Hoa đào là hình ảnh tượng trưng cho mùa xuân. Không vậy mà muôn
đời. khi đất trời sang xuân, hoa đào lại trở về cùng nhân loại
với màu đỏ hồng tươi thắm ( màu đỏ là màu của niềm vui và sự may
mắn Đông phương ). Chỉ cần nói đến một bản sắc, một khía cạnh nhỏ
là “ câu đối Tết “ trong cả một không khí, một bối cảnh của ngày
xuân, ngày Tết mà ta đã thấy sự hiện diện của những cánh hoa đào
rồi.
Hình ảnh của hoa đào bên cạnh hình ảnh ông thầy đồ già áo dài,
khăn đống tề chỉnh, nghiêm trang bên góc các phố, bên lề đường:
vận dụng ngọn bút lông để viết thành những nét chữ thần kỳ bằng
mực tàu, trên những tấm giấy đỏ ( hồng đơn ) trong bài “Ông đồ
“ của thi sỹ Vũ Đình Liên :
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.
Hình ảnh hoa đào nói theo từng phần và
hình ảnh cây đào nói theo tổng quát, có liên hệ “ mật thiết “ và
“ lâu đời “ với câu đối. Từ hình ảnh “ đào nhân”: Đó là hai tấm
gỗ cây đào có vẽ hay khắc hình hai vị thần tướng do thượng đế sai
đến canh chừng Quỷ Môn là Thần Trà ( Thần Thư ) và Uất Lũy – Đến
sự đơn giản hóa - Người ta chỉ viết tên hai vị thần này, hoặc vẽ
bùa chú lên gỗ đào gọi là “ đào phù ” là bùa đào: hình thái ban
đầu của câu đối. Đến đời nhà Đường bên Trung Hoa, đây là thời điểm
thi ca rộ nở, theo thể thất ngôn bát cú, khi sáng tác hai câu 3,
4 ( thực ) và 5, 6 (luận ), phải theo phép đối, niêm, luật hẳn
hòi: Việc này ảnh hưởng đến chuyện người ta không ghi tên hai vị
thần, hoặc vẽ bùa chú lên đào phù nữa, mà thay thế bằng các câu
chúc “ hỉ khánh cát tường “ trích ra từ các kinh điển hay tác phẩm
thi ca, văn học - Câu đối Tết ra đời từ đó.
Đào phù vạn điểm, hỉ
khứ tuế ngũ cốc phong thu
Thụy khí thiên điều, phân tân xuân lục súc hưng vượng
( Mùa đào vạn điểm, mừng năm trước ngũ cốc được mùa
Khí lành nghìn cành,mong xuân mới gia súc hưng vượng )
Việc sử dụng
câu đối không chỉ giới hạn ở những ngày Tết, nó còn lan rộng trong
những trường hợp vui mừng, hiếu hỉ hay đau buồn của đời sống con
người: Ta có câu đối để mừng thọ, mừng cưới hỏi, mừng thành đạt
à hoặc câu đối để ai điếu, phúng viếng lúc tạ thế. Như chuyện
một câu đối viếng liên quan đến ông Lê Quý Đôn mang hình ảnh của
hoa đào rơi.
Tương truyền, Lê Quý Đôn là một thần đồng, nổi tiếng
từ thuở niên thiếu, nên sanh ra kiêu ngạo, sau khi đổ Tam Nguyên
Bảng Nhãn, đã cho treo trước nhà một tấm biển có đề câu “ Thiên
hạ nghi nhất tự lai vấn “ ( Trong thiên hạ, có chữ nào mà không
biết, cứ tới mà hỏi ). Khi cha Lê Quý Đôn là Trịnh Hiếu Công Lê
Phú Thứ, Thượng Thư Bộ Hình đời Lê Dụ Tôn mất, có một cụ già đến
xin tặng một câu đối viếng, viện cớ già yếu, nhờ Lê Quý Đôn viết
giùm. Khi bắt đầu với chữ Chi, Lê Quý Đôn không biết ý cụ già muốn
viết chữ chi nào, hỏi lại thì cụ già đã cho một bài học :” Nếu
ai đó xem bảng treo ngoài kia, rồi vào hỏi chữ chi thì cháu phải
trả lời sao ? “. Nội dung hai câu đối viếng đó là:
Chi chi ngũ bách
niên tiền,lục thụ thanh sơn hà xứ tại
Tại tại tam thiên lý ngoại, đào hoa lưu thủy cách hà chi.
( Tại đây năm trăm trước, cây xanh núi biếc vẫn còn đó
Nơi xa ba ngàn dặm trường, đào hoa lưu thủy đã về đâu )
Hai câu
đối trên còn một bản khác:
Chi chi tam thập niên dư, xích huyện hồng châu kim thượng tại
Tại tại sổ thiên lý ngoại, đào hoa lưu thủy tử hà chi
( Cách hơn ba mươi năm, xích huyện hồng châu nay vẫn đó
Xa ngoài mấy ngàn dặm, đào hoa lưu thủy bác về đâu )
” Đào hoa lưu thủy”- Hoa đào trôi theo dòng nước, ý như 2 câu
thực ( 3, 4 ) trong bài tuyệt cú “ Đào Hoa Khê” của Trương Húc
( cùng thời với Lý Bạch và Bùi Uẩn: gọi là Tam Tuyệt ):
Đào hoa tận nhật tùy lưu thủy
Động tại thanh khê hà xứ biên
( Suốt ngày hoa đào trôi theo dòng nước
Chẳng hay động ở bên nào suối nước trong )
Đào hoa khê hay suối hoa đào. Những từ ngữ như suối đào, nguồn
đào hay động đào, động bích, đào nguyên được dùng để chỉ nơi tiên
ở theo bài “ Đào Nguyên Ký “ của Đào Tiềm: Vào đời nhà Tấn (365-419),
có một người chài lưới ở Vũ Lăng, một hôm chèo thuyền ngược dòng
suối, thấy có nhiều hoa đào trôi theo dòng nước đổ xuống, rồi đi
lạc vào một nơi trồng toàn đào là đào - Nơi đây người ta sống rất
an vui, hạnh phúc.
Hình ảnh những cánh hoa đào rơi nói riêng, hay
hoa rơi nói chung trôi theo dòng nước chảy là một hình ảnh rất
trữ tình, có tính cách ước lệ, rất phổ biến trong văn chương bác
học cổ điển Trung Hoa Thí dụ như hình ảnh “ hoa trôi theo dòng
nước “ theo ý câu mở đầu ( Phá đề ) của bài Xuân Tịch Lữ Hoài (
Tình lữ thứ đêm xuân ) của Thôi Đồ :” Thủy hoa lưu tạ lưỡng vô
tình “ ( nước chảy, hoa tàn, cả hai cùng vô tình ). Còn theo sách
“ Thành ngữ Điển cố đại toàn “ thì xuất xứ hình ảnh này là “ Lạc
hoa hữu ý tùy lưu thủy. Lưu thủy vô tình luyến lạc hoa “ ( Hoa
rơi có ý theo nước chảy. Nước chảy vô tình cuốn hoa trôi) do Sỹ
Khuê thiền sư ở Trường Túc am tại Ôn Châu viết, chép trong Tục
Truyền Đăng Lục.
Hình ảnh hoa trôi, nước chảy được xử dụng nhiều trong thể lọai
” Từ “, như trong bài từ Nhất Tiền Mai của Lý Thanh Chiếu, kể lể
nỗi nhớ nhung chồng là Triệu Minh Thành đi công cán nơi xa đời
Nam Tống.
Hoa tư phiêu linh thủy tự lưu
Nhất chủng tương tư
Lưỡng xứ nhàn sầu
Thử tình vô kế khả tiêu trừ
( Hoa tự rụng rơi, nước tự chảy xuôi
Một mối tương tư
Hai nơi đều buồn
Tình này không cách gì tiêu trừ được )
Hay trong bài từ Cam Châu
của Trình Cai:
Vấn đông quân
Ký giải khiển hoa khai
Niệm xuân phong chi thượng
Nhất phần hoa giảm
Nhất bán xuân quy
Nhẫn kiến thiên hồng vạn tử
Dị trướng đào khê
Hoa tự tùy lưu thủy
Vô kế truy tùy.
( Hỏi đông quân
Đà biết nở hoa ra
Há để rụng hóa đi
Nghĩ trên cành xuân gió
Một phần hoa giảm
Một nửa xuân đi
Nỡ thấy ngàn hồng vạn tía
Trôi ngập nguồn đào
Hoa tự theo giòng nước
Không thể truy tùy ).
Hay loại cổ thể ( cổ phong) như bài Tây Hồ
tống xuân ( Tây Hồ tiễn xuân ) của Lương Tăng theo điệu Mộc Lan
Hoa:
Vấn hoa hoa bất ngữ, vị thùy lạc, vị thùy khai ?
Toán xuân sắc tam phân, bán tùy lưu thủy, bán nhập trần ai.
( Hỏi
hoa hoa chẳng nói, vì ai hoa rụng, vì ai hoa nở
Tính vẻ xuân chia ba phần: một nửa trôi theo dòng nước, một nửa
rơi vào cát bụi )
Trong bài Tây Hồ tống xuân và Cam Châu , ta thấy song song với
hình ảnh hoa rơi trôi theo nước là hình ảnh hoa rơi bay theo gió.
Đây cũng là một hình ảnh thuộc loại phong cách cổ điển, khuôn sáo
khác của văn học Trung Hoa, xuất hiện rất nhiều trong Từ phẩm .Từ
là một nghệ thuật đặc biệt, được hình thành từ thời Hán, phát triển
trong thời Đường, rồi lưu truyền đến nay. Từ là một thể loại độc
lập trong văn học Trung Hoa (bên cạnh thi, phú, tiểu thuyết à )
lẫn âm nhạc ( bên cạnh cổ nhạc ). Do đó, hai yếu tố quan trọng
để tạo thành một bài từ là từ phổ ( cấu trúc ngôn ngữ) và nhạc
điệu ( cấu trúc âm nhạc ).
Hình ảnh “ Hoa rơi rụng theo gió ” này
là xuất hiện trong những bài ca từ ở nhiều thời đại khác nhau -
Từ bài Tô Huệ, Chức Cẩm Hồi văn ( Bài thơ thêu trên gấm có tác
dụng làm cho người đi biên thú được trở về ). Nàng Tô Huệ, tự Nhược
Lan, đời nhà Tấn, tài đức song toàn, văn chương xuất chúng, chồng
là Đậu Thao phải ra trấn đất Lưu Sa gian nan, hiểm trở. Tô Huệ
ba năm chờ đợi ở nhà, viết mười bài tứ tuyệt, rồi dùng chỉ ngũ
sắc thêu mười bài thơ đó theo hình trôn ốc, từ ngoài xoáy tròn
vào trong tâm một bức gấm, xong nàng tự tay dâng lên vua. Tô Huệ
ngâm đọc tha thiết, nhờ vậy mà vua hạ chiếu cho chồng được trở
lại nhà.
Bách hoa tán lọan phùng xuân tảo
Xuân ý thôi nhân hướng thùy đạo
Thùy dương mãn địa vị quân phan
Lạc hoa mãn địa vô nhân tảo
( Trăm hoa rực rỡ gặp tiết xuân sớm
Lòng xuân giục người biết nói cùng ai
Cành dương rủ, khắp đất đợi chàng vin
Hoa rơi khắp đất không người quét ).
Qua bài Trường Tương Tư của
Lưu Ý Nương thời Hậu Chu ( thời Ngũ Đại thập quốc, trước nhà Tống
), viết để tưởng nhớ Lý Sinh:
Hoa hoa diệp diệp lạc phân phân
Chung nhật tư quân bất kiến quân
Trường dục đoạn hề trường dục đoạn
Lệ châu ngân thượng cánh thiêm ngân
( Hoa hoa lá lá rụng tơi bời
Lòng nhớ người sao chẳng thấy người
Ruột muốn đứt thêm, thêm đứt ruột
Châu rơi thành ngấn, lại châu rơi )
Đến đời Khang Hy, Nạp Lan Tính Đức, đệ nhất từ nhân của nhà Thanh,
con trai của tể tướng Nạp Lan Minh Châu:
Đào hoa tu tác vô tình tử,
cảm kích đông phong
Suy lạc kiều hồng,
phi nhập song gian bạn áo nông
( Hoa đào thẹn nỗi phải lìa đời một cách vô tình
nên cảm kích gió đông
Đã thổi tung sắc hồng kiều diễm
len lỏi qua song cửa làm bạn với ta đang buồn áo não ).
Những thành
ngữ như “ Kiếp hoa đào, số hoa đào, hồng nhan bạc mệnh “ để chỉ
số phần hẩm hiu, bạc mệnh của người phụ nữ ( trong khi “ số đào
hoa “ là được nhiều người khác phái ưa thích, đeo đuổi ). Hoa đào
ngoài màu sắc, dáng vẻ riêng, còn toát lên tinh anh ở những thời
điểm, vị trí nhất định: lúc hoa nở cũng như lúc hoa tàn rơi, nên
từ xưa đến nay đã là nguồn cảm hứng vô tận cho các thi nhân. Nhưng
với cảm nhận khác nhau, tùy thuộc giới tính và điều kiện xã hội:
các nam thi nhân nhìn hoa rơi cũng có khác với các nữ thi nhân.
Giống như bài “Táng Hoa Từ” – Lâm Đại Ngọc trong truyện Hồng Lâu
Mộng ( đệ nhị thập thất hồi ) của Tào Tuyết Cần, vì là thơ của
một nữ nhân, nên dù bài ca từ “ Chôn Hoa “ này có ý tưởng lấy từ
bài “ Bạch Đầu ông vịnh “ của Lưu Hy Di, thấp thóang qua hai câu
:” Nùng kim táng hoa nhân tiếu si. Tha niên tang nùng tri thị thùy
“ ( Nùng là danh từ tự xưng của ngôi thứ nhất, dùng trong thơ cổ
), mà Tào Tuyết Cần đã phải trải giàn ý tình một cách khác:
Hoa tạ hoa phi hoa mãn thiên,
Hồng tiên hương đoạn hữu thùy liên.
… Nhĩ kim tử khứ nùng thu táng,
Vị bốc nùng thân hà nhật tang.
Nùng kim táng hoa nhân tiếu si,
Tha niên tang nùng tri thị thùy.
Thí khán xuân tàn hoa tiệm lạc,
Tiện thị hồng nhan lão tử thì.
Nhất triêu xuân tận hồng nhan lão,
Hoa lạc nhân vong lưỡng bất tri.
( Hoa bay hoa rụng ngập trời
Hồng phai hương lạt ai người thương hoa ?
… Giờ hoa rụng có ta chôn cất
Chôn thân ta chưa biết bao giờ ?
Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ
Sau này ta chết ai là người chôn ?
Ngẫm khi xuân muộn hoa tàn,
Cũng là khi khách hồng nhan về già.
Hồng nhan thấp thóang xuân qua
Hoa tàn, người vắng ai mà biết ai ?- Khuyết Danh )
So với Bạch Đầu vịnh: vịnh ông lão bạc đầu của Lưu Hy Di:
Lạc Dương thành đông đào lý hoa
Phi lai, phi khứ, lạc thùy gia
Lạc Dương nhi nữ hảo nhan sắc
Hành phùng lạc hoa trường thán tức
Kim niên hoa lạc, nhan sắc cải
Minh niên hoa khai, phục thùy tại
Dĩ kiến tùng bách tồi vi tân
Cánh văn tang điền biến thành hải
Cổ nhân vô phục Lạc thành đông
Kim nhân hoàn đối lạc hoa phong
Niên niên tuế tuế hoa tương tự
Tuế tuế niên niên nhân bất đồng à
( Đông thành Lạc, cánh hoa đào
Rụng rơi theo gió biết vào nhà ai
Có nàng nhan sắc đẹp thay
Bước nhìn hoa rụng, lòng này thở than
Hoa tàn, biến đổi dung nhan
Mai khi hoa nở biết nàng nơi nao ?
Chỉ trông thông bách cành rơi
Lại nghe biển thắm đổi dời nương dâu
Thành đông người cũ còn đâu
Người nay chỉ thấy hoa rầu gió bay ?
Năm năm hoa chẳng đổi thay
Kiếp người biến cải, xưa nay khác nhiều … Phương Ý )
Lạc hoa hay
hoa rụng. Bàn về hoa và mỹ nhân, Trương Tào có viết:” Hoa không
nên thấy rụng, mỹ nhân không nên thấy chết yểu. Trồng hoa nên thấy
hoa nở, mỹ nhân nên thấy vui vẻ, sung sướng … Ngắm đàn bà buổi
sáng, nên đợi lúc trang điểm xong. Lấy lòng yêu hoa mà yêu mỹ nhân
thì tất có cái thú riêng, lấy lòng yêu mỹ nhân mà yêu hoa thì thêm
cái thắm tình và thêm lòng nâng niu, thương tiếc “. Theo tinh thần
lời bàn đó, ta thử đọc vài bài tuyệt cú của các thi nhân Trung
Hoa về hoa rụng.
Nam Hành Biệt Đệ ( Từ biệt em trai đi Lĩnh Nam
)
Đạm đạm trường giang thủy
Du du viễn khách tình
Lạc hoa tương dữ hận
Đáo địa nhất vô thanh – Vi Thừa Khánh
( Nước sông dài lờ đờ trôi
Khách đi xa mối tình man mác
Hoa rụng như cùng nhau chia hận
Rơi tới mặt đất, không một tiếng gì )
Xuân Hiểu ( Sáng sớm mùa xuân )
Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu – Mạnh Hạo Nhiên
( Giấc ngủ xuân không biết trời sáng
Nơi nơi đều nghe tiếng chim hót
Đêm qua mưa gào gió thét
Không rõ bao nhiêu hoa đã rụng )
Kim Cốc Viên ( Vườn hoa Kim Cốc ở huyện Lạc Dương- Hà Nam )
Phồn hoa sự tán trục hương trần
Lưu thủy vô tình thảo tự xuân
Nhật mộ đông phong óan đề điểu
Lạc hoa do tự trụy nhân lâu – Đỗ Mục
( Những việc phồn hoa đã tan tác theo lớp bụi thơm
Nước vô tình chảy, cỏ cứ tự tươi thắm
Chiều về chim kêu ai óan trong gió đông
Hoa rụng như người nào năm xưa nhảy xuống lầu )
“ Tự trụy nhân lâu
“- Chuyện nàng Lục Châu đời nhà Tấn, là một kỹ nữ đẹp, có tài thổi
sáo, được một hào phú là Thạch Sùng sủng ái. Tôn Tú nghe tiếng,
sai người đến xin nàng, Thạch Sùng không khứng chịu, Tôn Tú gièm
pha với Triệu Vương Luân cho người đến bắt Thạch Sùng. Thạch Sùng
nói với Lục Châu:” Ta vì nàng mà đắc tội”, Lục Châu khóc mà rằng
:” Thế thì thiếp sẽ chết trước mặt quan quân “. Nói rồi, nhảy xuống
lầu tự tử. Đỗ Mục còn tỏ ý thương tiếc nàng Lục Châu trong một
bài tuyệt cú khác của ông là “ Đề Đào Hoa Phu Nhân Miếu “:
Tế yêu
cung lý lộ đào tân
Mạch mạch vô ngôn kỷ độ xuân
Chí cánh tức vong duyên đế sự
Khả liên Kim Cốc trụy lâu nhân
( Ở cung Tế yêu đào tơ mơn mởn ngậm sương
Lặng lẽ không nói biết bao mùa xuân qua
Rốt cuộc vì sao mà vua Tức mất nước
Đáng thương cho người gieo mình xuống lầu ở vườn Kim Cốc )
Người
Trung Hoa có câu thành ngữ “ Đào lý vô ngôn “: Hoa đào, hoa mận
không nói; Ý là người dẹp như hoa đào, hoa mận, dù không cần nói
vẫn cứ đẹp. Do thành ngữ này mà người ta gọi Tức phu nhân là Đào
Hoa phu nhân: Nàng Tức Quỳ, vốn là vợ của vua nước Tức ( một nước
nhỏ thời Xuân Thu ). Sái Ai Hầu tán dương sắc đẹp của nàng với
vua Sở, vua Sở cho quân đi diệt nước Tức: giết Tức Hầu, chiếm đoạt
nàng Tức Quỳ. Tức Quỳ làm vợ vua Sở, sanh hai con trai là Đỗ Ngao
và Sở Thành Vương, nhưng nàng suốt đời không nói một lời nào với
vua Sở, người đời cảm thương nên lập miếu thờ nàng, gọi là Đào
Hoa phu nhân miếu.
Vua Sở thích những người phụ nữ lưng ong, nhỏ,
xây cung điện riêng cho họ ở: gọi là Tế Yêu cung, nên trong dân
gian có câu:”Sở vương hiếu tế yêu cung trung đa ngọa tử “ ( Vua
Sở thích lưng ong, trong cung nhiều người chết đói).
Hai câu thực trong bài Đề Đào Hoa Phu Nhân Miếu của Đỗ Mục cho
rằng Tức Hầu chết, nước Tức bị diệt bởi do sắc đẹp của Tức Quỳ;
Lại tỏ ý thương tiếc Lục Châu, ngụ ý chê trách Tức Quỳ. Đỗ Mục
thời đó dù nổi tiếng là một văn tài, đa tình, phóng khoáng; Dù
ông có thương hoa, tiếc ngọc hơn những thi nhân cùng thời ( 803-
852 ), nhưng ông cũng có chung tư tưởng “ hồng nhan họa thủy “:
người đẹp là nguồn gốc của những mối họa ( thủy đây là khởi thủy,
nguồn gốc )- Thạch Sùng, Tức Hầu bị diệt vong tại vì sắc đẹp của
Lục Châu, Tức Quỳ, chứ không phải vì sự say mê sắc đẹp mà họ bị
ám hại bởi những người đàn ông khác, cũng say mê sắc đẹp như họ,
nên cũng muốn giành giựt người đẹp làm của riêng mình ( tư hữu
)!!! Cũng theo Đỗ Mục, Lục Châu dù chỉ là hầu, thiếp, đã nhảy lầu
tự tử vì một lời than oán của Thạch Sùng, như vậy mới là phải,
“ làm đúng “, còn vợ như Tức Quỳ dù đã suốt đời im lặng như người
câm, nhưng không dám chết theo chồng thì bị chê trách: “ Tam Tòng
“ !!! Trong khi Vương Duy lại có cái nhìn khác trong bài tuyệt
cú “ Tức Phu nhân “:
Mạc dĩ kim thời sủng
Năng vong cựu nhật ân
Khán hoa mãn nhãn lệ
Bất cộng Sở Vương ngôn
( Đâu phải vì sự sủng ái bây giờ
Mà có thể quên được ân tình ngày xưa
Ngắm hoa mà lệ chứa chan đôi mắt
Không nói một lời nào với vua Sở )
Người Trung Hoa dùng hình ảnh
và màu sắc tươi thắm của hoa đào để mô tả nhan sắc của người phụ
nữ đẹp ngày xưa: Đào tai: má đào( má người thiếu nữ hồng như màu
hoa đào ); Búp đào, đào non, đào tơ mơn mởn ( đào chi yêu yêu )
để chỉ người thiếu nữ dậy thì; Liễu yếu đào tơ để chỉ người mảnh
mai à
Hoa đào được nhắc nhở trong văn chương, trong đời sống sinh hoạt
của dân Trung Hoa và Việt Nam, là cây đào được trồng để thưởng
thức dáng, vẻ đẹp của hoa: cây đào cho hoa. Loại cây đào hoa này
thường nở rộ vào mùa xuân, có rất nhiều màu khác nhau: từ màu trắng
( bạch đào), trắng pha hồng ( bạch hồng đào ), hồng nhạt, hồng
đậm, ba màu hồng trên một cành ( đào hoa tam sắc ) đến màu hồng
đỏ ( bích đào ). Hãy tưởng tượng trong mùa xuân phơi phới, có một
cơn mưa màu tươi thắm của hoa bích đào rơi lả tả như trong bài
“ Tương tiến Tửu “ của Lý Hạ:
Huống thị thanh xuân nhật tương mộ
Đào hoa loạn lạc như hồng vũ
( Huống gì giữa ngày xuân, bóng chiều đang phủ xuống
Hoa đào rơi lả tả như một cơn mưa màu hồng )
Nhụy của hoa đào màu vàng; Những cánh hoa này là hoa kép trông
giống như những cánh bướm, xếp vòng tròn, tựa vào đài hoa với hai,
ba hàng cánh ( 12, 14 cho đến 32 cánh trong một hoa ), trải dọc,
đều theo cành cây một cách mềm mại. Thời gian tồn tại của hoa rất
lâu: sống từ ba đến bốn tuần, lại thêm hoa nở lần lượt, dù trồng
ngoài vườn hay cắt cành cắm nhà cũng vậy - Trông rất đẹp và thanh
nhã.
Cây đào cho hoa thân mộc, cao từ 3 đến 8m, da thân nhẵn Trên thân
cây thường có nhiều nhựa đào ( chất nhầy đóng cục lại ). Lá đơn
mọc cách nhau, cuống ngắn, phiến lá lúc non xếp đôi, nhọn hai đầu,
mép lá có răng cưa. Hoa kép xuất hiện trước lá. Cây đào cho hoa
cũng đơm trái, nhưng ít, trái thì nhỏ và không ngon như cây đào
trái được trồng với chủ đích thu hoạch trái - Loại cây đào trái
dễ trồng, sức sống rất mạnh; Hoa đơn, cánh nhỏ như hoa mận, thường
màu hồng nhạt.
Theo các nhà thực vật học, người Trung Hoa đã biết
trồng cây đào ít nhất từ 4,000 năm về trước Nhưng lúc đầu, khi
cây đào du nhập vào Tây phương ( một thế kỷ trước công nguyên ),
lại từ xứ Ba Tư ( Perse- Iran ), nên được đặt tên khoa học là Prunus
persica, đúng ra phải là Prunus sinensis, thuộc họ Rosaceae ( hoa
hồng ). Nếu xếp loại thì các loại cây đào cho hoa, cây đào trái,
cây anh đào đều thuộc họ Prunus. Nhưng cây đào cho hoa và cây anh
đào có rất nhiều điểm khác biệt nhau: từ hình thái của cây, màu
sắc, hoa trái … cho đến cả quan niệm và phương diện thẩm mỹ.
Thân và cành cây anh đào thì lớn và thô hơn cây đào hoa. Hoa anh
đào là hoa đơn, mọc thành từng chùm. Mỗi đóa hoa chỉ lớn độ 2,
3cm, có 5 cánh mỏng, mịn, nở sát vào nhau. Hoa anh đào nở chậm
hơn hoa đào cả tháng ( khoảng trung tuần tháng tư dương lịch )
Biệt ly kỷ xuân vị hoàn gia
Ngọc song ngũ kiến anh đào hoa - Lý Bạch / Cửu Biệt Ly
( Từ ra đi đến nay, đã mấy xuân chưa về nhà
Trước cửa sổ, năm lần thấy hoa anh đào nở )
Hoa anh đào là quốc hoa, là biểu tượng của nước Nhật: “ xứ sở
hoa anh đào “, được gọi là Sakura ( Somei Yoshino), tiếng Anh
gọi là Japannese Cherry tree, tiếng Pháp gọi là Cerisier du Japon,
tên khoa học là Prunus pseudocerasus, họ Rosaceae, có nguồn gốc
từ Tây Tạng.
Theo ông Đỗ Thông Minh, ở Nhật có khoảng 60 loại anh
đào khác nhau.Đời sống của hoa anh đào rất ngắn ngủi, chỉ khoảng
2, 3 ngày - Hoa đang độ tươi thắm là ra đi - Hoa ra đi có nghĩa
là hoa rụng. Nhưng hoa anh đào lại đẹp nhất khi rụng rơi: Từng
cánh hoa nhẹ, mỏng, màu trắng hồng lìa cành từng cánh một, bay
bay trong gió xuân như những hoa tuyết mùa đông rơi lã chã xuống
mặt đường àNhư trong một bức tranh mà người họa sỹ trong một lúc
xuất thần đã phóng bút, nay còn nằm trong một ngôi chùa cổ ở Kyoto.
Trong
khi người Trung Hoa dùng hoa đào để khắc họa vẻ đẹp của người phụ
nữ, thì đối với người Nhật Bản, hoa anh đào tượng trưng cho đời
sống của giai cấp Chiến binh Thị Vệ: Samurai Họ tự ví đời sống
của mình tươi đẹp như đời sống của đóa hoa anh đào - Ở đó, sự sống
và sự chết đều có nét đẹp khác nhau. Người Nhật có câu :” Nếu là
hoa, xin làm hoa anh đào. Nếu là người, xin làm một samurai “ -
Hoa anh đào có hai lần tuyệt đẹp trong đời hoa: Khi nở rực rỡ dưới
ánh nắng mùa xuân và khi lìa cành bay theo gió - Sự can đảm tạo
cho các Samurai xem cái chết là một vinh dự như cái đẹp của những
cánh hoa anh đào rơi khi đạt đến thời điểm nở toàn mỹ.
Sakura Sakura
Sakura àsakura ànoyamamo satomo
Miwatasu kagiri
Kasumi-ka kumo-ka àasahi-ni niou
Sakura àsakura àHanazakari - Shizuka
(Hoa anh đào, hoa anh đào.
Trên núi rừng, trong xóm làng
Khắp nơi mà bạn có thể thấy được
Chúng giống như sương mù hay những đám mây.
Hoa anh đào ngát hương
dưới ánh mặt trời buổi sáng.
Hoa anh đào, hoa anh đào. Nở rực rỡ )
Thi ca Việt Nam chịu ảnh hưởng lâu đời của thi ca Trung Hoa ,nên
ra cũng thấy lần lượt những bài thơ trong nhiều thời kỳ văn học
khác nhau ( từ cổ chí kim: từ thơ viết bằng chữ Hán, chữ Nôm đến
thơ mới sử dụng quốc ngữ ), đều có vương vất hình ảnh hoa đào rơi.
Từ bài Hành Lạc Từ của thi hào Nguyễn Du, cuối thế kỷ 18:
Sơn thượng hữu đào hoa
Xước ước như hồng ỷ
Thanh thần lộng xuân nghiên
Nhật mộ trước nê trễ à
Hảo hoa vô bách nhật
Nhân thọ vô bách tuế
Thế sự đa suy di
Phù sinh hành lạc sự
( Trên núi có hoa đào
Tươi đẹp như lụa đỏ
Sáng mai giỡn màu xuân
Chiều tối lăn bùn nhọ à
Hoa đẹp không trăm ngày
Người sống không trăm tuổi
Việc đời thay đổi luôn
Kiếp người vui có hội à - Phạm Khắc Khoan + Lê Thước )
Thi sỹ Nguyễn Bính qua bài “Thôi nàng ở lại “ đầu thế kỷ 20, khoảng
thời gian giữa thơ cũ không còn phát triển nữa và thơ mới nô nức
trỗi dậy:
Hoa đào từng cánh rơi như tưới
Xuống mặt sân rêu những mắt buồn
Như những tâm hồn tan vỡ ấy
Nhện già giăng mắc sợi tơ đơn.
Thập niên 60 với “Bài thơ hoa đào “của nhạc sỹ Hoàng Nguyên:
Ngày nào à Dừng chân phiêu lãng
Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi
Màu hoa in dáng trời
Tình hoa lưu luyến người
Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi.
Hay thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo
gần đây với bài “ Tết sớm gọi tuổi mình “ :
Không níu được mùa xuân
quay trở lại
Anh thôi đành trồng một sắc đào riêng
Hoa đào nở cuối chiều đông giá buốt
Tết bỗng dưng đến sớm gọi tuổi mình.
Ta nhận thấy thi sỹ Việt Nam
có cái nhìn khác hẳn đối với những cánh hoa đào tàn rơi, với tính
nhân hậu, phong cách, bản sắc riêng của dân tộc, nhất là trong
ca dao bình dân:
Hoa đào héo nhụy anh thương
Anh mong bẻ lá che sương cho đào
Hoa đào héo nhụy là hình ảnh của
người phụ nữ đã qua thời xuân sắc: nhan sắc, tuổi xuân rồi cũng
đến lúc nhạt phai như đóa hoa đào – Hoa đào thắm tươi đó rồi
tàn úa đó – Lúc hoa đào khai/nở không thể không nghĩ đến lúc
hoa đào lạc/rụng – Với nhận thức về duyên khởi duyên sinh, hoa
đào đối với những vị xuất gia, được xem như một biểu tượng, qua
đó nhận thức thực tại mà chứng ngộ.
Tự nở, tự tàn theo thời tiết
Chúa xuân bị hỏi cũng khôn lời – Sơ Tổ Trúc Lâm
Tùy theo căn cơ,
có vị thấy hoa đào nở mà ngộ đạo, có vị lại thấy hoa đào rụng
mà ngộ đạo. Như thiền sư Linh Vân đời Đường, ở chỗ ngài Quy Sơn
Linh Hựu lâu năm không ngộ, một hôm thấy hoa đào nở mà chứng
đắc. Thiền lâm gọi chuyện này là “ Linh Vân kiến đào minh tâm
“ hay “ Linh Vân đào hoa ngộ đạo “.Thiền sư Linh Vân có làm một
bài kệ rằng:
Tam thập niên lai tầm kiếm khách
Kỷ hồi lạc diệp kỷ sưu chi
Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu
Trực chí như kim cánh bất nghi
( Ba chục năm tìm kiếm uổng thôi
Mấy phen lá rụng lại đâm chồi
Từ khi chợt thấy hoa đào nở
Nghi hoặc xưa nay dứt sạch rồi - Nguyễn Khuê )
Thiền sư Thủ Tuân ( 1079- 1234 ), một hôm ngồi nhắm mắt tĩnh tọa
suốt ngày, đến khi ngước mắt nhìn lên, thấy hoa đào rơi lả tả liền
ngộ, bởi lẽ “ đào hoa lạn mạn “ là nhận thức trọn vẹn cái quy luật
“ sinh, trụ , dị diệt “ của vũ trụ vạn hữu.
Chung nhật khán thiên bất cử đầu
Đào hoa lạn mạn thủy đài mâu
Nhiêu quân tiện hữu già thiên võng
Thấu đắc lao quan tức tiện hữu
( Ngày trọn nhìn trời chẳng ngẩng đầu
Ngước trông lả tả cánh hoa đào
Che trời quanh bạn đều giăng lưới
Chẳng vượt lao quan, chẳng chịu nào - Nguyễn Khuê )
Vẻ đẹp của hoa đào là đề tài muôn thuở trong thi ca - Hoa khai
hay hoa lạc đều là đối tượng trữ tình đặc biệt để diễn tả vẻ diễm
lệ của phái nữ, nhất là má hồng màu hoa đào như trong bài “ Thà
rằng chẳng gặp thì thôi “ của thi sỹ Trần Vấn Lệ:
Gặp nhau
rồi cũng xa rời
Xưa sau
biết mấy triệu người nhớ nhau !
Một cơn tái hội
chừng nào ?
Bắt em …
hóa cánh hoa đào, tôi hôn – Trần Vấn Lệ
Hoa đào trên má ai - Chẳng
biết là màu hoa đào in dáng trời, in trên má người làm nhà thơ
bồi hồi, lưu luyến hay vì ngất ngây mà má em hồng thắm một màu
hoa nở - “ Nhân diện đào hoa tương ánh hồng “ : Mặt người và hoa
ánh lẫn nhau dưới ánh nắng nồng nàn của mùa xuân. Ôi! Màu hoa đào
ngày xuân nào. Màu hoa đào của bồn chồn, e thẹn, hẹn hò trong giai
thoại của Thôi Hộ ngày xưa; “ Đào hoa y cựu tiếu đông phong “;
Nay đã trở thành điển tích trong thơ của các thi nhân đời sau này
vậy:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông - Nguyễn Du
Hôm nay là xuân mai còn xuân
Một cánh đào rơi nhớ cố nhân - Nguyễn Bính
Trong màu đỏ hồng tươi thắm của hàng ngàn đóa hoa đào nở rộ mùa
xuân, ta thấy như sống lại mối thâm tình của Bắc Bình Vương Nguyễn
Huệ lưng ngựa dặm trường, người đầy gió bụi mang một cành bích
đào từ thành Thăng Long trở về kinh đô Phú Xuân trao tặng cho người
vợ yêu là Ngọc Hân công chúa, báo tin chiến thắng. Đã hơn hai trăm
năm trôi qua; Đã hơn hai trăm mùa đào đua sắc, đất nước Việt Nam
trải biết bao thăng trầm, biến đổi mà màu trữ tình của hoa đào
vẫn còn sống mãi, vẫn còn ngời sáng như dòng máu yêu thương thắm
thiết chảy trong lòng vua Quang Trung nhà Tây Sơn và Ngọc Hân công
chúa nhà Hậu Lê qua bài Ai Tư Vãn: ” Thương ai áo vải cờ đào. Giúp
dân, dựng nước biết bao công trình “ - “Ai ơi, ai nhớ chăng rằng
à Nòi giống muôn năm hiên ngang à Làm gái toàn là Trưng Vương.
Làm trai rạng hồn Quang Trung “ ( Hồ Đình Phương )
Xuân Phương
Tài liệu tham khảo:
Nhật bản và Sakura - Trần Nguyên Thắng - Đàn Chim Việt online
( tháng 2/2005 )
Đào hoa y cựu tiếu Tây phong – Nguyễn Đình Mão
Hoa đào ngày xuân – Nguyễn Khuê
|