Hoàng Thiếu Khanh
Tuyệt vọng, chàng tìm mọi cách gặp lại Kiều dù là ở cõi âm. Thúc
Sinh bèn nhờ một đạo sĩ gần đó nổi tiếng về thuật xuất thần đi tim
tông tích của Kiều :
Gần miền nghe có một thầy
Phi phù tri quỉ cao tay thông huyền
Trên Tam Đảo dưới Cửu Tuyền
Tìm đầu thì cũng biết tin rõ ràng
Tam Đảo là cõi tiên, có ba hòn đảo nổi tiếng là Bồng Lai, Phương
Trượng và Doanh Châu. Cửu Tuyền là âm phủ hay cõi chết thường gọi
là chín suối. « Phi phù tri quỉ » có nghĩa là đốt bùa gọi quỉ đến.
Đạo nhân này sau khi đăng đàn xuất vía tìm kiếm, trở về báo cáo
rằng :
Người này nặng kiếp oan gia
Còn nhiều nợ lắm sao đà thác cho
Mệnh cung đang mắc nạn to
Một năm nữa mới thăm dò được tin
Hai bên giáp mặt chiền chiền
Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay!
Thúc Sinh nghe xong lòng càng phân vân, cho là lời nói đồng bóng
quàng xiên.
Nghe lời nói lạ dường này
Sự nàng đã thế lời thày dám tin
Chẳng qua đồng cốt quàng xiên
Người đâu mà lại thấy trên cõi trần
…
Về phần Thúy Kiều thì bị bọn Khuyển, Ưng đem xuống thuyền đưa về
huyện Tích:
Khuyển Ưng đã đắt mưu gian
Vực nàng đưa xuống để an dưới thuyền
Buồm cao lèo thẳng cánh suyền
Dè chừng huyện Tích băng miền vượt sang
“Cánh suyền” là đi nhanh chóng.
Đi tới nơi bọn chúng mang Kiều nạp cho tiểu thư họ Hoạn. Kiều mơ
màng trong giấc điệp, khi tỉnh lại thấy mình đang ở trong một lâu
đài nguy nga chưa hề quen biết:
Vực nàng tạm xuống môn phòng
Nàng còn thiêm thiếp giác nồng chưa phai
Hoàn lương chợt tỉnh hồn mai
Cửa nhà đâu mất lâu đài nào đây?
Ngày xưa có chàng học trò họ Lư đi thi không đỗ, ghé một hang quán
nghỉ trưa. Có ông lão cho mượn chiếc gối nằm ngủ. Chàng nằm mộng
thấy mình đỗ tiến sĩ, làm quan được 20 năm. Con cháu cũng đều đỗ
dạt nên người. Sau đó chàng cáo phó về hưu. Tỉnh lại thấy mình đang
nằm trong quán, nồi khê do chủ quán nấu vẫn chưa chín. Hoàng lương
là kê vàng, một loại gạo lúa. Vì thế mới có chữ “Giấc mộng hoàng
lương”.
Còn đang bang hoàng nửa mê nửa tỉnh thì có lệnh phán nàng phải lên
hầu gia nữ chủ:
Bàng hoàng giở tỉnh giở say
Sảnh đường mảng tiếng đòi ngay lên hầu
Ả hoàn liền xuống dục mau
Hãi hùng nàng mới theo sau một người
Ngước trông tòa rộng dãy dài
Thiên quang chủng tể có bài treo trên
Thì ra đây là dinh quan Tể tướng. Rồi bên trên bệ thất bảo, nàng
thấy có một bà phu nhân mệnh phụ:
Ban ngày sáp thắp hai bên
Giữa giường thất bảo ngồi trên một bà
Bị tra hỏi, Kiều mới trình bày hoàn cảnh của mình. Tức thì bà này
nổi trận lôi đình lên:
Bất tình nổi trận mây mưa
Dức rằng những giống bơ thờ quen than
Con này chẳng phải thiện nhân
Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng
Ra tuồng mèo mả gà đồng
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào
Đã đem mình bán cho tao
Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này
Nào là roi nọc đâu bây
Hãy cho ba chục biết tay một lần
Thế là Kiều bị hình phạt bằng roi tre, tơi bời thân thể :
Ả hoàn trên dưới dạ rân
Dẫu rằng trăm miệng khôn phân lẽ nào
Trúc côn ra sức đập vào
Thịt nào chẳng nát gan nào chẳng kinh
Tiếc thay đào lý một cành
Một phen mưa gió tan tành một phen
Sau đó nàng bị xếp vào hạng nô tì trong nhà :
Hoa nô truyền dạy đổi tên
Buồng the dạy ép vào phiên thị tì
Ra vào theo lũ thanh y
Dãi dầu tóc rối da chì quản bao
Ngày xưa người ở thường mặc đồ xanh.
Trong đám thị tỳ có một bà lớn tuồi nhất trong đám thấy Kiều thì
thương xót, lo thuốc thang vỗ về và khuyên nàng nên cẩn thận:
Dạy rằng may rủi đã đành
Liễu bồ mình phải giữ mình cho hay
Cũng là oan nghiệp chi đây
Sa cơ mới đến thế này chẳng dưng
Ở đây tai vách mặt giừng
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi
Kẻo khi sấm sét bất kỳ
Con ong cái kiến kêu gì được oan
Tai vách mặt giừng ( hay dừng) cũng giống câu “ Vách có tai dừng
có mắt “ để chỉ phải cẩn thận lời ăn nói kẻo có kẻ xung quanh nghe
thấy sau lưng mình.
Bà này hẳn nhiều kinh nghiệm và đã hiểu rõ những gì đang và sắp
xảy ra trong gia đình thượng lưu họ Hoạn.
Thời gian thắm thoát, Hoạn Thư duỗi xe về thăm nhà mẹ. Hai mẹ con
bàn tán nhau cho Kiều về làm nàng hầu trong nhà Hoạn Thư :
Mẹ con trò chuyện lân la
Phu nhân mới gọi nàng ra dạy lời
Tiểu thư dưới trướng thiếu người
Cho về bên ấy theo đòi lầu trang
Lầu trang hay trang lâu là phòng trang điểm của đàn bà.
Thế là Kiều theo về làm nàng hầu cho Hoạn tiểu thư :
Lĩnh lời nàng mới theo sang
Biết đâu địa ngục thiên đàng là đâu
Sớm khuya khăn mặt lược đầu
Phận con hầu giữ con hầu dám sai
…
Còn Thúc Sinh từ lúc tưởng Kiều bị chết cháy, nấn ná ở Lâm Chuy
ngày này tháng nọ, buồn thương không dứt :
Lâm Chuy từ thủa uyên bay
Buồng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân
Mày xanh trăng mới in ngần
Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Tìm đâu cho thấy cố nhân
Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương
Câu ba ý nói chàng nhìn vầng trăng mới mà nhớ đôi mày cong vút
của Thúy Kiều. Gần một năm sau, Thúc Sinh trở về quê vợ:
Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương
Nhớ quê chàng lại tìm đường tìm quê
Hoạn Thư chỉ chờ có thế. Nàng vồn vã chảo đón chồng và ra lệnh
cho Kiều ra đón tiếp:
Tiểu thư đón cử dã dề
Hàn huyên vừa cạn mọi bề gần xa
Nhà hương cao cuốn bức là
Buồng trong truyền gọi nàng ra lạy mừng
Kiều bỡ ngỡ bước ra, xa trông đã nhận ra người yêu cũ:
Bước ra một bước một dừng
Trông xa nàng đã tỏ chừng nẻo xa
Phải rằng mắt quáng đèn lòa
Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh?
Lúc bấy giờ nàng mới vỡ lẽ ra rẵng những biến cố gần đây đều do
Hoạn Thư sắp đặt:
Bấy giờ tình mới tỏ tình
Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai
Chước đâu có chước lạ đời
Làm ra con ở chủ nhà đôi nơi
Bề ngoài thon thót nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao!
Trong cổ truyện có kể Lý Lâm Phủ nhà Đường trong nụ cười có dao,
ý nói người nham hiểm. ( Đường Lý Lâm Phủ tiếu trung hữu đao)
(Còn tiếp)
|