SỐ 28 - THÁNG 10 NĂM 2005

 

Thư Tòa Soạn

Thơ
Lỡ gặp nhau
24 NNguong
Bãi sau
23
Hoàng Du Thụy
Mắt em màu biển cả
21
Huỳnh Kim Khanh
Bóng chiều
20
Trần Việt Bắc
The mistake
19
Nguyễn Xuân Vời
Lá thu
19
Hoàng Mai Phi
Một cõi chập chùng

18
Tôn Thất Phú Sĩ
Cảm tạ tình anh
18
Kim Thành
Chuyện tình xóm cũ

17
Maihoado
Trang thơ cũ
17Ngọc Trân
Tôi kể em những điều tháng 9
16Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Thu và những mảnh vụn ký ức
15
U Miên
Mộ gió
14
Phan Thái Yên
Dấu mặt trời
13
Hoàng Du Thụy
Mùa thu đời người
12
Cỏ Biển
Chuyện nhỏ một đêm trăng
11
Nguyên Nhi
Gặp nhau trên đất Mỹ
10
Phạm Hồng Ân
Chiếc xe đạp cũ
9
Nguyễn Hồng Quang
Cỏ mềm lãng đãng
8Song Thao
Tôi đi xem đêm nhạc Châu Đình An
7Nguyễn Ch.

Văn học, biên khảo
Con đường sương
4Vũ Hoàng Thư
Nhà Trần khởi nghiệp
4Trần Việt Bắc
Huê
4Xuân Phương
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 15

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
2 Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 22
1 Huỳnh Kim Khanh


 

Chiếc xe đạp cũ

 

Khi còn bé tôi thích xe đạp lắm. Nhớ vào khoảng năm tiểu học, tôi có mượn chiếc xe đạp kiểu người lớn của ông anh bà con để đi thử. Vì cái yên ngồi quá cao, tôi phải hạ bộ, choàng cẳng mặt xuyên qua khung xường xe hình tam giác để với bàn đạp bên kia. Người cong như chữ C với hai bàn tay nhỏ vói cao nắm lấy tay cầm. Người nghiêng một bên, xe đạp nghiêng một bên kia như hình chữ V, chân đạp cà thọt, cà chọt mà chiếc xe vẫn đi thẳng cũng tài thật. Chạy được một vòng trong cứ xá mệt đổ cả mồ hôi hột mới biết mình có khả năng đi xe đạp của người lớn rồi. Từ đó tôi ước mơ có một chiếc xe đạp riêng để đi khắp mọi nơi mà tôi muốn đi. Có lẽ ước mơ nầy đã và đang dẫn tôi đi qua bao nhiêu chặn đường có lúc lên đồi lúc xuống dốc, cũng có lúc bằng phẳng như mặt biển lặn nhưng cũng có lúc nhiều sỏi đá chông gai như sóng động trong cơn bão cấp ba, bốn trên biển.

Bắt đầu vào trung học, nhân dịp Noel, gia đình dẫn tôi đến khu ngã Bảy Sàigòn, mua cho một chiếc xe đạp đầu tiên kiểu người lớn. Xe đạp mới dựng đầy như rừng ở khắp bảy góc đường. Lòng tôi rộn ràng lính quýnh không biết chiếc xe kiểu nào, màu nào mà lựa. Cuối cùng tôi chọn chiếc xe đạp màu xanh nước biển chói óng ánh dưới ánh mặt trời. Về đến nhà, cả đêm đó tôi không ngủ được vì cứ chờ hôm sau có dịp đem chiếc xe láng cón vào trường khoe bè bạn. Tới trường sớm lắm để tìm chỗ riêng đậu vì sợ các xe đạp khác dựng vào làm trầy nước sơn mới bóng láng.

Vào đêm Noel, đi chiếc đạp mới tôi và mấy thằng bạn thân hẹn nhau tại khu đường Lê Lợi đi phố ăn cà-rem, xem phim ở rạp Rex. Xe đạp đã đậu đầy ở góc đường. Tụi tôi vào chỗ gởi xe đạp trả tiền và lấy thẻ cho ăn chắc. Sau khi xem xi-nê xong, lúc đó gần nửa khuya, đi ra định lấy xe đi tới nhà thờ Đức Bà gần Bưu Điện Sàigòn xem lễ Giáng Sinh dù không có đứa nào có theo đạo Công Giáo cả. Nhưng hỡi ơi, chiếc xe đạp của tôi không còn ở chỗ lúc gởi vào. Tên giữ xe đạp cũng biến đâu mất luôn. Ba chiếc xe đạp của mấy thằng bạn không cánh mà bay mất.

Lòng buồn lắm nhưng vẫn cố gắng đi tìm xe mình ở các góc đường chung quanh. Cuối cùng từ xa tôi thấy lấp lánh màu xanh nước biển dưới ánh đèn đường ban đêm phát ra từ một chiếc xe đạp nằm lẫn lộn trong đám xe đạp nằm ngổn ngang. Đến gần tôi nhận đó là xe của tôi. Mừng quá kéo vội chiếc xe ra. Thất vọng quá đẩy xe không đi vì bánh xe bị kẹt vào ổ khóa do tôi vác ngang vào bánh xe sau trước vào rạp hát. Có lẽ nhờ chiếc ổ khóa kẹt cứng vào cây căm bánh xe nên không cởi đi được. Nếu không thì chiếc xe cũng bay theo với mấy chiếc xe của thằng bạn. Bài học đầu tiên khi ra khỏi nhà: Vật càng quí báu càng lo bảo vệ hơn.

Từ khi có chiếc xe đạp mới, trong túi tôi lúc nào cũng có mảnh vải sạch để lau xe. Mặt mũi tôi có khi tèm lem lại không buồn lau. Nếu thấy có vài hạt bụi nào dính vào sườn xe là vội thò vào tụi kéo mảnh vải ra, lau xe ngay. Thêm nữa, cả tháng đầu sau khi có chiếc xe, tôi rất nóng lòng dù chưa tới giờ đã nhảy lên xe để chạy tới trường sớm hơn thường lệ.

Trường Les Lauriers ở Tân Định tôi học có nam lẫn nữ và có bốn từng lầu cao nằm sát cạnh bên đường cái. Để lấy le các cô nữ sinh với tà áo dài bay trước gió đang đứng trên lầu nhìn xuống đường, tôi và mấy thằng bạn trên con ngựa sắt biểu diễn cho các cô xem không tốn tiền. Đang chạy thật nhanh, thắng gắp quay đầu xe ngược lại 180 độ, rồi tiếp tục chạy tiếp. Đang chạy kéo xe dựng ngược bánh trước lên khỏi mặt đất chỉ còn một bánh sau di động trên mặt đất như con tuấn mã đang đứng trường thẳng người lên chỉ có hai chân sau chống đất. Còn nữa, có khi xe đang chạy, chân nhấc khỏi bàn đập, kéo lên kẹp vào xường xe dưới cái yên. Xong rồi thả hai tay đứng thẳng người lên, vương ra hai tay ra như bị đóng vào tượng thánh giá. Gió lông vào tay áo làm căng chiếc áo như bóng bóng trông giống như dân nhà nghề trong đoàn xiệc của Tây Đức mới trình diễn ở Sàigòn.

Có lần đang đứng trên xe đang chạy hí hửng biểu diễn như thường lệ, bỗng nhiên bánh xe trước chạy trúng một hòn đá to nằm gần giữa đường. Chắc là có lẽ thằng em nào bỏ hòn đá ác nghiệt để hại bạn hiền. Xe đạp lẫn người tôi té nhào xuống đường như là cây đổ. Cùi chỏ, đầu gối chảy máu đỏ, áo quần rách cả. Thân thể đau nhưng không đau khi nhìn thấy chiếc xe đạp đang "bị thương". Niền bánh xe bị cong như con số 8. Tay cầm, tay thắng gãy treo lủng lẳng. Trầy nước sơn là đau nhất. Mắc cỡ quá lết chân cà thọt lặn vào trường một cách bẽn lẽn. Từ đó không thấy bóng dáng tôi trong đám biểu diễn xe đạp trước cửa trường nữa. Bài học thứ hai: Trông thấy dễ mà không phải dễ.

Khi lên lớp đệ tam, tôi bắt đầu thay đổi từ thân thể, giọng nói đến các sở thích. Việc đi xe đạp đối với tôi là lỗi thời rồi. Đi xe đạp thì khó mà có đào lắm. Có biểu diễn xe đạp đến té bể đầu thì cũng không có ai nhìn. Ông anh bà con cho tôi chiếc xe gắn máy Solex cũ. Trên đường tới trường, tôi thường lạng xe Solex đến đậu trước trường Lê Bảo Tịnh nơi cô bạn cùng xóm học ở đó với hy vọng có ai để ý nhìn mình không. Lúc nầy áo quần mặc phải ủi thẳng không một vết nhăn. Các cạnh áo sơ mi, quần tây ủi sắc bén nếu sờ vào có thể đứt tay ngay. Dù đi xe gắn máy, lo ăn diện, lạng tới lạng lui mà chẳng có ma nào theo. Chắc bị các cô che vì mặt mài còn baby quá.

Sau khi đậu tú tài hai, gia nhập Hải Quân để thỏa  mãn mộng hải hồ. Sau khi gia nhập Hải Quân đi học tập ở Quang Trung nếm mùi quân trường. Sau đó về tạm trú tại chiếc tàu tạm trú APL đậu ở bến Bạch Đằng để học Anh văn chờ đi học OCS. Mỗi cuối tuần được đi bờ. Vì không có đào, không có mục, tôi thường đi chơi với các OC mồ côi cùng chung hoàn cảnh như tôi.

Có lần đóng bộ tiểu lễ trắng ủi hồ láng cáu cạnh, tôi chở OC Lễ mụn dân Nha Trang mồ côi đi vòng phố Sàigòn trên chiếc xe Honda mới gia đình mua cho trước khi đi lính. Gặp một nhóm cô gái xinh xinh đi xe Honda PC gần bồn binh chợ Bến Thành. Với OC Lễ ngồi để hai chân một bên (vì lúc đó Sài gòn cấm ngồi để chân hai bên vì sợ bọn VC hoặc ăn cướp đi xe Honda kiểu nầy) tôi mới trổ tài lấy le. Vừa nhìn gái vừa lạng tới lạng lui, chiếc tay cầm xe thình lình móc vào chiếc quay gánh của bà bán hàng đi bên đường. Hai thằng em té nhào, xe văng một bên người văng một bên. Cũng hên bà bán hàng không bị thương gì cả. Trong ấy cùi chỏ của OC Lễ bị sớt chảy máu như các cụ ăn trầu. Quân áo tiểu lễ trắng dính đầy sình. Hai thằng quê quá leo xe thẳng về tàu APL. Sau mấy chục năm gặp lại sáu Lễ, hắn đưa cùi chỏ ra và nhắc đến vết thẹo để đời. Thêm một bài học: Cái đau thì nhớ lâu.

Tưởng là đời mình sẽ lên voi mãi, sau có xe Honda, xe Lambretta, xe Jeep trong đơn vị, thì sẽ có xe hơi riêng. Không ngờ Sàigòn mất vào tay Cộng Sản năm 75 một cách vội vã. Tôi kẹt ở lại Sàigòn. Khổ nhất là sau khi đi cải tạo tự trốn về với hai bàn tay trắng. Đúng là vô sản thật sự. Đi bộ làm chuẩn. Một người bà con thương tình cho tôi mượn chiếc xe đạp cũ. Xe nầy cũ thật. Bánh xe mòn có khúc mảnh mỏng lòi to như bụng con cốc. Không vè trước không vè sau, mà cũng không thắng trước lẫn thắng sau. Thôi có còn hơn không miễn là nó chạy được rồi. Muốn thắng xe thì phải dùng cái đế của chiếc dép Nhật mang dưới bàn chân cà vào bánh xe trước và sau làm xe hãm lại từ từ. Có lần thắng gắp quá cà dép vào bánh xe nóng quá gần bốc khói mà xe cũng không chịu ngừng. Đành phải lủi xe xuống vào bụi cây vậy. Sau một thời gian đi xe đạp mà dép lại mòn mới lạ Mòn theo kiểu hình vành trăng lưỡi liềm lũng sâu đụng da bàn chân. Có được chiếc xe đạp đi là hên lắm còn không là đi xe "lô ca chân" thẳng cẳng.

Nhờ chiếc xe đạp cũ nầy tôi mới có dịp đi tới đi lui móc nối để tìm đường binh vượt biên. Có lẽ một con đường định mệnh đã dành sẵn cho tôi. Những ngày đầu ở Sàigòn bất hợp pháp (cũng lạ mình ở sứ mình, quê mình lại bị gọi bất hợp pháp) tôi lo sợ lắm không dám đi đâu cả. Sau dần nghiên cứu được cách di chuyển an toàn đặc biệt dùng xe đạp. Muốn đi đâu để không bị xét hỏi bởi bọn Công an hoặc không bị nhòm ngó bởi dân hàng xóm làm ăn ten, chỉ có cách là đi xe đạp theo chiều sóng của dân Sàigòn. Buổi sáng, ra khỏi nhà vào lúc hừng đông cùng lúc công nhân viên thành phố cỡi xe đạp đi làm. Lúc ấy trên đường phố đông như rừng. Chiều về, đi xe lẫn lộn theo nhóm xe đạp của nhân công đi làm về. Về đến nhà ai, cả người lẫn xe lặn luôn bên trong cho đến ngày sau mới xuất hiện ra ngoài được. Nếu không thì bị tên ăng-ten hàng xóm báo Công an tới tóm cổ ngay. Không nên di chuyển trong giờ làm việc ban ngày, nếu đi loạng choạng ngoài đường hoặc la cà ở các quán cà-phe là bị hỏi giấy tờ, bị tóm cổ ngay. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng.

Dù cẩn thận như thế nhưng tôi vẫn nghỉ sẽ có ngày bị bắt trở lại. Trên tay cầm xe đạp, luôn luôn có cột chiếc áo mưa và một tờ giấy căn cước giả dấu trong cổ áo mưa. Nếu bị bọn Công An bắt giữ thì tìm cách lấy giấy tờ giả dấu trong áo thừa cơ trốn tiếp. Chỉ hy vọng thôi chứ thật ra không có dễ như vậy đâu.

Về Sàigon tình cờ gặp lại Văn Công Lam Sơn Khóa 21 Hải Quân Nha Trang có lần đi tàu HQ 607 chung với tôi vào năm 1971-72. Sơn cũng đi cải tạo nhưng được cho giấy chính thức về sớm. Hai đứa rủ nhau đi ăn chè ở gần trại lính Trần Quốc Toản cùng bàn tính áp-phe vượt biên. Ăn xong, mỗi đứa một chiếc xe đạp đi song song với nhau về hướng Sàigòn. Đang đi thẳng tự nhiên thấy Sơn quay vội vào hẻm nhỏ bên tay mặt. Về phía trước, tôi giật mình khi thấy một nhóm Công an đang chận khám xét giấy tờ trên con đường nầy. Trốn cải tạo trong người đem giấy giả và sắp bị khám xét, tôi sợ quá làm tim tôi muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi định quẹo theo Sơn nhưng sợ bị nghi ngờ nên đành cứ đi thẳng như đang chuôi vào hang cọp. Không ngờ giấy giả do tôi làm cũng giống thật đến nỗi qua mặt được nhóm Công an nầy. Không biết lần sau có thoát được nữa?

Một tuần trước khi đi vượt biên, đợi chiều trời tối tôi lấy xe đạp từ Sàigòn lên chợ Hóc môn để tìm gặp cô Dung làm ngân hàng. Tôi có lần gặp Dung và trao đổi thư từ kính đáo khi Dung và các cô làm ngân hàng vào thành cải tạo Ông Năm đổi tiền cho bọn Bộ đội trước khi tôi trốn rào ra. Lúc đó các cô vào trại đem theo chiếc xe đạp mini. Không những để ý đến người đẹp mà tôi còn để ý đến xe đạp nữa. Hy vọng nếu tôi có trốn ra sẽ tìm nhà Dung và mượn chiếc xe đạp để trốn về Sàigòn nếu cần. Mục đích của tôi đêm nay là tìm Dung và rũ cô đi vượt biên miễn phí nếu cô muốn. Lúc đó tôi đã nhận làm tài công cho chiếc ghe vượt biên khởi hành vùng cửa sông Gành Hào. Chủ ghe cho tôi đem theo gia đình miễn phí. Trời mưa dầm dề suốt cả dọc đường đi và về. Trời thương vì trời mưa tối nên bọn Công an khó nhận dạng và ít bị khám xét dọc đường.

Áo quần ướt cả. Nước mưa pha lẫn mồ hôi. Tôi tìm được nhà Dung ở trong khu chợ. Nhà Dung chia làm hai phần. Gia đình Dung sống ở phần trong còn phần ngoài mở tiệm bán cà phê và nước ngọt để sống qua ngày. Có lẽ có duyên mà không có phận, tôi không gặp được Dung. Người nhà cho hay là Dung đã về Sàigòn thăm bà con. Đang buồn vời vợi, giựt mình khi thấy hai tên vệ binh hơi quen với chiếc nón cối quen thuộc trong trại cải tạo bước vào tiệm. Nghỉ mình cũng liều thật vì nơi đây chỉ cách thành cải tạo Ông Năm vài cây số thôi. Tôi mới mạo hiểm trốn ra nơi đây lâu không đầy hơn một tháng. Sợ bắt vào chuồng cọp lại, thôi thì đành vội vã leo lên chiếc đạp không thắng trở về lại Sàigon trong cơn mưa buồn tầm tã dài như không bao dứt. Từ đó không còn gặp Dung nữa. Mỗi người có số mệnh do trời định.

Sau khi vượt biên thành công tôi được định cư tại thủ đô Ottawa của Canada. Lập lại cuộc đời tôi đi học lại ở trường đại học Ottawa. Học sinh nghèo như vui tôi chỉ đủ tiền mua lại một chiếc đạp cũ kiểu xe đua của người bạn học. Xe nầy cũ như chiếc xe đạp tôi mượn lúc ở Sàigòn ngay trước khi vượt biên. Có lẽ nó còn già hơn tôi và đã truyền qua bao nhiêu đời sinh viên. Dành vừa đủ tiền 20 đồng Canada để mua chiếc xe. Dùng xe đạp đi học và tới chợ siêu thị nào có giá rẻ ở bên kia bờ sông hoặc hoặc khu phố xa khác. Mỗi chiều thứ Sáu, các bạn học Canadien tới bar để nhậu happy hour, còn tôi thì lầm lũi với chiếc xe đạp lọc cọc hướng về chợ siêu thị. Những thức ăn tôi mua rất đơn giản và rẻ tiền như bánh mì kiểu sandwich, carrot, khoai tây, sửa, cereal chất cả túi ba-lô cho cả một tuần. Xong rồi leo lên chiếc xe đạp đi về trên vai vác chiếc ba-lô nặng trĩu như các kỳ thăm nuôi ở rừng Katum về trại.

Vào mùa đông ở vùng Ottawa rất lạnh và có tuyết nhiều. Có khi tuyết cao bằng đầu người. Dân Canada nói chung và dân vùng Ottawa nói riêng luôn luôn sinh hoạt bình thường dù có tuyết hay không. Không giống như vùng Washington tôi đang ở mỗi lần có tuyết hơi cao một chút là trường học đóng cửa có khi các sở đóng cửa theo. Ở Ottawa có lần tuyết rơi cả tuần, hết thức ăn trong tủ lạnh, tôi đành liều lấy xe đạp đi chợ. Lạnh quá, từ đầu đến chân tôi trùm hết quần áo ấm tôi có chỉ chừa hai con mắt trông giống như Ninja. Đi đạp xe dưới tuyết rơi là một thử thách và thú vui. Một lúc sau, tôi bắt đầu giống như người tuyết (snowman) đang đạp xe trên con đường vắng. Tuyết cao với bánh xe mòn, xe thường trợt như ice skating khoảng mấy thước mới lấy lại thăng bằng. Ước gì xe đạp có gắn bánh xe tuyết (snow tire) thì đỡ biết mấy. Cuối cùng tôi về tới nhà an toàn. Ở đâu quen đó. Đông qua rồi đến xuân.

Mùa xuân ở Ottawa có một vẽ đẹp khác mùa đông. Để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố mùa xuân, lúc rảnh tôi thường đi xe đạp dọc bờ kinh đào Rideau chạy về trung tâm thành phố nơi có hàng rừng hoa tulip nở đầy đủ màu tuyệt đẹp. Những hoa tulip đặc biệt nầy do chính phủ Hòa Lan gởi tặng mỗi năm để ghi ơn nước Canada đã cho bà hoàng hậu họ tị nạn Hitler trong Thế giới Đại chiến thứ Hai.

Sau khi ra trường tôi dọn về quê vợ vùng Washington. Gia tài của tôi chỉ có chiếc xe đạp cũ. Nó là một kỷ niệm đẹp đem theo để nhớ về bốn năm học qua. Chiếc xe đạp trung thành đã cho tôi phương tiện đi lại, chợ búa trong những lúc nghèo thiếu phương tiện. Tôi và xe đạp leo lên mấy bay về vùng thủ đô Hoa kỳ để bắt một cuộc đời mới.

Nhập vùng Washington, nếu phải đi làm việc bằng xe đạp thì tự tử sướng hơn. Xe hơi nhiều, chạy nhanh kinh khủng. Đi làm xa, tôi mua được chiếc xe hơi mới trả góp. Chiếc xe đạp cũ nằm trong tool shed chờ hết mùa nầy sau mùa khác vẫn không thấy tôi leo lên cởi một lần. Thời gian dài trôi qua, hết đi xe hơi kiểu nầy đến kiểu khác kể cả xe SUV. Cuộc đời thật là lên voi, đầy đủ, thoải mái và quên đi chiếc xe đạp cũ đã theo tôi xuống vùng nầy. Thành quả của sự nhàn hạ làm tôi phải thay quần áo hoài (nhưng không dám thay vợ) vì cái bụng cứ nổi to như các bà có bầu khoảng bốn năm tháng. Vợ có bầu là thường mà chồng cũng có bầu thật là lạ.

Trong những lần thử máu trước đây, mực Cholesterol đã bắt đầu cao. Tôi hứa với ông bác sĩ gia đình là sẽ ăn kiêng cữ chất mỡ, thịt và ráng ăn nhiều rau cải, trái cây. Hứa thêm là sẽ tập thể dục đều đặn. Nhưng hứa một lẽ còn làm hay không là chuyện khác. Làm theo chương trình mấy ngày đầu và cao lắm là một tuần sau khi nghe lời khuyên bác sĩ. Nhưng sau đó thì không vì lý do nầy nọ, lại dẹp tiệm. Sống có bao lâu mà lo cho mệt. Chưa thấy quan tài chưa có đỗ lệ.

Tránh lâu không được. Sau khi đi khám kỳ nầy, ông bác sĩ chê quá và quyết định bắt tôi uống thuốc để giảm bớt Cholesterol trong máu nhưng tôi vẫn từ chối và hứa tiếp. Có phải đời trước tôi có phải là họ Hứa không? Thêm nữa nghe tin mấy người bạn thân bị heart attack, kỳ nầy quyết làm ăn thật sự.

Như thêm áp lực nặng tấn công từ "miền tây", vợ tôi mua cho helmet, mắt kiếng dâm, bộ giầy, bộ quần áo high tech dành cho dân Pro và một chiếc xe đạp mới loại để leo núi (mountain bike) nếu cần. Tôi cố gắng từ chối cách khéo (nhưng không thành) với lý do tôi đã có một chiếc xe đạp cũ đem từ Ottawa xuống vẫn còn đi được. Hồi xưa đi xe đạp có cần mấy cái thứ nầy đâu. Cuối cùng cũng tới nơi tới chốn có chết thằng tây nào đâu. Lệnh bà xã vẫn cao hơn lệnh bác sĩ. Thế là cuối tuần tôi phải vác con ngựa sắt chạy đường trường. Không có ai đuổi mà chạy dữ vậy? Nghỉ cũng lạ, có xe hơi kiểu nầy kiểu nọ mà không nên đi, lại nên đi xe đạp. Xe đạp đã lỗi thời lâu rồi!

Tháng Chín vừa rồi tôi có dịp đi họp ở Reagan Building ở downtown gần tòa Bạch Ốc. Thay vì đi xe metro từ nhà đến chỗ họp, tôi cởi chiếc xe đạp. Làm một công hai chuyện, vừa đi làm vừa tập thể dục theo lời bác sĩ và vợ bảo. Hy vọng Cholesterol sẽ giảm bớt vài độ. Đi dược tất cả bốn ngày, mỗi ngày khoảng 40 cây số đi về. Đến ngày thứ ba là bắt đầu ngán rồi. Nhất là lúc lên dốc cao trên đường về nhà. Lúc nầy ước gì có chiếc xe hơi đi thì khỏe biết mất. Thế mới biết tại sao thiên hạ vẫn thích đi xe hơi hơn đi xe đạp.

Thê thảm hơn nữa cái đốt xương đuôi khỉ cụt dưới bàn tọa sưng lên. Ngồi ghế là một cực hình. Đúng là ngồi lâu ể đít. Một khảo cứu mới cho biết những ai cả đàn ông lẫn đàn bà nếu đi xe đạp nhiều có thể bị bịnh không có con. Ngồi lâu trên yên xe đạp, sức nặng kéo đè xuống làm cho những thần kinh về sinh dục bị hư hại. Kết quả là tuyệt dương luôn. Nếu có bị như vậy cũng chịu thôi vì thà mất thằng nhỏ hơn mất thằng lớn.

Năm nay mùa thu đến vùng Washington hơi trễ hơn mọi năm. Thế rồi gió thu lạnh thổi, lá vàng bắt đầu rơi. Mùa thu thật sự đã đến. Tiếng lá khô xạc xào dưới bánh xe lăn ngang qua trên con đường mòn dành riêng xe đạp và người đi bộ từ vùng Bethesda đến Georgetown, Washington D.C. Con đường này chạy giữa con kinh đào C&O (Cheasapeak & Ohio canal) và sông Potomac. Đạp xe tới khu phố Georgetown mất khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Tới nơi mặc dù mồ hôi ướt thấm áo nhưng tâm hồn tôi thật thanh thản yêu đời. Trong tia nắng thu vàng ấm, ngồi nhấm ly cà phê sửa đá Starbucks, ngắm thiên hạ đi phố tấp nập như Sàigòn ngày nào. Lòng tôi mãn nguyện. Tình cờ nhìn chiếc xe đạp dựng bên đường, bâng-khuâng tự hỏi có phải tôi vừa mới đi xong một vòng quỹ đạo quan trọng của đời tôi? Và có phải tôi bắt đầu đi vào đoạn đường của tuổi xế chiều như những chiếc lá thu vàng?

 Nguyễn Hồng Quang
Mùa Thu 2005-Vùng Washinton, D.C.