SỐ 36 - THÁNG 10 NĂM 2007

 

Thơ

Đêm cuối ở Nha Trang
24
Vũ Hoàng Thư
Chiếc Taco lưu lạc

24 Phạm Hồng Ân
Viễn hoài
24
Tiểu Đỉnh
Khuýp danh

23
Ái Ưu Du
Đọc thư
21Trần Việt Bắc
Tình đã giá băng
18
Huỳnh Kim Khanh
Trang thơ cũ bản đàn xưa
18
Ngọc Trân
Paris quê hương tôi ?
18
Tôn Thất Phú Sĩ
Anh vội để một vầng thơ đâu đó
18Kim Thành
Sa Pa Việt Bắc
18Đỗ Phong Châu
Nỗi nhớ
21
Trần Hoan Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút

Vượt trại
14
Phạm Hồng Ân
Sàigòn, Người cũ, Khoảng trống ...
14Nguyên Nhi
Tản mạn phố xưa
14Phan Thái Yên
Duyên khởi
14Cỏ Biển
Hoa tím
13
Xuân Phương
Thư tình tri ngộ
14
Ái Ưu Du
Ở đợ trần gian
15
Võ Thị Đồng Minh
Chợ Mouffetard
8Thi Vũ
Cuối ngày một lần ngồi lại
8Song Thao
Sự cô đơn và khát vọng đợi chờ trong thi phẩm Bến Đợi
8Lê Miên Khương


Văn học, biên khảo

Giao Chỉ và Tượng Quận (3)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành (10)
4Ngô Văn Xuân
Phiếm luận văn chương
4Huỳnh Kim Khanh
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 23
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn
1Ái Ưu Du
Vô tình cốc - Kỳ 30
1Huỳnh Kim Khanh


 

Vượt trại



Tôi choàng dậy, len lén nhìn qua song sắt. Tên vệ binh đã đi xa. Hắn cố kéo lê tấm thân một cách mệt mỏi. Khẩu AK vắt vẻo trên lưng như gánh nặng. Đêm nào, hắn cũng gánh nặng như thế, để lê la qua các buồng giam, canh chừng giấc ngủ chúng tôi.

Tôi bò trong bóng đêm, tụt xuống nền xi măng. Mùi rệp hăng hắc, loáng thoáng bay khắp buồng. Tôi cố trân mình quỳ bẹp, đưa tay lòn vào lưng quần, mò trên phần da của bộ phận sinh dục, để móc ra một con rệp lì lợm – đang say máu ngả nghiêng. Tôi dí con rệp vào chân tường. Dùng ngón tay đè bẹp nó. Tôi chà qua xát lại hàng chục lần. Cho đến khi nào xác  con rệp mỏng dánh như tờ giấy quyến, tôi mới dừng tay. Tôi tưởng tượng cộng sản là con rệp, con rệp là cộng sản. Chỉ có bọn ác ôn như vậy, mới hút máu, mới hành hạ tù nhân, mới đưa hàng vạn sanh linh vào nơi tối tăm, khổ hải.

Tôi đoán, bây giờ đã quá nửa đêm. Vì tiếng gà đầu tiên, bắt đầu cất tiếng gáy, ở phía dãy trại quản giáo. Lúc này, tụi nó đang ngon giấc. Các vệ binh cũng mệt mỏi. Có đứa tìm chỗ, ngủ gà ngủ gật giây lát, để lấy lại sức lực. Tôi khều vào chân thằng Tuấn, đánh thức hắn dậy. Tội nghiệp, hắn ú ớ một lát, rồi cũng lồm cồm bò xuống, chổng mông dưới nền xi măng.

Buồng giam tối thui. Chỉ có ánh sáng mỏng mảnh, vàng ệch, phát ra từ cái đèn dầu leo lét ở cuối buồng. Nhờ ánh sáng mỏng mảnh này, chúng tôi định hướng mục tiêu, xác định được vị trí của mình. Tôi bò trước. Tuấn bò sau. Mỗi cử động chuyển tiếp của chúng tôi, chắc chắn sẽ gây ra những âm thanh bất thường, trong không gian vốn tĩnh lặng ban đêm. Nhưng, nhờ sự khéo léo nhẹ nhàng của mỗi đứa, nhờ những tiếng ngáy như kéo đờn cò của hàng trăm tù nhân át đi. Nên ý định chúng tôi, đã gặp điều may mắn, ngay từ lúc ban đầu.

Bỗng, tiếng chuột chút chít ở phía sau. Rồi, một đàn chuột đồng loạt lao nhao lên, nối đuôi chạy lòng vòng quanh buồng giam. Vừa chạy, chúng vừa chút chít inh ỏi, khiến các tù nhân thức giấc, cựa mình, làu nhàu khắp buồng. Chúng tôi lẹ làng nép người xuống gầm ván, ép thân vào sát chân tường. Xui ghê! thằng Tuấn đã giẫm phải chú chuột. Đau quá, nó ré lên, kêu bán sống bán chết. Đám chuột bẩn thỉu kia! Vậy mà, biết đoàn kết. Một con bị nạn, cả bọn xúm lại giải vây. Thế là, chúng đã làm tôi và Tuấn, một phen mất vía kinh hồn.

Chờ cho đàn chuột kéo nhau về ổ, không gian bắt đầu yên tĩnh trở lại – tôi và Tuấn mới rón rén bò ra lối đi. Lối đi dẫn đến phần cuối buồng giam. Dẫn đến khu vệ sinh hôi hám, đầy rác rến và những vũng nước đen ngòm. Mùi khai của nước tiểu, họp cùng mùi thối khẳm của phân người...làm chúng tôi muốn nôn mửa. Tuấn khum người xuống cầu xí. Đó là những mảnh ván đơn sơ, ghép song song với nhau. Chính giữa, người ta khoét một lỗ nhỏ, vừa cho phân rớt vào một cái thùng, đặt phía bên ngoài. Chúng tôi muốn bứng những mảnh ván đó, để đu người, chui  khỏi buồng giam, vượt trại.

Tuấn rút từ lưng quần ra một khoảnh thép ba lô ngắn ngủn. Đó là dụng cụ duy nhất, dùng nạy đinh, bật lên khỏi mảnh ván. Tôi quỳ xuống kế bên, đặt một chai thủy tinh ở dưới, làm đòn bẩy cho khoảnh thép. Khi  đinh bật lên, chắc chắn nó sẽ phát ra tiếng kêu cót két. Muốn chế ngự tiếng kêu này, tôi phải cầm lon nước, rót liên tục vào lỗ đinh.

Cây đinh thứ nhất vừa bứng lên, tôi bỗng cảm thấy nằng nặng đôi chân, và nhột nhạt một cách kỳ lạ. Tôi đưa lon guigoz nước lên miệng, dùng hàm răng cắn chặt sợi quai, rồi quơ tay xuống phía dưới. Trời ơi! hàng trăm con dòi chết tiệt đang đeo tòn ten trên bắp đùi. Con nào con nấy no tròn, mềm nhũn đến độ dễ sợ. Chúng đi tới đâu, mang mùi thum thủm tới đó. Không phát giác kịp, chúng có thể kéo từng đàn, tấn công lên háng, lên bụng. Có thể đeo trên tay, trườn qua vai, leo tới cả mép môi, khóe miệng...

Thằng Tuấn vừa nạy xong cây đinh cuối cùng, thì tiếng gà gáy sáng lanh lảnh khắp nơi. Ngoài sân, các vệ binh đổi ca nhau. Trong buồng giam, tù nhân lục tục thức dậy. Có đứa súc miệng rọt rẹt cuối vách. Có đứa đái  tỏn tỏn trên máng thiếc, thông ra hố nước tiểu bên ngoài. Thằng Tuấn tuột quần, giả vờ đi tiêu. Rồi, kê mặt vào tai tôi, nói nhỏ

- Tối mai.

Tôi nhìn qua song sắt, tiếc rẻ những toan tính chưa thành. Chỉ cần chui tọt qua mảnh ván này. Bò ngang đám rẫy khoảng vài chục mét, tôi và Tuấn đã tới bìa rừng. Chun vào đám rừng tối trời kia, ẩn mình trong các chòm cây bạt ngàn - đố cha bọn vệ binh sục sạo kiếm được. Mùa này, đám rẫy là đám bắp cao nghệu khỏi đầu. Thật dễ dàng thực hiện âm mưu vượt trại biết bao!
Hôm sau, trong lúc tù nhân đi lao động, bọn cơ giới việt cộng đã đem Molotova và máy móc đến, dựng một hàng rào sắt kiên cố, bao quanh các buồng giam. Từ đó, tù nhân không còn thong thả qua lại bên đám rẫy nữa. Dự định trốn trại của chúng tôi, đành tiêu tan thành mây khói.
Tuấn buồn bã suốt mấy tháng trời. Hắn ít ăn ít uống lại, suốt ngày chỉ hút thuốc liên miên. Bịt thuốc rê Cao Lãnh của tôi, vợ vừa thăm nuôi chưa đầy một tháng, bị hắn vấn sạch bách, không còn một cọng. Tội nghiệp, vợ hắn bỏ cả năm nay rồi. Con ác phụ gan lì thật! Trước khi ôm gói theo trai, nó dẫn thằng con về giao Nội, viết cho Tuấn một lá thư đầy nét phũ phàng. Biết rõ hoàn cảnh đau khổ này, tôi luôn quanh quẩn bên hắn, để an ủi, chia xẻ những đắng cay với bạn.

- Này Tuấn, mi lấy vợ trong trường hợp nào vậy?
- Trường hợp nào? Tau thích, thì tau cưới nó. Lúc đó, nó may ở Cần Thơ. Còn tau, trung úy đại đội trưởng.
- Như vậy, mi với nàng lấy nhau, đâu phải vì tình yêu? Chẳng qua, mi có địa vị, nàng muốn nương cậy để nhờ tấm thân. Thôi, đừng buồn. Không phải là tình yêu, thì hãy xem, như chuyện qua đường...

Tôi choàng tay, kéo hắn vào lòng, thật thà kể cho hắn nghe một câu chuyện.

- Tau kể mi nghe một chuyện. Để chứng minh tình yêu rất phức tạp. Muốn sống chồng vợ trăm năm, không những có duyên, người ta còn phải nợ với nhau. Chuyện như thế này, xóm tau có một cô gái. Nhan sắc trung bình thôi. Nhưng em quyến rũ, nhờ biết cách khêu gợi đàn ông. Không biết quyến rũ thế nào, mà cả hai ông: họa sĩ và thi sĩ đều đem lòng mê em, như mê thuốc lào. Ông họa sĩ, tối ngày, cứ tẩn mẩn vẽ chân dung em. Còn ông thi sĩ, cứ lang thang đều đều vòng quanh nhà em, thả hồn theo mây khói, nặn óc làm thơ, dâng tặng đối tượng. Mi biết, con gái, khi được người ta tôn làm thần tượng, thì có cảm tình ngay. Em đá lông nheo lại cả hai, ông họa sĩ và thi sĩ. Tau đố mày, vậy chớ ông nào chiếm được trái tim nàng?

Tuấn gãi đầu, suy nghĩ. Một lúc sau, hắn đưa hai tay lên trời:

- Thua, tau không nghĩ được. Cả hai đều tài ngang nhau. Chẳng lẽ, em chọn cả hai?

Tôi nhéo vào vai Tuấn, trề môi, nói một hơi:

- Em chọn thằng chệc, ở kề bên nhà. Một thằng chệc nói tiếng Việt  chưa rành, tối ngày rúc trong nhà trốn lính. Trường hợp này, cũng đâu phải tình yêu? Đó là tình dục. Lửa gần rơm, phải cháy. Kết quả, vài năm sau, em cũng bỏ thằng chệc, theo nhân tình khác.
- Như vậy, mày khuyên tau nên quên vợ. Quên con đàn bà, đến với nhau, không phải là tình yêu đích thực?
- Đúng thế! Bây giờ, mày nên lo thằng con. Vượt biên, gầy dựng tương lai cho nó.

Ngày qua ngày, mưu toan trốn trại, cứ nhen nhúm, thôi thúc không ngừng...trong đầu óc chúng tôi mãi. Cho đến một hôm, chúng tôi quyết định. Hai đứa ngoéo tay nhau, thề sống chết không rời.

Buổi chiều, trước khi về trại nghỉ ngơi, vệ binh lùa tù nhân xuống sông để rửa ráy. Hàng ngàn người nhào xuống nước, bơi lội vẫy vùng, quậy đục cả khúc sông, vốn bẩn thỉu vì xác lá rừng, xác thú vật...từ thượng nguồn trôi về. Lợi dụng sự ồn ào vô trật tự đó, tôi và Tuấn bấm tay nhau, lặn mau vào bìa rừng.

Xế chiều, bên ngoài, mặt trời còn nhô cao. Nắng còn lấp lánh trên sông, trên rẫy. Vậy mà, trong rừng, không gian tối om om như đêm ba mươi. Tôi và Tuấn lần theo các cây đại thụ, đi tới. Hướng đông trước mặt, cứ lầm lũi lao nhanh. Chúng tôi nối đuôi nhau tiến bước, bất kể chông, gai, thú rừng và hiểm nguy – có thể, chờ đón phía trước.
Khoảng một giờ sau, tiếng súng bỗng rộ lên, từ hướng trại tù. Rồi, tiếng súng dồn dập khắp nơi. Tự dưng, tim tôi đập thình thịch, thình thịch.

- Mẹ, tụi nó bắn báo động: có tù vượt trại.

Thằng Tuấn đẩy tôi vào gốc cây. Khí rừng tuôn ra, cộng với nỗi sợ hãi trong lòng, khiến hai hàm răng tôi đánh bò cạp. Thằng Tuấn mở nắp lon guigoz ra. Hắn đưa lên môi, hớp từng ngụm nước.

- Mi yên trí! Tiếng súng nghe rất xa. Chứng tỏ, mình đã thoát.

   Rừng âm u, thênh thang một cách bí hiểm. Những con mắt thú long lanh, sòng sọc trong bóng đêm. Chúng ở rất xa. Nhưng tưởng chừng rất gần, lẩn khuất đâu đây. Càng về đêm, rừng càng nhiều tiếng động. Tiếng kêu của các loài thú hòa hợp nhau, như một bản trường ca vĩ đại của thiên nhiên.

Bàn chân tôi đau buốt. Gai rừng sướt trên da thịt, làm toét ra những vết thương. Tôi cử động thân thể. Cái bụng chuyển mình, sôi ục ục bên trong. Thì ra, từ trưa tới giờ, tôi và Tuấn chưa ăn uống chi. Tôi đưa tay lần vào túi. Cái túi ba gang. Cái túi, mà tù nhân nào cũng lọ mọ tìm vải, may thêm phía trong áo – để khi ra bãi lao động, quơ quào bất cứ thứ gì có thể ăn được, giấu vào đó, kín đáo mang về trại. Trưa nay, tôi đã ém một mớ hột bắp rang, đem theo. Nhai nhóp nhép hột bắp giờ này, uống thêm vài ngụm nước lạnh, chắc chắn bao tử sẽ căng lên.
Tuấn trút hết phần bắp vào miệng, nhai rệu rạo. Hột bắp nằm trong túi quá lâu, lại thấm mồ hôi người, nên dai nhách như ny-lông. Bỗng nhiên, Tuấn đứng dậy, khua lá cây xào xạc dưới chân.

- Bây giờ, lấn ra sát bìa rừng. Đi dọc theo nó, khỏi sợ lạc. Cứ hướng đông tiến tới, ta sẽ gặp làng chài.
- Tau có thể nhìn sao tìm hướng, hoặc nhìn hướng tìm sao. Đừng lo!

   Sáng hôm sau, khi ra khỏi bìa rừng, chúng tôi đã thấy thấp thoáng những mái nhà dọc ngang phía trước. Có phải làng chài không? Một ngôi làng Thiên Chúa Giáo của mấy ông bắc kỳ di cư 54, vốn không đội trời chung với cộng sản? Nhưng, làng chài thì phải có biển. Biển ở đâu? Xung quanh chỉ toàn là rẫy, rẫy bạt ngàn. Chỉ có con đường độc nhất dẫn qua làng. Một con đường mòn, giữa hai vách núi lừng lững những đá tảng.
Tôi và Tuấn dừng lại ở đầu vực, ngẩng đầu về phía mặt trời chói chang. Nắng rớt từng mảng xuống chân. Gió thổi từng cơn lên tóc. Nắng trêu, gió đùa, làm niềm vui ở đâu ùa ra, phơi phới trong tim mỗi đứa. Chúng tôi nhảy tung tăng, vung tay quăng các vật dụng cá nhân xuống vực. Nào lon guigoz, túi ba gang, thép ba lô, vải chùi đít...Chúng tôi muốn chôn kín dấu vết. Những dấu vết tù binh, cay đắng ngậm ngùi.

- Này, có lá cờ việt cộng to tổ bố, bay phần phật ở đầu làng kìa!

   Tôi kéo Tuấn dừng lại, chỉ xuống dưới triền rừng.

- Có thể, làng việt cộng. Tau nghe nói, Bắc Cộng đem gia đình vào nam, rất đông. Họ tụ họp lại thành ấp, xã. Chiếm đất, khai thác.
- Vậy, tụi mình phải nhanh chóng băng qua làng. Tìm cách ra biển.

   Tôi dắt Tuấn, mạnh dạn trườn ra đường. Đi được nửa quãng, bỗng gặp một thằng bé bươn bả đi tới. Tuấn tấp vội vào lề. Vách đá cheo leo, trống trải. Xung quanh, không lùm bụi, không táng cây, không cả hang hốc nào...có thể ẩn thân. Thằng bé đi tới, bắt gặp chúng tôi đang loay hoay như thế này, sẽ nhận diện ra tù binh ngay.

- Mẹ, gặp mình, nó sẽ hoảng hốt la lên. Rồi, co giò chạy về làng, báo công an.

   Tuấn nghiến răng trèo trẹo. Quai hàm hắn bành ra, trông có vẻ giận dữ.

- Phải bóp cổ thằng bé. Quăng nó xuống vực.

   Đúng như tiên đoán của Tuấn, thằng bé vừa trờ tới, vội khựng lại ngay, khi bắt gặp chúng tôi đang luống cuống bên vách núi. Nó chợt la ầm lên: tù trốn, tù trốn...Rồi, cắm đầu chạy thục mạng trở về. Tuấn nhanh hơn sóc, hắn bay ào đến thằng bé, nắm cổ áo nó giật mạnh lại. Thoáng chốc, thằng bé nằm gọn trong bàn tay hộ pháp của Tuấn.

- Xin Chúa tha tội cho con! Con đành phải giết thằng bé này!

   Bàn tay hắn từ từ phồng lên, quấn chặt vào cổ thằng bé. Tôi cuống quít, phóng tới, giằng co với Tuấn.

- Nó chỉ là đứa bé vô tội. Thả đi. Đừng giết nó!

   Thằng Tuấn gầm gừ:

- Không giết nó, nó sẽ giết mình. Mày hiểu chứ?
- Số phận chúng ta, hiện tại, chưa biết ra sao? Nếu bị bắt trở lại, thêm tội sát nhân. Chắc chắn, tau và mày sẽ...ra nghĩa địa.
- Vậy, mày giải quyết thằng nhóc này, thế nào?
- Trói và bịt miệng lại. Xong, vất nó vào vách núi kia. Tau và mày phải nhanh chân, chạy băng qua làng. Thoát thân!

   Thằng bé bị trói thúc ké bằng dây rừng. Bị bịt miệng lại bằng chính chiếc áo phong phanh của nó. Tôi đặt thằng bé tựa lưng vào vách núi, rồi cẩn thận khoác lên thân nó một chiếc áo mưa – do chính nó mang theo. Chắc chắn, từ đây tới chiều, sẽ có người qua lại con đường này. Thằng bé được giải cứu và trở về an toàn.

Loay hoay mãi, chúng tôi vẫn chưa tìm được lối ra biển. Ngôi làng đã vượt qua. Nhưng, đám rẫy vẫn bạt ngàn. Rẫy này tiếp nối rẫy kia, mịt mù bốn hướng. Tôi và Tuấn vừa tới một khoảnh đất trống. Ở đó, có bóng mát của tàng cổ thụ, che kín một góc trời. Tôi định kéo Tuấn ngồi xuống, ngả lưng giây lát. Bỗng...tiếng súng nổ vang phía trước. Rồi, tiếng súng nổ vang phía sau. Nổ vang phía phải, phía trái. Bọn công an xuất hiện. Chúng hồng hộc chạy tới, hung hăng chĩa súng về chúng tôi, la vang:

- Đưa tay lên! Chúng mày đã bị bắt!

   Tôi chưa kịp đưa tay lên, chưa kịp nhìn Tuấn phản ứng ra sao? Thì...bọn công an đã bu quanh tôi. Chúng đua nhau dùng báng súng thúc lên đầu, lên trán, lên mặt, lên vai, lên bụng, lên tay chân tôi...liên hồi. Hình như có chất gì mằn mặn ở môi. Có nỗi đớn đau nào làm nhức nhối từng khoảng thịt xương trên cơ thể. Rồi, một luồng sáng chói chang từ đâu,  thình lình bay thẳng vào mắt, xoáy sâu vào óc tôi. Không cưỡng được, tôi đành buông người theo luồng sáng đó, bập bềnh...đi vào cõi hư vô.

PHẠM HỒNG ÂN
(San Diego, 19/02/2006)