơ. Biến ba đào thành Nhạc. Ôi, tôi đang sống ở trần gian đầy đắng cay khổ hải, mà tưởng chừng lạc vào vườn địa đàng. Ở đó, chỉ có tình yêu và hạnh phúc miên viễn.

Bài nhạc thứ ba...rồi bài nhạc thứ tư. Hình như, dòng nhạc trở nên bất lực trước tiếng hát tuyệt vời của Cathy Hậu. Nhạc sĩ đã không đủ tài ba để đưa dòng nhạc sánh đôi cùng tiếng hát ca sĩ. Cuộc trùng phùng lứa đôi bị chệnh choạng. Âm hưởng như viên kim cương vỡ vụn, tan nát trong thinh không nghệ thuật. Tiếng hát thì vun vút trên cao. Dòng nhạc thì lầm lũi dưới thấp. Dòng nhạc cứ loanh quanh trong những âm điển giới hạn, cứ mãi mãi tối tăm trong đám mây mù số mệnh.

Nghe xong CD, tôi tự thấy hổ thẹn với lương tâm, vì lúc đầu, vội vã đánh giá sai lầm tiếng hát Cathy Hậu. Tôi cũng có ý định muốn giữ tiếng hát lại trong những lời nhạc của riêng tôi. Vì ít ra, tiếng hát cũng đem lại sự bình yên trong trái tim – một trái tim bị náo động bởi đời thường. Tôi đem ý định nói với nhạc sĩ Ly Hoàng Thao. Và những ca khúc phổ thơ của tôi được hình thành. CD thực hiện công phu, trải qua nhiều giai đoạn phức tạp. Cuối cùng, đứa con tinh thần cũng tròn trịa chào đời, nhờ sự giúp đỡ tận tình của Cathy Hậu.

CD gồm 10 bài nhạc, do các nghệ sĩ tài hoa sau đây phổ thơ: Võ Tá Hân, Nguyễn Phan, Mai Đức Vinh, Ly Hoàng Thao...Phần hòa âm, hai nhạc sĩ nổi tiếng ở Việt Nam thực hiện: Vũ Quốc Việt và Gia Khang. Tiếng hát Cathy Hậu nổi bật trong các tác phẩm: Áo Vàng, Một thời đã xa, Nghìn rừng giông bão mịt mù trăm sông. Đặc biệt, bài “ Tết này Em có về cố xứ”, Võ Tá Hân viết theo âm điệu dân ca miền nam. Vậy mà ca sĩ Cathy Hậu - vốn là người gốc Huế - đã tài tình hát giọng nam một cách xuất sắc. Dòng nhạc Võ Tá Hân đôn hậu bao nhiêu, thì dòng nhạc Nguyễn Phan lại sôi nổi bấy nhiêu. Ca khúc của anh lúc nào cũng rộn ràng, như nhịp đập của trái tim thanh xuân. Ly Hoàng Thao chậm rãi hơn,. Anh tung nhạc như ngư phủ tung lưới: dòng nhạc vừa bung ra, vội rơi xuống, thênh thang với sóng nước muôn trùng. Mai Đức Vinh có cõi riêng. Lạc vào, người ta chỉ gặp toàn thương đau và mộng mị.

Cathy Hậu, thuở nhỏ, chị đã từng sinh hoạt trong một ban nhạc chuyên hát Thánh Ca cho giáo đường. Ngoài đời, chị thích hát nhạc tiền chiến của Cung Tiến, Đoàn Chuẩn...Sau này, những dòng nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng...cũng đã làm chị say mê một thời. Gần đây nhất, Chị cũng thích hát những ca khúc phổ thơ ca ngợi về tình yêu, về quê hương dấu yêu.

Âm nhạc, từ thuở xa xưa đến nay, luôn có một vòm trời riêng của nó. Vòm trời nào cũng vậy, lắm lúc: đầy dẫy bão giông, thịnh nộ phũ phàng. Điều đáng nói, tiếng hát của Cathy Hậu đã vút lên khỏi những bão giông, những thịnh nộ đó. Tiếng hát của chị có tầm vóc an cư, mang sự bình yên đến cho nhân gian, dù chỉ trong khoảnh khắc bất chợt.

*PHẠM HỒNG ÂN
(San Diego, 16/4/2005)