1.
Vừa đẩy xe vào cổng trường đã nghe tiếng chuông reo báo hiệu,
tôi chỉ kịp dựng chiếc xe chạy vội về phía hành lang của lớp và
đứng xếp hàng sau lưng đám bạn đang chuẩn bị làm lễ chào quốc kỳ,
một đứa trông thấy tôi reo lên :
- Ê con Kim Âu nó vô kìa, có tin nóng hổi cho mi đây !.
Tôi chưa
kịp hỏi đầu đuôi bỗng thấy bà giám thị hành lang lò dò bước tới
thế là cả bọn đứng im thin thít. Vì trường tôi nổi tiếng có kỷ
luật khe khắt nhất Sài gòn, cho nên mấy bà giám thị " hách
xì xằng " với bọn con gái chúng tôi kinh khủng, hễ động đậy
một chút là trừ điểm hạnh kiểm hoặc cho zero với câu đe dọa bất
hủ " Em nào có điểm hạnh kiểm dưới hai mươi sẽ không được
chính phủ xét cho đi du học ", bọn con gái chúng tôi hiếm
có đứa mơ đến chuyện này nhưng vẫn sợ hãi " xanh lè con mắt " khi
bị trừ điểm. Có những lý do thật vô duyên để nó trở thành " con
ngáo ộp " hù dọa đám nữ sinh trong trường tùy theo cảm tính
của người có quyền cầm bút viết con số trừ. Trốn chào cờ hay nói
chuyện trong lúc chào cờ là bị zero ngay, giờ học môn này lôi tập
môn học khác ra viết cũng bị trừ, mặc áo dài phải có hai áo lót
trong, thiếu một chiếc cũng bị trừ, phù hiệu trường phải thêu thẳng
vào hò áo không được ép plastic ghim vào, áo không được quá mỏng,
đi học không được đánh phấn hay kẻ mắt và còn nhiều thứ lý do khác
nữa. Có năm lớp Đệ nhất C làm đặc san riêng, không biết có " thâm
thù " gì mà tác giả một bài viết trong đó đã ghi câu " Nhỏ
không học lớn lên làm giám thị " Vậy là gió bão nổi lên ầm
ầm trong hàng ngũ giám thị toàn trường, cả lớp cũng thật " chịu
chơi " nhất quyết không khai tên ai là tác giả, tên Trưởng
lớp cũng như Trưởng ban báo chí dù bị hăm he sẽ trừ zero hạnh kiểm
cũng không hề hé môi, cuối cùng tất cả lớp phải đứng sắp hàng giữa
sân trường đọc lời xin lỗi và toàn thể đều bị ghi zero điểm hạnh
kiểm trong thành tích biểu của năm học cuối.
Tôi không có gan giống
thế nên dù tò mò biết bao vẫn không dám hỏi chuyện gì, cho đến
khi xong buổi chào cờ lợi dụng lúc thứ tự đi vào lớp Phương Liên
nói nhỏ với tôi :
- " Bản mặt khó chụp hình " có gởi tặng
mi cuốn Đặc san, chút nữa ra chơi ta đưa cho mi.
" Bản mặt khó chụp hình " là tên một anh bạn tôi vừa
mới quen trong nhóm " Rừng rú ". Không giống như mấy
nhỏ trong lớp, ba má tôi rất khó khăn ngoài giờ học ở trường hầu
như chị em tôi bị " cấm cung " trong nhà, ngay cả việc
xin đi học thêm những môn mình ưa thích như học đàn tranh, học
vẽ học võ thuật là mốt của các nữ sinh thời bây giờ cũng không
được, nói gì đến việc quen biết người khác phái. Đối với Ba má
tôi, nhà có con gái lớn là " thùng thuốc súng hay hũ mắm treo
đầu giường " rất nguy hiểm như tôi vẫn thường nghe người lớn
nói với nhau. Tiếng là quen biết nhưng tôi và anh bạn chỉ là " văn
kỳ thanh bất kiến kỳ hình ". Mấy nhỏ chung quanh có ba má
dễ dãi nên chủ nhật nào cũng đi tham gia sinh hoạt trong Phong
trào Sinh viên học sinh phục vụ xã hội do đó có cơ hội quen biết
thêm bạn bè học nhiều trường và hầu hết là nam sinh. Một hôm Phương
Liên khoe với tôi quyển Đặc san của nhóm " R2 " do anh
bạn trong nhóm tặng. Tôi bật cười khi nghe nó nhắc tên nhóm " e
rờ bình phương " tôi hỏi vặn lại :
- Ê nhỏ, tên gì nghe quái
trêu quá vậy ?
- Là tên gọi tắt đó " e rờ bình phương " là hai chữ
R của nhóm Rừng rú.
Tôi bật cười lớn :
- Ha ha, cái tên nhóm nghe gì dã man quá vậy,
chắc nhóm này quy tụ mấy ông bà già tóc tai dài thòng như người
tiền sử trong rừng hả.?
Phương Liên trợn mắt la :
- Nhỏ này toàn tưởng tượng chuyện tầm
bậy ! Nhóm này quy tụ mấy anh lớn ưa thích văn chương, có máu văn
nghệ đang học bên Pétrus Ký lập ra, dĩ nhiên là mấy anh đó giao
hảo với bọn mình rất đặc biệt, đúng theo truyền thống từ đời ông
bà xưa để lại cho nên khi phát hành quyển đặc san nào cũng không
quên tặng cho bọn này mỗi đứa một cuốn.
Nói là Đặc san cho oai,
thật ra chỉ là quyển sách mỏng khổ giấy lớn hơn quyển tập một chút
được quay ronéo, trong đó có nhiều bài thơ văn, hình vẽ ghi lại
sinh hoạt của những thành viên trong nhóm, phát hành hình như mỗi
tam cá nguyệt một lần. Tôi thích đọc Bảng tin sinh hoạt của nhóm
ở những trang cuối vì người phụ trách viết bảng tin có giọng văn
dí dỏm đọc nghe rất tức cười, chẳng hạn như tin 'một bức tranh
của họa sĩ Rừng trong nhóm đã được lọt vào cặp mắt " đen thui " của
tướng Nguyễn Bảo T hôm ông đến dự buổi triển lãm tranh của các
họa sĩ trẻ ở miền Trung. Bảng tin có đôi lần nhắc đến người viết
là người không thích chụp ảnh, khi cả nhóm đi cắm trại lúc mang
máy ảnh ra chụp hình là anh chàng giấu mặt hay lẻn trốn vì lý do
mình có " bản mặt khó chụp
hình ". Tôi nói vói Phương Liên :
- Ê nhỏ, ta đoán nhân vật
có cái mặt khó chụp hình này thứ nhất là người có tính khiêm nhường,
thứ hai là vì không ăn ảnh, thứ ba chắc có dung nhan xấu thật,
giống như thị Nở của Chí Phèo.
- Mi thì lúc nào cũng để đầu óc đầy tưởng tượng của mình đi lạc.
Hắn là nhà thơ Mắt biếc trong đặc san đó, đang học Đệ nhất bên
Pétrus.
Tôi cười hì hì, giả bộ ngạc nhiên :
- Ủa, anh này cũng có tài
làm thơ nữa hả, nhưng bút hiệu lại có vẻ " mềm mại " quá.
Chắc lại đang kết với cô bạn có đôi mắt đẹp nào đây, mai mốt hai
người nếu chia tay, ta tin rằng anh ấy sẽ đổi bút hiệu thành nhà
thơ " Mất biệt ".
Có lẽ nhỏ Liên đã kể với anh chàng rằng
tôi là người ái mộ văn tài và thêm thắt điều gì đó nên hôm nay
tôi được gửi riêng một quyển với chữ ký và lời đề tặng ngoài bìa,
từ nay tôi không cần phải đọc ké mấy nhỏ bạn nữa, nhưng trước khi
mang về nhà tôi phải cẩn thận lấy viết mực bôi đen tên mình trên
đó kẻo ba má tôi biết được sẽ bị rầy rà to.
Học chung lớp nhau nhiều năm nhưng tôi chỉ mới quen với nhóm
bạn này khoảng gần năm nay. Tôi là người có chiều cao trung bình
nên khi xếp lớp đều được cho ngồi ở hàng thứ nhì hay thứ ba, dĩ
nhiên tôi chỉ thân thiết với vài bạn ngồi trong khoảng cách gần
với mình thôi. Nhóm của Phương Liên, Nữ Anh thuộc loại cao " nhòng " nên
luôn luôn ngồi cuối lớp thường được gọi là " xóm nhà lá ".
Đầu niên học lúc chọn ban để sinh hoạt, tôi tham gia trong ban
Khánh tiết. Liên là trưởng ban xã hội, Nữ Anh làm trưởng ban báo
chí nên rủ tôi.
- Kim Âu qua ban báo chí của mình đi, năm ngoái
nhờ bài viết của bạn tờ bích báo của mình có điểm cao hơn hết trong
mười bốn lớp nên được lãnh giải nhất của cấp lớp.
Phương Liên chen
vào :
- Mình thích bài viết " Đi chợ Tết " của bạn lắm
vì đọc lên cười nôn ruột, bạn có khiếu viết văn lắm đó.
Không phải chỉ có mình Liên và Nữ Anh nói chuyện đó với tôi,
ngay từ lúc bắt đầu học lớp Tư, lớp Ba những bài tập làm văn của
tôi đều được cô giáo cho điểm cao hay đem đọc cho cả lớp nghe với
lời phê bình " có nhiều trí tưởng tượng, lời văn mạch lạc,
suông sẽ " vì năm đầu tiên vào học trường tiểu học tôi đã
đọc thông, viết thạo nhờ trước đó cứ đòi theo các anh chị đi học
trường tư dù chưa đủ tuổi vào trường. Còn nhớ lúc mới vào lớp Năm
hồi ấy cô giáo đã viết trên bảng câu chuyện Con Rồng cháu Tiên
với Mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm cái trứng, chuyên Tiết Liêu với bánh dầy,
bánh chưng. Chuyện Chú Cuội với cây đa khiến tôi rất thích thú
à tất cả đủ khởi đầu cho " mảnh sáp mềm " trong trí tưởng
tượng của một đứa trẻ như tôi bay bổng vào thế giới đầy huyền thoại,
mơ mộng. Những năm đó, được nghỉ hè tôi hay theo mấy đứa hàng xóm
cùng ở trong cư xá trốn ngủ trưa đi lang thang vòng vòng qua các
con đường lớn quanh khu vực giũa hai hàng me cao chớn chở, đợi
chờ những cơn gió thoảng qua khiến cành lá rung rinh, lúc ấy những
trái me chín khô, vỏ nâu giòn lúc trĩu từng chùm không chịu nổi
đành buông tay rơi lộp bộp xuống đất cho chúng tôi tranh nhau nhặt
sạch. Bắt đầu là đường Nguyễn trung Trực chúng tôi đi qua Nguyễn
Du, vòng qua Tòa án, xuống Công Lý về Gia Long, điểm dừng chân
cuối cùng của bầy con nít đều ở hàng hiên trường Đại học Văn Khoa
nằm ở góc Gia Long và Nguyễn trung Trực. Ở đó có khung cảnh yên
tĩnh, râm mát với hai hàng me cổ thụ, khác với những tòa nhà xây
theo kiểu cũ từ thời Pháp thuộc quanh khu vực trường được kiến
trúc theo kiểu mới hai tầng lầu với bậc tam cấp dài lát đá rửa
bóng láng, mịn màng. Ngồi trên các bậc thang trước cửa trường cả
bọn dốc túi mang hết " chiến lợi phẩm " ra nhấm nháp,
ăn xong mấy đứa con trai lại chạy ra trước vỉa hè chơi trò đánh
bông vụ, dích hình ; bọn con gái ngồi búng thun, nhảy cò cò, riêng
tôi chỉ thích ngả lưng trên thềm đá mát rượi trước hiên tay gối
đầu mắt nhìn lên những tàn lá me non xanh mướt thả hồn theo bóng
nắng lung linh, đôi lúc bạo gan lân la vào tận bên trong nhìn dãy
hành lang vắng ngắt có những gian phòng đóng kín cửa. Chơi chán
phía trước, tôi rủ cả bọn ra phía sau trường trong khu đất của
Khám lớn ngày xưa, giờ xây dựng thành khu hội chợ triển lãm hàng
nội hóa và nhà tiền chế đang bỏ trống, tôi bắt mấy đứa công kênh
mình lên để níu tay vào bệ cửa sổ nhìn vào một gian phòng, bên
trong là lớp học toàn người lớn khi tôi thò đầu lên tất cả ánh
mắt trong phòng đều đổ dồn về phía tôi, vừa lúc ấy tôi trông thấy
người thầy tay cầm quyển sách đang tiến dần đến cửa sổ, hốt hoảng
tôi vội buông tay té xuống đất rồi cùng cả đám ù té chạy, thế nhưng
qua ngày hôm sau bọn tôi vẫn tụ tập nơi này như cũ, hình như khoảng
không gian nơi đây có một cái gì rất êm đềm quyến rũ khiến trong
tôi vẫn y nguyên háo hức muốn nhìn thấy thế giới phía bên trong
các gian phòng kia có gì khác lạ với thế giới hiện tại của đám
nhóc chúng tôi ?.
Giờ ra chơi Nữ Anh lôi tôi xuống " xóm nhà lá " bàn
chuyện làm báo, tôi tròn mắt hỏi :
- Nhỏ nói thật hay nói đùa ?
- Mình nói chuyện nghiêm chỉnh đó. Phương Liên, Minh Ánh, Hồng
Trần đều đồng ý rồi, giờ chỉ còn Kim Âu nữa thôi.
Tôi băn khoăn
:
- Mình đâu có biết gì về báo chí mà tham gia.
- Bọn này thấy nhóm R2 tặng Đặc san cho mình hoài nên có ý kiến
phải làm tờ báo riêng của nhóm để tặng lại.
Minh Ánh nói thêm :
- Cái gì cũng vậy, có qua có lại mới toại
lòng nhau mi à.
Tôi ngẫm nghĩ, chuyện này cũng dễ hiểu vì thời gian
gần đây tôi đọc trên các tờ báo thấy mốt " thời thượng " bây
giờ học sinh, sinh viên đua nhau thành lập các thi văn đoàn với
lý do để trao đổi văn chương thơ phú, tôi hay gọi tên là " thi
văn đoàn mất biệt " bởi vì sau khi thành lập một thời gian
thì chẳng còn nghe tung tích. Ngập ngừng một chút tôi nêu thắc
mắc :
- Trong nhóm mình có ai đã từng có kinh nghiệm làm báo chưa
? theo mình biết Nữ Anh chỉ mới làm bích báo, nếu làm đặc san thì
khó khăn hơn nhiều.
Bấy giờ Hồng Trần mới lên tiếng :
- Chuyện này dễ thôi vì Liên
nói sẽ nhờ các anh trong phong trào chỉ dẫn và làm cố vấn cho mình.
- Nếu các bạn đã quyết định như thế thì cứ làm theo ý, riêng mình
sẽ cố gắng tham gia theo khả năng nhưng việc quan trọng là phải
tìm cái tên cho cuốn đặc san của nhóm trước đã.
- Phải đó,
Sau một hồi bàn qua tính lại tôi đề nghị :
- Đặt tên là " nhóm
hạc trắng " đi, văn chương diễn
tả người con gái đẹp phải có " vóc hạc, xương mai",
các bạn có thấy khi nhìn những tà áo dài trắng tung bay trong
gió giống như những con chim hạc đang nhẹ nhàng bay lượn không
?
- Ừ cái tên nghe hay và có ý nghĩa đó, mi đúng là người có đầu
óc lãng mạn và nhiều trí tưởng tượng.
Có tên nhóm rồi bây giờ đến
việc chọn bút hiệu, tôi bỗng nhớ đến bài thơ Hoàng Hạc Lâu của
Thôi Hiệu mà tôi rất ưa thích nên reo lên :
- A! Mình lấy bút hiệu
Hoàng hạc, còn nhiều tên có liên quan đến chim hạc như Bạch hạc,
Hồng hạc ai muốn xí phần đây ?
Minh Ánh, Hồng trần nhao nhao :
- Ta nè, ủa còn hai tên kia chọn
bút hiệu gì ? Thanh hạc nhé ?
- Eo ơi, mi làm như chuyện Thanh xà, Bạch xà !
- Chết rồi, không được rồi, không lấy tên " nhóm hạc trắng " được
! Nữ Anh hốt hoảng nói.
- Sao, sao !
- Kim Âu không nghe người ta hay nói " cỡi hạc quy tiên " đăng
trong cáo phó hoặc nói câu " về với hạc nội mây ngàn " hay " cỡi
hạc về chốn bồng lai tiên cảnh " ám chỉ đến mấy cụ già đã
qua đời sao !
Tôi ỉu xìu :
- Xời, ta giàu trí tưởng tượng mà quên khuấy đi mất
chuyện này.
Phương Liên nãy giờ ngồi im bỗng lên tiếng :
- Lấy tên " nhóm
áo trắng " đi.
- " Nhóm áo trắng " thì tầm thường quá, học sinh thì
áo nào cũng trắng. Coi chừng mấy đứa khác chọc mình " Áo em
trắng quá nhìn không ra " bây giờ !
Hồng trần băn khoăn :
- Vậy biết lấy tên gì đây, một cái tên phải
có liên quan đến màu trắng học trò và có ý nghĩa nữa, khó thật.
Nữ
Anh tay bóp trán, nhíu mày :
- Hay là lấy tên " nhóm Cò trắng " cũng
có ý nghĩa đó.
Cả đám đưa mắt nhìn nhau, Nữ Anh nói tiếp :
- Này nhé, trong văn
chương hay nói đến hình ảnh chịu thương chịu khó của người phụ
nữ Việt Nam qua hình ảnh con cò " Con cò
lặn lội bờ sông, gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non " hay
là " Quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với
một chồng. Lặn lội thân cò trong quãng vắng …..”
- Ừ, được đó, tên không đẹp và thơ mộng nhưng rất có ý nghĩa.
Tôi
gật đầu hơi miễn cưỡng :
- Cò cũng được, ta thấy hình dạng cò và
hạc cũng hơi giống nhau, chỉ khác tên gọi. Nhưng dù sao chim hạc
cũng khiến cho mọi người cảm được vẻ cao quý thanh thoát trong
văn chương, trong khi nhắc đến con cò thì ai cũng thấy hình ảnh
gian nan, khổ cực thể hiện trước mắt như là câu ' Con cò mà đi
ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao à. '.
- Theo tớ thì hạc hay cò cũng cùng một giống chỉ có cái khác là
cò thì sống ở vùng đồng ruộng còn hạc thì sinh sống vùng đồi núi,
cứ nhìn tranh vẽ thì thấy ngay thôi, tranh của người Tàu hay vẽ
hình chim hạc đậu cây tùng trên núi, tranh Việt nam thì vẽ cò bay
thẳng cánh trên đồng lúa, cả hai con đều như rứa thôi.
Hồng trần
cắt ngang lời của Minh Ánh :
- Bây giờ ai đồng ý đặt tên là nhóm
Cò trắng thì giơ tay biểu quyết đi.
Thông qua chuyện đặt tên nhóm,
Nữ Anh giao cho tôi việc vẽ hình bìa tờ báo :
- Việc này giao cho
Kim Âu, bạn đứng nhất lớp về môn vẽ nên phụ trách chuyện này.Còn
một chuyện quan trọng nhất tôi chưa kịp nhắc thì Minh Ánh tay thủ
quỹ của nhóm đã nói thay :
- Ê, muốn làm báo phải có tiền mấy bồ ơi, bởi vì ngoài chuyện viết
bài còn phải có tiền mua giấy mực, mua stencil để quay ronéo nữa
chi !
Nữ Anh ngắt lời :
- Chuyện này tất cả bọn mình sẽ cùng nhau đóng
góp, viết bài cho xong trước đã, mỗi người phải ít nhất một bài
viết ngắn và vài bài thơ, còn những mục sưu tầm, tin tức khác thì
ai có ý gì sẽ thêm vào sau.
Phương Liên phấn khởi :
- Biết đâu chừng mai mốt mình làm báo đem
bán ở các trường giống như mỗi năm bên khối báo chí đi bán báo
xuân vậy đó.
Tôi nguýt Liên một cái :
- Hứ, chuyện văn chương, văn nghệ mà có
hai chữ buôn bán nghe " trần
tục " dễ sợ, ta hãi mi quá !
Tôi không dám nói thật ý kiến
của mình vì thấy ai cũng hăng hái trong công việc này và xem chừng
như dễ dàng lắm. Riêng tôi có một thời ở chung xóm với cánh nhà
văn, nhà báo nên tôi cũng biết chút ít về sinh hoạt của họ, lúc
ấy tôi mới thi đậu lớp đệ thất thì gia đình ông chủ báo dọn về
ngụ ở căn bìa của dãy nhà đối diện, thỉnh thoảng tôi lại thấy báo
bán ế chở về chất đầy gian nhà tole vách gạch của ông ta, sau đó
lần lượt nhiều người làm trong nhà in dọn về, đàn ông làm thợ xếp
chữ, phụ nữ thì xếp giấy, đóng sách. Sát vách nhà tôi là nơi cư
ngụ thuê của gia đình một ký giả khác, gồm vợ chồng và hai đứa
con nhỏ cộng thêm đứa cháu làm thơ ký tòa soạn ở gian nhà dưới
đất chừng bốn mươi mét vuông, căn gác xép rộng độ bốn chiếc chiếu
lại cho một anh bạn nhà văn thuê lại ở với vợ và bà mẹ vợ. Tôi
không rõ về sinh hoạt riêng tư của họ nhưng nhìn qua hoàn cảnh
bên ngoài cảm thấy họ không phải là người giàu có, ông ký giả có
chiếc Suzuki chạy đi chạy lại lấy tin tức, đứa cháu người ốm nhom
đạp chiếc xe cà tàng mỗi khi đi ngang nhà tôi không cần nhìn lên
cũng biết là anh ta bởi chiếc xe mang theo cả một ban " kích
động nhạc " kêu cót két inh tai, chỉ có
ông chủ báo có vẽ khá giả hơn hết với chiếc Vespa chưa cũ mà thôi.
Tuy nhiên đời sống tinh thần của họ có vẽ rất phong phú, tối nào
cũng tụ tập trước hiên nhà nói chuyện tiếu lâm đùa giỡn rất thoải
mái, đứa cháu tên Khánh họ gọi hắn là Tây môn Khánh, anh nhà văn
nhỏ con nhưng có chiếc kính cận dày cộp có bút hiệu Vũ Hoài được
gọi là " Vũ quần ". Nhờ họ mà tôi mượn được đủ các loại
sách mới in hoặc nhiều tờ báo biếu không phải mất tiền mua. Tôi
vẫn thường hay nghe nói người làm báo đa số không giàu tiền bạc,
chỉ có tinh thần yêu văn nghệ, luôn luôn thi vị hóa đời sống là
dư thừa. Bởi thế nhà thơ Tản Đà đã than thở " Văn chương hạ
giới rẻ như bèo !” cho nên khi làm thơ, viết báo ông phải " Anh
gánh lên đây bán chợ trời ", thời của nhà thơ chưa có chợ
trời Tôn thất Thiệp chuyên bán đồ PX nên hai chữ " chợ trời " chúng
tôi đọc chắc chắn phải là chốn bồng lai, tiên cảnh mà thôi, cũng
may có " chư tiên ríu rít tranh nhau dặn " nên cũng
còn chút an ủi cho người trót vướng vào nghiệp văn chương, báo
chí.
Nhóm nữ sinh tập tễnh học đòi làm thơ, viết văn chúng tôi đúng
là " điếc không sợ súng " đứa nào cũng cố nặn óc viết
ra ít nhất vài bài thơ con cóc, tưởng tượng thật nhiều tình tiết
để viết một bài văn thật lâm ly sướt mướt, mang đầy ảnh hưởng của
nhạc Trịnh Công Sơn khóc than cho thân phận tuổi trẻ sống trong
chiến tranh, tuyệt nhiên chẳng đứa nào dám viết một chút gì về
tình yêu nam nữ, có lẽ vì tâm hồn cũng giống như màu áo " Áo
trắng vẫn còn trinh trắng lắm " câu thơ mà tôi quên mất tên
tác giả.
Một tuần lễ qua mà tôi vẫn chưa vẽ xong bìa tờ báo nên
bị Nữ Anh kéo xuống xóm nhà lá thúc giục, băn khoăn tôi nói với
cả đám :
- Bọn mi góp ý giùm ta với, ta không biết vẽ hình con cò
thế nào đây ! Vẽ cò đứng, cò nằm hay cò đang bay ?
Nhao nhao mỗi
đứa một ý, Nữ Anh quyết định :
- Vẽ con cò nằm là không được rồi,
giống như con vịt bầu.
- Vẽ cò đứng thì đứng mấy chân ? hình như đứng chỉ có một chân
phải không ?
Nghe tôi hỏi Minh Ánh, Hồng trần cười ré lên :
- Cò một chân là
cò ngủ gục bà ơi. Cò phải đứng hai chân chứ.
Tôi cãi :
- Đâu phải, hình như lúc ta đi vào sở thú thấy nó đứng
có một chân thôi, hai chân là lúc nó đang bước đi kia.
Liên đề nghị
:
- Hay là vẽ cò đang bay, hai chân xuôi ra sau cho đầy đủ.
Tôi nghe
xuôi tai :
- Ừ có lẽ được, ý mà không được. Hình như trong bích
chương của bên Dân vận Chiêu hồi có vẽ con cò đang bay giống như
vậy, coi chừng người ta nhầm mình với cò chiêu hồi.
Một lần nữa
Minh Ánh và Hồng trần lại chế giễu tôi :
- Hay là Kim Âu vẽ cò đang
bay một chân xuôi ra sau, một chân chỏi về phía trước cho khác
với bên đó. Vẽ cò đang tung chưởng đi.
Tôi tức cười đấm vào vai
hai đứa :
- Bọn mi xem sách chưởng cho lắm rồi thì " tẩu hỏa
nhập ma "
Giờ học, tôi lôi ra vẽ nốt cái tên cho tờ bìa, mải mê ngồi phác
họa cho tờ báo tôi không thấy cô giáo sư dạy toán đi xuống, cầm
tờ giấy tôi vừa vẽ xong nét cuối của hàng chữ " Đặc san nhóm
Cò trắng Gia Long " cô nhìn vào rồi im lặng trả lại cho tôi.
Cả đám hú hồn vì cô nổi tiếng khó tính, tưởng đâu tôi đã bị ăn
zero hạnh kiểm, ai dè lại bỏ qua cho tôi một cách dễ dàng như thế.
Có lẽ trông bề ngoài cô khó tính vì chuyện học nhưng thâm tâm cô
là người yêu thích văn nghệ, sẵn sàng khuyến khích " những
mầm non còn trong lá ủ " như bọn tôi.
Tiếc thay trong thời gian ba tháng hè tôi phải rời thành phố
về quê trông nom bà nội bị bệnh theo lời ba tôi bảo. Việc làm báo
giao cho các bạn ở lại. Cuối hè vừa ló mặt về cả đám lôi tôi ra
tả oán :
- Nhỏ này sướng thật, trốn mất biệt. Bọn ta chạy góp tiền
hụt hơi nhịn cả ăn sáng dè sẻn từng đồng để mua giấy mực. Trời
ơi stencil đắt kinh khủng in chỉ hơn trăm cuốn, ban đầu ta tính
in gấp đôi nếu được thì đem đến các trường để bán ai dè anh Thành
nói báo mình in không xin phép nên không được bán, vì vậy giảm
còn phân nửa và đem tặng mỗi người một cuốn đọc chơi thôi.
Nghe
vậy tôi quay sang cự nự :
- Ai bảo nhỏ Liên không bỏ tật, ngay cả
văn chương mà cũng làm thương mãi !
Liên dẫu môi trả đũa :
- Mi tính xem cả bọn đều còn là học sinh
đâu có đứa nào làm ra tiền để in báo.
Nữ Anh phải xua tay dàn hòa
:
- Thôi thôi đừng cãi nhau nữa.
Lật trang đầu tờ báo tôi thấy tên
năm đứa trong ban biên tập, phần kỹ thuật là Thanh huyền phụ trách,
tôi hỏi :
- Thanh Huyền là nhỏ nào vậy ?
- Anh Thành chứ ai, mi không đánh vần ra à, Thanh huyền Thành
đó. Khi bọn ta đi sinh hoạt phải đổi gọi tên mấy anh thành mấy
chị, nếu không ba má biết được ta quen với con trai sẽ cạo đầu
ta bằng búa.
Nữ Anh le lưỡi, rụt đầu nói tiếp :
- Cả đám đâu có đứa nào biết
đánh máy, may là nhờ anh Thành có bàn đánh chữ nên gõ stencil
giùm, nếu đi mướn bên ngoài còn chết nữa. Phen này cho chừa,
nếu làm tiếp chắc đi " ăn mày ".
Tôi chép miệng thở dài :
- Bọn mi không thấy ký giả, nhà văn nhà
báo thứ thiệt còn mang bảng, vác bị gậy đi ăn mày hôm nọ ngoài
đường sao, huống gì là những " mầm non " như bọn mình
là chết ngắt không kịp đâm chồi hé nụ.
Đọc những bài thơ, văn in
trong đặc san cho dù lời văn còn quá ngây ngô, ý tưởng vụng dại
non nớt nhưng chúng tôi đều có cảm giác xúc động giống nhau vì
đây là tác phẩm đầu tay viết lên những ước mơ, hy vọng chân thật
không màu mè của tuổi học trò, để an ủi nhau tôi nói đùa :
- Nữ
Anh nè, mi đâu phải tên Nữ Oa mà hòng làm chuyện đội đá vá trời
làm báo kia chứ. Mà dù sao bọn mình cũng có một tác phẩm đầu
tay hay nói là cuối cùng cũng được để làm kỷ niệm trong đời học
sinh, nhất là có cái để tặng cho " chàng " của mình.
- Gì chứ chuyện này Nữ Anh hắn làm trước tiên trong đám mình rồi,
hôm nọ lúc ghé bến Bạch Đằng bọn này đã tặng cả chục cuốn cho mấy
ông bạn Hải Quân trên chiến hạm, tàu chàng của Nữ Anh đang cập
bến nơi ấy đó.
Hình như trong nhóm chỉ có mình tôi là sớm có duyên với văn nghệ,
mấy tháng nghỉ hè ở quê ngoài chuyện phụ làm công việc lặt vặt
trong nhà cho bà nội, tôi chỉ biết ngồi đọc sách báo cho đỡ buồn,
tình cờ đọc một bài văn dự thi viết về tuổi học trò, tác giả là
một học sinh lớp mười hai, đọc lên thấy câu văn lủng củng lại viết
sai chủ đề vậy mà báo cũng đăng lên, có lẽ vì là bài dự thi nên
tòa soạn để nguyên văn không sửa đổi. Bỗng nhiên tôi nổi máu " anh
hùng rơm " nghĩ ngợi, tại sao mình không thử viết một bài
gửi dự thi. Nghĩ là làm, tôi viết một mạch dài hết năm trang giấy
học trò theo quy định và gửi đi rồi tôi quên mất.
Gần giữa niên
học, một hôm nhóm bạn của bà chị ghé nhà tôi tán dóc trong đó có
anh Xuân Thương đang học Văn khoa, thấy tôi anh ta hỏi :
- Hình
như Kim Âu có viết bài đăng báo dự thi phải không ? Bài em đoạt
được giải nhất đó.
Tôi ngạc nhiên hỏi :
- Sao anh biết ?
- Tờ báo đăng lại nguyên văn bài có ghi tên họ và trường lớp em
đang học, nếu anh nhớ không lầm thì Lớp C1 của em đâu có ai tên
Kim Âu ngoài em ? Báo mời em đến nhận giải thưởng đó.
Tôi hồi hộp
hỏi :
- Bao lâu rồi anh ?
- Hình như hai tháng trước.
Gia đình tôi có mua báo tháng nhưng
ba tôi không xem tờ báo tôi gửi bài dự thi vì thế tôi không biết
tí gì tin tức này, tôi định hỏi gặng lại anh Xuân Thương lần
nữa nhưng thầm nghĩ, việc viết bài chỉ có mình tôi biết vậy mà
anh này nói đúng phóc thì chắc là chuyện có thật. Đầu tuần sau
tôi hồi hộp dò theo địa chỉ tòa soạn đăng trên báo đến con đường
Nguyễn An Ninh nhỏ xíu bên hông chợ Saigon. Tòa soạn đặt trên
cái gác xép lối vào là những bậc thang hẹp chỉ đủ cho hai người
tránh nhau. Sau khi nói rõ lý do và trình thẻ học sinh có tên
trường, tên lớp ; người thư ký trao cho tôi một chồng sách biếu
cao ngất ngưởng kèm theo một chiếc phong bì trong có một ngàn
đồng. Số tiền đầu tiên tôi kiếm được trong đời là tiền nhuận
bút viết bài đăng báo do " ngẫu hứng " trong
giây phút bốc đồng, chưa kể đến gói kẹo cũng là giải thưởng của
trường dành cho tờ bích báo tôi viết trong lớp dịp Tết năm ngoái,
tất cả là duyên khởi của tôi trên con đường văn nghệ.
oOo
2.
Tháng Tư năm bảy lăm chợt kéo tới như cơn trốt hung hăng cuốn
phăng tất cả ước mơ, hy vọng nhỏ bé của bầy cò trắng, ném đôi cánh
mỏng manh, yếu ớt vào dòng sông nghiệt ngã với danh xưng vợ của
những sĩ quan tù cải tạo. Chồng của Nữ Anh bị lưu đày tận miền
Bắc xa xôi, chồng của tôi thì ở vùng núi sát biên giới Tây Nam
chốn rừng thiêng nước độc. Một hôm đạp xe ra chợ trời bán đi xấp
vải mua cung cấp của nhà nước để gom tiền chuẩn bị đi thăm nuôi
chồng tôi tình cờ gặp Phương Liên đang đứng bán chợ trời, hai đứa
tôi nhìn nhau mỉm cười nhưng nước mắt rưng rưng bởi hình dáng đứa
nào cũng quá tiều tụy so với ngày xưa. Trong đám chỉ có Minh Ánh
và Hồng Trần là may mắn vì chưa lập gia đình không vướng bận con
nhỏ, bồ của hai đứa là phi công nên nhờ bay cao, bay nhanh qua
bên Mỹ ngay từ ngày đầu mất nước. Ba đứa còn lại tuy chồng có tàu
bè làm phương tiện không phải chậm chân, chỉ tại quá nhiều tình
cảm không đành để lại vợ thơ con dại nên ở lại, cuối cùng đành
phải sống trong sinh ly không biết đến ngày nào tái hợp.
Những
lần đi thăm nuôi băng rừng lội suối hay đêm về nằm dật dựa xó hè,
chõng tre chợ làng ở vùng đất xa lạ hoặc lầm lũi mang vác túi xách,
bao bị đi trên con đường mòn dài thăm thẳm tìm đến những trại tù
tận rừng sâu heo hút, nuốt những giọt nước mắt vào lòng không để
ướt mi, lúc ấy trong lòng chỉ mong ước có ngày vợ chồng, cha con
sum họp dù ở tận chốn sơn lâm cùng cốc, tôi hay vẽ trong đầu hình
ảnh ngày đó sẽ giống cảnh người chinh phụ gặp chinh phu trong ngày
trở về để tôi sẽ được dịp :
'Giở khăn lệ chàng trông từng tấm
Đọc thơ sầu chàng thẫm từng câu …'
giống như lúc tôi bình giảng
những câu thơ trong cuốn Chinh phụ ngâm thời còn đi học.
Thời gian trôi qua, chuyện đời không ai ngờ vẫn xảy ra giống
như phép lạ, trong khi chờ làm hồ sơ đi Mỹ tôi đã nhủ với lòng,
khi sang được bên kia bờ của thế giới tự do một ngày nào đó nếu
có dịp thế nào tôi cũng phải viết lên những xúc cảm chất chứa bấy
lâu, trải lòng mình trên trang giấy, tôi viết không phải tìm danh
vọng tăm tiếng trở thành nhà văn, nhà báo mà chỉ cầm bút để giải
tỏa u uất tâm tư khi nhìn những gì xảy ra cho người, cho mình trong
khoảnh khắc của đời.
Từ ngày ấy cho đến hôm cầm được bản tin Trần
hưng Đạo của anh bạn đi họp ở Cali mang về mất hơn tám năm. Chỉ
là vài trang giấy khiến tôi bỗng nhớ lại những ngày còn đi học
với kỷ niệm lần đầu tiên làm báo lòng muốn nối lại ước mơ xưa nhưng
vẫn chưa có dịp thực hiện. Rốt cuộc hai năm sau tôi được gặp Biển
Khơi ; mang tâm trạng giống như con sông nhỏ trải qua bao ghềnh
thác, chật chội của lòng sông giờ ra được nơi biển lớn. Biển khơi
đã giúp cho dòng sông nhỏ hòa nhập những giọt nước nhỏ nhoi vào
đại dương mênh mông, ngày đêm lãng mạn vỗ sóng tràn bờ. Duyên khởi
lại đến với tôi không còn là ngẫu hứng như xưa bởi tôi đã có nơi
gởi thác tâm tư dù chỉ ghi lại buồn vui trong giây phút chạnh lòng.
Đôi lúc quá bận bịu vì sinh kế không có thì giờ, thấy tôi nửa đêm
về sáng thức giấc miệt mài để hoàn thành bài viết chàng của tôi
đã khuyên :
- Nếu em bận quá không đủ thì giờ viết thì để lần sau
cũng được !
Nhiều lần tôi đã trả lời :
- Không ! Em phải cố gắng viết dù không
dài cũng phải ngắn vì tất cả đã trở thành thói quen, nó cần thiết
như hơi thở của em trong đời sống ; giống như nhà học giả Nguyễn
ngu Í đã viết quyển sách nói về các nhà văn chỉ có hai chữ vẻn
vẹn ' Sống và Viết ' là đã đủ nói hết về họ.
Không chỉ có Biển
khơi, thỉnh thoảng tôi cũng góp bài cho vài nơi, khi nhận được
chút nhuận bút nhỏ nhoi tôi lại gửi về cho anh em thương phế binh
VNCH ở quê nhà. Sống trên đời mỗi người đều có niềm đam mê, nhưng
với người chẳng may có nội tâm phong phú, lãng mạn giàu tưởng tượng
viết là một đam mê, nếu được viết sẽ là một cách di dưỡng tinh
thần và là niềm hân hoan vô bờ cho người ấy, giống như nhà nông
có trong tay hạt giống mà không có mảnh đất tốt gieo trồng rốt
cuộc mớ hạt giống cũng trở nên vô ích phải đành vứt bỏ.
Cỏ Biển
Mùa thu 10/2007
|