Một
1974. Chiến hạm từ Hoàng Sa ghé về Sơn Chà nhằm những ngày bão.
Năm đó bão dữ! Bão hung hãn đổ bộ miền Trung, tàn phá cả một vùng
duyên hải, cắt quốc lộ một, quãng đèo Hải Vân. Con đường Đà Nẵng-
Huế bị gián đoạn. Dự định lên Huế trong những ngày nghỉ bến không
thành. Mối tình tôi, một thằng trai Nam Kỳ, với Huế, chưa kịp tỏ
bày, bỗng nhiên trắc trở.
Từ không biết thuở nào, Huế yêu kiều trong tôi là những thành quách
kỳ vĩ, cung điện nguy nga, đền đài miếu mạo lộng lẫy, những cổ tự
tịch mạc, lăng tẩm u trầm, những thắng tích thiên nhiên ngoạn mục,
theo lời kể của nhũng thủy thủ cùng tàu, người xứ Huế. Trấn Bình
Thành án ngữ đường sông, Trấn Hải Thành án ngữ mặt biển, Hải Vân
Quan trấn giữ phía nam như còn vang vọng tiếng súng thần công từ
pháo thuyền quân Pháp. Hoàng thành, Đại nội, Tử Cấm thành một thời
lối xưa xe ngựa. Văn miếu, Võ Miếu ngát lộng hương linh tiền nhân
xây dựng xã tắc sơn hà. Chùa Thiên Mụ, Từ Đàm, những thôn, vườn
nhà thanh thoát Huế
Rồi dòng Hương giang trầm lắng chất thơ, rồi những bài ca Huế mênh
mang trên sóng nước bềnh bồng. Nhiều người ví Huế và sông Hương
với Budapest và dòng Danube, hay Paris với dòng Seine. Cả ba dòng
sông đều là những mơ ước viễn du của tôi. Trong trí tôi, Hương giang
là một dòng sông vương giả, quanh co uốn khúc giữa núi rừng, đồi
nương, quyện theo mùi thơm thanh khiết thạch xương bồ. Có khi, tôi
thấy mình là một đấng quân vương, nhẹ bước xuống mạn thuyền rồng.
Cả một không gian lung linh nhã nhạc. Tiếng hát buồn thương của
những ca nhi hòa quyện cùng tiếng đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt,
giọng sáo, nhịp sên phách, sanh tiền gợi cho khách nhàn du những
rung động thoát trần. Qua những bạn bè người Huế, tôi tưởng tượng
ra một thứ Ca Huế lãng mạn, vừa đậm đà chất giọng bình dân vừa tàng
ẩn những nhịp điệu thâm xa bác học của âm nhạc cung đình. Điệu Bắc
vui tươi trữ tình, điệu Nam buồn thương ai oán. Không biết tự đời
nào, trong tôi lãng đãng những điệu Lưu Thủy, Hồ Quảng ,Kim Tiền,
Nam Bình, Nam Ai Tôi yêu Huế. Tôi thương sông Hương. Tôi mê tôn
nữ. Nhưng cái cầu nối giữa tôi và Ca Huế không có gì hơn chiếc radio
nhỏ xíu và chương trình Cổ Nhạc Trung phần.
Rồi những ngày đất khách quê người, những người xứ Huế lại đưa
tôi trở về với cái không khí u buồn trầm mặc Huế. Những địa danh
như Vĩ Dạ, Kim Long nghe bên trời lận đận đối với tôi thân thương
như tên những vùng ven châu thổ Cửu Long. Đò từ Đông Ba, đò
qua Đập Đá, đò về Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sềnh...
Tôi, dạo mắt sáng tóc bồng ấy, cũng sính làm thơ nhưng, tiếc, chỉ
được đọc thơ về Huế. Mối tình với Huế trong tôi là một mối tình
vô phương bày tỏ: tôi chưa một lần đến Huế. Tôi không dám có một
dòng thơ nào cho Huế.
Nhưng đó là chuyện ba mươi năm về trước
Hai
2004. Trời Huế những ngày cuối năm vẫn còn sùi sụt. Có lẽ như ngày
công chúa Huyền Trân sang Chiêm hiến thân đổi hai châu Ô Lý. Đất
Thuận Hóa- Phú Xuân- Huế ngàn năm nữa còn nguyên một chuyện tình
buồn.
Đã rất chiều khi chúng tôi đến khách sạn. Người quản lý cho tôi
biết những ngày trước mưa Huế dầm thối đất. “Chiều rồi, chắc
đêm nay anh chị thế nào cũng đi nghe ca Huế? Để tôi dặn trước cho
hai vé. Cứ ở phòng tới giờ sẽ có xe đến đón.” Tối, một đứa bé đến
đập cửa phòng. “Mời anh chị đi nghe ca Huế”. “Xe đâu?” “ Không,
gần thôi, đi bộ! Chỉ chừng 10 phút.” Cái mười phút của thằng
bé được nhân đôi và chúng tôi biết mình vừa rơi vào vòng tay bọn
trùm ca Huế. Ở bến Tòa Khâm đã sẵn hàng trăm du khách xí xô xí xào
trong tiếng đùa giỡn của đám ca nhi và lời cãi cọ chửi rủa của lũ
cò Ca Huế.
Nước ròng, vất vả lắm chúng tôi mới xuống được thuyền. Trong khoang
đã sẵn một bàn rượu và 5 thanh niên, ý chừng người về từ nước ngoài.
Họ chia nhau những lon bia. Chai Black and White Label đã cạn quá
nửa. Mạn thuyền bên kia, một cặp vợ chồng già ngồi ngó mông . Dòng
sông buổi tối đen ngòm. Không xa, chiếc cầu Trường Tiền sáu vài
mười hai nhịp trang hoàng đèn ống, chốc chốc lại đổi màu lạnh quái.
Thuyền nổ máy vừa đủ để tách bến rồi tắt, thả trôi lờ lững mạn
cầu. Ca kỹ và nhạc công trình diễn các bài Lưu Thủy, Xuân Phong,
Kim Tiền, Long Hổ. Rồi thôi, đến chương trình bán CD Ca Huế. “Vì
thời gian có hạn, nếu quý khách muốn biết thêm về ca Huế xin thưởng
thức trong những CD chọn lọc này.” Một ca nhi chào hàng. CD này
thì người ta có thể mua bất cứ đâu, không cứ gì ở Huế. Tôi phân
vân không biết vậy thì mình cất công xuống thuyền để làm gì. “Bây
giờ mời quý khách thả đèn hoa, với một lời ước nguyện nào đó gởi
sông Hương” một ca sĩ khác tiếp lời. “Ước gì bây giờ? Mai em có
rảnh đi ăn sáng với tụi anh.” Một thanh niên lên tiếng. “Thì ước
gì mà không được.” “Thôi, vậy cứ ước chuyến về phi cơ đừng rớt.”
Người thanh niên có vẻ mãn nguyện. Cả một đoạn sông Hương trước
Phú Vân Lâu, từ cầu Bạch Hổ đến Trường Tiền lúc nhúc đèn hoa. Từng
chiếc đèn trôi leo lét trên mặt nước buồn thiu.
Để kết thúc chương trình, chúng tôi được thưởng thức hai ca khúc
tân nhạc Thương Về Miền Trung và Huế-Tình Yêu Của Tôi. Tôi bàng
hoàng trong cảm giác một người bị phụ tình. Tôi, một người tình
bị phụ! Ca nhi, nhạc công đã sang thuyền khác cho một sô diễn khác.
Nhớ ơi, Tứ Đại Cảnh, Nam Ai, Nam Bình, Tương Tư Khúc, Lý Tình Tang,
Lý Tử Vì.
Dòng Hương lờ lững trôi giữa những vùng dân ca nổi tiếng với các
điệu hò mái đẩy, mái nhì, hò thai, hò giã gạo khoan nhặt, những
điệu lý con sáo, lý hoài xuân, lý tình tang bay bổng mượt mà và
những dòng nhạc cung đình trang trọng như giao nhạc, miếu nhạc,
ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc để sản
sinh ra Ca Huế. Trời ơi, đó không phải là “Cái Âm Điệu Tủi Thân
Bi Đát“như có người đã viết “Từ khi nhà Nguyễn thấm nhập cái âm
nhạc mất nước của dân tộc Chàm bằng những lời ca Huế thì triều đại
này này chỉ còn đi xuống dốc”! Đó cũng không phải là thứ Ca Huế
bát nháo mà tôi vừa được giới thiệu trong buổi tối không may này,
buổi tối đầu tiên ở Huế.
Tôi vừa được dọn cho một mâm cỗ Ca Huế dỏm, rẻ tiền, sai hình thức,
sót trang phục, hỏng nội dung.
Ba
Tháng 11 sen đã tàn trong đại nội. Mặt hồ đen ngòm in bóng những
tán mây qua. Bầy cá cảnh đớp mẫu thuốc lá tàn ai đó vừa ném xuống.
Một du khách ngoại quốc đứng chỉ trỏ tấm biển Lối ra, thắc mắc.
“Lối way, ra out”. Người hướng dẫn du lịch tận tình giải
thích. Có lẽ người khách nước ngoài đã thỏa mãn với những chân đèn
và con hạc giả trong điện Thái Hòa. Trước một bãi cỏ mênh mông không
được cắt xén, tôi được giới thiệu đây là điện Cần Chánh xưa. Hàng
cây đại quanh Tử Cấm thành trơ trụi, mốc meo. Một cặp vợ chồng (tôi
đoán thế) đến trước mặt, chìa cho tôi chiếc máy ảnh. “Nháy giùm
tớ một phát.” Ừ, thì nháy!
Có thế, đế đô 200 năm nhà Nguyễn! Còn có thế, mồ hôi ba vạn dân
công, binh lính đổ suốt 27 năm trời! “Vạn niên là Vạn niên nào-
Thành xây xương lính, hào đào máu dân.” Tiếc công Nguyễn Hoàng
chọn núi dựng chùa, gom góp khí thiêng, giữ gìn long mạch. Rồng
thiêng đã bay vút về trời, chùa Thiên Mụ hoang quạnh. Dưới chân,
con sông Hương đục ngàu chảy qua Kim Long, Nguyệt Biểu, Vĩ Dạ, Đông
Ba lượn quanh những quần thể lăng mộ hoang tàn , thế giới vĩnh hằng
của những bậc đế vương, lừ đừ trôi ra biển.
Hầu hết những thú vui người Huế đều gắn liền với sông Hương. Đua
thuyền. Ngủ đò. Thả thơ. Ca Huế. Và cả lịch sử một vùng Thuận Hóa,
Phú Xuân đã gắn bó với dòng sông lịch sử này. Con sông Hương ngày
nay kinh tế hơn, người ta khai thác cát sỏi bừa bãi. Trước chùa
Thiên Mụ, trước lăng Minh Mạng, bờ sông sụt lở. Dọc bờ, đoạn cầu
Bạch Hổ đến chợ Kim Long, hàng trăm ngôi nhà với những nhà vệ sinh
trên sông mọc lên, phá vỡ cảnh quan sông nước. Đôi bờ sông Hương
nhan nhản nhà hàng khách sạn. Lúc nước ròng, người ta hãy còn thấy
những khối bê tông, cát sạn đổ trực tiếp xuống lòng sông. Ngay thôn
Vĩ Dạ, các quán Dạ Lai, Quỳnh Hương, Vĩ Dạ Xưa, các khách sạn Sông
Hương,Vĩ Dạ Riverside đã biến một đoạn bờ sông thành không gian
của riêng mình. Nhiều nhà máy, xí nghiệp được dựng hai bờ. Người
ta chỉ vừa mới bắt đầu nói đến vấn đề môi trường và hệ sinh thái
sông Hương.
Ở Huế, không khó lắm để tìm được sự than phiền trước sự hấp hối
của những dòng sông. Sông Hương một thời là thế, ngày nay càng gần
bờ, càng có nhiều rác rưởi và bao nylon. Bờ sông gần chợ Đông Ba,
nước đen ngòm và đầy chất thải. Nghe tôi phàn nàn về con sông, người
lái xích lô cười ruồi.
“Xem vậy chứ còn khá hơn những con sông Bạch Đằng, Đông Ba, An
Cựu... Nhà máy bia Huda sống nhờ vào con sông này đấy”, người xích
lô chở tôi vui chuyện.
“Hả?”
“Người ta làm bia từ nước sông Hương!”
Nhìn dòng trôi lờ lững, lại nhớ đến mấy chai bia Huế uống hôm qua,
tôi thấy nhột cổ. Chỉ mong anh xích lô nói đùa.
Bốn
“Cho tôi hai vé về Sài Gòn. Toa có giường ngủ.”Tôi đến quày bán
vé.
“Nằm cứng hay nằm mềm?”Người thiếu nữ sau quày ngái ngủ.
“Hả? Ngồi cứng hay nằm cứng là cái quỉ gì vậy?”
“Đơn giản thôi, ngồi cứng là ngồi ghế không nệm, ngồi mềm có nệm,
nằm cứng là giường không nệm, nằm mềm không có nệm. Có thế mà không
biết!”
May cho chúng tôi, tàu còn nhiều vé nằm mềm.
Màn mưa loáng thoáng qua ô cửa tàu. Lạ kỳ, trước mắt tôi là một
Huế thơ đẹp đến não lòng. Nhưng đó không phải là Huế này, Huế ốm
đau đang nằm co ro hai bên đường sắt. Đó là Huế của hơn 30 năm về
trước. Ảo ảnh? Đó là Huế thắm thiết mặn mà trong một lời ca Nam
Ai: “Sang ngang một chuyến thu chiều mang nhiều kỷ niệm. Người
đối diện là ai một đóa xinh tươi. Dòng Hương thủy nao nao. Bắn xa
thuyền chốc đã kề nhau, chừ bốn mắt tương giao.” Đó cũng là
Huế mây của Trần Huyền Ân “Tôi nghe xa lắm màu mây bạc- Rời
bóng kinh thành lửng thửng đi.” Cũng là Huế trăng của Thúc
Tề: “Lai láng niềm trăng tuôn dạ nước- Ngập tràn sông trắng
gợn bâng khuâng.” Cũng là Huế nhà vườn của Hàn Mặc Tử: “Sao
anh không về chơi thôn Vĩ- Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên- Vườn
ai mướt quá xanh như ngọc- Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Tôi mở chai rượu thuốc Minh Mạng, lật vội tờ báo Lao Động, nhằm
ngay mục Sách-Văn hóa đọc. Nghĩ mãi mới nhớ xưa người ta gọi là
mục điểm sách. Thời buổi có khác. Cẩn thận thế có lẽ bởi nhiều thứ
sách không có văn hóa hoặc nhiều thứ được đọc nhưng không phải là
sách. Xếp lại. Như vậy chắc cũng có mục Truyền thanh-Văn hóa nghe
hoặc Truyền Hình- Văn hóa nghe, đọc và nhìn.
Tôi lại đốt thuốc, ra đứng ngoài lối đi, ngó mông. Mờ mờ, làng
mạc và những con người theo trâu dầm mưa. Những bóng người lầm lũi
sau những hàng mộ cổ trông dật dờ như những âm binh. Người phục
vụ mang cơm trưa đến toa. Anh ta lom lom nhìn tôi từ đầu đến chân.
Đi ngang qua. Lại quay lại nhìn. Tôi ngạc nhiên, nghĩ anh ta có
điều chi muốn hỏi. Không, anh ta chỉ nhìn. Hoặc dò xét.
Tàu chui vào đường hầm, hàng chữ chạy trên bảng điện bật sáng:
Tuyến đường Bắc Nam, công trình phát huy nội lực của ngành hỏa xa
Việt Nam. Tàu chậm, được cái chỉ ngừng ở ga xép đôi phút, vừa đủ
thời gian để vài phụ nữ dọc đường ray nhảy tàu, gom vỏ lon nước
ngọt hay bao ny lông. Cho nồi gạo ngày mai!
Năm
So với cố đô, Sài gòn không kém về những hoạt động văn hóa. Nhan
nhản những trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, tụ điểm văn hóa, khu
phố văn hóa, phường văn hóa, khóm văn hóa. Nghe có buổi hội thảo
Những khuynh hướng mới trong thi ca hiện đại của Hội Các Nhà Thơ
Trẻ ở Nhà Văn Hóa Thành Phố, tò mò, chúng tôi đến xem. Dọc con đường
Duy Tân một thuở cây dài bóng mát, những hàng biểu ngữ to tướng,
chói lọi: “Toàn Đảng Toàn Dân Đoàn Kết Quyết Tâm Bảo Vệ Và Duy Trì
Bản Sắc Văn Hóa Đậm Đà Của Dân Tộc”, “Cương Quyết Tiết Kiệm Để Góp
Sức Xây Dựng Cho Thành Phố Một Nếp Sống Văn Minh Và Lành Mạnh”.
Nhưng số 4 Duy Tân không phải là Nhà Văn Hóa như người Sài Gòn thường
gọi. Nó được gắn biển đồng to tướng: Trung Tâm Đấu Tranh Công
Khai Của Tuổi Trẻ Thành Phố Thời Đánh Mỹ. Buồn lòng vì hải
ngoại ít chữ hơn trong nước.
Vào hội trường giữa buổi, chỉ kịp nghe loáng thoáng vài lời tranh
biện và sau đó là kết luận gọn gàng của một nhà thơ trẻ điều phối
buổi hội thảo. “Vì sự phức tạp và nhạy cảm của vấn đề, xin gác
đề tài này sang một bên để các tác giả có thể lên diễn đàn trình
bày thơ mình hoặc kể chuyện hay trình bày nhạc phẩm nào tùy ý”.
Hội trường tuy không ồn ào lắm, như một đám cưới nhà hàng, tuy nhiên
âm thanh dở hơn và nóng quá nên tôi không còn cách nào khác hơn
là tin tưởng rằng những gì mà các tác giả trình bày đúng là thơ.
Lại nhớ những buổi hội thảo trong trại tù cải tạo, tù nhân được
tự do phát biểu mọi vấn đề, miễn theo đúng yêu cầu của trên.
Lại nhớ bây giờ là mùa họp của quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam với những phát biểu của các đại biểu hoàn toàn nhất
trí với báo cáo của Hội Đồng Bộ Trưởng và đề nghị, thỉnh nguyện
rằng Buổi tối mưa dầm, nằm xem TV mòn mắt, thấy rõ công trình phát
huy nội lực của ngành văn hóa. Lật trang Văn Hóa, tờ Thừa Thiên
Huế sót lại trong va li, đúng ngay bài bình thơ Hồ Chủ Tịch về tuổi
già. Hẳn nhiên bình rằng những bài thơ tuổi già này có văn hóa hơn
những bài thơ thời trai trẻ.
Thành phố quê tôi cách Sài Gòn 70 cây số, cũng không kém phần văn
hóa. Nhưng chỉ mới được xếp hạng là thành phố văn hóa cấp hai. À,
như vậy còn phải phấn đấu nữa để đạt danh hiệu cấp một.
Có thể cũng có danh hiệu văn hóa cấp kiện tướng. Về đến nhà đứa
em, tôi biết thêm là cũng có danh vị gia đình văn hóa. Nhìn tấm
bằng Gia Đình Văn Hóa được treo cẩn thận trên tường, sát bên kệ
sách riêng của tôi mấy mươi năm về trước, tôi hỏi. Nó đáp: “Bởi
gia đình em ba năm nay không có bày nhậu nhẹt, không cãi cọ đánh
đập nhau.” Rồi nó cười, tiếp: “Hoặc có mà thiên hạ không hay biết
hoặc có biết nhưng đã đến lượt nhà mình nhận bằng khen.”
Tôi chợt hiểu bây giờ trong nước tôi, có văn hóa không khó gì.
Tội cho một số học giả bên ngoài, có lần tôi nghe tranh luận chí
chát thế nào là văn hóa và thế nào là người có văn hóa.
Sáu
Văn hoá. Tôi cũng chợt hiểu vì sao sông Hương một thời xanh trong
mà bây giờ ngàu đục. Tôi hiểu vì sao tôi hỏng một đêm Ca Huế. Tôi
hiểu vì sao thành quách, đền đài, lăng tẩm, chùa chiền hoang phế.
Tôi hiểu vì sao tôi dửng dưng rời Huế. Lúc thả đèn dưới dạ cầu Trường
Tiền, tôi không gởi sông Hương lời ước nguyện sẽ trở về thăm lại
Huế.
Nghĩ tức cười, tôi ví mình như đứa bé đi tìm lá diêu bông trong
một bài thơ cũ. Khi tôi về được với Huế thì Huế đã thuộc về ai.
Huế bây giờ lại già lão. Tóc bạc. Da mồi. Răng khuyết.
Nên, tha thứ cho tôi, mặc dù lỗi không ở tôi. Hẳn nhiên lỗi cũng
không là ở Huế. Hãy tha thứ cho tôi nếu tôi không viết nổi cho Huế
một dòng thơ.
Sen đã tàn trong đại nội.
Nguyên Nhi
|