Trời trắng xóa những hạt tuyết đổ xuôi xuống như
rải muối. Những hạt tuyết dư thừa. Thành phố đã trắng phau dưới
hai chục phân tuyết. Từ trên tầng lầu thứ mười chín nhìn xuống,
những ngọn đèn vàng khè nhạt nhòa như những con mắt ngái ngủ. Vàng
từ những khuôn kính vắt vẻo trên những tòa cao ốc kênh kiệu. Vàng
từ những chiếc cầu uốn mình như dáng nhảy của loài chó sói. Vàng
từ những con đường co quắp trong giá lạnh. Vàng từ những công viên
buốt căm căm một vũng tuyết vô hồn. Vàng từ những căn nhà nhỏ bé
nằm im lìm cam phận. Tiếng Thăng yếu ớt. Chỗ đó nhìn xuống khu
trung tâm thành phố thấy thật đẹp. Tôi chỉ thấy buồn. Phố phường
nhộn nhịp giờ co quắp ủ rũ như một người bệnh kinh niên. Chiếc
máy hát bên giường Thăng đều đặn một bài nhạc buồn. Xin cho đi
lại từ đầu. Tôi rùng mình. Đi lại làm sao được. Bước đầu của tôi
đã hỏng. Hỏng bét. Vì Thăng.
Ngày cưới Thăng tôi không được làm
cô dâu, chỗ mà từ ngày đầu biết yêu tôi vẫn nghĩ là của mình. Sự
mất mát này làm tôi ngộp thở. Tấm thiệp cưới in rất đẹp, nhìn vào
là thấy ưng ý liền, đã bị tôi vò xé thành một đống bầy nhầy ngay
khi nhận được. Đêm cưới Thăng, tôi ôm một chai rượu và một bao
thuốc lá lẻn ra vườn sau của nhà trọ ngồi ngẫm phận mình. Thuốc
lá đắng ngắt làm tôi ho sặc sụa. Nuốt khói đâu có phải thói quen
của tôi. Cả đời tôi chỉ nhìn Thăng hút bây giờ tôi mới ngang ngạnh
cắm điếu thuốc lên môi. Ho xong tôi lại kéo mạnh khói vào miệng
để ho nữa. Tôi hành hạ thân xác mình như hành hạ cuộc đời. Chất
rượu cay xè ở đầu lưỡi đắng chét như đời tôi. Tôi đổ rượu vào cổ
họng như trút tất cả hằn học vào cái tôi hẩm hiu.
Thăng và tôi là
một cặp đẹp đôi, đám bạn tôi nói vậy. Tôi chưa bao giờ soi chung
một tấm gương với Thăng nhưng vẫn nghĩ là họ nói đúng. Có Thăng
bên cạnh người tôi như vững vàng hơn. Mất Thăng tôi như chiếc đũa
mất một chiếc đũa. Không gì vô duyên và vô dụng như một chiếc đũa
lẻ loi. Trách ai được? Chẳng là tôi tự hại tôi hay sao?
Đám bạn sinh viên cùng trọ học trong một nhà như một đám chị em
trong gia đình đông con. Mỗi đứa có một đời sống riêng nhưng không
lơ là với đời sống của những đứa khác. Khi tôi đã ngột ngạt với
khói thuốc, khô khốc với những hớp rượu, tôi chẳng còn là tôi nữa.
Tôi dựa ngửa vào vách tường, nước mắt xuôi dòng chảy miết, hận
Thăng, hận con bạn trời đánh Thanh Xuân. Cần gì đời, cần gì phải
khóc. Tôi cười, cười cho lòng dạ con người. Đáng gì những thứ rẻ
tiền đó. Cười chán lại thấy tiếc đắng họng. Tôi lại khóc.
Chính
đám bạn đã vực tôi vào nhà, xúm quanh an ủi tôi. Mỗi đứa một câu,
mỗi đứa một cách, đứa nào cũng muốn nâng mặt tôi lên vênh váo với
đời. Câu nói của Trâm Anh, máu tếu đầy người, còn theo tôi tới
bây giờ. Mày đẹp như minh tinh, sang như bà hoàng, con gái như
tao còn phải mê huống chi tụi đàn ông. Tao bảo đảm sẽ kén rể cho
mày, bét ra cũng nặng gấp đôi thằng Thăng gầy gò ốm yếu của mày.
Thăng nằm đó. Đúng là gầy gò ốm yếu. Tôi mỉm cười nhớ tới con bạn
vui tính cũ. Thăng mở mắt lúc nào tôi chẳng rõ.
'' Em nghĩ gì mà
cười vậy?''
Tôi nén được tiếng cười thêm.
'' Nghĩ tới chuyện chúng mình ngày
xưa.''
Thăng thở dài, giọng dè dặt.
'' Em còn giận anh không?''
Có bao giờ tôi oán giận Thăng không
nhỉ? Tôi lắc đầu.
''Có bao giờ em giận anh đâu!''
Im lặng. Mãi sau Thăng mới buông
nhẹ.
'' Nhưng anh vẫn giận anh!''
Tôi bước tới bên giường, cúi xuống
hôn lên trán Thăng, nhỏ nhẹ.
'' Chuyện xưa rích xưa rang rồi anh
ơi!''
Tôi đã dối lòng. Tôi đâu đã xếp được cái xưa rích xưa rang
đó vào chiếc rương cổ tích trong tôi. Nhưng quả thực tôi không
giận Thăng. Tôi giận cái ngờ nghệch của mình ngày đó. Bạn bè với
nhau, tôi lạ gì Thanh Xuân. Nó như một cái mạng nhện biết ưỡn mình
theo gió. Bọn con trai, như lũ ruồi muỗi không mắt, lao vào là
dính cứng mấy ai gỡ ra. Chiêu thức của nó mềm oặt mà ngàm cứng
ngắc: lí lắc, nhõng nhẽo, buông nắn đến chóng mặt. Đã vậy nó lại
có duyên ngầm. Và thông minh. Nó biết phối hợp tất cả các trò vặt
vãnh làm thành cái mạng lưới chắc chắn. Lạng quạng xà vào dính
là cái chắc. Tôi chẳng nhớ đứa nào trong đám bạn gái tụ họp nhau
tại nhà Thanh Xuân bữa đó quăng cuộc tình của tôi với Thăng ra
chiếu. Mỗi đứa một câu xào xạc như cả bầy ong vo ve ngọ nguậy.
Tôi ngồi nghe mà lòng bồn chồn nửa ngượng ngùng nửa sung sướng.
Hình như tôi là người may mắn nhất trong đám bạn. Tôi đã có được
con người khá ăn khách là Thăng. Những câu nói trả qua trả về giữa
đám con gái đã phảng phất có mùi tị nạnh. Nghi à, chừng nào mày
chán anh chàng Thăng thì vứt qua tao nghe, tao đặt cọc trước rồi
đấy nhé! Cả bọn nhao nhao tranh nhau. Giả bộ cho vui nhưng biết
đâu đấy. Tôi cũng nhắm mắt hòa vui với bầy bạn nhộn nhạo. Ừa, nhưng
tụi bay tranh nhau vậy biết truyền cho đứa nào, để tao cho mỗi
đứa một mảnh. Từng ấy cái miệng lại ào ào đòi xí phần. Cho tao
mái tóc đi! Cho tao cái miệng nói ngọt ngào, còn có ngọt lắm không
thì tao chưa biết! Con nhỏ che miệng đỏ mặt cười ré lên. Cho tao
đôi bàn tay khéo léo của chàng, có khéo thật không Nghi? Cả lũ
lại bưng miệng cười ồn ào. Tụi bay im hết đi, đừng xí hết phần
của tao! Để tao hỏi xin con Nghi cái... ruột của chàng! Từng ấy
thân hình vật vã trong tiếng cười sặc sụa. Nói được câu quỉ quái
như vậy chỉ có cái miệng của Thanh Xuân. Nó vỗ vào vai tôi bằng
một tay, tay kia bưng miệng đỡ tiếng cười chảy dài chảy dọc những
giọt nước mắt. Tiếng nói nằm trong tiếng cười không phát ra được
gọn ghẽ. Nhé... Chịu không? Giọng đứa nào từ góc phòng bay ra.
Mày đòi thứ của hiếm như vậy ai cho khơi khơi. Phải nhào vào mà
cướp. Ba bốn giọng tranh nhau vừa cười vừa nói. Sợ gì, Thanh Xuân.
Cướp là nghề của mày mà! Ba mươi giây xong ngay chứ gì, phải không
Thanh Xuân? Thanh Xuân nhìn quanh, giọng đùa giỡn. Tao là tên cướp
có gia giáo, đâu có cướp bậy cướp bạ được. Từng ấy cặp mắt đổ dồn
vào tôi. Sao mày, Nghi? Tôi sôi tự ái. Đứa nào có giỏi làm gì được
thì làm.
Tiếng bánh xe lịch kịch ngoài hành lang. Cửa mở. Chiếc
khay đồ ăn bằng kền trắng xám lơ lửng trên tay người đàn bà mập
mạp băng qua cửa.
'' Chào bà. Mời ông dùng bữa. Ông nhớ ăn cho hết
kẻo bác sĩ la.''
Quay sang tôi, bà nhoẻn miệng cười.
'' Bà phụ tôi một tay bắt ông
ăn dùm. Ông lười ăn lắm đó.''
Tôi cười lịch sự. Nụ cười phải cố
gắng lắm mới vẽ ra được. Một chút xót xa cắn nhói tim tôi. Ai cũng
tưởng tôi là vợ Thăng. Không phải vợ sao túc trực bên giường bệnh
lo lắng từng cơn bệnh lên xuống. Tôi nén người đến sửa soạn bữa
ăn cho Thăng. Một cục thịt bằng nắm tay con nít, vài lát rau, chút
khoai nghiền nát nằm bên, ly nước cam, ly sữa, ly nước sôi có túi
trà nằm trên chiếc đĩa nhỏ, chiếc bánh ngọt bằng ba ngón tay. Tôi
cắt thịt thành từng lát nhỏ. Thăng uể oải. Ăn mà như bị phạt phải
ăn.
'' Miệng mồm nhạt thếch, ăn gì cũng như nhai trấu ấy!''
'' Thịt thà rau trái sang như ăn tiệm tây thế này mà bảo là trấu.''
'' Em ăn đi!''
Thăng lừ mắt với tôi. Tôi thấy tức cười. Anh như
một đứa con nít phải dỗ dành.
'' Em mà ăn thì anh chẳng còn gì để
ăn đâu! Anh ăn dùm em đi''
Tôi nhẹ nhàng gỡ chiếc nĩa từ những ngón
tay khô gầy của Thăng, xâu một miếng thịt đút cho Thăng ăn. Anh
miễn cưỡng há miệng, nhai trệu trạo. Khổ hình anh chịu đựng tôi
chỉ có thể chia xẻ bằng cặp mắt ái ngại. Tôi muốn mà đâu có ghé
vai vác dùm anh nỗi cực nhọc của một xác thân rệu rạo được.
Da thịt
anh đã lịm xuôi. Da thịt tôi cũng chỉ còn chút leo lét. Vậy mà
tình yêu anh vẫn cứ như ngọn lửa đỏ trong tôi. Bền bỉ và ấm áp.
Thuở yêu anh, tôi cũng là một người tình chừng mực. Tôi chiều được
vòng môi anh, chiều được đôi tay anh, nhưng không thể chiều được
thân xác nóng bỏng của anh. Tôi nghĩ anh đứng trên những thường
tình, cao hơn những tục lụy. Nhưng tôi đã lầm. Anh cũng là là như
bao nhiêu đàn ông khác. Đầu anh dễ dàng tra vào chiếc lưới rộng
mở của Thanh Xuân. Con nhỏ đó đã ra tay thì chẳng có anh đàn ông
nào cưỡng lại được. Thăng không phải là một ngoại lệ. Tôi hiểu
được điều này quá muộn. Cái giá tôi phải trả quá cao.
Nỗi đau của
một cuộc tình lỡ làm đứt đoạn đời sinh viên của tôi. Tôi không
còn tâm trí cho sách vở. Đành bỏ dở năm học trở về với gia đình.
Tạm thời cho tới mùa khai giảng năm tới, tôi tính trong cái đầu
hỗn mang của tôi. Nhưng rồi tôi kiếm được việc làm chẳng thiết
quay về với trường ốc nữa. Đời sống tôi rũ rượi. Tôi cháy túi chẳng
còn một đồng bạc để hòng gỡ lại vốn liếng.
Cha mẹ tôi níu người
thăm dò từng hơi thở của tôi. Tôi sống lơ lửng như một cụm mây
đen. Buồn tình và đơn độc. Mẹ tôi xót xa muốn kéo tôi trở về với
thực tế bằng cách của bà: dỗ dành tôi lấy chồng. Tôi ừ ào chẳng
thiết tha nhưng cũng chẳng muốn làm buồn phiền người đã cho mình
cuộc sống. Mẹ tôi lân la tiến tới. Tôi xuôi tay phó mặc cho mẹ.
Lấy ai cũng được. Không phải Thăng, đàn ông người nào cũng như
nhau. Tôi lấy chồng cho mẹ, còn tôi dửng dưng.
'' Chào bà! Tôi xin
phép làm vệ sinh cá nhân và thay áo quần cho ông.''
Cô y tá phốp
pháp pháp cười lịch sự sau câu nói. Tôi dợm đứng lên đi ra ngoài.
''
Bà có thể ngồi không sao. Nếu giúp được tôi một tay thì quý quá!''
Mặt
tôi sượng trân. Người tôi túng rối trong chiếc ghế bành rộng rãi.
Thăng cũng lúng túng không kém. Anh nhìn tôi. Tôi nhìn lại anh.
Đôi mắt tôi chạy hoang. Đôi mắt anh dật dờ. Tôi thu hết sức đứng
lên.
'' Tôi ra ngoài một chút cho khoảng khoát. Cô lo cho anh ấy
giùm tôi!''
Mặt Thăng giãn ra thư thái. Cô y tá tủm tỉm nhìn tôi.
Tôi chẳng đọc được những gì dấu sau nụ cười nghề nghiệp đó. Tôi
rảo bước như chạy trốn khỏi cửa phòng. Trốn cái tê tái đang rần
rần tỏa ra khắp châu thân.
Hành lang bệnh viện lặng ngắt. Tôi nhìn
vu vơ những bức tranh treo hai bên tường. Mặt hồ bình lặng, cỏ
hoa êm đềm, cây cối tĩnh lặng... Tranh Monet dìu dịu dìm tôi vào
cõi an bình cho tâm hồn. Tôi lững thững qua từng mặt tranh. Như
một kẻ nhàn du ghé qua một phòng triển lãm.
Cuối hành lang là cửa
thang máy. Hai băng ghế dài kê sát hai bên tường không một bóng
người. Tôi ngồi xuống chôn mắt trong bàn tay chống trên thành ghế.
Cửa thang máy mở đóng từng chập nhả ra những bóng áo choàng trắng
vội vàng hấp tấp. Những bước chân khỏe khoắn nện trên sàn gạch
bóng loáng. Tiếng đế giày của các cô y tá và sinh viên thực tập
rộn rã lách cách. Tôi mở mắt ra bắt gặp cái nhìn của bà bác sĩ
điều trị cho Thăng ngồi trên ghế trước mặt.
''Chào bà''
Tôi lật đật chào lại.
'' Chào bác sĩ.''
'' Tôi mới ghé qua phòng. Ông nhà hôm nay khá lắm. Tươi tỉnh. Thoải
mái. Đó là dấu hiệu tốt.''
Tôi chẳng buồn cải chính sự hiểu lầm
của bà bác sĩ dịu dàng như một nữ tu. Tôi cố tươi nét mặt.
'' Vâng,
tôi cũng thấy vậy. Anh ấy chịu ăn và ngủ đều hơn. Được như vậy
là nhờ sự tận tình của bác sĩ. Cám ơn bác sĩ nhiều.''
'' Bà nên giữ một nửa câu cám ơn cho bà. Bệnh này thuyên giảm được
một phần là vì thuốc nhưng phần quan trọng hơn là tinh thần của
người bệnh. Bà là người giữ được tinh thần của ông nhà.''
Bà bác
sĩ rọi cặp mắt trìu mến lên mặt tôi. Tôi như một diễn viên vụng
về trên sân khấu, quên vở nên ú ớ chẳng biết đối đáp ra sao.
''
Đó chỉ là bổn phận của tôi. Tôi cố gắng giữ cho nhà tôi....''
Cửa
thang máy xịch mở sau tiếng chuông nhẹ tênh cứu tôi ra khỏi vũng
lầy. Bà bác sĩ vội vàng giơ tay chào trước khi biến mất trong chiếc
hộp đày nhóc người.
Tiếng ''nhà tôi'' như một cục xương chắn ngang
cổ làm tôi ngọng nghịu. Trong cuộc sống vợ chồng với Thường tôi
đã bao phen thốt ra với cõi lòng khô khốc chẳng mảy may xúc động.
Như chỉ để xác nhận với mọi người một liên hệ xã hội chứ không
dính líu gì tới tình cảm. Mà thật ra Thường với tôi có dính líu
gì đâu cho tới ngày xỏ cho nhau chiếc nhẫn ràng buộc. Mẹ tôi gả
tôi cho mẹ Thường. Đúng là như vậy. Tôi vất vưởng với cuộc tình
lỡ thì chẳng nói làm chi nhưng Thường cũng nép một bề dưới tay
bà mẹ là điều làm tôi khá bỡ ngỡ. Rồi tôi cũng nhìn ra. Đó là bản
tính anh. Thường như cái tên anh!
Thường nhợt nhạt trong cuộc sống.
Quan ba cũng ừ quan tư cũng gật. Anh sẵn sàng xếp hàng sau mọi
người, cúi thấp hơn mọi người, thu mình nhỏ hơn mọi người. Khi
nói chuyện , anh luôn luôn che miệng bằng bàn tay phải mở rộng,
làm như sợ những câu nói vốn đã hiền khô chạm tới người đối diện.
Cặp mắt e dè, dáng đi thui thủi, nụ cười gượng gạo sẵn sàng được
dập tắt làm anh luôn luôn ở trong tư thế ọp ẹp.
Anh chiều chuộng
tôi, không phải như một người chồng yêu thương người vợ, mà anh
chỉ cư xử đúng với cung cách của anh: chịu lép vế trước mọi người
kể cả người đáng lẽ anh phải như một cội cổ thụ chở che ấp ủ. Tôi
không thấy nơi anh một người chồng. Anh sống bên tôi như có như
không. Tôi không giữ được chút gì nơi anh. Cả tâm hồn lẫn thể xác.
Cả những giọt ân ái mà phải chờ tôi gật đầu anh mới được thả sâu
vào thân tôi.
Ở với nhau ba năm tôi cứ nhơn nhơn như không trước
cặp mắt sốt ruột của mẹ chồng. Bà nóng lòng mong cháu mà bụng tôi
cứ lạnh tanh trơ khấc. Miền đất sâu thẳm trong tôi như một bãi
đất hoang bướng bỉnh chẳng thèm bao dung những hạt giống của anh.
Tôi chẳng lấy đó làm bận lòng nhưng mẹ Thường đứng ngồi không yên.
Bà chạy đôn chạy đáo hết níu cửa chùa tới nắm áo mấy ông thày bói
thày tướng. Như thể sức khỏe của bụng tôi nằm trong đám khói nhang
mờ mịt tận đâu đâu.
Tôi tức mình tìm tới một nơi rõ ràng hơn. Bà
bác sĩ sản khoa rầu rầu cho biết bụng dạ đàn bà của tôi vô phương
cưu mang được những hạt giống của chồng. Tôi thấy mình coi bộ ít
rầu rĩ hơn bà bác sĩ có lòng. Có hay không có thêm những sinh vật
nhợt nhạt luôn che miệng khi nói chẳng phải là mối bận tâm của
tôi. Tôi thẳng thắn nói cho Thường biết. Anh ừ hử như nghe chuyện
của hàng xóm. Anh mách mẹ anh lúc nào tôi chẳng biết. Đúng ra tôi
biết khi bộ mặt của bà đổi qua một màn khác. Màn nói cạnh nói khóe.
Bà làm mặt ngầm ý muốn mời tôi ra khỏi nhà để rộng chỗ cho bà kiếm
cháu nối dõi. Tôi thì cũng chẳng tha thiết gì với chồng. Hai cái
ơ hờ đã cắt đứt được mối nhân duyên hờn dỗi của tôi.
Phải chi lúc
đó mà Thăng cũng cắt đứt được những hệ lụy của cuộc sống gượng
gạo như tôi! Tôi biết tính Thanh Xuân. Tôi biết gan ruột của Thăng.
Tôi không ngạc nhiên khi nghe được những lệch lạc trong cuộc sống
chung của họ. Tia chớp chói chang tạo thành một đám cưới chẳng
đủ dài để soi sáng suốt một đời lứa đôi. Cả hai đều chịu đựng nhau.
Chỉ một người xuôi tay là vết rạn sẽ nứt thành một chiếc rãnh đủ
sâu để chia thành hai bờ ngăn cách. Nhưng oái oăm thay, chuyện
đó chỉ xảy ra về sau, khi mọi sự đối với tôi đã quá muộn màng.
Hành
lang bệnh viện lúc chạng vạng trải dài như một đường hầm mờ mờ
ánh sáng vàng vọt. Yên ắng từ đầu này tới đầu kia. Chút sinh khí
trong chốn bệnh hoạn buồn thảm tạo được bằng những bước đi nhộn
nhịp của các cô y tá, tiếng cười của các sinh viên thực tập, tiếng
loa phóng thanh nhắn nhủ gọi nhau trong giờ hành chánh, tiếng nói
chuyện nhỏ nhẹ nhưng lao xao của thân nhân thăm bệnh giờ đã bỏ
đi. Chỉ còn tiếng động gây ra bằng những di chuyển cầm chừng của
các y tá trực khua vang chút đỉnh bàu không khí lặng ngắt lặng
ngơ. Thăng dựa vào tôi run rảy dồn mọi cố gắng vào từng bước chân
ngắn ngủi. Thân hình Thăng ngày xưa cuốn chặt tôi trong mỗi nụ
hôn giờ nhẹ tênh bên vai tôi. Đôi chân khẳng khiu như không đủ
sức chống đỡ dàn xương bọc da xiêu vẹo theo mỗi bước đi.
'' Cho
anh nghỉ một chút đi.''
Tôi đỡ anh ngồi xuống ghế. Anh dựa ngửa
người thở dốc. Cô y tá trực đi ngang dừng lại.
'' Xà và không ông
Thăng?''
Anh cố nhếch đôi môi sát sạt trên hàm răng lộ liễu.
'' Không tệ
lắm, cô ạ.''
Cô y tá nhẹ nhàng như một bà mẹ trẻ cưng con.
'' Ông cố đi mỗi
ngày hai vòng hành lang như bác sĩ dặn nghe! -- quay sang tôi --
Bà nhớ bắt ông đi cho đủ dùm.Mấy bữa trước tôi dìu ông đi giỏi
lắm. Bữa nay có bà ông hơi nhõng nhẽo đãy!''
Cô y tá quay đi không
quên để lại một nụ cười hóm hỉnh. Tôi quàng tay qua vai Thăng.
''
Anh đòi nợ em phải không? Ngày xưa em nhõng nhẽo với anh bây giờ
anh nhõng nhẽo lại với em.''
Thăng cười ngượng nghịu. Tay anh xiết
tay tôi. Tôi cảm thấy những lóng xương gày guộc lỏng lẻo. Tay anh
ngày xưa vững vàng ấm áp. Hàng cây hai bên đường cúi xuống ôm ấp
những bóng đèn rạng rỡ nụ cười. Anh cúi xuống phả hơi ấm vào mặt
tôi. Mỗi gốc cây là một chặng dừng cho môi anh tìm môi tôi ngọt
lịm. Tôi nâng những ngón tay ngo ngoe xạm ngắt đưa lên môi hôn.
Anh quay sang tôi bất giác buông tiếng thở dài. Tôi mềm người bên
anh.
'' Em nhớ những con đường xưa của chúng mình quá!''
'' Anh cũng vậy.''
'' Nói nghe lảng xẹt! Em nhớ rồi anh mới nhớ theo cho vui vậy thôi
chứ gì!''
Thăng liếc xéo tôi.
'' Anh đâu chỉ nhớ không. Đó là nỗi ám ảnh
triền miên trong anh. Mà đâu chỉ có những con đường. Em lúc nào
cũng ở trong anh. Khi thế này khi thế khác. Em là trăm ngàn dáng
đi, điệu nói, tiếng cười. Em lúc là bờ vai, lúc là vòng môi, lúc
là hơi thở, lúc là nồng ấm, lúc là cận kề, lúc là buông thả. Trăm
ngàn mảnh em quấn anh ngày đêm kể từ khi chúng mình xa nhau.''
Tôi
thấy loang loáng trong mắt anh giọt lệ đắng cay. Tôi bụm miệng
anh lại không cho nói tiếp. Tôi đưa môi chờ đợi. Anh cúi xuống
nâng cằm tôi lên. Ngón tay anh chạy dài trên môi tôi. Anh thở ra.
Bàn tay anh rơi xuống. Tôi cố kềm những giọt buồn phiền đang ứa
lên trong mắt.
Những ý nghĩ lộn xộn chạy trong đầu tôi. Ừ thôi cũng
xong. Bệnh tật của anh cũng có cái hay. Cứ thanh thản ngồi bên
nhau sống với kỷ niệm như thế này tốt hơn là quấn vào nhau trong
hương thừa canh cặn. Tôi rùng mình. Thân xác tôi đã quá ê chề.
Khi
sửa soạn vượt biên, đám bạn gái chúng tôi đã to nhỏ dặn nhau ngừa
thai cho kỹ. Tôi thảnh thơi nhìn đám bạn xuôi ngược kiếm thuốc.
Tâm trạng chúng tôi lúc đó thật lạ. Chấp nhận mọi sự xảy ra miễn
đừng để lại hậu quả. Chúng tôi lao vào sóng gió như đoàn cảm tử
quân lao vào lửa đạn. Chúng tôi bất chấp tất cả miễn sao thoát
khỏi cuộc sống hiện tại. Lòng đã sắt đá khi bước lên tàu nhưng
khi đám hải tặc đen trùi trũi lùa tất cả đám đàn ông qua tàu của
chúng, hai chục thân phận đàn bà chúng tôi đã hồn xiêu phách lạc.
Tôi đã lịm đi ngay khi tên đầu tiên giật hết quần áo và xô tôi
xuống sàn tàu. Khi tôi tỉnh dậy, mình tê rát, miệng đắng ngắt,
thân hình nhớp nháp bầy hầy. Cả một lũ giống cái nằm ngất ngư như
một đàn cá bị phơi nắng. Cá còn có vẩy che chứ chúng tôi nồng nỗng
trống trải. Mặt trời trên cao giương mắt nhìn xuống nóng bỏng.
Tôi ngất lên ngất xuống đinh ninh đang đi vào cõi chết. Thời gian
loang loáng khi có khi không. Tôi lơ mơ thấy thân hình mình được
nhấc bổng lên.
Sau này Michel mới kể lại khi anh phủ tấm khăn lên
người bế thốc tôi qua tàu anh, tôi ú ớ mê sảng chẳng biết gì. Sau
một ngày nghỉ ngơi thuốc thang, tôi mới mở mắt nhìn thấy nụ cười
của Michel. Anh như vị thần hộ mệnh quanh quẩn bên tôi suốt ngày.
Khi biết tôi không có thân nhân ở bên này, anh đề nghị bảo lãnh
tôi. Tôi đang như kẻ chết chìm thấy tấm phao là túm lấy liền chẳng
cần suy nghĩ. Ai ngờ chiếc phao này lại đảy đưa tôi tới nơi có
Thăng. Michel để tôi ở nhà với bà mẹ già còn anh thì nổi trôi theo
kiếp thủy thủ. Những lúc anh về, anh chăm sóc quí mến tôi, đưa
đi chơi đây đó, mua sắm cho tôi. Anh nhẹ nhàng với tôi như gượng
nhẹ với một con búp bê bằng thủy tinh. Anh vuốt ve tôi rồi cài
lại áo quần tôi với đôi mắt xót thương trìu mến. Tôi không đọc
được gì trong đôi mắt trong veo đó. Chắc anh không muốn tôi hãi
hùng nhìn anh như đám hải tặc hung bạo trên thuyền. Tôi cảm tấm
lòng nhân hậu của Michel. Có lần anh bảo tôi đời thủy thủ rày đây
mai đó, đi về thất thường nên không muốn dính líu làm khổ một người
đàn bà nào cả. Anh thương tôi nhưng không muốn tôi lệ thuộc vào
cuộc sống bất định của anh. Anh khuyến khích tôi đi học, hội nhập
vào đời sống mới và lúc nào muốn tự tạo cuộc sống riêng cho tương
lai thì đừng ngại ngùng gì hết. Nỗi kinh hoàng trong thân xác tôi
làm tôi e sợ sự chung đụng nhưng tự thâm tâm tôi vẫn muốn phơi
thân đền nghĩa cho Michel. Tôi cố đóng vai tình tứ kéo sát anh
vào người tôi. Anh e dè nhìn vào mặt tôi dò tìm. Tôi nhắm mắt lại
ôm chặt anh hơn. Anh thận trọng đi vào tôi như đi vào miền chông
gai. Tôi thấy nỗi hoan lạc của thân xác anh. Còn tôi, chẳng vứt
bỏ được đớn đau cũ, rùng mình trong ê ẩm buốt giá.
Thân xác tôi
đã liu riu, thân xác Thăng cũng thui chột. Ngồi bên nhau chỉ còn
kỷ niệm của những tháng ngày cũ. Nghe ra cũng thấy rỡ ràng. Thanh
Xuân cũng đã xa Thăng ngay từ những ngày đầu đặt chân tới vùng
đất mới. Thăng chẳng còn ràng buộc. Tôi cũng thênh thang. Chúng
tôi gọi quá khứ về trong khung cảnh khác. Buồn hơn. Thê lương hơn.
Nhưng có gì cấm được lòng chúng tôi chối bỏ hiện tại để đắm mình
vào những ngày tình nhân cũ.
Người con gái tươi mát, rộn ràng, tươm tất tiến về phía chúng tôi.
Mặt Thăng sáng lên. Cô gái khẽ gật đầu chào tôi rồi quay sang Thăng.
''
Thưa ba. Ba khỏe không ba?''
Tôi sững người nhìn thấy nét Thanh
Xuân trong vóc dáng và giọng nói của người thiếu nữ đôi mươi này.
Thăng giới thiệu.
' Cháu Thanh Trang! Cháu đi làm xa chỉ về thăm
bố vào mỗi cuối tuần. Anh chỉ có độc một mụn này thôi. Thương bố
lắm! Mà cũng ngoan và hiền lắm. Bạc triệu của anh đấy!''
Thanh Trang
ngúng nguẩy trước lời khen của bố.
'' Ba kỳ quá! Làm con mắc cở
chết!''
Thăng vẫn say sưa nhìn con.
'' Đó! Ba đã dặn đừng mang gì vào,
trong này đủ hết rồi, mà tuần nào cũng xách một túi nặng chĩu như
vậy. Tội vậy con!''
Thanh Trang đặt chiếc túi xách xuống đầu ghế.
'' Con mang vào ít
trái cây cho ba ăn thêm thôi chứ có gì đâu. Cả tuần mới được biểu
diễn tình thương với ba một lần mà ba cứ la hoài!''
'' Ba có la gì đâu. Thấy con là ba mừng muốn chết, cần gì phải
trái cây. Ấy, mừng quá líu ríu với con, quên giới thiệu. Đây là
cô Nghi, bạn cũ của ba.''
Thanh Trang cúi đầu.
'' Cháu hân hạnh được biết cô. Gặp lại bạn
cũ chắc ba cháu mừng lắm. Phải không ba?''
Thăng hăng hái gật đầu.
Tôi bừng tỉnh. Tôi đang mê mẩn ngồi ngắm hai cha con Thăng, chìm
người trong ý nghĩ, nếu ngày xưa Thăng lấy một người đàn bà tuyệt
đường con cái như tôi, anh đâu có được đứa con gái xinh đẹp dễ
mến như thế này. Tôi đứng dậy, đặt tay lên hai vai Thanh Trang,
giọng xúc động đến rạn vỡ.
'' Gọi là dì nghe con. Dì cũng là bạn
của mẹ con, ngày xưa!''
SONG THAO
|