Trương Thanh Diễm Thùy
Ngày đầu năm của năm Ất Dậu 2005 nếu tính theo âm lịch, tức là
năm ta nhằm ngày mùng 9 tháng 2 năm 2005 dương lịch.
Một chu kỳ (60 năm) trước là năm Ất Dậu 1945, năm ấy có nhiều biến
cố trọng đại trong nước ta, đáng kể nhất là:
Ngày mùng 9 tháng 3 năm 1945 là ngày Nhật làm cuộc đảo chính chống
Pháp. Chỉ trong vòng một đêm, phát-xít Nhật đã lật đổ chính quyền
của thực dân Pháp mà họ đã xây dựng gần 80 năm nền đô hộ Việt Nam
ta. Sau khi, toàn thể quân đội Pháp từ Bắc đến Nam đã đầu hàng quân
Nhật, Nhật Hoàng đã cho phép vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập
và Hoàng Đế Bảo Đại đã cử ông Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng Chính
Phủ lập nên chính phủ Việt Nam độc lập. Chính phủ của Trần Trọng
Kim đã quyết định toàn thể các cấp từ Trung Học đến Đại Học giảng
dạy bằng tiếng Việt và lúc đó ta dùng danh từ Khoa Học của Hoàng
Xuân Hãn để dịch sang tiếng Việt cho tất cả các tài liệu Khoa Học
từ ngôn ngữ Pháp.
Từ đó cho đến ngày nay, nước Việt vẫn dùng tiếng Việt trong việc
giáo dục, thông tin kể cả thời kỳ chính phủ quốc gia của Quốc Trưởng
Bảo Đại, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, chính phủ Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa miền Bắc hay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa sau
năm 1975 cho tới nay.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945 là ngày Cách Mạng tháng 8 xảy ra tại miền
Bắc Việt Nam.
Cũng trong năm nay, dân miền Bắc bị chết đói gần 2 triệu người
nguyên do là lương thực từ trong Nam không chuyển được ra Bắc vì
thực dân Pháp và phát-xít Nhật đã tịch thu hết số gạo cung ứng cho
nhu cầu chiến tranh của họ. Ngoài ra, ở miền Bắc quân đội Nhật đã
bắt một số ruộng phải trồng đay để làm thuốc súng khi tác dụng với
Acid Nitric (HNO3). Chất nổ này thường gọi là bông thuốc súng có
tác dụng để làm thuốc nổ phục vụ chiến trường cho quân đội Nhật.
Hai chu kỳ (120 năm) trước đó cũng là năm Ất Dậu (năm 1885), giặc
Pháp lúc đó đàn áp vua Hàm Nghi nên Tôn Thất Thuyết đã mở trận tấn
công vào quân Pháp nhưng vì khí giới của ta lúc đó gồm toàn gươm
giáo và súng hỏa mai (phải châm ngòi lửa mới bắn được vừa chậm vừa
yếu) không được tối tân như khí giới của quân Pháp (nòng súng có
xẻ rãnh gọi là “đường khương tuyến” vừa đi xa hơn và vừa chính xác)
nên quân ta thua chạy. Thực dân Pháp nhân cơ hội chẳng những đánh
đuổi quân ta mà còn tàn sát 6000 đồng bào tại Huế cho nên vẫn có
ngày lễ giỗ chung cho 6000 nạn nhân đó.
Tôn Thất Thuyết phải dời vua ra khỏi kinh thành rồi vua Hàm Nghi
ra hịch Cần Vương kêu gọi các trí thức tuyển mộ quân lính giúp nhà
vua chống giặc Pháp tức là biến chiến tranh giữa nhà vua và quân
Pháp thành một chiến tranh nhân dân.
Nhắc lại là cũng trong năm này, chính phủ Tàu ký Hiệp ước Thiên
Tân với Pháp ngày 27 tháng 4 năm Ất Dậu, Tàu đã nhượng bộ để Việt
Nam hoàn toàn cho Pháp đô hộ và cam kết không còn giúp Việt Nam
chống lại Pháp nữa. Tàu cũng đã được Pháp yêu cầu vẽ lại “Biên giới
chính thức Việt-Hoa”, phân chia lãnh thổ trên đất liền và trên biển
và nếu so với hiệp định mới đây giữa Việt Nam và Trung Quốc thì
lãnh thổ của ta dưới thời Pháp bảo hộ lớn hơn bây giờ khoảng 11000
km2. (Tổng số diện tích cũ 330000 km2).
Ở nước ta, gà đầu tiên sống trong rừng rồi được thuần hóa và nuôi
ở trong nhà mà ta gọi là gia cầm. Gà nuôi để ăn thịt, làm cảnh,
đánh thức bác nông dân ra đồng làm việc hoặc được dùng để đá (chọi),
còn lông gà dùng để bó thành chổi lông gà rất tiện lợi trong việc
quét bụi bặm trên bàn thờ, tủ, bàn ghế và ván. Loại gà chọi đặc
biệt này gọi là gà nòi. Con cồ (trống) chuyên đánh nhau có ít lông,
mặt cổ màu đỏ, cao, và khỏe được người đá gà nuôi và huấn luyện
kỹ càng để đá (chọi) . Mặc dầu nhiều nơi đã cấm nhưng một số người
“ghiền coi đá gà” hoặc “cờ bạc” vẫn lén lút cho đua chọi. Hiện nay
tuy luật cấm gà đá để ăn tiền nhưng trong những dịp Tết hoặc đình
đám thì vẫn còn đá để cho nhiều đồng bào coi đông đảo.
Trong rừng hiện nay, hầu như không còn gà rừng nữa vì dân ta đã
săn bắn quá tích cực. Tuy nhiên ở nhiều nơi trên thế giới, gà vẫn
được luật bảo vệ trong thiên nhiên và có chính sách không hoàn toàn
tiêu diệt nhưng cũng giới hạn để cho chúng có đủ lương thực mà sống,
thí dụ:
Ở Mỹ, việc săn gà có mùa và giới hạn, tùy theo luật của từng tiểu
bang, chẳng hạn mỗi người không được săn quá 10 con, và thời hạn
săn không quá một tuần.
Ở nước ta, gà thường có da vàng và lại có tục làm cho con gà rất
lớn gọi là gà cồ (trống) thiến. Ngoài ra, ta cũng có gà nhập cảng
từ Âu Châu mà ta gọi là gà Tây nhưng gà Tây nuôi ở Việt Nam không
được lớn như gà ở bên Mỹ.
Ngoài gà ra, Việt Nam cũng bắt đầu nuôi đà điểu nặng trên 50 kí
mỗi con, thịt rất nạc và rất tốt cho những người kiêng mỡ.
Trước kia, gà bị bệnh cúm ta thường gọi là gà rủ (rù) không lây
sang người nhưng ngày nay vi trùng cúm gà tấn công sang người, tỷ
lệ chết rất cao đã từng xảy ra tại các nước Á Châu như Thái Lan,
Việt Nam và Trung Hoa vào các năm 2003 và 2004. Người chết vì bị
bệnh cúm gà, thường xảy ra tại những nơi nuôi gà. Hiện nay trên
thế giới, thuốc ngừa cúm gà đang cố gắng phát triển nhưng vẫn chưa
có mặt trên thị trường. Dịp Tết năm ngoái, dường như không ai còn
cúng gia tiên bằng gà nữa nhưng năm nay hy vọng bệnh cúm gà đã qua
và chúng ta lại có thể ăn thịt gà, một món độc đáo không thể nào
thiếu trong các dịp Tết của ta.
Các Món Ăn Đặc Sản ở Việt Nam Dùng
Thịt Gà:
Việc dùng thịt gà để chế biến các món ăn, ta có rất nhiều món ngon
hảo hạng được liệt kê như sau:
Miến gà, cháo gà, gà xé phay, gà tiềm, phở gà, cánh gà chiên, gà
hấp rượu, cơm gà, gà chiên, cơm gà Hải Nam, gà hấp muối, gà luộc,
gà nấu bia, gà nấu rượu chát, gà nướng chao, gà nướng lá chanh,
gà quay, gà ram mặn gừng, gà rô ti, gà rút xương, gà sốt chua ngọt,
gà quay Mông Cổ, gà xào tiêu đen, gà sốt tỏi ớt, gà chiên sốt chanh,
gà xào hạt điều, gà xào sả ớt, gà cari, gà nấu mỹ vị, gà sa tế sốt
lạc, trứng gà oeuf plat hay omelette, cháo gà, gà nướng hạt dẻ,
…. Ở Mỹ có món Hot Spicy Chicken do các nhà hàng Việt Nam đảm trách
nấu hấp dẫn cả người Việt lẫn Mỹ đều ưa thích.
Cà-ri gà:
Ta du nhập món cà-ri từ Ấn Độ làm thành gà cà-ri ăn với bánh mì
và đồng bào miền Trung ta không quên bỏ thêm ớt thì nó mới nổi vị
đặc thù cà ri cay.
Gà chiên:
Món gà chiên và nướng cũng là những món đặc sản của đồng bào miền
Nam trong lúc cùng bạn bè ăn uống.
Gà tiềm (tần):
Ở miền Bắc hay dùng món gà tần (trong Nam gọi là gà tiềm) tức gà
đun rất lâu trong nồi và ở trong bụng gà thường người nấu bỏ thêm
một ít hột sen, nấm đông cô và đậu xanh tán bột. Ấy là chưa kể món
gà ri (gà ác) tần, gà ác là loại gà da đen, người ta tin rằng gà
tiềm rất bổ dưỡng thường được dùng để tẩm bổ cho các bà mẹ cần nuôi
con.
Gà xé phay:
Gà xé phay bóp với rau răm, bắp cải cắt nhỏ cũng là món mà đồng
bào miền Nam ưa thích trong những lúc bạn bè sum họp, chén chú chén
anh.
Miến gà:
Miến gà cũng là một đặc sản của đồng bào miền Bắc ưa dùng, nhất
là vào mùa rét.
Phở gà:
Ta cũng không quên món phở gà hiện nay đang tràn ngập đường Hiền
Vương, Sài Gòn và đường Bolsa, California.
Bún thang:
Đây là món đặc biệt không thể thiếu. Món ăn gồm có nước lèo, thịt
gà xé nhỏ cùng với rau thơm, trứng chiên và chả (giò) lụa cắt nhỏ,
ăn với cà cuống.
Ngoài ra, gà cồ (trống) thiến cũng là món ưa chuộng của đồng bào
miền Bắc vì loại gà này rất lớn gấp đôi ba lần gà thường và thịt
rất ngon.
Để sửa soạn cúng giao thừa trong ngày 30 Tết, dân ta có gà luộc
và miệng con gà thường có gắn (cài) một bông hoa để tô điểm. Tục
lệ này đã có từ lâu đời nhưng không ngoài mục đích nhớ đến tổ tiên,
ông bà trong những ngày quan trọng và nhờ các cụ mới có ta ngày
nay.
Ở Mỹ, các tiệm thực phẩm lớn có bày bán loại gà nhỏ (Cornish Game
Hen) tức là loại gà lai giống hay dùng để chiên, hoặc nấu miến,
thịt rất mềm và hảo hạng.
Trong những chuyến bay của hàng không Hồng Kông, món cơm gà Hải
Nam thường được thết đãi hành khách du lịch đường dài.
Đọc truyện của Kim Dung, có thấy Kim Dung có món gà đắp đất sét
được nung tới chín. Hồng Thất Công, Bang chủ Cái bang ưa thích món
này nên đã truyền cho Hoàng Dung Môn Đã Cẩu Bổng là môn võ chỉ có
Bang chủ mới được học được tiếp thu mở đầu cho việc Hoàng Dung thành
Bang chủ Cái bang về sau vì nhờ ơn Hoàng Dung đã chế biến ra món
ăn rất đặc sắc này.
Ở Mỹ trước kia vào cuối tháng 11 dương lịch, trong lúc Trời giá
rét, một số người sang nước này lập nghiệp, chưa có kinh nghiệm
tích trữ đồ ăn để thỏa mãn nhu cầu lương thực trong những lúc không
sản xuất được. Những ngày này, tuyết thường bao phủ trắng xóa cánh
đồng thuộc những vùng Trung Tây nước Mỹ (MidWest). Một số dân gần
chết đói nhưng may mắn thay có một đàn gà Tây ở trong rừng xông
ra kiếm mồi, các người lập nghiệp bèn bẫy bắt làm thịt và nướng
ăn. Hàng năm vào dịp này, dân chúng Mỹ nướng gà Tây để tỏ lòng nhớ
ơn Thượng đế đã kịp thời cấp lương thực tới chỗ các đồng bào di
dân khốn khổ đó nên có lễ Tạ Ơn (Thanksgiving).
Ngoài món gà Chicken McNugget ở nhà hàng McDonalds do sáng kiến
của giám đốc Fred Turner năm 1979, Mỹ cũng có thêm món đặc sản,
đó là món gà chiên (rán) độc quyền của Công Ty Liên Doanh KFC (Kentucky
Fried Chicken), với các món ăn phụ khác như khoai lang Tây nghiền,
bắp cải trộn, bánh mì tròn mềm, ngon hảo hạng. Món này rất thịnh
hành và đang lan tràn trên toàn thế giới kể cả Trung Quốc lẫn Sài
Gòn.
Năm ngoái có dịch cúm gà, toàn thể gà đủ loại bị cấm trong thị
trường thực phẩm Việt Nam. Tại Sài Gòn, các hãng gà chiên (Công
ty Liên doanh KFC) thay thế món gà bằng món cá nướng (Fish and Chip)
hay cá chiên độc đáo làm nhiều đồng bào ta tại Sài Gòn đã tận tình
chiếu cố món cá chiên thay cho món gà chiên lúc đó. Việc này xảy
ra lúc bị cúm gà trầm trọng nên chính quyền ra lệnh cấm buôn bán
gà. Sáng kiến rất đặc biệt của người Mỹ đã đáp ứng được sự việc
này chưa từng xảy ra từ thời thượng cổ đến giờ.
Ở Mỹ còn có chả lụa gà ta lẫn Tây được xắt mỏng bỏ bịch, bày bán
ở các chợ rất tiện dùng cho công nhân thích kẹp xăng-quít (sandwich)
ăn trưa, ngoài ra còn có món gà hun khói (smoke), ăn lạ miệng và
ngon, tuy nhiên đặc sản này chưa có tại Việt Nam ta.
Sức Khỏe Liên Quan Đến Gà
Bệnh mồng gà:
Bệnh mắc phải sau khi giao du với “chị em ta” đã nhuốm bệnh hoa
liễu.
Bệnh ho gà:
Bệnh hay lây lan cho các trẻ em, ho từng cơn và có tiếng rít.
Bệnh đậu mùa hay Chicken Pox:
Nếu nhuốm bệnh mà không được chăm sóc cẩn thận, mặt của bệnh nhân
sẽ bị các vết rỗ . Do đó các em bé ở Mỹ đều được quan tâm chích
ngừa chicken pox.
Bệnh quáng gà.
Chỉ những người mắt kém, nhìn không rõ.
Bệnh gà toi:
Do giống vi khuẩn Newscatle gây ra gà ủ rũ và lây cho cả bầy đều
bệnh. Do đó, nếu ta thấy gà đứng buồn không ăn là nên làm thịt ngay.
Cúm gà:
Bệnh cúm gà do vi khuẩn (virus) H5N1 năm ngoái đã làm thiệt mạng
nhiều người ở Việt Nam và Thái Lan.
Bệnh cúm:
Những người có bệnh cúm nhưng không phải là cúm gà, Bác Sĩ Mỹ thường
khuyến cáo ăn súp gà để chống cúm.
Gà dùng để chữa bệnh:
Nhiều người thấy con gà khi bị què chân thì rất mau lành cho nên
lại còn dùng xương gà (Chó liền da, gà liền xương) trong việc bó
các vết thương bị gẫy chân do các thầy thuốc Bắc hay dùng.
Trứng gà:
Trứng gà được sắp trong hộp có số lượng 1 tá (12 quả) bày bán đầy
dẫy trong các tiệm thực phẩm tại Mỹ. Thông thường, các tiệm thực
phẩm lớn phát không 1 hộp hay 1 tá trứng cho những khách hàng của
họ có phiếu quảng cáo được cắt ra từ các báo Chủ Nhật hoặc mua hàng
có tiền trả trên một số tiền đã ấn định. Ở Việt Nam, từ xưa giá
trứng gà mắc mỏ so với trứng vịt nên trứng gà được xem như một món
ăn xa xí phẩm cho những gia đình nghèo, đầu tắt mặt tối, chân tay
cuốc bẫm. Trái lại, ở bên Mỹ trứng vịt rất khó tìm nhưng trứng gà
thì nhiều không sao kể xiết và rẻ không gì bằng đến nỗi nhiều người
chỉ ăn tròng trắng vứt bỏ tròng đỏ và lại ăn giới hạn vì lý do sức
khỏe.
Trứng gà trong các tiệm thực phẩm được phân loại ra thành:
- 4 cỡ: trung bình (medium), bự (large), bự hơn (extra large), bự
nhất (jumbo)
- 2 hạng: hạng A và AA (tương đối tươi tốt hơn hạng A)
- 3 màu: nâu, trắng, xanh. Màu nâu và xanh rất hiếm vì thế mắc tiền
hơn, ngon béo và bổ hơn.
- 2 loại: một dành cho người kiêng cữ ăn (organic), vì thế mắc tiền
hơn loại kia.
Người có Cholesterol cao được khuyến cáo không nên ăn quá 2 quả
trong một tuần vì trứng gà loại bự chứa khoảng 213 mg chất béo.
Ngày nay, khoa học đã phát hiện ăn trứng sống sẽ làm cho cơ thể
sinh ra các chứng bệnh khác vì chất Avidine trong tròng trắng của
trứng sống khi vào cơ thể con người, sẽ làm Vitamin H (Biotin) mất
hoạt tính.
Ca Dao,Tục Ngữ Có Liên Hệ Đến Gà:
Nói đến từ gà, ta không sao kể xiết những từ, ca dao tục ngữ trong
dân gian có liên quan đến gà như:
gà, gà ác, gà chọi, gà con, gà cồ, gà đá, gà đồng, gà gật, gà giò,
gà lôi, gà mái, gà mờ, gà nòi, gà nước, gà phi, gà ri, gà rừng,
gà sống, gà ta, gà tây, gà thiến, gà tồ, gà tơ, gà tre, gà trống
…..
Tục ngữ ta có câu:
Con gà tục tác lá chanh: Gà luộc, thịt phải thêm
lá chanh cắt nhỏ thì thịt gà luộc mới thơm ngon.
Gà mái đá gà cồ: Câu này tượng trưng cho đàn bà
bắt nạt chồng.
Ngủ gà ngủ gật: Ngủ ngồi như gà khi không định
ngủ, gật đầu lên gật đầu xuống.
Bông mồng gà: Loại bông giồng như cái mào gà
Canh gà: Gà gáy gần sáng
Chó ăn đá, gà ăn sỏi (muối): vùng kinh tế khó khăn
đến nỗi chó phải kiếm đồ ăn thừa trong những đống đá còn gà phải
tìm những hạt gạo trong đống sỏi.
Chổi lông gà: Chổi làm bằng lông gà có cán làm
bằng cây mây dùng để quét bụi trên bàn, ván.
Chủ quán vắng nhà, gà cồ mọc đuôi tôm: chủ vắng
nhà thì những người làm lộng hành.
Đường ổ gà: Đường lồi lõm, gập ghềnh
Gà cồ: gà trống
Ho gà: Ho từng cơn, có tiếng rít
Màu mỡ gà: Màu giống như màu mỡ gà.
Mặt sau cánh gà: Bên đằng sau sân khấu
Nổi da gà: Nổi hột trên da như da gà, ý nói sợ sệt, âu lo.
Trông gà hóa cuốc: mắt kém trông con gà mà tưởng
là con cuốc
Mèo mả gà đồng: Mèo hoang sống ở mồ mả, gà hoang
sống ở ngoài đồng, người ta thường dùng để ví những hạng người lông
bông, giang hồ, các kẻ không đứng đắn làm những việc dâm ô như súc
vật.
Chó cậy gần nhà, gà cậy cần chuồng: Những người
ở gần nhà mình thì đi bắt nạt kẻ khác ở xa đến.
Gà nhà đá nhau: Anh em hông nên anh em trong nhà
thì nhường nhịn lẫn nhau
Gà chết: Kẻ bất tài vô tướng
Gà mờ: Những kẻ thiển cận không có óc nhìn xa
Gà con mất mẹ: Bơ vơ, lạc loài.
Tóc đuôi gà: tóc kiểu cổ buộc đuôi tóc túm phía
sau như đuôi con gà.
Gà đẻ trứng vàng: Câu chuyện của An Nam ta, ngụ
ý khuyên ta không nên tham lam. Bút sa, gà chết: Ám chỉ cho các
quan quyền tham nhũng.
Hóc xương gà, sa cành khế: Bị hóc xương gà có thể
nguy hiểm đến tính mạng
Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
Canh khuya gà gáy ó o
Quân tử thức dậy còn mò đi đâu ?
Chị kia bới tóc đuôi gà
Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu ?
Nhà tui ở dưới đám dâu
Ở trên đám đậu đầu cầu ngó qua
Có duyên lấy được chồng già
Ăn xôi bỏ cháy, ăn gà bỏ xương
Gà đẻ, gà cục tác
Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua
Gà trắng chân chì, mua chi giống ấy
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân
Gà què ăn quẩn cối xay
Ăn đi, ăn lại cối tày một bên
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
Gió đưa tàu chuối la đà
Tiếng chuông Xá Lợi, canh gà Thủ Thiêm
Khách đến nhà, chẳng gà cũng vịt
Măng non nấu với gà đồng
Chơi nhau một trận, xem chồng về ai
Mẹ gà con vịt chắt chiu
Mấy đời dì ghẻ mà yêu con chồng
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương ăn nói dịu hiền dễ nghẹ..
Ông nói gà, bà nói vịt
Ông bảo làm thịt, bà bảo để nuôi
Hỏi một đàng trả lời một nẻo
Phượng hoàng ở chốn cheo leo
Sa cơ lỡ vận phải theo đàn gà
Bao giờ gió thuận mưa hòa
Thay lông đổi cánh lại ra phượng hoàng
Địa Danh:
Thậm chí những địa danh cũng có tên đặt dùng chữ “Gà” như: Xóm Gà
(Gia Định), Kênh Gà, Trống Mái (Cặp Gà) - Vịnh Hạ Long -Hòn Gà Chọi
Mẹo vặt có liên quan đến gà:
Muốn lột chân gà dễ dàng và sạch, ta nên trụng vào nước sôi, sau
đó nhúng chân gà vào nước lạnh.
Muốn làm bóng bàn ghế bọc da, ta nặn vài giọt chanh vào lòng trắng
trứng gà, trộn đều, xong lấy giẻ thấm vào đánh bóng lên mặt da.
Âm Nhạc:
Ngay cả trong âm nhạc, lưỡi gà cũng thường được dùng, gắn vào nhạc
cụ để thổi chẳng hạn kèn Clarinet, kèn môi, khèn, sáo... tạo ra
tiếng tong trẻo
|