Trần Việt Bắc
LTS: Bài này được coi như phần "phụ lục" của bài
viết "Nhà Trần khởi nghiệp", vì hầu hết những tham
khảo để viết bài “Nhà Trần khởi nghiệp", người viết đã
dựa trên những sử liệu của Đại Việt Sử Lược. Với mục
đích mong mỏi được học hỏi thêm về nguồn gốc của Đại Việt Sử
Lược, cũng như vài bộ sử khác "có thể" liên quan
đến bộ sử này, xin mạn phép đưa ra những câu hỏi như sau:
Đại Việt Sử Lược được viết năm nào, có phải là
được viết trong khoảng thời gian từ 1377 tới 1388 hay ở một thời
điểm khác? Đại Việt Sử Lược do ai viết?
Độc giả sẽ cảm thấy rất khô khan với những gì sẽ trình bày,
nên để tránh sự mất thời giờ của độc giả, người viết làm chuyện
trái ngược là xin đưa ra kết luận trước, sau đó sẽ nêu lý do
và giải thích trong thân bài :
Phỏng đoán là Đại Việt Sử Lược được viết
sau năm 1234 và trước năm 1258, đời vua Trần Thái
Tông. Vì chưa có thể đưa ra xác định rõ ràng nên người viết
vẫn để tên Tác giả của Đại Việt Sử Lược là "Khuyết danh".
Vậy nếu độc giả nào muốn tìm hiểu thêm tại sao lại đi đến
kết luận này xin mời đọc phần sau:
Để tìm hiểu về xuất xứ của Đại Việt Sử Lược (ĐVSL); đã có khá
nhiều học giả uyên thâm bỏ nhiều công sức, và thời gian từ năm
1904 để truy cứu, nhưng đến nay, câu trả lời về nguồn gốc của
bộ sử này vẫn còn là một câu hỏi. Người viết bị sự tò mò lôi cuốn
nên muốn tìm hiểu thêm, dù chỉ là kẻ đang học hỏi và tìm hiểu
về sử Việt như một sở thích, nhưng cũng như xin mạo muội trình
bày thiển ý cá nhân; để mong được sự chỉ bảo thêm.
Ngày nay đã có khá nhiều bộ sử quí giá của Việt nam đã được phổ
biến một cách rộng rãi qua mạng “internet”, hay đã có những ấn
bản lưu hành. Hầu hết những bộ sử nói trên đều có ghi lại xuất
xứ, ngoại trừ Đại Việt Sử Lược, tên của tác giả cũng như thời
điểm hoàn tất vẫn chưa được xác định với chứng minh. Quyển sử này
đã được chuyển sang ấn bản điện tử năm 2001 dưới dạng ".pdf" và
đã được phổ biến rộng rãi trên "internet" do các quí
ông Công Đệ, Lê Bắc. Người viết không có được bản dịch chính (sách),
chỉ dùng những tài liệu đã được phổ biến qua “internet” với những
dòng chữ giới thiệu về bộ sử này như sau:
Tựa sách: Đại Việt Sử Lược.
Soạn giả: Khuyết Danh (1377-1388)
Dịch giả: Nguyễn Gia Tường (1972)
Nhà Xuất bản: TP HCM, bộ môn Châu Á học. Đại Học
Tổng Hợp TP HCM. (1993)
Chuyển sang ấn bản điện tử bởi : Công Đệ, Lê Bắc (2001).
Với ghi chú của dịch giả ở cuối sách như sau: “ Sử gia soạn
bộ sử này xong vào khoảng năm 1377, tức năm Đinh Tỵ đời vua thứ
10 nhà Trần. Trần Đế Nghiễn, nên gọi là vua đương thời. Vua Duệ
Tông tử trận tại thành Đồ Bàn, con trưởng của Duệ Tông là Nghiễn
được Thượng Hoàng Nghệ Tông lập làm vua, tức là Phế Đế…”.
Căn cứ theo giới thiệu trên và ghi chú của dịch giả, thì chúng
ta không biết tên tác giả của bộ sử này, thời gian của bộ sử này
được viết là khoảng từ năm 1377 tới 1388, tức là dưới thời Trần
Phế Đế. Tuy nhiên vẫn có những giả thuyết về thời gian soạn thảo.
Có thể ĐVSL đã được viết trước đó khá lâu, trước cả bộ Đại Việt
Sử Ký của Lê Văn Hưu. Tác giả của bộ sử này có thể là Trần Chu
Phổ, thời Trần Thánh Tông. Hoặc có thể bộ sử này được viết bởi
Sử Hy Nhan thời Trần Duệ Tông, hay bởi Hồ Tông Thốc thời Trần Phế
Đế, hay bởi ai khác!
1- Sự phổ biến Đại Việt Sử Lược (ĐVSL)
Trong Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên, bản dịch của Lê Hữu
Mục (1), phần "Dẫn
Nhập", trang 13: "Nhờ một sự tình cờ của lịch sử,
cuốn Việt Sử (ĐVSL) đã bị thất truyền ở Việt Nam nhưng đến thế
kỷ thứ 18, đời Càn Long nhà Thanh đã được ấn hành và được Tiền
Hi Tộ, tự là Tích Chi, người Kim Sơn (Giang Tô), hiệu đính.
Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát (Ts LMT), trong sách "TỔNG TẬP VĂN HỌC
PHẬT GIÁO VIỆT NAM" (2),
tập 3, phần nghiên cứu về xuất xứ của Thiền Uyển Tập Anh đã viết
như sau:
" Bộ sử xưa nhất của nước ta hiện còn là Đại Việt sử lược.
Nó bị bọn xâm lược Minh vơ vét đem về Trung Quốc khoảng những năm 1407-1428,
trong khi đang chiếm đóng nước ta, nên những sử gia từ năm sau 1428 trở đi
không một ai biết đến nó cả. Ở Trung Quốc, Đại Việt sử lược chuyền qua nhiều
tay, để cuối cùng tên tuần phủ tỉnh Sơn Đông đã bắt gặp và dâng nó lên cho
vua Càn Long nhà Thanh khoảng năm 1776. Càn Long cho chép ra, mà một bản tàng
trữ tại Văn Lan các ở Hàn Châu. Tiền Hy Tộ đã dùng bản chép Văn Lan các mà
in nó ra trong Tùng thư Thủ sơn các của mình, từ đó bộ sử
xưa nhất của ta mới trở nên phổ cập. Đại Việt sử lược như vậy là một sử liệu
đời Trần chưa từng qua tay người nước ta từ thế kỷ thứ XV trở đi. Mặc dù ở
Trung Quốc, nó không phải không bị những sử gia phong kiến Trung Quốc sửa đổi,
như trước đây, có người đã lầm tưởng. Song sự sửa đổi ấy, chúng tôi nghĩ phần
lớn giới hạn vào những việc và văn từ có xúc phạm tới danh dự và hệ ý thức
của những người lãnh đạo phong kiến Trung Quốc mà thôi, chứ không phải
lan tràn đến những việc khác. Do thế, Đại Việt sử lược đã giữ lại một phần
lớn bộ mặt lịch sử của mình, lúc mới ra đời dưới thời Trần".
Theo ông Phan Huy Lê (3) thì
ĐVSL được in theo bản Thụ sơn các tùng thư, Thương
vụ ấn thư quán, 1936. ĐVSL cũng được gọi là Việt sử lược, do Trần
Quốc Vượng dịch và chú giải, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1960. Sau
đó ĐVSL được dịch giả Nguyễn Gia Tường dịch lại một lần nữa vào
năm 1972 . Tuy nhiên theo như ghi chú số 5 của ông Phan Huy Lê,
thì Đại Việt Sử Lược đã được nói tới từ năm 1904 hay sớm hơn tại
Việt Nam (trang 15, quyển 1, ĐVSKTT, phần mở đầu : “L. Cadière,
P. Pelliote, Première étude sur le source annamites de l’histoire
d’Annam BEFEO T.4, 1904, Extrait, Hà Nội 1904, tr 7-8”).
2- Các sách liên quan đến sử học thời Lý, Trần.
Để có cái nhìn khái quát về sử học thời Lý, Trần, người viết xin
liệt kê những bộ sách liên quan đến cổ sử đã soạn trong thời kỳ
này:
- Sử ký của Đỗ Thiện (thời Lý Nhân Tông, 1072-1127,
và Lý Thần Tông, 1128-1138), thất lạc.
- Đại Việt Sử Ký (hoàn tất năm 1272), 30 quyển,
của Lê Văn Hưu (1230-1322), bị lấy sang Trung Quốc thời Minh thuộc
(4).
- An Nam Chí Lược (1335) của Lê Trắc (Tắc)
- Việt Chí của Trần (Chu) Phổ được Lê Trắc nhắc
tới trong An Nam Chí Lược (5),
thất lạc.
- Đại Việt Sử Lược (hay Việt Sử Lược (6))
: đang được bàn thảo về nguồn gốc.
- Việt Sử Cương Mục (của Hồ Tông Thốc), bị lấy sang Trung
Quốc thời Minh thuộc (7).
- Hoàng Triều Ngọc Diệp (8),
soạn đời Trần Thái Tông, năm Kiến Trung thứ 10
- Trung Hưng Thục Lục (9),
đời Trần Nhân Tông, không rõ tên tác gỉa
- Tăng Già Toái Sự (10),
đời Trần Minh Tông, không rõ năm, nay còn vài tập
- Thiền Uyển Tập Anh, 2 quyển. Thiền sư Kim Sơn,
1337 (11).
- Việt Điện U Linh tập của Lý Tế Xuyên, 1329
3- Các giả thuyết về nguồn gốc của Đại Việt Sử Lược
Những giả thuyết :
Trong phần mở đầu của ĐVSKTT, ông Phan Huy Lê nói về các học giả
và các giả thuyết về nguồn gốc bộ sử này, cũng như mối quan hệ
giữa ĐVSK, Việt Sử Lược và Việt Chí, người viết xin tóm tắt:
a- Học giả Nhật bản Yamamoto Tatsuro với giả thuyết là
Việt Sử Lược là bản tóm lược Đại Việt Sử Ký với quá trình biên
soạn như sau: Trần Tấn (Trần Chu Phổ) viết sách Việt Chí,
Lê Văn Hưu dựa vào Việt Chí để soạn Đại Việt Sử Ký, sau đó Hồ Tông
Thốc(12) dựa vào đây
để viết Việt Sử Cương Mục và quyển này cũng là Việt Sử Lược
b- Tứ khố toàn thư (của Trung Hoa) với giả thuyết là ĐVSL
có thể là sách Việt Chí do Trần (Chu) Phổ và Lê Văn Hưu soạn (13).
c- “Trần Quốc Vượng coi “Việt Sử Lược là bản tóm tắt
của Đại Việt Sử Ký” (14)
d- “Trần Văn Giáp khẳng định Việt sử lược
“làm xong sau sách của Lê Văn Hưu” (15) và
nêu lên giả thiết: có thể Trần Chu Phổ là tác giả Việt Sử Lược”
.
- “Trần Bá Chí … chứng minh tác giả Việt Sử Lược
là Sử Hy Nhan”(16)
f- Các nhà sử học Liên Xô với giả thuyết “Việt sử lược
viết trước Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu”
A.B. Polyakov: Việt Sử Lược gồm 3 quyển theo quá trình biên soạn
như sau: Đỗ Thiện viết sách Sử Ký, 2 quyển, từ
nhà Triệu đến cuối đời Lý Nhân Tông. Trần Chu Phổ , khoảng 1233,
sửa lại tác phẩm của Đỗ Thiện và viết tiếp quyển 3 cho đến hết
triều Lý, đổi tên sách là Việt Chí.
P.V. Pozner: tương tự như thuyết của Polyakov và nói thêm là
khoảng 1377 – 1378, sách Việt Chí được đổi tên là Đại Việt Sử Lược
và bổ sung thêm bản kỷ niên các vua triều Trần.
- Học giả Trần Kinh Hoà (17) đưa
ra giả thuyết là Việt Chí của Trần Chu Phổ có thể là Đại Việt
Sử Lược và Lê Văn Hưu đã soạn lại bộ sử đó rồi viết thành Đại
Việt Sử Ký.
- Các ông L. Cadière, P. Pelliot và E. Gaspardone (18):
Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu là Việt Chí đã được Lê Trắc nhắc
tới trong An Nam Chí Lược.
4- Sử Ký, Việt Chí, Đại Việt Sử Ký và Đại Việt Sử Lược
Để hy vọng có manh mối về nguồn gốc bộ Đại Việt Sử Lược (hay Việt
Sử Lược), sự tìm hiểu về các sách Sử ký, Việt Chí và Đại Việt Sử
Ký được viết dưới hai triều đại Lý-Trần là một điều cần thiết,
nhưng những bộ sử này cũng đã bị thất lạc vì thế sự truy cập đã
gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên qua những sử liệu hiện có, chúng
ta có thể biết một cách đại cương về nguồn gốc ba bộ sử này.
a- Sử ký của Đỗ Thiện
Đỗ Thiện trong ĐVSKTT:
Đỗ Thiện được ĐVSKTT nhắc tới một lần duy nhất như sau: “Đinh
Mùi, /Thiên Phù Khánh Thọ/ năm thứ 1 [1127]….. Sai nội
nhân là Đỗ Thiện, xá nhân là Bồ Sùng đem việc ấy báo với Sùng Hiền
hầu” (19).
Đỗ Thiện và Sử Ký trong Việt Điện U Linh Tập:
Đỗ Thiện đã được nhắc tới nhiều lần trong Việt Điện U Linh Tập
(VĐULT)
Lý Tế Xuyên viết VĐULT năm 1329, có 4 chuyện mà tác giả tham khảo
Sử Ký của Đỗ Thiện:
Chuyện Trương Hống và Trương Hát, VĐULT,
tr. 82: "Xét Sử ký của Đỗ Thiện chép thì hai Vương là
hai anh em. Thời Nam Tấn Vương nhà Ngô đi đánh giặc Lý Huy ở Long
Châu, đóng quân ở cửa Phù Lan, …"
Chuyện Lý Phục Man, VĐULT, tr. 85
: "Xét Sử Đỗ Thiên chép rằng: Vương họ Lý tên Phục Man.
Vua Lý Thái Tổ đi tuần phương đến sông Sở Bộ Đầu, thấy giang sơn
tù khí, phong cảnh thắng du, nhà vua tâm thần cảm hứng, mới rót
ly rượu đổ xuống tràng giang, vái rằng: …"
Chuyện Cao Lỗ: VĐULT, tr. 92: "Xét
sử Đỗ Thiện dẫn Giao Chỉ Ký thì Vương vốn tên là Cao Lỗ, một
lương tá của An Dương Vương, tục hiệu là Đô Lỗ hoặc Thạch Thần…."
Chuyện thần Đằng Châu: VĐULT, tr.
112: "Xét sử Đỗ Thiện chép rằng: Vương vốn là thần
Thổ Địa ở Đằng Châu. Vua Lê Ngọa Triều đang lúc…."
Trong phần "Dẫn Nhập" của VĐULT được viết bởi giáo sư
Lê Hữu Mục (20) có
đoạn văn nói về Sử Ký của Đỗ Thiện như sau:
Sau cùng, ta nhắc đến tài liệu lịch sử cuối cùng của Việt
Điện U Linh Tập, đó là cuốn Sử Ký và nhất là Sử Ký của Đỗ Thiện.
Hiểu được phương pháp của Lý Tế Xuyên đã sắp đặt tài liệu của
Đỗ Thiện như thế nào tức là định đoạt được giá trị lịch sử của
tác phẩm….
…
Như thế, Đỗ Thiện đã được nhắc đến tất cả 8 lần trong những
chuyện Hai Bà Trưng, thần Tô Lịch, Phạm Cự Lượng, Mục Thận, Trương
Hống và Trương Hát, Lý Phục Man, Cao Lỗ, thần Đằng Châu ...”.
Giáo Sư Lê Hữu Mục kết luận là quyển Sử Ký là của Đỗ Thiện, người
được ĐVSKTT nhắc tới năm 1127, chứ không phải là một Đỗ Thiện nào
khác trong thế kỷ 14 mà học giả Maspéro đã đưa ra trong giả thuyết
của ông. Tuy nhiên Gs Lê Hữu Mục đã không nói về niên đại khi
Sử Ký được hoàn thành .
(Độc giả có thể đọc phần “Dẫn Nhập”, hay có thể sao lại nguyên
sách VĐULT đã được chuyển sang ấn bản điện tử, xin xem ghi chú
cuối trang) (21)
Đỗ Thiện và Sử Ký trong Thiền Uyển Tập Anh (TUTA):
Tiến sĩ Lê Mạnh Thát (TsLMT) là dịch giả và là người nghiên cứu
rất sâu rộng về TUTA.
Trong “TỔNG TẬP VĂN HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM (TTVHPGVN)”của
tác giả Lê Mạnh Thát, Tập 3: Phần 1, “Nghiên cứu về TUTA”:
TsLMT viết: “Còn về Sử ký vấn đề hơi rắc rối hơn. Nó chỉ được
dẫn một lần ở chuyện Khánh Hỷ tờ 62a11, ghi rằng: “Sử
ký nói năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 3 (1135) Sư mất.
… Thế thì, Sử ký của truyện này muốn chỉ cho cuốn sử nào? …
Chúng tôi nghĩ, nó chỉ cuốn Sử ký của Đỗ Thiện,…
Một khi đã phân biệt được, thì Đỗ Thiện của Sử ký chính là
nội nhân Đỗ Thiện phục vụ dưới triều Lý Nhân Tông và Lý Thần
Tông. Và Sử ký dẫn trong truyện Khánh Hỷ của Thiền uyển
tập anh chính là Sử ký của Đỗ Thiện. …
Như thế, Đỗ Thiện chắc chắn phải viết Sử ký sau năm
1135, nếu không là dưới triều Lý Anh Tông….
Đỗ Thiện đã phục vụ một triều đại cực kỳ ưa thích
việc lạ lùng, đó là triều đại Thần Tông nhà Lý. Cho
nên, dù Thần Tông chỉ trị vì có 10 năm, sử ghi tới những 29 “việc
lạ” như chuyện “đào bốn tấc sanh hoa” hay “phướn chùa không gió
mà nhảy múa”, “hươu trắng xuất hiện” v.v... Với một triều đại
chú trọng đến những “việc lạ” loại đó, Đỗ Thiện tất không thể
nào không chịu ảnh hưởng. Do thế, khi viết Sử ký khoảng
dưới triều Lý Anh Tông, Thiện đã viết nó theo xu hướng
chính đó của triều đại. Và có lẽ vì viết theo xu hướng đấy, Sử
ký đã tự đánh mất giá trị mình đi rất nhiều trước những cặp mắt
phê bình lịch sử khách quan, dẫn cuối cùng đến một sự quên lãng
hầu như hoàn toàn, nếu không nhờ những cây bút có ít nhiều thiện
cảm với sự u linh của nó nhắc tới như Việt điện u linh tập hay
Thiền uyển tập anh”.
Vậy theo như Ts Lê Mạnh Thát thì Sử Ký của Đỗ Thiện được
viết sau năm 1135, khoảng dưới triều Lý Anh
Tông (1138-1175).
Những đặc điểm của sách Sử Ký
Theo TsLMT:
- "Mô phỏng theo lối Sử ký của Tư Mã Thiên" gồm
3 phần:
"Bản kỷ ghi tóm tắt những sự
việc của một đời vua"
"Chí chép lại các chế độ của
một triều đại"
"Liệt truyện ghi chép hành tích và sự nghiệp
của những công thần và nghịch tiếm thần"
- Chú trọng đến những "việc lạ". … “Sử
ký đã tự đánh mất giá trị mình đi rất nhiều trước
những cặp mắt phê bình lịch sử khách quan…"
Vậy theo như nhận xét của TsLMT thì đặc điểm của sách Sử Ký có
thể tóm lược trong hai chữ là "cách bố cục" và "sự
dị đoan".
b- Sách Việt Chí.
Không thấy sử liệu nào nhắc tới sách này, ngoại trừ hai lần duy
nhất được đề cập tới trong An Nam Chí Lược (ANCL) của Lê Tắc (Trắc)
(22) trong quyển 15 (“Quyển Đệ Thập Ngũ”), phần “Nhân Vật” như
sau:
" Trần-Tấn
Thái-Vương dùng làm tả-làng, thăng chức Hàn-trưởng, làm sách Việt-Chí.
Lê-Hưu (tức Lê-Văn-Hưu)
Vừa có tài, vừa có hạnh, làm thầy Chiêu-Minh-Vương (23),
đổi làm Kiểm-Pháp-Quan, sửa sách Việt-Chí”.
Tìm hiểu về tiểu sử tác giả sách Việt Chí
Trần Tấn mà sách ANCL viết là ai? Như ông Phan Huy Lê đã viết :
“Trần Tấn (có bản chép là Phổ)…”. Thiển ý của người viết
nghĩ là có lẽ tùy theo người dịch; vì chữ Hán viết hai chữ “Tấn”
và “Phổ” như nhau: “ 普” (theo tự điển của Thiều Chửu).
ĐVSKTT nói
về Trần Chu Phổ như sau: “Nhâm Thìn, [Kiến Trung]
năm thứ 8 [1232], (Từ tháng 7 về sau là Thiên Ứng Chính Bình năm
thứ 1, Tống Thiệu Định năm thứ 5). ……Tháng 2, thi thái học sinh.
Đỗ đệ nhất giáp là Trương Hanh, Lưu Diễm; đệ nhị giáp là Đặng Diễn,
Trịnh Phẫu; đệ tam giáp là Trần Chu Phổ.
Tân Hợi, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 20 [1251] (Từ tháng
2 về sau là Nguyên Phong năm thứ 1, Tống Thuần Hựu năm thứ 11,
Nguyên Hiến Tông Mông Kha năm thứ 1)…. Vua ban yến ở nội điện,
các quan đều dự. Đến khi say, mọi người đứng cả dậy, dang tay mà
hát. Ngự sử trung tướng ( sau đổi là Trung úy) Trần
Chu Phổ cũng dang tay theo mọi người, nhưng không hát câu gì khác,
chỉ nói: "Sử quan ca rằng, sử quan ca rằng".
Theo
sử liệu trên thì Trần Chu Phổ đậu hạng “Tam giáp” trong khoa thi
Thái học sinh năm 1232 - đời Trần Thái Tông - lúc nhà Trần mới
lên làm vua. Khi thi đậu, có lẽ Trần Chu Phổ khoảng 20 tuổi, vậy
ông này sinh vào khoảng 1212 thời vua Lý Huệ Tông mới lên ngôi
(1211). Năm 1251, thời điểm này, Trần Chu Phổ khoảng 40 tuổi đang
làm sử quan.
Lê Tắc, theo như lời "Tự sự" của
ông ta trong ANCL, quyển 19: " Tắc được dạy cho học, chín
tuổi thi khoa thần-đồng. Trần-Thái-Vương lưu Tắc ở hầu-cận tả hữu
để đọc thơ". Thái Tông làm vua từ năm 1226 tới 1258 (làm
Thượng hoàng từ năm 1258-1277), thì Tắc sinh năm 1249 hoặc trước
đó. Giả sử Tắc sinh trễ nhất là năm 1249 thì khi hầu cận bên cạnh
Thái Tông (24) (hoặc
Tắc có mặt bên cạnh Thượng Hoàng Thái Tông; trễ nhất khi Thượng
hoàng băng năm 1277, 60 tuổi), thì Tắc phải biết về sử quan Trần
Chu Phổ; dù không biết mặt thì cũng phải biết về tác phẩm của ông
này; bởi Tắc đã viết là sử quan Lê Văn Hưu "sửa sách Việt
Chí" (sách
viết xong năm 1272) (25)
ANCL viết: " Trần-Tấn: Thái-Vương dùng làm tả-làng, thăng
chức Hàn-trưởng, làm sách Việt-Chí", theo như thiển
ý của người viết; câu này có tính cách khả tín để có thể đi đến
kết luận là tác giả của sách Việt Chí là Trần Tấn (Trần
Chu Phổ) , tuy nhiên thời điểm viết vẫn chưa rõ ràng, chỉ biết
là quyển sử này được viết trước sách Đại Việt Sử Ký (1272) của
Lê Văn Hưu vì trong ANCL viết là Lê Văn Hưu "sửa
sách Việt Chí".
Những đặc điểm của sách Việt Chí
Sách Việt Chí đã bị thất lạc, tuy nhiên có sự liên quan giữa
Việt Chí và Đại Đại Việt Sử Ký, vì Lê Văn Hưu tác giả ĐVSK
“sửa
sách Việt Chí”, nên khi viết ĐVSK, Lê Văn Hưu chắc đã tham
khảo tài liệu từ sách Việt Chí.
c- Sách Đại Việt Sử Ký
Sơ lược về tiểu sử của sử quan Lê Văn Hưu
Trong phần mở đầu của ĐVSKTT, quyển 1, trang 13, sử gia Phan Huy
Lê viết về tác giả của ĐVSK như sau:"Lê Văn Hưu (1230-1322),
người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung, xã
Thiệu Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa…".
ĐVSKTT: "Đinh Mùi ,… [1247], … Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn"
ĐVSKTT: "Nhâm Thân, …[1272],….Mùa Xuân, tháng giêng, Hàn
lâm viện học sĩ kiêm Quốc Sử viện giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ
soạn xong bộ Đại việt sử ký từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng,
gồm 30 quyển, dâng lên. Vua xuống chiếu khen ngợi".
Đại Việt Sử Ký và sử gia Ngô Sĩ Liên
Đại Việt Sử Ký (ĐVSK) của Lê Văn Hưu, gồm 30 quyển, hoàn tất năm
1272. Dù bị thất lạc; nhưng ĐVSK được ông Ngô Sĩ Liên dùng làm
căn bản cho ĐVSKTT (từ Triệu Đà đến Lý Chiêu Hoàng).
Trong "Biểu dâng sách ĐVSKT " (26),
ông Ngô Sĩ Liên viết: "...thần đem hai bộ Đại Việt Sử Ký (27) trước
đây, tham khảo thêm các dã sử, soạn thành sách Đại Việt Sử Ký Toàn
Thư,".
Trong ĐVSKTT, khi ông Ngô Sĩ Liên ghi "Lê Văn Hưu nói:" để
nói về lời bàn của Lê Văn Hưu (tổng cộng 30 lời bàn), thì đây là
những câu sao lại từ bộ ĐVSK, được giữ nguyên bản. Đặt căn bản
trên những tài liệu chưa tu sửa này, chúng ta có thể thấy quan
niệm của Lê Văn Hưu - tác giả ĐVSK.
Những đặc điểm của sách Đại Việt Sử Ký
- Ảnh hưởng Nho học trong ĐVSK:
Tác giả là nhà Nho, ông Lê văn Hưu đậu bảng nhãn thời Trần Thái
Tông (1247). Nho học từ thời Lý Thánh Tông trở đi đã được vua Lý
Thánh Tông khuyến khích (28).
Thời Lý là thời cực thịnh của Phật giáo, tuy nhiên đến cuối thời
Lý, Nho giáo cũng đã phát triển khá nhiều. Sang đời Trần thì Nho
học đã có một chỗ đứng khá vững vàng. Dù nội dung của ĐVSK đã được
sử gia Ngô Sĩ Liên tu bổ, nhưng những lời bàn của ông Lê Văn Hưu
vẫn được giữ nguyên bản, những lời bàn này đã nói lên sự ảnh hưởng
của Nho học trên ĐVSK. Người viết xin đưa một vài thí dụ :
Ca tụng Sĩ Nhiếp theo quan niệm của Nho gia: “Lê Văn Hưu nói:
Sĩ Vương biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được
người thân yêu mà đạt đến quý thịnh một thời. …”. Chê các
Nho thần không biết sửa sai cho nhà vua đương thời về việc đặt
tên lăng mộ cho các vua trước : "Lê Văn Hưu nói: ….Nay
nhà Lý, lăng các đời chỉ gọi chung là Thọ Lăng, các gọi là Long
Đồ, có lễ bấy giờ vua không có học mà các nho thần cũng không
biết sửa chữa hoặc không có sức kê cứu việc cổ vậy”. Chê
các vua Lý về việc xưng tên: “ …Nay [Lý] Thái Tông bảo các
quan gọi mình là "triều đình", sau [Lý] Thánh Tông
tự xưng là "Vạn thặng", Cao Tông bảo người gọi mình
là "Phật" đều không theo phép ở đâu, mà là thích khoe
khoang. Khổng Tử nói: "Danh không chính thì nói không thuận" là
thế”. Hay chê các bầy tôi nhà Lý về việc dâng tên hiệu cho
vua Lý Thái Tông : “….Thái Tông không có học nên không biết,
nhưng bọn Nho thần dâng lên những chữ ấy để nịnh hót vua thì
không thể bảo là không có tội” .
- Phê bình sự sùng bái Phật giáo:
Ông Lê Văn Hưu đã không đồng ý về những việc làm của các vua nhà
Lý, như xây chùa: “Lê Văn Hưu nói: Lý Thái Tổ lên ngôi mới
được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã
dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ
và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí
của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể”. Hay
là tác giả chê lòng nhân của vua Thái Tông về việc thả Nùng Trí
Cao: “Đó là vì Thái Tông say đắm cái lòng nhân nhỏ của nhà
Phật mà quên đi mất cái nghĩa lớn của người làm vua”. Hoặc
chê vua Lý Thần Tông vì quá tin vào Phật giáo mà quên đi công
lao của tướng sĩ: “Thần Tông đáng lẽ phải cáo thắng trận ở
Thái Miếu, xét công ở triều đường để thưởng cho bọn Công Bình về
công đánh giặc. Nay lại quy công cho Phật và Đạo, đi các chùa quán
để lạy tạ, như thế không phải là cách để ủy lạo kẻ có công, cổ
lệ chí khí của quân sĩ”.
- Quan niệm của tác giả ĐVSK về những "điềm lành":
Tác giả ĐVSK đã nói rõ về quan niệm của mình về những "điềm" này: "Lê
Văn Hưu nói: Phàm người xưa gọi là điềm lành,
là nói việc được người hiền và được mùa, ngoài ra không có gì
đáng gọi là điềm lành cả". Đây là một nhận xét rất
rõ ràng của tác giả về "điềm lành", ông không tin
những "điềm"dị đoan, nhưng khi tham khảo để viết ĐVSK,
tác giả đã không dám gạt bỏ những điều này và có lẽ đã ghi lại
những điều đã được viết trong những bộ sử mà ông tham khảo. Thí
dụ như "rồng vàng hiện" 11 lần (trong ĐVSKTT;
từ thời Hồng Bàng đến Lý Chiêu Hoàng), dù những sử liệu này đã
được ông Ngô Sĩ Liên sửa và bổ túc ("đìềm lành" có
thể nhiều hơn; vì ông Ngô Sĩ Liên cũng đã thấy những "điều
khác thường" này nên loại bớt).
- Vấn đề kị húy trong ĐVSK:
Trong những lời bàn của Lê Văn Hưu, người viết thấy tất cả những
tên với họ “Lý” đều được giữ nguyên. Không biết chắc rằng những
tên họ này có bị ông Lê Văn Hưu đổi thành họ Nguyễn hay không?
( vì kiêng tên húy của Trần Lý là ông nội của Thái Tông Cảnh).
Rồi sau đó ông Ngô Sĩ Liên hoặc các sử gia kế tiếp đổi họ lại thành
họ Lý cho đúng với lịch sử.
- Những nhận xét sơ lược về sử liệu trong ĐVSK
Được coi là bộ chính sử của nước Việt do triều đình sai Lê Văn
Hưu biên soạn, có khá nhiều sự việc đã được tham khảo từ sử của
Trung Quốc với sự biên khảo công phu (nước Việt chưa có bộ sử nào
chính thức từ khi dựng nước, nên sự tham khảo này là một điều thiết
yếu để viết nên một bộ quốc sử cho Đại Việt, nếu sử gia biết cân
nhắc, so sánh và suy nghĩ kỹ càng ).
Phân chia các thời đại thành những "kỷ" riêng biệt. Đặt
nhà Triệu là một "kỷ" của sử nước Việt (nhiều chi tiết
thời nhà Triệu được chép từ bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên), sau đó là "kỷ
thuộc Tây Hán", tới "kỷ Trưng Nữ Vương", "kỷ
thuộc Đông Hán". Đặt Sĩ Nhiếp là một kỷ của Đại Việt là "kỷ
Sỹ vương"(?!), rồi tới " kỷ thuộc Ngô, Tấn, Tống, Tề,
Lương", "kỷ nhà Tiền Lý", "kỷ Triệu Việt Vương", "kỷ
hậu Lý", "kỷ thuộc Tuỳ, Đường", "kỷ Nam Bắc
phân tranh", sau đó là "kỷ nhà Ngô" khi nước Việt
bắt đầu dành lại độc lập từ Trung Hoa. Tiếp theo sau là những "kỷ" của
nước Việt trong thời kỳ độc lập, như "kỷ nhà Đinh", "kỷ
nhà Lê" và "Kỷ nhà Lý" với rất nhiều sử liệu. Tuy
nhiên, những chính biến lúc giao thời giữa hai triều đại Lý - Trần
đã không có nhiều chi tiết như bộ ĐVSL (người viết xin trình bày
sau).
Một điều đặc biệt mà người viết xin nêu lên là
đoạn sử liệu viết về "loạn tướng" Nguyễn Nộn: ĐVSK viết
(qua ĐVSKTT) là Nguyễn Nộn bắt đầu "sự nghiệp" từ năm
1219 và kết thúc "sự nghiệp" năm 1229 vì bị bệnh chết.
Sự việc và thời điểm này sẽ dùng để so sánh và tìm hiểu về về xuất
xứ của ĐVSL như đề tài đã nêu lên.
d- Những đặc điểm của Đại Việt Sử Lược
- Ảnh hưởng Nho học trong ĐVSL:
Qua cách hành văn trong ĐVSL, chúng ta thấy ảnh hưởng của Nho
học trong tác phẩm này không nhiều như các bộ sử đời sau. Với những
lời văn bình dân đôi khi có vẻ trắng trợn như :
ĐVSL: “Năm Tân vị (tức năm 971) là năm thứ hai niên hiệu Thái
Bình (đời Đinh Tiên Hoàng) vua định phẩm cấp các quan văn võ
và thầy tu. Dùng Lưu Cơ làm chức Thái sư ở Đô hộ phủ, Nguyễn
Bặc làm Đinh quốc công, Lê Hoàng làm Thập đạo tướng quân. Nhà
Tống nghe vua xưng đế hiệu sai người mang thư sang. Trong thư
đại lược rằng: "...... Nhà ngươi chớ nên quay
đi khác, gây cái lo lắng nhỏ cho ta, khiến ta phải dùng cái kế
là dứt tình, dứt nghĩa mà kéo binh sang làm thịt nước
nhà ngươi. Lúc ấy hối lại thì biết chạy đi đâu? ... ".
Cùng nói về một bức thư, nhưng cách hành văn của nguyên bản rất
khác. Người viết trích lại thư của vua nhà Tống được chép lại
trong ĐVSKTT: “ ……Ngươi có theo về hay không, chớ
mau chuốc lấy tội. Nay ta đang chỉnh đốn xe cộ quân lính, truyền
hiệu lệnh chiêng trống. Nếu chịu theo giáo hóa, ta [12a] sẽ tha
tội cho, nếu trái mệnh ta sẽ sai quân đánh. Theo
hay chống, lành hay dữ, tự ngươi xét lấy". (Sử cũ chép thư
này ở Đinh Kỷ, dưới năm Thái Bình thứ 2 [971], nay xét nên để ở
đây. Thư này do Vương Vũ Xứng nhà Tống soạn.
Hoặc": Năm Ất Tỵ (năm 1185- ND) là năm Trinh phù thứ
10: Kiến Ninh Vương là Long Ích đốc xuất quân lính hơn 12000
người đi đánh bọn Sơn Lão ở Linh Sách để báo thù cái trận La
Ao. Quân kéo đến đóng ở Đỗ Gia thôn, Long Ích bắt giữ hết cả.
Bọn Đinh Võ kêu than một cách thảm thiết. Người đi theo là Nguyễn
Đa Cẩm thấy bọn Đinh Võ bị bắt làm tù, khoái chí bèn la mắng
nhục mạ và đái vào miệng bọn Đinh Võ. Giống
rợ Lão có tính hung hãn bèn cắn âm hành của
Đa Cẩm. Đa Cẩm dùng tay đánh, Đinh Võ sẹo mất cái mồm. Đa Cẩm
cũng ngã xuống đất gần chết. Do đó Long Ích mới sai các quan
chức làm con cá gổ khớp mồm bọn Đinh Võ, xong, dùng gậy đánh
chết rồi đem phơi khô cái thịt bọn ấy".
Nho gia không viết sử với cách hành văn có tính cách tục tằn và
không cần thiết như thế này. Tuy nhiên, đây cũng là một sử liệu
thích thú để hậu thế biết về cách ứng xử của người xưa khi Nho
học chưa ảnh hưởng nhiều trong văn học.
Khi Nho học được vua Lý Thánh Tông khuyến khích ( năm 1070) , “Mùa
thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ
phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền , bốn mùa cúng tế. Hoàng
thái tử đến học ở đây” (ĐVSKTT), ĐVSL không nhắc tới việc
quan trọng này của Nho học.
Qua những trích dẫn trên, dù không tiêu biểu cho toàn bộ tác phẩm,
nhưng chúng ta có thể đoán được là ĐVSL rất ít ảnh hưởng
bởi Nho học, thiên về cách hành văn với cách nói bình
dân của nhân gian.
- Phật giáo trong ĐVSL:
Không thấy tác giả trình bày quan điểm về Phật giáo qua các sử
liệu, nhưng tác giả đã viết nhiều về việc xây chùa và việc tuyển
tăng nhân.
- Quan niệm của tác giả ĐVSL về những "điềm lạ" (sự
dị đoan và hoang đường):
ĐVSL là một quyển sử viết nhiều về “điềm lạ” hơn hẳn các bộ sử
đang được lưu hành.
Chữ “rồng vàng hiện ra” 38 lần (55 chữ “rồng
vàng”), có nhiều khi trong khoảng 1 năm “rồng vàng hiện
ra” tới 3 lần (từ tháng 4, 1057 tới tháng 5, 1058 - hay
từ tháng 10, 1064 tới tháng 12, 1065, riêng năm 1069, “rồng
vàng hiện ra” 3 lần từ tháng 1 đến tháng 9, …). “Rồng
hiện” 2 lần, “rồng đen hiện” 1 lần, viết chữ “kỳ
lân” 5 lần. Hầu như khi nhà vua đi tới đâu thì tác giả
cho rồng hiện ra ở đó! Ngoài những điềm lạ về “rồng”,
ĐVSL còn viết thêm rất nhiều “điềm lạ” khác như “ngựa đỏ,
mọc cái cựa”, “ngựa trắng mọc cái cựa”, “con
voi lạ, nó ở chổ nào thì chổ ấy có ánh sáng hiện ra”, “trời
đổ mưa gạo trắng thánh đống”, “thần nhân hiện ra”,
“cửa chùa có cây cột đá bị nghiêng. Vua động lòng
mới có ý trùng tu, cột đá bổng nhiên đứng ngay trở lại. Nhân
đó mới sai bậc nho thần làm bài phú để ghi điều lạ ấy”,
v.v… . Đây chỉ là một số thí dụ tiêu biểu của rất nhiều “điềm
lạ” khác được tác giả ĐVSL viết.
Một cách tổng quát, tác giả ĐVSL đã đưa quá nhiều những chuyện
hoang đường vào trong quyển sử này.
- Vấn đề kị húy trong ĐVSL:
Vì sách ĐVSL được viết trong thời nhà Trần - kiêng tên huý của
Trần Lý- nên triều đại nhà Lý trong sách ĐVSL bị đổi là triều
đại nhà Nguyễn. Các tên với họ Lý bị viết là họ Nguyễn, ngoại
trừ họ Lý của Lý Tự Tiên (29),
Lý Tượng Cổ (30),
Lý Hộ (31), có lẽ
họ Lý của Trung Hoa này theo Hán tự viết khác với chữ Lý của người
Việt hay chăng?
- Những nhận xét sơ lược về sử liệu trong ĐVSL:
Sách được viết theo lối “Biên niên”.
Bản văn chính có lẽ đã bị sửa đổi khi sách ĐVSL "lưu lạc" bên
Trung Quốc vì chữ "Hoàng" đã bị đổi thành "Vương" (thí
dụ như "Lý Chiêu Vương").
Bản phụ lục về niên đại của nhà Trần "có
lẽ" (sẽ được phân tách sau) đã được phụ thêm bởi một người
khác (thời điểm được viết phụ thêm có lẽ ở trong thời Trần Phế
Đế).
Có nhiều sử liệu trong ĐVSL mà ĐVSK không nói tới như thời vua Hùng
Vương với quốc hiệu Văn Lang, và Thục Phán như: “Việt
Câu Tiễn (505-465 trước công nguyên-ND)1 thường sai xứ sang dụ,
Hùng Vương chống cự lại. Cuối đời nhà Chu, Hùng Vương bị con
vua Thục là Phán đánh đuổi rồi lên thay. Phán đắp thành ở Việt
Thường, lấy hiệu là An Dương Vương rồi không cùng với họ Chu
thông hiếu nữa. Cuối đời nhà Tần, Triệu Đà chiếm cứ Uất Lâm,
Nam Hải, Tượng quận rồi xưng vương đóng đô ở Phiên Ngung, đặt
quốc hiệu là Việt, tự xưng là Võ Vương” (ĐVSL).
Không nói về "liên hệ cá nhân" giữa thái hậu Dương
Vân Nga và vua Lê Đại Hành.
Có nhiều chi tiết về lúc giao thời Lý- Trần mà
không bộ sử nào có nhiều hơn. Khoảng 20% của ĐVSL viết về thời
gian này (từ 1205 tới 1225, chỉ với thời gian là 20 năm, ĐVSL
đã dùng 1/5 chiều dầy của bộ sử để viết về thời điểm này ).
Sự khai tử Nguyễn Nộn năm 1219. ĐVSL: “Năm
Kỷ Mão (năm 1219- ND) là năm Kiến Gia thứ 9…… Mùa đông, tháng
chạp Nguyễn Nộn bệnh nặng. Quân của Thái úy ở bến Triều Đông
mà Nộn đã chết rồi”.
5- Tìm hiểu về thời điểm trước tác sách Đại Việt Sử Lược.
Niên đại trong phụ bản của sách ĐVSL.
Như Ts LMT đã nêu lên :" . Bản phụ lục về các niên đại
triều Trần chắc chắn là do một người nào đó về sau ghi lại, không
phải của Trần Chu Phổ. Lý do là không có một quyển sử nào ghi lại
niên đại triều đại như thế, về sử kiện xảy ra ở Việt Nam và Trung
Quốc".
Người viết xin thêm thiển ý của mình vào vấn đề này:
Sau khi viết về việc nhà Trần lên ngôi năm 1225, cuối sách ĐVSL
lại thêm phụ bản về niên đại nhà Trần, từ lúc vua Trần Thái Tông
lên ngôi đến: "Vua Đương Thời:
Đế Nghiễn (32) (1377-1388-
ND) Năm thứ nhất niên hiệu Xương Phù là năm Đinh Tỵ (T.L năm 1377-
ND)" (ĐVSL).
Nếu tác giả ĐVSL dùng chữ "vua đương thời" -
theo suy đoán hợp lý nhất- thì sách ĐVSL được viết trong khoảng
thời gian của vị vua này, năm 1377 tới 1388. Bìa sách ĐVSL in năm
1972 của dịch giả Nguyễn Gia Tường cũng ghi là
Tựa sách: Đại Việt Sử Lược.
Soạn giả: Khuyết Danh (1377-1388)
Tuy nhiên người viết có những nhận xét như sau:
- Nội dung của ĐVSL ghi lại những gì của nước Đại Việt từ khởi
thủy tới khi nhà Trần lên ngôi, nhưng phụ lục ghi lại các đời vua
Trần tới cuối thời vua Trần Phế Đế (1388) là một việc trong tương
lai (163 năm sau), sự việc không có vẻ liên quan với nhau một cách
chặt chẽ.
- Sách ĐVSL được viết theo cách "biên niên", tức là viết
lại những biến cố xảy ra theo thứ tự từng năm, chứ không theo sự
việc xảy ra trong biến cố nên việc thêm phụ bản tổng kết về các
thời vua nhà Trần là một điều nghịch lý, không theo cách làm sử
thời xưa.
- Sự không đồng nhất trong phụ bản về vấn đề chữ "Vương",
chữ "Hoàng" và chữ "Đế". Trong ĐVSL, tất cả
những chữ "Hoàng" đều bị học giả Trung Hoa đổi lại thành
chữ "Vương", vì theo quan niệm quân chủ của Trung quốc,
chỉ có hoàng đế của Trung quốc mới được viết là "Hoàng".
Trong phụ bản; khi viết tên của vua Trần Nghệ Tông lúc làm Thái
Thượng hoàng (1370-1376) thì lại viết là "Thái Vương",
nhưng lại viết chữ "Đế" cho vua Trần Phế Đế là "Đế
Nghiễn", chữ "Đế" còn trịnh trọng hơn chữ "Hoàng" (theo
thiển ý).
- Sự không đồng nhất trong vấn đề "kỵ húy". Phụ bản viết
rõ tên thật của vua Trần Phế Đế là "Nghiễn". ĐVSL kỵ
húy khi nói về Thái Tông Trần Cảnh (khi vua còn nhỏ, ĐVSL dùng
chữ "mỗ" để nói về vua Thái Tông), nhưng đến vua Trần
Phế Đế lại viết là "Đế Nghiễn" với tên thật, mâu thuẫn
trong việc "kỵ húy".
- Theo suy nghĩ riêng tư, phụ bản khác với điều đã trình bày và
dẫn chứng bằng sử liệu, nên người viết có nhận xét riêng là phụ
bản do hậu thế viết thêm vào trong sách ĐVSL, lúc nào và do ai
viết thì không rõ!
Vì thế, nếu nói khoảng thời gian 1377 tới 1388 là thời điểm sách
ĐVSL được viết, người viết thấy có những điều không được ổn thoả,
nên xin mạn phép đưa thêm ý kiến riêng với những phân tích qua
sử liệu để hy vọng được các bậc tiền bối cũng như các học giả giúp.
Thời gian hoàn tất ĐVSL với những nghi vấn.
Qua phần trình bày về đặc điểm của ĐVSL, chúng ta thấy là ĐVSL
được viết dưới thời nhà Trần qua những nhận xét như sau:
a- Kỵ huý: nhà Trần lên ngôi năm 1225 (Thái Tông
Cảnh), tác giả đã đổi tên họ Lý qua họ Nguyễn. Nếu nhà Trần không
lên ngôi trong thời gian viết ĐVSL thì sử gia không có lý do chính
đáng để làm việc này. Vậy sách ĐVSL chắc chắn được viết sau năm
1225.
b- ĐVSL viết rất chi tiết về những biến cố từ thời vua Lý Cao
Tông đến Trần Thái Tông, phần này chiếm 20% bề dày của bộ sử -
Người viết lạm nghĩ là chỉ có người cùng thời mới có đủ chi tiết
về những biến cố này. Tuy nhiên chi tiết về biến cố không phải
là yếu tố để có thể đi đi đến kết luận, mà chỉ có thể giúp ý cho
sự tìm hiểu.
c- Chữ " Thái tổ ta"(33) được
dùng 5 lần để viết về tên ông Trần Thừa (thân phụ của Thái Tông
Trần Cảnh, lý do kỵ huý) . Nếu Trần Thừa chưa làm Thái Thượng hoàng
thì tác giả ĐVSL không có lý do gì để viết chữ "Thái tổ".
Tuy nhiên chữ "Thái Tổ" là miếu hiệu được đặt cho Thượng
hoàng Trần Thừa sau khi ông này đã qua đời (34),
là năm 1234. Vậy nếu theo như nhận
xét này thì ĐVSL được viết sau năm 1234.
Tuy nhiên lại có sự mâu thuẫn về sử liệu khi tác giả viết về việc
Nguyễn Nộn chết. Người viết xin đưa ra những trích dẫn như sau:
d- Sử liệu viết về Nguyễn Nộn
Sách ĐVSL viết về Nguyễn Nộn từ lúc nổi lên như sau:“ Năm
Quí Dậu (năm 1213-ND) là năm Kiến Gia thứ 3….Trần
Tự Khánh sai người sang Bắc Giang mời viên tướng của y là Nguyễn
Nộn về. Nguyễn Nộn về đến nơi, Trần Tự Khánh dùng dây thép trói
lại năm vòng”[/i]. Theo như đoạn văn này thì năm 1213,
Nguyễn Nộn đã là bộ tướng của Trần Tự Khánh. Khi nói về cái chết
của Nguyễn Nộn, ĐVSL viết: [i]“Năm Kỷ Mão (năm 1219-ND)
là năm Kiến Gia thứ 9….Tháng 6,…Lúc trước Thái Úy ( NV:
Trần Tự Khánh) sai bọn Vương Lê đem binh về Nam Sách để cùng
họp nhau mà mưu đánh Nguyễn Nộn…Mùa Đông, tháng chạp Nguyễn Nộn
bệnh nặng. Quân của Thái Uý ở bến Triều Đông mà Nộn đã chết rồi.
Ngày Canh Ngọ, tướng của Nộn là Phí Thám đưa Thái hậu và các
người con của vua là bọn Công chúa ra hàng nơi Thái Uý.
Đại tướng của Nguyễn Nộn là Nguyễn Doanh chạy trốn trong
khu rừng hiểm trở ở Thị hàng hơn năm ngày, rồi tìm cách tự cứu
lấy mình, nhưng cái Ké đã cùng bèn đem con doanh mã (ngựa hay
có tiếng) ra dâng mà xin hàng. Bắc Giang được yên.”[/i].
ĐVSL nói đến tên Nguyễn Nộn 49 lần và viết khá nhiều chi tiết
về việc Nguyễn Nộn từ lúc nổi lên, trở thành “sứ quân”, cũng như
việc binh biến với các “sứ quân” khác, tuy nhiên sau khi viết là
Nguyễn Nộn chết năm 1219, thì sự việc chấm dứt ở đây.
Sử liệu giữa hai bộ ĐVSL và ĐVSKTT có nhiều điều trái ngược về
năm tháng khi nói về Nguyễn Nộn, từ lúc ông này nổi lên đến khi
qua đời. Tác giả ĐVSL chỉ biết tới thời điểm Nguyễn Nộn đã thua
Trần Thừa sau một trận đánh lớn, sau trận này:“Vợ con Nguyễn
Nộn đều bị bắt. Nguyễn Nộn mang theo 100 người về giữ Phù Ninh" (ĐVSL). Qua
sử liệu trong ĐVSL, người viết có nhận xét là tác giả ĐVSL biết
rất rõ về Nguyễn Nộn từ lúc ông này nổi lên từ năm 1213, tuy
nhiên tác giả đã không nói gì về những hoạt động của Nguyễn Nộn
sau năm 1219, Sau đó "tưởng" là Nguyễn Nộn đã
chết nên ĐVSL đã viết "bản khai tử" cho ông này, dù niên
đại trong ĐVSL ghi những biến cố tới năm 1225. Từ năm 1219 trở
đi, sau một "canh bạc cháy túi", Nộn đã hùng mạnh trở
lại và đã gây nên nhiều biến cố quan trọng đầu thời Trần mà
một người viết sử không thể không biết.
ĐVSKTT nhắc đến tên Nguyễn Nộn 15 lần và viết về Nguyễn Nộn như
sau:
Mậu Dần, [Kiến Gia] năm thứ 8 [1218] , (Tống Gia Định năm thứ
11). ... Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu bằt cư sĩ ở chùa Phù Đổng
là Nguyễn Nộn, vì bắt được vàng ngọc mà không
đem dâng.
Kỷ Mão, [Kiến Gia] năm thứ 9 [1219] , (Tống Gia Định năm thứ 12). Mùa xuân,
tháng 2, Trần Tự Khánh tâu xin tha cho Nguyễn Nộn, cho đi
theo quân đánh giặc để chuộc tội. Vua y cho. Mùa đông, tháng 10, sai Nguyễn
Nộn đem quân đi đánh người Man ở Quảng Oai.
Canh Thìn, [Kiến Gia] năm thứ 10 [1220] , (Tống Gia Định năm thứ 13). Mùa
xuân, tháng 3, Nguyễn Nộn giữ hương Phù đổng, tự xưng là Hoài
Đạo Vương, dâng biểu xưng thần, xin đi dẹp loạn để chuộc tội. Vua sai người
đem sắc thư đến tuyên dụ. Song vì vua có bệnh phong, không thể chế ngự được.
Quý Mùi, [Kiến Gia] năm thứ 13 [1223] , (Tống Gia Định năm thứ 16). ...
Tháng 12, thế quân của Nguyễn Nộn ngày càng mạnh.
Trần Tự Khánh chết, truy phong làm Kiến Quốc Đại Vương; lấy Trần Thừa làm
Phụ quốc Thái uý, khi vào chầu không xưng tên.
Ất Dậu, Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 2 [1225];...... Thủ Độ nói: "Hiện
nay giặc cướp đều nổi, họa loạn ngày tăng. Đoàn Thượng giữ mạn đông, Nguyễn
Nộn giữ mạn bắc, các châu Quảng Oai, Đại Viễn cũng chưa dẹp yên.
- 1226, “Sai Trần Thủ Độ đem quân đi đánh Nguyễn Nộn, Đoàn
Thượng và các man…. Lúc ấy, nhân thế suy yếu của triều Lý, giặc
cướp tụ tập nhiều. Người Man ở vùng núi Tản Viên, vùng núi Quảng
Oai xâm phạm đánh lẫn nhau. Nguyễn Nộn chiếm
cứ Bắc Giang , Đoàn Thượng chiếm cứ Hồng Châu . Thủ Độ điều động
các quân đi đánh dẹp. ... Bấy giờ Nộn và Thượng
binh thế còn mạnh, chưa dễ hàng phục được, mới phong cho Nộn làm
Hoài Đạo Vương, chia cho các huyện Bắc Giang Thượng, Bắc Giang
Hạ, Đông Ngạn cũng hẹn phong làm vương cho Thượng định ngày đến
thề, nhưng Thượng không đến”.
- 1228, “Tháng 12, Nguyễn Nộn đánh giết Đoàn
Thượng. Nộn đã phá được Thượng, nhân gộp cả quân
của Thượng, cướp bắt con trai, con gái, tài sản, trâu ngựa đất
Hồng Châu. Con của Thượng là Văn đem gia thuộc đến hàng. Thanh
thế của Nộn rất lừng lẫy. Thủ Độ lo lắm, chia
quân chống giữ và sai sứ đem thư đến chúc mừng, gia phong Nộn làm
Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương, đưa công chúa Ngoạn Thiềm gả cho hắn để
ngầm dò la tin tức. Nộn cũng chia nha tướng riêng
cho công chúa ở. Vì thế công chúa không thể báo được tin gì”.
- 1229, mùa xuân, tháng 3, “Sau khi kiêm tính quân của Thượng, Nộn tự
xưng là Đại Thắng Vương, chè chén chơi bời bừa bãi. Nhưng Nộn cũng
biết là thế không thể cùng đối lập với nhàTrần, định đến tháng
10 sẽ vào chầu, song còn do dự chưa quyết. Đến khi ốm nặng, vua
sai nội nhân tới hỏi thăm, Nộn cố gượng ăn cơm,
phi ngựa để tỏ ra còn khoẻ mạnh, không bao lâu thì chết.
Qua những trích dẫn trên, người viết thấy ĐVSKTT viết rất đơn giản
về việc nổi lên của Nguyễn Nộn, nhưng lại viết khá rõ ràng về Nguyễn
Nộn sau khi nhà Trần lên ngôi 1225.
Vậy nếu theo sử liệu này; thì người viết có nhận xét là ĐVSL
được viết trước năm 1229 là năm Nguyễn Nộn chết (theo
ĐVSKTT) - vì tác giả ĐVSL đã không biết gì về những biến
cố quan trọng sau lúc nhà Trần lên ngôi, cùng những sự việc liên
quan tới Nguyễn Nộn (được viết bởi ĐVSKTT).
Nghi vấn về thời điểm trước tác sách ĐVSL:
Qua những phân tích trên -theo thiển ý- người viết xin nêu lên
sự mâu thuẫn trong những nhận xét cá nhân với hy vọng xin các bậc
tiền bối về sử học giúp ý kiến :
Theo như việc tác giả ĐVSL dùng chữ "Thái Tổ" là miếu
hiệu để nói về ông Trần Thừa, thì sách ĐVSL phải được viết
sau năm 1234 là năm Thượng hoàng Trần
Thừa đã qua đời (Trần Thừa chưa từng làm vua, vì Trần Cảnh làm
vua lúc còn quá trẻ nên Trần Thừa là thân phụ của Thái Tông Trần
Cảnh nhiếp chính). Còn nếu theo sử liệu viết về Nguyễn Nộn thì
sách ĐVSL phải được viết trước 1229 là năm Nguyễn
Nộn qua đời.
Hai sự việc đã ngược với nhau về thời điểm. Đây là sự mâu thuẫn
mà người viết mong có lời giải đoán. Tuy nhiên theo thiển ý thì
tác giả có thể nhầm là Nguyễn Nộn chết năm 1219, nhưng không thể
dùng chữ "Thái Tổ" khi Trần Thừa còn sống, chữ này do
đời sau gọi. Vậy sách ĐVSL được viết sau năm 1234 và
đây chỉ là sự phỏng đoán của người viết.
Một câu hỏi khác được đặt ra: sách ĐVSL được viết trước năm nào.
Người viết chưa truy cứu được tài liệu nào có thể biết được thời
điểm hoàn tất sách ĐVSL. Tuy nhiên, có vài điều mà người viết nhận
thấy sau khi phân tích những đặc điểm của ĐVSL:
Tác giả ĐVSL dùng chữ "Thái tổ ta" (5 lần) để nói về
Trần Thừa (thân phụ Thái Tông Trần Cảnh).. Qua cách dùng chữ này;
người viết phỏng đoán là tác giả ĐVSL là người sống cùng thời
với Trần Thừa và có lẽ khá thân cận với ông này. Tác giả chỉ dùng
chữ này với Trần Thừa mà không dùng chữ "Thái úy ta" cho
Trần Tự Khánh (em kế của Trần Thừa). Tác giả dùng chữ "mỗ" (35) và "nhị
lang" (36) khi
nói về vua Trần Thái Tông lúc sắp lên ngôi, ẩn ý cách diễn tả của
một người cùng thời viết về các diễn biến đang xảy ra.
Chi tiết về sử liệu lúc giao thời Lý, Trần mà không bộ sử nào có
nhiều như vậy. Điều này nói lên là tác giả đã không tham khảo những
bộ sử nào khác khi viết về giai đoạn này mà do chính tác giả viết
ra. Người viết nghĩ là chỉ có thể người đang sống ở thời điểm này
mới biết rõ như vậy. Dù ĐVSL viết theo lối biên niên, nhưng sự
việc được viết lại tương tự như "phóng viên" ngày nay
viết báo.
Cách dùng chữ trong ĐVSL có tính cách "bình dân" (37),
không giống như cách hành văn nghiêm túc của một nhà Nho khi viết
sử, khi Nho học đã phát triển.
Vì thế người viết nghĩ là ĐVSL được viết trong thời Thái Tông Trần
Cảnh (1225 - 1258)(38) .
Vậy xin đưa ra phỏng đoán như sau: sách ĐVSL được viết
trong khoảng thời gian từ năm 1234 tới 1258.
6- Tìm hiểu về tác giả sách Đại Việt Sử Lược.
Sau khi đã trình bày về thời điểm sách ĐVSL ra đời, người viết
xin nêu lên những câu hỏi. Sau đó sẽ tự trả lời cho mỗi câu theo
sự hiểu biết và nhận xét riêng của mình, để tìm
hiểu ai là tác giả sách ĐVSL?
Hồ Tông Thốc biên soạn Việt Sử Cương Mục và sách này cũng là
Việt Sử Lược (ĐVSL)?
Hồ Tông Thốc đậu trạng nguyên thời Trần Nghệ Tông (1320-1373),
làm Hàn lâm viện học sĩ năm 1372. Thời của Hồ Tông Thốc sau thời
gian ĐVSL được viết quá xa (theo như người viết đã nêu lên). Vì
thế người viết nghĩ sách Việt Sử Cương Mục không phải là ĐVSL.
Có phải Việt Sử Lược là của Sử Hy Nhan?
Theo như trình bày về thời điểm hoàn tất ĐVSL, người viết nghĩ
rằng Sử Hy Nhan không phải là tác giả của ĐVSL,
vì Sử Hy Nhan đậu trạng nguyên năm 1363 (ghi chú 16).
Có phải Việt Sử Lược là bản tóm tắt của Đại Việt Sử Ký?
Căn cứ vào sử liệu khác nhau giữa hai bộ sử này, như việc viết
về Nguyễn Nộn hay ĐVSL có nhiều chi tiết hơn ĐVSK (được ghi lại
trong ĐVSKTT) khi nói về lúc giao thời Lý, Trần, người
viết không nghĩ ĐVSL là bản tóm tắt của ĐVSK và hai bộ sử này có
tính cách biệt lập.
ĐVSL do Trần Chu Phổ biên soạn?
Nếu theo sự phỏng đoán về thời gian ĐVSL được viết (1234-1258),
thì Trần Chu Phổ có lẽ là người thích hợp nhất để có thể là tác
giả của ĐVSL. Năm 1232, Trần Chu Phổ đậu Tam giáp trong khoa thi
Thái học sinh thời Trần Thái Tông. Năm 1251, Trần Chu Phổ đang
làm sử quan. Vậy nếu căn cứ theo thời điểm và chức vụ thì Trần
Chu Phổ có thể là tác giả sách ĐVSL. Tuy nhiên, ANCL của Lê Tắc
(Trắc) viết "... Trần Tấn làm sách Việt Chí, ... Lê Hưu
sửa sách Việt Chí", (Như đã trình bày trong phần trước,
Trần Tấn là Trần Chu Phổ và Lê Hưu là Lê Văn Hưu).
Theo như nhận xét của người viết: nếu Lê Văn Hưu sửa sách Việt
Chí thì những sử liệu trong ĐVSK phải giống như sử liệu trong Việt
Chí của Trần Chu Phổ. Vậy nếu Trần Chu Phổ là tác giả của ĐVSL
thì sử liệu trong ĐVSL phải giống như sử liệu trong ĐVSK của Lê
Văn Hưu. Như đã trình bày, hai nguồn sử liệu này khác nhau. Ngoại
trừ trường hợp quyển ĐVSL -mà người viết đang tham khảo- có sử
liệu tương tự như những sử liệu trong ĐVSK được ông Ngô Sĩ Liên
viết lại trong ĐVSKTT, còn ngoài ra thì người viết hoài
nghi về việc Trần Chu Phổ là tác giả của Đại Việc Sử Lược.
Với những nhận định trên, người viết không thể đưa ra kết luận
ai là tác giả ĐVSL. Tác giả ĐVSL vẫn là Khuyết Danh (39).
7- Kết luận
Phỏng đoán sách Đại Việt Sử Lược (hay Việt Sử Lược) được viết
trong khoảng thời gian từ năm 1234 đến năm 1258 và tác giả sách
ĐVSL là Khuyết Danh.
Dù không thể đi đến kết luận ai là tác giả cuả ĐVSL, nhưng người
viết vẫn cố trình bày để chính mình có thể hiểu được những điều
tham khảo trong sách này. Đồng thời nêu lên những thắc mắc, ngõ
hầu có được sự chỉ bảo của các học giả và các bậc trưởng bối trong
sử học.
Những điều người viết nêu ra hoàn toàn là những suy nghĩ riêng
tư và biết là sẽ có những điều thiếu sót hay sai lầm. Tuy nhiên,
người viết sợ rằng "sai một ly, đi một dặm", đặc biệt
vấn đề tham khảo sử liệu, hay chiều hướng suy nghĩ. Vậy nếu có
điều gì sai lầm, kính xin độc giả và các bậc tiền bối chỉ dạy.
Sách tham khảo:
Đại Việt Sử Lược, Thế Kỷ 14 (1377 - 1388), soạn giả: Khuyết danh,
1377 –1388, dịchgiả: Nguyễn Gia Tường, 1972. Ấn bản điện tử: Công
Đệ, Lê Bắc.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc
năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội
1998.
An Nam Chí Lược, Lê Tắc (Trắc) , dịch giả: Ủy ban dịch sử liệu
Việt Nam, nhà xuất bản: Viện Đại Học Huế, ấn bản điện tử: Công
Đệ, Doãn Vượng, Lê Bắc.
Việt Điện U Linh tập, Lý Tế Xuyên, bản dịch của Lê Hữu Mục,1960,
nhà sách Khai Trí, 62, Đại lộ Lê Lợi, Saigon. Tái bản bởi Cơ sở
xuất bản Đại Nam.
"TỔNG TẬP VĂN HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM (TTVHPGVN)”của tác giả
Lê Mạnh Thát, Tập 3, “Nghiên cứu về TUTA”. http://www.thuvienhoasen.org/vanhocpgvn-3-00.htm
(1) Của LÝ TẾ XUYÊN
( do Lê Hữu Mục dịch. Nhà sách Khai Trí, 62 Đại lộ Lê Lợi SAIGON,
1960)
(3) Trong phần
mở đầu của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) do nhà xuất bản
Khoa Học Xã Hội, Hà Nội- 1998, quyển 1, trang 16, ghi chú số
1, mục Tác giả-Văn Bản-Tác Phẩm, “Quá trình biên soạn và
tác giả”, viết về sử gia “Lê Văn Hưu với “Đại Việt Sử
Ký” (ĐVSK)”.
(4) Việt Nam Sử
Lược, Trần Trọng Kim , trang 215
(5) Trong phần
mở đầu của ĐVSKTT, ông Phan Huy Lê viết: “An Nam Chí lược
của Lê Trắc đời Trần, cũng có những ghi chép tương tự: “Trần
Tấn (có bản chép là Phổ) được Thái Vương (tức Trần Thái Tông)
dùng làm tả tàng, thăng đến hàn trưởng, từng làm (tác) sách
Việt chí” và “Lê Hưu là người có tài có đức, làm phó
quan của Chiêu Minh Vương (Trần Quang Khải), thăng làm kiểm
pháp quan, sửa (tu) sách Việt Chí”
(6) Bị gọi là
Việt Sử Lược thay cho Đại Việt Sử Lược, người viết lạm nghĩ
là có lẽ khi sách này bị lọt vào tay người Trung Hoa, họ đã
xoá đi chữ Đại, vì quyển sử này viết vào thời nhà Trần, quốc
hiệu vẫn là Đại Việt, cũng như chữ Tông và chữ Hoàng đều bị
đổi thành Vương (Trần Thái Tông đổi là Trần Thái Vương, Lý
Chiêu Hoàng đổi là Lý Chiêu Vương).
(7) Việt Nam
Sử Lược, Trần Trọng Kim , trang 215.
(8) Tài liệu từ
wikipedia.org/wiki
(9) Việt Nam Sử
Lược, Trần Trọng Kim , trang 215
(10) Tài liệu
từ wikipedia.org/wiki
(11) Theo Ts
Lê Mạnh Thát
(12) ĐVSKTT: Nhâm
Tý, [Thiệu Khánh] năm thứ 3 [1372], (Minh HồngVũ năm thứ
5)….. Hồ Tông Thốc làm Hàn lâm viện học sĩ”. ĐVSKTT:
q1, tr. 99: ghi chú số 5 cuối trang" "Hồ Tông Thốc:
(thế kỷ 14), người làng Thổ Thành nay thuộc huyện Diễn Châu,
tỉnh Nghệ An, ngụ ở xã Vô Ngại, huyện Đường Hào, nay thuộc
huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng; đậu trạng nguyện thời Trần Nghệ
Tông (1320 - 1373), trải qua các chức Hàn lâm học sĩ, Trung
thư lệnh, Đông Các đại học sĩ, tước Đường quận công.
(13) Trong phần
mở đầu của ĐVSKTT, ông Phan Huy Lê viết: “Tứ khố toàn
thư đề yếu khi giới thiệu cuốn Việt sử lược, nêu lên giả
thuyết cho rằng, cuốn sách này có thể là Việt Chí do
Trần Phổ và Lê Văn Hưu soạn. Tác giả viết: “An Nam chí lược
của Lê Trắc lại viết: Trần Phổ thường làm [sách] Việt chí,
Lê Hưu thường sửa [sách] Việt chí. Cả hai đều là người đời
Trần Thái Vương…” Vậy sách này (Việt Sử Lược)
hoặc do từ tay hai ông Phổ, Hưu làm ra, chưa thể biết rõ được”.
(14) Phan Huy
Lê (ĐVSKTT, quyển 1, trang 16)
(15) Ông Phan
Huy Lê đã chống lại thuyết này với ghi chú số 4 trong trang
16, quyển 1, ĐVSKTT: “Trần văn Giáp, Tìm hiểu kho
sách Hán-Nôm, t.1, Hà Nội 1970, tr. 35. Cũng theo
tác giả thì Trần Chu Phổ đỗ thái học sinh năm 1232, làm sử
quan năm 1251. So với Lê Văn Hưu (1230-1322), Trần Chu Phổ
thuộc thế hệ trước, hơn Lê Văn Hưu khoảng trên dưới 20 tuổi.
Vì vậy nếu cho Việt sử lược làm xong sau năm
1377, thì khó có thể chứng minh rằng đó là tác phẩm của Trần
Chu Phổ (làm sử quan nắm 1251)”.
(16) Phan Huy
Lê , ĐVSKTT, q.1, tr. 16: “Sử Hy Nhan …đỗ Trạng nguyên
năm Qúy Mão (1363)…. Ông vốn họ Trần, nhưng giỏi sử nên được
vua Trần đổi sang họ Sử”.
(17) ĐVSKTT,
q1, tr 7, phần mở đầu, ông Phan Huy Lê viết :"…nhà sử
học Hương Cảng Trần Kinh Hòa", Trong
Việt Điện U linh Tập của Lý Tế Xuyên, bản dịch của Lê Hữu Mục
năm 1960 có lời tựa của giáo sư sử học Trần Kinh Hoà, Viện
Đại Học Huế, đề ngày 8 tháng 12 năm 1959.
Theo người viết suy đoán thì học giả này là người Hồng Kông,
đã từng dạy tại Viện Đại Học Huế khoảng 1959/1960.
(18) Ghi chú
số 5 của ông Phan Huy Lê, ĐVSKTT, q1, tr. 15: L. Cadière, P.
Pelliote, Première étude sur le source annamites de l’histoire
d’Annam BEFEO T.4, 1904, Extrait, Hà Nội 1904, tr 7-8.
E. Gaspardone, Bibliographie annamite, BEFEO T. 34, 1934, Extrait,
Hà Nội 1935, tr. 49-50
(19) Báo cho
Sùng Hiền Hầu (em vua Lý Nhân Tông) về việc con của ông ta
(Lý Dương Hoán) sẽ lên ngôi vua (Lý Thần Tông sau này), tháng
12, năm 1127.
(20) Giáo sư
Viện Đại Học Huế, đề ngày 24 tháng 11 năm 1959, ký tên Lê Hữu
Mục
(22) Lê Tắc là
tác giả của ANCL, viết xong năm 1335 bên Trung Hoa, tác giả
là một người phản quốc. TsLMT gọi ông này là Lê Thực với
giải thích trong sách Trần Nhân Tông toàn tập, trang
23: "Trong liên hệ này cần nói một chút về chữ Thực
của tên Việt gian Lê Thực. Trong tiếng Hán tên này được viết
(?*) và các sử sách viết bằng tiếng quốc ngữ trước nay thường
phiên âm là Tắc hoặc Trắc. Tuy nhiên, ĐVSKTT 5 tờ 46b5-6, dưới
chữ (?*) ấy được chua là "thổ lực thiết". Điều
này có nghĩa, ta phải đọc chữ (?*) là Thực thay vì Trắc hoặc
Tắc". * Ghi chú: chữ viết tay, ấn bản bị mờ, nên
người viết không thể sao lại!
ĐVSK viết về Lê Tắc (Trắc): “Ất Dậu, [Thiệu Bảo] năm thứ
7 [1285]… .Tháng 2, ngày Giáp Thìn mồng 1, con thứ của Tĩnh
Quốc Đại Vương Quốc Khang là thượng vị Chương Hiến hầu [Trần]
Kiện và liêu thuộc là bọn Lê Trắc đem cả quân
đầu hàng quân Nguyên . Toa Đô sai đưa bọn Kiện về Yên Kinh
. Thổ hào Lạng Giang là bọn Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh, tập
kích ở trại Ma Lục . Gia nô của Hưng Đạo Vương là Nguyễn Điạ
Lô bắn chết Kiện. Trắc đưa xác Kiện lên ngựa,
trốn đi đêm, chạy được vài chục dặm, tới Khâu Ôn chôn Kiện
tại đó”.
(23) Chiêu Minh
Vương Trần Quang Khải (1241- 1294), em kế thái tử Hoảng (vua
Trần Thánh Tông), một danh tướng trong việc chống quân Nguyên
Mông đời Trần, và cũng là một nhà thơ có tài.
(24) Người viết
không thấy ANCL viết về vua Trần Thái Tông với tên "Trần
Thái Thượng Vương" khi lên làm Thái Thượng Hoàng.
Tắc viết là "Trần Thái Vương" thay cho "Trần
Thái Tông". Vì thế người viết lạm đi đến kết luận là Tắc
hầu cận bên cạnh Thái Tông trước năm 1258 chứ không phải lúc
vua Thái Tông đang làm Thái Thượng hoàng (19 năm, từ 1258-1277).
(25) ĐVSKTT: "Nhâm
Thân, [Thiệu Long] năm thứ 15 [1272], .. Mùa Xuân, tháng
giêng, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc Sử viện giám tu Lê Văn
Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại việt sử ký từ Triệu Vũ
[33b] đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển, dâng lên. Vua
xuống chiếu khen ngợi"
(26) ĐVSKTT,
quyển 1, trang 101.
(27) Hai bộ Đại
Việt Sử Ký: bộ thứ nhất của Lê Văn Hưu viết về thời Triệu
Đà đến Lý Chiêu Hoàng, bộ thứ hai là của Phan Phu Tiên* cũng
lấy tên là Đại Việt Sử Ký (có khi viết là Đại Việt Sử Ký tục
biên) viềt về thời Trần Thái Tông tới lúc quân Minh rút về
Trung Hoa.
*Phan Phu Tiên , người làng Đông Ngạc (làng Vẽ), Huyện Từ Liêm,
Hà Nội. Không rõ năm sinh cũng như năm mất Đậu Thái
học sinh cuối triều Trần (Trần Thuận Tông) năm 1936, trúng
tuyển kỳ thi Minh Kinh của triều Lê (Lê Thái Tổ) 1429. Làm
An phủ sứ phủ Thiên Trường. Năm 1448 về kinh coi Quốc sử
viện. Viết ĐVSK năm 1455 thời Lê Nhân Tông.
(28) ĐVSKTT:
“Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 [1070], … Mùa thu, tháng
8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối ,
vẽ tượng Thất thập nhị hiền , bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử
đến học ở đây” .
(29) ĐVSL:
“Dân
chúng oán giận. Người đầu sỏ trong đám oán giận là Lý Tự
Tiên4 bị Lưu Diên Hựu giết chết. Dư đãng bèn nổi loạn vây
phủ thành mà giết Diên Hựu”
ĐVSKTT: “Đinh Hợi , [687],. Mùa thu,
tháng 7, các hộ người Lý ở Lĩnh Nam theo như lệ cũ nộp nửa
thuế, Đô hộ Lưu Diên Hựu bắt phải nộp cả. Các hộ người Lý mới
oán giận, mưu làm loạn. Lý Tự Tiên làm [4b] chủ mưu, Diên Hựu
giết đi.”
(30) ĐVSL: “Đời
vua Hiến Tông (806-820) nhà Đường, Triệu Quân và Lý Tượng
Cổ làm quan đô hộ bị người trong phủ là Dương Thanh giết”.
(31) ĐVSL: “Năm
thứ 12 niên hiệu Đại Trung (năm Mậu Dần- 858-ND) đời vua
Tuyên Tông nhà Đường, Lý Hộ lên thay Vương Thức làm quan
Đô hộ”.
(32) Đế Nghiễn
là Trần Phế đế (1377-1388) bị Thượng Hoàng Nghệ Tông bát thắt
cổ chết vì lời dèm cuả Hồ Quí Ly
(33)" Thái
Tổ ta xin tiến binh dẹp yên ấp Khoái"
, " Thái Tổ ta và Trần Tự Khánh đánh
mặt hữu ngạn sông Lô", "Thái Tổ ta muốn
tiến đánh mặt hữu ngạn sông Lô mới kéo binh đi", " Thái
Tổ ta lãnh các đạo binh bao vây Nguyễn Nộn ở Bắc
Giang", " ... các tướng văn võ trong ngoài và
các viên quan lại hãy quản lãnh thuyền rồng, chuẩn bị pháp
giá đến phủ Cương Tinh mà đón Thái Tổ ta".
(34) ĐVSKTT: "Giáp
Ngọ, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 3 [1234], (Tống
Đoan Bình năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 18, thượng
hoàng băng ở cung Phụ Thiên, thọ 51 tuổi".
(35) Lời của
vua Huệ Tông trong ĐVSL: "... .Nay có điều Trẫm thấy
là mỗ người con thứ hai của Thái úy (Trần
Thừa) tuổi hãy còn nhỏ mà tướng mạo khác thường, tất có thể
giúp đời, yên dân".
(36) ĐVSL: Trần
Thủ Độ nói rằng: "Lời Tả Phụ sai rồi! Nếu mà vươnh thượng
có con trai mà lại nhường ngôi cho nhị lang thì
việc trái nghĩa ấy ta không thể vâng chiếu được. Nay, Vương
thượng không người kế tự, ý muốn chọn người hiền để phó thác
ngôi cao. Đó là vương bắt chước việc nhường ngôi của nghiêu
Thuấn thuở xa xưa. Vậy mà lo ngại nữa sao? Huống chi, ngôi
chí tôn không thể để khuyết lâu, mà ý thoái lui của vương
thượng thì đã quyết, vương thượng đã dứt khoát chọn người
khác họ để cho nối ngôi, liệu ta không muốn nghe theo mà
được chăng? Nhị lang được vương thượng chọn
cũng là ý trời, trời đã ban cho mà không nhận là có tội ấy.
Xin quan Thái úy hãy xét kỹ".
(37) Như dùng
chữ "làm thịt" khi nói về việc nhà Tống
sẽ mang quân đánh nước Việt (lược kể về thư của vua Tống gởi
cho Lê Đại Hành). Hay "đái vào miệng" hoặc "cắn
âm hành" khi kể về việc Kiến Ninh Vương Long Ích
đánh quân Sơn Lão.
(38) Thái Tông
Trần Cảnh ở ngôi 33 năm, làm Thượng hoàng 19 năm (1258-1277).
(39) Thật đúng
là chuyện "mèo lại hoàn mèo" !.
|