(Mùa xuân về, Ưu Du xin cung-hiến độc giả thân mến chuyện
Tết vui có thật.
Một cảm tình trân quý, đã xảy ra trong đời tôi).
Nền trời phơn phớt xanh lơ, điểm những lọn mây vàng
xám, ươm hồng, lơ lửng trôi về nơi vô địnhXa xa xuất hiện đàn chim
én, bay qua kẽ mây trôi từ phương Bắc về.
Tiết trời giá lạnh, run
rẩy, đang yên ắng lạ thường. Bỗng nhiên, tiếng đàn, tiếng trống,
vọng ra từ căn nhà xinh xinh bên sườn dốc, ban nhạc đánh rất hay,
ngón đàn điêu luyện, chơi vơi trong bầu trời đẫm sương mù, vươn
lên đỉnh thông, rồi lặng lẽ tan đi, trong ráng chiều dần dần phai
nắng.
Vào giờ phân giới giữa ánh rạng rỡ của ngày đầu năm,
và bóng tối xuân về, thốt nhiên Anh Thư cảm thấy ngập tràn niềm
vui, như cỡi trên con thuyền hoa hạnh phúc bất tận. Cũng phải thôi.
Mai đám cưới Anh Thư và Bảo mà!
Anh Thư là con gái đầu lòng, ba me cô tuy gốc gác miền Trung, nhưng
rời quê hương khá lâu, lên Đà Lạt làm việc với Pháp, nên mọi việc
từ trong ra ngoài, họ lo cho con chu tất, toàn vẹn theo lối phương
Tây. Bảo, con trưởng nam dòng họ vương tôn, giàu có và thanh lịch.
Gia đình đôi bên, có đủ yếu tố xây dựng gia thất cho con, để dòng
họ thêm nở mày, nở mặt.
Ngoài kia, họ nhà gái huyên náo lạ thường,
đàn ca, nhạc sống, vui vẻ hết biết. Suốt đêm Anh Thư không dám
nằm ngủ, cô sợ xẹp mái tóc đánh rối bới cao, sẽ bù xù, mất thẩm
mỹ đi. Mấy phù dâu xúm lại trang điểm, trông cô đẹp tuyệt vời.
Bực mình vì đôi giày cao gót, cô chọn nhầm, da giày cứng, dày như
da voi, cô vừa mang đi lui đi tới mấy vòng, gót giày tàn nhẫn “xơi
tái” mấy miếng da, rát bỏng, đau điếng. Mỗi lần cử động, nó đau
lên thấu tim, dù Anh Thư se sẽ lê tấm thân phì lũ, đi nhè nhẹ,
cà nhắc, cà nhót. Chín giờ sáng! Nhà trai đã có mặt trước sân hồng.
Hai gánh đi đầu là cặp ngỗng trắng, nhốt trong lồng mây, luôn hoác
mỏ, khàn khàn, kêu khọt khẹt. Con heo mọi mập ú, ụt ịt quay lui
quay tới trong cái cũi sơn đỏ, cột nơ hồng. Vò rượu cẩm chôn bách
nhật sủi tăm. Tiếp theo là tám khay mâm quả, phủ nhiễu đỏ, viền
tua vàng, do những chàng trai mặc áo xanh đỏ, đội nón lá mười vành,
trang-trọng bưng. Hai bên có những người đồng cổ phục, cầm cán
lọng dài màu vàng, che nắng. Chàng rể mặc áo thụng màu xanh biển,
chữ Phước, chít khăn đóng, quần dạ trắng, mang giày thô, còn cho
chú tiểu-đồng-hầu xách theo bộ đồ “tuxedo” nữa. Chàng rể đi giữa
hàng thân quyến cùng quý ông bà, mệnh phụ phu nhân, bạn bè, bà
con gia tộc. Hai người bên họ nhà trai bưng khay trầu rượu, vào
trước sân hồng, ra mắt, xin họ nhà gái, cho nhập gia tùy tục. Đại
diện họ nhà gái đứng trên thềm hoa, nhận lời. Mọi người vào phòng
nghinh tân. Ông mai bà mối nói năng lưu loát, nên vui vẻ cả làng.
Các mâm sính lễ đặt trên chiếc bàn dài, cặp ngỗng và “chú hợi”
để dưới sân, gần cửa chính.
Nghi thức diễn tiến tốt đẹp, đến lúc Anh Thư hồi hộp, rụt rè, được
me vén bức màn nhung, dìu con ra phòng nghinh-tân. Bỗng chốc vài
mệnh phụ đài các, chụm đầu xì xào, chỉ trỏ bộ cánh “xê-rê” trắng
trắng, có tấm voan mỏng che mặt, đuôi áo dài lê thê sau gót cô
dâu, găng tay trắng dài lên tới cánh, cô đội vương miện lóng lánh,
kiểu nữ hoàng Anh. Có người bên nhà trai nói trổng:
- Y như con ma chết trôi. Thấy ớn lạnh hè.
Nhà gái tái mặt, vội cười xuề xòa:
- Đồ trắng, tượng trưng cho
sự trinh bạch mà.
- Ngày cưới xin, nói chi bậy bạ quá!
- Ui xà!
- Miệng mồm ăn mắm ăn muối.
Lời qua tiếng lại thật khổ! Khổ nhất
là ông tơ bà nguyệt, cứ chạy qua bên nầy, chạy lăn xăn về bên kia,
năn nỉ ỉ ôi. Hai họ mích lòng nhau, thấy sợ, khi pháo nổ rền trời.
Hoài đi phù dâu, cô sợ cháy áo quần, nên vén váy áo ngồi thụp xuống
nền nhà, bưng hai tai. Khi nghe nhiều tiếng kêu rú thất thanh vang
lên, Hoài đứng phắt dậy, ngơ ngác nhìn quanh:
Hai con ngỗng nghe
pháo nổ đì đùng, chúng hoảng sợ, tống cửa lồng, một con bay lên
bàn, đạp đổ bình hoa, lễ vật, ly tách, bánh rượu, trái câyKhi người
đàn ông túm bắt được, vặn ngược cổ nó lui sau lưng, thì trên bàn
không còn gì ráo. Con ngỗng kia nhướng cổ, quạt cánh rượt theo
mấy khuê nữ, khiến mọi người xô đẩy, đạp lên nhau mà né chạy. Con
heo mọi ụt ịt hoảng sợ, hất chiếc cũi ngã ngửa ra, hét tướng lên,
kêu eng éc, rồi cạp nắp đậy, nó sổng cũi, vừa chạy vừa ị ra lung
tung.
Hầu hết mọi người sửng sốt, ngây người, chết trân,
ngơ ngác nhìn trước cảnh tượng khá bất ngờ.
Người đau khổ nhất,
là Anh Thư. Cô đứng chịu trận hơn một giờ, do những thủ tục nhập-gia
rườm rà, đôi chân càng lúc càng sưng húp, vì những vết thương cọ
xát vào đôi giày mới, mạch máu giật tưng tưng từng cơn. Cô mệt
đừ, mồ hôi vã ra như tắm, mặt mày tróc dần phấn son, trông lem
luốc, như con mèo vá, tự dưng bụng đói cồn cào, cô hoa mắt, chóng
mặt, và bất tỉnh nhân sự.
Hai phù dâu hoảng hốt, vội nâng cô dậy,
Mây và Hoài đều gầy ốm, so với “Thư tán phẩm”, họ vẫn cố sức làm
tròn nghĩa vụ phù dâu. Mỗi người kéo một cánh tay của Anh Thư,
quặc vào cổ mình, kẹp cô ở giữa, ra sức kéo lôi cô xềnh xệch vào
“the-phòng”. Các bạn gái không ngớt xoa dầu, cạo gió, giật tóc
mai.
Anh Thư hồi tỉnh lại. Thật uổng công mái tóc “búp
Ănglê” mà Anh Thư sợ hư, đã ngủ ngồi suốt đêm, giờ đây bù xù như
tổ quạ. Anh Thư vội bảo Hoài ra phòng khách, lấy hộ hộp quần áo
sính hôn vào, vì giờ đi lễ sắp đến. Các bạn gái, mỗi người một
tay, lo chải chuốt, trang điểm cho Anh Thư. Ba me cô muốn Anh Thư
diện bộ cánh thời trang nhất. Mặc! Về nhà chồng, cô cần lấy lòng
bên họ nhà chồng chứ.
Lễ vật nhà trai sang trọng lắm. Nào là vòng
xuyến, dây chuyền, bông tai, nhẫn, toàn nhận kim cương, còn kiềng
chạm, dây chuyền trên năm lượng vàng y 24k. (không kể quà bà con
chú bác) Anh Thư đội khăn đóng vành dây đỏ mạ vàng, chín tầng quá
rộng, thỉnh thoảng Anh Thư phải lấy tay đẩy lên, vì mạ của chàng
không ngờ, bây giờ cô ốm hơn ngày mạ đi đám hỏi cô. Anh Thư lo
chuyện cưới hỏi, nên đã sút mất mươi cân! Áo quần mạ may từ ba
tháng trước, rộng thùng thình! Cô mặc áo dài nhung đỏ, may tà Bắc,
quần xa tanh trắng “rô-đê” gấu, khoát ngự uyển bên ngoài.
Chuyện
áo quần rộng, không thành vấn đề, cô chỉ buồn, khi đội khăn đóng
và mang đôi hài đỏ. Hôm ấy, Bảo viết số đo chân của Anh Thư, gửi
về cho mạ, đi đặt đôi hài cườm thêu hai con rồng vàng uốn khúc,
mạ thích tự ý diện cho con dâu mà! Mạ nói:
- Viết cái chi mà lem
dem ri hèViết không rõ ràng nơi, số 40 hay 46 hỉ? Dâu mình có da,
có thịt, phúc hậu rứa, cứ đặt cho con số 46 hỉ! Số lớn số nhỏ chi,
cũng bằng từng nớ tiền. Chi bằng, mình cứ đóng số lớn, thì rẻ,
cho tiệm giày hắn lỗ luôn.
Thành thử đôi hài rộng rinh, ẻo qua,
ẻo lại, khó khăn khi Anh Thư cất bước đi. Tuy được một điều, là
đôi hài không cứa mấy vết thương rát bỏng kia.
Mọi xáo trộn rồi
cũng dần qua. Thay vì cho đám rước đi bộ trên đoạn đường ngắn,
để thiên hạ ngắm nhìn, đoàn người hộ tống cô dâu che tán vàng,
tán tía như dự tính; Mạ sợ cô dâu lăng đùng ra lần nữa, thì nguy
to. Nên cha mạ, họ nhà trai đồng ý gấp với họ nhà gái, cùng nhau
leo lên những chiếc xe hoa, nối đuôi chạy dài dài đến giáo đường.
Dưới những chòm thông xanh reo vi vu, giáo đường Chính Tòa màu
gạch viền trắng uy nghi, sừng sững, tọa lạc trên vùng đất phóng
khoáng, tháp chuông cao vút, có hình con gà vươn lên trời xanh
mênh mông.
Đi trên mặt bằng, Anh Thư còn có thể kéo lê “đôi
hia một dặm” theo bàn chân, cố dí sát vào đầu mũi hia, cô dồn toàn
lực, bấm mười đầu ngón chân giữ lại. Nhưng, khi cô giở đôi chân,
để bước lên những bậc cấp cao, thì “lực bất tòng tâm”, mười đầu
ngón chân mỏi mệt, ương ngạnh, không tuân phục theo ý cô. Chiếc
hài rời chân, rơi lông lốc xuống cuối bậc cấp. Mây vội vàng xắn
quần áo đẹp, chạy xuống nhặt “hia” lên. Xỏ được chiếc nầy, thì
chiếc khác lăn đi.
Anh Thư cúi đầu xuống nhìn, để xỏ chân vào hia,
báo hại chiếc khăn đóng rộng vành, che sụp xuống tận mũi. Không
thấy đường, cô đạp phải vạt áo dài lết bết, trên bậc cấp, đứt hàng
khuy nút bóp, để lòi vú mớm ra. Cô quơ tay kéo ngự uyển đậy lại.
Trong lúc mắc cỡ muốn độn thổ, Hoài lúng túng lo
cho bạn, đã hụt chân trên bậc cấp, ôm bạn té lăn xuống, đủ hai
vòng. Thế là bộ giò cô dâu bị trặc mất rồi!
Hai phù dâu lại một
phen nữa, mệt toát mồ hôi hột, xốc nách cô, họ quàng cánh tay Anh
Thư, vắt qua cổ mình, để lôi lên bậc cấp, cho chắc ăn. Mặt mày
cô dâu, chú rể đỏ bừng, như con gà lôi, chuyển sang tái mét. Mà
người tiếp nhận tái mét nhanh nhất, là mạ chồng!
Hai họ đứng chết
trân, thừ người, kinh ngạc há hốc miệng. Bỗng chốc, mọi người đồng
loạt cất tiếng cười ngất. Họ quên lửng “bộ đồ vía” gây ra nông
nỗi tệ hại kia, do họ cất công mua sắm. Lúc nầy, hai cô phù dâu
quá mệt, không còn hơi sức đâu mà cười. Cười cái gì? mà buồn cười
nhỉ!
Vào an tọa trong nhà thờ, nhưng ai ai cũng lo ra,
nên thỉnh thoảng nhiều tiếng cười khúc khích, nổi lên đây đó. Khiến
cha chủ tế người Pháp, đứng trên bục giảng ngạc nhiên, từ tốn mở
lời:
- Hôm nay, “dứng” trước quý ông bà, anh chị em, và
cô “dâu” chú rể, tôi xin “cào” chúc anh chị trăm năm “hạn phút”,
răng “lông” tóc bạc suốt đờiHãy nhìn xem: Trên bàn thờ, có hoa
mai, hoa lan, hoa hệ và hoa cứt...
Nhiều tiếng cười vang dậy khắp
đó đây. Ngài ngạc nhiên, nhìn xuống, rất vô tư, dõng dạc tiếp:
- Anh chị em "cưới" cái gì? Có muốn "cưới
nhau",
thì ra ngoài sân mà cưới. Ở trong nầy, chỉ làm "lễ cười". "Lễ
cười", thì có gì mà "cưới" chứ??
Ụi Trời đất ơi!
Cả nhà thờ ôm bụng cười vang, cười ngất, cười ra nước mắt. Chịu
không thấu. Rất may, có một vị trung niên bước lên bục giảng, ông
dùng tiếng Pháp xin lỗi cha, giải thích về việc ngài phát âm hơi
lệch lạc, nên từ ngữ bị sai sót.
Á, thì ra...! Khi hiểu nguyên
nghĩa, ngài không ngớt xin lỗi, và đã cười thoải mái quá chừng!
Sau lễ, hai hàng xe hơi chạy lên sát cửa chính tòa,
chứ không đậu giữa sân, dưới những bậc tam cấp hồi nãy. Tất cả
mọi người mệt đừ, vì kiệt sức hay vì cười ngất? Chả biết nữa. Hai
họ nhà gái, nhà trai, quên chuyện giận hờn nhau, đã thân mật xiết
bao, vui vẻ cả làng.
Thượng khách ngồi vào bàn, nhâm nhi sơn hào
hải vị: Nấm đông cô, tóc tiên, mực khô, bát trân, bào ngư, vi cá,
yến sào, đùi heo, tôm hùm, do đầu bếp số một, bên Thượng Hải đảm
nhậnHọ nâng ly chúc tụng nhau vui vẻ, nét mặt cường diệu, hân hoan.
Bác phó nhòm Châu, thừa thắng xông lên, tha hồ chụp ảnh...
Đã gần
bốn mươi năm rồi đó, Trầm Mây và Hoài nhỉ! Mặc dù ít có cơ may
gặp lại nhau; Nhưng, mỗi lần mở tập album ra, trong lòng Anh Thư
dậy lên ngọn sóng dạt dào tình luyến nhớ, hoài mong, ngây ngất
nỗi khát khao tìm về thời niên thiếu, đã vụt xa bay trong tầm tay
với, khi tuổi đời đã nhuộm vàng hanh mái tóc phong sương, trên
dòng đời phai nắng...
Ưu Du
|