SỐ 24 - THÁNG 10, NĂM 2004

 

Thư toà soạn

Thơ
Vọng phu thạch
Ngô Thái
Linh hồn sa mạc
Nguyễn Xuân Vời
Thu vịnh
Huỳnh Kim Khanh
Trăng
Phạm Hồng Ân
Chiều chớm thu
Trần Việt Bắc
Từ sông Seine đến Dương Tử
Tôn Thất Phú Sĩ
Chiếc lá rừng phong
Ngô Minh Hằng
Mấy điệu thu ca
Dã Thảo
Đùa chơi vài chữ 2 câu
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Một chuyến đi
Trần Việt Bắc
Con rắn
Nguyên Nhi
Thu muộn
Song Thao
Tưởng như đã quên
Tôn Nữ Quỳnh Diêu
Sống gửi thác về
Trần Phương
Hạt ngủ đợi mưa
Tầm Xuân
"Một tiếng đất trời thu..."
Vũ Hoàng Thư

Biên khảo, tiểu luận
Những người tuổi trẻ của mùa trăm hoa cũ
Phan Thái Yên
Lê Đức Phi - Bà là ai
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 11
Hoàng Thiếu Khanh
Cách mạng Việt ngữ
Tân Văn

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 18
Huỳnh Kim Khanh


 

Con rắn

 

Thứ bảy. Trời còn mù mù. Ông khoác áo ngoài, xỏ dép, lò dò xuống nhà kính. Ở giường bên cạnh, bà vẫn ngáy đều. Dạo này bà bận rộn quá, đêm nào cũng làm việc đến nửa khuya, bỏ cả thể dục buổi sáng trước khi đến sở. Thọc hai tay vào túi, ông đi về phía chiếc bể cạn, bây giờ chỉ còn lại một ít nước và mấy tai bèo Nhật Bản, vòng qua mấy cụm ngải cú và xương rồng, ông dừng lại bên chiếc lồng lưới thép mảnh, nghe ngóng. Rồi, bật chiếc đèn pin nhỏ bằng ngón tay cái trong một tích tắc. Ông cảm thấy lạnh xương sống. Chiếc lồng trống trơn.

”Bố khỉ, con Cléopatre đâu rồi ta ?” Ông lắp bắp.

Có tiếng sột soạt phía sau lưng. Không cần quay lại ông cũng biết đó là gã César đang trườn mình qua những khóm violet. Bình thường con trăn đực 30 pounds lừ đừ là thế nhưng cứ thử bỏ vào khu nhà kính này một chú vịt già thì biết ngay.

“Thực ra em không thích lối tấn công ác liệt của loài bò sát. Thoắt, xoẹt, kẻ thù đã nằm gọn trong cổ họng. Chóng vánh quá ! Gọn ghẽ quá! Rồi nó cũng chẳng tận hưởng được hương vị của con mồi đâu!” Có lần bà bứt rứt nhận xét.

“Ừ, mình có lý! Nhưng mình biết trái tim anh đang trở bệnh mà! Có lẽ ...”

“Có lẽ em thích lối vờn mồi của loài thú có móng vuốt hơn. Hãy xem lối giỡn chuột của chú mèo! Có một chút gì thi vị trong đó!”

“Trời hỡi, mình vừa nói gì vậy ?” Ông lảo đảo. Bà dìu ông ngồi xuống chiếc băng đá rồi âu yếm áp mặt vào ngực trái ông.

Năm ngoái, tưởng ông đã vào nhà quàn. Số là sau tiệc cưới con một người bạn cựu chiến binh, say mèm, về nhà ông bắt ớn lạnh, choàng dậy, run lẩy bẩy. Ở đầu giường, chiếc quạt bàn liên tục hắt luồng gió chết người vào ngang đỉnh đầu ông. Chiếc quạt, bình thường để dự phòng cho những lúc hệ thống điều hòa không khí trong nhà bị hỏng, suýt nữa đã trở thành vật sát nhân. Ông phải nằm viện gần tuần lễ và á khẩu hơn nửa tháng. “Sao mình lại đãng trí thế nhỉ ?” Bà chỉ trách nhẹ ông.

Lần nữa, một chiếc bù loong giữ bậc thang long ra làm ông rơi từ 10 feet cao. Ông lại ôm ba chiếc xương sườn gãy vào viện mất tuần lễ nữa. “Quái! Cái thang ta vừa kiểm tra lại mấy hôm trước, khi cắt mấy nhánh cây nhỏ sau vườn mà!”. Ông cứ thắc mắc mãi. Ông xuất viện với lời cảnh giác của bác sĩ: nguy cơ đột tử vì ... bịnh tim.

”Mình thấy đấy, anh có đủ lý do để tránh xa mấy ông bás sĩ!” Ông làu nhàu.

“Em không hiểu mình định nói gì.”

”Này, mang thân già đến phòng mạch cũng như mang xe cũ đến auto-shop. Không hoại phần này thì cũng hư phần khác. Không thể chờ đợi điều gì tốt lành ở các nơi ấy!”

Mới đây, đêm Halloween vừa rồi là lần đầu tiên trái tim ông được thử thách. Vợ chồng ông vừa trở về nhà sau tiệc trà ở Câu Lạc Bộ Cựu Chiến Binh, ông mở cửa, chưa kịp ấn ngón tay vào công tắc đèn thì, xoẹt, một tia chớp lóe mắt, thần chết và cái lưỡi hái trứ danh sừng sững chắn lối. Ông ngã vật xuống, còn kịp nghe tiếng cười lão u u man rợ từ một góc phòng.
Ông khẽ chớp mắt khi bàn tay bà đặt lên ngực trái ông.

“A, mình không sao chứ ? Em ân hận quá! Tưởng chút trò mọn trong ngày lễ ma quỷ này sẽ làm mình vui một chút. Nào ngờ ... Em xin lỗi!”

“Anh vừa mơ một giấc mơ khủng khiếp. Anh thấy anh chết!” Giọng ông thều thào, đứt quãng. “Mà có lẽ cũng không bao lâu nữa đâu. Ý thượng đế đã muốn thế ...”

“Đừng nói vậy mình. Nếu thượng đế muốn thế, em sẽ khai chiến với Người! Ô, ô ...Em vừa nói gì vậy mình?” Rồi bà tất tả bỏ sang phòng đọc kinh.

”Mẹ, con Cléopatre đang ở đâu mới được chứ ?” Ông lại chớp một lóe đèn pin, lẩm bẩm.

Dạo này bà quá bận rộn và mệt mỏi. Chắc chắn bà chưa thể thức dậy nổi. Mỗi ngày, công việc giữ bà ở viện nghiên cứu động vật đến chiều và trong phòng làm việc ở nhà đến khuya lơ.

“Chắc em sẽ phải mang thêm một ít mẫu vật sống về nhà.” Tuần trước bà nói với ông.

“Lạy trời! Không có món nào hấp dẫn cả mình ạ. Mình không thấy là chỉ cần một con César thôi, lần đầu tiên nó xuất hiện anh lại nằm viện một buổi và bầy chim câu đã bỏ đi vĩnh viễn?”

“Nó hiền hòa. Em tưởng là đã mang về thêm cho mình một người bạn tốt!”

”Mình không nhớ là anh đã cho đi con chó Jackie và con mèo Pauline sao ?”

“...Thì cuối cùng rồi em cũng đã nhượng bộ mình, đúng không? Bây giờ César không thể nào rời khu nhà kính.”

“Thì lũ cá tai tượng tiêu đời!” Ông chua chát.

“Thôi, chuyện đã qua rồi, mình.” Bà đấu dịu. “Em cần mang con Cléopatre về một ít ngày. Chỉ cần mình đừng ngó ngàng gì đến nó.”

”Con Cléopatre ?”

“Ừ, một giống rắn lạ lùng! Một giống tuyệt hiếm! Khổ nỗi trong nọc tuyệt độc của nó có thể chiết suất được những dược chất tuyệt vời. Cho đến nay mọi cố gắng để giống này sinh sản dưới sự kiểm soát của con người đều vô hiệu. Có một điều gì đó bí mật trong đời sống của chúng. Chúng sinh sản trực tiếp, không qua giai đoạn trứng. Con đầu đàn vừa ngọ ngoạy mở mắt là đã đủ nọc độc để giết tất cả các đứa em. Và nó sẽ làm như vậy! Thế nên...”

“Thôi, thôi, đủ rồi, mình! Mình biết trái tim anh không được khỏe mà!”

“Kể cũng lạ! Rắn không hay tấn công người, trừ trường hợp hốt hoảng hay tự vệ. Thế mà ... mình sẽ thấy nhé...Con Cléopatre vừa nhác nghe hơi người là đã dựng cổ phùng mang, đuôi rung bần bật...”

“Ô, ô ... mình cho anh nghỉ với chứ!” Ông ôm ngực, nhăn nhó.

Rồi cũng xong. Đã rất lâu, ông quen là một cái bóng mờ bên cạnh bà. Cái thế giới ông tung hoành đã xa. Những căn cứ, trại binh ở Tây Âu, Nam Á, Trung Đông đã xa. Ông trở về với sự ngạc nhiên, gần như kinh hãi, trước một khám phá lớn là bà đang bước vào tuổi năm mươi của đời bà hăm hở như cô gái nõn nà ông gặp hồi nào nhân chuyến thực tập của bà ở đảo Guam, một thiên đàng trứ danh của loài rắn. Không biết do đâu, rắn lại trở thành niềm say mê bất tận của bà. Hôm qua, bà cũng đã loay hoay với con Cléopatre cả đêm. Bây giờ thì, “đù mẹ, con Cléopatre ở đâu chứ?”
Ông phân vân, không biết có nên đánh thức bà dậy chưa. “Thôi sớm quá,” ông nghĩ thầm, “hãy để bà ấy nghỉ chút nữa đã.” Vả lại ông cũng cần hút mộ t điếu thuốc trong nhà. Ông chiên trứng, một ít thịt rồi pha một tách cà phê. Ông đốt một điếu xì gà. Buổi điểm tâm như vậy là đã tạm đủ cho hai người. Thường trong những buổi đi chơi dã ngoại, như hôm nay dự định, buổi trưa bà sẽ không ăn gì, còn ông thì chỉ dùng một ít trái cây. Buổi chiều họ sẽ ghé qua một nhà hàng nào đó trước khi về nhà.

Ông đẩy cửa phòng ngủ. Bà vẫn còn ngáy đều. Ông ngồi xuống mép giường bà. Vòm ngực trần của bà nhấp nhô dưới làn chăn mỏng. Trong nhịp thở của bà hình như ông nghe có tiếng rít nhỏ. Giống như tiếng rít của con Cleopatre lúc bà ném một chú nhái bén vào lồng.

“Ồ, mình yêu!” Bà nhướng mắt. Ba mươi năm trước đây ông chỉ là con mồi bị thôi miên trước đôi mắt ấy. “Em hư quá! Có trễ không mình?”

“Cũng vừa, mình. Chỉ có một tiếng lái xe thôi mà. Ta sẽ lang thang nghe thác một buổi. Giá mà ông bà James đi với chúng ta...”

“Mình không điên chứ ? Mình không còn nhớ cái cung cách của mụ James đối với em hôm sinh nhật mụ sao ? Mụ không phải kẻ thất học chứ?”

“Ồ, chuyện nhỏ, hiểu nhầm thôi, mình! Anh tưởng mình đã bỏ qua...”

“Thì cứ bảo là em thù dai đi, có sao đâu! Thực ra, hơn ai hết, em là người chuộng sự công bằng. Em lại là kẻ kiên tâm và biết báo thù đúng lúc. Mà nếu có trễ tràng một chút cũng chẳng sao. Người ta bảo báo thù là một thức ăn nguội. Càng để lâu càng khoái khẩu. Em chưa có một dự định nào cho mụ ấy đâu. Mụ còn phải đợi đấy!”

Ông quay mặt đi khi bà tung chăn. “Đù mẹ, con Cléopatre đang ở đâu mới được chứ?” Ông tức tối thầm.

***

Thực ra chẳng có gì thú vị trong buổi sáng thứ bảy này. Thời tiết đã khá muộn màng cho những cuộc đi dã ngoại. Lá đã chín. Trời lạnh châm châm dù nắng đẹp. Hình như thác đổ chậm hơn, mỏng hơn, không còn cái thúc hối dập dồn của thác trong những cơn mưa đầu hạ. Hình như cả hai đều muốn kết thúc buổi đi chơi sớm.

“Em muốn chụp cho mình một pô ảnh cuối cùng,” bà nói.

“Cuối cùng...cho hôm nay thôi nhé!” Ông cười gượng rồi ngồi trên những chiếc lá khô, lắng nghe thác rì rầm. “Này, Cléopatre, mày không thể quanh quẩn đâu đó dưới lớp cỏ già này, phải không?” Ông nghĩ.

“Đấy ...Cứ thế đấy!” Bà bấm máy. “Thôi, nghỉ một chút rồi ta về. Em có mang buổi trưa cho mình đấy. Giỏ trái cây ở sau xe.

“Cám ơn. Mình chu đáo quá!”

Ông xách giỏ trái cây đi về hướng bà. Bấy giờ bà đang nằm dài trên lớp lá giòn rụm. Mắt bà mở lớn, no đầy những cụm mây qua. Cũng như ông, bà đang tập trung chú ý lắng nghe một điều gì đó. Chân trái bà duỗi dài. Đùi phải dựng lên một dốc nghiêng nhói ngực. Một bàn tay đặt lên háng. Cánh tay kia thả dài ra cái sung mãn êm đềm ông vẫn gối đầu trong những khi hiếm hoi ngủ mệt. Ông có ý bước thật nhẹ, chú ý lắng nghe ...

Rồi ông dừng lại, cách bà đôi bước, lặng lẽ chiêm ngưỡng gương mặt no ứ hân hoan của bà. Một vẻ hoan lạc chết chóc. Bà hé miệng cười. Nụ cười lởn vởn âm khí. “Tệ hại quá! Không kịp nữa rồi! Ta sẽ không có được pô ảnh cuối cùng của dáng nằm em.” Ông thầm tiếc. Bất chợt, như con rắn phóng tới con mồi, ông mở nắp giỏ trái cây, trút xuống lõm ngực bà. Động tác của ông nhanh như chớp. Tàn khốc. Quyết liệt. Không có gì xác chứng rằng người đàn ông này đang chờ đột tử vì chứng trụy tim.

Mấy trái táo và chùm nho lăn xuống bãi cỏ. Bà bung người dậy như chiếc lò xo bị nén hết mức. Bà thét lên một tiếng kinh hoàng. Tiếng thét của người chạy chết. Hai tay xua loạn. Rồi bà bật ngửa người về phía sau, rú dài thảng thốt. Như tiếng rú của ông đêm Halloween, khi vừa mở cửa, chạm mặt lưỡi hái tử thần.

Trong giây chốc, thân thể bà co giật dữ dội. Hình như bà ngạt thở. Miệng bà há hốc. Bọt mép sôi ra. Mấy ngón tay cong ngược. Khi bàn tay bà chặn ở nơi cổ nới ra, ông thấy mấy vết răng nhỏ xíu.

“Mày đấy ư, Cléopatre ?” Ông thở dài.

Ông còn kịp trông thấy, lần chót, con rắn nhỏ ung dung lượn bộ vảy màu hoàng kim lấp lánh trên bãi cỏ già, làm rung nhẹ mấy cánh hoa dại màu tím thẫm, trước khi lẩn mất dưới lớp lá vàng mới rụng đầu thu.

Nguyên Nhi