SỐ 28 - THÁNG 10 NĂM 2005

 

Thư Tòa Soạn

Thơ
Lỡ gặp nhau
24 NNguong
Bãi sau
23
Hoàng Du Thụy
Mắt em màu biển cả
21
Huỳnh Kim Khanh
Bóng chiều
20
Trần Việt Bắc
The mistake
19
Nguyễn Xuân Vời
Lá thu
19
Hoàng Mai Phi
Một cõi chập chùng

18
Tôn Thất Phú Sĩ
Cảm tạ tình anh
18
Kim Thành
Chuyện tình xóm cũ

17
Maihoado
Trang thơ cũ
17Ngọc Trân
Tôi kể em những điều tháng 9
16Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Thu và những mảnh vụn ký ức
15
U Miên
Mộ gió
14
Phan Thái Yên
Dấu mặt trời
13
Hoàng Du Thụy
Mùa thu đời người
12
Cỏ Biển
Chuyện nhỏ một đêm trăng
11
Nguyên Nhi
Gặp nhau trên đất Mỹ
10
Phạm Hồng Ân
Chiếc xe đạp cũ
9
Nguyễn Hồng Quang
Cỏ mềm lãng đãng
8Song Thao
Tôi đi xem đêm nhạc Châu Đình An
7Nguyễn Ch.

Văn học, biên khảo
Con đường sương
4Vũ Hoàng Thư
Nhà Trần khởi nghiệp
4Trần Việt Bắc
Huê
4Xuân Phương
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 15

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
2 Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 22
1 Huỳnh Kim Khanh


 

DẤU MẶT TRỜI

 

Cho ngày sinh của chị 29/9

     Hai đứa trẻ ngồi cạnh nhau trên bãi biển sớm. Đứa con gái lớn độ mười ba tuổi, gương mặt xinh xắn, dễ coi hứa hẹn một nhan sắc rỡ ràng mai sau. Nó mặc chiếc áo thun màu tím nhạt, hơi thùng thình so với cái thân thể ốm yếu. Cái quần dài màu sậm lốm đốm mốc vực lên quá nửa bắp chuối trong thế ngồi co chân của nó chắc không dài hơn bao nhiêu khi nó đứng lên. Hai bàn chân nó vùi sâu trong cát, hai tay cứ bồi thêm cát lên chân. Đứa con gái nhỏ, dưới mười tuổi, ở trần trùng trục, khoe sắc da bánh mật của trẻ con miền biển. Bên dưới nó chỉ mặc độc chiếc quần xà lỏn màu đen, cũng bắt đầu trổ mốc. Đứa con gái nhỏ đứng lên, cát dính trên quần rơi xuống lả tả. Nó vừa xốc lại lưng quần vừa nói:

-Chị đi với tui xuống dưới bến coi người ta chài cá hông? Ngồi với chị sáng giờ chán thấy bà nội.

Con chị vẫn không ngừng tay moi cát phủ lên chân, mắt nó chăm chú vào cái đụn cát trên hai bàn chân của mình:

-Mầy ngu quá, buổi sáng đẹp như vầy mà than chán. Đi xuống dưới kia người ta xí xô, xí xào, điếc cả con ráy. Mầy muốn đi thì đi một mình đi.

Con em bị chị mình kêu ngu thì tức tối. Nó trả lời, giọng ngang ngạnh:

-Tui ngu nên nới không thấy buổi sáng đẹp ở chỗ nào. Còn chị khôn quá nên ngày nào cũng ngồi ngó hoài cái bãi biển đầy rong rêu, rác rưởi.  Biển thì ngày nào lại không có sóng, gió, mặt trời. Tui hổng thấy cái gì lạ hết mà chị khen đẹp.

Con chị mơ màng:

-Tại mầy không thấy đẹp chớ tao thấy đẹp. Mầy không thấy cái mặt trời đỏ ửng ở ngoài khơi kia sao? Tao muốn đến với mặt trời đó.

Con em không hiểu được lời lẽ cao xa của chị mình nên cười nhạo báng:

-Dễ ợt. Muốn đến với nó thì cứ bơi ra đó mà vớt vào.

Con chị biết em chọc tức mình nên tỏ vẻ giận:

-Mầy biết là tao không thể bơi xa như vậy nên chọc tức tao phải không? Tao ghét nước, nhứt là nước buổi sáng, lạnh thấy bà. Tao ngồi đây chờ, có lúc mặt trời cũng sà xuống cho tao nắm lấy.

Con em cười khanh khách:

-Ờ, ngồi đó chờ tới Tết công gô. Hay để tui bơi ra ngoài đó, vớt mặt trời đem vô cho chị. Tui dư sức vớt mặt trời cho chị mà. Chị không nhớ có lần tui bơi tới chưn hải đăng sao?

     Lần này thì con chị chỉ ậm ừ chớ không trả lời. Nó biết con em nó bơi như rái nên có hơi buồn vì sự thua thiệt của mình. Ai đời sanh đẻ ở biển mà hai chị em nó có nhiều cái khác trẻ con đồng lứa tuổi. Nó thì sợ nước vì căn bịnh phổi từ nhỏ. Ba má nó không cho xuống nước nhiều nên giờ nó có thói quen sợ nước. Trong khi em nó bơi không thua gì đám con trai trong xóm, nó cứ rụt rè mỗi bận phải bước xuống nước. Còn con em nó, con nít miền biển gì mà thấy cá là sợ như đàn bà chửa giống như má nó thường nói. Nó cũng không hiểu tại sao đàn bà chửa lại sợ cá. Nó chỉ biết con em nó không bao giờ ăn cá. Con nhỏ cũng thường coi người ta chài cá, cũng theo tụi con nít bắt những con cá mắc trong lưới mà dân chài bỏ để chơi hoặc thả trở về biển nhưng bảo nó ăn cơm với cá thì thà nó nhịn đói còn hơn. Con chị nhìn lại con em mình rồi tiếp tục buồn. Sao mà con nhỏ bậm trợn, khỏe khoắn như con trai. Trong khi đó nó èo uột, nay đau, mai mạnh. Nó thèm được như em nó để tha hồ bơi lội, tha hồ chơi đùa với bọn con trai trong xóm. Nhưng mà nó biết nó đang bắt đầu lớn, nếu có được sự mạnh khỏe của em nó, chưa chắc nó thèm chơi với bọn con trai. Má nó bắt đầu canh chừng nó, bắt nó mặc quần áo kín đáo, bắt nó đứng ngồi cho ra vẻ con gái, có nghĩa là không được "chưa đi đã chạy" hoặc phải "ăn coi nồi, ngồi coi hướng." Má nó nói nó là người lớn rồi, phải đàng hoàng mới được. Nó không biết mình đã lớn như má nói hay chưa nhưng nhiều khi nó thấy buồn kỳ lạ mà không hiểu tại sao. Nhất là những buổi sáng nó ngồi trên bãi ngắm mặt trời lên, nó thấy có một niềm ước ao thầm kín nào đó mà nó không rõ. Như nó vừa mới nói với em nó là nó ao ước được cái mặt trời trên cao kia nhưng thực ra không phải là nó muốn cái mặt trời. Nó muốn cái gì đó, nếu hỏi má chưa chắc má đã biết. Mà ai đi hỏi chuyện kỳ cục như vậy, rủi má không trả lời mà còn nói nó điên thì chết.

       Con em chưa có dịp vớt mặt trời cho chị mình thì cả nhà phải rời miền biển. Sau cái chết đột ngột của ba, má dắt díu mấy chị em về thành phố đùm đậu với ngoại. Con chị lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp, con em thành một cô gái mặn mà, duyên dáng. Trong khi con chị soi gương, làm dáng với những vương tôn công tử thì con em coi chuyện gái trai là chuyện thường tình, không đáng cho nó bận tâm. Trong khi con em thi đâu, đậu đó thì con chị cứ vật vã hoài với cái bằng Tú tài ban Toán. Cũng như những chị em khác, hai đứa nó càng lớn càng xung khắc, cãi lẫy nhau hoài đến độ má cứ phải hát đi, hát lại cái điệp khúc, hai đứa bây như gái lấy chung chồng. Má thường hay có những câu ví von tối nghĩa mà tụi nó không thể nào hiểu được. Cái câu ngày xưa má thường hay nói với nó, "sợ cá như đàn bà chửa," nó chưa hiểu được thì nay má có thêm câu mới. Nó chưa biết nay mai bà già sẽ sáng tác thêm câu gì khác!

     Sau bao nhiêu lần vật đổi, sao dời, con chị lớn lên trong nỗi cô quạnh mà người đời gọi là cao số. Không một mối tình nào đơm hoa kết trái, không một người đàn ông nào đem lại cho nó chút hạnh phúc lứa đôi dù càng ngày nó càng đẹp sắc sảo. Những bạn bè, những đứa em lần lượt lấy chồng, lấy vợ. Những đứa trẻ gái bằng dì, bằng cô, đều do một tay con chị ẵm bồng, chăm sóc. Đứa lớn nhất đã mười tám tuổi, đứa nhỏ nhất vừa mới lên năm. Con chị sống hẩm hiu bên cạnh những người thân cận. Không một người đàn ông nào là của riêng mình. Không một đứa trẻ con nào là máu thịt của chính mình. Cuộc đời cứ héo hon đi như niềm tin và mơ ước. Con chị cam lòng ngồi nhìn tuổi Xuân trôi như tháng năm bay vèo qua đời con gái!

       Bãi biển ngày xưa đã chìm vào bụi cát của hơn ba mươi lăm năm chất chồng dâu bể. Tôi ngồi lại bãi xưa, bên cạnh không phải là đứa con gái ẻo lả trong chiếc áo màu tím cũ với cái quần đen mốc thích. Đứa con gái đó bây giờ đã là một thiếu phụ năm mươi tuổi, vẫn mềm như liễu, vẫn yếu như tơ. Mái tóc xanh đen ngày nào giờ lơ thơ những sợi bạc như những sợi khói treo trên hàng dương những sớm ngày thơ. Chị vẫn giữ được vẽ thanh tân ngày nào dù cuộc đời nhiều chông gai, trắc trở. Tôi nhìn bàn tay chị, có ngón tay đã hai lần đeo nhẫn đính hôn nhưng chưa một lần đeo vào nhẫn cưới. Tôi thương chị đến nghẹn lời. Nếu có thể đổi được những gì tôi có với chị, tôi cũng không từ. Ngồi bên chị, tôi thấy hết sự độc ác của mình. Chị như ông Thiện đầy những từ tâm. Tôi là ông ác luôn đem tai ương đến cho kẻ khác. Cả chị và tôi là hai hình ảnh vô cùng trái ngược. Chị vẫn thanh tân, gọn ghẽ. Tôi già nua, đang độ phát phì! Chị bao dung, quảng đại. Tôi tính toán, so đo. Chị một mình vò võ, ấp yêu những đứa cháu làm vui. Tôi có chồng con êm ấm, tưng tiu máu thịt của mình. Tại sao tôi lại trở về đây, từ miền địa đàng rực rỡ để báo cho chị một cái tin nát lòng? Có phải tôi muốn hả hê nói với chị rằng, chị đã thua tôi trong nhiều canh bạc cuộc đời dù rằng cái nhan sắc trời cho của chị đã lôi kéo những say mê, chiều chuộng của mọi người về phía chị hơn là tôi? Và tại sao tôi buộc chị phải cùng mình trở về chốn ấu thơ để báo cho chị một tin dữ thay vì ôn tồn nói với chị trong một góc sân nhà ngoại hay trong một góc quán cà phê nào đó của thành phố buổi chiều hôm? Trong khung cảnh thầm lặng sáng nay, trí tôi hiện rõ hình ảnh hai đứa trẻ con miền biển, ngồi mơ ước vu vơ trong một ngày biển lặng. Tôi nhẹ nhàng hỏi chị:

-Chị có nhớ ngày xưa, có lần em nói sẽ bơi ra tận ngoài xa vớt mặt trời cho chị hay không?

Chị cười thật hiền:

-Chị nhớ chứ. Không hiểu tại sao lúc đó và mãi đến bây giờ, lúc nào chị cũng tin tưởng em sẽ làm được chuyện đó. Có lẽ tại em cứng cỏi và tự tin hơn chị.

Tôi thú thật:

-Em đã phụ lòng tin của chị. Em không làm được chuyện đó.

Chị nhìn tôi lộ vẽ không tin. Trong ánh mắt của chị, tôi là một người đàn bà phi thường, có thể làm được mọi chuyện. Như tôi sẽ là đứa con gái duy nhất trong gia đình có khả năng nối nghiệp nhà giáo của mẹ cha; như tôi sẽ là người duy nhất làm được món bánh bông lan bơ xốp mềm mà không khô hốc như món bánh thuẫn; như tôi sẽ là người vợ có đủ sức mạnh và khả năng kinh để để lèo lái cuộc đời của chính mình mà không phải lệ thuộc vào ông chồng hay họ hàng nhà chồng. Những điều chị tin đều đúng nhưng có một điều chị không biết là tôi thiếu cái khả năng đem lại hạnh phúc cho chính mình! Tôi đứng vững một mình mình nhưng đó là dáng đứng của một gốc đại thụ cô đơn rủ cành xanh trên nỗi ủ ê của chính mình, mượn những tổ chim hạnh phúc làm vật trang điểm cho chính mình. Tất cả chỉ là vay mượn, là bề ngoài lộng lẫy cho kẻ khác nhìn vào. Cái ánh mắt của chị bây giờ và những dòng thư chị viết trong suốt hai mươi năm tôi xa nhà là một. Lúc nào cũng có một sự tin tưởng tuyệt đối chị nhắm mắt trao tôi. Tôi như cái dấu mặt trời thời nhỏ, rực rỡ hoài trong trí nhớ của chị. Tuổi tác đã giúp chúng tôi hiểu rằng cái mặt trời không bao giờ chịu đứng yên cho ta xích lại gần mà nó di chuyển theo mỗi bước con người đuổi theo. Nó cũng như những ước mơ của con người, thấy đó mà không bao giờ nắm bắt được. Cái niềm tin nơi chị vẫn còn chói sáng mặt trời, vậy mà sáng nay, tôi trở về ngồi lại chỗ này để tước đi niềm tin đó. Tôi nói thật nhỏ nhưng nghe từng âm vọng vào hồn mình chát chúa:

-Xin lỗi chị, em về để báo cho chị biết Frank đã chết vì một căn bịnh ung thư!

Chị không hoảng hốt như tôi nghĩ. Chị không vật vã, kêu gào như tôi lo. Chị chỉ hỏi tôi một câu sau vài giây im lặng:

-Còn buổi phỏng vấn với phái đoàn Mỹ, chị tính sao bây giờ?

Tôi thầm cám ơn chị đã chỉ cho tôi một cách giải thoát. Tôi nhẹ nhàng lách ra khỏi tấm lưới mà từ lúc đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất tôi đã nghĩ nát óc không biết làm thế nào để thoát ra. Tôi lo mình bị vây kín trong tấm lưới tuyệt vọng của chị! Tôi thở ra, cái thở nhẹ nhàng của một người ích kỷ:

-Thì cứ viết thư báo cho họ biết mình hủy bỏ cuộc phỏng vấn là xong.

Tôi không ngờ cái gánh nặng của mình được cất đi một cách dễ dàng như thế. Không nước mắt để lau. Không câu than thở để dỗ dành. Tôi tự hỏi chị "lớn" tự lúc nào? Hay là tuyệt vọng này nối tuyệt vọng kia đã biến chị thành người chai đá? Khi chiếc nhẫn đính hôn đầu tiên trao trả lại bên chồng với những lời thị phi, đàm tiếu, khi những giấc mơ hoa thời con gái đã tàn, chị chỉ còn dưỡng nuôi một giấc mộng duy nhất là được làm một công dân Mỹ, được đứng dưới chân nữ thần Tự Do mà cám ơn người đã đưa chị đến bến bờ tự do. Người đó là người đàn ông không cùng chủng tộc nhưng có một tấm lòng nhân đạo vô biên đã hết lòng tìm cách đưa chị về Mỹ. Trời không chiều lòng người, người đàn ông tốt bụng đã ra người thiên cổ trong khi chị chỉ còn chờ gặp phái đoàn và lên danh sách chờ ngày đi. Chiếc nhẫn đính hôn trên tay chị mãi mãi vẫn là chiếc nhẫn đính hôn, không có dịp cởi ra cho chị đeo vào nhẫn cưới. Sao thượng đế cứ khắt khe với người đàn bà yếu mềm như chị? Bây giờ nếu má còn sống, má sẽ ví von như thế nào về cái sự lỡ làng, cao số của chị?

      Nắng hai giờ trưa miền biển như muốn đốt tôi thành tro bụi. Tôi muốn nói với chị cho tôi trở về khách sạn nhưng chị cứ ngồi trầm ngâm trên bãi trưa. Dưới chân chị không còn những đụn cát đắp trên chân, không còn đôi mắt dõi theo khung trời mộng, không còn những câu mơ ước xa xôi, tao muốn đến với mặt trời ngoài kia. Chị đã nhận ra những điều đó nằm bên ngoài khả năng của một con người dù người đó là tôi hay một người nào khác, tài giỏi hơn tôi bởi nó không tùy thuộc vào sức người mà tùy vào bàn tay thượng đế. Tôi nhớ lại lời hứa vớt mặt trời cho chị ngày xưa mà bứt rứt mãi trong lòng. Tôi không làm được điều mình đã hứa! Tôi an ủi chị dù biết lời ủi an nào cũng thừa thãi:

-Tuần tới trở về Mỹ, em sẽ đăng báo tìm người bảo lãnh cho chị. Cuộc đời không thiếu gì kẻ có lòng, chị đừng buồn. Chuyện chưa đáng để chị tuyệt vọng đâu.

Chị nhìn những con sóng biển vô tình xô vào, dạt ra bãi biển, giọng hững hờ:

-Chị không tuyệt vọng nhưng chị không muốn hy vọng nữa. Em đừng cố gắng, mất công.

Cái câu nói chán chường của chị như một động lực vô hình thúc đẩy tôi. Đứa con gái nhỏ ngày xưa đã có lần một mình bơi đến chân hải đăng sống lại trong tôi. Tôi đứng lên, nói với chị trước khi lao mình vào làn nước xôn xao:

-Không, em phải vớt cho bằng được cái mặt trời cao ngạo kia cho chị.

HOÀNG DU THỤY