Một mùa blue-bonnet nữa xa. Những vỉa hè Dallas, những bờ cỏ dại
Garland, những lũng thấp dốc cao con đường 35 về Oklahoma cuối tuần
đã biến mất màu xanh phớt tím đằm đằm thương nhớ. Một mùa xuân nữa
xa. Mùa hè bắt đầu với một ngày dài nhất năm. Mặt đất chừng tàn
tạ, héo úa, quắt queo nằm chờ những cơn mưa vội đến, chợt đi. Nhưng
sự sống bốn mùa vẫn sinh sôi bất tận. Bên dưới lớp cỏ khô rụm ấy
là thiêm thiếp hạt mầm đang chờ tỉnh giấc. Dấy động lên, cơn bão
sấm chiều nay!
Và mùa hè sẽ rực rỡ phô những bông hoa ngả về hướng mặt trời. Những
vạt cỏ lãng quên, những bìa rừng hoang quạnh còn sót lại trong thành
phố đang thay da đổi thịt hàng ngày, sẽ rưng rưng một màu vàng cháy
mắt. Hướng dương. Dã quỳ. Màu vàng ngùn ngụt bốc lửa trong nhũng
bức tranh Sunflowers của Van Gogh. Màu vàng bạo liệt trên nền xanh
vời vợi tạo nên những ấn tượng kỳ vĩ dị thường.
Vậy mà 114 năm rồi đấy. Từ ngày ông mất. Cuối tháng có ngày giỗ
của một thiên tài. Ông mất ngày 29/7/1890. Trước ngày mất một ít
lâu trong thư gửi một người bạn, ông viết như trối: “Tâm tưởng tôi
chẳng mấy lúc được thanh thản, có lẽ bởi suốt đời tôi chưa bao giờ
hưởng một phút bình yên. Tất cả những gì tôi có chỉ là sự thất vọng
đắng cay và điều này bao trùm cả sự nghiệp sáng tác của tôi”.
Người họa sĩ lừng danh với rất nhiều bức tranh vẽ hoa hướng dương
ấy chỉ có cậu em trai là người thân duy nhất. Trước khi tự kết liễu
đời mình, ông đã tâm sự rất nhiều với em. Em trai ông kể lại: “Tôi
biết anh ấy đã tiên cảm được số mệnh của mình và không muốn sống
thêm. Khi tôi ngồi cạnh và an ủi anh rằng tôi có thể giúp anh qua
cơn tuyệt vọng, anh ấy lắc đầu: “Nỗi đau này sẽ còn lại mãi mãi”.
Anh ấy muốn được chết như mong đợi”.
Người họa sĩ có cuộc đời bão nổi nhưng nghèo tiền ấy, trong đời
chỉ một lần bán được một bức tranh chỉ để có đủ tiền ăn sáng, ra
đi trong hiu quạnh. Nhà thờ Auvers từ chối tổ chức lễ tang cho ông
vì lý do ông tự tử. Những cư dân thị trấn hiu hắt, nơi ông cư trú,
đứng ra chôn cất nhà danh họa. Người bạn thân thiết nhất của ông,
họa sĩ Emile Bernard, đã nhớ về đám tang ông như sau:
"Trong căn phòng nơi ông đang nằm bất động, những khung
bố dang dở lặng lẽ làm nên một vầng hào quang, khiến tất cả những
người có mặt đều đau buồn thương tiếc. Phủ trên quan tài là tấm
vải trắng giản dị với rất nhiều hoa hướng dương, loài hoa mà sinh
thời ông vô cùng yêu thích.
Trên sàn nhà, trước cổ áo quan là những vật dụng quen thuộc của
ông: vải, sơn, chổi cọ. Có nhiều người đến viếng, trong đó có
những nghệ sĩ nổi tiếng như Lucien Pissarro, Lauzet. Ngoài ra
là những cư dân địa phương, vốn yêu quí ông vì ông vốn tốt bụng
và sống hòa đồng.
Chúng tôi cùng yên lặng chung quanh quan tài. Giây phút này tất
cả đều là những người bạn của nhau. Mọi người đưa tiễn ông trong
nước mắt. Bên ngoài mặt trời như cũng cháy bùng lên. Chúng tôi
vừa leo dốc con đồi bên này nghĩa trang, vừa nhắc nhở về ông,
về những gì ông đã sáng tạo và cống hiến trong nghệ thuật, về
những hoài bão ông ấp ủ và về tất cả những gì ông đã làm cho chúng
tôi.
Chúng tôi tới nghĩa trang, một khu đất nhỏ bé rải rác vài mộ
bia mới. Nghĩa trang nằm trên một ngọn đồi nhỏ, bên dưới là những
cánh đồng đang vào mùa gặt và trên cao là bầu trời xanh thẳm mà
ông từng yêu đến nát lòng."
Viết đến đây chợt nhớ chuyến tàu trưa xuyên Âu mùa này năm ngoái,
con tàu rền rĩ nghiến bánh sắt qua những ruộng hướng dương chờ mùa
gặt. Màu vàng Van Gogh cháy tim. Và trên cao, bầu trời Địa trung
hải xanh lơ lồng lộng.
Nhưng ở đây, giữa thành phố Garland mới lớn này, nơi những vạt
rừng bé mọn còn sót lại sau những cuộc xâm lăng tàn bạo, vẫn có
những hạt mầm ngủ muộn đợi mùa. Dã quỳ ơi, thức dậy...
Tầm Xuân
|