SỐ 24 - THÁNG 10, NĂM 2004

 

Thư toà soạn

Thơ
Vọng phu thạch
Ngô Thái
Linh hồn sa mạc
Nguyễn Xuân Vời
Thu vịnh
Huỳnh Kim Khanh
Trăng
Phạm Hồng Ân
Chiều chớm thu
Trần Việt Bắc
Từ sông Seine đến Dương Tử
Tôn Thất Phú Sĩ
Chiếc lá rừng phong
Ngô Minh Hằng
Mấy điệu thu ca
Dã Thảo
Đùa chơi vài chữ 2 câu
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Một chuyến đi
Trần Việt Bắc
Con rắn
Nguyên Nhi
Thu muộn
Song Thao
Tưởng như đã quên
Tôn Nữ Quỳnh Diêu
Sống gửi thác về
Trần Phương
Hạt ngủ đợi mưa
Tầm Xuân
"Một tiếng đất trời thu..."
Vũ Hoàng Thư

Biên khảo, tiểu luận
Những người tuổi trẻ của mùa trăm hoa cũ
Phan Thái Yên
Lê Đức Phi - Bà là ai
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 11
Hoàng Thiếu Khanh
Cách mạng Việt ngữ
Tân Văn

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 18
Huỳnh Kim Khanh


 

“Một tiếng đất trời thu...”

 

Vũ Hoàng Thư


Sương nhỏ giọt lóng màu trời xám xuống bìa lá ủ nhàu một hè đã xa xăm. Con đường ngoằn ngoèo dài và hút lối rải rác vàng của lá. Trên lối đó nhớ một hạ nhanh thoắt ghé chân hài. Tiếng bước bật dậy âm khô về một không gian xa.

“con đường hoàng hoa
em mang hài lục”
[1]

Hài xanh hẳn là của buổi ngày xưa vì những em gái bây giờ không còn mang hài, họ mang giày cao gót hối hả đi về phố thị nơi thương xá thời trang tấp nập đợi chờ. Con đường hoàng hoa bỏ lại xin dành cho thi sĩ lang thang một mình. Hài lục thuộc về một thoáng của huyễn mơ, thuở giày xanh làm nổi bật gót trắng thanh nõn. Vẫn con đường hoàng hoa đó, lá thẫm xuống khi màu trăng sao thức dậy gọi sương đêm. Thi sĩ nhớ về một hạ xanh mà hạ xanh vụt mất quá nhanh. Khi mùa lá lục qua đi, người mang bình rượu hoàng hoa uống cạn, uống cho quên guốc tía hài hồng, màu đỏ chói chan của đình đám nhân gian rộn mùi hương cưới. Em gái thôi không còn mang guốc mộc. Xa rồi tiếng guốc gõ êm đềm đi về bờ giếng đêm đêm, tiếng nước mát vang vang. Nước đêm luồn vào gáy tóc, trăng tràn xuống bờ vai. Đêm sâu thẳm những vực bờ ẩn mật lấp lánh ngời giếng mắt.

“con đường sầu đông
em đi guốc tía
anh ngồi thấm thía

cội sầu trổ bông” [1]

Đó là mượn thơ của Phạm Thiên Thư để hí lộng về một huyền thoại thiền sư. Huyền thoại thì chắc là không có thật, nhưng đã sao, có cái gì là thật ngoài những lóng sương thu đang rơi ngoài kia? Ông Phạm bỏ tâm huyết dốc lòng thi hóa Kinh Kim Cang thành Kinh Ngọc Qua Suối Mây Hồng, ông mở đầu bằng lời ngợi kinh như thế này:

thân như sương đầu cỏ,
tụ mười cõi trăng sao.
nhập dòng thơ thâm diệu,
mộng thức dưới hoa đào.

Ông thật khéo biết nói đùa. Mộng thức là biết mình đang mộng hay mộng đang còn thức ? Khi mộng còn thức, chưa chịu đi ngủ, mộng ngồi tỉ tê với hoa đào hóa ra mộng và thực là một ? Dòng thơ thâm diệu, nó là cái gì mà hàm tàng cả ba ngàn thế giới ? Có chăng một dòng luân sinh nhỏ nhoi và mong manh như giọt sương rơi đầu cỏ lại to lớn bao trùm mười cõi trăng sao, trong một chứa muôn ngàn và đại thể nằm gọn trong một lẻ loi, như vậy thì thế nào gọi là giả, thế nào gọi là chân ? Cho nên thiền sư ngồi thức dưới cội đào, cứ coi như dự mà không dự vào cuộc chơi của chân mộng, để đặt triệu lời tra vấn lấy mình. Ngồi như thế lâu lắm đến độ thiên thu mọc rễ níu lấy hình hài. Và sầu đâm ra từng nhánh. Tiếng guốc của người em gái trở về bước vào lòng, thiền sư ngộ ra cuộc đời còn có những đóa hoa thơ mộng ngập kín núi rừng nơi động hoa vàng và bên cạnh đó cũng không thiếu những đóa hoa ưu. Vui và sầu không ở cùng nhau như đôi vầng nhật nguyệt. Sầu là không vui. Sầu là khi Em không còn ở. Sầu hất tờ kinh. Trang kinh bay thành bướm lượn vẽ màu suối tóc. Sư nhảy vào lòng suối mát, đùa giỡn với trăng sao. Bấy giờ chỉ còn người và trăng. Sư ôm lấy bóng trăng nơi đáy suối, ô hô, trăng vỡ trong lòng bàn tay. Sư dụi mắt, chẳng còn gì ngoài tiếng guốc gõ xa xăm. Thầm thì bên tai có tiếng hát,

mộng theo với mị cùng ta
em mang guốc tía bước vào cõi không

Chuyện xảy ra chớp nhoáng như một cuốn phim quay nhanh, lốm đốm dư ảnh còn đọng lại ở võng mô. Vầng trăng vẫn treo trên đầu cành lá nhìn xuống như đang nhoẻn miệng. Lặng giữa thinh không trăng mỉm nụ vô ưu. Bỗng dưng nghe ra một tiếng thét ngất trời, không biết từ đâu. Có hay không có một tiếng thét, nào ai biết, họa chăng đàn vạc ngủ đêm giật mình vỗ cánh, cất tiếng gọi giữa lưng trời. Sư lẩm bẩm, “Cô thiềm độc diệu giang sơn tịnh, trường khiếu nhất thanh thiên địa thu.” [2]

Tháng mười bay về những cơn mây và vài trận mưa sớm bất ngờ. Có lẽ như thế thu theo qua. Gió heo may còn chăng chỉ là những nhớ nhung của sách vở. Rừng cây đang chuyển sang vàng, mùa thành mùa rơi. Không phải vàng chín ngát hương của cây trái, cái đó xin gởi trả lại cho hè. Vàng bây giờ ôm lấy lòng lá màu hỗ hoàng, chút nhựa dư như cơn thở hắt còn đọng nơi đầu cuống, sẵn sàng cho một chuyến đi. Lá đợi gió. Người chờ nhạn. Và thu an nhiên sang...

“Thu sang không cần báo, nhạn vẫn về.” [3]

Trong những vô thường nhỏ nhặt của đời sống vẫn hiển hiện một cái gì thường hằng đấy chứ. Người sẽ mất, vạn vật đổi dời trong cuộc tuần hoàn nhưng xuân, hạ, thu, đông vẫn còn đó và nhất là lá đỏ mùa thu sẽ mãi rơi...

“Cái gì sẽ vẫn là di sản của ta?
Hoa mùa xuân,
Chim cu mùa hè,
Và lá đỏ
Của mùa thu.”
[4]


Vũ Hoàng Thư
Tháng 10, 2004

------------------------------------------------------------------------------
[1] Guốc Tía, thơ Phạm Thiên Thư

con đường hoàng hoa
em mang hài lục

con đường bạch cúc
em mang hài hồng

con đường sầu đông
em đi guốc tía
anh ngồi thấm thía

cội sầu trổ bông

[2] “Một vầng trăng chiếu non sông lặng, chợt kêu một tiếng đất trời thu”
Nghĩa Huyền Thiền sư, Lâm Tế Ngữ Lục, Thích Duy Lực dịch.

[3] “Thu lai bất báo nhạn quy lai”, Từ Đạo Hạnh, cao tăng đời nhà Lý

[4] Thiền sư Ryokan Taigu (1758-1831), Three Zen Masters: Ikkyu, Hakuin, and Ryokan,
John Stevens - NXB Kodansha International, Nhật Bản, 1993, Việt dịch: Cư Sĩ Nguyên Giác, 2003