Đây là những mẩu chuyện vụn vặt bắt đầu giữa thập
niên 60 trong khu phố nhỏ nơi một tỉnh lẻ miền Nam.Người địa phương
gọi là khu phố Nguyễn tri Phương, đó là dãy phố ngói đỏ do thực
dân Pháp xây đã lâu lắm sau nầy được bàn giao cho công chức đương
thời - hầu hết là giáo chức. Điều đặc biệt trong khu phố đó là
sự hiện diện của đám trẻ choai choai học trò trường Trung học Hoàng
Diệu. Các bậc đàn anh năm đó đã tốt nghiệp, người nhập ngũ, người
theo nghề giáo bỏ lại khu phố nhỏ cho đám quỷ hậu sinh. Học đồng
cấp với tôi có Đạo, Thịnh, Văn, lớp kế có Ba lát, Sáu Xuân, Nhường,
Đệ Nhỏ hơn nửa có Hậu, Hiệp, Trường, Lô, Bảy. Mỗi đứa đều có năng
khiếu hay sở thích khác biệt. Thịnh là con mọt sách. Đạo thì có
mái tóc dợn sóng cỡ Hùng Cường và một giọng ca thật truyền cảm.
Văn là nhà khoa học rất giỏi về kỹ thuật và rất siêng năng trong
việc giúp cha mẹ nuôi đàn em. Ba lát có ngón đàn vọng cổ tuyệt
kỹ lại đẹp trai vui tính nên rất được phái kẹp tóc ngưỡng mộ. Hậu
thì tiếu ngạo giang hồ lúc nào cũng xem các danh hề là thần tượng.
Hiệp thì ở vào hoàn cảnh đặc biệt, là con một trong nhà nhưng Hiệp
hay bị ba nó đánh đập còn hơn tù binh vì thế tôi thường quan tâm
đến Hiệp nhiều hơn những đứa khác.
Còn tôi ? Thằng chột làm vua
xứ mù, chúng nó nể nang gọi tôi là Chủ Tịt. Một hôm có Thành mới
chuyển từ trường Tống phước Hiệp đến, thấy Thành có cây ghi ta
Hậu qua làm quen và từ đó ban nhạc Tiếng Mưa Rơi ra đời. Nhạc hiệu
lúc nào cũng bắt đầu bằng “ Hột kia ai làm rớt ngoài đường”. Chiều
nào cũng ca hát, khu phố thật vui nhộn. Quên nói tới thằng Sáu
Xuân, nó học rất chì lại thêm tài lừa banh thần tốc. Cuối tuần
chúng tôi thường kéo nhau tới sân cỏ trường Nam quần thảo rồi ra
bờ sông lội đua. Cuộc đời học sinh thật vui vẻ và êm đềm, ước gì
cuộc đời cứ thế mà trôi đi.
Trong đám bạn Thịnh chỉ hơn tôi một
tuổi nhưng Thịnh có kiến thức uyên bác nên tôi thầm phục Thịnh
như bực thầy. Thịnh đề cao chuyện tự học, không nên tùy thuộc vào
thầy, nên mỗi hè tôi thường đến học trước với Thịnh chương trình
của năm tới. Tôi luôn nhớ mãi những khi ngồi học dưới gốc mận xanh
của nhà Thịnh. Mỗi đứa một cái võng, khi nào buồn miệng thì leo
hái mận... Nhưng niềm vui đó không tồn tại bao lâu. Năm chúng tôi
thi đậu Trung học Thịnh còn đậu thêm Tú Tài. Cả bọn phục lăn. Chúng
tôi lục tục học đệ tam thì Thịnh về Saigon học đệ nhứt. Thịnh là
người đầu tiên rời khu phố.
Lúc đó có ông Thiếu tá trẻ mới đổi về
làm Quận trưởng và rất biết lấy lòng đám học trò Trung học sở tại
do đó các buổi sinh hoạt văn nghệ và thể thao được tổ chức liên
miên. Trong lần dự tuyển lựa ca sĩ tỉnh năm 1966 con gà Đạo của
chúng tôi về nhì với giải thưởng là cây đàn mandoline mới toanh.
Tinh thần văn nghệ lại bùng lên mãnh liệt, Tết nào chúng tôi cũng
vác đàn vào lớp kiếm chác. Hè năm ấy tai biến đến với gia đình
Đạo : mẹ Đạo từ trần sau cơn bạo bệnh. Lúc tang lễ đứa nào cũng
khóc như mưa : khóc cho Đạo và cũng khóc cho tình bạn chúng tôi
: Đạo phải ra đi để tìm sinh kế và còn nuôi thêm đứa em gái.
Thuở
ấy ở tỉnh tôi chiến tranh còn là việc xa vời, thỉnh thoảng nghe
có tiếng bom đạn vọng về từ xa thế thôi. Thế rồi một đêm chiến
tranh chợt đến với khu phố nhỏ, phá tan cái ảo tưởng an bình của
chúng tôi. Đêm ấy khoảng chín giờ đêm tôi và Ba đang ngồi học bài
trong nhà thì bỗng nghe súng nổ vang ngay bên ngoài cùng với tiến
hô xung phong. Chúng tôi bò ra núp dưới chân tường, ở đó đã có
Thành, Hậu và sáu Xuân.
Chúng tôi cứ tưởng là quận lỵ hay bản doanh
SĐ9 BB bị tấn công nhưng không, khoảng mười phút tiếng súng im
bặt. Và đây là điều bất hạnh : Bảy, Lô và ba của Hiệp đã gục ngã
trong lằn đạn vô tình, thây đang nằm ven bờ kênh. Cả khu phố nhốn
nháo, bàng hoàng. Từ đó khu phố chúng tôi yên lặng thật đáng sợ,
hết ca, ngừng đàn. Hiệp xuống tinh thần đến muốn bỏ học do đó mẹ
Hiệp nhờ tôi dạy kèm cho Hiệp, và rồi cho Hậu, mục đích khuyến
khích cho Hiệp đừng bỏ học. Hai "học trò" của tôi bây
giờ gọi tôi là ông thầy và chúng tôi thấy ngày càng gần gũi nhau
hơn. Cũng năm đó tôi bị thương hàn nằm liệt giường đến phải bỏ
học. Rồi Văn cũng bỏ học để mỗi ngày đèo tôi đi khám bịnh ở nhà
thương công, có khi đông người không khám được chúng tôi đi không
rồi lại về không.Văn phải bỏ tiền túi mua thuốc cho tôi uống cầm
hơi. Tôi biết điều đó nhưng không dám hỏi vì nếu biết tôi cũng
đâu có tiền trả cho Văn ? Tình bạn chúng tôi đánh đấu bằng những
hộp thuốc Optalidon hay Sulfarlem mà Văn đã mua cho tôi, thật đậm
sâu, thật vô giá.
Sau năm Tú Tài I khu phố có nhiều thay đổi lớn
: Văn đi sư phạm Vĩnh Long, Thành chuyển trường, Đạo đi Thủ Đức
còn Ba lát thì tới ngày trình diện đã trốn đi biệt dạng. Khu phố
nào còn lại gì, mỗi ngày một buồn hơn. Rồi biến cố Tết Mậu Thân
chợt đến. Chiến tranh đã đến với chúng tôi như cơn bão táp. Mỗi
khi chúng tôi nhìn máy bay oanh kích bay sà trên đầu, không biết
có viên đạn, quả bom nào vô tình rơi xuống ?? Phía Vĩnh long đêm
đêm lửa cháy rực trời, mấy đứa buồn hoang mang ngồi than thở với
nhau. Học hành chữ nghĩa gì nữa ! Rồi lịnh tổng động viên ban ra
: hè năm ấy các học trò sinh từ 1947 trở về trước đều phải nhập
ngũ. Ngày được tin các trò lớn trong lớp tôi, có lẽ là thằng Chánh
Nhân lấy trộm rượu mạnh của ba nó đến nhậu ở nhà tôi. Đó là lần
đầu tiên chúng tôi uống rượu với hơn mười đứa tham gia. Rủi hôm
đó buổi chiều trúng ngay giờ toán của Hiệu trưởng Quân. Nghe có
mùi rượu ông ta khó chịu đi lên đi xuống nhưng không có thái độ
gì đến lúc có đứa nôn ọe ông bèn vỗ bàn mắng "đồ mất dạy" rồi
bỏ ra khỏi lớp. Đó là kỷ niệm đặc biệt của lớp mà tôi luôn nhớ
vì có những bạn lần say rượu hôm đó nay đã xanh cỏ vì chết trận.
Không biết có phải là do ngẫu nhiên vì bích báo của lớp năm đó
tôi đặt tên là Vào Đời. Vâng đến lúc chúng tôi vào đời hay đúng
ra là vào lính. Cuối năm 1968 lớp tôi có hơn 20 đứa nhập ngũ ;
tình nguyện như tôi cũng có, hay bị động viên cũng có.Tôi và bảy
đứa khác đi Hải quân bởi mấy bản nhạc “Mắt em màu trùng dương”
hay “Bao người con trai kiêu hùng cùng nhau tách bến” luôn ám ảnh
dụ dỗ!
Khoảng hai năm giang hồ tôi không có dịp trở lại khu phố
nhỏ. Một hôm trong khi chờ lịnh thuyên chuyển ở Bộ Tư lệnh HQ tôi
tình cờ gặp Hiệp. Nay Hiệp là Thủy thủ Trọng pháo Nguyễn Phước
Hiệp mới ra lò từ TTHL Cam Ranh. Chúng tôi thật mừng rỡ lẫn kinh
ngạc vì khi xa nhau chúng tôi đều còn mặc đồ civil. Tôi hỏi tại
sao em bỏ học, Hiệp nói em đi làm lính của ông thầy ! Tôi đi Mộc
Hóa còn Hiệp đi Thủy bộ nên mỗi đứa một đường. Đầu năm 1971 đơn
vị tôi di chuyển về Tân châu để chuẩn bị tham dự Hành quân THD18
qua Kampuchea, lúc đó tôi tình cờ gặp Hiệp từ Neak Luong mới về.
Hiệp bây giờ là Hiệp dạn dày phong trần : áo xanh bạc màu, mũ Polo
xếp đôi nhét trong túi quần. Tôi nói em chụp cho thằng Hậu tấm
hình nó phải phục em sát đất ! Ngày chia tay để đơn vị Hiệp về
U minh nó hứa em sẽ kiếm cho ông thầy cây K54 đeo chơi vì khẩu
P38 của tôi trông "xệ" quá.
Tôi cười nghĩ là Hiệp đùa vậy thôi. Sáu tháng sau phòng HQ của
đơn vị tôi đặt trên cơ xưởng hạm Mỹ nên tôi ít khi về hậu cứ. Một
hôm được công điện triệu hồi nào ngờ về để nhận điện tín Hiệp đã
chết ở Rạch Sỏi. Hỏi ra mới hay Hiệp trong khi chờ hôm sau đi phép
đêm đó tàu bị trúng mìn. Quả thật định mệnh trớ trêu. Hành trang
của nó chỉ vỏn vẹn 2 bộ quân phục, 1 dao bấm và 1 khẩu K54. Tôi
chợt nhớ tới khẩu K54 mà Hiệp đã hứa và thấy uất nghẹn ở cổ, lòng
thấy oặn đau. Tôi chợt nghĩ đến mẹ Hiệp làm sao sống nổi khi đã
mất chồng nay lại mất thêm con. Buồn quá Hiệp ơi. Cuộc đời thật
là buồn ….
Hơn 30 năm xa khu phố nhỏ, tôi không có dịp trở lại
cũng như không muốn trở lại. Phố nhỏ ngày xưa nay còn ai, còn lại
gì ? Đến một hôm nhìn bìa DVD từ VN tôi thấy hình ai giống mặt
thằng Hậu ngày xưa. Tôi tò mò nhất định tìm cho ra người ấy. Đúng
là nó. Lúc còn trẻ Hậu đóng vai du côn, tướng cướp nay thì đóng
các vai già lỡ thời, lỡ vận. Chúng tôi hẹn trong quán và nhận ra
nhau ngay.” Hữu Hậu đó hả? Hột kia ai làm rớt ngoài đường ?” Hậu
cười ha hả. Em đây ông thầy ơi. Hậu bây giờ nổi tiếng không thua
thần tượng Phi Thoàn Xuân Phát của nó khi xưa. Tôi và Hậu uống
một chai cho Lô, cho Bảy và cho Hiệp. Chuyện khu phố nhỏ lại như
cuốn phim thật dài quay ra trước mắt …
Theo lời chỉ dẫn của Hậu
tôi về quê cũ ôm xe đến tìm Văn ở một xả nhỏ hẻo lánh. Văn nay
là hiệu phó của một trường Trung học địa phương. Nhìn qua mái lá
đơn sơ tôi nhận ra đời sống rất khiêm tốn của Văn. Vợ Văn đã mất,
sau giờ dạy học Văn phải ra đồng làm ruộng hay làm thợ điện để
kiếm thêm chút tiền lẻ. Hôm ấy gặp Văn từ ngoài đồng mới về, đen
đúa, lam lũ. Văn đứng chết trân dưới mái hiên nhìn tôi kinh ngạc.
Mầy làm sao kiếm được tao tận nơi đây ? Biết mầy còn sống thì ở
đâu tao cũng kiếm được, tôi trả lời. Văn ôm tôi sụt sùi. Nhà khoa
học cứng rắn như nó mà lại khóc. Đến lượt tôi ngạc nhiên. Hình
ảnh của Văn bây giờ là hình ảnh thật gần của chính tôi nếu tôi
chọn đi sư phạm với nó năm đó. Quả là định mệnh.
Văn chở tôi ra
quận lỵ bằng xe đạp. Ngồi ôm vai nó mà tôi cứ tưởng đến lúc nó
đèo tôi đi nhà thương.Văn chạy ngang khu phố nhỏ ngày xưa. Hai
đứa đứng tần ngần : mái ngói, bức tường đã loang lở rong rêu phủ
đầy. Không còn ai biết tôi là ai nữa.Tôi mang nỗi buồn trống vắng
: ôi đã hơn nửa đời người của kiếp sống chùm gởi này rồi !
Tôi và
Văn thả bộ dọc bờ sông. Quán hủ tiếu "cây trứng cá" tiệm
chụp hình Hoàng Minh vẫn còn đây. Cây cầu sắt rất cổ nay đã thành
cầu nhôm. Bên kia đường là trại mộc Hưng Thành. Ngày xưa trên căn
gác lửng ấy chúng tôi thường tụ họp ca hát hay tán gẫu với Hoàng,
một bạn thân đồng cấp. Tôi hỏi thăm Hoàng giờ ra sao. Văn nói nó
theo đảng và nhà nuớc giờ bị thất sủng không chơi với ai và cũng
không ai chơi với nó. Tôi và Văn ghé vào một quán nước ven sông
vì ở đó có tiếng nhạc vàng vọng ra : Ngày xưa tôi có yêu một
người em gái nhỏ... Một thời vang bóng. Bên trong cái quán
cũ kỹ nầy không gian và thời gian ngưng đọng ở móc thời gian 30
năm về trước. Bây giờ chỉ còn lại hai mái đầu bạc bên ly cafê đen
và khói thuốc. Chúng tôi ngồi lặng im nghe thời gian lắng đọng
mà xót thương cho đời nhau : Văn có lẽ thương tôi long bong chọn
kiếp lưu đày, tôi thương suốt đời làm sân ga ở nơi hẻo lánh này.
Chúng tôi đang ngồi thật gần nhưng lại rất xa. Ngoài kia dòng sông
cuồn cuộn đầy sức sống ngày xưa nay lờ đờ không buồn trôi vì một
nhánh sông đã bị đắp đập. Dòng sông buồn cũng giống như tâm trạng
của tôi bây giờ. Cánh chim xưa dù quay về tổ cũ nhưng cũng phải
bay đi vì tổ cũ nay còn lại gì ? Tạm biệt Văn, xin gởi lại khu
phố nhỏ cho Văn với linh hồn Bảy, Lô, Hiệp vẫn còn phảng phất đâu
đây.
Và tạm biệt khu phố nhỏ thân yêu của tôi
P H A N K Ế
|