* Đức Phi họ Lê, tên viết theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện
của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, mẹ của Quảng Oai công, Thường Tín
công, công chúa Ngọc Ngôn và công chúa Ngọc Khuê, các con của
vua Gia Long.
Như chúng ta đã biết, có khá nhiều truyền thuyết cũng như nghi
vấn nói về chung cuộc của Ngọc Hân Công Chúa (NHCC). Sự thật như
thế nào? Đây là một câu hỏi khó trả lời, mặc dù đã có nhiều bài
viết đã đưa ra kết luận rõ ràng, tuy nhiên nếu xem lại các sử liệu
và sắp xếp lại cho hợp lý, thì vẫn còn có những chỗ khúc mắc. Người
viết cố gắng trình bày thêm những thiển ý của mình, may ra nghi
vấn có thể sáng tỏ thêm tí nào hay chăng, dù mong manh, với hy vọng
là sẽ không làm vấn đề này trở nên rối bời hơn nữa.
Trước hết xin phân loại các giả thuyết, và sau đó sẽ lạm bàn từng
vấn đề theo thứ tự:
1- Ngọc Hân Công chúa và hai con là Ngọc Bảo và Văn Đức
phải trốn tránh sau khi thành Phú Xuân bị đánh úp, vua
Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) bỏ chạy gấp rút về Bắc hà và không
kịp mang theo thân quyến. Thuyết này có nhiều nguồn gốc khác nhau:
• Việt Sử Tân Biên-Phạm Văn Sơn -quyển 2-trang 57 (VSTB-PVS-q2-t57)
ghi lại thuyết này như sau : “Sau khi Phú-xuân thất thủ, bà
cùng hai con chạy vào Quảng -Nam sau bị phát giác và xử “tam-ban
triều-điển” (thắt cổ, uống thuốc độc, hay tự đâm cổ mà chết).
• ”Công Chúa Đông Đô, Hoàng Hậu Phú Xuân, Nàng là ai?”, bài viết
của ông Minh Vũ Hồ Ngọc Châm trong Giai Phẩm Tây Sơn Mậu Dần 1998
(HNC): “công chúa Lê Ngọc Hân đem các con chạy trốn vào quê
chồng ở Bình Định, rồi cũng bị bắt và cũng bị xử cực hình như
đã nói ở trên”
• HNC: “công chúa Lê Ngọc Hân đã mang các con chạy trốn vào
tận Đồng nai Gia định, nhờ đó mà tránh được tai mắt và nanh vuốt
kẻ thù.”
2- VSTB-PVS-q2-t57 ghi lại thuyết này: “Sau khi vua Quang Trung
qua đời, bà và hai con đã bị bí mật thủ tiêu vì
sự tranh chấp ngôi vị“
3- VSTB-PVS-q2-t57: “Sau khi nhà Tây-sơn thất bại, Ngọc Hân
gặp Nguyễn Ánh và do nhan sắc kiều-diễm, bà đã thành một
bà phi của Thế tổ nhà Nguyễn”.
4- VSTB-PVS-q2-t57: “Ngọc Hân công chúa qua đời năm
1799, dưới triều Cảnh Thịnh, khi triều Tây Sơn chưa sụp
đổ.”
Với những truyền thuyết như đã nêu trên, cái nào đúng? Đây quả
là một vấn đề khó khăn cho lớp hậu sinh muốn tìm hiểu rõ về lịch
sử nước nhà. Những nghi vấn này đã để lại những chướng ngại về một
giai đoạn lịch sử quan trọng cho hậu thế. Sử gia Phạm Văn Sơn đã
phải viết như sau:
VSTB-PVS-q2-t58 : “Mặc dầu chúng ta có một số sử liệu trong
tay, cái chết của Ngọc-Hân đến nay vẫn là một nghi vấn lịch sử.
Người ta đã đưa ra quá nhiều giả thuyết khiến ta phải buồn mà nghĩ
rằng một việc mới xảy ra khoảng trên 160 năm mà các nhà chép sử
đã mờ mịt, thân thế và sự nghiệp của một nhân vật khá quan trọng
về văn học cũng như về chính trị như Ngọc Hân mà bị các nhà chép
sử xao nhãng đến như vậy thì cái quan-niệm viết sử của triều Nguyễn
thật là đáng trách vô cùng. Đến nay hậu sinh chúng ta phá đám sương
mù về vụ Ngọc Hân không phải là điều dễ”.
A- Thuyết thứ nhất : Ngọc Hân công chúa và hai con phải
trốn tránh sau khi Phú Xuân thất thủ.
Theo như VSTB-PVS-q2-t58 thì thuyết này “thuộc ông Ngô tất
Tố trong cuốn “Thi văn bình chú” và thuộc ông Phan trần Chúc trong
cuốn “Triều Tây-sơn” nói về việc công chúa và hai con chạy vào Quảng
Nam” .
“Việt sử khảo luận”- Hoàng Cơ Thụy -Nhà xuất bản Nam Á, Paris năm
2002 (VSKL-HCT) -q2-t802 : -”Đến năm 1802 khi Nguyễn vương Ánh
ra đánh chiếm Bắc Hà, thì bà Ngọc Hân và hai con (khoảng 15 và 13
tuổi) trốn xuống Quảng Nam, sau bị bắt; bà bị ép uống thuốc độc
chết, hai con bị thắt cổ (Bà Phương Lan, Anh thư nước Việt)”.
Trong bài “Công chúa Đông Đô” của HNC, thuyết
này đã được tóm tắt lại như sau:
“Những truyền thuyết và chuyện dã sử về chung cục của công chúa
Lê Ngọc Hân thuộc loại thứ nhất thì đại thể về nội dung đều giống
nhau, có khác biệt là chỉ khác biệt về địa điểm đi lánh nạn mà thôi.
Sau khi nhà Tây Sơn mất, công chúa Lê Ngọc Hân đem hai con chạy
trốn vào Quảng nam, sống trà trộn trong dân chúng được một thời
gian, cuối cùng bị phát hiện, bị bắt đưa về Phú Xuân và bị xử án
tam ban triều điển.
Nhiều truyền thuyết khác thì nói rằng công chúa Lê Ngọc Hân đem
các con chạy trốn vào quê chồng ở Bình Định, rồi cũng bị bắt và
cũng bị xử cực hình như đã nói ở trên. Trong những thập niên 60,
70 lại có những câu chuyện ly kỳ hơn về chung cục của công chúa
Lê Ngọc Hân, cả thành văn lẫn truyền khẩu, theo đó thì công chúa
Lê Ngọc Hân đã mang các con chạy trốn vào tận Đồng nai Gia định,
nhờ đó mà tránh được tai mắt và nanh vuốt kẻ thù. Nhiều câu chuyện
truyền miệng lại còn đi xa hơn, kể rằng sau khi nuôi dạy các con
khôn lớn nên người, công chúa đã thí phát, tu hành đắc đạo và trở
thành Giáo chủ của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương”.
Theo như thiển ý của người viết, giả sử bà Ngọc Hân và hai còn
còn sống lúc này thì bà chả dại gì mà về Bình Định, bà ắt hẳn phải
biết tại nơi này, con cháu và thân thuộc của nhà Tây Sơn đang bị
truy lùng gắt gao. Phong thái của hoàng hậu, hoàng tử và công chúa
sẽ không qua mắt được ai và sẽ bị nhà Nguyễn bắt ngay. Vậy thuyết
NHCC mang hai con chạy trốn về Bình Định là chuyện khó tin. Cùng
trong bài viết này tác giả nói thêm về giả thuyết là bà Ngọc Hân
và hai con vào Đồng Nai đất Gia Định và v.v (độc giả có thể đọc
nguyên bài của ông HNC trong “web site” nơi phần tham khảo). Ông
HNC nói rõ là những thuyết này không phù hợp với lịch sử, chính
người viết cũng cảm thấy đây là chuyện “vẽ rắn thêm chân” cho những
truyền thuyết có sẵn. Tuy nhiên việc bà chạy vào Quảng Nam vẫn còn
là một câu hỏi. NHCC có mang hai con đi trốn tránh không?
Để trả lời cho câu hỏi này, người viết xin trích dẫn những đoạn
văn có tính cách xác định như sau:
HNC: “Về phần hai người con của công chúa Lê Ngọc Hân thì một
nhà truyền giáo Tây phương thời bấy giờ tên là L. Barizy đã cho
biết là cả hai đều bị Nguyễn vương bắt lúc thành Phú Xuân thất thủ,
không kịp chạy theo vua Cảnh Thịnh ra Bắc hà. Giáo sĩ L. Brarizy
đã nhận diện và không tiếc lời ca ngợi khuôn mặt tuấn tú và thái
độ cứng cỏi của hai đứa trẻ khi bị xử tử hình vào năm 1802, cùng
một lần với vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản. Như vậy, hai người
con của công chúa Lê Ngọc Hân đều đã bị yểu vong thì làm gì có câu
chuyện hậu duệ của công chúa còn nối dõi tới bây giờ.”
Trong bài “Hãy trả lại trong sáng cho NHCC” của ông Nguyễn An Phong
(NAP) : “Trong bức thơ đề ngày 16 tháng 7 năm 1801 của Barizy,
một sĩ quan người Pháp, tháp tùng cùng Nguyễn Ánh vào chiếm Phú
xuân đã ghi lại như sau: “Nhà vua (Nguyễn Ánh) bảo tôi đi
xem mặt các cô công chúa của kẻ tiếm vị (Quang Trung). Tôi đến đó
họ ở trong một phòng hơi tối, không phải là một phòng sang trọng,
có tất cả năm công chúa: một cô 16 tuổi theo tôi là một cô gái đẹp,
một em bé 12 tuổi là con gái của bà Công chúa Bắc kỳ (Ngọc Hân)
em này cũng coi được, còn ba cô nữa cũng từ 16 đến 18 tuổi thì nước
da hơi nâu nhưng diện mạo cũng dễ thương. Ngoài ra còn có 3 con
trai, có một em độ 16 tuổi cũng da nâu nhưng nét mặt thì tầm thường,
còn em trai kia độ 12 tuổi là con của bà công chúa Bắc kỳ thì diện
mạo rất đáng yêu và có những cử chỉ rất dễ thương”. Như
vậy ta thấy rằng khi Barizy đến tận nhà giam để kiểm nhận và xem
mặt tất cả các hoàng tử, công chúa quan lại và gia đình của các
quan lại cao cấp của Tây Sơn đã bị Nguyễn Ánh bắt tại Phú xuân có
rất nhiều phụ nữ nhưng tuyệt nhiên ta không thấy ghi có mặt Hoàng
hậu Ngọc Hân mà ông ta đã gọi là Công chúa Bắc kỳ.
Căn cứ vào các đoạn văn trên, có thể nói là hai con của NHCC đã
không trốn thoát khỏi tay quân nhà Nguyễn, khi Phú Xuân thất thủ
quá nhanh, họ đã bị giam giữ (1801) và bị giết năm 1802. Lúc này
Ngọc Bảo 13 tuổi và Văn Đức 12 tuổi (”Danh nhân Lê Ngọc Hân- Chu
Quang Trứ (CQT)): “... Ngọc hân đã sinh với vua được con gái
đầu lòng là công chúa Ngọc Bảo vào giờ Hợi ngày 20 tháng 4 năm Canh
Tuất (4-6-1790), rồi hoàng tử Văn Đức vào giờ Mão ngày 14 tháng
Giêng năm Tân Hợi (27-2- 1791”). (Ngọc Bảo và Văn Đức sinh
cách nhau 8 tháng 23 ngày ?)
Câu hỏi được đặt ra là lá thư này có đáng tin cậy không? Theo như
hai đoạn trích dẫn trên thì ta thấy đây là hai lá thư khác nhau.
Bài của ông NAP nói về lá thư ngày 16 tháng 7 năm 1801, trong thư
này chỉ viết về việc các hoàng tử và công chúa bị bắt. Thư này của
Barizy, một sĩ quan người Pháp (tên ông này là L. Barizy, người
gởi thư cho Chaigneau, và vẽ lại bản đồ trận chiến Thị Nại ngày
1 tháng 3 năm 1801). Bài của ông HNC có lẽ đã dẫn chứng từ lá thư
khác, viết về việc tử hình năm 1802 vì thư này diễn tả sự việc sau
năm 1801 (Tuy ông HNC viết là thư này của nhà truyền giáo có tên
là L. Barizy, nhưng người viết nghĩ ông ta là Sĩ quan Pháp, vì ông
này viết khá nhiều thư kể về các sự kiện xảy ra, cách làm việc của
ông giống như phóng viên chiến trường ngày nay) .
Trong quyển “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam” của Tạ Chí Đại trường
(TCĐT), trang 335-336 :
“Ba giờ chiều ngày 3 tháng 5 (1801), ghe thuyền quân Nguyễn
vào bến Phú Xuân (1), Quang Toản vội vã mang vàng bạc, bỏ cả sắc
ấn nhà Thanh lại để chạy cốt thoát lấy thân với em là Thái tể Quang
Thiệu, Thái sư Quang Khanh cùng đại Tư mã Tứ, Đô đốc Trù. Ở lại
hàng có Nội hầu Lê Văn Lợi, Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ cùng các
Phụng nghi, Thị lang bên văn, Đô đốc, Đô tư bên võ. Barizy đi thăm
người bị bắt thấy có mặt mẹ Trần Quang Diệu, em vợ ông, vợ Vũ Văn
Dũng với các con Ngọc Hân mà ông không tiếc lời khen ngợi vẻ mặt
ưa nhìn cùng thái độ cứng cỏi của họ (đây là Quang Cương, Quang
Tự, Quang Diệu của Thực Lục).
Từ những tài liệu này, ta có thể xác định là hai con của NHCC đã
không thoát, bị bắt (1801), và bị giết (1802) khi còn quá trẻ. Ngọc
Hân công chúa ở đâu lúc này? Bà đã chết hay còn sống?
Để bổ túc cho những dẫn chứng trên, xin trích một đoạn trong bài
viết của ông CQT: “Hơn nữa bộ sách chính sử của nhà Nguyễn Đại
Nam Thực Lục nhân năm 1842 phá hủy đền thờ Ngọc Hân ở Phù Ninh có
ghi: “Nguyên người xã ấy là Nguyễn Thị Huyền làm cung nhân của vua
Lê Hiển Tông, có người con gái là Lê Ngọc Hân, sau gả cho ngụy (Nguyễn)
Huệ, sinh được 1 trai và 1 gái, Ngọc Hân chết, con trai,
con gái cũng chết non cả”.
Người viết chưa có được may mắn để đọc Đại Nam Thực Lục, tuy nhiên,
từ câu trên, ta có thể hiểu (ngầm) là khi con trai (Văn Đức), con
gái (Ngọc Bảo) chết non thì NHCC đã chết trước rồi, mặc dù câu viết
không xác định thời điểm rõ ràng.
Từ những dẫn chứng trên, truyền thuyết về việc Ngọc Hân
Công Chúa dẫn hai con là Ngọc Bảo và Văn Đức đi trốn sau khi Phú
Xuân thất thủ năm 1801 chỉ là chuyện vô căn cứ và hoang đường.
B- Thuyết thứ hai : “bà và hai con đã bị bí mật thủ tiêu
vì sự tranh chấp ngôi vị“
Có hay không chuyện tranh chấp giữa các hoàng hậu về ngôi vua cho
con của mình?
Thuyết này được nói tới trong Việt Sử Tân Biên-Phạm Văn Sơn-q2-t58:
“do ông Thái văn Kiểm đưa ra trong buổi thuyết trình tại trường
Đại-học quân-sự Sàigòn ngày 31-3-1961“
Sử gia Phạm Văn Sơn cho rằng giả thuyết này không vững “vì
nhà vua mất năm 1792 là giai đoạn triều Tây-sơn đang thịnh đạt từ
trong ra ngoài. Cho tới năm 1795 là lúc có sự lục đục của các đại
thần của Phú Xuân, chính sử cũng như dã sử là cửa miệng thế gian
chưa hề phát giác một âm mưu chính trị nào về phần bà vợ miền nam
của Quang Trung với quốc phó Bùi Đắc Tuyên là anh cùng mẹ khác cha
để sát phạt phe bà Ngọc Hân gồm có bà và một số đại thần hay tướng
lĩnh..”
Để có thể kiểm chứng giả thuyết này, việc tìm hiểu thêm về chuyện
gia đạo của vua Quang Trung là một sự cần thiết và sử liệu là phương
tiện để minh chứng. Tuy nhiên những sử liệu về nhà Tây Sơn lưu truyền
lại cho hậu thế quá ít ỏi, hơn nữa sự thật về người anh hùng Nguyễn
Huệ và gia đình của ông, nếu không bị làm sai lệch, thì cũng bị
lấp liếm dưới ngọn bút lông của Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Khá nhiều
nghi vấn lịch sử cũng như truyền thuyết đã được đặt ra về đời Tây
Sơn, làm cho hậu thế không biết đâu là sự thật của lịch sử.
Ông Quách Giao ngay trong phần đầu của sách “Nhà Tây Sơn” trong
“Lời thưa” đã giải thích về sự sai lạc trong sử liệu như: thiếu
thành thật ( Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Quốc Triều Chính Biên
Toát Yếu,v.và), ở xa như miền Bắc (trường hợp “Hoàng Lê Nhất Thống
Chí” của Ngô Văn Gia Phái), sự đàn áp khốc liệt của chính quyền
(nhà Nguyễn), nên người dân không dám nói lại rõ sự thật.
Để tìm hiểu sự thật của lịch sử, một số tác giả đã đăng những bài
viết và sách rất có giá trị về nhà Tây Sơn. Tuy nhiên những sử liệu
được nêu ra lại không giống nhau, làm độc giả muốn tìm hiểu thêm
về những nghi vấn này, lại càng thêm mù mịt.
Trở lại vấn đề, chúng ta hãy thử tìm hiểu thêm về tiểu sử của các
bà hoàng hậu dưới triều vua Quang Trung.
Trong bài viết của ông Hố Ngọc Châm (HNC), có một đoạn viết về hoàng
hậu họ Phạm, có thể tóm tắt về đoạn này như sau:
Theo Tây Sơn Tiềm Long Lục thì bà tên là Phạm thị
Liên, anh em cùng mẹ khác cha với Thái sư Bùi Đắc Tuyên.
Ba người con trai của bà họ Phạm :
Quang Toản: (con cả, còn có tên là Quang Bình, vua Cảnh Thịnh)
Quang Bàn (Tuyên Công Lãnh Đốc trấn Thanh Hóa)
Quang Thiệu (Thái Tể)
Hai người con gái là:
Một người lấy Phò mã Nguyễn văn Trị
Một người thì gả cho Nguyễn Phước Tư là tôn thất nhà cựu Nguyễn
Bà mất ngày 29-3-1791, truy tặng là Nhân Cung Đoan Tĩnh Trinh Thục
Nhu Thuần Vũ Hoàng Chính Hậu .
Trong bài viết này, không thấy nhắc đến tên Quang Thùy, một người
con của vua Quang Trung, đã tự tử sau khi Thăng Long thất thủ được
nhắc tới trong “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” cũng như trong nhiều sử
liệu khác. Vậy Quang Thùy là con của bà nào? Chắn chắn là không
phải con của NHCC vì bà này chỉ có hai con là Ngọc Bảo và Văn Đức.
Rồi tên Quang Bình, có nhiều sử liệu nói đây là tên của Nguyễn Huệ
chứ không phải của Quang Toản (Theo như sách “Nhà Tây Sơn” thì Nguyễn
Huệ có tên là Quang Bình bởi lý do: “Vì ông Nhạc kết duyên với
bà Trần Thị Huệ, nên để tránh trùng tên với chị dâu, gia đình mới
gọi tên ông Huệ là Bình”). Vậy “Tây Sơn Tiềm Long Lục “ có
thiếu sót gì không?
Người viết xin phép để trích dẫn một đoạn nói về các bà hoàng
hậu và các con của vua Quang Trung trong sách “Nhà Tây Sơn” của
ông Quách Giao, PDF file:
Trang 46:
“Ông Huệ có ba bà vợ chính thức: bà họ Phạm ở Phú Phong, mẹ
ông Nguyễn Quang Thùy, bà họ Bùi ở Xuân Hòa, mẹ ông Nguyễn Quang
Toản và bà Ngọc Hân công chúa con gái Vua Lê . Lúc ông Huệ trấn
thủ Thuận Hóa thì bà họ Phạm qua đời đã lâu, bà họ Bùi theo chồng
ra Phú Xuân, còn bà Ngọc Hân thì còn ở Thăng Long”.
Trang 58:
“Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1789), giao phó việc cai trị Bắc Hà cho
Ngô Văn Sở, vua Quang Trung trở về Phú Xuân, lo sửa sang việc nước.
….
Tổ chức chánh quyền trung ương.
Vua Quang Trung có ba bà vợ chính thức:
- Bà họ Phạm [73] ở thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn (Bình Khê), phủ
Quy Nhơn, mất sớm, sanh hạ được hai trai là Nguyễn Quang Thùy và
Nguyễn Quang Bàn.
Bà họ Phạm mất rồi, nhà vua kết duyên cùng bà họ Bùi ở thôn Xuân
Hòa (Bình Khê). Bà họ Bùi là mẹ của Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang
Thiệu, Nguyễn Quang Khanh và hai người con gái
- Ngọc Hân công chúa mới có một con.
Quang Thùy và Quang Bàn lúc bấy giờ đã 17, 18 tuổi.
Quang Toản mới 9, 10 tuổi. Con Ngọc Hân mới 2 tuổi.
Vua Quang Trung phong bà họ Bùi làm Chánh Cung Hoàng Hậu,
bà NgọcHân làm Bắc Cung Hoàng Hậu và lập Nguyễn
Quang Toản làm Thái tử.
Bà họ Phạm được truy phong là Nhân Cung Đoan Tĩnh Trinh
Thục Như Thuần Vũ Hoàng Chánh Hậu, phong cho Quang Thùy
làm Khanh Công Linh Bắc Thành, Tiết Chế Thủ Bộ Chư Quân, phong cho
Nguyễn Quang Bàn làm Tuyên Công Linh Thanh Hóa Đốc Trấn, Tổng Lý
Quân Dân Sự Vụ. Nguyễn Quang Thùy đã được Vua Càn Long phong là
An Nam Quốc Vương Thế Tử. Vua Quang Trung sai sứ đem biểu sang tâu
rằng Thùy là con dòng thứ. Càn Long nghe theo, phong Toản làm An
Nam Quốc Vương Thế Tử thay Thùy. Có người bất bình, ngỏ ý cùng Nguyễn
Quang Thùy, Thùy nói:- Em tôi hay tôi làm Thái tử cũng thế thôi.
Điều cốt yếu là làm thế nào cho nước Đại nam được mỗi ngày thêm
giàu mạnh, nhà Tây Sơn mỗi ngày mỗi thêm vững bền, là tốt.
Hàng trí thức đương thời khen là Đại nhân.Quan chế vẫn tương tợ
như cũ. Đại khái trên thì có Tam công là Thái Sư, Thái phó, Thái
bảo; Tam cô là Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo, Đại chủng tể, Đại
tư đồ, Đại tư mã, Đại tư không; Đại đô đốc, Đại đô hộ. Lại có Trung
thư sảnh, Trung thư lệnh, Lục bộ Thượng thư... Thị lang, Tư vụ.
Trang 104:
[73] Theo cụ Bùi Văn Lang thì bà họ Phạm là người Duy Xuyên
(Quảng Nam), cùng mẹ khác cha với Bùi Văn Nhật, Bùi Đắc Tuyên; năm
30 tuổi được phong làm Hoàng Hậu và sanh hạ được ba trai hai gái,
Quang Toản là trưởng nam. Cụ Bùi đã lầm, vì bà
họ Phạm và bà họ Bùi còn miêu duệ ở Phú Phong, Xuân Hòa.
Ông Quách Giao viết khá rõ, chỉ tiếc là ông không viết về ngày
qua đời của các bà hoàng hậu này. Bà thứ nhất là hoàng hậu họ Phạm,
ông đã xác định là “cụ Bùi đã lầm” trong ghi chú số 73 trang 104,
và chỉ nói là bà mất sớm sau khi đã sanh Quang Thùy và Quang Bàn.
Bà được truy phong là hoàng hậu, khi vua Quang Trung lên ngôi hoàng
đế ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1788) (Ngày vua Quang Trung xưng
đế: theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim). Vậy là bà mất trước
khi vua Quang Trung xưng đế. Sau khi bà mất thì nhà vua mới lấy
bà họ Bùi, mẹ của Quang Toản. Quang Toản sinh năm 1780, lên ngôi
năm 1793 khi mới được 13 tuổi . Vậy có thể nói là hoàng hậu họ Phạm
qua đời trước năm 1780 vài năm (người viết phỏng đoán là 1778).
Bà thứ hai là hoàng hậu họ Bùi, nhà vua cưới bà này sau khi bà
họ Phạm qua đời, bà này có tới 5 người con. Nếu Quang Toản là con
lớn nhất, thì có lẽ nhà vua cưới bà khoảng năm 1778 hay 1779. Ngày
qua đời của bà không thấy ông Quách Giao nhắc đến. Vậy bà qua đời
khi nào? Tìm ra câu trả lời, thì sự giải đáp cho giả thuyết “tranh
chấp ngôi vị” của các bà hậu có lẽ sẽ khá dễ dàng.
Trong bài viết của ông HNC có một đoạn nói về lá thư của giáo sĩ
Girard như sau:
“Theo các tài liệu của Phái bộ Truyền giáo Nam Hà, nhất là lá
thư của giáo sĩ Girard đề ngày 25-11-1792 gởi giáo sĩ Boiret ở Macao,
thì khi hoàng hậu lâm bệnh, vua Quang Trung đã cho mời thầy thuốc
người Âu đến chữa bệnh và đến khi hoàng hậu mất thì nhà vua đau
đớn vật vã đến phát điên phát cuồng. Bà mất ngày 29-3-1791 mà mãi
đến ngày 25-6 năm đó mới đưa đi chôn cất. Bà được truy tặng là Nhân
Cung Đoan Tĩnh Trinh Thục Như Thuần Vũ Hoàng Chính Hậu”.
“Lịch sử nội chiến ở Việt Nam” của Tạ Chí Đại trường, trang 272:
“Người con gái Bắc hà 16 tuổi đó cũng biết nhược điểm của anh
hùng nên đã dùng thế lực riêng của mình mà ảnh hưởng tới quyết định
của Nguyễn Huệ khi đòi phế tự hoàng Lê Duy Kỳ, lập Sùng Nhượng công
Duy Cẩn, khi thì đòi ngược lại, “mếu khóc”, vuốt ve tự ái đấng trượng
phu. Tình cảm mềm yếu cũng tỏ rõ mấy năm sau, khi Quang Trung “điên
cuồng lên” vì một người vợ mất ở Phú Xuân(2)
----
(2) Thư Labartette gởi cho Letondal 6-10-1797 (A. Launay, III, t
244)”.
Tài liệu của Phái bộ Truyền giáo Nam Hà, thư của giáo sĩ Girard
và đoạn trích dẫn nói rõ là có một bà hoàng hậu chết năm 1791, khi
vua Quang Trung đang ở ngôi (1788-1792) . Như đã trình bày ở trên,
bà họ Phạm qua đời trước năm 1780. Vậy thì người qua đời ngày 29
tháng 3 năm 1791, phải là bà hoàng hậu họ Bùi, mẹ của Quang Toản.
Tuy nhiên sách “Nhà Tây Sơn”, cũng như bài viết của ông HNC đều
nói tước hiệu “Nhân Cung Đoan Trinh Thục Như Vũ Hoàng Chính Hậu”
là vua Quang Trung truy phong cho bà hoàng hậu họ Phạm. Vậy sự việc
như thế nào? Bà họ Phạm chết năm 1791? Mâu thuẫn về chuyện các bà
hậu trong sách “Nhà Tây Sơn”?
Tới chỗ khúc mắc này thì chúng ta phải dùng nhận xét để phán đoán,
đồng thời để kiểm chứng lại sự việc.
Chữ“truy phong”hay “truy tặng”
chỉ dùng khi nào người đó đã qua đời. Vua Quang Trung truy phong
tước Vũ Hoàng Chính Hậu cho một người vợ đã khuất, lúc này, năm
1788, (khi Nguyễn Huệ vừa xưng ngôi là hoàng đế Quang Trung), nhà
vua vẫn có hai bà hoàng hậu đang sống bên cạnh, một bà hoàng hậu
sẽ qua đời năm 1791, là bà họ Bùi, như đã được nói tới trong những
dẫn chứng bên trên, và bà hoàng hậu kia là Ngọc Hân công chúa mà
vua Quang Trung cưới năm 1786 khi ra Bắc hà, điều này đã được viết
rõ ràng và đồng nhất trong tất cả các sử liệu. Nếu vậy, sách “Nhà
Tây Sơn” không có điều gì mâu thuẫn mà còn rất hợp lý, vì ông Quách
Giao nói rõ đây là tước hiệu truy phong cho bà họ Phạm mà không
nói là truy phong cho bà họ Bùi. Vậy, câu viết: “Bà được truy
tặng là Nhân Cung Đoan Tĩnh Trinh Thục Như Thuần Vũ Hoàng Chính
Hậu” trong bài viết của ông HNC, có lẽ không cần thiết vì có
thể nhầm người. Đến lúc này tước hiệu truy phong cho bà họ Bùi người
viết vẫn chưa thấy sử liệu nào nói đến, có lẽ vì thất lạc, hay chưa
được truy phong (vua Quang Trung qua đời ngày 29 tháng 7 năm Nhâm
Tý (16-9-1792) sau bà này một năm, hoặc vì người viết chưa đọc đủ
sử liệu.
Để bổ túc cho lập luận nêu trên, người viết xin lạm bàn về việc
lập thái tử của vua Quang Trung. Trong chiếu của vua Càn Long, khi
phong vương cho vua Quang Trung thì đồng thời cũng phong thế tử
cho Quang Thùy, nhưng sau đó vua QT lại gởi biểu văn xin đổi chức
thế tử lại cho Quang Toản (con bà họ Bùi). Vua Quang Trung, mặc
dù là tay anh hùng vô địch và oai nghiêm, nhưng đối với những bà
vợ mà ông thương yêu thì lại rất yếu mềm. Khi công chúa Ngọc Hân
khuyên ông đừng lập Lê Duy Kỳ (Lê Chiêu Thống) làm vua, mà lập Sùng
Nhượng Công Lê Duy Vỹ (Cẩn?) là anh cả của công chúa Ngọc Hân, ông
bằng lòng. Rồi vì sự đe dọa của các hoàng thân họ Lê (đòi xóa tên
công chúa trong dòng họ), công chúa lại năn nỉ cho Duy Kỳ lên làm
vua, ông cũng lại đổi ý. Vậy lý do Quang Thùy là con trưởng không
được làm thái tử, chắc cũng vì lời của bà họ Bùi “ỏn thót” bên tai
nhà vua về ngôi thái tử của con mình, mặc dù khi Quang Trung qua
đời (1792), Quang Toản lúc đó mới chỉ là một cậu bé (13 tuổi) và
Quang Thùy đã khá lớn tuổi (23 tuổi). Vì thiếu hậu thuẫn (không
còn mẹ là bà họ Phạm) và vì lời của người đàn bà được nhà vua yêu
thương, nên Quang Thùy đã mất ngôi thái tử.
Trong phần phụ lục của sách “Nhà Tây Sơn”, bài “Ảnh hưởng của nhà
Tây Sơn trong dòng họ Quách” của Quách Tấn (PDF file, trang 95)
viết như sau:
“Nếu vua Quang Trung đừng nghe lời bà họ Bùi truất ngôi thái
tử của con trưởng dòng đích là Nguyễn Quang Thùy đã được vua Càn
Long phong thế tử, thì ngôi cửu ngũ đâu có lọt vào tay Nguyễn Quang
Toản con dòng kế, mới 13 tuổi, khiến sanh việc lủng củng trong triều,
làm cho thế nước mỗi ngày một yếu”.
Bà hoàng hậu họ Bùi này là ai? Có bà này hiện diện trong triều
Tây Sơn hay không?
Không thấy tài liệu nào nói rõ, ngoại trừ trong Việt Nam Sử Lược
của Trần Trọng Kim, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin 1999 (VNSL-TTK)
- có nói sơ qua một cách gián tiếp như sau:
VNSL-TTK-t411: “ Vua Cảnh Thịnh tuy đã lên ngôi nhưng mà việc
gì cũng do ở Thái sư là Bùi Đắc Tuyên quyết đoán cả. Bùi
Đắc Tuyên là anh ruột bà Thái hậu, cho nên uy quyền lại
càng hống hách lắm.”
Trong Việt Sử Khảo Luận của ông Hoàng Cơ Thụy VSKL-HCT-q2-t802 cũng
nhắc qua như sau:
“Huệ đã có vợ nguyên phối họ Bùi, sinh một trai năm 1783 đặt
tên là Nguyễn Quang Toản, sau còn hai trai nữa là Quang Thùy và
Quang Thiệu (...).
…
-Sau khi Huệ tự xưng làm Quang Trung hoàng đế tháng 12/1788, phá
tan 20 vạn quân Thanh tháng 1/1789, thì phong bà Ngọc Hân làm Bắc
Cung Hoàng Hậu. Chắc bà vợ họ Bùi được phong làm Nam Cung hoàng
hậu”.
Có lẽ là ông Hoàng Cơ Thụy không biết về bà họ Phạm nên nói Quang
Thùy là con bà họ Bùi, và “Nam Cung Hoàng Hậu” là do ông đoán ra.
Sách “Nhà Tây Sơn” của ông Quách Giao, mặc dù tác giả đã nói đây
không phải bộ sử về nhà Tây Sơn, nhưng theo thiển ý, có lẽ sách
này đưa ra nhiều tài liệu nhất. Gia đình nhà văn Quách Tấn và con
là Quách Giao đã từng ở đất Bình Định, có nhiều liên hệ tới nhà
Tây Sơn (phần phụ chú cuối sách), nên những tài liệu đưa ra có tính
cách khá khả tín. Vậy chúng ta thử xem sách “Nhà Tây Sơn” (PDF file)
nói gì về họ Bùi.
Trang 9 :
“Ông Huệ về nhà kết duyên cùng bà Phạm Thị Liên, người thôn
Phú Phong huyện Tuy Viễn”.
Trang 22:
“Bùi Đắc Lương , một cự phú thôn Xuân Hòa huyện Tuy Viễn. Ông
Lương sanh ba trai là Bùi Đắc Chí, Bùi Đắc Trung, Bùi Đắc Tuyên
và hai gái là Bùi thị Loan, Bùi thị Nhạn. Bùi thị Xuân là con Bùi
Đắc Chí gọi Bùi thị Nhạn bằng cô, nhưng Bùi nữ tướng lớn tuổi hơn”.
Vậy bà hoàng hậu họ Bùi này có tên là Bùi Thị Loan.
Bà Bùi Thị Nhạn là em nhưng lại là nữ tướng dưới trướng Bù i thị
Xuân nên không thể là Hoàng Hậu.
Trang 64 có nói về thái sư Bùi đắc Tuyên Như sau:
“Bùi Đắc Tuyên là người làng Xuân Hòa huyện Tuy Viễn (Bình Khê),
phủ Qui Nhơn, cậu ruột vua Cảnh Thịnh. Dưới triều vua Quang Trung.
Tuyên nhờ thế em gái làm hoàng hậu (83) mà được làm quan trong triều.
Vì ít học nên chỉ được làm Thị Lang bộ Lễ, nhưng lại được phép ra
vào nơi cung cấm. Tuyên thường bày nhiều trò chơi để vui lòng Thái
Tử”
Trang 105:
“(83) Tuyên là anh ruột bà hoàng hậu họ Bùi, là anh con bác
ruột của Bùi thị Xuân” . Chỗ này có lẽ ghi lầm, Bùi Đắc Tuyên
là chú ruột bà Bùi Thị Xuân.
Qua những trích dẫn trên thì tiểu sử của bà hoàng hậu họ Bùi đã
khá rõ:
Bà là con của ông Bùi Đắc Lương, là cô ruột của nữ tướng Bùi Thị
Xuân và là em ruột của thái sư Bùi Đắc Tuyên
Để đi đến kết luận cho giả thuyết này, người viết xin tóm tắt lại
như sau:
Vua Quang Trung có bà vợ lớn là hoàng hậu họ Phạm (Phạm Thị Liên)
mẹ của Nguyễn Quang Thùy, qua đời khoảng năm 1778 hay trước đó,
được truy phong là Nhân Cung Đoan Tĩnh Nhân Thục Như Thuần Vũ Hoàng
Chính Hậu khi vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế năm 1788.
Vua Quang Trung lấy bà họ Bùi làm vợ kế, bà là Chánh Cung Hoàng
Hậu mẹ của vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) sau khi bà họ Phạm
đã qua đời.
Năm 1792, khi Thái tử Quang Toản lên ngôi vua, hai bà hoàng
hậu họ Phạm và họ Bùi đã tạ thế, chỉ còn Bắc Cung Hoàng Hậu đang
sống là Ngọc Hân Công Chúa (bà viết bài “Ai Tư Vãn” khóc vua Quang
Trung). Vậy chuyện tranh giành đã không bao giờ xảy ra. Giả thuyết
“ Ngọc Hân Công Chúa và hai con đã bị bí mật thủ tiêu vì sự tranh
chấp ngôi vị” không đứng vững và phải bị loại bỏ.
Thuyết thứ 3: Công chúa Ngọc Hân thành một bà phi của
Thế tổ nhà Nguyễn ?
Theo sử gia Phạm Văn Sơn, giả thuyết này được đưa ra do ông Việt
Thường trong bài “Les caprices du génie du mariage ou l'extraordinaire
destinée de la Pricesses Ngọc Hân” (Những sự oái oăm của Nguyệt-lão
hay là số kiếp ly kỳ của Ngọc Hân công chúa). Bài này được đăng
trong “Bulletin des Amis du Vieux Huế” (Đô-thành hiếu cổ) số 4 phát
hành 1941 (xin xem phần phụ chú).
Đại ý bài này nói là vua Gia Long gặp Ngọc Hân Công Chúa tại kinh
thành Phú Xuân năm 1801, và nhà vua đã lấy bà này làm phi, dù có
lời can ngăn của Lê Văn Duyệt.
Có lẽ ông Phạm Việt Thường “theo hai câu ca dao của thời nhân
bấy giờ :
Số đâu có số lạ lùng
Con vua mà lấy hai đời chồng vua”
(VSTB-PVS q2-t60) và một số sử liệu để tiểu thuyết hóa sự việc chăng?
Mở đầu bài “Công chúa Đông Đô, hoàng hậu Phú Xuân, nàng là ai?”,
ông Minh Vũ Hồ Ngọc Châm (HNC) viết như sau:
“Trên dưới hai trăm năm nay, trong dân gian thường truyền tụng
câu ca dao:
Gái đâu có gái lạ đời
Con vua lại lấy hai đời chồng vua”.
Tuy hai câu ca dao lời có khác đôi chút nhưng ý giống nhau. Cũng
trong bài này ông viết:
“Nhưng độc đáo hơn hết, phải kể đến bản gia phả của họ Nguyễn
hoàng tộc. Đó là cuốn Hoàng Triều Ngọc Phả, bản quốc ngữ, do Tôn
Nhân Phủ biên soạn và ấn hành dưới triều vua Thành Thái. Trong cuốn
sách này, ở các chương nói về Quảng Oai công và Thường Tín Quận
vương con vua Gia Long, rõ ràng mẹ đẻ của ngài được ghi là Công
chúa Lê Ngọc Hân, con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê. Thật là rõ ràng
và chính xác như một cộng một là hai, như hai cộng hai là bốn, không
còn bàn cãi gì nữa cả. Người viết đã chính mắt được đọc những dòng
chữ đó vào năm 1988 tại nhà nhạc phụ, sách do ông Tôn Thất Yên đưa
cho mượn. Ông Tôn Thất Yên lúc bấy giờ là người được hội đồng Nguyễn
Phước tộc ủy thác điều hành công việc thường ngày của Hội đồng Nguyễn
Phước tộc ở Sài gòn, và được hội Trung Việt Ái hữu ủy thác trông
nom quản lý nghĩa trang Gò Dưa, Thủ đức”.
Sự việc lại càng rắc rối hơn nữa khi ông HNC đưa ra dữ kiện này.
Mặc dù chính ông không đồng ý và đưa ra giải thích như sau:
“Xin thưa ngay rằng cuốn gia phả này là bản quốc ngữ, không
phải bản hán văn, lại không phải do Quốc sử quán biên soạn mà là
tác phẩm phiên dịch của Tôn Nhân Phủ từ bản hán văn cũng của Tôn
Nhân Phủ mà ra, mà bản hán văn này thì trong các chương nói về Quảng
Oai công và Thường Tín Quận vương đã viết rằng mẹ các ngài là công
chúa Lê Ngọc, con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê. Cái lối hành văn cổ
điển bằng Hán tự thì có khi nào nêu rõ tục danh đâu. Mà tác giả
bản Hán văn khi viết rằng mẹ các ngài là công chúa Lê Ngọc, con
vua Hiển tông nhà Hậu Lê, thì đã chắc đâu muốn khẳng định rằng đó
là công chúa Lê Ngọc Hân. Biết đâu tác giả bản Hán văn muốn nói
đến một nàng công chúa Lê Ngọc khác, cũng con vua Hiển tông nhà
Hậu Lê? Mà điều này thì những người phiên dịch ra quốc ngữ đã không
hề hay biết, lại thêm nặng tình tân học, viết lách trình bày việc
gì cũng muốn tách bạch rõ ràng nên đã phiên dịch nhóm chữ "Công
chúa Lê Ngọc, con vua Hiển tông" thành "Công chúa Lê Ngọc
Hân, con vua Hiển Tông" theo sở kiến chủ quan của mình”.
Người viết đồng ý với ông HNC là dịch thuật để đưa đến vấn đề sai
lầm, đặc biệt là về tên khi người dịch có ý tưởng chủ quan . Tuy
nhiên mấy ai mà có may mắn được đọc và hiểu cả nguyên bản lẫn bản
dịch để kiểm chứng vấn đề.
Vậy đâu là sự thật?
Chuyện vua Gia Long lấy một người công chúa họ Lê, người công chúa
này có phải là hoàng hậu như câu ca dao“ Con vua mà lấy hai đời
chồng vua” hay không?
Đời của Ngọc Hân công chúa có xảy giống như bài viết với tính cách
tiểu thuyết hóa của ông Phạm Việt Thường hay không?
Căn cứ vào các tài liệu thì chuyện này có thật hay chăng?
Sự việc phải kết luận như thế nào?
Để hy vọng có câu trả lời, người viết xin phép nêu vài tài liệu
cần thiết:
Trong Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn,
nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế 1997. Bản dịch bởi các nhà Hán học như
các ông Hoa Bằng, Đỗ Mộng Khương, Ngô Hữu Tạo, Cao Huy Giu, Nguyễn
Trọng Hân
Tập 2, quyển 2: -Truyện của các hoàng tử- Các con của Thế Tổ Cao
Hoàng Đế (vua Gia Long), trang 66 có viết như sau:
“Quảng Uy công tên là Quân:- Con thứ mười của Thế tổ, mẹ là
Đức Phi họ Lê. Năm Gia Long thứ 16 phong là Quảng Uy Công.
...
Năm Minh Mạng thứ 10 (1829) là năm Kỷ Sửu mùa hạ, ông bị bệnh đậu
chết, mới 21 tuổi....tên thụy là Công Trực....
Ông không có con thừa tự.
Cũng trang 66 viết :
“Thường Tín công tên là Cự: -Con thứ 11 của Thế Tổ (Gia long),
là em cùng mẹ với Quảng Uy Công tên là Quân. Năm Gia Long thứ 16
phong là Thường Tín Công. Buổi đầu năm Minh Mạng, coi việc thờ tự
Long Thành thái trưởng công chúa. Năm Tự Đức thứ hai (1849) mùa
hạ ông mất, thọ 40 tuổi, tên thụy là Ôn Tĩnh. Ông có 7 con trai,
11 con gái, con thứ ba là Thường Đổng, năm Tự Đức thứ 8 (1855 )
phong là Vĩnh Ân đình hầu; con thứ năm là Thường Lâu, năm ấy cho
tước là Trợ Quốc khanh”.
Cũng tập 2, quyển 3: -Truyện của các công chúa - Các con của Thế
Tổ Cao Hoàng Đế (vua Gia Long), trang 74 có viết như sau:
“An Nghĩa Công Chúa Ngọc Ngôn:-Con gái thứ 10 của Thế tổ, là
em gái cùng mẹ với Quảng Uy Công tên là Quân. Năm Minh Mạng thứ
4 (1823), gả cho Lê Văn Yên là con cả Lê Văn Phong làm con thừa
tự Lê Văn Duyệt. Năm thứ 16 (1835) việc án của Duyệt phát ra, Yên
bị tội phải xử tử. Năm Tự Đức thứ 7, phong là An Nghĩa thái thái
trưởng công chúa. Năm thứ 9 (năm Tự Đức thứ 9, 1856) , chúa mất
thọ 53 tuổi, tên thụy là Trinh Lệ, có 3 con trai”.
Cũng trang 74 viết :
“Công chúa Ngọc Khuê: - Con gái thứ 12 của Thế Tổ, là em gái
cùng mẹ với An Nghĩa công chúa Ngọc Ngôn. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825),
gả cho vệ úy Nguyễn Văn Thiện là con thứ của Kinh Môn quận công
Nguyễn Văn Nhân. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), chúa mất, tuổi 21,
tên thụy là Trinh Ý. Năm thứ 9 (1828), Thiện chết, có một con trai”.
Người viết xin tóm tắt lại từ các đoạn tài liệu nêu trên như sau:
Bà Lê Đức Phi có 4 người con với vua Thế Tổ (vua Gia Long) :
1- An Nghĩa công chúa Ngọc Ngôn ( 1803-1855): 53 tuổi.
2- Công chúa Ngọc Khuê (1807-1827): 21 tuổi.
3- Quảng Uy công Quân (1809-1829): 21 tuổi.
4- Thường Tín công Cự (1810- 1849): 40 tuổi.
Như đã trình bày ở trên, giả thuyết này nói bà Đức Phi họ Lê chính
là Ngọc Hân Công Chúa. Để chống lại giả thuyết này nhiều người nói
đây là một bà công chúa khác, tên là Lê Ngọc Bình, cũng là hoàng
hậu và là vợ của vua Cảnh Thịnh. Vua Gia Long đã lấy bà này làm
phi, bà đã không kịp chạy theo vua Cảnh Thịnh khi Phú Xuân (Huế)
thất thủ năm 1801.
Vậy bà Lê Đức phi này là ai? Ngọc Hân hay Ngọc Bình Công Chúa ?
Người viết xin trích dẫn vài hàng về tiểu sử của Ngọc Hân
Công Chúa trong bài “Danh nhân Lê Ngọc Hân” của ông Chu
Quang Trứ, vì theo thiển ý, đây có lẽ là tài liệu có nhiều chi tiết
nhất:
“Bài vị bà (Nguyễn Thị Huyền) ở đền thờ tại Phù Ninh (nay là
làng Ninh - Gia Lâm - Hà Nội) ghi rõ: “Cố Lê Chiêu Nghi Nguyễn Thị
Húy Huyền, hiệu Thiện Trung sinh giờ Dậu ngày mồng 3 tháng 10 năm
Quý Dậu (28-10-1753), mất giờ Hợi ngày mồng 1 tháng 8 năm Quý Mùi
(1823), thọ 71 tuổi. Bà Huyền sinh công chúa Lê Ngọc Hân vào giờ
Sửu ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (22-5-1770)”.
….
Ngọc Hân vào Phú Xuân sống hạnh phúc bên chồng. Cuối năm 1788 được
tin quân Thanh xâm lược đã chiếm Thăng Long, Nguyễn Huệ lên ngôi
hoàng đế để chính danh tiến quân ra Bắc, phong Ngọc Hân làm Hoàng
hậu ở tộc phả họ Nguyễn Đình ghi là Trinh Nhất Vũ Hoàng hậu. Sau
khi vua Quang Trung đại thắng quân Thanh, vào đầu xuân Kỷ Dậu lại
trở về Phú Xuân, và Ngọc hân đã sinh với vua được con gái đầu lòng
là công chúa Ngọc Bảo vào giờ Hợi ngày 20 tháng 4 năm Canh Tuất
(4-6-1790), rồi hoàng tử Văn Đức vào giờ Mão ngày 14 tháng Giêng
năm Tân Hợi (27-2- 1791)
….
Bà đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền
(Dương Xuân ố Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. Bà
gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4-12-1799) thì mất,
lúc ấy mới 29 tuổi”.
Nét đại cương các sử liệu giống nhau, ngoại trừ chuyện chung cuộc
của Ngọc Hân công chúa .
Về Ngọc Bình Công Chúa thì VSTB-PVS-t60-q2 viết:
“người đàn bà đẹp mà Gia Long gặp ở Phú Xuân là ai? Ông Bửu
Kế trong Bách-Khoa số 101 ngày 15-6-1961 sau khi tra cứu các pho
Ngọc-điệp của nhà Nguyễn đã trả lời người đó là Lê Thị Bình, con
út của vua Lê Hiển Tông tức là em bà Ngọc Hân. Bà này sinh với Gia
Long hai con là Quảng Oai và Thường Tín quận công, duy ông Bửu Kế
không phát biểu chi tiết để ta có thể hiểu sao lại có cuộc hôn nhân
giữa bà Lê Thị Bình với vua Gia Long vào năm 1801, giữa lúc chiến
dịch Phú Xuân đang rất gay go.
….
Tóm lại, chiếu theo các sự kiện kể trên bài của ông Việt
Thường chỉ sai một điểm là lầm bà Ngọc Hân ra bà Ngọc Bình. Ông
Bửu Kế nhận rằng vua Gia Long lấy bà Lê Thị Ngọc-Bình sinh ra hai
con đã rọi thêm được một vài tia sáng”.
Vậy theo ông Bửu Kế, bà Đức Phi họ Lê này là công chúa Lê Thị Ngọc
Bình, tuy nhiên, như ông PVS viết, ông Bửu Kế đã không phát biểu
thêm, nên chưa đi đến kết quả có tính cách xác định.
Trong bài “Công chúa Đông Đô”, ông HNC đã nói tới công chúa Ngọc
Bình với khá nhiều chi tiết như sau:
“Theo các tài liệu do ty Văn hóa Nghĩa Bình công bố, vua Cảnh
Thịnh và công chúa Lê Ngọc Bình đồng trang lứa với nhau. Vua Cản
Thịnh sinh năm 1783, đúng như Đại Nam Chính Biên Liệt truyện và
các phúc trình của các giáo sĩ Longer và Le Labousse gởi cho Phái
bộ Truyền giáo Nam Hà đã ghi chép. Như vậy, ngày công chúa Lê Ngọc
Hân vầy duyên cá nước với Tiết chế Nguyễn Huệ (1786) thì công chúa
Lê Ngọc Bình mới có 4 tuổi. Đến năm Bính Ngọ (1792), vua Quang Trung
mất, vua Cảnh Thịnh lên nối ngôi, cả nhà vua lẫn công chúa mới được
10 tuổi. Thời gian này cả hai đang ở tuổi trúc mã thanh mai. Những
năm tiếp theo là những năm Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền nên
chắc chắn là công chúa Lê Ngọc Hân dù đã có ý định vẫn chưa thể
thực hiện việc kết hợp sắt cầm cho em gái với con chồng. Phải đợi
đến sau chính biến năm Ất Mão (1795), phe cánh Thái sư Bùi Đắc Tuyên
bị dẹp tan, công chúa Lê Ngọc Hân mới có điều kiện thu xếp đưa em
gái lên ngôi Chính cung Hoàng hậu.
Lúc này, các bề tôi thân tín lục tục trở về triều, công chúa Lê
Ngọc Hân củng cố lại thế lực trong chốn nội đình và có ảnh hưởng
quyết định đến công việc triều đình, thì cũng là lúc công chúa Lê
Ngọc Bình vừa được 13 tuổi. Như vậy, công chúa Lê Ngọc Hân đối với
công chúa Lê Ngọc Bình thì vừa là chị ruột, vừa là mẹ chồng. Cả
hai đều là công chúa Đông đô con vua Hiển tông nhà Hậu Lê. Cả hai
đều trở thành Hoàng hậu Phú Xuân, công chúa Lê Ngọc Hân là Bắc cung
Hoàng hậu của Thái tổ Vũ Hoàng đế, công chúa Lê Ngọc Bình là Chính
cung Hoàng hậu của vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản. Đến năm Kỷ
Mùi (1799), niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7, công chúa Lê Ngọc Hân mất,
công chúa Lê Ngọc Bình vừa được 17 tuổi. Đến năm Tân Dậu (1801),
niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 9, kinh thành Phú Xuân thất thủ, vua Cảnh
Thịnh chạy ra Bắc hà không kịp mang theo gia quyến, thì công chúa
Lê Ngọc Bình chỉ có 19 tuổi, nếu tính tuổi theo lối ngày nay thì
công chúa Lê Ngọc Bình chỉ mới 18 tuổi mà thôi. Chính vào thời điểm
này Đại Nguyên súy Tổng Quốc chính Nguyễn Phúc Ánh gặp công chúa
Lê Ngọc Bình và năm sau, tức là năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn vương
lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long, và sắc phong công
chúa Lê Ngọc Bình là Đệ Tam cung, năm ấy công chúa Lê Ngọc Bình
vừa tròn 20 tuổi”.
Ông HNC cũng nói về lúc Nguyễn Vương gặp Ngọc Bình công chúa là
năm Ất Sửu (1801), giống với lý luận của ông PVS trong VSTB q2-t60
như sau:
“... bà Ngọc-Bình chỉ có thể gặp vua Gia Long ở Phú Xuân mà
thôi bởi không thấy sử liệu nào nói Gia Long ra Bắc hà rồi lấy một
công chúa họ Lê nhất là trước đó 10 năm vua Chiêu Thống chạy qua
Tàu, hoàng gia thất tán đi đâu hết thì làm thế nào mà có được sự
tao phùng giữa Gia Long và một nàng Công -chúa của họ Lê tại xứ
Bắc?
Hơn thế nữa sử chép Nguyễn-Ánh đánh úp kinh đô Phú Xuân. Thủy sư
đột nhập cửa Tư Dung tháng 5 năm Tân Dậu (11-6-1801) và thu phục
được đô thành sau ba ngày chiến đấu ráo riết và ác liệt.
Tóm lại, chúng tôi cũng đề kết rằng bà Lê thị Bình là con gái út
của vua Lê Hiển Tông nhưng là vợ của vua Cảnh Thịnh (tức là bố lấy
chị, con lấy em), như vậy mới hợp với câu:
“Con vua mà lấy hai chồng làm vua”.
Ông Việt Thường nêu ra tất có sự thật và có cả sự thật là lời can
gián của Lê ăn Duyệt.
Ở đây ta thấy thêm nữa là yếu tố thời gian tỏ rõ là Gia Long
gặp bà Lê thị Bình tại Phú Xuân đúng vào năm 1801 và lúc này Cảnh
Thịnh vừa chạy ra Bắc để tính mưu khôi phục
Chúng tôi, sau khi đối chiếu và tổng hợp các sử liệu nhận thấy rằng
bài của ông Việt Thường và các điều văn của Phan Huy Ích là những
bằng cớ rất đáng chú ý để kết luận như trên, tuy rằng chúng tôi
vẫn chỉ đưa ra một giả thuyết do không kiếm ra được tài liệu nào
chính xác hơn nữa.
…. Mong các bạn đọc góp thêm ý kiến nếu có, may ra nghi vấn về bà
Ngọc hân được thêm chút ánh sáng nào nữa chăng?”.
Để góp thêm ý kiến, và để bổ túc cho lập luận mà ông PVS cũng như
ông HNC đã đưa ra, người viết thử nêu lên những nhận xét như sau
để may ra có thể đi đến kết luận: Bà Đức Phi họ Lê không thể là
Ngọc Hân Công Chúa.
1- Trong bài “Ai tư vãn”, Ngọc Hân Công Chúa đã nói lên tâm sự
riêng của bà sau khi vua Quang Trung qua đời là “Quyết liều
mong vẹn chữ tòng” để chết theo nhà vua nhưng vì con còn thơ
dại (Ngọc bảo 2 tuổi, Ngọc Đức 1 tuổi) “con trứng nước thương
vì đôi chút”, nên “chữ tình thâm chưa thoát được đi”, và “hình
tuy còn ở, phách thì đã theo”. Những câu viết ra như những
lời thề với “đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho”.
Năm 1802, nếu bà còn sống mà thấy cảnh Quang Toản, các con của mình,
cũng như các hoàng tử và công chúa bị hình phạt 5 voi xé xác, cùng
các võ tướng nhà Tây Sơn bị giết thì bà đã tự tử chết theo, hay
bà có thể trở thành “Đệ Tam cung” của Nguyễn Ánh, an hưởng phú quí
và sinh cho Gia Long thêm bốn người con ?
2-Nói về vấn đề tuổi tác, Lê Đức Phi sinh Thường Tín công Cự năm
1810. Nếu bà Đức phi là Ngọc Hân công chúa thì lúc này bà đã 41
tuổi. Ở tuổi này liệu bà vẫn còn được Gia Long sủng ái, trong khi
bên cạnh ông còn biết bao nhiêu cung tần mỹ nữ khác. Chuyện một
ông vua sủng ái một bà phi 41 tuổi có thể xảy ra, nhưng khó tin.
Nếu Đức Phi là Ngọc Bình thì chuyện dễ tin hơn vì lúc này bà mới
28 tuổi.
3-Trong bài “Danh nhân Lê Ngọc Hân”, ông Chu Quang Trứ viết như
sau:
“Vẫn theo tộc phả họ Nguyễn Đình và kết hợp truyền thuyết địa
phương, thì vào khoảng thời gian đời Minh Mạng sang đời Thiệu Trị,
có người trong làng tố giác việc thờ cúng này, vua Thiệu Trị đã
cho phá hủy đền thờ ở dinh Thiết Lâm, quật mộ ba mẹ con
Ngọc Hân, đổ hài cốt xuống sông - nơi này sau dân lập đền
ghềnh thờ bà; chánh tổng bị lột da nhồi trấu, tri phủ bị cách chức.
Bộ sử Đại nam thực lục năm 1842 cũng xác nhận: “Tới đây,
việc ấy phát giác, vua sai hủy đền thờ, đào bỏ hài cốt kẻ ngụy”.
Từ năm 1842 dinh Thiết Lâm bị phá, nền dinh bỏ hoang thành đất công
của làng, nhưng dân vẫn gọi là “Vườn Dinh” và dựng lên đây Một “Miếu
cô hồn” kín đáo thờ Ngọc Hân”.
Lúc này -1842- Công chúa An Nghĩa Ngọc Ngôn (1803-1855) , Thường
Tín công Cự vẫn còn sống (1810-1849) họ là cô và chú của vua Thiệu
Trị, nếu bà Lê Đức Phi là Ngọc Hân, thì họ có để cháu quật mộ của
mẹ mình không. Hơn nữa chả lẽ vua Thiệu Trị nỡ quật mộ vợ ông nội
mình, triều đình nhà Nguyễn lại quật mộ bà phi của Thế Tổ, điều
này trái với đạo lý cho một triều đình theo Nho học. Việc này đã
được ghi vào sử nhà Nguyễn thì chuyện đào mộ một bà phi của Thế
Tổ không thể xảy ra. “Kẻ Ngụy” không thể là bà Lê Đức Phi này.
4- Năm bài văn tế của ông Phan Huy Ích trong Dụ Am Văn Tập, để
tế Bắc Cung Hoàng Hậu là tài liệu quan trong nhất để xác định Ngọc
Hân Công Chúa qua đời năm 1799, lúc nhà Tây Sơn chưa bị mất (người
viết sẽ đi vào chi tiết trong phần tới). Bà qua đời 2 năm trước
khi Gia Long chiếm Phú Xuân.
Để chứng minh, một sự kiện có thể không đủ sức thuyết phục, tuy
nhiên, từ nhiều sự kiện tương quan cùng những tài liệu dẫn chứng
thì tới đây, ta có thể đi đến kết luận là bà Lê Đức Phi
mẹ của Quảng Oai Công, Thường Tín Công, hai công chúa là Ngọc Ngôn
và Ngọc Khuê không phải là Ngọc Hân Công Chúa.
Vậy Lê Đức Phi là Ngọc Bình Công Chúa?
Bà này là hoàng hậu, vợ của vua Cảnh Thịnh?
Sử liệu về tiểu sử của vị công chúa họ Lê tên là Ngọc Bình rất là
ít. Năm 1802, khi bị bắt Quang Toản đã 20 tuổi (sinh năm 1783),
ở tuổi này, chắc chắn ông vua trẻ này đã có vợ (mà có thể còn có
nhiều). Tới lúc này người viết vẫn chưa tìm thấy sử liệu nào nói
về bà hoàng hậu (?) vợ của vua Cảnh Thịnh (Quang Toản).
Trong các dẫn chứng bên trên từ VSTB-PVS-q2-t60, ông Bửu Kế chỉ
nói người mà vua Gia Long gặp là Lê Thị Bình, con út vua Lê Hiển
Tông, em Ngọc Hân Công Chúa, nhưng sử gia Phạm văn Sơn thì “đề kết”
bà Lê Thị Bình là vợ của vua Cảnh Thịnh:
“ông Việt Thường nêu lên tất có sự thật và có cả sự thật là
lời can gián của Lê Văn Duyệt khi vua Gia Long lấy bà Lê Thị Bình
như sau: “…..Xin bệ hạ tha tội cho chúng tôi, mặc dầu người đàn
bà ấy đẹp thế nào nhưng vẫn là vợ của kẻ thù nghịch” “
Ông HNC viết : Chỉ từ sau năm 1975, ty thông tin Văn hóa Nghĩa
Bình ấn hành và phổ biến một số tài liệu liên quan đến thân thế
và sự nghiệp các nhân vật đời Tây Sơn, chúng ta mới bắt đầu chú
ý các nhân vật như Lê Ngọc Bình, là công chúa con vua Hiển tông
nhà Hậu Lê và là Chính cung Hoàng hậu vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang
Toản.
Theo các tài liệu do ty Văn hóa Nghĩa Bình công bố,à” và ông HNC
cũng đã nói khá rõ về tiểu sử của bà Lê Ngọc Bình. Tuy nhiên ông
viết là năm 1795, Ngọc Hân Công Chúa (Bắc Cung “Thái hậu”?) đưa
em mình lên ngôi chính hậu. Công Chúa Lê Ngọc Bình cũng như Quang
Toản mới 13 tuổi mà đã có hôn nhân? Trên danh nghĩa chăng? Người
viết chưa được đọc tài liệu này, nên chỉ dám tự hỏi nhưng không
dám lạm bàn.
Vậy bà Lê Ngọc Bình (hay Lê thị Ngọc Bình) là vợ của Nguyễn Quang
Toản. Tuy nhiên bà là chính cung hoàng hậu, hay là phi tần của vua
Cảnh Thịnh hay không thì không rõ, nhưng bà Lê Ngọc Bình
đã trở thành một trong những bà phi của Nguyễn Ánh từ năm 1801 và
khi lên ngôi hoàng đế, Gia Long đã phong bà này là Đệ Tam Cung-
Đức Phi họ Lê. Những sự kiện này có lẽ đã giải thích được
câu ca dao “Con vua mà lại lấy hai đời chồng vua”.
Trước khi sang phần tới, người viết xin trích dẫn một về một nhận
xét rất tinh tế của ông HNC : “Hành động của vua Gia Long không
phải là hành động của con người bình thường tiếc ngọc thương hoa..
là một hành động tâm lý chiến sâu sắc của một chính trị gia bậc
thầy, một hành động có tính toán kỹ lưỡng và khôn ngoan tuyệt cùng”.
D- Thuyết thứ 4: “Ngọc Hân công chúa qua đời năm 1799”
Trước khi lạm bàn về giả thuyết này, người viết xin gom lại những
kết luận từ những phần trước:
1. Ngọc Hân Công Chúa và hai con là Ngọc Bảo và Văn Đức
không hề đi trốn sau khi Phú Xuân thất thủ năm 1801. Ngọc Bảo
và Văn Đức đã bị quân Gia Định bắt sống.
2. Ngọc Hân Công Chúa và hai con không hề bị thủ tiêu vì sự tranh
chấp ngôi vị.
3. Ngọc Hân Công Chúa không phải là bà Lê Đức Phi, Ngọc Bình Công
Chúa - em của Ngọc Hân Công Chúa- là bà Đức Phi họ Lê, người đã
trở thành phi tần của vua Gia Long sau khi Phú Xuân thất thủ.
Qua những trình bày trên, có một câu hỏi khác được đặt ra là Ngọc
Hân Công Chúa ở đâu khi Phú Xuân thất thủ năm 1801?
Trong trích dẫn ở phần trước (mục A), LSNCVN-TCĐT trang 335-356,
nói về việc các quan văn võ nhà Tây Sơn ra hàng, việc viên sĩ quan
người Pháp là Barizy đi thăm các thân quyến nhà Tây Sơn trong tay
quân Nguyễn , ông ta đã không đề cập gì đến Ngọc Hân Công Chúa,
dù nói rất rõ về con của bà. Vậy năm 1801, bà đã không có mặt tại
thành Phú Xuân. Rồi năm 1802, bà cũng không có tên trong những người
bị bắt khi Thăng Long thất thủ.
Câu trả lời là Ngọc Hân Công Chúa đã qua đời năm 1799 dưới triều
vua Cảnh Thịnh khi nhà Tây Sơn chưa sụp đổ. Đây là thuyết của ông
Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm.
VSTB-PVS-q2-t58:
“Căn cứ vào 5 bài điếu văn của Phan huy Ích trong Dụ Am thi-tập
và nhiều sử sách khác. Ngọc-Hân mất vào năm Kỷ Mùi (1799).
Theo ông ngày 11 (Trung-đông) năm Kỷ Mùi (1799) triều đình
nhà Tây Sơn làm lễ tru tôn bà là Như Ý Trang Thận Trinh Nhất Hoàng
Hậu. Bằng cớ là 5 bài điếu văn do danh nho Phan Huy Ích đã thảo,
một cho vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) một cho các công chúa
con vua Quang Trung, một cho bà Nguyễn Thị Huyền thân mẫu bà Ngọc
Hân, một cho các tông thất nhà Lê và một cho bà con bên ngoại trong
lễ tế bà Ngọc Hân”.
Sách “Nhà Tây Sơn” (PDF file), trang 72:
“Được tin Qui Nhơn thất thủ, Cảnh Thịnh định thân chinh. Nhưng
gặp tang Ngọc Hân, nên tạm hoãn, truyền Nguyễn Văn Giáp vào giữ
sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi và Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng ra
giữ Quảng Nam (Kỷ Mùi 1799)”
Trong bài “Danh nhân Lê Ngọc Hân”, ông PGS Chu Quang Trứ viết như
sau“
“Bà đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim
Tiền (Dương Xuân ố Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con.
Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4-12-1799) thì
mất, lúc ấy mới 29 tuổi“
Xin trích dẫn vài hàng trong mỗi bài điếu văn để dẫn chứng:
VSTB-PVS-q2-t33: (Bài điếu văn cho vua Cảnh Thịnh đọc)
“Kỷ-mùi đông, nghĩ Ngự-điện Vũ Hoàng-hậu tang quốc âm văn” (mùa
đông năm Kỷ-mùi (1799) nghĩ đỡ nhà vua bài văn quốc-âm để tế điện
Vũ Hoàng-hậu):
“Than ôi!
Nguyệt in phách-quế, mái trường-thu (1) vừa giãi vẻ làu làu.
-Sương ủ hồn hoa; miền thượng-uyển (2) chợt phai mùi thoảng-thoảng
(3).
“Nẻo chân-du (4) quạnh-quẽ biết đâu tìm! -Niềm vĩnh-mộ (5) bâng-khuâng
hằng chạnh tưởng!
...
VSTB-PVS-q2-t41:
“CÔNG CHÚA CHƯ NHA ĐIỆN VĂN
(Đọc trong dịp tang Vũ Hoàng-hậu năm Kỷ -mùi 1799)
Than ôi! Đóa thượng-uyển hây hây đua nở (7), giọt sương ngưng
mà hiu-hắt màu hoa (8)! vầng thái-âm (9) vằng vặc sáng lòa, hơi
vụ ngất dễ mịt mờ bóng quế (10)!
“Nhẽ đổi thay máy Tạo khôn dò,
- Cơn tan hợp đoạn tình kể xiết!
Nẻo thuở Doành Hoàng phô vẻ, trau vàng chuốt ngọc vẹn mười phân
(1).
Trải phen bến Vị đưa duyên (2), phím sắt xoang cầm vầy một thể (3).
…”
“(Phiên âm theo bản chữ nôm
trong DỤ-ÂM VĂN-TẬP chưa in ra quốc ngữ bao giờ)”
Sách “Nhà Tây Sơn” (PDF file), trang 72 (sách này chỉ in hai câu
để dẫn chứng) :
“Trong các bài tôn thất nhà Lê:
…
Hẳn non Lam khí vượng đã tàn rồi
Nên vườn Lãng hoa tươi mà vội thế.
…”
Những bài điếu văn này có thể bị giả mạo hay không? Chúng ta có
thể kiểm chứng sự việc qua nội dung của những bài điếu văn này,
đặc biệt là trong bài viết cho vua Cảnh Thịnh, sau phần tế Bắc Cung
Hoàng Hậu là một bài “dụ” của nhà vua, rất hợp với tình cảnh của
nhà Tây Sơn sau khi Qui Nhơn bị thất thủ.
“Rày nhân:
“Cách bánh liễu dư),-Bày hàng thể-trượng ).
“Nhìn khâm-vệ trạnh ngưng mỗi vẻ, đường u-hiển xa lìa !-Dâng điện-diên
gọi giãi mấy nhời, mối luân-thường sáng tỏ.
“Hỡi ôi! Cảm thay!”
“ Nhật hiểu Qui-nhơn phủ: Quan, Quân, Dân thứ đẳng tri:
“Tướng vâng quyền chế ngoại dẹp lửa binh mà trợ lấy dân lành.- Người
sẵn tính giáng trung , cởi lưới ngược lại noi về đường thuận.
….
“Đoàn ngoại vũ lung-lăng quen thói, nương thế đèo, đến Bến Đá chia
ngăn,- Kẻ khổn ư dáo-dở nên lòng, phụ ơn nước, chốn thành vàng phút
bỏ !
Theo ghi chú của ông Phạm Văn Sơn (VSTB-q2-t39):
“Vì bấy giờ thành Qui-nhơn thất thủ, có quân Cựu-Nguyễn đóng
án ngữ, nên đường lối từ đèo Bến Đá đến Qui-Nhơn không liên lạc
với nhau được.
Chỉ việc Bảo đem thành Qui-nhơn xuống hàng Cựu-Nguyễn.
Vậy năm bài điếu văn trong Dụ Am Văn tập của ông Phan Huy
Ích là một sử liệu rõ ràng. Ngọc Hân Công Chúa qua đời năm 1799
không còn là một giả thuyết, mà là một sự thật lịch sử.
Để kết luận, người viết xin cảm đề:
Ngọc Hân Công Chúa
Thương cảm thay! Công Chúa Ngọc Hân
Nửa đường gãy gánh, xót duyên phần
Anh hùng “thọ tứ tuần”* trôi mộng
Thục nữ “ai tư vãn”* tủi thân
Hậu thế câu ngâm lời thống thiết
Nhân gian nước mắt giọt tần ngần
Bắc Cung Hoàng Hậu người tài sắc
Nào biết Tây Sơn mất Phú Xuân !
Trần Việt Bắc
7/15/2004
*Ngọc Hân Công Chúa viết biểu chúc mừng vua Quang Trung thọ tứ
tuần năm 1792 và bài “Ai Tư Vãn” khóc nhà vua sau khi ông qua đời
.
Tham khảo:
- Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện- Quốc Sử Quán Triều Nguyễn- Nhà
xuất bản Thuận Hóa- Huế -1997.
- Việt Nam Sử Lược- Trần Trọng Kim- Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin-1999.
- Việt Sử Tân Biên- Phạm Văn Sơn-Nhà xuất bản Đại Nam- Sàigòn 1961.
- Việt Sử Khảo Luận- Hoàng Cơ Thụy- Nhà xuất bản nam Á-Paris- 2002.
- Quang Trung Nguyễn Huệ- Hoa Bằng- Nhà xuất bản Đại Nam.
- Lịch Sử Nội Chiến Việt Nam từ 1771 đến 1802- Tạ Chí Đại Trường-PDF
file- Thư Viện Tiếu Lùn- http://tieulun.hopto.org:25000/
- Nhà Tây Sơn- Quách Giao- PDF file- Thư Viện Tiếu Lùn-http://tieulun.hopto.org:25000/.
- Hoàng Lê nhất thống chí- Ngô gia văn phái-
http://www.informatik.uni-leipzig.de/Ạduc/sach/hoangle/
- Hãy trả lại trong sáng cho Ngọc Hân Công Chúa- Nguyễn An Phong-http://www.lebichson.net/Binhdinh/03Ngochancongchua.htm
- Công Chúa Đông Đô, Hoàng hậu Phú Xuân, Nàng là ai?-Minh Vũ Hồ
Ngọc Châm-http://www.lebichson.net/Binhdinh/03Hoanghauphuxuan.htm
- Danh nhân Lê Ngọc Hân- PGS Chu Quang Trứ- http://home.no.net/tptruong/vanhoc/ddlnh.htm
Phần Phụ chú:
1- Điếu Văn của Phan Huy Ích (hai bài):
Việt Sử Tân Biên
Saigon 1961
Phạm Văn Sơn
Quyển 4
Nhà xuất bản Đại Nam
Trang 33
Phụ Lục
Chúng tôi ghi chép ra đây một số tài-liệu bằng chữ Nho có bản dịch
ra tiếng Nôm để minh chứng việc xảy ra là có thực, hoặc để độc giả
dùng trong các sách văn học.
Trong thế hệ chúng ta, nhiều việc chinh chiến thường xảy ra, các
sử liệu nay còn được coi là hiếm hoi và quý giá, vậy cho in vào
đây xét ra không vô ích. Mong các bạn thông cảm.
“Kỷ-mùi đông, nghĩ Ngự-điện Vũ Hoàng-hậu tang quốc âm văn”
(mùa đông năm Kỷ-mùi (1799) nghĩ đỡ nhà vua bài văn quốc-âm
để tế điện Vũ Hoàng-hậu):
“Than ôi!
Nguyệt in phách-quế, mái trường-thu (1) vừa giãi vẻ làu làu. -Sương
ủ hồn hoa; miền thượng-uyển (2) chợt phai mùi thoảng-thoảng (3).
“Nẻo chân-du (4) quạnh-quẽ biết đâu tìm! -Niềm vĩnh-mộ (5) bâng-khuâng
hằng chạnh tưởng!
----------------------
(1) Tên một cung, chỗ ở của Hoàng-hậu. Sau dùng
để chỉ Hoàng-hậu: nói lập cung trường-thu cũng như nói lập Hoàng-hậu.
(2) Vườn hoa nhà Vua.
(3) Hai vế này ý nói: bà Ngọc-Hân được lập làm Hoàng-hậu mới ít
lâu, đang rực rỡ như vầng trăng vằng vặc, thì đóa thiên-hương
bỗng tàn tạ (tức là bà chết), làm cho vườn ngự mất thơm!
(4) Chỗ đến chơi thật, chỉ chỗ người chết đến ở.
(5) Tấm lòng trìu mến lâu dài mãi mãi.
Trang 34
“Giọt ngân phái (1) câu nên (2)vẻ quí, duyên hảo-cầu (3) thêm giúp
mối tu-tề (4). -Khúc Thư-châu (5) thổi (?) sánh tiếng hòa, khuôn
nội-tắc (6) đã gây nền nhân-nhượng (7).
“Rành rành bút đỏ (8) đua thơm,-Chói chói sách vàng (9) tỏ rạng.
” Hồ Đỉnh (10) ngậm-ngùi cung nọ (11) sắp rắp (?) chìm châu nát
ngọc đã từng nguyền
Cung khôn (12) bận-bịu gối nao (13) ếp vì (?) vun quế quén lan nên
hãy gượng (14).
---------------------
(1) Giọt nước ở sông nhà trời. Ý nói bà Ngọc Hân
là dòng giống nhà vua họ Lê.
(2) Cũng như “gây nên”.
(3) Chữ trong thơ QUAN-THƯ ở kinh THI: cái duyên thục-nữ sánh
đôi với quân-tử thật là đẹp đẽ.
(4) Tu-thân và tề-gia. Ý nói Vũ Hoành-hậu giúp Vũ Hoàng-đế trong
việc nội trị.
(5) Khúc hát “Chim quan-thư ở bãi sông” túc là thơ QUAN- THƯ đầu
thiên QUỐC-PHONG trong khi THI tả nỗi vui-hòa mà có riêng biệt.
(6) Khuôn mực người đàn bà theo đúng lễ nghi và đức-hạnh như đã
nói trong thiên NỘI TẮC ở kinh LỄ.
(7) Một người có nhân làm cả nước dấy lòng nhân, một người biết
nhường làm cả nước có lòng nhường.
(8) Do chữ “đồng quản” là “bút quản đỏ”. Người xưa cầm bút quản
đỏ chép những chuyện phụ-nữ đáng để khuyên răn.
(9) Do chữ “kim sách” là sách phong các vị hậu, phi xưa.
(10) Do chữ “đỉnh hồ”. Trong sử ký PHONG THIỀN THƯ có chép: Vua
Hoàng-đế đúc xong cái vạc (đỉnh) ở dưới núi Kinh-sơn thì cỡ rồng
lên tiên. Người sau gọi chỗ đó là Đỉnh hồ. Đời nhân dùng để chỉ
cái chết của vua chúa.
(11) Do chữ “di cung. Vua chết rồi chỉ có cái cung để lại, khiến
cho mọi người thấy cung mà ngậm ngùi. Ý nói vua Quang Trung đã
mất.
(12) Quẻ Khôn tượng-trưng về đàn bà. “Cung Khôn” tức là Hoàng-hậu.
Đây chỉ Vũ Hoàng-hậu.
(13) Vương -víu có mấy con nhỏ dưới gối.
(14) Hai vế này ý nói: khi vua Quang Trung mất đi, Vũ Hoàng-hậu
khôn xiết bùi-ngùi đau đớn, những toan tự tử (chìm châu là trầm
mình; nát ngọc là hủy hoại thân thể) để theo chồng, nhưng vì dưới
gối bà còn hai mụn con thơ, nên phải gượng gạo sống để chăm-nom
nuôi nấng con (vun quế, quén lan) vậy.
Trang 35
“Tự xung linh (1) hay gìn giữ hiếu tư (2), Vâng từ-đức (3) cũng
thỏa vui vinh dưỡng (4).
“Nối tiên-chí (5)vậy dốc bề trí kính (6), dấu sân huyên đòi chốn
sum vầy (7).
“Cảm mẫu-nghi (8) mà thay đổi thừa hoan (9), vẻ áo vi xưa kia mường
tượng (10).
“Mong thẻ tiên trùng trập thêm cao (11)-Hiềm máy tạo so le khôn
lượng (12).
“Sương nắng bấy chầy ngăn trướng thúy, băn khoăn cơn bữa ngọc,
lò đan (13).-Gió mây xẩy phút lối xe loan, khơi diễn nẻo non Bồng,
vườn Lãng (14)
---------------------
(1) Từ tuổi thơ-ấu
(2) Giữ lòng hiếu-thảo, nhớ nghĩ đến cha đã mất.
(3) Được thừa thuận cái đức hiền-từ, ý nói được sum-vầy dưới gối
Vũ Hoàng-hậu. Bà Ngọc-Hân tuy lấy lẽ vua Quang-Trung nhưng khi
ngài lên ngôi thì được lập làm Bắc-cung Hoàng-hậu ngang hàng với
chính cung Hoàng-hậu Phạm-Thị, người Qui-nhơn, mẹ đẻ vua Cảnh-Thịnh.
Bấy giờ vua Cảnh-Thịnh coi bà vào hàng “mẹ” nên bài văn tế này
mới nói là “từ đức”, vì theo lễ bà là thứ mẫu.
(4) Lấy cái quí hiển của người làm vua mà phụng-dưỡng, gọi là
“vinh dưỡng”.
(5) Noi theo ý-chí của người trước, tứ Vũ Hoàng-đế.
(6) Làm cho đến nơi tấm lòng hiếu kính.
(7) Do chữ kinh THI nói trong cỏ huyên (ta gọi là cây hoa liên),
nơi bắc đường là chỗ mẹ ở, nên tha thường dùng “nhà huyên” hay
“sân huyên” để chỉ mẹ. Ý nói nhiều con mừng được sum-vầy với Vũ
Hoàng-hậu.
(8) Cảm phục cái khuôn phép của mẹ.
(9) Lần lượt đổi thay với các em mà chầu hầu mẹ, để làm mẹ vui.
(10) ”Áo vi” là áo tế của Hoành-hậu. Ý nói phảng phất tưởng nhớ
dến dung nghi Vũ Hoàng-hậu.
(11) Mong Vũ Hoàng-hậu được thêm tuổi thọ.
(12) Hiềm vì cái cơ mầu tạo hóa xoay vần không lường trước được.
(13) ”Trướng thúy” là chỗ đàn bà ở. “Bữa ngọc” là bữa cơm. “Lò
đan” chỉ thang thuốc. Ý nói vì sương nắng trái tiết bà nhuốm bệnh,
ăn kém, thuốc uống không chuyển, làm cho vua Cảnh-Thịnh băn khoăn
lo buồn
(14) Phút chốc bà bỏ trần gian, tiêu dao ở non Bồng, vườn Lãng
là chỗ cảnh tiên. Ý nói bà mất.
(Còn tiếp)
Trang 36
“Lệ theo tình, tròn cuộc mấy cam (1).- Đức so thọ, lệch cân chưa
đáng (2).
“Dầu ngự đoái di thể sữa măng vài chút, lòng quyên linh (3) đành
có vẻ vang thêm (4).
“Dầu ngự cảm cố khư (5) hương khói đòi châm (?), lệ ân tuất (6)
vẫn còn nhuần gội xuống (7).
“Ấy tấc vuông hằng chăm một tín thành (8).- Ắt mảy chút cũng thấu
lên tinh sảng (9).
“Ôi!
“Bóng quạnh nước mây, thoi đưa ngày tháng!
“Chòi tiêu lan (10) dường rã rượi bên thềm (11)!- Dấu cư
-------------------
(1) ”Lễ là nhân tình người mà đặt ra tiết văn”,
nay làm lễ tế là do chút tình thương nhớ. Có làm được thế thì
đạo con mới tròn và lòng con mới yên.
(2) ”Người có đức tất được thọ”. Bây giờ thứ bắc đồng cân: Vũ
Hoàng-hậu là người có đức, thế mà kém thọ; thật không thăng bằng,
không xứng đáng!
(3) Quyến luyến là yêu thương.
(4) Ý nói: mặc dầu Vũ Hoàng-hậu được đức tiên đế (tức vua Quang
Trung) đoái thương yêu mến, sinh được vài mụn con hãy còn măng
sữa thơ ngây, làm cho bà càng vẻ vang bề thế
(5) Cái thành cũ. Chỉ nhà Lê đã mất.
(6) Triều Tây Sơn ban ơn cấp lộc cho những người trong họ Lê được
củ ra để giữ tế-tự và coi lăng tẩm nhà Lê. Việc này được đặt thành
một điều lệ, và lệ ấy đến đời Cảnh-Thịnh vẫn noi theo.
(7) Ý nói: mặc dầu nhờ Vũ Hoàng-đế, nhà Lê còn được tỏ đèn sáng
hương ở nơi thành cũ, vẫn được nhuần-thấm trong ơn chu tuất một
cách dồi dào.
(8) Tấc vuông, do chữ “phương thôn”, nghĩa là tấm lòng. Ý nói:
nhưng lòng con bao giờ cũng vẫn một mực tín kính thành-thực đối
với mẹ.
(9) Chắc lòng này thế nào cũng thấu tới tinh-linh anh-sảng của
mẹ.
(10) Chữ trong sách TUÂN-TỬ chỉ người được dân yêu như tiêu lan
thơm tho.
(11) Ý nói: Vũ Hoàng-hậu như chồi tiêu-lan được dân ưa chuộng,
nay đã tàn tạ ở trước thềm rồi!
Trang 37
vũ bỗng lạnh lùng dưới trướng (1):
” Nguyện cũ hẳn nay lọn-vẹn (2), bên đan lăng quanh-quất mạch liên
châu (4);- Khí thiêng gìn (?)để dặc dài, trong Thanh miếu ngạt-ngào
mùi quán sưởng (5).
“Rày nhân:
“Cách bánh liễu dư (6),-Bày hàng thể-trượng (7).
“Nhìn khâm-vệ (8) trạnh ngưng mỗi vẻ, đường u-hiển xa lìa (8)!-Dâng
điện-diên (9) gọi giãi mấy nhời, mối luân-thường sáng tỏ (10).
“Hỡi ôi! Cảm thay!”
---------------------
(1) Ngọc cư, ngọc vũ, đồ đeo làm trang sức của
đàn bà xưa. Ý nói Vũ Hoàng-hậu mất, làm cho trong cung vắng-vẻ
lạnh-lùng, tưởng nhớ đến dấu tích của bà lúc còn sống.
(2) Bà mất đi, cái ước nguyền “đồng sinh đổng tử” với Vũ Hoàng
-đế chắc nay được trọn vẹn rồi.
(3) Cây mọc hai gốc liền nhau. Ý nói lăng bà ở bên lăng Vũ Hoàng-đế,
mạch đất cảm thông, mọc cây liền gốc.
(4) Khí thiêng của bà còn mãi lâu dài. Mùi rượu “xưởng” dùng để
cúng tế bà ở nhà thanh miếu đời đời thơm nức . Ý nói tinh thần
bất diệt và hương hỏa nghìn thu.
(5) Nay nhân: xa cách chiếc xe chở linh cữu.
(6) à.và bày hàng nghi-trượng đưa đám
(7) ”Khâm” là cỗ xe trang sức bằng da; “vệ” là đồ nghi-trượng
hộ-vệ.
(8) Cũng như nói “âm dương cách trở”.
(9) Dâng tiệc rượu đề làm lễ điện-tế.
(10) Làm bổ phận với mẹ cho “đạo thường” được tỏ rõ.
(còn tiếp)
Trang 38
“ Nhật hiểu Qui-nhơn phủ: Quan, Quân, Dân thứ đẳng tri:
“Tướng vâng quyền chế ngoại (1) dẹp lửa binh mà trợ (giúp) lấy
dân lành.- Người sẵn tính giáng trung (2) , cởi lưới ngược lại noi
về đường thuận.
“Mấy lời cặn kẽ, - Đòi chốn sum vầy.
“Quý phủ ta: cội gốc nền vương.- Rậu phên nhà nước.
“Miền thang mộc (3) vốn đúc non gây (?)bể, mở mang bờ cõi từ đây
(4).- Hội phong vân (5) từng dìu phượng vin rồng, ghi tạc thẻ quyên
(6) đành dõi để.
“Dấu cờ nghĩa đã sáng công dực vận (7),- Buổi xe nhung thêm dong
sức cần vương.
“Mấy phen gió bụi nhọc con dòng (8), giúp oai võ cũng đều nhờ đất
cũ,- Ba huyện đá vàng bền tấc dạ, căm cừu thù chi để đội trời chung.
“Tiệc ca phong (9) chầm nhạn vừa yên,- Vời tĩnh hải tăm kình lại
động (10).
-----------------------------
(1) Ông tướng vâng mệnh vua cầm binh ở ngoài biên
cương.
(2) Người ta sinh ra được. Trời phú -bẩm cho lòng biết giữ đạo
thường.
(3) Do chữ “thang mộc ấp” mà ra. Nguyên xưa theo chế độ phong
kiến, thiên-tử cho chư -hầu ấp thang mộc (nghĩa đen: tắm gội)
khiến chư-hầu lấy lại sự thanh sạch cho mình. Sau dùng rộng ra,
“thang mộc” là chỗ phát tích của đế vương.
(4) Chỉ về vua Thái-Đức và vua Quang-Trung ban đầu đều dấy lên
từ Qui -Nhơn.
(5) Hội gió mây gặp gỡ. Do chữ trong kinh Dịch: “ vân tòng lòng,
phong tòng hổ” (mây gặp rồng, gió gặp hổ). Ý nói tao- phùng đẹp
hội, chính là dịp tốt để tài trai bay nhảy.
(6) Do chữ “danh thủy giản bạch” mà ra. Nghĩa là tên được ghi
vào thẻ tre, mặt lụa (vì chưa có giấy viết(để tiếng thơm về sau.
(7) Công tôn-phò giúp đỡ nhà vua.
(8) Cái giáo lưỡi nhọn.
(9) Do điển vua Hán-Cao khi qua ấp Bái (hay là Bái huyện thuộc
Giang-Tô bên Tàu), đặt tiệc, gõ nhịp, hát bài Đại-phong. Ý nói
Tây-Sơn vừa mới mừng cuộc thành-công ở Qui-nhơn là chỗ quê nhà.
(10) Cá kình là tượng trưng về biến loạn giặc giã.
Trang 39
“Đoàn ngoại vũ lung-lăng quen thói, nương thế đèo, đến Bến Đá chia
ngăn (10),- Kẻ khổn ư (2) dáo-dở nên lòng, phụ ơn nước, chốn thành
vàng phút bỏ (3) !
“Nơi trọng địa xảy nên gai góc,- Lũ lương gia (4) lây phải lầm
than (7).
“Giận vì địch thế hãi buông tuồng (8),- Xót đến dân tình càng áy
náy !
“Trong một cõi, nỗi hoành-ly là thế, đầu tên trước đạn, nghĩ cỏ
cây âu đã đổi màu xưa,- Trên chín lần, niềm trắc ẩn dường bao, sớm
áo, đêm cơm (9), mong đệm chiếu lại cùng êm nếp cũ (10).
“Chước điễn khấn ngửa vàng tiếng ngọc (11),- Việc đổng nhung xa
chỉ ngọn đào (12)
------------------
(1) Vì bấy giờ thành Qui-nhơn thất thủ, có quân
Cựu-Nguyễn đóng án ngữ, nên đường lối từ đèo Bến Đá dến Qui-Nhơn
không liên lạc với nhau được.
(2) Kẻ giữ đất đai cửa ngõ một nước.
(3) Chỉ việc Bảo đem thành Qui-nhơn xuống hàng Cựu-Nguyễn.
(4) Vì bắt ép mà phải gượng theo.
(5) Lời khua giục dụ-dỗ.
(6) Phàn nàn, than thở.
(7) Chỉ bên Cựu-Nguyễn vẫn còn tung hoành.
(8) Nông nổi sa mắc vào lòng đau khổ.
(9) Do chữ “tiết y, cán thực” mà ra. Ý nói gặp lúc quốc-gia đa
sự, nhà vua (chín lần: cửu trùng) bao xiết thương xót nhân dân.
Nhà vua vì bận rộn quá, sớm đã phải thay áo, đêm mới được ăn cơm.
(10) Mong nhân dân được đặt êm trên đệm chiếu (do chữ “nhẩm tịch”)
êm ấm như thuở trước.
(11) Trên vâng lời vua phán dạy, lo tính mưu chước dẹp giặc.
(12) Coi giữ việc binh, thẳng trỏ ngọn cờ đào.
Trang 40
“Bản tước nay (1): chịu mang đền phong (2).- Buông oai dinh liễu
(3).
“Thế phân đạo gấu giồ (?) hùm thét, suối rừng pha (?) đồn lũy đã
tan tành,- Cảnh sơ xuân (4) hoa rước oanh chào, đất nước thấy quan
quân hớn hở.
“Súy mạc vốn quyết bài tất thắng (5).- Tông thành âu hẹn buổi phục
thù.
Ngẫm chúng tình (6) đà quải-cách bấy lâu, sự biến ấy hoặc có người
nghi cụ (7);- Vậy tướng lịnh phải đinh-ninh đòi nhẽ, thân-cố ta
biết nảo tòng, vi (8).
“Nghiệm cơ giời đành thu góp về nhân,- Vâng ngôi thánh lấy chở
che làm lượng.
“Bao nhiêu kẻ trót theo đảng dữ, như đã thích mê hồi thiện (9),
thì đều noi chức-nghiệp cũ cho yên.- Hoặc mấy người riêng lắm (?)
chi cao, mà nay nỗ lực lập công, ắt lại chịu ân thưởng nay càng
hậu.
” Dầu trước có hà-tỳ (10), nào xá trách.- Ai sớm hay hối ngộ (11)
thảy đều dung.
----------------------------
(1) Chỉ Trần-quang-Diệu.
(2) Do điển: trong cung nhà Hán trồng nhiều cây phong: nên về
sau, người ta dùng chữ “đền phong” để chỉ triều đình.
(3) Do điển: Chu-á-Phu đời hán làm tướng đóng quân doanh ở Tế-liễu.
Nhân thế đời sau dùng “trướng liễu” hay “dinh liễu” để chỉ chỗ
quân doanh.
(4) Quân Diệu tiến vào Qui-nhơn, bấy giờ nhằm buổi đầu xuân.
(5) Ông tướng ở nơi màn trướng (ngày xưa, khi hành binh, viên
chủ súy cùng các tướng tham mưu thường vây màn để bàn bạc quân
sự, nên gọi là “súy mạc”).
(6) Cũng như nói “Lòng người, lòng dân”.
(7) Ngờ, sợ.
(8) Ta cho kẻ thân tình, người cố cựu biết rằng có hai đường đây:
theo đàng nào, tránh đàng nào thì chọn đi.
(9) Bỏ điều mê man, quay về đường thiện.
(10) Dấu vết không lành.
(11) Biết tỉnh-ngộ ăn-năn lỗi trước
Trang 41
“Hội thanh-ninh (1) đành trên dưới đều vui,- Người Bái quận (2),,,
(thiếu một chữ) móc mưa hiệp sái (3).
“Phương tị tựu ví kiếp chầy chưa tỏ (4),- Thủa Côn-cương ngọc đá
khôn chia (5).
“Nghĩa cả mà nhầm,- Lòng ngay xá giữ.
” Nay hiểu” (6).
-----------------------------
(1) Vận hội thái-bình.
(2) Bái-quận nguyên là nơi quê-hương của Hán-Cao-Tổ. sau dùng
rộng ra là nơi rau rốn của một đế-vương. Người “Bái-quận”, đây
chỉ người Qui-nhơn, chỗ quê quán Tây-Sơn.
(3) Rẫy ơn huệ khắp cả mọi người.
(4) Nếu không sớm muộn biết chọn lấy đường tránh dữ theo lành
thì
(5) Khí người ta nổi giận, thẳng tay trừng trị, bấy giờ các ngươi
sẽ như tình-cảnh núi Côn-sơn bị thiêu: không cứ ngọc hay đá, thảy
đều cháy rụi hết.
(6) Phiên-âm theo bản chữ nôm trong DỤ-ÂM VĂN-TẬP, quyển 5, tờ
13a, 14b và có so sánh với bản sao-lục, trong QUANG-TRUNG, tập
hai, của H.B.H.T.T., trang 284-292.
**************************
CÔNG CHÚA CHƯ NHA ĐIỆN VĂN
(Đọc trong dịp tang Vũ Hoàng-hậu năm Kỷ -mùi 1799)
Than ôi! Đóa thượng-uyển hây hây đua nở (7), giọt sương ngưng mà
hiu-hắt màu hoa (8)! vầng thái-âm (9) vằng vặc sáng lòa, hơi vụ
ngất dễ mịt mờ bóng quế (10)!
“Nhẽ đổi thay máy Tạo khôn dò,- Cơn tan hợp đoạn tình kể xiết!
Nẻo thuở Doành Hoàng phô vẻ, trau vàng chuốt ngọc vẹn
------------------------------
(7) Đóa hoa trong vườn ngự đang mơn mởn đua tươi.
(8) Mà nay vì sương lạnh đọng lại, làm cho sắc hoa héo hắt điêu
tàn.
(9) Mặt trăng tượng trưng về hập phi.
(10) Thuyết cũ cho rằng trong mặt trăng có cây quế, nên xưa ta
dùng “bóng quế” để chỉ về trăng. Câu này có ý nói vầng trăng đang
sáng bỗng có mây mù che khuất làm cho mờ đi, ví với cảnh Vũ Hoàng-hậu
đang đẹp đẽ, bỗng cái chết làm cho tan tác đau buồn.
Trang 42
mười phân (1). Trải phen bến Vị đưa duyên (2), phím sắt xoang cầm
vầy một thể (3).
Trên tuyền-đình dìu dặt thói hòa (4),- trong quế dịch đầm hâm hơi
thụy (5).
Bóng cù-mộc sêng-sang tán đẹp, phận dựa leo đều vui chốn nương nhờ
(6); -Đóa phương lan đua ruổi màu tươi, tình vun quén cũng có phần
san -sẻ (7).
Hương nồng phấn đượm những nâng-niu,- Ngọc thuyết hoa chào cùng
hủ-hỉ (8)
Bông đào nở (?) mừng duyên nghi thất (9), buổi qui ninh vâng đôi
nhẽ dặn dò (10);- Giá ngọc trong khuyên nét xạ bình, lượt kiều dưỡng
được mọi bề cặn kẽ (11).
So đấng trên, âu sánh chữ cù-lao (12);- Gìn sách trước đã sáng gương
tề-mỵ (13).
-------------------------
(1) ”Doành Hoàng” là sông Ngân-hoàng, tức sông
Thiên-hà. Nghĩa bóng nói bà Ngọc-hân là con gái vua Lê, ra từ
dòng dõi nhà Trời. Nhờ từ thuở bé, tấm thân vàng ngọc ấy được
trau chuốt hoàn toàn.
(2) Sau khi kết duyên với đức lệnh Nguyễn-Huệ, bà Ngọc Hân được
bà con nhà Lê tiễn đưa tận bến Vị-hoàng ở trấn Sơn-nam (nay là
nam-định) để bà về nhà chồng ở Nam-hà.
(3) Trong khi sánh duyên với vua Quang-Trung, thì đôi vợ chồng
vui vầy như tiếng đàn cầm, đàn sắt rất là hòa nhịp.
(4) ”Tuyền đình” chỉ nơi cung đình nhà vua trang hoàng bằng thứ
ngọc tuyền tốt đẹp. Ý nói cung thất có cái lề thói hòa vui.
(5) ”Quế dịch” cũng như quế cung, là cái cung thất đẹp đẽ. Ý nói
trong cung đầm ấm những hơi tốt lành.
(6) Trong kinh Thi có thơ Cù-mộc, trong nói bà Hậu-phi có hiền
đức ví như cây cù-mộc rườm rà, tốt tươi che chở cho những cây
sắn dây, là thứ cây leo nương tựa ở đấy.
(7) ”Phương lan” chỉ các con cháu. Ý nói nhờ bà Ngọc-hân chăm
nom săn sóc con cháu như những cây lan thơm đều được chia xẻ ơn
trạch.
(8) Ý hai câu này nói: Các con cháu đều được bà nâng niu như hương
hoa. Trong nhà ấm cúng những câu nói tiếng cười vui vẻ.
(9) Lấy điển trong thơ “Đào yêu” ở kinh Thi nói người con gái
được cập thời mà thành gia thất.
(10) Những con gái đã ở riêng, khi về nhà thăm cha mẹ, đều được
nhờ bà dạy dỗ cho.
(11) Còn con gái nào hãy còn bé, đợi kén chồng thì cũng được bà
nâng niu cẩn thận.
(12) Chín chữ cù lao của cha sinh mẹ dưỡng, so sánh với trời là
bề trên, thật là cao cả to tát.
(13) Khi cha mẹ song toàn, con cái thật được vui vẻ như trong
sách xưa đã chép.
Trang 43
” Những ước thêm dao thẻ hạc, xôn xao tiệc thọ, ngẫu dâng thơm
(1);- Bao giờ kịp ruổi xe loan, man mác cung xuân hoa chịu tẻ (2).
“Âm dương chia hai ngả luống phiền (3)!-Chung thủy cẩn một niềm
dám trễ (4).
“Dầu gót ngọc vui miền tịnh độ, nỡ nào quên hai chồi lan quế còn
thơ (5), dầu xiêm nghê vắng cảnh thanh-đô, nỡ nào lãng một bóng
tang du hầu xế (6).
“Tình biệt-ly hằng mọi nỗi băn-khoăn, kiếp sinh-hóa hẳn các điều
vẹn vẽ (7).
“Trên đội chín lần trí kính, chốn đình vi săn sóc chẳng nguôi tình
(8).- Trước dâng sáu chữ truy-tôn (9), việc khâm vệ sửa sang càng
xứng lễ (10).
“Rày nhân:
“Hậu cách linh dư (11).- Kính bày diên lễ (12)
_____________________________________________________________________________________
(1) Những mong bà được sống lâu như tuổi hạc để
con cháu làm tiệc mừng thọ ngạt ngào trong hương sen (ngẫu) thơm.
(2) Ai ngờ bà vội mất ngay, làm cho con cháu đang tuổi xuân xanh,
phải buồn tẻ như hoa ủ héo!
(3) Từ nay âm dương cách biệt, các con rất buồn phiền.
(4) Nhưng một dạ kính cẩn, trước sao sau vậy, các con không dám
trễ nải.
(5) Dầu bà vui vẻ đi về cảnh Phật, nhưng quên sao được hai chút
con nhỏ đang còn thơ ngây.
(6) Dầu bà váng bóng ở thành đô là chỗ cung khuyết vua ở, nhưng
bà quên sao được đức Phù -ninh Từ cung là mẹ đang lúc tuổi già
như mặt trời xế bóng trên ngọn cây dâu.
(7) ”ven vẽ” cũng giống như trọn vẹn.
(8) Nhờ trên có đức vua Cảnh-Thịnh hết lòng hiếu kính, quyến luyến
chốn đình vi là chỗ cha mẹ ở mà săn sóc đến nơi đến chốn.
(9) Vua Cảnh-Thịnh làm lễ truy-tôn bà tháng 11, năm Kỷ -mùi (1799)
đã đặt sáu chữ làm miếu-hiệu là “Như ý trang thận trinh-nhất”.
(10) Nay bày đồ xe tang và nghi-vệ để làm việc chôn cất, lại càng
xứng hợp với lệ lắm.
(11) Nay sắp sửa xa cách linh-cữu. Kính bày lễ tế điên.
Trang 44
“Trông đóa bạch vân (1) thăm thẳm, tình nghĩa xưa lìa dứt vì đâu?-
Dâng tuần hoàng thủy vơi vơi (2), nghi văn ấy thấu soi chăng nhẽ
?
“Hỡi ôi ! Cảm thay !”
(Phiên âm theo bản chữ nôm
trong DỤ-ÂM VĂN-TẬP
chưa in ra quốc ngữ bao giờ)
-----------------------------
(1) Đó mây trắng.
(2) Dâng lễ cúng tế đạm bạc bằng chút nước vũng ao. Ý nói lễ bạc
mà lòng thành kính có thể cảm đến vong linh
2- Bài của ông Phạm Việt Thường (1941)
“Les caprices du génie du mariage ou l'extraordinaire destinée
de la Pricesses Ngọc Hân” (Những sự oái oăm của Nguyệt-lão hay là
số kiếp ly kỳ của Ngọc Hân công chúa). Bài này được đăng trong “Bulletin
des Amis du Vieux Huế” (Đô-thành hiếu cổ) số 4 phát hành 1941
http://dactrung.com/forum/topic.asp?ARCHIVE=&TOPIC_ID=5727
” Từ trong số những khung gỗ chạm trổ sơn son thếp vàng dùng để
trang trí cho các cung, miếu ở cố đô Huế, người ta có thể tìm thấy
hình bóng, tiếng vang của thời xa xưa. Nhìn thấy các tác phẩm chạm
trổ nầy người ta có thể hồi nhớ lại chuyện tình tay ba giữa Ngọc
Hân, Quang Trung và Gia Long.
Sau khi đã đánh đuổi quân Xiêm ra khỏi Gia Định (trận Rạch Gầm-Xoài
Mút), Nguyễn Văn Huệ vẫn phải đeo đuổi, kéo dài,một cuộc chiến tranh
không nhân nhượng, không ngơi nghỉ với Nguyễn Phúc Ánh. Yếu thế
trước một đội hùng binh uy mãnh, Ánh phải đào thoát sang nước Xiêm
La (nay là Thái Lan) để phục hồi và tổ chức lại đoàn quân của mình
chờ ngày trở về chiếm lại đất Gia Định.
Trong thời gian đó, đoàn quân của Huệ liên tục đi từ chiến thắng
nầy đến chiến thắng khác, uy danh của Huệ vang lừng khắp nơi . Rồi,
dưới chiêu bài phù Lê diệt Trịnh, Huệ cùng với hàng tướng Nguyễn
Hữu Chỉnh đem quân tiến chiếm Vị Hoàng, hạ thành Sơn Nam rồi thẳng
tiến vào Thăng Long . Huệ đòi hoàng đế Lê Hiển Tông phải đăng triều
tiếp đón Huệ. Lê Hiển Tông dù đang mắc bệnh cũng phải gượng gạo
gặp Huệ. Trong cuộc gặp mặt nầy, Huệ đã đem lời dịu ngọt để trấn
an Lê Hiển Tông. Để tỏ lòng biết ơn, Lê Hiển Tông phong cho Huệ
chức Nguyên Soái Phụ Chính Dực-Võ Úy-Quốc Công và gả con gái là
Công chúa Ngọc Hân cho Huê.
Dù là một danh tướng gan lì, lạnh lùng và nghiêm khắc nhưng khi
đối diện với một nữ lưu vương giả sắc nước hương trời như Ngọc Hân,
Huệ cũng phải trở thành bẻ lẻn e dè và thờ thẫn . Huệ tự cho rằng
mình xứng đáng được hưởng phần thưởng xinh đẹp kia và hãnh diện
có được một người vợ thuộc hàng quý tộc cao sang tột bực.
Trong khi dân tình miền Bắc đua nhau đi xem lễ cưới của Huệ và Ngọc
Hân thì nơi một phương trời xa, ở thủ đô Bangkok, kẻ lưu vong Nguyễn
Phúc Ánh đang hướng mắt mỏi mòn trông chờ những kẻ từ hướng Tây
trở về: Ánh mong tin đi cầu viện vua nước Pháp của Giáo sĩ Giám
Mục Bá Đa Lộc và hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh.
Sau những chiến tích vang dội và oanh liệt, Nguyễn Văn Huệ tự xưng,
lên ngôi hoàng đế (1788), lấy niên hiệu là Quang Trung, phong cho
Ngọc Hân làm hoàng hậu. Tuy nhiên chiến thắng oai hùng và tình yêu
hạnh phúc của Huệ thật ngắn ngủi, triều đại Quang Trung xán lạn
giữa đường đứt đoan. Năm Nhâm Tỵ (1792) một cơn bệnh đột phát khiến
cho Huệ qua đời, bỏ lại bao dự tính chọc trời khuấy nước làm rung
chuyển kinh hoàng đám giặc nhà Thanh, bỏ lại người đẹp mỹ nhân ngọc
ngà .
Ngọc Hân trở thanh một bà Hoàng sầu muộn, cô đơn, tự giam nhốt mình
trong cung thất lạnh lùng, tự trách cho số phận hẩm hiu và nhất
là tiếc thương,than khóc nhớ người chồng quân vương yểu số mang
theo trái tim và hình sắc của bà xuống đáy mồ, âm dương cách biệt.
Nguyễn Quang Toản con trai trưởng của Huệ, cháu của Bùi Đắc Tuyên
kế vị ngôi hoàng đế . Toản còn nhỏ, quyền hành triều chính ở trong
tay Bùi Đắc Tuyên. Tuyên mặc sức chuyên quyền, triều ca phân tán,
đình thần giết hại lẫn nhau, nội bộ Tây Sơn chia rẽ, dân tình lêu
bêu, bất ổn, oán than khắp cùng, mắt trông hướng về phương Nam để
cầu trời khấn Phật “Lại trời mau tới gió Nam, Để cho chúa Nguyễn
giăng bườm Bắc chinh”. Bề tôi trung thần cũ của Tây Sơn đều chán
chường sẵn sàng về với Nguyễn Phúc Ánh .
Lợi dụng tình thế chia rẽ và loạn lạc trong nội bộ của Tây Sơn,
Nguyễn Phúc Ánh tấn công Phú Xuân (1801). Quang Toản bỏ rơi Ngọc
Hân để một mình chạy trốn ra Bắc Thành. Triều Tây Sơn đã tới thời
suy thoái .
Tin quân Tây Sơn thất trận, vua Cảnh Thịnh bỏ kinh thành đưa tới
như sét đánh ngang mài khiến cho Ngọc Hân bấn loạn tâm can. Bà đã
bị bỏ rơi lại trong bàn tay sinh sát của giặc Gia Định.
Vào một đêm không trăng, dưới ánh đèn mờ ảo trong vương cung, Ngọc
Hân chợt nhìn thấy một bóng người vậm vỡ uy vệ đang ung dung tiến
bước về phía Bà đang ngồi rồi tỏ hiệu chào hỏi . Ngọc Hân run sợ
vì sự có mặt của người lạ, bà bạo gan lớn tiếng:
- Này tên giặc Gia Định kia, hãy dừng bước! Nhà ngươi muốn gỉ ?
Người lạ mỉm cười:
-Ta chẳng muốn gì cả, người đừng sợ. Giặc Gia Định cũng là con người
phàm tục nhưng lại là một con người nhân hậu và có tình có nghĩa
hơn là bọn giặc Tây Sơn.
Ngọc Hân trố mắt nghẹn lời.
- Dù thế nào đi chăng nữa thì cung điện nầy vẫn luôn luôn là cung
điện của nương tử.
Ngọc Hân run rẩy đáp lời:
-Nơi đây đã trở thành một lãnh cung, một nhà tù chung thân đối với
ta !
Nói xong, Ngọc Hân khóc rắm rức . Nỗi đau khổ cùng cực khiến cho
Bà không biết sợ chết mà lại còn là tăng thêm nét diễm kiều của
Bà khiến cho tướng giặc phải rung động và bồi hồi trong dạ. Thông
cảm với nỗi đau của người cô phụ, tướng giặc chỉ còn biết thốt lên
một vài lời an ủi vu vơ rồi yên lặng rút lui .
Sau một đêm dài trăn trở, Ngọc Hân như kiệt lực. Nghe tiếng chim
hót ngoài sân, Bà tưởng chừng như mình đang nghe tiếng hò reo xung
phong phá thành của giặc Gia Định .Thân xác rã rời, Bà không buồn
trang điểm phấn son .
Rồi bất chợt, một người đàn ông uy nghi trong bộ chiến phục vương
giả đang rảo bước về hướng bà đang ngồi .Bà nhận diện ra ngay đó
là tên giặc Gia Định đêm qua . Người đó là Nguyễn vương Phúc Ánh.
Bà khép nép đứng lên nói lời tạ lỗi vì sự xúc phạm trịch thượng
của bà hôm qua . Nguyễn vương mỉm cười và hỏ:
- Đêm qua nương tử có được an giấc không ?
-Khải tấu vương thượng, cả đêm thần thiếp không được một giây chợp
mắt! Thần thiếp e sợ rằng định mệnh ác nghiệt sẽ không tha cho thần
thiếp!
-Nương tử là một bậc hoàng hậu can trường! Người hãy an tâm . Dù
cho vật đổi sao vời, đất nước nầy sẽ không bao giờ thay đổi, nương
tử đừng lo sợ và cất đi sự sầu bi để vui vầy trong cuộc sống mới.
Từ nay, người vẫn là chủ nhân của cung điện nầy.
- Nhưng, khải tâu chúa thượng tiện thiếp chỉ là . .
Nguyễn vương cắt ngang:
-Ý ta đã quyết, nương tử hãy nghe theo lời ta . . .
*
Trong một buổi đại triều, Đại Giám Quân Lê Văn Duyệt trình tấu
với Nguyễn vương :
-Chúng ta đã chiến thắng, nhưng kẻ thù ngoài kia vẫn chưa bị tiêu
diệt. Cuối xin chúa thượng chớ có quỵ lụy vì người đàn bà đó mà
làm hỏng đại sự tạo dựng đế nghiệp mà tiên đế và chúa thượng từng
đeo đuổi từ bấy lâu nay . Người đàn bà đó dù nhan sắc có chim sa
cá lặn thế mấy chăng nữa thì chẳng qua cũng vẫn là thê thiếp của
kẻ đại thù . Giai nhân nhan nhản khắp nơi, chúa thượng cần gì phải
hạ uy danh của mình để rơi vào lụy tình với người đàn bà đó .
Nguyễn vương mỉm cười, thái độ ung dung:
-Suốt 24 năm dài chinh chiến, các người có thấy ta buông lơi bổn
phận lần nào chưa ? Còn mỹ nhân thì không thiếu nhưng đã có mấy
ai lung lạc được ta ? Nương tử Ngọc Hân là thê thiếp của giặc, đó
là một lối kêu gọi tàn nhẫn và ác độc. Người nữ lưu nầy cũng như
những bậc nữ lưu khác, nhưng người nầy là một nữ lưu can trường
không sợ chết trước mặt kẻ thù, một nữ lưu dễ yêu và đáng kính trọng,
độc nhất vô nhị, mà ta chưa bao giờ gặp trước đây. Tình yêu và nhiệm
vụ ta không bao giờ lẫn lộn. Chí hướng của ta không thể bị lu mờ
vì mỹ nhân rù quến . Tiền đồ, sự nghiệp không ngăn cản ta có tình,
có nghĩa và ta chắc rằng các ngươi và triều đình cũng không có gì
gọi là trầm trọng mà làm hẹp ý ta .
Trước thái độ cương quyết của Nguyễn vương Phúc Ánh, triều thần
phải nghe theo . Ngọc Hân lại tìm được một người tình mới, bỏ trôi
đi quá khứ của một bà Hoàng sầu muộn.
*
Năm 1802, Nguyễn vương Phúc Ánh đặt niên hiệu mới là Gia Long trước
khi đem quân ra giải phóng Bắc Hà . Sau khi thống nhất đất nước,
Nguyễn vương trở về Phú Xuân, xưng đế hiệu Gia Long, xây dựng cung
thành.
Ngày trước, lúc còn sinh tiền, Hoàng đế Lê Hiển Tông đã mướn các
nghệ nhân Trung Quốc chạm trổ nhiều bức hoành bằng gỗ quý sơn son
thếp vàng để trang trí cung thành ở Thăng Long . Các bức hoành đó
chỉ được gửi sang Đại Việt sau ngày qua đời của Lê Hiển Tông, chưa
dùng tới, để rồi ngày nay được Gia Long cho đưa về kinh đô Phú Xuân
trang trí điện Cần Chánh để làm đẹp lòng Ngọc Hân.
Ngày nay, ngắm nhìn những khung hoành chạm trổ ở điện cần Chánh,
khách thưởng ngoạn có thể nhớ về chuyện tình của Công chúa Ngọc
Hân và có thể khoan khoái mỉm cười cho một kết cục hạnh phúc.
Thế nhưng, nếu ai có đi ngang qua ngôi miếu thờ xiu vẹo đổ nát của
Quảng Oai Quận Công và Thường Tín Quận Vương thì ngươi ta phải bàng
hoàng chua xót. Tại sao ? bởi vì hai vị tiền nhân nầy là hai người
con trai của Hoàng đế Gia Long và Công Chúa Ngọc Hân !
|