SONG THAO
Con nhỏ trông kháu khỉnh tệ. Chỉ nguyên đôi mắt đã đáng đồng
tiền bát gạo rồi. Loại mắt lớn, đen nháy, làm sáng trưng cả khuôn
mặt. Ngày nào như ngày nấy, con nhỏ ngồi bệt xuống sàn gạch, lưng
dựa vào cánh cửa tủ, cuốn sách mở trên hai đầu gối co lên trong
một thế ngồi khúm núm tội nghiệp. Khi Nghiệp đi ngang qua mặt,
con nhỏ khẽ ngẩng đầu lên, mớ tóc đen ngang vai óng mượt xô đẩy
nhau, đôi mắt ngước cao nhìn Nghiệp như vỡ ra ngàn tiếng reo vui.
Năm học mới bắt đầu, Nghiệp lại ngày ngày ôm cặp đi dạy. Những
ngày hè cố níu kéo giờ đã tan ra nhập vào mảng thời gian đã mất.
Dư vị của những buổi rong chơi với nắng ấm làm bước chân anh nặng
nề trên hỉnh lang dẫn tới lớp học. Hai bên tường những dãy tủ xám
xanh dành cho học sinh chạy ngút ngàn trông buồn nản như những
cánh cửa nhỉ tù. Nghiệp chưa bao giờ thấy thoải mái thanh thản
trên dãy hỉnh lang này. Đám nam sinh chạy nhảy, đấm đá, la hét
ồn ào nhộn nhịp nhức đầu nhức óc. Các nữ sinh mồm miệng tía lia,
chân tay múa may lao xao như những con rối. Một vài cặp ghì nhau
dựa vào cửa tủ ôm hôn tỉnh bơ như chốn không người. Chỉ có con
nhỏ kháu khỉnh ngồi lặng thinh làm Nghiệp thấy thú vị. Nghiệp không
biết con nhỏ học lớp nào. Anh chưa nghĩ ra cách
nào để biết thêm về con nhỏ dễ thương này. Nếu ở Việt Nam thì quá
dễ. Hỏi dò vài đứa học trò hoặc đánh tiếng với vài đồng nghiệp
thân là ra ngay. Ở đây tự do của con người được đưa lên bàn thờ
cao ngất nên thật là lố bịch khi muốn hỏi dò về đời tư của người
khác dù đó chỉ là con nhỏ học trò đáng tuổi con anh. Xứ sở gì mà
lạ. Tương quan xs4 hội
được bao trùm trong cái vỏ đậm đặc dục tính. Anh nhớ hồi còn đi
học mấy thằng bạn thân dắt tay nhau rong chơi phố phường tự nhiên
như không. Vậy mà ở đây hai người đồng phái nắm tay nhau ngoài
đường phố là nhận được ngay những ánh mắt nghi ngờ của người qua
đường. Ánh mắt nào cũng mang lời kết án “bệnh hoạn” nằm phơi ra
không cần giấu giếm. Hình như con ma sex đã len lỏi vào từng mạch
máu li ti trong óc não mọi người. Bây giờ mà anh ra miệng hỏi thăm
về con nhỏ học trò này thì hậu quả chẳng biết tới đâu.
Tiếng ồm ồm của một nam học sinh to lớn như một ông hộ pháp đứng
hai tay chống nạnh mặt ngẩng cao không chút rụt rè cắt đứt dòng
suy nghĩ của Nghiệp :” Ông Lee, hôm qua tôi bị cảm nên không nộp
bài hôm nay được!” Dám chân râu nâu vàng leo từ hai mái tóc xuống
nằm kín khuôn mặt sánh vai cùng hàng ria mép mềm oặt làm cho khuôn
mặt của chú học trò thêm phần thách đố. Nghiệp khẽ gật đầu, khoát
tay bảo chú học trò về chỗ. Anh không nghe thấy chữ thầy, không
nghe thấy cái tên Nghiệp mà cũng chẳng nghe thấy cái họ Lê của
anh. Anh đã biến thành Lee, một cái tên chẳng dây mơ rễ má gì với
anh mà chỉ có một công dụng duy nhất là dễ đọc dễ nhớ cho các đồng
nghiệp và học sinh. Anh nhìn xuống. Lớp học của anh như một giỏ
cua nhộn nhạo. Trước mắt Nghiệp là những cặp chân được phủ bằng
những ống quần jean và những đôi giầy vải thô kệch có những đường
màu néon chói chang sặc sỡ chạy lộn xộn. Chân trên thành ghế, chân
trên lối đi và thậm chí chân vắt chéo nhau trên mặt bàn học. Lúc
đầu Nghiệp thấy chướng mắt nhưng riết rồi cũng quen đi. Anh nhớ
lại những ngày còn đi học chỉ tì hai đầu gối lên mép bàn cũng đủ
được thưởng thức những ngọn roi của thầy cô.
Cách nói năng của đám học sinh thân hình dềnh dàng to lớn hơn
Nghiệp cũng mang vẻ ngang ngang khinh mạn. Chẳng thưa chẳng gửi.
Lúc nào cũng gọi tên thầy trống không bằng cái giọng trâng tráo
ngang vai. Nghiệp đã nhiều phen ngỡ ngàng tưởng như mình không
phải là một ông thầy dậy học đứng trước đám học trò trong lớp.
Có một cái gì quá
đáng làm Nghiệp thấy bâng khuâng nuối tiếc thời đi dậy ở quê nhỉ.
Những ngày êm đềm thầy ra thầy trò ra trò đó có lẽ chẳng bao giờ
trở lại nữa. Nghiệp thả hồn về những khuôn mặt học trò cũ. Những
cái tên học trò từ gần hai chục năm trước vẫn còn cố bám víu trong
mảng ký ức ngày một teo tắt của anh. Những khuôn mặt đẫm vẻ kính
cẩn sợ sệt thầy đến tội nghiệp. Rồi những giọt nước mắt, những
cái miệng méo xệch bịn rịn, những cái bắt tay chặt chẽ níu kéo,
những bàn tay nhỏ nhắn lao xao vẫy chia tay mỗi khi hè tới. Những
hình ảnh thân thương của chuỗi ngày xưa cũ làm mềm lòng Nghiệp.
Anh uể oải bắt đầu giờ học. Miệng anh khô khốc đắng ngắt.
Trận bao tuyết dữ dội phủ xuống thành phố tấm khăn trắng khổng
lồ dầy gần nửa thước. Nhìn tuyết mà thấy ớn tới tận cổ. Xe xúc
tuyết chạy ngang dọc khắp phố phường gạt từng đống tuyết sang hai
bên lề đường thỉnh những đống tuyết cao ngang đầu người. Chiếc
xe của Nghiệp bị chôn trong đống tuyết trông như một con voi trắng
đang phủ phục chờ lệnh của chủ. Nghiệp đứng giữa trời lạnh điếc
tai ngao ngán nhìn chiếc xe. Anh bật cười một mình khi nghĩ lại
cú điện thoại của ông bạn bên Cali gọi tối qua. Anh bạn than vắn
thở dài là cả đời chưa được thấy tuyết. Một bữa hai vợ chồng rủ
nhau lái xe gần một ngày lên
Reno coi tuyết. Lên đến nơi tuyết đã tan hết chỉ nhìn được vài
vẩy tuyết ướt dưới đất. Vậy mà cũng té một cái nhớ đời. Chẳng bù
với ở đây. Chung quanh Nghiệp người ta đang hối hả đào tuyết để
lôi từng chiếc xe ra. Hình như gia đình nào cũng đổ dồn ra đường
đào tuyết. Bà hỉng xóm trẻ đẹp của Nghiệp dấu khuôn mặt thanh tú
dưới chiếc mũ
len bịt kín mít chỉ hở đôi mắt tinh quái nhìn Nghiệp hất hất cái
đầu như thúc giục anh tham gia vào trò chơi mệt nhọc vất vả. Nghiệp
cười lại nhưng vẫn đứng bất động nhìn chiếc xe. Anh nhẩm tính bây
giờ mà bắt tay vào đào thì phải mất ít nhất nửa giờ nữa mới có
thể chui được vào xe. Mà rồi chẳng biết nó có chịu nổ máy cho không.
Mấy chiếc xe chung quanh đang ho khục khặc như những ông già bát
tuần gặp ngày giá lạnh. Chiếc nào may mắn nổ được máy thì phun
khói đen ngòmm lắc lư như đe dọa có thể im tiếng bất cứ lúc nào.
Nghiệp nhìn đồng hồ tay. Anh chẳng còn đủ thời giờ để phí phạm
nếu không muốn tới trường trễ. Anh vội vàng kéo cao cổ áo lội bộ
ra bến xe buýt.
Chiếc xe buýt thường ngày mầu xanh nay bị một lớp đá pha bùn
đông đặc dính cứng trông không còn ra mầu gì thận trọng dừng lại.
Nghiệp theo hàng người xếp hàng thứ tự lên xe. Liếc nhìn thấy một
chiếc ghế trống, anh bắt gặp nụ cười chào đón của con nhỏ kháu
khỉnh trong trường. Dáng ngồi nghiêng nghiêng với mớ tóc hất sang
một bên và một bên má vươn ra bướng bỉnh cùng với đôi mắt đen láy
ướt rượt long lanh thách thức làm Nghiệp choáng váng. Ngàn cũng
có dáng ngồi như vậy khi anh gặp nàng lần đầu tiên trong phòng
khách nhà Kim, đồng nghiệp của anh. Khi Kim vừa mở cửa cho anh
vào thì anh sững người nhìn thấy Ngàn ngồi trên chiếc ghế dài nằm
choán hết một bên phòng. Ngàn khẽ mỉm cười chào anh. Loáng thoáng
bên tai anh tiếng Kim giới thiệu em gái. Anh lúng túng gật đầu
chào Ngàn. Tim anh như con ngựa đua đang phì phò thở dốc. Anh mê
mệt nhìn Ngàn ôm cả cái dáng ngồi dễ thương bỏ vào trong đầu. Và
anh khóa chặt lại trong đó. Anh biết anh vừa lao vào một cuộc rượt
bắt chẳng có cách gì bỏ được.
Chiếc áo lạnh cồng kềnh làm Nghiệp ngồi xuống ghế một cách khó
khăn. Anh quay qua nhìn con nhỏ gật đầu chào. Con nhỏ khẽ nhếch
miệng Hi!
Nghiệp tiếp tục đánh vật với mớ quần áo cấn cái trên người cố
tìm một thế ngồi thoải mái. Anh tháo đôi găng tay và chiếc khăn
len trên cổ cho bớt vướng víu. Con nhỏ chăm chú nhìn ông thầy xoay
qua xoay lại. Cái miệng lách chách buột lên câu nói:
-Xe của ông đâu, ông Lee?
Nghiệp vừa tìm được một thế ngồi vừa ý nên cảm thấy vui vẻ:
-Ngủ rồi. Cu cậu chơi trò trốn tìm trong tuyết làm khó tôi không
ngờ tôi cho cu cậu nằm đó luôn chẳng thèm kéo ra. Nếu em là cái
xe em có tức không?
-Tức chứ! Không gì ấm ách cho bằng chơi trò trốn tìm mà người
ta chẳng thèm tìm mình. Tức chết đi được ấy chứ, ông Lee nhỉ?
Nghiệp buông thõng:
-Tôi cũng đang tức chết đi được. Tên tôi là Nghiệp, họ tôi là
Lê mà ai cũng gọi tôi bằng cái tên Lee chẳng biết của thằng cha
căng chú kiết nào cả!
Con nhỏ ôm bụng cười ngặt nghẽo. Đôi mắt kéo tít lại nhỏ như
một sợi chỉ đen. Hai cánh mũi hỉnh lên thoải mái. Môi dưới leo
lên nằm úp trên môi trên cố nén tiếng cười nghịch ngợm lại. Đôi
gò má hồng lên như hai trái đào. Nghiệp ngây người nhìn con nhỏ.
Điệu cười của Ngàn. Điệu cười Nghiệp đã từng mê mệt. Cách gì mà
quên nổi. Con nhỏ thấy
Nghiệp chăm chú nhìn đâm ra mắc cỡ. Nụ cười từ từ tắt ngúm. Khó
khăn như phải bỏ cuộc chơi đang hồi thú vị. Nó ngoẹo cổ, nghiêng
đầu, đôi mắt tinh quái nhìn lại Nghiệp:
-Vậy tôi kêu ông bằng tên nghe, ông Nghiệp.
Chữ Nghiệp được phát âm khá rõ ràng làm Nghiệp ngạc nhiên. Anh
ú ớ không biết nói sao. Chẳng lẽ con nhỏ là người Việt Nam? Anh
nhìn sâu vào mặt con nhỏ. Nét mặt như vầy cũng dám lắm à. Nghiệp
định hỏi một câu tiếng Việt nhưng kịp dừng lại. Anh sợ thất vọng.
Anh hồi hộp dò la loanh quanh:
-Cám ơn em. Còn em tên chi?
Nghiệp nín thở chờ câu trả lời. Như một tội nhân đứng trước vành
móng ngựa chờ nghe quan tòa đọc bản án. Anh mong được nghe một
cái tên mang âm hưởng quen thuộc. Con nhỏ mau mắn trả lời:
-Sarah!
Nghiiệp cảm thấy như vừa đánh rớt một món đ? cổ quí giá. Anh thở
dài tiếc nuối. Con nhỏ vênh váo nói thêm:
-Sarah Lee!
Nghiệp cố níu vào chiếc phao hy vọng:
-Lee hay là Lê?
Con nhỏ bưng miệng cười:
-Lee. Đó là cái tên bị vứt lăn lóc trên đường, tôi thấy tội nghiệp
lượm lên dùng tạm vậy!
Mặt Nghiệp bừng đỏ. Con nhỏ quái quỉ đã bắt được chân anh kéo
anh ngã lăn quay không thương tiếc. Anh thầm phục con nhỏ thông
minh lanh lẹ. Nó khép kín miệng anh không cho anh hỏi tới nữa.
Anh ấm ức trong bụng mà miệng vẫn phải cười tán thưởng câu khôi
hài duyên dáng của con nhỏ.
Sarah trở thành mối ám ảnh trong đầu Nghiệp. Anh nhìn thấy người
yêu cũ trở lại trong từng dáng điệu, từng cử chỉ, từng lời nói
của con nhỏ. Ngàn của tình đầu dang dở vẫn đậm đà hương vị quanh
quất đâu đây. Tình yêu đầu đời như vạt cỏ non xanh mướt dịu dàng,
anh như một con ngựa ham rong ruổi đường xa nhưng đầu lúc nào cũng
muốn ngoái về vạt cỏ non mượt mà thanh tân của ngày cũ. Nghiệp
giật mình khi thấy mình thả hồn đi quá xa. Anh cảm thấy như có
điều không phải đối với Nhã và hai con.
Nhã cho anh một mái gia đình ấm cúng, một tình yêu bền bỉ đậm
đà và hai đứa con kháu khỉnh dễ thương. Anh chẳng dám đòi hỏi gì
hơn. Cuộc sống tha hương chênh vênh trước những đổi thấy dồn dập
lại thiếu bóng dáng của các cụ Khổng cụ Mạnh nên một mái gia đình
yên ổn là điều mà nhiều người thèm muốn. Bạn bè anh biết bao người
ngơ ngẩn vì miếng hạnh phúc trơn lù rớt ra khỏi tầm tay lẹ làng
như một cánh chim mất hút ở cuối chân trời. Tình yêu của anh với
Nhã không giống như với Ngàn. Nhã đến với anh khi anh sa cơ thất
thế chẳng còn thiết sống nữa. Anh vào tù Cộng sản với cái đầu trĩu
nặng tủi nhục tức tối. Những tướng những tá mới đó còn ồn ào tuyên
bố những lời chém đinh chặt sắt đã một phút lủi đi mất hết. Cấp
chỉ huy trực tiếp của anh vừa ra hàng rào phòng thủ phồng mang
trợn má vậy mà tối đến đã mất tăm mất tích. Giờ buông súng đầu
hàng anh chỉ muốn quay súng vào mang tai nổ đoành một phát cho
nhẹ kiếp nhục nhằn. Bạn bè, chiến hữu nhìn nhau nước mắt tràn ứ
lăn xuống mằn mặn nơi miệng. Dùng dằng trút bỏ bộ quân phục, giật
ra khỏi ngực những bông mai đen ngụy trang, anh trở về nhà Ngàn.
Ngàn đã ra đi. Anh trắng tay đưa thân vào tù. Chỉ còn được chút
lương tâm yên ổn. Còn nhìn được mặt mình trong gương mà không thấy
hổ thẹn.
Trong tù anh ngậm câm trả giá cho cái lương tâm tỉnh táo của
anh. Anh chai lì chịu trận. Ông Đại Úy già nằm bên cạnh lai láng
cảm tình với anh Đại Úy trẻ đầy sĩ khí. Trong một lúc vui miệng
ông nhận anh làm rể. Thú vui trong tù chẳng có là bao nên cứ bố
bố con con cũng vui qua ngày. Một bữa vợ con ông lên thăm nuôi
nhằm ngày anh lao động gần
khu tiếp tân. Anh nhác trông thấy Nhã và cảm thấy như có một con
suối mát rượi chảy qua hồn anh. Buổi tối, ông bố mang túi quà ra
chia cho anh một phần nửa đùa nửa thật bảo vợ mày gửi cho mày đấy.
Anh lịm người trong nổi sung sướng đê mê. Bên tình giỡn bên quà
thật, bên nào cũng ăm ắp niềm vui. Trong tù anh là con bà phước
chẳng có ai thăm nuôi. Đời anh chỉ có bạn bè mà bạn bè anh bây
giờ đều nằm trong tù cả. Còn nước non gì nữa. Cầm những món quà
quí giá trong tay anh như thấy lại được tình gia đình mà anh đã
mất từ lâu. Ông Đại Úy già thấy mặt anh buồn rười rượi ngồi lặng
thinh nhìn chăm chăm vào những gói, những chai, những lọ ngổn ngang
bèn hỏi:
-Nghiệp à, sao tao thấy mày tội nghiệp quá!
Nghiệp như vừa thoát khỏi giấc mơ lấy lại giọng đùa cợt ngang
tàng thường ngày:
-Thôi bố ơi! Cho con xin đi! Bộ bố không tội nghiệp cho bố sao?
Ông bố chép miệng thở dài:
-Tao già rồi không nói chi. Sống đã nhiều rồi chết lúc nào cũng
được. Mấy đứa bay còn trẻ mà phải bó cẳng cho mấy thằng người chẳng
ra người ngợm chẳng ra ngợm muốn bẻ ngang bẻ dọc gì cũng được làm
tao thấy thương tụi bay quá. Này, mày ưng con Nhã không?
Nghiệp nhìn ông bố dò xét xem ông nói thật hay giỡn:
-Cho con xin đi bố. Cái thân mình bây giờ cũng chẳng phải của
mình nữa nói chi tới đèo bồng vợ con. Mà con gái bố có thèm lấy
một thằng tù không mà bố hỏi?
Ông bố quắc mắt:
-Bộ bố nó không phải là tù à? Tụi chúng mày nằm ở trong này hết
ráo ở ngoài có thằng nào ra hồn đâu. Chẳng lẽ nó lại đi ưa mấy
thằng bắt bố nó vô tù sao?
Mỗi tháng một lá thư ông bố gửi về nhà. Ông chăm chỉ viết những
hàng chữ nhỏ li ti nằm gọn trong tờ giấy tập học trò được phép
gửi. Nghiệp nghĩ là nếu trại tù cho phép viết thư thả dàn thì ông
cũng dám viết về nhà mỗi ngày lắm. Những lá thư chăm chỉ đó lá
nào cũng có những hàng nhắc tới Nghiệp. Gần đến kỳ thăm nuôi, ông
gọi Nghiệp ra một góc
sân vắng rỉ tai nói nhỏ:" Kỳ thăm nuôi tới con Nhã sẽ thăm
mày, còn bà vợ già của tao thăm tao. Tao đã dặn con Nhã nhận mày
là anh. Tụi cán bộ có hỏi thì cứ trả lời như vậy nghe! Mà tao dặn
trước mày, từ nay tới ngày đó đừng có ngang tàng làm tụi nó ghét
cúp thăm nuôi thì...mất vợ nghe con!" Nói xong ông cười sảng
khoái đập vai Nghiệp đôm đốp.
Chỉ vài kỳ thăm nuôi là đủ cho những lá thư của Nghiệp và Nhã
trở mình thành những lá thư tình. Anh ứa nước mắt nhận mối tình
khập khễnh như một tín đồ nhận ân sủng của Đấng Tối Cao. Anh bám
víu vào Nhã như một đứa con nắm chặt vạt áo mẹ. Anh nhẫn nhục đếm
từng ngày tù. Phải mất hai ngàn một trăm lẻ tám ngày anh mới được
bước chân ra khỏi trại giam. Ông Đại Úy già vui tính thì chẳng
bao giờ có được ngày đó. Căn bệnh kiết lỵ lảng xẹt đã cướp mất
đời sống của ông. Thân tù tội trở về lại lâm vào vòng quản chế
chẳng làm được tích sự gì khiến Nghiệp thấy cuồng chân chán nản.
Nhã mang tất cả chân tình ra bảo bọc anh. Mẹ Nhã gom góp tiền bạc
lo cho cả hai vượt biên. Một buổi chiều trên đảo tị nạn, khi ánh
mặt trời yếu ớt nhuộm vàng những ngọn sóng lao xao đổ vào chân
Nghiệp và Nhã, hai người đã cầm tay nhau thề hứa trước trời đất
để thành vợ thành chồng. Nghiệp ôm gọn Nhã trong vòng tay mà đầu
vẫn cấn cái mặc cảm của một kẻ chịu ơn.
Nha giật tay chồng chỉ về phía trước nói:
-Có con nhỏ nào đang vẫy anh kìa.
Nghiệp nheo mắt nhìn về phía trước. Những vạt nắng hè rạng rỡ
đổ xuống thảm cỏ xanh mướt nằm giữa những hàng cây cao vút cành
lá xum xuê. Sarah đứng trốn nắng dưới một gốc cây đang giơ tay
chào Nghiệp. Anh quay sang bảo vợ:
-Sarah đó! Con nhỏ mà anh hay kể chuyện với em đó!
Từ sau ngày tình cờ gặp Sarah trên xe buýt, mối thân tình giữa
anh và con nhỏ khá đậm đà. Mỗi lần đụng đầu nhau, Sarah đều nán
lại nói với anh dăm ba câu chuyện. Chuyện trường, chuyện lớp, chuyện
thầy, chuyện bạn, chuyện âm nhạc, chuyện thể thao, chuyện xi nê
và đôi khi nhờ anh góy ý cho một vài việc khó xử. Nhưng chuyện
mà Nghiệp muốn
biết nhất là chuyện gia đình Sarah thì con nhỏ câm như hến. Chớ
có bao giờ nó mở miệng kể cho Nghiệp một câu. Nghiệp đã nhiều lần
khôn khéo gợi chuyện nhưng con nhỏ đều nhẹ nhàng tránh né. Nghiệp
đành chịu. Bụng anh ấm ức không yên. Anh kể chuyện với vợ. Nhã
cũng thắc mắc muốn biết. Nàng vội kéo Nghiệp đi về phía Sarah:
-Anh giới thiệu em với nó đi. Biết đâu em có tài "thám tử" hơn
anh.
Nghiệp giới thiệu vợ, Sarah chào hỏi đôi câu lấy lệ rồi nheo
mắt giỡn với hai đứa con Nghiệp đang lanh chanh chạy nhảy trên
cỏ. Nó nhanh chóng làm quen với hai đứa bé rồi xin phép vợ chồng
Nghiệp đưa hai đứa nhỏ vào công viên dành cho trẻ em nằm ngay bên
cạnh. Nghiệp và Nhã ngồi trên ghế đá nhìn ba đứa mặc sức trửng
giỡn. Chúng quấn quít nhau la hét vang trời làm vợ chồng Nghiệp
có cảm tưởng như chúng là ba chị em ruột.
Tới giờ về, cả Sarah lẫn bé Vinh bé Hà mồ hôi mồ kê nhễ nhại
tíu tít không muốn rời nhau. Hai đứa nhỏ nhăn nhó đòi đi theo Sarah.
Nhã ôm con dỗ dành:
-Mai mốt chị Sarah sẽ tới nhà chơi với bé Vinh bé Hà nghe.
Hai đứa bé nước mắt lưng tròng nhìn Sarah. Nhã nháy mắt với Sarah:
-Phải không chị Sarah?
Sarah gật đầu:
-Mai mốt chị tới chơi với Vinh và Hà thiệt lâu nghe không!
Nói xong nó cúi xuống hôn hai đứa nhỏ tới mấy lần mới dứt ra
được.
Sarah trở thành khách quen thuộc của gia đình Nghiệp. Cứ có dịp
rảnh rỗi là nó ghé qua nhà chơi với hai đứa bé. Sao mà ba đứa chúng
nó hợp nhau đến thế. Chơi thả dàn, nói cười huyên thuyên chẳng
cần tới ai. Bé Hà thường ngày nhỏng nhẻo là thế mà khi chơi với
Sarah hầu như quên hẳn mẹ. Chỉ khi nào Nhã bắt chúng nghỉ chơi
để uống nước, ăn kem hoặc trái cây thì nàng mới có dịp nói chuyện
với Sarah. Con nhỏ có vẻ thương mến và tin cẩn nàng. Vậy mà khi
gợi tới chuyện gia đình thì nó im thin thít. Nhã quả quyết với
Nghiệp là con nhỏ có vấn đề với gia đình. Nhưng Sarah lại hé cho
biết nó là con một và ở
với bố mẹ. Nghiệp thấy là lạ nhưng không thể đoán ra chuyện gì.
Con nhỏ lì thiệt. Không cậy ra thêm được một chi tiết nào từ cái
miệng tươi như hoa của nó. Lúc còn nhỏ Nghiệp cũng lì như vậy.
Nhưng anh có lý do. Anh bị mất gia đình.
Bố Nghiệp là một sĩ quan Dù loại chì. Lúc ông nằm xuống trong
một trận đánh ác liệt thì chỉ hơn một năm sau mẹ anh đã đưa anh
vào trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu rồi bỏ đi biệt tích. Anh còn
giữ mãi tấm hình căn cước chụp ngày mới nhập trường như một kỷ
niệm xót xa chẳng bao giờ quên được. Nét mặt vừa lo sợ vừa căm
tức, đôi mắt nhìn như
muốn chọc thủng không gian trước mặt, chiếc đầu vừa được hớt ngắn
trông cộc cằn khó chịu, chiếc áo rộng thùng thình cổ xoạc ra tới
vai. Lúc đó anh cảm thấy cô đơn và buồn chán vô cùng. Buổi tối
đầu tiên nằm ngủ Nghiệp mở mắt thao láo nhìn đỉnh mùng màu cứt
ngựa xa lạ nước mắt ràn rụa. Anh không thèm lấy tay quệt mắt để
mặc cho những dòng lệ chảy dài xuống ướt đẫm chiếc gối cứng cỏi.
Những ngày thăm viếng anh ủ rũ đứng nhìn qua cửa sổ trông mong
bóng dáng mẹ mà anh thấy khó có hy vọng gặp lại. Anh bặm miệng
tủi thân trước niềm vui gặp lại gia đình của bạn bè cùng lớp. Một
vài đứa bạn thân kêu anh ra ngồi ăn chung nhưng anh cương quyết
lắc đầu từ chối. Anh nuôi trong người mối hận thù. Hận mẹ. Hận
cuộc đời. Hận tất cả mọi người. Anh chuyển mối hận thành ý chí
sắt đá. Phải học thật giỏi mới có thể ngẩng cao mặt trước cuộc
đời được. Anh chúi mũi học. Kiên nhẫn như một con kiến đầy tự tin.
Mới mười hai tuổi mà Nghiệp lì lợm chai đá không ai bằng.
Sự lì lợm của Sarah làm Nghiệp bùi ngùi nhớ lại những ngày câm
nín xưa. Con nhỏ coi bộ giống anh. Cũng thuộc hàng cao thủ. Nhà "thám
tử" tài ba không bao giờ thiếu sự tò mò và kiên nhẫn như Nhã
mà cũng phải chịu thua. Nhã chỉ có thể đưa ra một chi tiết mà nàng
nghĩ là đúng. Con nhỏ có nhiều phần chắc là người Việt Nam vì một
đôi khi nàng nói tiếng Việt với hai con mà Sarah dường như cũng
hiểu. Nghiệp cảm thấy ấm lòng. Anh cảm thấy con nhỏ gần anh hơn.
Anh nghĩ xa hơn một chút nữa. Bụng anh dấy lên câu hỏi làm anh
lúng túng nhìn Nhã. Ngàn ở quanh quất trong thành phố này sao?
Chính Nhã bảo Nghiệp mời Sarah tới ăn sinh nhật bé Vinh. Sinh
nhật của các con là dịp để cả nhà dẫn nhau đi ăn tiệm. Nghiệp coi
đây là dịp vui riêng của gia đình nên không mời bà con bạn bè.
Năm nay Nhã phá lệ. Sarah mừng rỡ chạy tới ôm hôn bé Vinh và hứa
chắc chắn sẽ tới dự.
Sau bữa ăn Nhã đề nghị đưa Sarah về. Sarah lưỡng lự không biết
trả lời sao. Nó không muốn vợ chồng Nghiệp tới nhà nhưng từ nhà
hàng về tới nhà nó khá xa lại không tiện đường xe buýt. Nhìn bầu
trời tối như bưng nó đành phải miễn cưỡng nhận lời. Nó xin phép
ra điện thoại về nhà trước. Nghiệp buông xuôi tay theo định mệnh.
Nghe lời đề nghị
của Nhã trước đó Nghiệp thấy bồi hồi ruột gan. Anh nửa muốn con
bé bằng lòng nửa muốn nó từ chối. Thần kinh anh căng thẳng. Anh
vừa muốn gặp lại Ngàn vừa sợ giây phút trùng phùng người yêu cũ.
Trên đường tới nhà Sarah anh lái xe vụng về lúng túng. Đầu óc
anh loay hoay không biết sẽ phải ứng phó ra sao khi giáp mặt Ngàn.
Anh nghĩ chắc mẹ của Sarah phải là Ngàn. Anh liếc nhìn sang Nhã
ngồi bên cạnh. Làm sao cho Nhã không nghi ngờ gì về mối quan hệ
giữa anh và Ngàn. Đàn bà họ tinh mắt lắm. Thoáng một cái là đặt
dấu hỏi liền. Anh
phân vân sắp đặt mọi cử chỉ, lời nói sao cho khéo léo. Tim anh
nhảy loạn xạ khi nghĩ tới cuộc tái ngộ sắp tới. Anh bỏ qua một
bảng stop không dừng xe. Nhã ngạc nhiên nhìn sang anh. Thường ngày
anh lái xe rất cẩn thận. Nghiệp dính cứng vào tay lái lầm lì không
nói gì. Anh cố tập trung lái xe trong khi bụng anh như có một bàn
tay khuấy lung tung
ở trong.
Người ra mở cổng không phải là Ngàn mà là một bà đứng tuổi người
bản xứ. Sarah giới thiệu mẹ. Nghiệp đứng ngơ ngác như người mất
hồn. Anh vừa mừng vừa thất vọng. May quá không phải là Ngàn. Mà
tại sao không là Ngàn? Tưởng sẽ phải vất vả với giông gió phũ phàng
mà bỗng chốc trời quang mây tạnh phô ra một vẻ tầm thường dễ giận.
Nghiệp đâm ra hụt hẫng. Anh như thoát ra khỏi cơn mơ khi người
đàn bà cười xã giao đưa tay cho anh bắt:
-Sarah nhắc tới gia đình ông bà hoài mà hôm nay tôi mới được
hân hạnh gặp mặt. Mời ông bà vào nhà chơi. Ông nhà tôi chắc sẽ
mừng lắm.
Nghiệp lúng túng đáp lễ:
-Rất hân hạnh được gặp ông bà. Chúng tôi rất quí cháu Sarah và
luôn luôn mong có cơ hội được biết ông bà. Chúng tôi xin lỗi bà
vì hôm nay đưa cháu Sarah về hơi trễ.
Họ bước vào trong nhà. Phòng khách thật trang nhã. Ông chủ nhà
bước ra vồn vã chào hỏi. Sarah xin phép đưa hai đứa bé lên phòng
chơi. Bốn người mời nhau ngồi xuống ghế. Ông chủ nhà lên tiếng
trước:
-Cháu Sarah khoe với tôi là có quen với gia đình một giáo sư
người Việt Nam trong trường. Bà nhà tôi và tôi mừng lắm. Như ông
bà biết đấy, chúng tôi không phải là cha mẹ ruột của cháu. Vợ chồng
tôi hiếm hoi không có con nên xin cháu về nuôi từ lúc cháu mới
có sáu tuổi. Chúng tôi thương cháu vô cùng. Nay cháu lại được ông
bà là người đồng chủng thương yêu chúng tôi mừng lắm.
Nha khôn khéo dò hỏi:
-Cháu Sarah dễ thương quá nên ai biết cháu chắc cũng yêu quí
cháu. Chúng tôi vẫn coi cháu như con dù thực ra chúng tôi không
biết cháu có phải là người Việt Nam giống như chúng tôi không.
Bà chủ nhỉ vội vàng xen vào:
-Thực ra chúng tôi cũng không biết rõ lắm. Khi cháu về với chúng
tôi cháu có vẻ buồn. Có lúc cháu ngồi nói lảm nhảm những gì mà
chúng tôi không hiểu. Một người bạn của ông nhà tôi hồi trước có
qua làm việc ở Việt Nam bảo với chúng tôi có lẽ cháu nói tiếng
Việt Nam vì ông nghe được một vài âm quen quen.
Nghiệp cảm thấy trong thâm tâm con nhỏ là người Việt Nam. Không
thể khác được. Anh hỏi thêm:
-Cháu về với ông bà lúc cháu được sáu tuổi, tôi nghĩ là một đứa
trẻ ở tuổi đó cũng nhớ được ít nhiều chuyện. Vậy cháu có nói chi
với ông bà về gia đình cháu không?
Bà chủ nhà bĩu môi lắc đầu:
-Tôi chưa thấy đứa nhỏ nào kín đáo như Sarah. Cháu không hề đả
động gì tới gia đình cháu cả. Tôi cảm thấy cháu như có điều gì
không hài lòng nhưng cháu không bao giờ thổ lộ ra. Dạo mới về một
đôi lần cháu đứng nhìn ra cửa sổ, nét mặt cau có và thốt ra vài
tiếng mà, theo như linh tính của một người đàn bà, tôi nghĩ là
cháu gọi mẹ cháu.
Như có tiếng sóng lao xao dịu nhẹ đập vào màng tang Nghiệp. Anh
lịm người để cho hồn bồng bềnh trôi về dĩ vãng. Cuối tháng tư năm
1975. Những ngày chộn rộn hốt hoảng. Ngàn tới căn phòng trọ của
Nghiệp nằm sâu trong một con hẻm trên đường Thủ Khoa Huân gần chợ
Bến Thỉnh. Nàng van vỉ Nghiệp di tản cùng gia đình nàng. Nghiệp
nhất mực từ chối. Mặt mũi nào làm một tên đào ngũ. Lương tâm nào
cho phép anh bỏ bạn bè trốn chạy. Tiếng bom nổ từ phía dinh Độc
Lập làm căn phòng của anh như muốn sập. Ngàn mặt mũi thất thần
ôm chặt lấy anh. Nước mắt ràn rụa hoảng hốt. Nàng nhìn như uống
lấy khuôn mặt anh. Tay nàng đưa xuống ngập ngừng cởi từng hột nút
áo trên ngực. Dù sao đi nữa em cũng chỉ có anh là chồng. Đôi gò
ngực trinh nguyên của Ngàn phơi ra hồng hỉo. Nàng vít đầu Nghiệp
xuống. Mặt Nghiệp ấm áp. Hơi thở anh gấp rút. Anh nhắm mắt lại.
Anh thấy người trôi lãng đãng trong nội cỏ mềm mại xanh rì trải
dài bao la ngút ngàn. Những hạt sương long lanh trên đầu cỏ óng
ánh dưới ánh nắng dậy thì đầu ngày. Môi Nghiệp êm ái trên đỉnh
xuân thì đỏ hồng. Anh lăn lộn trong bát ngát mịt mùng của đất trời
thuở hồng hoang. Sấm chớp từng chập vọng về những âm thanh man
dại
ngây ngất. Anh như người tiền sử đặt dấu chân trên miền hang động
hoang sơ quyến rũ. Ngàn lịm đi trong vòng tay anh si mê cuồng dại.
Cơn mưa đầu mùa òa vỡ những giọt hạnh phúc nhểu nhão chìm lần vào
lòng đất.
Tiếng Nhã cáo từ ông bà chủ nhà kéo anh ra khỏi cơn mê dịu dàng.
Sarah dẫn hai đứa nhỏ ra cửa. Nhìn dáng dấp Ngàn lồng trong bóng
dáng nhỏ nhắn của Sarah anh bỗng cảm thấy rõ ràng con nhỏ đã được
tượng hình vào một buổi chiều chạng vạng trong một ngày nhộn nhạo
hốt hoảng năm xưa. Anh khẽ gọi thầm trong miệng. Con ơi!
|