SỐ 28 - THÁNG 10 NĂM 2005

 

Thư Tòa Soạn

Thơ
Lỡ gặp nhau
24 NNguong
Bãi sau
23
Hoàng Du Thụy
Mắt em màu biển cả
21
Huỳnh Kim Khanh
Bóng chiều
20
Trần Việt Bắc
The mistake
19
Nguyễn Xuân Vời
Lá thu
19
Hoàng Mai Phi
Một cõi chập chùng

18
Tôn Thất Phú Sĩ
Cảm tạ tình anh
18
Kim Thành
Chuyện tình xóm cũ

17
Maihoado
Trang thơ cũ
17Ngọc Trân
Tôi kể em những điều tháng 9
16Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Thu và những mảnh vụn ký ức
15
U Miên
Mộ gió
14
Phan Thái Yên
Dấu mặt trời
13
Hoàng Du Thụy
Mùa thu đời người
12
Cỏ Biển
Chuyện nhỏ một đêm trăng
11
Nguyên Nhi
Gặp nhau trên đất Mỹ
10
Phạm Hồng Ân
Chiếc xe đạp cũ
9
Nguyễn Hồng Quang
Cỏ mềm lãng đãng
8Song Thao
Tôi đi xem đêm nhạc Châu Đình An
7Nguyễn Ch.

Dịch thuật, biên khảo
Con đường sương
4Vũ Hoàng Thư
Nhà Trần khởi nghiệp
4Trần Việt Bắc
Huê
4Xuân Phương
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 15

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
2 Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 22
1 Huỳnh Kim Khanh


 

Nhà Trần khởi nghiệp – Kỳ 2

 

Phần 2: Loạn “Sứ quân”
Lúc này (tháng 7, năm Kỷ Tỵ,1209),  vua Cao Tông vẫn còn lánh ở tại miền Quy Hoá.  Theo ĐVSKTT thì: “Anh em họ Trần họp hương binh để dẹp loạn, rước vua về kinh, khôi phục chính thống. [26b] Trừng trị bọn Quách Bốc làm loạn, xử tội theo mức độ khác nhau”, diễn biến này cũng  được diễn tả tương tự như trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KĐVSTGCM) là sau khi dẹp xong loạn Quách Bốc, Trần Tự Khánh và Trần Thừa đón nhà vua về cung (1). Tuy nhiên, khác hẳn với ĐVSKTT và KĐVSTGCM, Đại Việt Sử Lược không nói tới việc  ai đã rước vua về cung, lại còn viết là : “Nhà vua (Cao Tông) sai Phạm Du đến Hồng Lộ (2) để huấn luyện quân sĩ sắp đánh người ở Thuận Lưu” (ĐVSL) là bọn Trần Tự Khánh (3).

Cùng một thời điểm nhưng sự việc lại được viết khác và trái ngược hẳn với nhau. Như đã nêu lý do ở phần mở đầu, người viết dùng ĐVSL để làm tài liệu tham khảo chính, vì sử liệu cũng như thời điểm viết sử, bộ sử này đã đưa ra nhiều chi tiết hơn hẳn những bộ sử khác (ĐVSL đã được hoàn tất thời Trần Phế Đế)



Bản đồ lưu vực sông Hồng với địa danh thời Lý

Biết Thái tử lập triều đình riêng và phong tước bừa bãi cho Trần Lý, Tô Trung Tự,…, nên vua Lý Cao Tông muốn đánh dẹp đám “phản thần” này, nhưng Cao Tông lại là một ông“Vua chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm, ….” (ĐVSKTT), nên triều đình không đủ tài chính để có được một đội binh tương đối tạm, dù chỉ dùng để bảo vệ kinh thành, chứ chưa nói đến chuyện tấn công các đám giặc cướp nổi loạn (4). Vì vậy Phạm Du được vua Cao Tông sai đi để liên lạc với họ Đoàn (Đoàn Thượng, Đoàn Văn Lôi) ở vùng Hồng (phía tây tỉnh Hải Dương ngày nay), nhà vua muốn dùng binh lực của đám này để đánh đám họ Trần cùng Tô Trung Tự và “triều đình” mới lập. Được nhà vua cử đi, nhưng ông này là một viên quan không ra gì, lãnh nhiệm vụ quan trọng mà còn bê tha trễ nải, vì “biết đã đến lúc dân ở vùng Hồng đi đón rước mà Phạm Du còn cùng với Công chúa Thiền Cực tư thông” (ĐVSL), trễ hẹn, người vùng Hồng bỏ về, Phạm Du phải tìm cách đi riêng (không được người vùng Hồng bảo vệ). Từ Thăng Long, Phạm Du dùng thuyền đi về hướng đông theo đường sông (có lẽ là sông Thiên Đức, tức sông Đuống ngày nay). “Đi đến Cổ châu mới dừng lại rồi theo đường bộ đến xã A Cảo thuộc vùng Ma Lãng thì bị người ở Bắc Giang là Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải bắt đưa cho Vương tử Sam giết đi” (ĐVSL). Họ Nguyễncát cứ ở Bắc Giang, lúc này chắc hẳn đã liên minh với họ Trần ở Thiên Trường, phò Thái tử Sảm,  nên mới chống lại triều đình và giết Phạm Du.

Phạm Du chết, triều đình không được binh lực của họ Đoàn ở vùng Hồng không tiếp sức. Được viên hoạn quan là Phạm Bỉnh Di cai quản một đội quân tàm tạm (đủ sức để “gà nhà bôi mặt đá nhau” và đánh thắng Phạm Du khi ông này làm loạn, còn để chống ngoại xâm thì NV không dám bàn!!!), nhưng Di với con là Phụ đã bị nhà vua giết chết,  rồi sau đó bộ tướng của Di làm phản, hoàng tộc phải bôn tẩu khỏi kinh thành, một triều đình không còn sức để bảo vệ chính mình, vua Cao Tông thấy mình bất lực.

Năm Kỷ Tỵ, 1209, Trần Tự Khánh thấy hoàng cung gần như không còn binh lực phòng thủ,  nên “mùa thu, tháng 8, bọn đồ đảng ở Thuận Lưu sung sướng về việc Phạm Bỉnh Di chết mới rầm rộ đốc xuất thuyền bè, quân lính tiến đánh kinh sư” (ĐVSL). Quân trên bộ “tiến thẳng vào trong cung cấm đánh cắp các đồ vật quí báu” (ĐVSL) còn thủy quân thì “ngờ là có quan quân đến đánh nên đều chèo thuyền rời qua phía bắc. Gió thổi mạnh, tất cả thuyền bè đều trôi giạt tản mát cả ra. Hai đội quân (trên bộ) nghe tin ghe thuyền đã thất lạc mới bỏ chạy tán loạn cả. Người kinh thành đuổi theo giết chết hơn 300 tên” (ĐVSL). Ra quân lần này, đám Thuận Lưu là bọn Trần Tự Khánh có lẽ muốn làm chuyện lớn, với âm mưu đưa thái tử Sảm lên làm vua (5) (Thái tử đang ở Hải Ấp – phía tây bắc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, ngày nay) nên mang theo cả hàng ngàn quân (NV: đây là quân số phỏng đoán, vì chết 300 quân bộ cùng số quân bộ chạy thoát, cộng thêm với số quân thủy bị thất tán). Tuy nhiên bọn Trần Tự Khánh đã không thành công . Thật là đáng phục những người ở kinh thành lúc này, dù không phải là một tổ chức quân đội có qui củ, thế mà đã dám đứng lên đánh đuổi kẻ làm giặc.

Tô Trung Từ thao túng triều đình nhà Lý.

Tháng Giêng năm Canh Ngọ (1210),“Tô Trung Tự từ lúc kín đáo nhận lãnh cái tước do Vương tử Sảm phong cho thì sợ tội trạng sẽ đến với mình mới bắt ép binh lính đánh Khoái châu (6) . Nhân đó bắt bọn Vương tử Sảm đem về kinh sư.”(ĐVSL). Ông này vì lo lắng cho cái tước “ngụy” của mình, sợ triều đình đem quân hỏi tội, bèn tính chuyện “nhất chín nhì bù” là tấn công Khoái châu và đám quân của họ Trần ở Hải Ấp để bắt Thái tử, sau đó lấy lý do đưa Thái tử và Đàm Hoàng hậu hồi cung để mang quân tới kinh đô, mang được quân về kinh đô khi nơi đây vắng binh lực là có thể “vùng vẫy dọc ngang”. Tô Trung Từ thi hành kế hoạch này, thế là cậu cháu xích mích, họ Tô và họ Trần bất hoà . Tại đế đô, với binh lực trong tay, Tô Trung Từ ra tay thao túng triều đình. Tình thế lúc này tương tự  như cảnh Đổng Trác kéo quân về Lạc Dương lúc đầu thời Tam Quốc bên Trung Hoa. Tuy nhiên có một điểm khác là Đổng Trác được Hà Tiến gọi về, còn Tô Trung Từ  tự kiếm lấy lý do để mang quân về kinh đô, và Từ không đến nỗi tàn hại như Trác, vì Từ không cướp bóc và giết hại thường dân (NV không thấy ĐVSL hay những bộ sử khác viết về chuyện cướp bóc và giết hại thường dân của Tô Trung Từ) , dù ông này đã khá mạnh tay thao túng và giết quan lại triều đình nhà Lý.

Thái tử về lại Thăng Long, “nhà vua sai quan Thượng phẩm Phụng ngự là Đỗ Quảng sang “nhà” Tô Trung Tự để đón Vương Tử Sảm. Các quan viên tạm thời của Vương Tử Sảm đều chạy trốn đi hết cả ” (ĐVSL). Các “quan viên” này có lẽ đã trốn đi trước khi Tô Trung Từ đánh Hải Ấp, vì ông này cũng là một trong số đó, cũng vì sợ nên phải làm liều. Anh của Hoàng hậu là Đàm Dĩ Mông cũng trốn. Tuy nhiên, ông này dùng âm mưu khác để chạy tội là “Dĩ Mông cùng với kẻ thuộc hạ của ông âm mưu bắt những người đã nhận lãnh tước do Vương tử Sảm phong để chuộc lại cái tội ấy” (ĐVSL). Để thực hiện kế hoạch “lập công chuộc tội”, ông ta và đồng đảng truyền hịch chiêu mộ quân binh, bắt những người đã được Thái tử Sảm phong tước. Số người bị bắt là 28 người. Họ Trần ở Thiên Trường  cũng bị  Đàm Dĩ Mông mang người ở vùng Gia (?) và Thanh Hóa tiến đánh (vì Trần Lý đã được phong tước Minh Tự?). Đàm Dĩ Mông không phải là địch thủ của anh em họ Trần (Trần Thừa và Trần Tự Khánh,…) nên bị thua. “Do đó các đạo binh khác nghe tin thất trận đều dẫn binh về” (ĐVSL) . Đàm Dĩ Mông mang những người bị bắt tổng cộng là 28 người nộp cho Đỗ Anh Doãn (7), nhưng lại bị Doãn mắng . Phạm Bỉnh Di thẹn và lui ra, tuy nhiên “Đàm Dĩ Mông vẫn tại chức như cũ(8)(KĐVSTGCM).

Năm Canh Ngọ (1210) “Mùa đông, tháng 10, vua không khỏe, gọi Đỗ Kính Tu và nhận mệnh ký thác. Ngày 28 Nhâm Ngọ, vua băng ở cung Thánh Thọ”. (ĐVSKTT).
Hoàng thái tử Sảm lên ngôi ở trước linh cữu bấy giờ mới 16 tuổi. Tôn mẹ là Đàm thị là Hoàng thái hậu, cùng nghe chính sự.” (ĐVSKTT). Thái Tử Sảm lên ngôi là Lý Huệ Tông.

Được tin vua Cao Tông băng, không bỏ lỡ cơ hội để mang quân về kinh thành, “quan Minh tự ở Thuận Lưu là Trần Tự Khánh thống xuất thuyền bè và quân lính đóng ở bên Tế Giang (9) để mời người cậu của y là Tô Trung Từ cùng đi viếng tang vua Cao Tông. Tô Trung Từ cũng ngờ Trần Tự Khánh hai lòng. Trần Tự Khánh bèn kéo quân về” (ĐVSL). Không ngờ sao được! Tô Trung Từ đã cướp Thái tử từ tay họ Trần ở Hải Ấp, hiềm khích đã có từ lúc này, nếu Trung Từ nghe lời mời của của Tự Khánh, để cùng nhau đi viếng tang vua Cao Tông, thì tình thế chắc cũng sẽ giống như lúc Lưu Bang đi dự yến Hồng Môn, hay Quan Công phó hội Giang Đông, tính mạng sẽ khó an toàn. Còn nếu dùng binh lực để tấn công Tự Khánh thì chưa chắc đã thành công, vì họ Tô thừa biết binh lực của họ Trần, hơn nữa thiếu lý do chính đáng. Phần Trần Tự Khánh, thấy ông cậu nghi ngờ thì cũng phải thôi, không lẽ để xảy ra cảnh cậu cháu chém giết nhau, hơn nữa đã một lần Tự Khánh mang quân về kinh thành cướp bóc, nhưng đã bị đánh bại bởi người kinh thành. Trần Tự Khánh rút lui và đợi cơ hội khác.

Lúc này, vùng châu thổ sông Hồng đã có bốn lực lượng nổi lên như sau:
-Tô Trung Từ có quân đội ở kinh thành, đang quản thúc vua Huệ Tông cùng triều đình nhà Lý .
-Anh em họ Trần (Trần Tự Khánh và Trần Thừa) ở Thiên Trường.
-Họ Đoàn (Đoàn Thượng và Đoàn Chủ) ở vùng Hồng.
-Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải ở Bắc Giang.

Bốn lực lượng đang chờ cơ hội tiêu diệt nhau để tranh bá, rồi sau đó; nếu ai diệt được hết những lực lượng khác sẽ thành bá chủ và biết đâu sẽ có thể thay thế nhà Lý làm vua Đại Việt!
Vừa lên ngôi, vua Cao Tông “sai đón ngưới con gái thứ hai họ Trần, nhưng Trần Tự Khánh không cho” (10) (ĐVSL). Ông Trần Lý đã cho con gái mình làm vợ vua Cao Tông, thế mà Tự Khánh lại không cho nhà vua đón về. Quyền hành nhà vua chả còn gì. Trong thì bị Tô Trung Từ kiềm chế, ngoài thì bị đám loạn quân coi thường, vua Huệ Tông chỉ là một ông vua bù nhìn với một triều đình chờ sụp đổ.

Nhà vua dùng quan Thái phó là Đỗ Kính Tu làm Thái Uý” (ĐVSL). Đỗ Kính Tu  cố tìm cách loại Tô Trung Từ để triều đình khỏi bị ông này thao túng, nhưng chính quan nhà Lý lại phản lẫn nhau. “Tháng chạp, quan Chi hậu Phụng ngự là bọn Đỗ Quảng bắt Kính Tu đưa cho Tô Trung Từ dìm xuống nước cho chết ở bến ại Thông”( ĐVSL). Sau đó,Tô Trung Từ nghe tin là  Quan nội hầu Đỗ Thế Qui, Đỗ Quảng và Phí Liệt âm mưu phát binh để đánh mình, ông này bèn dẫn quân đánh úp những người này trước. Tuy nhiên, khi sắp muốn đánh thì Trung Tự mới biết là quân số của mình ít hơn đám quân của Đỗ Quảng quá nhiều. Trung Từ bèn lập mưu lừa mấy ông này để Từ tìm cách tăng viện binh. Sau khi thêm quân và thấy là có thể chắc thắng, Trung Từ bèn tấn công và  đánh bại bọn Đỗ Quảng. Đỗ Quảng và Phí Liệt  trốn thoát, Đỗ Thế Qui bị bắt, sau đó bị Tô Trung Từ hành hình ở ngoài chợ một cách dã man, dù bị như vậy, “ nhưng thần sắc của Đỗ Thế Qui vẫn tự nhiên cho tới chết” (ĐVSL), thật là phục sự can đảm của ông này, triều đình nhà Lý vẫn còn có được một người!

Thế là những dự tính dùng binh lực để chống lại Tô Trung Từ đều bị dập tắt và ông này càng ngày càng lộng hành hơn nữa. Sau đó, “Nhà vua cho Tô Trung Từ làm Chiêu thảo Đại sứ, Đàm Dĩ Mông làm Thái Úy” (ĐVSL). Với chức quyền và binh lực trong tay, hai ông này tìm cách loại những quan chức của triều đình mà họ không ưa. Cuối thời vua Cao Tông, Đàm Dĩ Mông đã bị Đỗ Anh Doãn mắng vì nhận chức “ngụy” của Thái tử Sảm (nay là vua Huệ Tông), nay với quyền lực trong tay, để trả mối thù cũ,  ông này ép vua hạ chiếu giết Đỗ Anh Doãn  cùng với ba ông quan khác là Doãn Đình, Nguyễn Nguyên, Nguyễn Nhân. Tiếp theo đó, viên hoạn quan “sâu dân mọt nước” này, với chức Thái úy còn ép vua tấn phong cho mình tước vương. “Vua mới lên ngôi, đem việc nước giao cho Thái uý Đàm Dĩ Mông. Dĩ Mông là người không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát”. (ĐVSKTT)

Tháng Giêng năm 1211, sau ba tháng lên ngôi, lần thứ nhì, vua Cao Tông “lại sai người đi đón người con gái thứ hai của họ Trần về, nhưng Trần Tự Khánh không cho” (ĐVSL). Ông vua trẻ tuổi này cũng khá chung tình, có lẽ đây là một điểm đáng khen của vua Huệ Tông! Không làm gì được Trần Tự Khánh, nhưng vì nhớ vợ, nhà vua lại phải kiên nhẫn cho người về Thiên Trường đón Trần Thị Dung một lần nữa. Lần này thì Trần Tự Khánh để cho em gái mình về cung. Sau khi chuẩn bị kỹ càng việc về cung của cô em gái, “Trần Tự Khánh sai (11)quan túc trực ở nội điện là Phùng Tá Chu, cùng với viên tỳ tướng của y là Phan Lân, Nguyễn Ngạnh đưa người con gái ấy về kinh sư ” (ĐVSL).

Về đến kinh sư, “Gặp lúc Tô Trung Từ cùng với Đỗ Quảng đánh nhau ở cửa Triều Đông nên bọn Phùng Tá Chu phải đậu thuyền ở bến Đại thông” (ĐVSL). Trong khi đậu tại bến này chờ cho dứt cuộc giao tranh, “Tô Trung Từ cho Phan Lân và Nguyễn Ngạnh mượn binh” (ĐVSL) để đánh Đỗ Quảng. Nhiệm vụ của hai ông này là hộ tống Trần Thị Dung vào cung, nhưng lại kéo nhau đi đánh Đỗ Quảng. Không biết đây là âm mưu của phe nào, Khánh hay Từ. Đương nhiên Tô Trung Từ muốn loại Đỗ Quảng, vì ông này là cái gai trước mắt, Đỗ Quảng còn sống thì Tô Trung Từ chưa thể thao túng toàn bộ triều đình nhà Lý. Trung Từ biết Phan Lân và Nguyễn Ngạnh là người có khả năng, lại mang theo một đoàn quân để hộ tống em gái Trần Tự Khánh về cung, nên muốn  dùng quân của hai ông này cộng thêm với quân của mình để diệt Đỗ Quảng. “Rồi thì quân của Đỗ Quảng thua to. Tháng nhuận bắt được Đỗ Quảng ” (ĐVSL). Diệt xong bọn Đỗ Quảng, Tô Trung Từ làm chủ toàn bộ lực lượng ở kinh thành. “Tháng 3, dùng Chiêu thảo Đại sứ là Quan nội hầu (12) Tô Trung Từ làm Thái úy” (ĐVSL). Sau đó bọn Phùng Tá Chu đưa cô em gái của Trần Tự Khánh vào cung. Giờ đây nhà vua mới được thỏa lòng mong ước (sau ba lần đón rước với hai lần hụt một lần thành). Vua Huệ Tông “lập người con gái thứ hai họ Trần làm Nguyên phi...Mùa hạ, tháng 4  an táng vua Cao Tông(13) (ĐVSL).

Với chức Thái uý, Tô Trung Từ nắm toàn bộ binh lực của triều đình (14). Để làm ra vẻ ta đây chính thức là một vị quan uy quyền của triều đình và để thị oai, Tô Trung Từ mang Đỗ Quảng cùng đồng bọn ra cho “nhà vua cùng với Thái hậu ngự ở cửa Cảnh Diên  xét án. Bọn Đỗ Quảng bảy người đều bị xử chém” (ĐVSL). Trong lúc Tô Trung Từ đang lo khuynh loát triều đình thì các bộ tướng của ông này lại tìm cách hại lẫn nhau. Nguyễn Tự và Nguyễn Đà La là hai trong những bộ tướng theo Tô Trung Từ kéo quân về kinh thành. Nguyễn  Đà La lại là con rể của Tô Trung Tự. “ Một tướng dưới quyền  là của Nguyễn Tự là Nguyễn Giai báo cho Tô Trung Tự biết là Tự muốn giết Đà La rồi nhân đó làm phản.  Tô Trung Tự giận rồi tước đoạt binh quyền của Nguyễn Tự. Nguyễn Tự sợ chạy sang Quốc Oai” (ĐVSL). Không biết lời tố giác của Nguyễn Gia là thật hay vu oan, tuy nhiên vì việc này mà Nguyễn Tự sau này sẽ trở thành một “sứ quân” có đất đai riêng, và có một lực lượng quân sự khá mạnh để tranh hùng với các “sứ quân” khác.

Năm Tân Tỵ (1211), “Tháng 6, Tô Trung Từ ban đêm sang nhà ở Gia Lâm để cùng với công chúa Thiên Cực tư thông bị chồng của Công chúa làm Quan nội hầu là Vương Thượng giết chết” (ĐVSL)

Thế là sau một năm rưỡi (từ tháng Giêng năm 1210 tới tháng 6, 1211), kẻ khuynh loát triều đình nhà Lý là Tô Trung Từ bị giết chết và chết một cách lãng nhách, “dâm phu” bị chồng của “dâm phụ” (15) đập chết tươi vì ghen tuông ! Có phải Tô Trung Từ bị chết vì chuyện ghen tuông tầm thường của thế nhân mà thời nào, xã hội nào cũng có? Cá  nhân người viết không nghĩ như thế vì nhận thấy có vài điều đáng suy nghĩ trong câu văn này, đó là địa danh Gia Lâm cùng tên của hai nhân vật là Công chúa Thiên Cực và Vương Thượng. Từ sự suy nghĩ này, người viết xin phép đưa ra một giả thuyết, xin lập lại đây chỉ là giả thuyết, để độc giả cảm thấy bớt nhàm chán .

Gia Lâm là tên của một huyện cạnh Thăng Long, nơi Tô Trung Từ bị giết. Còn nhàVương Thưọng thì ở mãi Châu Lạng (Lạng Sơn ngày nay). ĐVSL viết cho sự việc xảy ra năm 1214 : “Nhà vua mới cùng với Thái hậu chạy đi ngụ tại nhà Quan nôi hầu là Vương thượng ở Châu Lạng” . Có thể Vương Thượng được sai đi trấn thủ ở Lạng châu, sau khi Tô Trung Từ đã bị giết, tuy nhiên nếu Vương Thượng và vợ là Thiên Cực Công chúa đã ở đây từ trước thì giả thuyết này sẽ hào hứng hơn.

Tô Trung Từ thao túng triều đình một năm rưỡi, ông này đã gây quá nhiều thù hận với quan lại nhà Lý và dân kinh thành. Càng lúc ông ta càng chuyên quyền. Bất cứ vị quan nào còn trung với nhà Lý đều muốn trừ khử ông ta. Những ai có hành động nào chống đối; đều bị Tô Trung Từ giết thảm khốc: quan Thái Phó Đỗ Kính Tu bị dìm nước cho chết, Quan nội hầu Đỗ Thế Qui bị chặt chân tay và mổ bụng ở giữa chợ Đông, xử trảm Đỗ Quảng và đồng bọn bẩy người. Rồi còn bao nhiêu binh lính và dân kinh thành bị tử vong vì những chinh chiến do ông này mang tới. Hơn nữa, những lực lượng khác như người ở vùng Hồng, Bắc Giang, Nam Sách và ngay cháu là Trần Tự Khánh cũng muốn tiêu diệt ông này. Muốn thì nhiều rất nhiều người muốn, nhưng thi hành thì không phải là việc dễ dàng. Tô Trung Từ cũng thừa biết rằng mình ở trong tình thế cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy họ Tô phải cẩn thận bảo vệ chính mình, nên đi đâu cũng có quân lính hộ vệ chung quanh.

Muốn loại Tô Trung Từ thì phải tách ông này xa đám quân hộ vệ. Để thi hành kế hoạch , chỉ có dùng cách dụ để ông này tự ý tách riêng, như thế mới có thể hạ thủ một cách dễ dàng. Muốn cho Trung Từ đi riêng thì phải dụ cho ông ta làm đi làm chuyện riêng tư, và chuyện riêng tư thì không muốn cho ai biết, thí dụ như đi “ăn vụng”. Chả ai đi “ăn vụng” mà mang theo cả đoàn quân? Dụ cho Trung Từ làm chuyện này thì phải có “mồi” ngon. Mồi ngon cho ông này là mỹ nhân. Anh hùng cũng khó thoát khỏi ải mỹ nhân . Phương chi Tô Trung Từ chưa hẳn đã là anh hùng hay hảo hán, ông này có hành động như một loạn tướng thì đúng hơn. Không đủ sức thì dùng “mỹ nhân kế”, thiên “Bại chiến kế” trong Binh Pháp Tôn Tử vậy.

Thiên Cực Công chúa, vợ của Vương Thượng chắc phải là một người đàn bà rất đẹp, vậy mới có thể dụ được Phạm Du, rồi sau đó lại lôi cuốn Tô Trung Từ tư thông. Đám quan văn nhà Lý chắc là đã  đọc Bắc sử thời Tam Quốc, nên biết được việc Vương Doãn dùng mỹ nhân kế để ly gián Lã Bố và Đổng Trác.  Trác đã bị Lã Bố đâm chết (16). Họ muốn thi hành  mưu kế tương tự nên nhờ Vương Thường và vợ là Thiên Cực Công từ Lạng Châu về giúp để thi hành mỹ nhân kế. Màn kịch phải được đóng thật khéo, vì chỉ một chút sơ sót thì ít ai sống sót. Chuyện Công Chúa Thiên Cực “ăn vụng” (đã đi vào sử sách) thì Vương Thường chắc đã biết, nhưng có lẽ chả dám làm gì với bà vợ Công chúa này. Vậy thêm một lần nữa cũng chả sao! Hơn nữa lần này là “ăn vụng có chính nghĩa”.  Thi hành mưu kế, Vương Thượng dàn phục binh, trong khi Tô Trung Từ chỉ mang theo vài người tâm phúc. Trung Từ đã lọt bẫy và đã bị Vương Thượng cùng  phục binh giết chết. Có một trùng hợp khá lý thú ở đây là Vương Doãn, người dùng mỹ nhân kế giết Đổng Trác cũng cùng họ với Vương Thường và cục diện cũng tương tự như nhau.

Tô Trung Tự đã chết, nhưng triều đình suy vong với đám quan lại yếu hèn này lại sẽ có một “Tô Trung Tự” khác lên thay, cũng như nhà  Đông Hán, hết nạn Đổng Trác lại đến họa Tào Tháo vậy.

(còn tiếp)

Trần Việt Bắc


1. KĐ VSTGCM:“ Anh em họ Trần mới chiêu tập quân hương dũng dẹp yên đảng loạn, rước nhà vua ở Quy Hóa về cung

2. Theo như ghi chú trong ĐVSKTT thì Hồng lộ  thuộc phía tây tỉnh Hưng Yên ngày nay (xin coi bản đồ)

3. ĐVSL: “Ngày Kỷ Dậu quan Minh tự ở Thuận Lưu là Trần Tự Khánh….”. Người viết đã cố gắng tra cứu về điạ danh “Thuận Lưu”,  nhưng không tìm ra vị trí rõ ràng (ĐVSKTT, KĐVSTGCM, Đại Nam Nhất Thống Chí-Quốc Sử Quán triều Nguyễn, v. v…). Tuy nhiên theo như  ĐVSKTT thì họ Trần tới đời Trần Lý vẫn ở  “Hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường”. Rồi sau này Tự Khánh được phong tước là Thuận Lưu bá, thì có thể Thuận Lưu là tên của một vùng đất cạnh Thiên Trường . Kính xin các độc giả cũng như các bậc cao minh chỉ bảo.

4. Quách Bốc, bộ tướng của Phạm Bỉnh Di, chỉ với một đám loạn giặc đã làm cho cả triều đình tan hoang. May mà lúc này nhà Nam Tống (Tống Ninh Tông) đang bị điêu đứng với nhà Kim , nếu không thì Đại Việt khó lòng tránh cái hoạ mất nước bởi Bắc phương !

5.  NV: Trần Tự Khánh lúc này chắc chưa dám có ý định tiếm ngôi của nhà Lý, tuy nhiên âm mưu của ông ta là muốn đưa Thái tử  Sảm lên ngôi. Với binh lực trong tay,  thêm em gái là Trần Thị Dung làm Hoàng hậu, triều đình nhà Lý sẽ bị Khánh thao túng dễ dàng.

6. Khoái châu thuộc huyện Tiên Lữ tỉnh Hải Dương ngày nay. Hải Ấp  nằm trong Khoái châu thời Lý.

7. KĐVSTGCM viết là Đỗ Anh Tri ệt. “Đỗ Anh Triệt kể tội hắn rằng: "Ngươi làm đại thần, đem lòng vô quân532 , nhận quan tước của giặc, nay lại ngang hàng với ta! Ta đây dẫu bất tài, nhưng còn mặt mũi nào đối nhìn nhau nữa!". Dĩ Mông thẹn và sợ, phải lui ra.” (KĐVSTGCM). Ông này mà biết thẹn, kể cũng lạ!

8. KĐVSTGCM: “ Trước kia, Phí Lang và Bảo Lương đến cửa cung khuyết, dâng thư nói về việc Đàm Dĩ Mông mọt nước, hại dân. Dĩ Mông nổi giận, đem bọn ấy phạt đánh bằng roi. Vì thế bọn Phí Lang đem lòng căm phẫn, bèn nổi loạn”. Viên hoạn quan này làm nhiều điều sai trái, nhưng nhờ có em gái là Hoàng hậu và tài nịnh nọt, nên đã không bị tội mà vẫn thăng quan tiến chức, sau này còn được thăng đến tước vương.  Thật là đáng sợ  những quân tham nhũng và sâu dân mọt nước này.

9. Tế giang, nay thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên (huyện Văn Giang  có lẽ là hai huyện Mỹ Văn và Châu Giang hợp lại). Đây là khúc sông Hồng  phía nam kế cận với Thăng Long .

10. Thì ra vua Huệ Tông bị sử thần Ngô Sĩ Liên chê trách cũng không đến nỗi sai. Cha chết chỉ mới liệm, chưa chôn, triều đình thì nát bét mà đã nghĩ tới chuyện đi đón vợ rồi !

11.  Theo như  ĐVSKTT thì Phùng Tá Chu là quan nhà Lý: “Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:…Phùng Tá Chu là bề tôi cũ triều Lý, …”có lẽ ông này đã được vua Cao Tông cử đi để đón vợ mình. Tuy nhiên ĐVSKTT lại có đoạn viết như sau: “Tháng 2,, vua lại sai Phụng ngự là Phạm Bố đi đón Trần thị. Tự Khánh bèn sai bọn Phùng Tá Chu đưa Trần thị đi”. Nếu Phùng Tá Chu là quan nhà Lý, thì phải dùng chữ  khác, thí dụ như chữ  “nhờ”mới hợp tình hợp cảnh. Phùng Tá Chu  về sau làm quan rất lớn trong triều Trần và được phong đến tước Vương. Kính xin độc giả và các bậc cao minh chỉ bảo.

12.  Không biết lúc nào ông Tô Trung Tự đước phong làm Quan nội hầu. Chức quan này vốn của Đỗ Thế Qui , ông này đã bị Tô Trung Từ giết một cách thảm khốc.

13.  Ông Ngô Sĩ Liên mắng chả sai, lo chuyện vợ trước đã , chôn bố sau cũng chả muộn, chán thật!

14.  Binh lực  triều đình lúc này  thật ra chả còn gì, chức Thái úy có lẽ là do Tô Trung Tự ép nhà vua phong cho ông ta. Bối cảnh thì giống như  thời Tam Quốc bên Trung Hoa lúc Đổng Trác kéo về Lạc Dương, nhưng cách hành xử của ông này có lẽ giống như Tào Thào, uy hiếp Hiến đế ở Hứa đô. 

15. Công chúa Thiên Cực đã một lần “tư thông” với Phạm Du và ông này bị giết chết một cách gián tiếp bởi bà này. Lần này bà này lại “tư thông” với Tô Trung Từ  và ông này coi như  bị trực tiếp giết chết. Không biết rõ vai vế bà Công chúa này trong triều đại Lý như thế nào, có lẽ bà này là  em của vua Cao Tông và là con của Anh Tông (Vua Anh Tông có mẹ là Lê Thái hậu, bà này “nổi tiếng” chung với Đỗ Anh Vũ, bà cháu giống nhau chăng?)

16. Lúc này bộ tiểu thuyết “Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa” của La Quán Trung (1330-1400) chưa ra đời.