(Ðọc tuyển tập Bến Đợi - Thơ Kim Thành & Tôn Thất Phú Sĩ, nhà
in Select Graphic & Printing Inc., Hoa Kỳ, 2007)
Trong ngổn ngang thi phẩm thời nay (ở Việt Nam có hơn 700 tập thơ
ra đời mỗi năm, ở vùng Quận Cam California nghe nói có tới vài
chục thi sĩ trên một cây số vuông !), thời mà thơ rẻ rúng không
người mua, in ra chỉ để tặng bạn bè, tập thơ Bến đợi ra đời như
luồng gió mát trong không khí nóng nực mùa hè.
Tập thơ khổ 14 x 21cm, dày 207 trang, có tranh minh họa, có những
bản nhạc (phổ thơ Kim Thành và Tôn Thất Phú Sĩ (TTPS)), được trình
bày rất trang nhã, biên soạn công phu, không có lỗi chính tả như
ta thường thấy ở một số tập thơ.
Đọc tập thơ « Bến Đợi » xuyên suốt gần 40 bài thơ của Kim Thành
(không kể 40 bài phụ họa và cảm xúc của người em TTPS)(1), chúng
ta thấy được nỗi lòng ai oán đầy thương nhớ xót xa của người quả
phụ đối với người chồng tiền định đã vĩnh viễn ra đi xa lìa cõi
thế.
Cách đây khoảng một năm rưởi, tình cờ người viết bài này có đọc
được một bài bình thơ rất hay của Phan Thái Yên trên nguyệt san
điện tử Giao Mùa: « Kim Thành…Người sương phụ làm thơ » (2). Đọc
kỹ xong bài đó thì tôi biết chắc chắn nhà thơ Kim Thành đó là cô
giáo đã dạy Pháp văn cho tôi thuở xưa ở trường trung học Phan Châu
Trinh Đà Nẵng những năm 1962-63 ! Sau đó tôi đã vào đọc tất cả
các bài thơ của cô, in ra trên giấy, và trong mấy ngày liên tiếp
đã đọc trên đường đi làm bằng xe lửa. Lúc đó tôi đã trao đổi thư
với cô : « Thơ của cô hay quá, vì ngoài tài làm thơ của cô ra,
có lẽ vì chính cá nhân cô đã trả một giá quá đắt : mất vĩnh viễn
một người chồng thủy chung, yêu thương nhau từ thuở còn rất ngây
thơ. Sự mất mát to lớn đó, cái đau đớn vô cùng tận đó đã bắt cô
phải trang trải lòng mình trên giấy dưới dạng thơ ca. Chắc chắn
là cô cũng đã yêu thơ từ lâu rồi, nay đúng là dịp để cô bày tỏ
nỗi lòng của mình trước tan tác của sinh ly, của đớn đau thương
nhớ ngút ngàn với người tình si đã để cô ở lại một mình ».
Trong tập thơ «Bến Đợi » này có thêm một số bài thơ mới. Ngoài
một vài bài viết kỷ niệm thời sinh viên Đại Học Sư Phạm Huế, thời
đi dạy học trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng và Võ Tánh Nha Trang,
hoặc tâm sự với người em TTPS, hoặc về nóng bỏng thời sự (Em bé
Iran), mừng ngày con đi lấy chồng, tất cả các bài thơ còn lại đều
nói đến tình cảm đau xót nhớ thương người chồng mến yêu đã mất.
Đúng như tựa đề của tập thơ, sự trông chờ, mong đợi một tương phùng
bên kia thế giới là sợi dây xuyên suốt mấy chục bài thơ. Một cuộc
hẹn hò tương lai được loan báo, như cuộc gặp gỡ định mệnh của hai
tâm hồn trước đây năm mươi năm. Bến đợi, bến bờ đợi mong, bến giang
đầu, bến mộng, bến mơ, bến đỗ …là những chữ được lặp đi lặp lại
nhiều lần như một khẳng định cho cuộc hẹn hò sắp tới đó.
Vâng, có những con người trời sinh ra là để gặp nhau, thương nhau,
chờ nhau ngay từ tiếng khóc đầu đời, như một định mệnh, không hề
hay biết trước :
Em đang đi giữa trời Hai Tháng Tám
Ngày Anh vào đời rộn rã yêu thương
Của Mẹ của Cha và gió muôn phương
Anh đã đến chờ em Anh đâu biết (Anh vội để một vần thơ đâu đó)
Quen nhau ở lứa tuổi vị thành niên, lớn lên bên dòng sông
Hàn, rồi những tháng năm cùng theo học Đại Học Sư Phạm Huế bên
con sông Hương, Bến Ngự trữ tình, họ đã yêu nhau và kết duyên
cầm sắt :
Ta gặp nhau năm mười bốn tuổi
Một sáng mùa xuân
Nắng vàng rực rỡ
Mắt anh cười không gian rộng mở
Thầm chuyên chở một tình si (Ngồi tiếc ngẩn ngơ)
Họ đã sống rất hạnh phúc, hạnh phúc đến nỗi nàng không
cần phải làm thơ « ngày xưa em không làm thơ/Bởi anh là cả
trời mơ bên mình » (3) (Mất anh em làm thơ). Rồi bỗng một
hôm em trở thành quả phụ, người yêu dấu đã đành đoạn cất
cánh bay xa biền biệt, để lại trần gian những tiếc nuối khôn
nguôi :
Anh ơi bây giờ
Em ngồi tiếc ngẩn ngơ
Nghe mưa rơi rụng ngoài song cửa
Nghe những giọt buồn rớt quanh đây... (Ngồi tiếc ngẩn ngơ)
Nếu Xuân Diệu xưa kia hăm hở rạo rực, mê đắm cuồng
nhiệt, vội vàng giục giã yêu như sợ thời gian xuân trẻ
sẽ trôi đi nhanh chóng, thì người con gái xứ Quảng, tuy
cũng có trái tim lửa cháy như bị hạn hán chỉ chờ cơn
mưa lũ dâng trào, chỉ chực để «được» vỡ đê, lại có cái
say đắm đằm thắm :
Và từ đó
Ta thương nhau thắm thiết
Chia sẻ mỗi buồn vui
Tình đầu đâu hay biết
Đời vũ khúc rong chơi cùng năm tháng
Đem vô thường bỏ lại sau lưng (Ngồi tiếc ngẩn ngơ)
Anh đã đến cùng em không hẹn trước
Mùa xuân nào cỏ xanh mượt bờ dâu
Mây trên cao bỗng vội vã tan mau
Và nắng mới trải dài bao mộng ước (Cảm tạ tình anh)
Hai năm sống ở Paris sau khi rời quê hương và
trước khi tìm về miền đất hứa Cali là những ngày
"lênh đênh nơi xứ lạ" nhưng vô cùng thi vị. Paris
ngày tháng cũ bên người yêu dấu đã để lại trong tâm
tư của người sương phụ biết bao hồi tưởng, chập chờn
ký ức khó quên. Nàng trở lại đây «sau hai mươi sáu
năm dài », tâm hồn héo úa, ứa lệ bước trên những
con đường thơ mộng một thời chung bóng mà giờ đây
chỉ còn là kỷ niệm. Hai mươi sáu năm, mái tóc bồng
bềnh buông thả đôi vai ngày xưa nay đã « hai màu » theo với thời
gian. « Lòng buồn như bia mộ », nàng bàng hoàng rung cảm đau đớn
nhớ lại cái « thưở trầm hương » đã qua không bao giờ trở lại :
Anh, em đã trở lại Paris
Sau hai mươi sáu năm dài
Cùng anh
Vượt trùng dương tìm đất hứa
Hai mươi sáu năm em già hơn trước
Một mình, trống vắng
Tóc hai màu khó che dấu nét phôi phai
Em trở lại đây
Không có đợi chờ
Lòng buồn như bia mộ
Nhớ bước chân anh trên từng viên gạch cổ
In dấu mỗi lần qua
Nhớ nụ cười anh ôm kín nỗi lo xa
Những tháng ngày chúng mình lênh đênh nơi xứ lạ
Anh, em đã trở lại Paris
Đi giữa mưa gầy Tháng Bảy
Kỷ niệm chập chùng trang ký ức
Mắt cay cay cơn huyễn mộng trùng phùng (Em đã trở lại Paris)
Yêu người yêu cả đường đi lối về. Vương
quốc tình ái hồn nhiên đằm thắm một thời Paris
mà nàng trân trọng, chỉ là một nối dài của tình
yêu cọng hưởng với người tình đầu tiên và mãi
mãi ngàn sau. Nàng đã trải lòng mình, qua lời
nhắn nhủ, san sẻ cùng người em rất thân thương
TTPS :
Em sẽ nhận ra
Trong bao la
Từ thinh không vọng lại
Điệu ru buồn u uẩn của sinh ly
Em sẽ nhận ra
Căn nhà đó Beautreillis một thuở
Sau cánh cửa mở hờ
Là một trời dấu yêu ấp ủ
Là hương đêm tỏa ngát đóa diệu kỳ
Và em ơi!
Hãy cúi xuống
Hôn dùm chị bờ rêu phong trước cổng
Nhặt hộ anh viên sỏi đá ngậm ngùi (Nhớ nghe em)
Mùa thu tháng mười đi qua từng chân
tóc rụng với nỗi nhớ mù khơi, nàng gửi hồn
mình theo cánh nhạn bay xa :
Em ngồi đây, héo nụ cười
Tháng mười vàng trổ nghe buồn mang mang
Chìm theo cánh nhạn về ngàn
Tóc em rụng xuống sợi nào cũng anh (Mất anh em làm thơ)
Cũng có khi, trong nỗi buồn chất
ngất bóp chết con tim, không biết bám
víu vào đâu, Kim Thành đã vô lý, rất
tình, trách cứ người yêu. Và cái nũng
nịu hờn dỗi « vô lý đó » đã làm người
đọc càng thêm thương cảm :
Lời thề đó năm mươi năm chưa đủ
Anh hãy đền em những ngày tháng cũ
Hãy đền em giờ đây tàn bóng đổ
Em bơ vơ nỗi nhớ buốt hồn đau (Bỗng một hôm)
Tương
tư khắc khoải đợi chờ, đìu hiu trong ốc đảo cô đơn, thuyền lạc
bến đi không tới bờ, đàn đứt dây cung giai lạc điệu, một mình bâng
khuâng trong ảo giác chập chờn ẩn hiện :
Cơn gió nhẹ theo mây vờn tóc rối
Là cơn mưa dội mát đến vô cùng
Vỗ về ta qua từng giờ hấp hối
Biến ngục tù thành hải đảo hoang vu
………………………………………………
Đêm xanh xao buồn lênh đênh bất tận
Đời theo đời lận đận kiếp phù vân
Nỗi khắc khoải xoáy mòn tim nhức nhối
Ta mệt nhoài ôm bóng tối vây quanh … (Một cõi chập chùng)
Để rồi nước mắt âm thầm
chảy ngược vào tim. Tưởng gần
gũi trong gang tấc mà xa cách
vời vợi ngàn trùng. Ám ảnh, thao
thức, gợi nhớ, suy tư, mộng mơ
…đã hạ sinh được những vần thơ
u uẩn, tràn đầy nước mắt, thấm
đẫm lòng người :
Đêm hôm qua em nằm yên không ngủ
Nghe nhạc buồn em ngỡ bước chân anh
Bỗng tinh tú vỡ tan từng mạch máu
Anh xa xôi cũng chưa hết ân cần
Tình anh đó…hồn em như bối rối
Nước mắt nào nghe cay chát bờ môi
Anh run sợ, "đừng em ơi đừng khóc
Tội nghiệp em đau nhức trái tim anh" (Cảm tạ tình
anh)
Thỉnh thoảng đâu đó
ta lại bắt gặp cái sắc sắc
không không thoáng đượm chất
Thiền :
Em đứng nơi đây ngóng đợi gì
Tìm anh? Anh đó mãi tìm chi
Hồn ta một phiến ngàn dâu bể
Đổ xuống đời nhau vạn kiếp sau (Đếm sao)
Hoặc thiết tha réo
gọi và chơi vơi trong
cái vô định của cuộc
đời không biết sẽ trôi
về đâu :
Mùa thu đến trời vẫn cao vời vợi
Anh, Phổ Hà, dòng sông mãi trôi xa
Xin chớ phôi pha
Hỡi trầm luân em nương tựa
Đưa hồn thơ đến tận cửa u linh
……………………………………………
Trong tỉnh lặng đìu hiu
Tiếng kinh cầu vọng gọi
Ta giật mình tự hỏi
Cõi chập chùng hay ngõ cụt không tên (Một Cõi chập chùng)
Không lẳng lơ
như Thị Màu, đoan
trang chung thủy
với tình yêu, Kim
Thành đã không chấp
nhận thái độ mà cô
cho là chao qua chao
lại trong tình cảm của nhân vật CHỊ RÊU trong phim "Phố Hoài"
của đạo diễn Song Chi (4) mà hai cô trò đã có dịp trao đổi. Đó
là cái rigueur morale mà cô vẫn nuôi dưỡng cho quan niệm tình yêu
của mình.
Tình yêu như cây lớn, như biển cả, là cội nguồn tươi mát, là động
lực thúc đẩy sáng tạo, mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng trái tim đa cảm
đi tìm không tưởng :
Chiếc lá lìa cành đi đâu mà vội
Đời biển dâu tôi đứng ngóng từng giờ
Những đợi chờ dường như dài bất tận
Để bao lần trăng tròn khuyết thương mong
…………………………………………………
Câu thơ viết đọng tình theo hơi thở
Bay bơ vơ tìm bến mộng đầu non
Ngõ đường cùng chạm bàn tay tượng đá
Trời ơi trời… tôi gục ngã tương lai (Buồn vui mưa nắng)
Dòng thơ
Kim Thành đôi
khi biến động
nhẹ nhàng trong
nỗi buồn xa vắng
vướng vất ít
nhiều chút tình
hoài cổ Bà Huyện
Thanh Quan :
Vẫn một vầng trăng treo giữa trời
Tình mình nay đã cách đôi nơi
Bến đợi thuyền neo chờ cổ độ
Chẳng biết chừ sóng vỗ nơi mô
Phố xưa một thoáng trầm hương cũ
Đã phủ rêu phong luống ngậm ngùi
Phủi bụi trần gian anh lạc cảnh
Em hồn đơn lạnh ngóng trăng rơi… (Trăng và tôi)
Nhưng
có lẽ bài
thơ buồn
nhất, cô
đơn nhất,
là bài thơ
tác giả đã
viết như
một tình
thư gửi người
dấu yêu khuất
bóng, biền
biệt chân
mây, trong
Ngày Tình
Yêu :
Ngày Valentine buồn hiu hắt
Tình xa bay tận cuối chân mây
Anh có biết em đang lệ đổ
Ngồi vỗ về nỗi nhớ khôn nguôi
………………………………………
Màu thời gian xanh xao tàn úa
Tiếng chuông buồn réo gọi âm xa
Tim thức giấc hay tim đã chết ?
Giữa khô cằn sỏi đá trơ trơ (Tình cuối chân mây)
Anh
đã bỏ
đi, đã
lỗi hẹn,
nhưng
tình
anh thì
trước
sau "mãi
mãi không phai". Ta thấy Kim Thành là người có cái may mắn được
lá bùa tình yêu chiếu mạng, nâng niu che chở suốt một đời. Phải
chăng cái may mắn đó đã làm cho sự mất mát càng to lớn hơn và nỗi
đau càng thêm vô cùng ?
Anh Hoàng Tử không chỉ ngày gặp gỡ
Tóc điểm sương vẫn gối mộng từng giờ
Đời sỏi đá anh dìu em sánh bước
Trải muôn hoa ta luân vũ nghê thường
Những đứa con mình kim cương ngọc quí
Là kho tàng anh để lại cho em
Cảm tạ tình anh một đời chung thủy
Cảm tạ tình anh ơn phút tình cờ (Cảm tạ tình anh)
Trong
khát
vọng
đợi
chờ,
nghi
vấn
thường
đặt
ra,
ta
bắt
gặp
những
tiếng thở dài thờ thẫn, trong mơ hồ một cõi ngóng trông :
Bến đợi bây giờ ở nơi đâu ?
Người ơi có biết em đang sầu
Nhìn bốn phương trời xa xa lắc
Chỉ thấy một màu thương nhớ thương… (Nghe hồn bay bổng)
Giấc
mơ Ngưu Lang Chức Nữ cũng chỉ
là một hy vọng viễn vời trong
mênh mông vũ trụ, thời gian xâm thực làm hao mòn lòng tin nơi cuộc
gặp gỡ cuối cùng :
Hỡi cánh gió thả trôi niềm mơ ước
Chở giùm ta cầu Ô Thước sông Ngân
Chút trần ai tơ vương còn sót lại
Giấc mộng hờ không dấu vết ăn năn…
…………………………………………
Tháng Bảy mưa ngâu
Giọt buồn rơi rất khẽ
Trên tàng cây xanh lá
Ướt sũng trái tim đau
Em ngước mặt nghe hồn băng giá
Nhìn trời cao chẳng thấy bóng thương yêu (Tháng bảy mưa ngâu)
Nhưng
cuối cùng thì Kim Thành
vẫn « ta chừ vẫn đợi ».
Ở đây không có sự suy tính,
mà là một khẳng định vô
cùng lãng mạn hướng về
tương lai mờ mịt :
Tình rơi rụng, một cung đàn đứt phím
Tím một góc trời tím bước đi hoang
Chiều buông lơi nhìn dòng sông nước chảy
Nước chảy qua cầu sỏi đá buồn đau
Nước chảy qua cầu ta chừ vẫn đợi
Vịn cuộc đời đi cho hết trăm năm
Bâng khuâng gì những xa tít mù tăm
Mưa, mưa mãi mưa hoài mưa chẳng tạnh (Ta chừ vẫn đợi)
Với
tập thơ Bến Đợi, tác
giả Kim Thành không
tìm cách cách tân thơ,
không làm dáng, làm
điệu bộ như một số
nhà thơ (lớn hoặc nhỏ),
không dùng ngôn từ lắc léo hay lòe loặt với những xuống hàng, chấm
câu cầu kỳ. Dễ đọc dễ hiểu, có biên độ xúc cảm lớn vì chân thật,
giàu nhạc tính, giàu hình ảnh màu sắc như hội họa. Đặc biệt thơ
gây xúc động mạnh mà vẫn không làm người đọc có cảm giác quá than
khóc ảo não : một ngữ ngôn biết tự điều tiết lời. Tập thơ Bến Đợi
có nhiều bài đạt tới đỉnh cao, rực rỡ sáng. Có những câu trong
bài «trung bình» cũng rất tài hoa. Về kỹ thuật thuần túy : có những
câu thơ lục bát hoặc song thất lục bát gieo vần không tuân theo
luật lệ cố hữu (ngay cả những tác phẩm lớn cổ điển cũng ít có 100%
đúng luật !), nhưng sự «nhảy rào» này không làm tổn hại chất thơ,
ngược lại đã làm tăng lên sự uyển chuyển nhịp nhàng, thể hiện biệt
tài riêng của tác giả ! Nguồn thơ có sức xúc cảm lay động lớn và
giàu nhạc điệu khiến ta dễ dàng chấp nhận và quên đi cái máy móc
khư khư cứng ngắt của kỹ thuật. Mục đích của thơ không phải là
diễn tả mượt mà tình cảm của trái tim sao ?
Mấy ai trong chúng ta nhớ và thuộc lòng hàng trăm hàng nghìn bài
thơ của các tác giả nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Nguyễn
Bính, Chế Lan Viên, Tế Hanh,…Có ai nhớ được vài câu bản dịch tiếng
Việt của Tỳ Bà Hành trong sự nghiệp thơ đồ sộ của Bạch Cư Dị đời
thịnh Đường ? Có thể chúng ta thuộc một vài bài, có thể một vài
câu (trong một bài) của một tác giả nào đó. Như vậy, trong thực
tế, câu thơ đóng vai trò rất quan trọng trong một bài thơ, cũng
như một bài thơ (chất lượng) đối với một tập thơ (số lượng). Trong
ý nghĩa này, thơ tình Kim Thành có những bài rất hay (Em đã trở
lại Paris, Mất anh em làm thơ, Ngồi tiếc ngẩn ngơ, Bổng một hôm,
Cảm tạ tình anh, Đếm sao), một ngày nào đó có thể được sắp vào
kho tàng văn học sử thơ tình Việt Nam, theo thiển ý người viết
bài này (cũng như bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan viết cho người
vợ trẻ bị chết đuối). Những bài thơ vừa kể trên của Kim Thành (5)
làm người đọc xúc động vô cùng vì lời lẽ chân thật thiết tha, chữ
nghĩa kén chọn, súc tích mượt mà nhưng bình dị, nói lên được nỗi
lòng u uẩn thương nhớ chất chứa đầy kỷ niệm của nhà thơ với người
chồng đã khuất. Đặc biệt bài “Em đã trở lại Paris” đã làm người
viết choáng váng, đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, mà lần
nào cũng “mắt cay cay“ như một câu trong bài thơ đó.
Lê Miên Khương
Paris, tháng 9 / 2007
(1) Vì bài viết giới hạn, chúng tôi chỉ đề cập đến thơ Kim Thành
mà thôi.
(2) Phan Thái Yên, « Kim Thành…Người sương phụ làm thơ », nguyệt
san Giao Mùa (có in lại ở phần cuối tập thơ nầy).
(3) Tất cả các câu viết nghiêng là trích thơ Kim Thành, trừ khi
có chú thích khác.
(4) Phim Phố Hoài kể chuyện anh Dậu học giỏi con nhà nghèo, sau
mấy chục năm du học thành danh ở hải ngoại, về lại thành phố tuổi
thơ Hội An, tìm lại nhà thầy giáo cũ để trả ơn nghĩa. Dậu và người
chị (Rêu, con gái của thầy) nhắc lại những dĩ vãng êm đềm trong
khung cảnh đặc biệt của phố Hội. Một phim đầy thơ tính.
(5) Website thơ Kim Thành : « www.kimthanh.net »
|