Sau buổi ăn tối Thanksgiving ở nhà anh chị Viên về, tôi lật báo
quảng cáo Washington Post xem có gì đặc biệt để mua làm quà dịp
lễ Giáng Sinh. Ngày sau Thanksgiving là ngày bán hàng rẻ nhất trong
năm và cũng là ngày đầu “shopping marathon” cho đến chiều đêm Giáng
Sinh. Sáng hôm sau thức dậy thật sớm, lái xe đến Best Buy hy vọng
mua được computer với giá rẻ làm quà cho đứa con gái tôi. Đến nơi,
tưởng là chỉ có tôi và một số ít người, nhưng hỡi ơi khi thấy dân
chúng đã xếp hàng dài gần khúc đường dù nhiệt độ lạnh như nước đá.
Có người đã cắm trại từ đêm hôm trước. Khi vào được trong tiệm,
một cảnh tượng nhộn nhịp xẩy ra như chợ Tết. Có người chất TV, monitor,
computer, printer, DVD, VCR, CD... trên chiếc xe đẩy hàng trong
siêu thị (shopping cart) cao như cái núi. Người ôm. Người vác. Người
kéo. Thùng to. Thùng nhỏ. Đủ cỡ. Đủ loại. Không ngờ ở xứ giàu có
như Mỹ, lại lo bon chen và nhanh chân nhanh tay như vậy. Hơn chục
hàng cashier đã có người xếp hàng dài trả tiền. Tuy đông như kiến
nhưng tương đối có trật tự. Cuối cùng tôi thất vọng ra về tay không,
vì cái computer eMachines bán rẻ mà tôi định mua đã biến mất trong
đợt tấn công đầu tiên. Trên đường lái xe về nhà, tôi mỉm cười nhớ
về cảnh tượng nhộn nhịp tương tự vào những ngày đầu tiên anh em
cải tạo được gia đình thăm nuôi nơi ven rừng Katum gần 30 năm về
trước.
Bọn quản giáo tập họp nhóm cải tạo lại, thông báo về việc gia đình
thăm nuôi sắp tới. Anh em cải tạo mừng quá, cả đêm không ngủ được.
Sau khi bị chuyển về trại Katum gần một năm nay, tất cả niềm hy
vọng được thả về đoàn tụ với gia đình đã bay thành mây khói. Nay
chỉ còn một hy vọng duy nhất là được gặp mặt gia đình. Gặp người
thân một lần rồi ngày mai ra sao sẽ ra sao. Chờ đếm từng ngày từng
đêm.
Trong lúc khổ, anh em thường có những tin vịt giật gân để làm tăng
niềm hy vọng. Nào là sau khi được thăm nuôi, anh em ăn uống đầy
đủ có da có thịt một chút. Lúc ấy bọn Cộng sản sẽ cho anh em về.
Chúng sẽ không bị dân chúng và quốc tế than phiền là bọn chúng đối
xử anh em cải tạo tàn nhẫn bằng cách bỏ đói họ. Nhưng đó chỉ là
lời đồn vô vị vì Cộng sản có coi dân chúng và quốc tế ra gì đâu
mà lo với ngại. Buồn năm phút thôi.
Muốn đến trại thăm nuôi Katum, người đi thăm phải đi xe đò đến
thành phố Tây Ninh trước. Xong thuê xe gắn máy, xe ngựa hoặc xe
kéo đi theo Tỉnh Lộ 4 về hướng Bắc ngang qua núi Bà Đen đến gần
bên cánh rừng Katum gần biên giới Cam Bốt. Đa số bà con phải ngủ
lại đêm ở cánh rừng. Sáng sớm, từ đó họ đi bộ vào trại gặp mặt anh
em cải tạo. Những người vợ, người yêu, anh em, cha me, bạn bè, con
cái và bà con phải vượt qua bao dậm đường dài đầy chông gai đến
đây. Có lúc phải gặp nào ổ gà, nào vũng nước động, cỏ tranh cao
rậm mọc trên những con đường đất đỏ bị bỏ hoang từ khi quân đội
Mỹ rút lui khỏi căn cứ quanh khu Katum trước năm 72. Nơi đây đã
xẩy những trận đánh nhau ác liệt giữa quân đội Mỹ và Cộng Sản chánh
quy. Trận pháo kích và B52 thả bom thường xuyên để lại mặt đất vùng
nầy rất nhiều hố lớn nhỏ lỏm chỏm như mặt quả trăng bị mảnh đá vụn
astroid hoặc sao chổi trên không gian bắn vào bao triệu năm về trước.
Có nhiều hố bom B52 rộng hơn hồ bơi ở trường OCS.
Trên vai gầy, thân nhân cặm cuội gánh chiếc đòn gánh nặng trĩu
chứa những món quà đơn giản nhưng mang đầy tình thương của vợ đối
với chồng, của cha mẹ với con, của anh chị em và của người tình.
Với một niềm hy vọng cho người thân mình có những cục đường, hạt
muối, miếng mở, miếng thịt kho, cá kho, hầu có sức sống chờ ngày
về đoàn tụ gia đình. Nếu một mai, người cải tạo ốm đói có chết đi
họ cũng mãn nguyện vì đã gặp được người thân và chết không thành
con ma đói.
Từ trong những cánh rừng sâu nhóm cải tạo cũng phải lội bộ gần
nửa ngày mới tới chỗ thăm nuôi như là hội Tết. Anh em cải tạo thức
dậy sớm mặc bồ đồ kaki xanh mới giặt sạch sẽ và xếp gọn dằn trên
đầu nằm tối qua. Không còn lòng để ăn cháo sáng, anh em hớn hở đeo
gánh trên vai lên đường trước hừng đông.
Gia đình tôi đã rời Việt Nam trước năm 75. Tuy mồ côi tại chỗ, tôi
được ông Dượng, anh Hữu và cô bạn gái không quản ngại đường sá xa
xôi đến thăm và mang cho những gánh quà quý nặng trĩu và đặc biệt
là mang tin tức gia đình nơi quê nhà.
Tôi còn nhớ mỗi lần được viết thơ về nhà xin quà. Tôi thường xin
nhà mua cho tôi nhiều muối rẻ để ăn hoặc món khác cần thiết mà rẻ.
Còn món gì xa xỉ mắc mỏ thì không. Lòng tôi rất lo ngại cho những
người thân ở quê nhà. Sợ họ không đủ tiền để sống nhưng vì thương
tôi mà họ phải nhịn ăn uống để mua quà cho thì tội nghiệp quá.
Lần thăm đó tôi được 8 kilô muối trắng và muối hột. Ăn mệt nghỉ.
Ăn dài hạng. Vừa ăn thay nước mắm, vừa đánh răng thay kem đánh răng,
vừa chữa bịnh đau răng, lại vừa bôi vào vết thương, ghẻ ngứa để
khử trùng. Thêm nữa, có buổi sáng, con mắt tôi bị ghèn dính chặt
mí mắt mở không ra, lấy nước nóng pha với muối bôi vào mắt, từ từ
kéo từ cộn lông mi ra. Mắt ghèn, mắt đỏ lấy nước muối nhỏ vào là
xong. Nếu có chết đi, thì ướp xác bằng muối làm mắm người luôn.
Đối với người cải tạo muối và nước là tất cả. Có lẽ loài người được
tạo ra từ biển cả nơi chứa đầy nước và muối.
Một thời gian ngắn, sau khi đợt thăm nuôi đầu tiên, có một số anh
em cải tạo thuộc tiểu đoàn khác vượt rừng trốn trại. Từ đó bọn quản
giáo tịch thu tất cả muối và cấm dự trữ muối và thức ăn như cơm
khô, đường để phòng ngờ trốn trại. Muối lại trở nên hiếm có.
Nước mắt tôi tự động trào ra khi gặp lại mặt người thân trong hoàn
cảnh nầy sau bao nhiêu năm xa cách. Được biết tin gia đình ba mẹ
và các em tôi ở nước ngoài bình an. Lúc nào cũng nhớ lo tôi còn
kẹt lại. Xa cách bao năm, lặn lội bao đường dậm xa xôi, vượt bao
chông gai mà chỉ gặp nhau trong thời gian ngắn ngủi khoảng dưới
hai tiếng đồng hồ. Cuối cùng hết giờ thăm, tôi đành phải chia tay
họ. Về đến trại thì trời đã tối khuya. Lòng buồn nao náo, thêm mệt
mỏi về đeo gánh quà nặng đi đường xa, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không
hay.
Đến nửa đêm, Công Quang, một Trung Úy Không Quân pilot trực thăng,
nằm ngủ bên cạnh tôi, bị khối trưởng Thượng gọi dậy để gánh võng
đưa anh Thanh đi vào bệnh xá ngay. Cùng chung tổ với tôi, Thanh
là một Thiếu Úy của Tiểu Đoàn Nhảy Dù trước 75. Tôi chưa tỉnh ngủ
vội hỏi khối trưởng Thượng:
- Thằng Thanh bị bệnh gì mà phải đi bệnh viện giờ nầy? Tôi mới
gặp nó ngoài trại thăm nuôi thấy nó có bệnh gì đâu.
Tên khối trưởng bèn nói:
- Anh ngủ say như chết nên không nghe gì. Sau khi đi thăm nuôi
về, thằng Thanh cứ ôm bụng rên la như bò róng cả đêm. Hỏi nói bệnh
gì nó không nói mà cứ chỉ xuống bụng nó thôi.
Sau nầy mới biết được là trên đường trở về trại sau khi bùi ngùi
bịn rịn chia tay người vợ trẻ đẹp mới cưới trước ngày Thanh trình
diện đi cải tạo mười ngày. Vì bận lưu luyến với vợ, Thanh đã chần
chừ trễ nải sắp vào hàng sau khi được lệnh tập họp trở về trại.
Tên vệ binh trẻ tên Lý là bộ đội chính quy, sinh trưởng miền Bắc,
vào Nam nhân dịp tấn công năm 75. Hắn thường bộc lộ tính tình hung
máu, đang quát thét nhóm cải tạo hối hả xếp hàng:
- Các anh là ngụy, tội đầy trời. Hôm nay Cách Mạng khoan hồng cho
các anh được gặp mặt gia đình vợ con như thế không đủ sao ? Các
anh còn cầm tay, cầm chân, hôn hít làm trò khỉ không có văn minh
gì cả. Thế ấy là thế nào?
Ai nấy bắt cười thầm cho tên vệ binh ấu trĩ nầy. Nói xong hắn quay
nhìn thẳng vào mặt Thanh:
- Còn cái anh nầy, lại ra tập họp trễ để cho tôi phải chờ. Học
tập như vậy không tiến bộ gì cả. Về trại làm tờ tự kiểm cho tôi
ngay.
Trước đó, một số anh em cải tạo để ý thấy tên Lý nầy cứ nhìn trộm
vợ Thanh từ đầu đến chân, từ khi chị ấy bước vào nhà thăm nuôi.
Có lẽ hắn không ngờ vợ sĩ quan ngụy lại trẻ đẹp như thế. Hắn có
vẽ thèm thuồng và ganh tị với anh em cải tạo. Có lẽ vì thế hắn có
hành động ghen ghét và hằn học riêng với Thanh. Muốn hạ nhục trước
mặt vợ Thanh, tên vệ binh chỉ mặt Thanh cảnh cáo:
- Tôi ra lệnh cho anh nầy đi trước và đi lẹ nghe chưa. Nếu anh
đi chậm thì biết tay tôi. Làm gì lấy quà nhiều thế. Tham quá vậy.
Để cho qua việc, Thanh chỉ nuốt nước miếng và gật đầu:
- Thưa anh dạ.
Thanh chợt nhớ ngày oai hùng nào qua những trận đánh ác liệt mùa
hè đỏ lửa ở Hạ Lào. Thanh chỉ huy một tiểu đội Thiên Thần Mũ Đỏ
đã từng vào ra cảnh hiểm nghèo trong những cuộc cận chiến đổ máu
với Cộng quân mà không bao giờ biết sợ là gì. Giờ đây, vì thất trận,
vì gia đình bị kiềm chế, Thanh đành phải chịu nhẫn nhục nghe lời
chửi bới của tên vệ bệnh mặt non chẹt, không đáng vào đâu. Chỉ khác
nhau là Thanh đang đeo chiếc gánh bằng tre trên vai, còn hắn đang
cầm khẩu súng AK sẵn sàng bắn xả vào Thanh và người cải tạo vô tội
không chút thương tiếc.
Chiều tối, vượt qua một đoạn đường rừng dài, về gần đến tiểu đoàn,
Thanh quá mệt vì mang gánh quà quá nặng. Thêm nữa anh mới hết bệnh
cúm xong nên người vẫn còn yếu. Chân Thanh bắt đầu chậm lại và các
bạn từ qua mặt anh. Một số anh em định gánh phụ cho Thanh, nhưng
sợ tên vệ binh Lý đang theo dõi Thanh từ bước một không cho. Chờ
mãi dến bây giờ mới ra hành động, tên vệ binh Lý nầy chỉ vào mặt
Thanh la quát:
- Có đi nhanh không. Tham ăn lấy quà nhiều đến giờ không đi nổi.
Cấm tất các anh khiêng phụ cho nó.
Đã buồn vì xa người vợ trẻ lại thêm mệt mà cứ bị tên Lý nầy chửi
mãi. Thanh trừng mắt lại với lòng căm hờn và định trả lời lại. Tên
vệ binh Lý mang đôi giầy bịnh trị thiên cáo lên, không có lời cảnh
cáo, nhảy đá vào bụng Thanh với cả sức mạnh hắn có. Thanh kêu hự
một tiếng rồi đầu gối quỵ xuống đất chỉ ôm bụng rên la. Tên vệ binh
chĩa mũi súng AK vào đầu Thanh và ra lệnh:
- Có đứng lên và đi về ngay không. Nếu không tao bắn vở đầu ngay.
Thanh đành rán đứng lên từ từ bò lê bước theo các bạn về trại.
Anh để lại gánh quà đã do vợ buôn bán tất cả nữ trang để mua cho
chồng. Lặn lội bao nhiêu đường sá xa xôi đem quà cho chồng, giờ
đây chồng không hưởng được mà sắp bị nguy hiểm cho tính mệnh.
Đến khuya mới về đến trại, Thanh nằm nghỉ được một chút. Khát nước
anh tỉnh dậy xin nước uống. Vừa uống được ly nước, Thanh ôm bụng
la đau quá và ói ra. Từ đó Thanh la hét không ngừng.
Công Quang mới vừa chợp mắt ngủ sau một ngày lao động mệt mỏi thì
nghe tên khối trưởng Thượng gọi dậy để khiêng Thanh vào bệnh viện
ngay trong đêm nay. Công Quang và bốn anh em trong tổ tìm được một
chiếc võng bằng vải kaki màu rằn ri dùng may quân phục cho lính
nhảy dù và một khúc tre già để làm đòn gánh. Họ thay phiên nhau
gánh võng đưa Thanh xuyên qua rừng dầy ban đêm đi đến bênh viện
của Bộ Đội ở đầu cánh rừng. Một tên vệ bênh đi đầu cầm cây đèn dầu
dẫn đường. Theo sau là nhóm khiêng võng cùng với một tên vệ binh
khác đi phía sau cùng. Họ đi rất là đồng nhịp. Chân đập lá rừng
khô phát ra tiếng sạt sào. Họ đi trong đêm tối với ánh đèn dầu lấp
lóe không khác gì cảnh xe cứu thương đang chở bịnh nhân hấp hối
đi gặp tử thần. Thay tiếng còi vang hụ của xe cứu thương chạy trong
thành phố bằng tiếng kêu hét đớn đau, não nùng của Thanh vang vọng
cả khu rừng lẫn tiếng xào xạc lá khô hối hả đưa người đi.
Cuối cùng, tới bệnh xá anh em mệt nhừ. Lo cho bạn nên anh em cố
gắng vừa gánh võng vừa chạy với niềm hy vọng càng tới sớm càng có
nhiều hy vọng cho Thanh được chữa kịp thời. Gọi là bệnh xá theo
nghĩa thường thì không đúng vì nơi đây chỉ có vài căn nhà cũ, cất
tạm bằng tranh và cây rừng đã dùng làm bệnh xá của bộ đội trong
thời đánh nhau với quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa.
Thanh được đưa vào bên trong căn phòng lợp bằng tranh và đặt nằm
tạm trên chiếc giường tre ọp ẹp. Khoảng một lúc sau, một bác sĩ
bộ đội tên Thà bước vào hỏi với giọng ngái ngủ:
- Bệnh gì thế ? Sao lại giờ này ? Anh nào đâu ?
Bác sĩ Thà thực ra có bằng y tá nhưng vì có công lớn trong cuộc
chống Mỹ nên được gọi là bác sĩ. Sau khi bắt tay xem mạch và rờ
xem chỗ sưng tím nơi bụng Thanh, bác sĩ Thà quyết định mổ bụng Thanh
khẩn cấp. Phần ruột non giập bị mỡ sa bể dính vào làm nghẽn đường
thông. Bác sĩ Thà bảo Công Quang kéo nước giếng lên để nấu một chậu
nước sôi. Trong lúc chờ nước nước sôi, Công Quang phụ các anh em
cải tạo đỡ Thanh lên bàn mổ làm bằng gỗ ván. Phía trên bàn mổ có
treo chiếc mùng xanh nhà binh to xung quanh để tránh muỗi rừng cắn.
Được dặn bảo, Công Quang đổ một gói muối vào thau nước sôi, quậy
từ từ, chờ nguội bớt. Thau nước muối nầy dùng làm nước khử vi trùng
cho cuộc giải phẫu.
Nằm trên bàn mổ, vì bị nội thương hành hạ Thanh cứ lăn lộn và rên
ra thảm thiết không ngừng. Hay là anh lo sợ số mạng mỏng manh của
mình như tên tù tử tội đang chờ tên đao phủ thủ đem dao vào đưa
mình vào bên kia thế giới. Bác sĩ Thà bảo cột tay và chân Thanh
vào những lỗ có sẵn trên bàn mổ. Có lẽ nơi đây trên chiếc bàn mổ
nầy có bao nhiều bệnh nhân đã trải qua những cảnh hãi hùng trong
cơn giải phẫu dã chiến.
Tên vệ binh đem vào thêm ba cái đèn dầu đặt ở đầu và giữa bàn mổ
cho đủ sáng để mỗ. Sau khi khử trùng nơi mỗ bằng alcohol, bác sĩ
Thà chụp thuốc mê Thanh. Một lúc sau, không còn nghe tiếng rên rỉ
của Thanh nữa. Cầm ngọn dao giải phẫu, bác sĩ Thà rọc ngang bụng
của Thanh. Máu đỏ tươi chảy lan ra cạnh bàn mổ. Từng giọt máu đỏ
đậm bắt đầu nhiễu xuống đất. Móc bàn tay vào trong bụng Thanh, nơi
vừa cắt ra, bác sĩ Thà loi ra một nhóm ruột non cùng mỡ sa. Xong
rồi cho nhóm ruột nầy vào thau nước muối ấm do Công Quang chuẩn
bị mới bưng vào. Bác sĩ Thà tỉ mỉ kéo rời từng mảnh mỡ đang cuốn
chặt vào mảnh ruột non. Bổng nghe tiếng Thanh rên ré như heo đang
bị thọc lấy huyết. Mỗ người không khác mỗ heo.
Tiếng gà rừng gáy từ cánh ven rừng xa đấu hiệu trời bắt đầu hừng
sáng. Vài tia sáng mặt trời xuyên qua khẻ hở mái tranh rọi vào phòng.
Bác sĩ Thà mồ hôi đọng quanh vòng trán. Tay bỗng ngừng tháo mạn
mỡ khi thấy Thanh trườn người một cách mãnh liệt, rồi cả người mềm
nhũn ra. Giống như ngọn đèn dầu lóe lên ánh sáng cuối cùng trước
khi hết dầu. Bác sĩ Thà khám mạch Thanh. Mất máu quá nhiều, nhịp
tim đập rất yếu hầu như không nghe nữa. Bác sĩ Thà vội đem phần
ruột bên ngoài nhét vội vào trong bọng ruột Thanh và tém kẹp vết
thương mỗ tạm lại cho máu bớt chảy. Không biết vì không còn máu
hoạc mạch máu bị ngăn cản, máu từ bụng Thanh bắt đầu chảy ra chậm
lại. Bác sĩ Thà làm cấp cứu nhân tạo cho Thanh tỉnh lại.
Chờ một lúc sau cho tim Thanh bắt đầu đập mạnh trở lại, Bác sĩ
Thà kéo ruột ra lại và tiếp tục gỡ phần mỡ cuối cùng dính chặt vào
phần ruột non. Công Quang đã thay ba, bốn chậu nước muối lẫn máu
với chậu nước mới lấy từ giếng nấu sôi trộn với muối để nguội. Thêm
một công dụng của muối: dùng ngâm ruột non để không bị thúi trong
khi giải phẫu.
Mặt trời lên cao quá ngọn cây cổ thụ cạnh căn nhà mỗ. Bác sĩ Thà
trông vẽ thấm mệt sau khi khâu lại vết mỗ. Thanh nằm im lìm trên
bàn mổ như một xác ma không hồn. Mặt mày xanh như tàu lá chuối.
Chết có lẽ còn sướng hơn sống trong hoàn cảnh nầy. Công Quang và
nhóm anh em cải tạo vừa đói bụng vừa mệt nhừ sau một đêm dài không
ngủ và lo âu. Cuối cùng họ vẫn mãn nguyện vì làm tròn nhiệm cho
bạn tù không may mắn. Họ chỉ mong Thanh không còn bị đớn đau nữa.
Họ nghĩ nếu không xảy ra cho Thanh thì cũng có thể xảy ra cho họ
chỉ vì mang tên là tù cải tạo. Gần trưa, Công Quang và các bạn được
vệ binh dẫn về trại nghỉ. Chỉ còn Thanh nằm lại bệnh viện không
biết số mạng ra sao.
Khoảng hơn một tháng sau, Công Quang và các bạn trong tổ lại được
lệnh đi khiêng Thanh từ bệnh xá trở về trại cải tạo lại. Được chứng
kiến cuộc giải phải hy hữu nầy, Công Quang ngạc nhiên vô cùng khi
nghe bạn mình vẫn còn sống. Thật là sự sinh tồn của con người thật
là mãnh liệt. Về đến trại, không ai có thể nhận ra Thanh. Từ một
thân hình to lớn mạnh khỏe của một sĩ quan Nhảy Dù ngày nào, nay
trở thành như một ông già ốm yếu xanh xao chờ tử thần đến dẫn đi.
Thanh không đi được. Nếu không ai dẫn đi hoặc ẩm bồng, Thanh chỉ
có bò như em bé.
Lúc cơn đau hành hạ, Thanh thường than và tự nghỉ nếu biết trình
trạng như thế nầy thì chết còn khỏe hơn. Có lúc Thanh lại hy vọng
tràn trề khi nghỉ đến người vợ trẻ mới cưới và sẽ được về với vợ
vì lý do sức khỏe. Âu là một cách được trở về quê nhà.
Vào những năm đầu cải tạo chỉ có ba nhóm được thả về. Nhóm số một
là những người cải tạo có thân nhân ruột thịt là cán bộ Cộng sản
thứ thiệt. Càng có gốc lớn là càng về sớm. Nhóm hai là nhóm antenna
bán sống bạn mình để lấy lòng Cộng sản cho về trước. Nhóm thứ ba
là được cải tạo thành công nhưng không phải về mặt chính trị hoặc
tinh thần mà về cơ thể. Từ cơ thể bình thường trở thành tàn tật
vì bệnh hoạn như sốt rét rừng, kiết lị, rắn cắn, ăn nấm độc, cây
cỏ độc, thiếu dinh dưỡng. Thêm những người tật nguyền vì bị xe lật
khi chuyển trại , cây đè, đạp hầm chông của các hố bẩy lúc xưa,
bị đánh đập như Thanh hoặc bị bắn bị thương khi trốn trại hoặc chống
đối có thể được tha về. Những người nầy trở về với thân tàn ma dại,
không còn đủ sức nuôi gia đình, nuôi bản thân thì làm thế nào chống
lại lũ Cộng sản độc ác. Chúng vẫn tuyên bố là các anh cải tạo nầy
học tập tốt. Các anh khác nên theo gương để được Cách Mạng khoan
hồng cho trở về. Thà ở tù mút chỉ còn hơn rơi vào ba nhóm trên.
Thanh là người may mắn vì có người vợ thương chồng ngày đêm lặn
lội tìm thăm chồng bằng mọi cách khi nghe Thanh bệnh nặng. Vợ Thanh
mua chợ đen được thuốc trụ sinh đem cho Thanh bằng cách đút lót
bộ đội. Nhờ trụ sinh, Thanh không bị nhiễm trùng nên vết mỗ từ từ
lành lại. Cũng có những hoàn cảnh thật đau lòng: Nhiều bà vợ không
có tiền đi thăm chồng đành phải bán tất cả những gì còn lại trong
nhà có khi bắn luôn cả tấm thân của mình để nuôi chồng. Thật là
những người đàn bà đáng phục vì chồng phải hy sinh thân thể lẫn
cả tính mạng mình để gặp mặt chồng. Dù phải lặn bao nhiêu núi bao
nhiêu đèo, bao rừng sâu dốc thẩm vẫn không ngại.
Món quà đầu tiên của Thanh nhận được các bạn ban đêm tìm cách kéo
về trại cất giữ cho. Quà thì nhiều, Thanh rất thèm nhưng chỉ nhìn
vì không ăn được. Cũng vì món quà nầy mà anh bị tên vệ binh la hét
và đánh đá vào bụng dập mỡ sa. Ước gì lúc ấy Thanh có một chiếc
xe đẩy như trong chợ siêu thị hoặc Best Buy thì khỏe biết mấy. Chắc
anh không bị đá trọng thương như vậy.
Chiều nay anh thèm ăn một tô mì gói trong gánh quà. Vì không đủ
sức, Thanh phải nhờ Công Quang nấu cho anh. Tô mì chính nóng hổi
trộn với vài con tôm khô và mấy tốp mỡ cháy bay mùi thơm làm sống
lại cả khu trại. Thanh bắt đầu gấp vài cọng mì bỏ vào miệng. Mì
chưa vào thực quản, anh phải nhổ hết ra vì cơn đau bụng lại nổi
lên bất thình lình. Một món quà đầu tiên mà anh chưa bao giờ được
hưởng trọn vẹn. Nhiều khi nghỉ cũng lạ, lúc đói ăn được lại không
có gì ăn. Lúc có thức ăn lại không được ăn. Từ khi dời trại Katum,
tôi không còn gặp hoặc biết tin tức về Thanh nữa.
Gió Bắc bắt đầu thổi khá mạnh đem theo hơi lạnh của mùa đông đến
vùng Hoa Thịnh Đốn. Đánh dấu một mùa Giáng Sinh lại đến với muôn
người. Trong gian phòng ấm cúng, vừa nghe các bản nhạc Việt và ngoại
quốc cũ đầy kỷ niệm về Giáng Sinh do các bạn OC gởi trên diễn đàn,
gia đình tôi vừa gói từng món quà để kịp gởi cho người thân vào
lễ Giáng Sinh và năm mới.
Nguyễn Hồng Quang
Vùng Hoa Thịnh Đốn
Mùa Giáng Sinh 2004
|