Xuân ĐINH HỢISỐ 33 - THÁNG 2 NĂM 2007

 

Thơ

Xuân dưới tàng cây đại thụ
24 Phạm Hồng Ân
Chỉ còn thấy trong mơ
24
Huỳnh Kim Khanh
Bản trường ca thứ 8

23
Trần Việt Bắc
Tâm tình
21
Trần Thiện Hoài
Cai Hạ Ca
21Trần Hoan Trinh
Dương cầm

18
Phan Thế Phiệt
Tóc bạc
18
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút

Tản mạn về Đối xuân Đinh Hợi
14
Trần Việt Bắc

Sớ Táo quân
14
Ngọc Trân
Cô gái xuân trên hòn Con Rùa
13
Phạm Hồng Ân

Hoa Đào
14
Xuân Phương

Bài ca Dolphin
15
Nguyên Nhi

Mưa trên phố suối Snoqualmie (II)
8Phan Thái Yên

Bỏ hoang đời
8Song Thao
Xuân muộn
8Cỏ Biển
Tản mạn về năm Đinh Hợi
8Trương Thanh Diễm Thùy
Con thuyền hoa xuân
8Ưu Du
Chuyện khu phố nhỏ
8Phan Kế
Làm dâu Biên Hòa
8Võ Thị Đồng Minh

Văn học, biên khảo

Tìm hiểu sách Đại Việt Sử Lược
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành (7)
4Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 20

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 27

1 Huỳnh Kim Khanh


 

Cô gái xuân trên hòn Con Rùa

 

Tôi về Phú Quốc còn chân ướt chân ráo, chưa tìm được nơi ẩn trú yên thân, thì đã gặp Chu văn Hùng vác ba lô tới trình diện. Mẹ, cái thằng công tử vườn – ăn chưa no, lo chưa tới – lúc nào cũng lót tót theo sau tôi, như bóng với hình. Từ quân trường Quang Trung đổ mồ hôi sôi nước mắt, tới tận Năm Căn khỉ ho cò gáy, rồi bây giờ...cũng gặp lại nhau – nơi hòn đảo trùng khơi chơi vơi chới với này. Thậm chí, khi học Anh Văn để qua Mỹ thụ huấn, tôi cứ tà tà cho đến khóa cuối mới đi. Rồi khóa cuối, cũng không thoát khỏi hắn. Hai đứa cùng ở chung phòng, cùng đếm lá mùa thu rơi tan tác trong quân trường Newport, tiểu bang Rhode Island.

- Mẹ, cũng gặp mày. Hai đứa chắc nợ nần với nhau từ kiếp trước?

   Chu văn Hùng trố mắt, nhìn tôi. Nụ cười bỗng nở ra, cùng cái lưng cong cong, quằn xuống. Hắn xốc ba lô lên tay, mũi giày hất tung cát bụi mịt mù.

- Mày về đây hồi nào? Xuống tàu chưa?

   Tôi chỉ ra cầu tàu. Những chiếc PCF nối đuôi nhau, phập phều ngoài  đó. Biển An Thới, buổi chiều, đẹp như một bức tranh thủy mạc. Sóng vỗ lên bờ nhè nhẹ. Sóng trườn qua cát, liếm quanh chân các ghềnh đá chơ vơ.
Tôi dẫn Chu văn Hùng qua phòng nội vụ. Cát vàng tràn lên sân hải đội. Chiều chạy dài ra khơi. Ánh nắng sáng lên ngoài kia, nơi quần tụ những ngọn hòn, lấp lánh tới tận chân trời. Phòng nội vụ khóa cửa. Sĩ quan và nhân viên chơi thể thao trên bãi. Trái banh chuyền tay nhau, lăn tung tóe trên nước xanh.
Tôi đưa Chu văn Hùng ra cầu tàu. Cờ phất phới trên lưng PCF. Cờ bay, ba sọc đỏ thẳm tung tăng như sóng gợn. Cờ chào chúng tôi. Đón chúng tôi vừa tân đáo đơn vị. Chu văn Hùng đứng lại, vuốt ve tấm thân phong sương của PCF.

- Mẹ, coi mày nhỏ con, nhưng chưa chắc thua ai?

   Tôi đứng đầu cầu tàu. Ngó mông lung ra trùng khơi. Hoàng hôn bắt đầu. Mặt trời chìm xuống biển, chỉ còn rực lên một màu đỏ rịm chói chang.

- Hùng ơi, đất nước mình hùng vĩ quá! Mày xem, đại dương bao la thế kia! Vậy mà, hòn này tiếp nối hòn kia...dày đặc khắp vùng.

   Hùng phì cười. Cái lưng lại cong cong, quằn xuống như thân đòn gánh của mấy em bán chè.

- Đất nước có lắm hòn – tất nhiên. Vì, chỉ mỗi mình mày, cũng đã có hai hòn rồi...

Tôi đấm vào vai hắn thùm thụp. Tiếng cười đuổi theo bước chân. Cứ thế, chúng đua với nhau, khuất dần trong bóng đen của căn cứ.

Chu văn Hùng với tôi chưa vui với An Thới trọn vẹn, thì lệnh công tác ban xuống, chia chúng tôi mỗi đứa mỗi nơi. Hùng về Rạch Giá, tôi qua Hà Tiên. Ngày khởi hành đi Hà Tiên là chiều ba mươi tết. Ba mươi tết, người ta chuẩn bị giao thừa, sum hợp gia đình. Ba mươi tết, tôi ra vùng công tác, đón giao thừa trên biển, nghe thành phố náo nức trong kia bằng những mường tượng lạc loài.

Tôi đang phom phom rẽ sóng. Bỗng, mũi tàu cất cao, vận tốc chậm dần. Tôi nhíu mày, khó hiểu. Mũi cất cao, có nghĩa là tàu đang tiến nhanh. Cớ sao, thực tế, vận tốc lại chậm dần? Tôi cố dùng sức mạnh, đẩy cần số trọn vẹn về chữ Full. Nhưng, con tàu vẫn chậm dần, mũi vươn lên, dường như muốn thẳng đứng với mặt biển. Tôi hoảng hốt nhìn các đồng hồ. Tất cả kim đồng hồ đều quay ngược trở lại, chạy về số không, rồi...bất động. Tôi bấm còi báo động. Thủy thủ chạy rầm rập, xôn xao khắp nơi.

Tiếng trung sĩ  cơ khí rú lên, kinh hãi :

- Hầm máy ngập nước. Máy bơm không hoạt động. Tàu bất khiển dụng trăm phần trăm.

Tôi bỏ tay lái, vòng ra phía sau. Gần nửa thân tàu chìm dưới mặt nước. Nước khỏa trên boong, róc rách nơi các khe cửa an toàn. Nước bắt đầu tuôn xuống khoang giữa, lôi các đồ vật trôi lềnh bềnh. Tôi nghĩ loanh quanh. Máy tàu bất khiển dụng. Máy bơm bất khiển dụng. Tàu chỉ còn là một khối sắt bất động, chờ chìm sâu dưới lòng đại dương. Tôi hổn hển lăn bừa vào phòng lái, chụp vội ống điện đàm.

- A lô, Đại Thụ. Tàu tôi vô nước, sắp chìm. Báo cáo, nhiệm sở đào thoát.

 Đại Thụ hét trong máy. Hình như, chưa bao giờ Đại Thụ gặp trường hợp PCF vô nước, sắp chìm.

- Hả? Cái quái gì vậy? Tại sao vô nước? Tại sao sắp chìm?
- A lô. Tôi không còn thì giờ để giải thích dông dài. Báo cáo, nhiệm sở đào thoát đấy!
- Ư, được rồi. Tôi sẽ gọi thằng Hải Ngư đến cấp cứu. Ừ, muốn đào thoát...thì...thì cứ đào thoát...

Hải Ngư là thằng Chu văn Hùng. Nó về Rạch Giá nghêu ngao mấy hôm nay. Chờ nó qua cấp cứu, chắc cả bọn chui vào bụng cá mập mất!

Tôi phóng ra mũi tàu, mòn mỏi ngóng ra phía trước. Đại dương mênh mông, vô tận. Nắng đổ hào quang xuống nước, điệp điệp trùng trùng. Thinh không vắng lặng xung quanh. Vắng lặng đến vô cùng. Chỉ có hòn Nghệ ngạo nghễ sát bên, là còn mang hơi hướm của sinh khí, bởi những chòm cây xanh um lay động trên cao. Lát đây, Chu văn Hùng tới, để còn nhìn thấy những chiếc phao cấp cứu trôi nổi, với đám thủy thủ loi ngoi trên đó. Còn tôi, theo Hải Qui, cấp chỉ huy sẽ chết theo tàu, từ từ xuôi tay chìm xuống lòng đại dương sâu thẳm chăng? Hay cũng hèn nhát tranh sống, bám víu vào chiếc phao tử sinh, thống thiết kêu gào, khẩn cầu Thượng Đế?

- Báo cáo Trung Úy, tàu không vô nước nữa. Chúng ta chỉ cần máy bơm, bơm nước ra ngoài.

Tiếng trung sĩ cơ khí vang lên, khiến cả nhóm thủy thủ rộ lên, mừng rỡ. Tôi run lên vì xúc động, niềm vui bất chợt làm cảm giác căng lên, rộn rã như sợi dây đàn. Một câu hỏi lóe lên trong đầu. Máy bất khiển dụng, nước không vô tàu? Phải chăng máy đang khiển dụng, nước tràn vô tàu?
Tôi kéo trung sĩ  cơ khí vào phòng lái.

- Này, tôi nghi ngờ cái bơm lườn có vấn đề. Khi tàu chạy, động cơ hút nước biển vào làm nguội máy. Và sau khi chu du trong máy, nước đó được tống ra bên ngoài bởi bơm lườn, phải không?
- Đúng. Bơm lườn có vấn đề. Thay vì tống nước ra ngoài, nó lại để nước tuôn xuống hầm máy. Nhưng may mắn thay! khi hầm máy chìm ngập trong nước, động cơ bị “mát”, máy ngưng hoạt động. Thế là, nước không tuôn xuống hầm nữa. Tàu vẫn an toàn...

Tôi ôm trung sĩ cơ khí vào lòng, mừng rỡ đến độ nước mắt tuôn ra đầm đìa. Các thủy thủ cũng ôm nhau, hát vang lên giữa biển cả mênh mông.

- Báo cáo trung úy, tất cả máy bơm đều bất khiển dụng. Chúng đã chìm ngập trong nước.

Tôi nhảy vào phòng lái, thét vào ống điện đàm :

- A lô, Đại Thụ. Tàu vẫn nguyên vẹn. Nhưng, nước đầy hầm. Cần máy bơm gấp. Xin cho Hải Ngư đến tôi, nhanh.

Đại Thụ gầm gừ trong máy. Tiếng rống oang oang như tiếng hổ sắp vồ mồi :

- Hử? Cái quái gì vậy? Mới đây, tàu sắp chìm. Bây giờ, tàu lại nguyên vẹn? Định giỡn mặt với tử thần hay sao?
- Đại ca thông cảm! Tôi sẽ trình bày điều này rõ ràng hơn. Bây giờ, xin cho Hải Ngư cấp tốc mang máy bơm đến tôi!
- Cậu là người lắm chuyện nhất ở đây đấy! OK, tôi sẽ cho Hải Ngư đến cậu gấp!

Tôi buông ống điện đàm, lượn một vòng quanh boong tàu. Chiếc tàu, giờ đây, như khối kim loại vô dụng, nằm thảm thương trên mặt biển. Ôi, còn đâu nét oai hùng, vẻ kiêu hãnh của thời oanh liệt! Tôi chạnh nghĩ đến thân phận mình. Khi sa cơ thất thế, liệu có còn giữ được khí tiết hay không?

- Trung úy ơi! Có chiếc ghe hoặc chiếc tàu từ quần đảo Bà Lụa phóng ra. Nó đang full nhanh về đây.
- Chắc thằng Hải Ngư chứ ai? Nó “chém vè” ở Hòn Heo, để đón giao thừa đêm nay với bà chúa hòn?

Tôi đưa ống dòm lên cao, nhìn ra hướng bắc. Không phải Hải Ngư. Không phải PCF. Đó là chiếc ghe đánh cá bản xứ, đang rẽ sóng lướt nhanh về hướng chúng tôi.

- Nhiệm sở tác chiến! Nhanh lên! Nhiệm sở tác chiến!

Tôi dõng dạc hô to. Thúc giục thủy thủ chạy về các ổ súng. Tôi phải cảnh giác. Chiếc PCF bây giờ biến thành một tiền đồn giữa chiến tuyến mênh mông. Việt cộng sẽ lợi dụng hoàn cảnh này, tấn công một cách bất ngờ. Và lúc đó, chúng tôi chỉ có nước một sống một chết với kẻ thù. Bởi giữa biển cả mịt mùng, lúc này, tất cả lối thoát đều là tử lộ.
Chiếc ghe hiện ra, rõ dần. Đó là chiếc ghe đánh cá bình thường, phía đuôi còn lỏng thỏng bộ lưới cào chưa ráo nước biển. Lão ngư phủ cởi trần, chiếc khăn rằn quấn quanh trán, để lộ chòm tóc bạc phếu phất phơ trước gió. Lão đứng hùng dũng trước mũi ghe, đưa hai cánh tay lên cao, làm dấu hiệu thân thiện :

- Chúng tôi là ngư dân ở hòn Bà Đầm. Thấy tàu các ông lâm nạn, chạy đến tiếp cứu.

Thế rồi, họ tự động phóng qua PCF. Với các máy bơm, thùng, gàu...lỉnh kỉnh.  Họ chui xuống hầm máy, thòng dây, chuyền tay nhau, tát nước ra ngoài. Thủy thủ và ngư dân cật lực, cứu nguy con tàu. Chẳng bao lâu, chiếc PCF nổi phều trên mặt nước. Nó thẹn thùng lắc lư theo sóng, như thầm cám ơn các ngư dân đã tận tụy hồi sinh nó.
Lúc này, tôi mới chú ý đến một cô gái tóc dài đang lúi húi thu xếp các cuộn dây, từ chiếc máy bơm Yamaha. Tội nghiệp, sau những giờ phút quần thảo với nước, cô gái có vẻ mệt mỏi, kéo lê bước chân một cách nặng nề. Tôi rút chiếc áo khoác vắt trên phòng lái, chạy đến cô gái.

- Mặc đi! Lạnh đấy!

Mái tóc vắt ngang bờ vai. Khuôn mặt ngước lên, lạnh lùng. Tôi thấy đôi chân mày lá liễu cong vút, tựa hai mảnh trăng lưỡi liềm treo ngược. Cũng có thể, chúng như hai dấu hỏi, hay hai dấu chấm than ngộ nghĩnh, nằm kiêu sa trên vầng trán bướng bỉnh.

- Cám ơn. Tôi không lạnh.

Cô gái quay lưng, đi một hơi về chiếc ghe. Tôi cầm chiếc áo, hụt hẫng. Dường như, mùi hương kỳ lạ nào đó, đang thoang thoảng bay trong gió chiều.

- Xong rồi, trung úy. Tàu đã cạn nước. Chúng tôi “dọt” nghen!

Lão ngư phủ đưa tay chào theo kiểu nhà binh. Tôi nắm chặt đôi vai lão, lắc lắc :

- Cám ơn. Cám ơn chú nhiều lắm! Hôm nào ghé Hà Tiên. Chú cháu mình nhậu một bữa.

Chiếc ghe quẫy sóng, rời tàu. Tôi nhìn theo, tìm mái tóc cô gái. Nhưng chỉ thấy bóng dáng của lão ngư phủ lắc lư trên phòng lái. Và những ngụm sóng trào lên, ngùn ngụt, bạc trắng sau đuôi ghe.
Hòn Tre. Một cái tên xa lạ. Tôi chưa hề biết tới. Chỉ loáng thoáng thấy hình dạng nó, nằm khum khum như con rùa, khi đứng ở Rạch Giá ngó về hướng tây. Tôi cũng chưa hề mơ tưởng đến ngày nào đó, đặt chân lên đây, nằm ve vuốt nỗi cô đơn hèn mọn, trong tiếng sóng biển gầm vang suốt đêm, để khép kín đời trai tráng của mình, một cách dại dột. Vậy mà, đêm nay, đêm giao thừa, Hải Ngư “kè” chiếc PCF lâm nạn, về tạm trú nơi cái hòn khỉ chê cò chán này.
Chiếc PCF lâm nạn vừa cột dây an toàn, Hải Ngư vội tách ra, cất đầu về hướng Rạch Giá. Tiếng thằng Chu văn Hùng làn khàn trong máy truyền tin :

- Alfa, mày tạm đón giao thừa đêm nay ở đây. Tau phải về Rừng Gió ngay, theo lệnh Đại Thụ.

Bỗng dưng, tôi cảm thấy cô đơn, bơ vơ giữa bóng đêm mịt mùng. Như  có ai bỏ rơi. Như có ai phụ bạc mình. Đau khổ, tôi ngó thẳng vào bờ. Trong đó, Tiền Doanh Yểm Trợ đang loang loáng ánh đèn. Với trại lính chật chội, nằm im lìm, vắng ngắt. Ngoài cổng, có vài thủy thủ cầm súng đi qua đi lại, một cách nghiêm trang. Tôi cố lục lọi ký ức, chẳng nhớ thằng bạn nào chuyển về đơn vị này. Có lẽ, đêm nay, ngồi quấn mền, đốt thuốc triền miên trên boong PCF để đợi sáng.

- Trung úy, có cô nào tìm ông kìa!

Tiếng trung sĩ cơ khí oang oang giữa thinh không hoang lạnh. Khiến tôi quay lại, ngó về phía ánh sáng. Bóng đèn vàng chạch trên cầu tàu hắt xuống, chiếu lung linh một bóng dáng thiếu nữ. Mái tóc quen thuộc nào đó vắt ngang bờ vai. Khuôn mặt quen thuộc nào đó, ngước lên.

- Mời các ông lên nhà em. Cùng đón giao thừa với nhau. Cho vui.

Tôi ngạc nhiên, nhìn cô gái từ đầu tới chân. Đó là một trong những vị  ân nhân đã cứu con tàu lâm nạn, chiều nay, trên vùng biển Hà Tiên? Họ là ngư dân ở hòn Bà Đầm, chính lão ngư phủ giới thiệu như vậy. Sao cô gái này hiện diện nơi đây – nơi cái hòn cực kỳ kỳ cục này?

Chưa kịp tìm ra câu trả lời, các thủy thủ đã xúm lại, đẩy tôi về phía cô gái.

- Trung úy lên bờ đi! kẻo phụ lòng người đẹp!

Cô gái như thanh nam châm mảnh mai, hút tôi, bám gót theo sau. Lối mòn trải dài. Xóm làng thấp thoáng phía trước. Những bàn thờ lộ thiên, bày ra, leo lét ánh đèn. Những sợi khói mỏng mảnh bay lên, nơi các đầu que nhang đỏ rực. Pháo bắt đầu nổ vang. Đua nhau nổ vang. Tiếng nổ gần. Tiếng nổ xa. Tiếng nổ lan ra, từ nhà này sang nhà khác. Từ hòn đông qua hòn tây. Từ biển khơi tới đất liền.

- Lẹ lên trung úy! Chúng ta trễ mất. Giao thừa đã tới rồi.

Tôi với cô gái như chạy, như bay trong bóng đêm huyền hoặc, trong tiếng pháo dồn dập, trong những giây phút thiêng liêng nhất của giờ giao thừa.

*
* *

Có lẽ, em nên bắt đầu từ mũi Nai – một bãi biển tuyệt đẹp của vùng Hà Tiên. Hay đúng hơn, bắt đầu từ hòn Đốc, nơi có những em bé lễ độ, nơi  có những ngư dân mộc mạc, suốt đời gắn bó với biển rộng sông dài.

Em còn nhớ buổi sáng hôm đó, sau khi tốt nghiệp sư phạm, nhà trường tổ chức chuyến du ngoạn đến hòn Đốc. Hòn Đốc cách Hà Tiên không xa, nhưng đi đường bộ rất hiểm trở và mất an ninh. Nhà trường phải nhờ Hải Quân giúp giùm. PCF đón ở bến, và bắt đầu rẽ sóng đưa chúng em ra vùng non nước hữu tình. Vượt qua hòn Phụ Tử, hòn Một. Tàu nhắm cột  ăng-ten ngất ngưởng của đài kiểm báo lướt tới, chẳng bao lâu, hòn Đốc hiện ra với bãi biển óng ánh cát vàng, với vách đá cheo leo, với những mái nhà bé xíu thấp thoáng bên táng cây xanh. PCF đến bãi hòn Đốc đúng ngay lúc thủy triều xuống. Tàu phải bỏ neo ngoài xa, chờ xuồng con từ bãi bơi ra, rước chúng em vào.

Em nhớ, khi xuồng tách khỏi PCF, bơi được đoạn khá xa. Thình lình, giông gió nổi lên. Rồi, từ ngoài khơi, sóng giăng hàng ngang tiến thẳng vào bờ. Sóng đập mạnh vào mạn xuồng, lật úp thân xuồng xuống nước. Chúng em bị hất tung lên cao, sau đó, lọt tõm xuống lòng đại dương. Và...chúng em chỉ còn kịp dơ cao hai cánh tay lên, thất thanh kêu cứu.

Tỉnh dậy, em thấy em đang nằm trên cát, trong vòng tay rắn chắc của của vị sĩ quan hải quân. Chàng vừa cúi xuống môi em, khẩn thiết làm động tác hô hấp nhân tạo. Thế là, như có sự an bài của định mệnh, chúng em bắt đầu quen nhau, rồi...yêu nhau một cách tha thiết.

Mái tóc vắt ngang vai, ngồi đó, dưới ánh đèn sáng choang của ngọn néon ba tấc. Cô gái nói huyên thiên. Nói về chuyện hồi sinh, về chuyện tình yêu giữa nàng với chàng sĩ quan hải quân nào đó. Tôi ngó lòng vòng quanh nhà. Mái lá đơn sơ. Vách phên trống trải. Bên cạnh, chiếc bàn ọp-ẹp là tấm vạt tre, vừa chỗ một người nằm. Có vài hỏa lò đặt phía sau, ngoài mái lá, đang bập bùng lửa hồng. Trên đó, nồi bánh tét vừa sùng sục sôi một cách mãnh liệt.

- Như vậy, quê cô ở hòn Bà Đầm. Và về đây, dạy học cho các em?
- Vâng, ra trường, em tình nguyện về đây. Đã gần ba năm...
- Tình nguyện? Ở hòn từ nhỏ tới lớn, cô không chán sao? Trong đất liền, tiện nghi hơn, có nhiều trường – thú vị lắm chứ?

Cô gái ngước lên. Mặt vẫn lạnh lùng. Nhưng trong đôi mắt u ẩn, hình như có một nỗi buồn nào đó.

- Về đây, em muốn gần chàng. Em muốn nhìn thấy tàu chàng, qua lại hòn này...

Tôi nhắp ngụm trà. Trà mới châm, hương lài bốc lên tận mũi. Tôi cố tận hưởng cái cảm giác êm đềm này, bằng cách kéo thêm một hơi thuốc. Rồi đứng lên, đi ra cửa, ngó về phía biển.

- Và cô đã tìm thấy mùa xuân, một mùa xuân trọn vẹn.
- Không. Chỉ một thời gian ngắn, chàng bỏ đi...để lại cho em...

Tôi xoay người lại, tiến đến gần cô gái.

- Để lại cái gì?

Khuôn mặt lạnh lùng, ngước lên. Những giọt nước mắt rơi xuống, đầm đìa đôi má.

- Để lại...để lại nỗi sầu to lớn...trong em.

Tôi định tiến sát cô gái, đặt bàn tay lên vai nàng, nói đôi câu an ủi cầu may, mong nàng vơi đi chút ít muộn phiền. Nhưng, tiếng chân dồn dập trước cửa, cùng với tiếng nói quen thuộc léo nhéo ngoài sân :

- Trung úy ơi! Xuống tàu gấp! Có PCF đưa ông về An Thới, nhận nhiệm vụ khác.

Chưa kịp đưa tay vẫy chào cô gái, gã trung sĩ cơ khí đã nắm chặt vai tôi, đẩy ra lối mòn.

- PCF cứ hụ còi, gọi trung úy mãi.

Tôi vừa phóng qua bờ đê, vừa lan man nghĩ đến cô gái. Tội nghiệp, thời chiến chinh, mấy ai giữ được cuộc tình trọn vẹn?

*
* *

Mùa xuân năm sau, tôi có dịp trở lại hòn Tre. Hòn Tre vẫn vậy, vẫn giống hình dạng con rùa, nằm khum khum trên mặt biển. Tiền Doanh Yểm Trợ vẫn sáng choang ánh đèn. Những con tàu vẫn nằm lẻ loi theo bến. Lối mòn vẫn trải dài, dẫn tôi đến khoảnh sân chông chênh ngày trước. Nhưng, dường như cô gái không còn ở đây nữa. Mái lá ngày xưa cũng tiêu tan, mất dấu. Nhường chỗ cho cỏ cây mọc lên, u uất, trùng trùng. Tôi bán tín bán nghi, không chắc nơi này là nơi cô gái từng cư ngụ? Tôi đi qua đi lại nhiều lần quanh khoảnh sân, rồi nhìn ra biển, cố xác định lại vị trí.
Gã trung sĩ cơ khí đi sâu vào khoảnh sân, chợt cúi xuống, nhặt lên một đoạn vạt tre.

- Này, nơi đây, năm ngoái, đúng là nhà cô gái ở. Trung úy đến tiền doanh, hỏi thăm chiến hữu mình, xem sao?

Tôi kéo cậu thủy thủ vừa đi qua, hỏi thăm :

- Chỗ này, ngày trước, có phải là nhà cô giáo không?

Tên thủy thủ trố mắt, nhìn tôi :

- Đúng. Cô ấy tự tử, chết rồi.
- Hả? Anh nói sao? Tại sao tự tử?
- Ông sĩ quan hải quân nào đó phụ tình. Thất vọng, cô ấy uống thuốc ngủ, tự vận. Tội nghiệp, cổ chết đi, với cái bào thai...trong bụng.

Gã trung sĩ cơ khí chợt nhìn tôi đăm đăm. Hình như, có những hoài nghi nào đó, ở trong giọng nói gã.

- Đêm giao thừa, năm ngoái, trung úy ở đây...suốt đêm...

Tôi đưa hai tay lên trời, đính chánh :

- Không. Cậu đừng hiểu lầm. Tôi, hoàn toàn trong sạch.

Cậu thủy thủ dẫn tôi đến mộ cô gái, lúc tia nắng đầu ngày bắt đầu hực lên, ở một góc biển. Ngôi mộ nằm trên triền dốc thoai thoải, mặt hướng ra biển, bên cạnh là bóng mát của hàng cây xanh, rì rào trong gió.

- Quê cô giáo ở hòn Bà Đầm. Tại sao thân nhân không chôn cất ở đó?

Cậu thủy thủ chỉ tay về phía chiếc PCF, đang tuần duyên ngoài khơi :

- Người ta làm mộ nơi đây, theo ước muốn của cô, trong bức thư tuyệt mạng. Cô muốn nằm mãi ở hòn này, chờ một con tàu trở lại...

Tôi thắp cho cô gái nén nhang, chân thành tưởng tiếc một mối tình lãng mạn, đã tiêu tan thành mây khói.

*
* *

- A lô. Hotel đây Alfa. Mày đừng vào sát bờ quá! Coi chừng vixi! Bên trong hòn Đất là mật khu khét tiếng của nó đấy!
- Alfa đây Hotel. Đêm nay tau phải án ngữ ở vị trí này, theo lệnh Đại Thụ.

Tôi nhìn vào ra-đa. Hòn Đất như một bán đảo hiểm trở, đứng sừng sững trong bờ. Thằng Chu văn Hùng gan dạ đã cho tàu bò qua bò lại  quanh  đầu con rạch, dẫn vào huyệt đạo. Chính nơi này là nơi réo gọi của tử thần, năm trước, PCF 3806 đã bỏ mạng giữa sa trường. Nửa đêm, vixi dùng ghe nhỏ, âm thầm tiến sát đến PCF, bất thần đột nhập vào tàu, dùng mã tấu chặt đầu từng thủy thủ. Rồi, chúng đưa PCF vào sâu trong rạch, cướp lấy tất cả.

- Hotel.  “Bẻ cổ” đi! Tau có chuyện muốn nói với mày. Mày còn nhớ vụ PCF 3806 không?
- Sao không nhớ? Thằng Lư bị vixi chặt đầu, thả trôi trên biển chứ gì?
- Tau nhắc thế để mày cảnh giác, canh phòng cẩn thận đêm nay.
- Ờ Alfa, tau vừa lục được trong tủ của phòng sĩ quan độc thân một bức thư của thằng Lư. Bức thư, chưa kịp gửi đi...thì nó đã leo lên bàn thờ ngồi...
- Hử? Bức thư nào? Nó viết ra sao?
- Để tau đọc mày nghe một đoạn : “...Tội nghiệp em quá! Em đã có thai mà vẫn đến lớp học, mà vẫn một mình tự lo lấy cuộc sống hàng ngày. Ước chi, anh thuyên chuyển về hòn, để suốt ngày cận kề em, săn sóc cho em từng miếng ăn đến giấc ngủ. Kỳ tới, nghỉ  phép thường niên, anh sẽ thưa với Ba Má về chuyện chúng mình...”

Tôi đập tay vào đùi một cái thật mạnh, rồi la to vào ống điện đàm :

- Hotel. Tau nghi thằng Lư là bồ cô giáo ở hòn Tre.
- Thằng ngốc, nghi với ngờ? Chính nó là thủ phạm...chứ còn ai?

Tôi đặt ống điện đàm xuống, nhìn đăm chiêu ra biển. Ngoài xa, hòn Tre nằm khum khum giống hệt con rùa thần. Trên đó, ngôi mộ cô gái bạc phước nằm hướng ra khơi, như chờ đợi, như trông ngóng một bóng hình. Rồi, sẽ không có con tàu nào trở lại. Sẽ không có sự đoàn tụ trên dương thế. Cuộc tình tuyệt diệu thật! Họ đã thực sự gặp nhau, dưới đó, nơi miền âm cảnh.

PHẠM HỒNG ÂN
(San Diego, 24/11/2006)