Cổ sử nước Việt được viết lại do các sử gia có nhiều ảnh hưởng
Nho học-các Nho gia- người đàn ông luôn là những nhân vật chính
trong các biến cố lịch sử, người đàn bà thường bị lãng quên , dù
biết rằng địa vị và vai trò của họ đã góp phần rất lớn trong những
hoàn cảnh lịch sử. Nếu người đàn bà có công trạng to lớn với đất
nước như Hai Bà Trưng, thì cũng chỉ được nói tới một cách sơ sài,
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là bộ chính sử của Việt Nam, dù có viết
về “Kỷ Trưng Nữ Vương” thì cũng chỉ được một trang giấy, trong khi
“Kỷ nhà Triệu” (không được coi là “kỷ” của người Việt bởi các sử
gia cận đại) trên 10 trang (khổ 8x11). Hoặc nếu họ góp phần làm
lịch sử, nhưng có những hành động khác với quan niệm của Nho gia,
thì bị phán đoán một cách gắt gao như trường hợp thái hậu Dương
Vân Nga. Khi Nho giáo chưa thấm nhuần đến dân Việt, thì người Việt
có những tập quán và phong tục riêng. Nếu lấy quan niệm của Nho
gia để phán đoán một quá khứ của những người không cùng quan niệm
thì e rằng có sự khe khắt. Sự phán đoán này được truyền từ đời nọ
sang đời kia và cái nhìn về lịch sử sẽ bị sai lạc. Thời đại ngày
hôm nay đã có nhận thức khác với những quan điểm trên, chúng ta
nên nghĩ lại những lời định công và luận tội của các sử gia, đồng
thời là những Nho gia với tư tưởng phong kiến “tam cương ngũ thường”
của một thời quá khứ, đặc biệt là những phê bình về cách hành xử
của tiền nhân trước khi quyển sử đầu tiên của nước Việt được viết
. Với quan niệm hiện tại, hy vọng chúng ta sẽ có cái nhìn trung
thực hơn về những biến cố, nhân vật cũng như hoàn cảnh đã tạo nên
lịch sử.
Để thử tìm hiểu sơ qua về việc lập hoàng hậu của nước Việt từ khi
độc lập sau Bắc thuộc tới cuối đời nhà Lý, trước hết, người viết
xin dựa theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư để liệt kê các hoàng hậu được
phong theo từng đời vua, hầu có một cái nhìn khái quát:
Tiền Ngô Vương (Ngô Quyền, 898-944, thọ 47 tuổi, làm vua 6 năm):
1 hoàng hậu : Họ Dương, con của Dương Diên Nghệ
Tiên Hoàng đế (Đinh Bộ Lĩnh, 924-979, thọ 56 tuổi, làm vua 12
năm):
5 hoàng hậu : Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Cồ Quốc, Ca Ông.
Đại Hành hoàng đế (Lê Hoàn, 941-1005, thọ 65 tuổi, làm vua 24
năm):
5 Hoàng hậu: Đại Thắng Minh(Dương Vân Nga), Phụng Càn Chí Lý,
Thuận Thánh Minh Đạo, Trịnh Quốc, Phạm hoàng hậu
Lê Ngọa Triều (Long Đĩnh, 986-1009, 24 tuổi (986-1009), làm vua
4 năm:
4 hoàng hậu
Thái Tổ hoàng đế (Lý Công Uẩn, 974-1028, thọ 55 tuổi, làm vua
18 năm:
3* hoàng hậu:Tá Quốc, Lập Nguyên, Lập Giáo (*có đoạn ĐVSKTT
nói là 6 hoàng hậu)
Lý Thái Tông (Lý Phật Mã , 1000-1054, thọ 55 tuổi, làm vua 27
năm):
7 hoàng hậu: Mai hoàng hậu (con Mai Hựu), Vương hoàng hậu (con
Vương Đỗ), Đinh hoàng hậu (con Đinh Ngô Thượng), Thiên Cảm hoàng
hậu- ĐVSKTT chỉ ghi lại họ 4 bà.
Lý Thánh Tông (Lý Nhật Tôn: 1023-1072, thọ 50 tuổi, làm vua 17
năm:
1 hoàng hậu: Dương hoàng hậu.
Lý Nhân Tông (Lý Càn Đức , 1066-1127, thọ 62 tuổi, làm vua 56
năm):
3 hoàng hậu: Lan Anh, Khâm Thiên, Chấn Bảo
Lý Thần Tông (Lý Dương Hoán, 1116-1138, thọ 23 tuổi, làm vua 11
năm):
1 hoàng hậu: Lệ Thiên hoàng hậu (con gái của Lý Sơn)
Lý Anh Tông (Lý Thiên Tộ, 1136-1175, thọ 40 tuổi, làm vua 37
năm):
1 hoàng hậu: hoàng hậu họ Đỗ (Đỗ Thụy Châu)
Lý Cao Tông ( Lý Long Trát, 1173- 1210, thọ 38 tuổi, làm vua
35 năm):
1 hoàng hậu: An Toàn Hoàng hậu (họ Đàm)
Lý Huệ Tông ( Lý Sảm, 1194-1226, thọ 33 tuổi, làm vua 14 năm)
1 hoàng hậu: Thuận Trinh hoàng hậu (Trần Thị Dung)
Lý Chiêu Hoàng (Lý Phật Kim,1218-1278, thọ 61 tuổi, làm vua 2
năm rồi nhà Trần lên làm vua)
Theo như liệt kê bên trên, từ khi nước Việt bắt đầu có độc lập,
Ngô Tiên Chúa (Ngô Quyền) chỉ lập một bà hoàng hậu. Tuy nhiên sau
đó khoảng một trăm năm, từ Đinh Tiên Hoàng lên ngôi đến giữa đời
Lý, vua nào cũng lập nhiều hoàng hậu. Rồi từ Lý Thần Tông qua đến
đời Trần, thường chỉ một hoàng hậu được phong. Vua hay hoàng đế
nào cũng có hậu, phi, tần bên cạnh, nhưng tại sao lại có việc vua
này phong nhiều hoàng hậu, ông kia chỉ phong có một bà. Để tìm hiểu
vấn đề, chúng ta hãy thử nhìn qua quan niệm của dân Việt trong thời
đại mới độc lập này.
Lịch sử Trung Quốc, từ thời Đông Chu, các vua thường chỉ có một
hoàng hậu duy nhất được phong (đây là sự hiểu biết hạn hẹp của người
viết về Bắc sử), dù là hậu cung nào cũng có phi, tần đến hàng trăm
người.
Trên một ngàn năm đô hộ, sự truyền bá văn hóa Trung Hoa vào đất
Việt đã được phổ biến với mục đích đồng hóa người việt. Nhâm Diên
(110 TCN, Thái Thú Cửu Chân), Tích Quang (110 TCN, Thái Thú Giao
Chỉ), Mã Viện (43), Sĩ Nhiếp (187), Cao Biền (865) đến Triệu Xương
(791, đời Đường) cũng như các Thái Thú và Thứ Sử khác đã thi hành
triệt để thi hành chính sách đồng hoá này. Tuy nhiên, Nho học cũng
như nền văn hóa này, phần lớn chỉ phổ biến trong những gia đình
thuộc thành phần quan lại, những người trong guồng máy đô hộ và
không thấm nhuần tới người dân. Chữ Nho cứ viết, nhưng ngôn ngữ
của Việt tộc vẫn cứ là tiếng nói chính của dân Việt. Thời kỳ nước
Việt mới dành lại quyền tự chủ, văn hóa của Trung Hoa chưa truyền
bá sâu rộng trong nhân gian- những đơn vị làng xã- Khi có được chủ
quyền, để thiết lập bộ máy hành chánh, các vị vua Việt Nam tổ chức
triều đình theo hình thức phong kiến Trung Hoa. Bắt chước nhiều
hay ít khuôn mẫu này, tùy thuộc vào sự ảnh hưởng văn hóa Tàu trên
người lãnh đạo và các người phụ tá .
Trở lại chuyện phong hoàng hậu của các vua Việt, Ngô Vương Quyền
lập một người duy nhất là bà họ Dương (con Dương Diên Nghệ) làm
hoàng hậu, nhưng Đinh Tiên hoàng người xưng hoàng đế nước Đại Cồ
Việt lại lập tới năm bà.
Nhận xét về Ngô Quyền, ĐVSKTT viết: “Họ Ngô, tên húy là Quyền,
người Đường Lâm , đời đời là nhà quý tộc. Cha là Mân làm chức châu
mục ở bản châu”. Đến đời Ngô Quyền , ông đã từng được Dương
Diên Nghệ (đuổi Lý Khắc Chính về Tàu và đang làm Tiết Độ Sứ) giao
chức trấn thủ Ái Châu. Ông là người văn võ toàn tài, biết nhiều
về văn hoá Trung Hoa nhưng có tinh thần tự chủ. Khi đuổi xong quân
Nam Hán rồi lên làm vua (không xưng Đế), ông dựng một triều đình
rập theo khuôn mẫu của Trung Hoa: “Ngô Vương tổ chức triều nghi
đặt các phẩm tước, định việc phục sắc, chỉnh đốn mọi việc chính
trị quy mô đế vương kể đã đầy đủ” (Việt Sử Tân Biên, quyển
1, Phạm Văn Sơn). Vì vậy ông chỉ lập một hoàng hậu.
Trường hợp của Đinh Tiên Hoàng thì khác, theo ĐVSKTT: “Vua
mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần
trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn
trâu ngoài đồng”. Đinh Bộ Lĩnh là người xuất thân từ dân dã.
Thời gian từ khi ông lớn lên đến lúc lên ngôi hoàng đế (968, 44
tuổi) là nguyên một thời chinh chiến ( loạn sứ quân 22 năm). Văn
hóa Trung Hoa có lẽ không tạo nhiều ảnh hưởng nơi ông cũng như những
phụ tá của ông (trong này có Lê Hoàn, Lê Đại Hành sau này) . Nho
học không thấy được đề cập tới dưới thời nhà Đinh.
Khi lên ngôi, ông tổ chức triều đình theo một mô hình nửa khuôn
mẫu Trung Hoa, nửa theo ý ông và quần thần. Với cao ngạo của Vạn
Thắng Vương, quốc hiệu dưới đời ông là Đại Cồ Việt, nửa Hán nửa
Nôm (nước Việt to lớn, hơn Đại Tống của Triệu Khuông Dẫn một chữ
Đại). Ông lập hoàng hậu theo ý ông, nói theo kiểu nôm na là : “Vợ
cả, vợ năm, năm vợ đều là vợ cả. Hậu trước hậu sau, năm hậu cũng
là hậu cả”. Ông có hơn vua Tống tới bốn bà hậu, ông và triều đình
không muốn bắt chước văn hóa Tàu! Bằng chứng là vấn đề lập Hạng
Lang làm Thế tử . Việc này gây nên hậu quả trầm trọng : con cả Đinh
Liễn đã cho người hành thích em út là Hạng Lang, cảnh nồi da xáo
thịt đau lòng .
ĐVSKTT viết: “Lê Văn Hưu nói: Trời đất cùng che chở, mặt trời
mặt trăng cùng chiếu soi, mới sinh thành muôn vật, nảy nở mọi loài,
cũng như hoàng hậu sánh với ngôi vua, cho nên mới có thể [3b] đứng
đầu tiêu biểu cho nội cung, tác thành cho thiên hạ. Từ xưa chỉ lập
[hoàng hậu] một người để chủ việc nội trị mà thôi, chưa từng nghe
nói lập đến 5 người. Tiên Hoàng không kê cứu cổ học, mà bầy tôi
đương thời lại không có ai biết giúp sửa cho đúng, để đến nổi chìm
đắm trong tình riêng, cùng lập 5 hoàng hậu. Sau đến 2 triều
Lê, Lý cũng phần nhiều bắt chước làm theo, ấy là do Tiên Hoàng khởi
xướng sự rối loạn thứ bậc vậy”.
Việc lập nhiều hoàng hậu là do ý riêng của Đinh Tiên Hoàng cùng
triều đình. Vấn đề này tiếp tục cho đến đời vua Lý Thánh Tông với
một bà hoàng hậu duy nhất họ Dương. Bà này không có con, nhà vua
đến lúc 40 tuổi mới có con trai với Ỷ Lan phu nhân là Thế Tử Càn
Đức.
Nhân Tông Càn Đức lại hiếm muộn, nên lập 3 bà hoàng hậu, ĐVSKTT:
“Ất Mùi, /Hội Tường Đại Khánh/ năm thứ 6 [1115] , (Tống Chính
Hòa năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, phong ba hoàng hậu là Lan
Anh, Khâm Thiên, Chấn Bảo và 36 cung nhân, Bấy giờ vua không có
con trai, cho nên lập nhiều hoàng hậu và cung nhân, làm đàn chay
để cầu tự”. Thế mà nhà vua cũng chẳng có con, nên phải lập
Lý Dương Hoán là con của em mình (Sùng Hiền Hầu) làm Thế Tử.
Trong các hoàng hậu nơi hậu cung của mỗi đời vua, thì ai là “Chính
Cung hoàng hậu”? Sử liệu không đề cập tới, tuy nhiên bà nào có con
làm Thế tử có thể được “coi như” Chính Cung.
Ngô Vương Quyền chỉ có một hoàng hậu duy nhất thì bà này là Chính
Cung, bà là mẹ của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập và Nam Tấn Vương
Ngô Xương Văn.
Đinh Tiên Hoàng có tới 5 bà hoàng hậu (Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu
Quốc, Cồ Quốc, Ca Ông), ba hoàng tử (Đinh Liễn, Đinh Toàn, Đinh
Hạng Lang) và một công chúa (Phật Kim?).
Người viết xin thử tìm hiểu xem ai được “coi như” là chính cung
hoàng hậu, ai là mẹ ruột của các hoàng tử và công chúa. Không thấy
sử liệu nào nói tới xuất xứ của các bà có tên như đã nêu trên. Tuy
nhiên, có hai bà hoàng hậu được sử liệu nhắc tới, đó là mẹ của sứ
quân Ngô Nhật Khánh (Ngô Lãm Công ở Đừng Lâm, nay là Ba Vì tỉnh
Hà Tây) và bà Dương Vân Nga.
Nói về bà mẹ của Ngô Nhật Khánh, Tiên Hoàng lấy bà làm vợ và lập
làm hoàng hậu, rồi cho con là Đinh Liễn lấy con gái của bà này,
đồng thời gả con gái của ông cho Ngô Nhật Khánh. Sự việc xảy ra
có lẽ khi Đinh Tiên Hoàng đánh Đường Lâm (khoảng năm 967).
Xét về vấn đề tuổi tác, theo ĐVSKTT: “Bính Dần, năm thứ 16 [966]….Ngô
Nhật Khánh (xưng là Ngô Lãm Công) chiếm Đường Lâm”, thì sứ
quân Ngô Nhật Khánh có lẽ phải khá lớn tuổi để có thể chiếm cứ và
cai quản một vùng lãnh thổ riêng cho mình, cùng tranh tài với các
sứ quân khác. Người viết phỏng đoán Ngô Nhật Khánh phải trên 20
tuổi, mẹ của ông này khi Tiên Hoàng lập làm hoàng hậu thì bà phải
ít nhất 40 tuổi. Khó tin rằng ông vua lại có thể say mê một người
mẹ của kẻ thù vì sắc đẹp ở tuổi này. Ba cuộc kết hôn như đã diễn
tả ở trên hoàn toàn có tính cách chính trị. Đinh Liễn chỉ là con
rể của bà này, Đinh Toàn (con bà Dương Vân Nga) không phải con của
bà, và Đinh Hạng Lang cũng không phải con của bà (năm 979, Hạng
Lang khoảng 2 tuổi bị giết thì bà hoàng hậu này khoảng 53 tuổi).
Bà này không thể là chính cung hoàng hậu khi con riêng của mình
rạch mặt con gái của Tiên Hoàng.
Bà hoàng hậu thứ hai được sử liệu nói tới là Dương Vân Nga, mẹ
ruột của Vệ Vương Đinh Toàn . Xin để ra một bên “vụ án Dương Vân
Nga và Lê Hoàn”, nếu có cơ hội sẽ xin phép lạm bàn trong một dịp
khác. Xuất xứ cũng như tuổi tác của bà hoàng hậu này không được
sử liệu ghi lại. Chúng ta chỉ biết bà họ Dương, không biết bà về
làm vợ Đinh Tiên Hoàng lúc nào. Đinh Toàn (sinh năm 974), 6 tuổi,
năm 979, khi Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Liễn bị Đỗ Thích ám sát
chết. Lúc này bà Dương Vân Nga có trẻ lắm cũng khoảng 24 tuổi (giả
sử bà sinh Đinh Toàn lúc 18 tuổi). Nếu bà là mẹ của Đinh Liễn thì
bà được “coi như” chính cung trước khi Hạng Lang ra đời. Tuy nhiên,
số tuổi của Đinh Liễn đã gây nên sự ngờ vực.
Theo ĐVSKTT: “Tân Hợi, năm thứ 1 [951]…Bấy giờ người động Hoa
Lư là Đinh Bộ Lĩnh cậy núi khe hiểm cố, không chịu giữ chức phận
làm tôi. Hai vương muốn cất quân đi đánh; Bộ Lĩnh sợ, sai con là
Liễn vào triều làm con tin để ngăn chặn việc xuất quân…”. Tiên
Hoàng sinh năm 924, năm 951 ông 28 tuổi ta. Đinh Liễn vào triều
làm con tin lúc này chắc là phải có chút trí khôn và biết trả lời
những câu hỏi của Thiên Sách Vương và Nam Tấn Vương, thì ít ra cũng
phải tám tuổi, vậy phỏng đoán là Đinh Liễn sinh khoảng 942 (khi
Tiên Hoàng 18 tuổi). Giả sử Bà Dương Vân Nga sinh ra Đinh Liễn (lúc
18 tuổi) thì bà sẽ cùng tuổi với Tiên Hoàng, với số tuổi này thì
bà sinh Đinh Toàn năm 974 lúc 51 tuổi ta, chuyện không thể xảy ra
cho một phụ nữ bình thường. Từ những suy đoán trên, hoàng hậu Dương
Vân Nga không phải là mẹ của Nam Việt Vương Đinh Liễn và dưới mắt
của Tiên Hoàng, mẹ của Đinh Liễn được “coi như” chính cung tới khi
Đinh Hạng Lang ra đời (khoảng 977).
Bà Dương Vân Nga có phải là mẹ của Đinh Hạng Lang hay không? Người
viết phỏng đoán là Hạng Lang được lập làm thái tử vì Tiên Hoàng
sủng ái và nghe lời bà mẹ của chú bé này. Nếu Tiên Hoàng sủng ái
bà Dương Vân Nga thì có lẽ đã lập Đinh Toàn làm thái tử, vì thế
không nghĩ bà là mẹ của Hạng Lang.
Ai là mẹ ruột của Đinh Liễn và ai là mẹ của Hạng Lang vẫn là một
câu hỏi khó trả lời.
Để thử tìm hiểu về việc này, người viết sẽ cố phân tích cũng như
suy đoán với hy vọng may ra có thể tìm ra một vài manh mối.
ĐVSKTT: “Canh Ngọ, Thái Bình năm thứ 1 [970] (Tống Khai Bảo
năm thứ 3): Mùa xuân, tháng giêng, đặt niên hiệu.…. Lập 5 hoàng
hậu (một là Đan Gia, hai là Trinh Minh, ba là Kiểu Quốc, bốn là
Cồ Quốc, năm là Ca Ông).”
Đọc đoạn văn trên của ĐVSKTT, người viết có nhận xét như sau :
- Lập 5 hoàng hậu trong vòng một tháng sau khi đặt niên hiệu.
- Thứ tự tên của các hoàng hậu như: một là…, hai là….
- Sự chuyển từ theo thứ tự (Đan, Trinh, Kiểu, Cồ, Ca và Gia, Minh,
Quốc, Quốc, Ca)
- Sự pha trộn từ ngữ Hán và Nôm (chữ Cồ không có trong Hán tự).
Việc lập 5 hoàng hậu trong một tháng sau khi đặt niên hiệu, chứng
tỏ Tiên Hoàng hiện đang có 5 bà hoàng hậu. Cổ sử được viết theo
lối biên niên, nên thứ tự theo thời gian rất được tôn trọng. Vậy
có thể suy đoán từ trong câu văn trên ra ngôi thứ của từng bà, theo
ngày họ về làm vợ Tiên Hoàng. Tiếp theo đó là việc chuyển từ theo
thứ tự, từ những liên kết này, người viết xin thử suy đoán liều
như sau:
-“Đan” là kết vào nhau, họ Đan, đỏ . “Gia” là nhà , gia đình.
Tiên Hoàng lấy vợ lúc còn khá trẻ (khoảng 17 hay 18 tuổi) khi còn
hàn vi. Đan Gia ở đây có lẽ là tên bà hoàng hậu họ Đan chăng? Căn
cứ vào phân tách (tuổi) ở trên thì bà này là vợ cả và là mẹ của
Đinh Liễn cũng như công chúa Phất Kim(?).
Ghi chú: theo sách “Truyền thuyết Hoa Lư” của
Trương Đình Tưởng và Lê Hải của Sở Văn Hoá Thông Tin Ninh Bình tái
bản năm 1997, trang 28, thì bà Hoàng Hậu đầu tiên này là Trần Nương,
con gái của sứ quân Trần Lãm , Đinh Liễn là con bà này.
-“Trinh” là chính đáng, điều tốt lành. “Minh” là sáng. Trinh Minh
hoàng hậu có lẽ là tên của bà Dương vân Nga. Ghi chú là khi Lê Đại
Hành lập bà làm Đại Thắng Minh hoàng hậu, chữ Minh vẫn giữ (ông
Lê Hoàn nhớ chủ cũ là Đại Thắng Minh hoàng đế nên lấy tên này đặt
cho bà ?)
- “Kiểu” là sáng, tỏ rõ, cũng có nghĩa là nắn thẳng, cái gì lầm
lỗi sửa lại cho phải gọi là "kiểu chính" (theo tự điển
của Thiều Chửu). “Quốc” là quốc gia . Kiểu Quốc hoàng hậu có lẽ
là tên của bà mẹ Ngô Nhật Khánh, Tiên Hoàng cưới bà sau khi dẹp
xong sứ quân này. Cái tên hình như nói lên phần nào cảm nghĩ của
vua Đinh với bà vợ luống tuổi và có con riêng đã rạch mặt con của
ông.
-“Cồ” là lớn (Nôm), “Quốc” là quốc gia . Khi vừa lên ngôi vua và
đặt quốc hiệu, để tỏ rõ uy danh của Đại Cồ Việt (với Tống?) ông
đặt tên bà vợ thứ tư này là Cồ Quốc hoàng hậu cho hợp với quốc hiệu
?
Ghi chú: theo sách Truyền Thuyết Hoa Lư (trang
47) thì bà mẹ Ngô Nhật Khánh họ Hoàng, chồng là Ngô Công (tước Công?)
mất sớm, là tướng của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn. Theo lời khuyên
của Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu, ông lấy bà này vì có liên quan
đến việc “quốc gia đại sự”, và bà này được phong là Cồ Quốc hoàng
hậu
-“Ca” khen, ca tụng. “Ông” là tiếng gọi người lớn tuổi phái nam
với ẩn ý tôn kính (Nôm). “Ông” là cha, mình gọi cha người khác,
gọi là "tôn ông" (TĐ Thiều Chửu). Tới đây, người viết
chỉ có thể đoán được là vua Đinh vốn gốc dân dã, ông đã ghép chữ
“ca”(Hán) với chữ “ông” (Nôm) như chữ Đại Cồ Việt để đặt tên cho
người vợ thứ 5 này là Ca Ông hoàng hậu. Với "khẩu khí"
này có lẽ bà được ông sủng ái nhất, Thái Tử Hạng Lang có lẽ là con
của bà Ca Ông hoàng hậu này.
Người viết xin tóm tắt với những phỏng đoán như sau:
1- Đan Gia hoàng hậu họ Đan là vợ cả, mẹ Nam Việt Vương Đinh Liễn
và công chúa Phất Kim (tên?)
2- Trinh Minh hoàng hậu là vợ hai, bà Dương Vân Nga, mẹ Vệ Vương
Đinh Toàn
3- Kiểu Quốc hoàng hậu là vợ ba, mẹ sứ quân Ngô Nhật Khánh
4- Cồ Quốc hoàng hậu là vợ bốn.
5- Ca Ông hoàng hậu là vợ 5, mẹ Thái Tử Hạng Lang.
Lê Đại Hành lập 5 hoàng hậu (Đại Thắng Minh, Phụng Càn Chí Lý,
Thuận Thánh Minh Đạo, Trịnh Quốc, Phạm hoàng hậu) và có 11 hoàng
tử (theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục : Long Thau-Thái
tử-chết năm 1000, Ngân Tích, Long Việt, Long Đinh, Long Đĩnh, Long
Ngận, Long Tung, Long Tương, Long Kính, Long Mang, Minh (Long) Đề).
Không thấy sử liệu nói ai là chính cung hoàng hậu .
ĐVSKTT: “Giáp Thìn, /Ứng Thiên/ năm thứ 11 /1004/, (Tống Cảnh
Đức năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, lập Nam Phong Vương Long
Việt làm hoàng thái tử
….
Ất Tỵ, /Ứng Thiên/ năm thứ 12 [1005]…. Long Việt, con thứ ba của
Lê Đại Hành, mẹ là Chi hậu Diệu Nữ . Lên ngôi được 3 ngày thì bị
em cùng mẹ là Long Đĩnh giết…”.
Khi con cả của vua Đại Hành là thái tử Thau còn sống, có lẽ mẹ của
ông là vợ cả, bà được coi là chính cung, rồi nếu bà có thêm hoàng
tử nào khác thì bà vẫn được coi như thế. Khi Long Việt làm thái
tử bà vẫn được coi như chính cung vì ông chỉ là con của bà Chi hậu
Diệu nữ (không phải là hoàng hậu).
Lê Ngọa Triều Long Đĩnh thì : “Sửa đổi quan chế và triều phục
của các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống” (ĐVSKTT)
. Tuy nhiên vẫn lập 4 hoàng hậu và sử liệu cũng không viết gì nhiều
đến các bà này, ngoại trừ việc lập con nuôi của một bà hoàng hậu
tên là Cảm Thánh làm Tam Nguyên Vương.
Lý Thái Tổ Công Uẩn- vua đầu nhà Lý- lập 3 hoàng hậu (Tá Quốc,
Lập Nguyên và Lập Giáo hoàng hậu)và có 3(?) hoàng tử (Khai Thiên
Vương Phật Mã, Khai Quốc Vương Long Bồ, Đông Chinh Vương Lực). Lập
Giáo hoàng hậu là đích phu nhân, có “quy chế xe kiệu và y phục
khác hẳn với các cung khác”( ĐVSKTT). Vậy đến đời nhà Lý, tuy
không phong chính cung hoàng hậu nhưng coi như có chính cung. Con
bà “chính cung” được phong thái tử (Lý Phật Mã).
Tới đây chúng ta thấy đã hơi có sự khác biệt về ngôi thứ của các
bà hậu. Ảnh hưởng của Nho đã bắt đầu vào đến triều đình. “Kỷ
Mùi, [Thuận Thiên] năm thứ 10 [1019] , (Tống Thiên Hy năm thứ 3).
Mùa xuân, tháng giêng, dựng Thái Miếu ở lăng Thiên Đức . Xuống chiếu
độ dân trong nước làm tăng” (ĐVSKTT). Theo như lời cẩn án trong
VSKĐTGCương Mục:
“…Lý Thái Tổ được nước ta mười năm rồi mà không thấy sử chép
xây dựng nhà thái miếu ở kinh thành; đến đây, mới thấy chép lập
nhà thái miếu ở lăng Thiên Đức. Có lẽ vì bấy giờ những người bàn
định lễ nghi chưa khảo kỹ được pháp chế đời xưa…” . Mặc dù
việc dựng Thái Miếu này không đúng lễ nghi (theo ý các nhà Nho!),
nhưng Nho học đã ảnh hưởng một phần nào đến triều đình Phật giáo
này.
Lý Thái Tông Phật Mã- vua thứ hai nhà Lý- lập 7 hoàng hậu (Mai,
Vương, Đinh và Thiên Cảm hoàng hậu- ĐVSKTT chỉ ghi lại họ 4 bà),
có 2(?) hoàng tử (Thái Tử Nhật Tôn và Nhật Trung, ?)
Ghi chú: Thái Tông có nhiều hoàng tử nhưng tài liệu chỉ viết lại
tên 2 người: “… phong hoàng tử Nhật Trung làm Phụng Càn Vương,
các hoàng tử khác đều phong tước hầu” (ĐVSKTT).
Tuy sử liệu không viết rõ ai là “chính cung” nhưng theo như ĐVSKTT
thì Mai hoàng hậu, mẹ thái tử Nhật Tôn là chính cung : “…mẹ họ Mai
làm Kim Thiên hoàng thái hậu. Đặt quốc hiệu là Đại Việt”. Thái Tông
có lẽ là người lập nhiều hoàng hậu nhất trong sử Việt (7 bà), kế
đó là phi tần, ngự nữ, nhạc kỹ cả trăm người.
ĐVSKTT: “Tân Tỵ, [Càn Phu Hữu Đạo] năm thứ 3 [1041]
Mùa hạ, tháng 5, đặt phẩm cấp các cung nữ, hoàng hậu và phi tần
13 người, ngự nữ 18 người, nhạc kỹ hơn 100 người”.
Rồi sau khi đánh thắng Chiêm Thành (1044), thắng trận trở về với
rất nhiều “chiến lợi phẩm” (sau khi giết vua Chiêm Sạ Đẩu và khoảng
30 ngàn người) là bắt sống 5000 người, sau đó vào thành Phật Thệ
bắt “ vợ cả, vợ lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa khúc
điệu Tây Thiên”
….
“ Bính Tuất, [Thiên Cảm Thánh Vũ] năm thứ 3 [1046] ,... Dựng cung
riêng cho các cung nữ Chiêm Thành”(ĐVSKTT). Tới lúc này thì
không biết Thái Tông có bao nhiêu cung nữ.
Lý Thánh Tông Nhật Tôn lập 1 hoàng hậu là bà họ Dương, có hai hoàng
tử là Thái Tử Lý Càn Đức và Minh Nhân Vương (ĐVSKTT: “ Mùa xuân,
tháng 2, hoàng tử là Minh Nhân vương (không rõ tên) sinh, đó là
người em cùng mẹ của Nhân Tông”). Hai hoàng tử này là con bà
Ỷ Lan hoàng thái phi.
Tới đời Thánh Tông, Nho học đã ảnh hưởng rõ ràng:
ĐVSKTT: “Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 [1070], (Tống Hy Ninh,
năm thứ 3)….
Mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và
Tứ phối , vẽ tượng Thất thập nhị hiền , bốn mùa cúng tế. Hoàng thái
tử đến học ở đây”.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi tự chủ, Nho học đã thực sự bắt đầu
có ảnh hưởng đến triều đình Đại Việt. Văn Miếu được xây, các Thánh
hiền của Nho giáo được đắp tượng vẽ hình để cúng tế và đặc biệt
là thái tử được giáo dục theo tinh thần Nho giáo.
Thánh Tông, vì ảnh hưởng của Nho học, nên việc lập hậu cũng theo
Nho học. Rồi việc mẹ của thái tử Càn Đức, Dương hoàng hậu là đích
mẫu, dù Ỷ Lan thái phi là mẹ ruột.
ĐVSKTT: “Lê Văn Hưu nói : Trời đất cùng che chở, mặt trời mặt
trăng cùng chiếu soi, mới sinh thành muôn vật, nảy nở mọi loài,
cũng như hoàng hậu sánh với ngôi vua, cho nên mới có thể đứng đầu
tiêu biểu cho nội cung, tác thành cho thiên hạ. Từ xưa chỉ lập [hoàng
hậu] một người để chủ việc nội trị mà thôi,…”.
Tới thời Lý Nhân Tông Càn Đức (nhà vua lập 3 hoàng hậu vì lý do
hiếm muộn như đã trình bày ở phần trên), Nho học càng phát triển
thêm dù Phật giáo vẫn còn được coi như quốc giáo. Khoa thi Nho học
đầu tiên đã được tổ chức.
ĐVSKTT: “Ất Mão, [ Thái Ninh] năm thứ 4 [1075], (Tống Hy Ninh
năm thứ 8). Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học
và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu
vua học”. Lúc này Ỷ Lan hoàng thái phi được phong là Linh Nhân
hoàng thái hậu (sau khi giam Dương hoàng hậu), Nhân Tông mới 10
tuổi và Thái Hậu nhiếp chính và bà đã từng nhiếp chính khi Thánh
Tông đi đánh Chiêm Thành năm 1069. Vậy việc Phát triển Nho học phần
lớn do Linh Nhân hoàng thái hậu góp phần.
Tóm lại, trong giai đoạn đầu, khi chưa có ảnh hưởng Nho học, hoặc
ảnh hưởng rất ít, các vua Việt vốn gốc dân dã, lập hoàng hậu theo
sở thích của mình. Nhà Đinh khởi đầu, nhà Lê và các vua đầu đời
Lý noi theo, đều lập nhiều hoàng hậu, thứ bậc trong nội cung không
phân biệt rõ ràng. Tới giai đoạn kế tiếp, Nho học bắt đầu gây ảnh
hưởng, các vua theo khuôn mẫu triều đình Trung Hoa (đời Tống), một
hoàng hậu-chính cung- và nhiều phi tần cung nữ, nội cung thứ bậc
phân biệt rõ ràng.
Như đã được trình bày trong phần mở đầu, lịch sử thời phong kiếnViệt
Nam đã được ghi chép lại bởi các Nho gia. Những lời bình là những
ý kiến theo quan niệm Nho gia . Người viết chỉ gom lại những việc
đã ghi chép trong chính sử (ở đây là ĐVSKTT), và thêm một vài suy
đoán cá nhân, để hy vọng rằng những người sống trong thời đại hôm
nay, với quan điểm tự do dân chủ, có một nhận định khách quan về
những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, ngõ hầu tìm hiểu thêm về sự
thật của lịch sử.
Trần Việt Bắc (tvb)
1/05
|