XUÂN ẤT DẬU SỐ 25 - THÁNG 1, NĂM 2005

 

Thơ
Chiều mưa trên đèo Hải Vân
Phan Thái Yên
Lăng kính tình yêu
NNguon
Chiều
Lam Quỳnh
Bài thơ nhỏ
Hoàng Du Thụy
Người và Thượng Đế
Nguyễn Xuân Vời
Biển vọng
Trần Hoan Trinh
Đón Xuân
Ngọc Trân
Mùa Xuân cỏ thức
Tóc Tím
Xuân ý
Huỳnh Kim Khanh
Tết này em có về cố xứ
Phạm Hồng Ân
Túy ca
Trần Việt Bắc
Rồi mùa Xuân đến
Tôn Thất Phú Sĩ
Xuân cứ về
Đường Sơn
Ô mai
Maihoado
Chờ
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Một thoáng chiêm bao
Nguyễn Ngọ - T.H.
Sen tàn trong đại nội
Nguyên Nhi
Tản văn cuối năm
Phan THái Yên
Bến cũ chiều nay
Tôn Nữ Quỳnh Diêu
Quà đầu tiên
Nguyễn Hồng Quang
Tết trước tết
Song Thao
Hồi xuân
Cỏ Biển
Tản mạn về năm Ất Dậu
Trương Thanh Diễm Thùy
Hành trình về với tuổi đôi mươi
Hoàng Quốc Việt
Giọt nước mắt lưu ly
Ngô Minh Hằng

Dịch thuật, biên khảo
Kẻ biểu diễn tuyệt thực
U MIên
Việc phong hoàng hậu
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 12
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 19
Huỳnh Kim Khanh


 

Giọt nước mắt lưu ly

 

Trích tập truyện "Những Chặng Đời"

Mở cửa bước vào nhà, treo chùm chìa khóa lên một cái móc nhỏ cạnh cầu thang gác, Thảo thong thả vào bếp rót một ly nước mát và đến máy điện thoại xem có ai nhắn gì không. Đó là thói quen của Thảo mỗi buổi chiều đi làm về. Hôm nay, nghe xong lời nhắn Thảo hốt hoảng tìm ngay tờ báo. Nàng mở vội ra và dán mắt vào trang cáo phó. Mắt nàng như mờ đi trước những dòng chữ vô tình nghiệt ngã:

" Bà quả phụ Anna Mary Johnson, 81 tuổi, ngụ tại.....chết ngày....tháng....năm....được mai táng bởi ba con trai, một con gái và bảy cháu nội, ngoại. Sinh thời, bà từng tham gia các công tác từ thiện tại địa phương, lập quỹ cứu trợ người tị nạn Đông nam á...."

Đọc đến đây, Thảo biết nàng không còn lầm nữa. Mắt Thảo cay sè, nàng thẫn thờ buông rơi tờ báo và chìm vào khung trời ký ức xa xưa....

Buổi chiều cuối hè của hơn mười tám năm về trước, một người đàn bà Việt Nam còn rất trẻ, dáng người nhỏ nhắn, có đôi mắt biết nói cũng như biết cười, khoác trên vai một túi xách nhỏ, hai tay dắt bốn đứa con từ trên chiếc Boeing đổ khách xuống phi trường Kennedy, thành phố New York.

Người thiếu phụ và bốn con, hai trai, hai gái bước từng bước dọc theo hành lang của phi trường theo bảng chỉ dẫn về phía lấy hành lý. Nói là hành lý cho nó sang chứ thật ra mẹ con nàng mỗi người chỉ có vài bộ quần mà nàng mang theo cho các con thay đổi. Những bộ áo quần này do nàng sửa lại từ những chiếc áo đầm viện trợ trong trại tị nạn ở Galang.

Người thiếu phụ ngơ ngác vừa đi vừa nhắc chừng các con cầm tay nhau kẻo lạc. Nét mặt nàng có vẻ buồn và lo lắng. Bất chợt, nàng dừng hẳn lại, quay nhìn về phía sau như thể muốn ghi lại cho mình một hình ảnh nào đó trước khi bước những bước nhanh hơn và cũng cương quyết hơn.

Người thiếu phụ ấy là Thảo và bốn đứa trẻ là đám con nàng. Lớn nhất, Tâm Hảo, chín tuổi, Ý Hảo, lên bảy, Tuấn lên sáu và nhỏ nhất là Năng, năm tuổi. Khác với anh chị, cu Năng ồn ào nhất nhà, Cậu có đôi mắt to, đen, chiếc miệng rộng, hay cười. Nhưng hôm nay, trước khung cảnh mới, cu cậu khép nép đi bên cạnh mẹ, đưa đôi mắt thơ ngây ngơ ngác quan sát sự náo nhiệt lạ lẫm xung quanh.

Cuối hành lang, gần những trạm khám hành lý của hành khách trước khi lên máy bay là những bậc thang dẫn xuống tầng dưới để nhận hành lý của khách mới tới. Đứng từ trên nhìn xuống, Thảo thấy nhiều người đứng chờ đợi thân nhân. Một vài người cầm bảng bằng giấy cứng, có tên người họ đón. Thảo nghĩ, đón người mà phải cầm bảng tên thế, chắc là chưa biết mặt. Có thể họ đón người tị nạn như mình. Thảo nhìn quanh một vòng. Trong đám người ấy , Thảo thấy một nhóm bốn người đứng cạnh nhau và hình như họ đang chăm chú nhìn về phía mẹ con nàng. Không hiểu tại sao, Thảo để ý đến một người trong nhóm. Đó là một người đàn bà độ ngoài 60, có mái tóc ngắn màu bạch kim, tay cũng cầm một cái bảng bằng giấy bià cứng có chữ nhưng vì xa, nàng không đọc rõ. Bên cạnh bà là một người đàn bà trẻ hơn. Người này đang ghé vào tai người đàn ông có chiếc bụng to, đầu hói gần hết tóc như thể đang nói nhỏ câu gì.
Cùng lúc đó, một người đàn ông Á Đông duy nhất trong bọn tách ra, đi về phía Thảo. Khi nàng rời bực thang cuối cùng thì cũng là lúc người đàn ông Việt nam trên ngực có đeo một bảng tên nhỏ, có tên anh và tên của cơ quan thiện nguyện đến trước mặt nàng, anh cười vui vẻ:

- Chào chị Thảo. Tôi là người làm trong hội được cử đi đón chị. Đường xa, chị và các cháu có mệt lắm không ?

Thảo nhìn thật nhanh bảng tên trên ngực người đàn ông:

- Chào anh Bách. Dạ, cũng không mệt lắm. Cảm ơn anh. Chào bác đi, các con.

Bách cười nhìn lũ trẻ, anh đưa tay xoa đầu cu Năng. Ba người Mỹ cùng nhóm với Bách lúc này cũng tiến đến trước mặt Thảo. Bách giới thiệu với nàng:

- Đây là bà Anna, bà Kathy và ông Tom, hai em của bà. Chị và các cháu tới trong lúc ông bà Sam và Beth, người bảo trợ cho chị đi nghỉ mát nên bà Anna tình nguyện đi đón gia đình chị. Bà Anna còn rủ cả hai em bà đi nữa cho vuị

Thảo khẽ gật đầu chào ba người Mỹ và nhìn Bách lo ngại. Với tâm trạng của một người tị nạn từ phương xa mới tới, nhất là có bốn đứa con nhỏ như nàng, vắng người bảo trợ, nàng chẳng biết sẽ phải làm gì và đối phó ra sao trong những ngày đầu của cuộc sống mới.. Nàng chưa biết nói gì thì bà Anna cười thân mật nhìn Thảo và nói thật chậm:

- Chào cô Thảo. Tôi là Annạ Con cô đẹp quá. Tôi cũng có bốn con như cô vậy. Ba trai, một gái. Đã một lần chúng nó cũng bé như con cô bây giờ đó.

Bà khom xuống nhìn lũ trẻ con, vui vẻ chỉ vào từng đứa một:

- Để tôi đoán nhé, Tâm Hảo này, Ý Hảo này, Tuấn và Năng nữa phải không ? À, lại với dì Kathy đi, dì Kathy có quà cho các cháu đấy!

Lũ trẻ ngơ ngác không hiểu bà Anna nói gì nhưng khi bà chỉ vào từng đứa thì bọn trẻ nhìn nhau cười bẽn lẽn. Bách nói với đám con nàng:

- Các cháu có thích quà không? Mấy bà Mỹ đem quà cho các cháu đó!

Bà Kathy có dáng người dỏng cao, tóc và mắt màu hạt dẻ, cười hiền hậu, lấy quà trong bao ni lông ra đưa cho từng đứa:

- Đây con búp bê này của Tâm Hảo. Con này của Ý Hảo. Chiếc xe cứu hỏa này của Tuấn còn con gấu nhồi bông này của little Năng. Đồ chơi này có đẹp không? Các cháu có thích không?

Lũ trẻ e dè nhìn người lạ và chẳng hiểu họ nói gì nên cứ bám chặt hai tay mẹ. Bé Năng dù dạn dĩ nhất, nhìn con gấu bà Kathy đưa vào tay mình thì thích lắm nhưng cũng chỉ lấm lét nhìn chứ không dám nhận. Giọng Bách nhẹ nhàng:

- Chị Thảo cho các cháu nhận quà đi rồi mình còn lại đằng kia lấy hành lý.

Thảo như sực tỉnh và định lại được vị trí của mình, nàng hấp tấp bảo con:

- Họ cho quà các con đấy. Cầm lấy và cảm ơn họ đi con!

Từng bàn tay bé nhỏ đưa ra đỡ lấy những món quà quý hóa mà từ lâu lắm các con nàng không nhìn thấy và Thảo thì không dám mơ là nàng sẽ mua được cho con. Ôi, những con búp bê xinh đẹp biết nhắm mắt, mở mắt và mặc áo đầm đẹp đẽ này, chiếc xe cứu hỏa và con gấu nhồi bông kia ở một khoảng địa cầu khốn khổ nào đó đã là những giấc mơ thần tiên của trẻ thợ

- Cảm ơn bà!
- Cảm ơn !
- Cháu cảm ơn!

Bách cười nhìn lũ trẻ và dịch lại những tiếng "cảm ơn" ra Anh ngữ. Qua làn nước mắt mỏng, Thảo mơ hồ nhìn thấy những ánh mắt hài lòng trên khuôn mặt hai người đàn bà xa lạ.

Lâu lắm rồi, ngày mà Tâm Hảo được ba tuổi, Lâm, chồng nàng còn là một sĩ quan và nàng còn là một cô giáo dạy ở trường tiểu học, Thảo nhớ đó là lần cuối nàng đi mua đồ chơi cho con. Năm năm qua, một mình nàng tất bật lo nuôi con, lo tiếp tế chồng tù cải tạo. Tinh thần mệt mỏi, vật chất thiếu thốn thì làm sao mà nàng dám mơ đến đồ chơi, dù lắm khi thương con đứt ruột.

Nhìn lũ trẻ tay ôm chặt món đồ chơi mới, nét mặt rạng rỡ hẳn ra, mắt sáng lên hạnh phúc, Thảo vừa thương con, vừa tủi thân, vừa cảm động, nàng chỉ lí nhí được hai chữ "thank you!"

Tom, người đàn ông từ nãy giờ im lặng theo dõi mọi diễn biến, quay sang nói với bà Anna:

- Đèn báo hiệu. Để tôi đi lấy hành lý cho mẹ con cô ấy.

Ông quay nhìn Thảo:

- Hành lý cô có những gì?

Thảo nhớ tới chiếc valy độc nhất nàng mua được trước khi đi định cư, nói với Bách:

- Nhờ anh Bách nói lại với ông Tom là chúng tôi chỉ có một chiếc valy màu nâu có tên tôi và buộc một rẻo vải đỏ nơi tay sách.

Trước khi đưa mẹ con nàng về nơi tạm trú, bà Anna đề nghị đưa lũ trẻ đến Burger King. Thảo nhớ đó là lần đầu mẹ con nàng làm quen với món hamburger của Mỹ.

Trong khi chờ đợi vợ chồng ông Sam đi nghỉ mát về, Ông Tom đã thu xếp với cha xứ và họ đạo cho mẹ con Thảo ở tạm hai phòng trống trong một ngôi nhà rộng rãi của nhà thờ. Căn nhà lớn, có rất nhiều phòng, vừa dùng để họp hành, giữ trẻ, vừa là nơi chứa quần áo cũ và các vật dụng do giáo dân đem đến để từ đó, được gởi đi giúp người nghèo và các hội từ thiện.

Bà Anna thường ghé thăm và đem cho mẹ con Thảo những thứ cần thiết. Bà đem cả sách Anh ngữ cho Thảo học, sách tô hình cho con nàng và bà hay ở lại hằng giờ để kiên nhẫn nghe Thảo nói từng câu và dạy Thảo phải uốn lưỡi thế nào cho đúng giọng.

Ngày chủ nhật đầu tiên, sau khi tan lễ, bà dẫn mẹ con nàng ra phố, khi chọn cho mỗi người một bộ đồ lót mùa Đông, bà nói:

- Bây giờ cuối tháng Tám, trời còn dễ chịu, nhưng chỉ ít tuần nữa thôi sẽ lạnh đấy. Năm nay có thể lạnh sớm hơn. Cô đến từ một nước nhiệt đới, đây là mùa Đông đầu tiên ở vùng hàn đới, chắc cô và trẻ con sẽ khó chịu lắm. Đừng lo, trẻ con khi đi học, cứ cho mặc những bộ đồ lót này vào thì đủ ấm.

Cứ dăm ngày bà Anna lại đưa nàng đi giặt giũ ở tiệm giặt công cộng. Bà chỉ cho Thảo cách đổi tiền lẻ ở cái máy đổi tiền và cách bỏ tiền vào máy giặt. Thỉnh thoảng bà lại dúi vào tay nàng vài chục và bảo giữ lấy mà mua quà cho lũ nhỏ. Ngày nào bà bận không đến được, Thảo cảm thấy như thiêu thiếu một cái gì.

Hai tuần sau thì vợ chồng ông Sam về tới. Ngay ngày hôm sau, họ nhóm một buổi họp độ dăm người, có bà Anna tham dự. Đó là cuộc bàn thảo để giúp mẹ con nàng ổn định đời sống mới. Giọng ông Sam trầm và đều đặn:

- Khi xem hồ sơ của cô ấy, thấy xưa cô ta biết ít nhiều về y tế nên Beth và tôi thấy rằng chúng tôi có thể giúp cô ấy có công ăn việc làm ở ngay cái nursing home mà chúng tôi làm chủ. Ở đó, cô sẽ có cơ hội thể hiện lòng nhân ái của cô như giúp đỡ những người già, lo cho họ miếng ăn, giấc ngủ. Chúng tôi sẽ trả lương cho cô ba đồng một giờ. Như vậy mỗi tuần cô sẽ có 120 đô , một tháng trung bình là 480 đô la, chưa kể những tháng có năm tuần....

Bà Beth thêm vào:

- Người Việt Nam họ cần kiệm chứ không tiêu xài như mình nên với số tiền 480 đô la một tháng như thế, mẹ con cô sẽ có một cuộc sống ổn định. Hơn nữa, tiền mướn nhà ở vùng ấy khá rẻ. Người Á Đông lại chăm làm việc, họ không đi nghỉ mát thường như người mình, tuy nhiên, cô ấy vẫn có hai tuần nghỉ phép. Nếu không nghỉ, thì cô ấy sẽ được thêm tiền.

Mọi người nhìn Thảo để chờ phản ứng. Chân ướt chân ráo, Thảo đâu biết nursing home như thế nào và làm việc ở đấy thì phải làm những việc gì. Thảo cũng không biết là tiền lương 3 đồng một giờ là nhiều hay ít. Trong thâm tâm, nàng chỉ mong có việc làm để nuôi bầy con, cho con ăn học nên người như nàng hằng mong muốn. Dù có cực khổ đến mấy thì cũng chỉ là cái cực khổ của thân xác chứ không phải nỗi đày đọa của tinh thần như đời sống ở quê nhà dưới chế độ Cộng Sản được. Nghĩ thế, Thảo gật đầu đồng ý. Bỗng bà Anna lên tiếng:

- Tôi nghĩ rằng trước khi nhận việc làm, chúng ta nên đưa cô Thảo đi thăm nursing home một lần để cô ấy có một khái niệm về công việc của cô ta đã.
- Cũng được - ông Sam nói - nhưng tôi bận lắm. Nursing home lại cách đây tới năm tiếng lái xe nên không biết rằng tôi có thể đưa cô ấy đi được không. Có thể vợ tôi sẽ có thì giờ.....

Bà Beth vội vàng:

- Tôi hả? Tôi cũng bận lắm.Thời giờ của tôi được xếp đặt trong thời khóa biểu và tôi làm việc theo thời khóa biểu của tôi. Nếu vì một lý do gì đó mà tôi phải làm khác đi thì tôi lại phải mất thật nhiều thời gian để sắp xếp lại. Tôi lại không thích điều đó.

Ngừng một chút, bà tiếp:

- Trong thời khóa biểu của tôi, chỉ có thời gian đưa cô ấy đi nhận việc chứ không có thời gian đưa đi thăm như thế.

Bà Anna cười dễ dãi:

- Không sao, Beth, nếu bà bận thì tôi có thể đưa cô ấy đi, nhưng nếu một tuần cô ấy làm 40 giờ, mỗi chiều lũ trẻ đi học về và những ngày lễ nghỉ hay cuối tuần thì saỏ Những giờ đó, cô phải mướn người coi con. Con cô còn trong tuổi chưa thể để ở nhà mà không có người lớn giám sát. Lương cô ba đồng một giờ chưa trừ thuế, còn tiền baby-sit thì rẻ cũng hai đồng, ấy là chưa kể tới bốn đứa.

Bà Beth chậm rãi từng tiếng một:

- Chúng tôi đã nghĩ đến điều đó. Những ngày thường, cô ta có thể về sớm một chút với trẻ con. Cô làm bù vào những ngày lễ nghỉ hay cuối tuần. Ngày lễ và cuối tuần, cô có thể cho trẻ con đi theọ Chúng tôi đã nói với người quản lý của chúng tôi rồi. Nhà bếp rộng, có một phòng nhỏ, trẻ con có thể chơi hay đem sách đi học ở đó. Nếu thích, hai đứa con gái lớn có thể giúp những việc vặt để không cảm thấy nhàm chán. Còn thuế là bổn phận, ai cũng phải đóng nhưng cô ấy đông con thế, cuối năm sẽ lấy lại chứ mất đi đâu!
- Cũng tốt. Nhưng để tôi đưa cô ấy đi xem đã.

Ngay sáng hôm sau, bà Anna lái xe đưa mẹ con Thảo đến Happy Homẹ Hình như bà có chuyện gì suy nghĩ nên nói rất ít.

Happy Home là một khu nhà hai tầng đẹp đẽ, gồm năm chục phòng hai giường và một trăm phòng một giường được xây theo hình chữ U trên một miếng đất rộng có cây cao bóng mát và trồng nhiều hoạ Bãi đậu xe ở bên tay phải và một vườn hoa lớn rất đẹp, trồng tỉa công phu ở ngay giữa khuôn viên. Chung quanh vườn hoa, dưới bóng cây mát, có những bàn ghế bằng xi măng, sạch sẽ và đẹp mắt. Vòng ngoài, chạy quanh theo khu nhà cũng là những khóm hoa và bãi cỏ lớn được cắt xén gọn gàng. Con đường trải nhựa mịn màng lớn đủ cho xe chạy hai chiều viền quanh vườn hoa và nối liền vườn hoa với những bậc thềm. Dọc theo hành lang dẫn đến cửa chính của phòng hành chánh, Thảo thấy một bà già đầu tóc được chải gọn gàng ngồi im lìm trên xe lăn, mắt bà nhắm lại như đang ngủ, đầu nghiêng sang một bên, trông bà giống hình nộm hơn là người thật. Gần vườn hoa, hai ông già ngồi chung trên một chiếc ghế dài nhưng mỗi người nhìn về một hướng và chẳng ai nói chuyện với ai, một người phì phèo điếu thuốc còn người kia thì ngồi im như pho tượng gỗ. Gần cửa văn phòng, một bà cụ chắc phải già lắm, người bà bé choắt lại như một đứa trẻ chín, mười tuổi. Tóc bà còn vài sợi lơ thơ không đủ che kín màu da ửng hồng bóng loáng trên chiếc đầu tròn. Dù đã thấy nhiều người già nhưng chưa bao giờ Thảo thấy một người già nào già và da dẻ nhăn nheo quá như vậy. Bà cụ ngồi im, hai vai rũ xuống như chứng tích của một thời chịu đựng. Một dòng nước dãi từ bên khóe miệng chảy dài xuống tận cằm. Vài con ruồi vo ve đáp xuống rồi lại bay quanh cũng chẳng làm bà cụ bận tâm. Tạo vật hình như không còn có nghĩa trong đôi mắt như nhìn về một cõi nào xa xôi lắm của bà.

Được gọi điện thoại báo trước, ông David, quản lý Happy Home vui vẻ đón mọi người ngay trước cửa văn phòng. Ông dẫn bà Anna và Thảo đi thăm dãy phòng phía trái, còn gọi là khu C101. Khu này có tất cả hai mươi lăm phòng. Thảo thấy người và cảnh mỗi phòng thay đổi khác nhau như từng vở kịch.

Có người nhìn đoàn người cười và chào hỏi hiền lành, thân thiện. Có người ngồi quay mặt vào vách nói chuyện thì thầm với chính mình, chẳng thèm để ý tới aị Có người ngồi đếm đi đếm lại từng chấn song cửa sổ. . Có người ngồi khóc tỉ tê không ai dỗ được. Thảo sợ và buồn nhất khi thấy một người đàn ông la hét om sòm không chịu mặc quần áo và cãi nhau với người điều dưỡng.

Hình ảnh những nhân vật sống mà Thảo nhìn thấy thật tương phản với cái tên, với sự nguy nga đẹp đẽ của khu nhà và vẻ tươi đẹp của vườn hoạ Thảo bước từng bước nặng nề, lòng buồn khôn tả và cảm thấy như không còn sinh khí. Cơn chóng mặt bỗng đến và giọng nàng sũng nước:

- Anna, ta về thôi. Tôi xin lỗi. Tôi nghĩ là tôi không thể làm việc được ở đây. Hình ảnh của nơi này làm tôi càng buồn hơn nữa, trong khi lòng tôi thì đã buồn lắm rồi!

Đám con nàng đi sát vào mẹ, mấy đứa lớn không nói gì, chỉ có Bé Năng níu tay Thảo thì thầm:

- Mẹ ơi, đi về đi mẹ. Nhìn những người này, con sợ quá!

Bà Anna tuy không hiểu Năng nói gì nhưng nhìn thái độ sợ sệt lũ trẻ, bà đoán biết. Bà vuốt tóc Năng rồi nhìn Thảo cảm thông:

- Thảo, đó là mục đích của tôi. Tôi đưa cô đi để cô thấy rõ sức mình. Hơn nữa, nếu có làm, cô bé nhỏ thế, tôi ngại cô không đủ sức dìu ẵm, nâng dắt những người này đâu. Tôi thấy hầu như ai cũng to con hơn cô cả.

Ông David, giơ tay chào mọi người trước khi bà Anna dắt lũ trẻ ra xẹ
Trên đường về, Thảo buồn và lo lắng. Từ ngày 30/4/75 đến nay cuộc sống của mẹ con nàng vất vả quá. Nàng thở dài khi nghĩ đến sự không vui của người bảo trợ khi biết nàng từ chối công việc mà họ giúp đỡ nàng. Dắt bầy con vượt biên, nàng đã chuẩn bị cho mình một tinh thần để đối phó nếu gặp hải tặc, nếu tàu bị lạc, bị chìm và mọi sự khổ cực khác nhưng chưa bao giờ nàng chuẩn bị tinh thần để làm nhân chứng cho cuộc sống buồn tẻ, thiếu sinh khí của những người già ở nursing home trong những ngày cuối của đời người. Bỗng bà Anna kéo nàng ra khỏi cơn mơ:

- Để xem Sam và Beth tính cho cô như thế nào, sau đó, tôi mới có thể nhúng tay vào được. Dù sao, họ cũng là những người đầu tiên có ý kiến và làm mọi thủ tục để đưa cô đến đây.

Hôm sau Thảo nghe bà Anna nói với bà Beth ở phòng bên cạnh:

- Không phải là cô ấy không thích làm việc ở Happy Homẹ Có thể là một thời gian saụ Còn hiện tại, tôi nghĩ, hoàn cảnh cô ấy không mấy gì vuị Đã mất quê hương lại xa chồng. Nhà cửa cũng mất sạch. Một mình với bốn đứa con nhỏ, đến đây không bà con thân thích, không tiền bạc. Cô ấy cần có một thời gian để nguôi ngoai chuyện buồn riêng và thích ứng với đời sống mới trước đã.
- Chúng tôi nghĩ rằng công việc ở nursing home hợp với cô ấy nên giúp mà bảo trợ để cho cô ấy công ăn việc làm. Nếu cô ấy không thích thì chúng tôi không biết cách nào giúp cô ấy nữa. Chúng tôi không chủ trương bảo lãnh cô ấy về đây rồi giao lại cho sở an sinh xã hội.

Bà Anna vẫn ôn tồn:

- Tôi đã nói rồi. Không phải là cô ấy không muốn làm việc. Nhưng làm việc ở nursing home là một việc làm chưa thích hợp với cô ấy trong lúc này. Chúng ta hãy nghĩ đến hoàn cảnh và tâm tư tình cảm của cô ấy một chút.

Tiếng bà Beth giận hờn:

- Anna, Ai cũng phải làm việc để sống. Có sống mới có tâm tư tình cảm. Hay là bà giúp cô ấy vậy. Bà có vẻ hiểu biết nhiều về người Á Đông đấy!

Hình như chỉ chờ có thế, Thảo thấy tiếng bà Anna nhẹ nhàng:

- Nếu bà và Sam muốn tôi giúp mẹ con cô ấy thì tôi sẵn sàng. Thôi, chuyện của mẹ con họ thế là tạm ổn. Tôi sẽ nhờ các em tôi góp một taỵ

Một tuần sau Thảo và các con dọn đến một căn phố có hai phòng ngủ. BàAnna trả tiền nhà, ông Tom giúp nàng thực phẩm. Quần áo thì bà Anna xin đồ cũ ở nhà thờ. Trong tuần, bà ghi tên cho nàng học Anh văn và kế toán tại một trường Đại Học Cộng Đồng. Bà tự tay sắp xếp thời khóa biểu để khi lũ trẻ tan trường thì nàng cũng vừa có mặt ở nhà. Cuối tuần, bà Anna đưa các con nàng đến chơi chung với lũ cháu bà và nàng làm việc ở nhà hàng ăn của ông Tom. Tiền lương làm được thì nàng trang trải tiền điện, tiền điện thoại và các thứ vặt vãnh khác. Nàng tiện tặn và dành dụm nên cứ vài ba tháng, nàng lại gởi được vài gói quà nhỏ, mỗi gói một kg. về cho anh chị nàng còn ở VN.

Cuộc sống người tị nạn thế cũng tạm yên. Người đến thăm mẹ con nàng thường nhất là bà Annạ Có một lần bà tâm sự:

- Ngay phút đầu gặp cô, tôi nhớ lại chuyện của gia đình tôi mấy chục năm về trước. Mẹ tôi kể, ngày ấy tôi còn bé lắm, còn phải ẵm trên taỵ Chúng tôi từ nước Ý di cư đến đây. Cha mẹ tôi có tới sáu người con. Hoàn cảnh giống như gia đình cô bây giờ, chỉ khác là gia đình chúng tôi có đầy đủ cha mẹ anh em bà con để chia xẻ với nhau mọi nỗi nhọc nhằn, còn cô chỉ có một mình.

Ngừng một chút như để sống cho hồi tưởng, bà tiếp:

- Tôi lấy chồng sớm lắm. 18 tuổi. Chồng tôi là một người đàn ông rất tốt. Chúng tôi sống rất hạnh phúc và có với nhau bốn đứa con. Khi chồng tôi qua đời vì bịnh tim, tôi cũng sống một mình với các con tôi nên khi thấy cô và bốn đứa trẻ tôi không khỏi nhớ lại hoàn cảnh tôi ngày đó. Có điều, tôi may mắn hơn là chồng tôi để lại cho tôi một gia tài khá lớn nên tôi không phải lo lắng về sinh kế. Thôi, cô chịu khó đi học một thời gian, học xong, kiếm việc làm tốt hơn và nhiều tiền hơn, lúc đó cô sẽ đỡ khổ. Vả lại, không lâu đâu, con cô sẽ lớn, chúng nó sẽ giúp cộ

Thảo còn nhớ rõ nét mặt vui mừng của bà Anna trong ngày nàng ra trường. Càng khó quên hơn nữa khi nàng cho bà hay là nàng đã xin được chân kế toán trong một hãng buôn. Ít tháng sau, Thảo mua được một chiếc xe cũ nhưng còn tốt, tự túc trả tiền nhà và nàng cũng dọn đến một căn nhà rộng rãi hơn.

Trong những năm qua, Thảo thấy các con nàng lớn lên cùng chiều với những tình cảm đặc biệt mà bà Anna dành cho mẹ con nàng và ngược lại. Bà thương lũ trẻ như thương các cháu của bà. Những ngày sinh nhật của lũ nhỏ cũng như những ngày lễ Giáng sinh, các con nàng đều có quà và quần áo mới. Thảo còn nhớ ngày lễ Giáng sinh đầu tiên , bà Anna ôm một gói quà lớn đến cho lũ trẻ đúng khi nàng đang ngồi khóc. Nàng khóc vì nhớ nhà, nhớ đến những ngày lễ ngày tết sum họp đầm ấm ở quê hương. Nàng khóc vì trong khung cảnh rộn rã vui tươi của xứ người, lòng kẻ tha hương càng cảm thấy tủi thân, bơ vơ lạc lõng hơn bao giờ hết. Thấy Thảo khóc, bà hiểu ngay lý do, nói như tự trách:

- Thảo, tôi hiểu cô lắm. Đôi khi, nước mắt là thần dược. Xưa, sau khi chồng tôi chết, dù có cha mẹ anh em bên cạnh và đầy đủ bạc tiền nhưng tôi vẫn buồn khổ và thỉnh thoảng vẫn khóc như cộ Nhất là những ngày lễ mà mọi người chung quanh vui vẻ như thế này. Nhưng tệ thật, tại sao tôi lại không nghĩ đến điều đó nhỉ.

Từ đó, trong những ngày lễ, tết, bà Anna tế nhị sắp xếp bằng mọi cách để Thảo phải cho con đến với gia đình bà. Khi thì bà bảo là đến để giúp bà đi chợ, khi thì phụ bà nấu ăn. Lúc thì giúp bà chọn kiểu, chọn màu trang trí lại những tấm màn cửa. Vì bận rộn phụ bà, nàng không còn có thì giờ ngồi một mình gậm nhấm nỗi buồn. Nhờ thế, trong những ngày lễ lớn nơi quê người, mẹ con nàng cảm thấy bớt bơ vợ

Nghĩ đến đây Thảo lại khóc nấc lên. Nàng đứng lên đi về phía kệ sách lấy tấm khăn giấy lau nước mắt. Trên kệ sách của các con, Thảo nhìn thấy một tấm hình chụp gia đình nàng ngày mới đến trong phòng mạch bác sĩ, lúc bà Anna đưa các con nàng đến khám sức khỏe tổng quát trước ngày nhập học. Trong tấm hình, cu Năng còn nhỏ xíu, ngồi cạnh bà Anna, miệng cười toe toét, tay cầm con gấu nhồi bông mà bà Kathy cho nó hôm mới đến phi trường. Cạnh đó, một tấm hình gia đình khác, cách đây hơn sáu năm, trước khi bà Anna nằm bịnh. Trong tấm hình, cu Năng với mũ áo và khuôn mặt rạng rỡ của ngày ra trường lớp 12. Đứng bên là bà Annạ Bà đang cười, nụ cười đầy tình người, bao dung và thánh thiện. Trong mười tám năm lưu lạc của mẹ con nàng, bà Anna là hiện thân của lòng nhân ái không phân biên giới. Những năm đó, với Thảo, bà là cái phao, là bông hồng, là bóng mát, là nguồn an ủi, là....Thảo không còn kềm được nữa và nàng cũng cảm thấy không cần phải giấu giếm tình cảm thiêng liêng tự đáy lòng. Nàng úp mặt vào hai bàn tay mặc cho thương tiếc dâng cao và nàng khóc thật ngon lành. Ba mươi năm về trước, ngày mẹ nàng qua đời, đó là lần đầu tiên nàng biết thế nào là đau khổ và đã khóc cho sự mất mát đau thương. Từ đó, đã bao lần nàng phải khóc. Nàng khóc ngày đưa thân phụ về với đất. Nàng khóc vào buổi trưa ngày 30/4 khi nghe từ đài phát thanh ông Dương Văn Minh ra lệnh buông súng đầu hàng. Khi tiễn chồng đi tù cải tạo ở trại tập trung nàng cũng khóc. Nàng khóc trong đêm âm thầm từ biệt quê hương để dẫn đàn con lao vào trùng dương thách đố với tử thần. Nàng khóc cả trong những ngày bình an trên đất Mỹ khi nhớ về quê hương còn đầy bất hạnh. Cũng với tâm trạng mất mát đau thương, hôm nay Thảo đã khóc và gọi tên bà Anna qua những tiếng nấc nghẹn ngào. Một lần nữa, những giọt nước mắt lưu ly lại chan hòa trên mắt người thiếu phụ nhưng lần này cho một người đàn bà không cùng chủng tộc, không cùng màu da nhưng lại có một trái tim thắm đượm tình người và không phân chia biên giới.

Ngô Minh Hằng