Tôi đi xem đêm nhạc Châu Đình
An do chính nhạc sĩ đứng ra tổ chức vào đêm Chúa Nhật ngày hai
tháng mười vừa qua tại vũ trường Majestic, quận Cam, nhằm gây quỹ
giúp cho những nạn nhân của cơn bão Katrina. Tôi cũng được biết
đây là đêm nhạc lần thứ hai sau đêm nhạc được tổ chức nghe nói
rất thành công ở Houston trước đây mấy tuần cũng với mục đích tương
tự. Rất lâu tôi lại có dịp đi tham dự buổi trình diễn văn nghệ
từ thiện như thế này. Tôi ít khi đi xem những buổi văn nghệ từ
thiện không phải là tôi thờ ơ với những hoạt động nhằm giúp đỡ
những người kém may mắn, nhưng tôi chọn cách giúp đỡ của mình một
cách đơn giản và không tốn nhiều thời giờ: cho phép khấu trừ tự
động một món tiền nhỏ đều đặn từ tiền lương hàng tháng của mình,
và khi thấy cần cho thêm thì tôi vào thẳng trang nhà của Red Cross.
Lần sau cùng tôi đi xem văn nghệ từ thiện hình như là cách đây
vài năm do hội Bạn Người Cùi tổ chức, qua sự thôi thúc của một
người bạn. Lần này tôi đến với đêm nhạc Châu Đình An, cũng qua
một người bạn. Một người bạn rất thân, vợ chồng Lê Mau ở Florida.Vợ
chồng Mau cũng là chỗ rất thân tình với vợ chồng nhạc sĩ Châu Đình
An. Do đó vợ chồng tôi được cái hân hạnh ngồi tại một trong những
bàn dành cho VIP, cùng với- ngoài vợ chồng Mau và vợ chồng Giỏi,
em của Mau - còn có anh chị Nam-Hương, anh chị Hà-Mỹ, đôi vợ chồng
trẻ Tuấn-Hồng là những người bạn mới quen nhưng rất chân tình và
tự nhiên trong lúc chuyện trò.
Chưa đến tám giờ mà số người có mặt chiếm gần hết số ghế trong
vũ trường. Nhưng đến tám giờ rưỡi thì đêm văn nghệ mới bắt đầu.
Một chút chậm trễ này đã khiến anh MC, ký giả Nguyên Hà phải nhiều
lần lên tiếng xin lỗi. Cái cách xin lỗi của anh hơi dài dòng nhưng
không làm cho khán giả nôn nao vì sự chân thành và nhiệt tình có
thể cảm nhận một cách rõ ràng trong lời phân trần của anh. Trái
lại, khán giả, người này nhìn người kia, cười với nhau vì ai cũng
nhận ra điều trớ trêu thú vị này: chọn những lời nói dài dòng để
xin lỗi cho sự chậm trễ!
Đêm văn nghệ mở màng bằng những bài hát khiêu vũ lần lượt do
nữ ca sĩ Cát Ly, và hai nam ca sĩ khác mà tôi không nhớ tên trình
bày. Ra sàn nhảy đầu tiên là những cặp nhảy rất tự tin, điêu luyện,
với những “fantasies” cầu kỳ. Nhưng có lẽ cũng chính những người
nhảy thuần thục này đã làm chùn bước nhiều khán giả muốn ra sàn
nhảy nhưng thiếu tự tin, trong đó có tôi. Mãi cho đến bản nhạc
thứ năm thứ sáu gì đó với điệu rumba thì vợ chồng tôi mới ra sàn
nhảy cùng với nhiều khán giả khác. Từ đó sàn nhảy trở nên nhộn
nhịp, đông đúc hơn thay vì chỉ có hai, ba cặp lúc ban đầu. Có hai
lần tôi phải bỏ nhảy nửa chừng. Lần đầu là liên khúc cha cha cha
do Như Quỳnh hát quá dài làm tôi mệt nhoài, đổ mồ hôi “như tắm”
nên không thể tiếp tục cho đến hết bản. Lần hai là bị trật nhịp
khi đang nhảy bản tango do Quang Lê hát. Vì nhảy dở và không thường
đi nhảy nên bị quờ quạng. Bà xã tôi cố gắng bắt nhịp lại cho tôi
bằng cách đếm thật to một, hai, ba, bốn, năm không chỉ cho tôi
nghe mà tôi nghĩ những người xung quanh đều nghe làm tôi càng lúng
túng; nên sau hai lần cố gắng bắt nhịp lại đều thất bại, tôi bỏ
sàn nhảy về lại chỗ ngồi trong sự thất vọng của bà xã.
Chỉ có một số bài tiêu biểu của nhạc sĩ Châu Đình An được trình
bày mà thôi. Dĩ nhiên bài đầu tiên được trình bày là Đêm Chôn Dầu
Vượt Biển, do Như Quỳnh hát với Chí Tài đệm đàn, vì bài này đã
làm nên tên tuổi của anh. Người ta thấy những giọt nước mắt rơi
trên má Như Quỳnh sau khi cô hát xong. Có nhiều bản nhạc của Châu
Đình An mà lời và ý nhạc, theo tôi, hay không kém bài ĐCDVB. Nhưng
tên anh gắn liền với bài này rõ ràng là vì mỗi lần bài này được
hát lên là làm xúc động cho nhiều người Việt tị nạn, nhất là những
người đã có một thời vừa phải sống lén lút, trốn tránh công an,
vừa tìm cách thực hiện cho bằng được việc trốn thoát khỏi đất nước.
Những người trực tiếp tham dự vào “escape plot” thì lại càng thấm
thía những lời của bài hát. Khâu chôn dầu là cái khâu bắt buộc
phải có trong kế hoạch vượt biển. Chôn dầu là để vượt biển. Có
ghe mà không có dầu thì không thể nào vượt biển được.
Bài Huế Tình Em Kỷ Niệm, phổ nhạc từ thơ của Hoàng Mộng Lương,
được giao cho Quang Lê trình bày là rất chí lý. Mặc dù không có
thời gian chuẩn bị, giọng hát ngọt ngào của Quang Lê mà nhiều người
cho là giọng hát “tái sinh” của Duy Khánh vẫn làm xao xuyến rất
nhiều khán giả gốc Huế có mặt đêm hôm đó. Nghe nói nhạc sĩ Châu
Đình An sáng tác bản nhạc này khi tình cờ đọc bài thơ Huế Tình
Em Kỷ Niệm của nhà thơ không chuyên Hoàng Mộng Lương đăng trên
báo. Rồi từ cái duyên này mà hai người quen nhau. Hoàng Mộng Lương
cũng có mặt tối hôm đó, nhưng anh ngồi khác bàn với chúng tôi.
Anh có tiến đến bàn của chúng tôi vẫy chào một lần. Tôi biết mà
không quen Hoàng Mộng Lương. Tôi có gặp Lương đôi lần tại nhà một
người bạn rất thân của tôi, Hường Thanh Tuyền, cũng là dân hải
quân như Lương. Đọc bài thơ, người ta biết ngay rằng Huế là nơi
chôn nhau cắt rốn của anh. Anh đã gởi gắm qua những dòng thơ một
nỗi nhớ thương da diết của anh về Huế, nơi đã gắn bó với anh không
biết bao nhiêu là kỷ niệm.
Chị Duyên Hằng, vợ của nhạc sĩ Châu Đình An lên sân khấu với hai
bài Sao Lá Vẫn Rơi và Chủ Nhật Sương Mù. Đây không phải là lần
đầu tiên tôi nghe chị hát. Tôi có dịp nghe chị hát khi đi dự đám
cưới của cháu Phương Nghi, một trong hai đứa con gái của vợ chồng
Mau, ở Orlando. Lúc đó chị hát, tôi không chú ý lắng nghe cho lắm.
Bởi vì tôi vừa nghe vừa chuyện trò với những người bạn ngồi chung
bàn tiệc. Và vì cạnh tôi là cái bàn của các “ông tướng” hải quân
“ăn to, nói lớn” với những ly rượu mạnh. Tôi chỉ nhớ mang máng
rằng chị có giọng hát hay của một người hay hát karaoke. Cho đến
hôm nay, khi nghe chị hát những bài nhạc của chồng mình, trong
khung cảnh thuận lợi cho sự thưởng thức thì tôi mới hiểu rằng chị
được anh MC giới thiệu lên sân khấu như là một ca sĩ là điều không
quá đáng chút nào. Sân khấu trở nên rực rỡ hơn khi chị đứng hát.
Giọng hát của chị thật hay - vững vàng, tự nhiên; và ánh mắt, nụ
cười của chị thường xuyên trao đổi thân tình với khán giả. Chị
hát và diễn tả bài hát như là một ca sĩ chuyên nghiệp. Có điều
tôi hơi ngạc nhiên là chị không thuộc hết lời của hai bài nhạc.
Chị hát có sự trợ giúp của tờ copy của bản nhạc đặt bên cạnh. Dĩ
nhiên đòi hỏi chị thuộc lòng hết những bản nhạc mà số lượng đến
cả trăm bài của chồng mình là điều “hơi ép” chị. Nhưng chắc chắn
chị phải nhớ nằm lòng một số bài nhạc do chồng sáng tác, nhất là
những bài anh viết riêng cho chị. Có lẽ hai bài chị hát không nằm
trong danh sách các bản nhạc này. Hy vọng một dịp nào khác sẽ được
nghe chị hát những bài nhạc anh viết tặng riêng cho chị.
Nhạc sĩ Châu Đình An, vì là nhân vật chính nên thường lên sân
khấu. Anh lên một mình để nhận tấm ngân phiếu sáu trăm đô la từ
tay dân biểu tiểu bang Trần Thái Văn. Anh lên cùng với Kỳ Phát,
chủ nhiệm báo Trẻ, một thành viên đắc lực nhất trong ban tổ chức,
để tỏ lời cám ơn đến những nhân vật chức sắc trong cộng đồng có
mặt trong số khán giả. Anh lên cùng với MC Nguyên Hà để xin lỗi
về những sai sót. Và anh lên để hát.
Anh hát tất cả bốn bài: Chăn Vịt Phương Nam, phổ nhạc thơ của
Mường Mán, hát chung với Như Quỳnh, còn ba bài – Gần, Theo Gió
Bay Đi, và Cuộc Tình Tôi – anh hát một mình. Tôi chưa bao giờ nghe
anh hát và cũng chưa bao giờ nghe ai nói anh biết hát. Có không
ít nhạc sĩ hát nhạc của mình nhưng số người thành công không nhiều.
Trịnh Công Sơn cũng hát. Vũ Thành An cũng hát. Nhưng giới thưởng
ngoạn vẫn thích Khánh Ly hát nhạc họ Trịnh, Lệ Thu hát nhạc họ
Vũ hơn nhiều. Thế đó, tôi trang bị với cái nhìn “không mong đợi
gì nhiều” để chuẩn bị nghe anh hát. Nhưng anh đã cho tôi sự bất
ngờ đầy thích thú khi giọng hát của anh cất lên thật ấm, thật thiết
tha. Anh diễn tả thật nhịp nhàng và sống động với Như Quỳnh. Anh
thoải mái và tự tin khi hát một mình. Anh hát không thua gì những
ca sĩ đã nổi tiếng. Tôi lại càng ấn tượng hơn khi nghe anh hát
những bài Trái Tim Mãn Hạn, Yêu Em Giới Luật... trong CD của anh
vào buổi sáng hôm sau trên đường đi làm.
Đêm nhạc Châu Đình An chấm dứt lúc khoảng mười một giờ. Mọi người
ra về trên tay đều có một “package” được đặt tên Tình Ca Châu Đình
An, gồm một tập nhạc bìa cứng dày hơn hai trăm trang với một trăm
lẻ bốn bài nhạc, và ba dĩa CD - Em Ở Lại, Sóng Trôi Đời Tôi do
tác giả hát, Hãy Nói Với Em bởi Thanh Hà và Tuấn Ngọc, và Em Đã
Không Yêu Anh do Mỹ Linh, Thu Phương, Bằng Kiều, và Huy MC trình
bày. Tất cả đều được dàn dựng công phu; hình ảnh, bao bìa, in ấn
được chăm sóc đến từng chi tiết. Qua đó, người ta thấy được sự
nâng niu, trân trọng của tác giả trong việc giới thiệu những đứa
con tinh thần của mình đến với khán giả. Một “package” thật trang
nhã, nghệ thuật, và chất lượng mà giá chỉ có ba mươi đồng; và toàn
bộ số tiền bán được đều dành cho việc cứu giúp các nạn nhân. Một
đêm nhạc từ thiện được tổ chức mà không có sự nhượng bộ cho kiểu
“làm cho xong” như chúng ta thường thấy ở những buổi sinh hoạt
từ thiện khác. Cho nên không ai ngạc nhiên khi ban tổ chức cho
biết số tiền quyên được là mười một ngàn đồng, sau khi trừ hết
mọi chi phí - Một thành công thật khả quan về mặt tài chánh.
Đối với vợ chồng Châu Đình An và những người thân, những người
bạn giúp anh làm công việc tổ chức mà không có họ đêm nhạc không
thể thành hình được, thì đêm nhạc chưa dừng lúc mười một giờ. Sau
khi tất cả khán giả ra về, họ còn phải ở nán lại để giải quyết
dứt điểm những vấn đề tài chánh, kỹ thuật. Chỉ có ca sĩ Quang Lê,
dù không phải là thành viên trong ban tổ chức, cũng ở lại đến giờ
chót. Anh kiên nhẫn đứng chụp hình lần lượt với người này đến người
khác. Và trước khi ra về, anh ca sĩ trẻ, vóc dáng thư sinh và hiền
từ không quên bắt tay chào từ giã các anh, chị, cô, chú. Quang
Lê thật xứng đáng với đóa hoa hồng anh đang cầm trên tay do một
khán giả mến mộ tặng anh trước đó.
Sau đó, cả bọn chúng tôi - vợ chồng Châu Đình An và những người
thuộc “inner circle” của anh gồm vợ chồng anh chị Hạnh (chị của
Duyên Hằng), vợ chồng Tuấn-Hồng (cặp vợ chồng trẻ mà tôi rất cảm
kích với cách cư xử thật khiêm tốn và lễ độ dù rằng họ là những
người rất thành công trong thương trường ở Houston), vợ chồng Mau,
anh Kỳ Phát, anh Cường; cùng vợ chồng Giỏi và vợ chồng tôi là những
người “ăn theo” - kéo đến nhà anh chị Hà-Mỹ để giải quyết những
cái bụng đang đói của mình. Nhà của anh chị Hà-Mỹ không đủ rộng
để chứa một đám khách khá đông không mời mà đến, nhưng sự hiếu
khách của anh chị thì tuyệt vời. Chị Mỹ cho chúng tôi thưởng thức
những món ăn do chính tay chị làm – bánh bèo, bánh bột lọc, chả
ốc, chả lụa, nem chua, chạo tôm, gỏi gà, cháo gà – món nào chị
làm cũng đều ngon cả, và kết thúc bằng món thạch tráng miệng có
hình dạng y hệt quả trứng gà cũng do bàn tay khéo léo của chị đảm
trách. Còn anh Hà thì không ăn, ngồi đó trò chuyện, khuyến khích,
mời mọc chúng tôi ăn một cách ân cần.
Khi chia tay ra về thì đã hơn hai giờ sáng. Mệt nhưng mà vui.
Vui vì lâu lắm rồi tôi mới có dịp tham dự một buổi từ thiện đúng
nghĩa từ thiện- một buổi từ thiện được tổ chức một cách trân trọng
và những người đứng ra tổ chức hoàn toàn không hưởng một mối lợi
vật chất nào từ kết quả tốt đẹp này.Vui vì được gần với những con
người có tấm lòng rộng mở. Nói đến “gần”, tôi lại nhớ đến lời nhạc
trong bản nhạc Gần – bản nhạc mà tôi ưa thích nhất. Gần bóng
tối thấy mình đơn côi. Gần oán ghét thấy ta xa người. Đùa
với sóng thấy biển mênh mông. Tôi tự nhủ mình hãy cố gắng tránh
xa bóng tối, không để oán ghét gậm nhấm mình, và nên thường đùa
với sóng. Bởi vì đùa với sóng mới thấy biển thật là mênh mông.
Và khi đối diện với sự mênh mông đó, ta sẽ thấy rõ được thân phận
của mình thật là giới hạn, bé nhỏ, mong manh làm sao. Rồi giật
mình. Những cái giật mình cần thiết để từ đó, cách sống của ta
hy vọng sẽ được điều chỉnh sao cho được liên đới, hài hòa, và phải
đạo hơn trong mối quan hệ giữa mình với tha nhân, xã hội, và đất
trời.
Đầu tháng Mười, hai ngàn lẻ năm
Nguyễn
Ch.
|