Con lừa đứng áng giữa đường chợ. Lưng thồ hai giỏ hoa oải hương
thảo (lavande), và các loại lá rau gia vị miền Provence. Đôi mắt
ngây thơ rộng tới vô biên. Mặc bao lớp người qua lại ồn ào. Cái
nhìn, như loài cá trên sông, không còn cơ khép đậy. Một ngọn đèn
thắp mãi trong đêm. Cái nhìn suy tưởng hồn nhiên bám víu vào dòng
sống, như mùi thơm trong thoáng gió. Hương vị oải hương thảo ngai
ngái từ xa, lôi kéo tôi và Tánh. Đứng nhìn trân một lúc, chúng
tôi ngồi xổm cạnh chân lừa. Mỗi đứa vào sâu một góc mắt, hay theo
những tầng thơm lục soạn lại bao mẫu đời đã biệt tích nơi vùng
xa ký ức.
Người chủ bán oải hương thảo và lá rau cũng phần nào
xa lạ như con lừa nơi phố chợ Mouffetard. Tạc người thấp, đầu đội
bê rê đen, chiếc quần màu xanh thợ, treo bằng nịt quai ngang trên
đôi vai vuông vức. Ống quần rộng gần bằng chiều cao khổ người ông.
Thượng trên đôi guốc gỗ bọc da cao ngất. Chông chênh dư thừa giữa
mặt đường lót đá phẳng phiu. Con người đó chỉ thoải mái khi di
động nơi chiều cao lối núi, con lừa đó cũng chỉ bình yên khi gõ
nhịp cho mây trên sườn đồi. Bây giờ bọn họ bị vất xuống thị trấn,
đứng im buồn bán độ nhật, còn lại gì ngoài mớ hương thoang thoẳng?
Chốc chốc Tánh nhìn tôi cười ngầm, như cùng khám phá một nỗi diệu
kỳ nào của đời sống, mà khu chợ búa này đã để sổng đi theo từng
bụm hương. Hương lavande trên lưng lừa. Hương của từng núi hoa
quả, đào, lê, táo, cà chua ... chất chồng hàng quán dọc hai dãy
phố hẹp. Chốc nữa đây, các bà nội trợ tấp nập sẽ mang riêng về
nhà mình những bó rau ngọc thạch, những đĩa quả mọng nắng, những
cá thịt tươi rói. Họ dọn tất cả lên bàn cơm thịnh soạn. Bàn cơm
là nghĩa địa của bao nhiêu hương trời và trái đất, bao nhiêu sinh
vật còn nhởn nhơ bơi lội hay chơi đùa hôm trước
Con cá nhởn nhơ trong nước. Con bò nhởn nhơ trên đồng. Rau cỏ nhởn
nhơ theo gió đùa .... Người cũng nhởn nhơ nơi thế giới chăng ?
Để tới lúc nào đó, bị lùa về chốn chợ trời, như hoa quả rau thịt
ở chợ Mouffetard ?
Một dòng thư của người em gái chợt xoạc qua đầu:
"Ồ em tưởng tượng lúc đặt chân lên vùng đất tự do, em sẽ qùy xuống
mà hôn lên nó, như đã từng tưởng tượng khi còn điêu đứng ở quê nhà. Nhưng em
đã không qùy hôn mảnh đất đầu tiên đón em trên đường ly quốc, bởi em chưa cảm
thấy được tự do trong đồn lính Mã Lai. Đàn ông thì bị đá đít và bị bắt hít
đất. Đàn bà thì bị rọi đèn pin vô mặt, khiến đêm đầu tiên ấy dài bằng một năm.
Rồi năm sáu tháng ở trại tỵ nạn chờ ngày lên đường sang một quốc gia đệ tam.
Ôi, tự do phải ăn nóng, để nguội sẽ bớt ngon ... "
Ồ, em! Tự do là
một vật thể? Một vùng đất ư? Tình yêu
chỉ là môi má, và xác thân? Quê hương là một khoảng trống cách
lìa?
Nếu chỉ có thế, đời sẽ buồn nhạt và phiền lụy biết bao. Vật
thể ta mua được. Má môi có thể chiếm đoạt. Khoảng trống sẽ lấp
đầy. Nhưng tự do, tình yêu, và quê hương? Và lòng mình-nơi khởi
dựng thế giới?
Khắp mặt đất, dưới bất cứ chính thể nào, đâu đâu
cũng còn sót lại rất nhiều những tên lính hay cảnh sát thô bạo.
Ta theo hay bỏ, đâu vì một vài tên hạ cấp côn đồ ấy. Những tháng
năm dù dài ở Thái, Mã Lai, Nam Dương ... vẫn không là trại giam
nơi Cao Nguyên hay Việt Bắc. Em có nhận ra điều đó ? Bởi vì nỗi
cơ cầu ở trại tỵ nạn vẫn mầm chứa một niềm hy vọng, đang dần dà
sinh nở ra những lần lựa chọn, trao ta cặp cánh để vượt thoát đến
những phương trời. Còn nơi quê hương kia, con người cứ bé dần vào
cơn tuyệt vọng, nấc thành nỗi chết thảm trong hồn. Que quắt quả
cau khô. Những kẻ chiếm đóng nơi quê hương kia chẳng cần "đá
đít" hay "rọi
đèn pin" vào mặt người, vì ở đó, chúng ta không là người nữa.
Chúng ta vật - sở - hữu nô lệ của những ông Quan thuộc Giai Cấp
mới chuyên buôn lậu hồn người. Nghĩ lại đi, chưa bao giờ chúng
ta được chứng kiến nước Việt Nam giang tay đón tiếp một dân tộc
khác đi tìm lẽ sống như ta, nên chưa xác định được đồn lính Mã
Lai kia hiền hay dữ. Nơi ta đã phiền lòng hay đau đớn thấy những
biểu hiện thất tình mấy kẻ thiếu văn hoá.
Tự do không là vật thể,
quà cáp. Cũng không là sự nhởn nhơ. Bấy lâu, ta chỉ sống nhởn nhơ
theo ngọn gió phương Tây suốt thời Pháp Thuộc. Rồi nhởn nhơ đi
kháng chiến. Nhởn nhơ trở về thành. Nhởn nhơ đi lính Cọng Hoà,
đi du học, đi biểu tình hoan hô hay đả đảo một chế độ. Nhởn nhơ
đi tu, nhởn nhơ lên chùa, nhởn nhơ làm báo ... Xem nhởn nhơ là
sự tự do, và tự do là những điều ưa thích, đam mê phải chiếm hữu.
Như con bò nhởn nhơ nhai cỏ. Con cá nhởn nhơ bơi lội. Con chó nhởn
nhơ thả mồi bắt bóng. Cứ thế, tới hôm nay đây, vẫn còn có người
người lớp lớp nhởn nhơ về thăm "quê
hương" theo chương trình du lịch khai thác "thặng dư
giá trị" đồng đô la hay phật lăng, tìm lẽ sống còn cho chủ
nghĩa vô sản xã hội.
Hay nhởn nhơ vượt biển ra đi.
Không. Nhởn nhơ không là sự tự do. Làm sao em sống được với "nỗi
buồn xa xứ" đã dần thành con sâu lao trong buồng phổi ? Rồi
đây, cũng "nỗi buồn xa xứ" ấy, dù có trở lại quê nhà,
em cũng sẽ cứ nhớ buồn một xứ xa ray rứt khôn cùng. Ở trong nước,
ta không chịu để thể chế bất nhân kia chụp đè lên tâm thức ta một giới
hạn. Nên ta sử dụng tự-do-ta, bằng hành động chống đối hay
chọn lựa ra đi. Nhưng khi đến được nơi mơ ước, ta lai dánh mất
khả tính tự-do-ta này, ta chán chường, hết nhất tâm phá vỡ vòng
vây của giới hạn đang độc tài vây khốn người ở lại, hay
những giới hạn chụp đè mới, manh nha nơi xã hội tiêu thụ,
để bảo tồn tự-do-ta. Ta cứ trầm theo nỗi nhớ thương hủy thể, hay
những kỷ niệm rụng rời.
Con người ít chịu sống với quê hương trong
lòng mình, tình yêu trong lòng mình, tự do trong lòng mình. Con
người chạy theo loài qủy ám, rức mình đi xa. Hóa thân ra trăm chục
con đồng lắc lư vô định. Người Việt cứ đi hoài về một phương Nam
xa khuất. Tựa con lừa kia bước hoài theo giỏ cỏ người xà ích treo
trước mỏm, đem miếng ăn dụ nó kéo xe.
Nơi mỗi góc lòng người Việt,
vang động hoài bước chân tổ tiên đi. Tổ tiên ta đã rời bỏ dòng
sông Dương Tử, rời bỏ Hồ Động Đình, vượt biển xuống phương Nam.
Từ đó, chúng ta rầm rập theo hoài những bước chân vô hình ấy. Và
nay thì anh em ta, kẻ ở Cali, người ở Úc, người đứng bơ vơ giữa
Mouffetard, khu chợ thơ mộng của thành phố Paris.
Mà chúng ta đi về phương Nam, hướng ngọn Lửa văn minh chuyển hoá,
do chiếc giỏ cỏ treo trước hàm ngựa dẫn lối ? Hay theo một tinh
cầu tự thóat nào ? Tự do chưa là đích, vì tự do là con đường đưa
về chân lý, đưa về thực tại tối hậu của đời người trên mặt đất.
Chúng ta là những hoàng tử Oreste trên đường về thành Argos trong
vở kịch "Loài Ruồi Nhặng" (Les Mou ches) của
Sartre đây chăng ?
Tôi đi từ thành này sang phố khác, xa lạ với mọi người và với cả chính
tôi; rồi những thành phố trùng điệp khép lại sau bước chân tôi như một mặt
nước yên tĩnh ...(1)
Tôi đã biết là mình bị lưu đày ... Những hương vị và âm thanh, tiếng mưa
rơi trên mái ngói, những lẵng nắng đung đưa, tôi đã để mọi thứ đó lướt qua
thân thể mình và tràn rơi bốn phía; tôi đã biết là mọi thứ đó bị những kẻ khác
chiếm rồi, và chẳng bao giờ còn được cất giữ chúng vào kho tàng kỷ niệm ..."(2)
Tôi gọi mời bao kỷ niệm, tôi xin một miếng đất, một chỗ đứng
giữa lòng dân thành Argos. Tôi muốn kéo cả thị trấn bao quanh như
cuốn thân vào chăn ấm. Không, tôi sẽ không chịu đi đâu cả (3)
Nói cho hả chí. Ước vọng cho nhiều để giấu che sự bất lực. Người
vẫn không cưỡng lại được với hoàn cảnh, mà lỗi là vì mình chẳng
chịu chủ định sắp đặt từ trước. Oreste, hay chúng ta, vẫn phải
rời bỏ quê hương mà đi. Oreste mất hai mươi ròng, lưu đày.
Đi hay
đứng đều chưa phải tự do. Và tự đo không là sự chiếm hữu. Vì tự
do là sự sống đã chọn lựa, đã chủ định, nhú ra như cành nụ nói
lên tiếng nói chung hoà của lòng đất. Tự do là mốt cái lướt đi,
một sự vượt tới. Tự do là tung vỡ giới hạn để hoà nhập nơi trùng
trùng, mà chẳng cần lưu dấu.
Như con nhạn liệng giữa thinh không,
bóng rơi vào mặt nước lạnh. Nhạn không hề cố ý lưu dấu, nước cũng
chẳng muốn giữ bóng nhạn vào lòng:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhan vô tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
Hương Hải
(thi
sĩ
Việt
Nam,
thế
kỷ 17)
Lướt đi, lướt
tới, vượt qua
mọi mối hời hợt,
giả trá, tàn
độc, đạo đức
giả của xã hội.
Đừng bám thân
vào đôi cánh
phù du, vào nỗi
đời bọt bèo.
Tuôn đi như sông
nước, quất tới như sấm chớp. Ta kéo cả thế gian theo
nhịp điệu kiêu hùng trên tồn sinh miên viễn. Tất cả
cùng ta thảnh thơi tung vỡ giới hạn.
Con cá vì nhởn nhơ mà mắc
lưới. Con bò vì nhởn nhơ mà vào lò sát sinh. Vì nhởn nhơ chúng
ta thành dân nô lệ. Đã bao đời. Và còn tới mấy đời ?
Đến bao giờ,
chúng ta mới thảnh thơi tung vỡ giới hạn.
Đến bao giờ, tiếng chân vang vọng của tiền nhân bỏ nguồn sông Dương
Tử vượt biển xuôi Nam, của người miền Bắc về phương Nam tìm tự
do năm 1954, của người Vượt Biển, từ 1975, xuôi Nam Hải ra chín
phương trời thế giới, mới đứng dừng ? Mới thôi theo chiếc
giỏ cỏ treo trước hàm ngựa ? Để tự do không chỉ là vật thể, tình
yêu không chỉ là môi má, quê hương không chỉ là khoảng cách ?
Phải chăng mỗi chúng ta nên hát ru cho biển ngủ, và quay chân trở
về cùng ngọn núi tâm tư ? Hiểm trở tới đâu, vẫn không có đỉnh núi
nào cao quá dầu gối người trèo. Rồi Núi sẽ vỗ yên những bước chân
trần lụy cứ đòi đi xa mãi tâm người, xa mãi thảnh thơi, xa mất
Quê chung.
Thi Vũ
14.7.1984
(trích từ Gọi Thầm Giữa Paris, tạp ghi,
Quê Mẹ xuất bản, 1986)
1. "Je vais de ville en veille, étranger aux autres et à
moi-même; et les villes se referment derrière moi comme une eau
tranquille ..."
2. "Je savais que J'étais exilé... Les odeurs it les sons,
le bruit de la pluie sur les toits, les tremblements de la lumière,
je les laissais glisser le long de mon corps it tomber autour de
moi, je savais qu'ils appartiennent aux autres it que je ne pourrais
jamais en faire mes souvenirs..."
3. "Je veux mes souverirs, mon sol, ma place au milieu des
hommes d'Argos. Je veux tirer la ville au tour de moi et m'y enrouler
comme dans une couverture . Je ne m'en irais pas"
|