A Hunger Artist
Franz Kafka
Vào khoảng thập niên gần đây, rõ ràng nghề biểu diễn tuyệt thực
không còn thu hút khán giả như xưa. Thế giới đã thay đổi nhiều,
trước kia những người làm nghề này một mình một chợ kiếm không biết
bao nhiêu tiền. Có một thời nghe trình diễn ở đâu là cả tỉnh đổ
đi xem và cuộc tuyệt thực kéo dài thêm ngày nào là sự hào hứng lại
tăng thêm phần đó. Ai cũng muốn tới xem người tuyệt thực ít nhất
mỗi ngày một lần, còn có người mua vé hàng năm chỉ để vài ngày cuối
đến ngồi chầu chực trước cái cũi từ sáng đến tối. Thậm chí đêm khuya,
khi ánh đuốc mù mờ được đốt lên cho không khí thêm phần căng thẳng,
vẫn thấy thiên hạ rủ nhau đi coi. Ðến ngày cuối cái cũi được mang
ra để giữa sân lộ thiên. Ðối với các cụ lớn tuổi thì trò tuyệt thực
chỉ là lối giải trí thời thượng nực cười nhưng với lũ trẻ con thì
biệt đãi lắm mới được dắt đi xem. Chúng nó há hốc miệng, nắm chặt
lấy tay nhau cho đỡ sợ, nhìn kẻ tuyệt thực trong cũi với con mắt
thán phục. Hắn mặc bộ đồ thung đen, mặt mũi nhợt nhạt ngồi trên
đống rơm , bộ xương sườn lòi ra lồ lộ, lâu lâu lại gật đầu, nhếch
mép cười trả lời câu hỏi của khách hiếu kỳ. Có lúc hắn đưa một cánh
tay ra khỏi cũi cho mọi người thấy nó ốm gầy đến cỡ nào rồi lại
thụt vào, chẳng để tâm đến người, vật chung quanh ngay cả tiếng
tíc tắc của cái đồng hồ, vật duy nhất trong cũi. Ðôi mắt hắn nửa
nhắm nửa mở nhìn vào khỏang không vô tận, thỉnh thỏang hắn lại nhắp
một chút nước lạnh cho khỏi khô môi .
Ngòai dám khán giả còn có một nhóm người được cử đến thay phiên
canh gác. Buồn cười một điều trong đám này thường là mấy anh bán
thịt. Cứ ba người một phiên, họ gác cả ngày lẫn đêm với mục đích
ngăn ngừa chuyện gian lận. Thật sự việc canh gác chỉ là cho có lệ,
một hình thức nghi lễ dụng ý đánh tan nghi hoặc của công chúng.
Ai cũng biết là trong bất cứ trạng huống nào, dù có bị cơn đói hành
hạ đến đâu danh dự nghề nghiệp không cho phép người tuyệt thực đụng
tới miếng ăn. Nhưng đâu phải đám canh gác nào cũng hiểu được điều
đó, nhiều đám vờ xao lãng nhiệm vụ tụm nhau lại một góc mải mê đánh
bài mục đích là để cho kẻ tuyệt thực trong cũi có dịp dở trò gian
trá. Không có gì làm kẻ tuyệt thực khổ tâm hơn khi đám gác biến
cuộc trình diễn của hắn thành một hình phạt. Ðôi lúc hắn cố gắng
lấy hết sức lực hát suốt đêm để chứng tỏ cho mọi người thấy là sự
nghi ngờ của họ hòan tòan vô căn cứ. Nhưng cuối cùng chỉ uổng công
vì đám canh vẫn cho rằng người ma mãnh như hắn thì thừa tài vừa
hát vừa nhai thức ăn trong miệng. Không gì làm hắn vừa ý bằng có
đám gác ngồi ngay sát phía trước lấy đèn rọi vào trong cũi kiểm
sóat. Tia sáng lóe vào mặt không làm hắn khó chịu mà ngược lại đối
với hắn đó là hành động làm hắn hài lòng vô cùng. Có bao giờ hắn
được ngủ yên đâu, thỉnh thỏang chợp mắt đôi chút. Ánh sáng, tiếng
ồn ào trong hành lang chẳng làm hắn bận tâm chút nào. Hắn thấy không
gì thú vị hơn là có được một đêm không ngủ với bọn người canh gác
để kể cho họ nghe hết chuyện cười đến cuộc đời du mục của mình,
giữ mọi người thức trắng đêm cho họ thấy trong cũi không có món
ăn nào cả và cũng là dịp để chứng minh hắn có tài tuyệt thực khó
ai bì kịp. Ðiều làm hắn đắc ý hơn nữa là đến khi trời sáng được
tự mình chứng kiến đám canh, mệt mỏi sau một đêm thức trắng, hể
hả nuốt cạn bữa điểm tâm thịnh soạn người ta mang đến. Dĩ nhiên
cũng có đứa quá đáng bảo bữa ăn điểm tâm là hình thức hối lộ cho
bọn gác nhưng thật ra có rất nhiều người tham dự công tác này mà
chẳng được ăn uống gì. Họ nghĩ đó là bổn phận thì đúng hơn, vả lại
muốn canh chừng hắn bởi trong lòng họ luôn phảng phất một sự nghi
ngờ.
Ðã làm nghề tuyệt thực kiếm tiền thì tránh sao được hòai nghi của
thiên hạ. Không ai một mình mà có thể theo dõi kẻ tuyệt thực liên
tục ngày đêm nên không cá nhân nào có đủ bằng chứng để giải thích
cho mọi người rõ cái công phu của nghệ thuật tuyệt thực. Chỉ chính
kẻ tuyệt thực mới hiểu nghệ thuật ấy và y trở thành khán giả duy
nhất hòan tòan mãn nguyện về biệt tài nhịn ăn của mình. Chẳng phải
nhịn ăn mà cơ thể hắn trở thành tàn tạ, da bọc xương gớm ghiếc đến
nỗi có nhiều người tránh xa không dám tới xem. Vì một lý do nào
đó khiến kẻ tuyệt thực không hài lòng và sự bất mãn với chính mình
là nguyên cớ làm cơ thể hắn xuống dốc nhanh như vậy. Hắn cảm thấy
thất vọng bởi ngoài hắn ra không ai hiểu được là chuyện tuyệt thực
dễ như thế nào, phải nói chưa có gì trên thế giới này lại tầm thường
đến như thế. Hắn không ngại ngùng tiết lộ điều đó mà chẳng ai tin.
Có kẻ bảo là hắn khiêm nhường, hầu hết thì nói hắn ham danh hoặc
là kẻ tìm ra một mánh lới nhịn đói dễ dàng rồi trơ trẽn rêu rao
là chuyện tuyệt thực với hắn chỉ là trò trẻ. Hắn chịu đựng và quen
dần tiếng bấc tiếng chì của thiên hạ nhưng ấm ức, thất vọng cứ thế
chồng chất trong lòng để rồi cuộc tuyệt thực nào cũng vậy, ngày
cuối hắn cứ ngồi lỳ ra, người ta phải làm đủ cách hắn mới chịu ra
khỏi cũi. Thời gian tuyệt thực được ông bầu hạn định lâu nhất là
bốn mươi ngày, ngay cả biểu diễn trong thành phố lớn cũng không
thể kéo dài hơn như vậy. Lý do là theo kinh nghiệm họ thấy trong
vòng bốn mươi ngày đầu, quảng cáo dồn dập có tác động rất mạnh vào
thị hiếu của thiên hạ, sau thời gian đó không khí hồ hởi sẽ nhạt
đi. Dĩ nhiên phản ứng của dân chúng khác nhau tùy theo từng tỉnh
nhưng đại khái thì bốn mươi ngày là thời gian thích hợp nhất. Ðúng
ngày thứ bốn mươi cái cũi chung quanh trang điểm hoa tươi được mở
ra , khách hiếu kỳ tụ tập đầy sảnh đường, quân nhạc nổi lên rầm
rộ và hai bác sĩ bước vào cũi, qua loa phóng thanh họ công bố kết
quả cuộc tuyệt thực. Sau đó là hai người đàn bà trẻ, danh dự lắm
mới được chọn lựa vào đỡ kẻ tuyệt thực bước ra, xuống vài bực gỗ
đến một bàn bầy đầy thức ăn. Ðây cũng là giây phút mà kẻ tuyệt thực
nổi cơn bướng bỉnh, hắn không ngại đưa hai cánh tay khẳng khiu để
hai người đàn bà cúi xuống đỡ nhưng nhất định không chịu đứng lên.
Ðã chịu được bốn mươi ngày thì tại sao lại phải kết thúc màn tuyệt
thực ở giây phút này? Tại sao lại ngừng khi cơ thể hắn đang ở cao
điểm của cuộc thử thách ?. Người ta đã cướp mất của hắn danh tiếng
nhịn đói lâu nhất từ trước tới giờ. Với khả năng tuyệt thực vô hạn,
nếu cứ để kéo dài hơn chắc chắn hắn sẽ đánh bại kỷ lục của chính
mình, một thành quả ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Thiên hạ
đã cố vờ vĩnh khâm phục hắn lại không có một chút kiên nhẫn nào
với hắn cả . Nếu hắn chịu nhịn ăn được lâu như thế thì sao mọi người
không thể kiên nhẫn thêm chút nữa ?. Cứ như mọi lần, cơ thể tuy
mệt mỏi nhưng ngồi trên đống rơm suốt bao nhiêu ngày nên quen và
dần dà thấy dễ chịu, thế là lại đến hồi kết thúc. Nghĩ đến phút
phải đứng thẳng lên, bước lại bàn ăn là hắn muốn nôn mửa, phải cố
gắng lắm hắn mới không lộ vẻ kinh tởm trước mặt hai người đàn bà.
Cử chỉ của họ thân thiện lắm nhưng vẫn thấy thóat ra vẻ ác độc thế
nào. Hắn lắc đầu, bắp thịt cổ yếu xìu làm hắn có cảm tưởng đầu mình
nặng ngàn cân. Rồi ông bầu bước ra , chẳng nói một lời nào - quân
nhạc ồn ào , nói cũng chẳng ai nghe - ông nắm tay kẻ tuyệt thực
đưa thẳng lên trời như mời Thượng Ðế cúi xuống nhìn một sinh vật,
một kẻ tử đạo đứng trên đống rơm. Chưa hết, ông nắm quanh eo bụng
ốm teo của hắn cho thiêm hạ chiêm ngưỡng. Trước khi thả hắn vào
tay hai người đàn bà, ông ta ngầm lắc mạnh cơ thể hắn cho thân hình
mỏng teo đong đưa theo cặp chân ống sậy . Hoàn toàn trong trạng
thái thụ động, đầu hắn như rớt trên bộ ngực, toàn thân rỗng tuếch,
hai chân khẳng khiu chỉ dính vào nhau ở phần đầu gối, lắc lư quẹt
đất như cố tìm một chỗ đứng vững. Cả thân hình nhẹ hẫng của hắn
rơi vào cánh tay của một trong hai người đàn bà . Cố nín thở bà
ta vừa nhìn quanh cầu cứu, vừa cố quay cổ ra xa để mặt khỏi chạm
vào kẻ tuyệt thực nhưng không kịp. Người đàn bà bên kia may mắn
hơn nhưmg chẳng giúp được gì, bà ta cũng đang mải duỗi hết cánh
tay run rẩy cố nắm một giữ khối xương khớp khô cằn trước mặt. Cảnh
tượng khôi hài làm khản giả cười rộ. Người đàn bà không cầm được
bật khóc, thế là một nhân viên trong ban tổ chức đứng chờ sẵn lập
tức bước lên thay thế. Kế đến là màn ăn uống, kẻ tuyệt thực thì
nửa mơ nửa tỉnh thây kệ ông bầu cố gắng đút vào miệng hắn vài miếng
ăn. Trong khi đó, như đã được tập dượt trước, tiếng reo hò, nhịp
gõ đập từ đám đông làm chẳng ai còn lưu tâm đến tình trạng sức khỏe
của chàng "tài tử" tuyệt thực. Ðúng theo bài vở thì hắn
sẽ ghé tai thì thầm với ông bầu nhờ lên tiếng mời khán giả cùng
nâng ly. Âm nhạc nổi lên phụ họa. Ðám hiếu kỳ dần dần tản mạn, ai
cũng hài lòng, ngoại trừ người tuyệt thực luôn luôn là kẻ duy nhất
không mãn nguyện với cuộc biểu diễn của chính mình.
Ngòai thời gian nghỉ lấy sức, cứ thế bao nhiêu năm hắn sống một
cuộc sống vàng son. Mặc dù ai cũng nghe danh, đâu đâu cũng được
thiên hạ ngưỡng mộ nhưng hắn vẫn thấy có điều gì không ổn trong
lòng và sự bất ổn càng chồng chất khi hắn cảm được chung quanh không
ai hiểu nỗi u uẩn của hắn trầm trọng đến mức nào. Hắn đâu đòi hỏi
một đời sống sung túc hơn, cũng chẳng ao ước thêm điều gì. Kẻ tốt
bụng ái ngại cho hắn, an ủi, giải thích là tình trạng khủng khỏang
tin thần của hắn có thể là hậu quả của những cuộc tuyệt thực dài.
Nó cũng là nguyên nhân của cơn nóng giận, cọc cằn mà hắn đã biểu
lộ qua những lần nắm vào song cũi rung lắc dữ tợn như một con thú
hoang. À, còn ông bầu, không những tìm dược cách triệt trị cơn hung
hãn của hắn, ông còn vờ như hành vi bạo động đó là một trong những
chi tiết của màn trình diễn. Ông ta sẽ đứng lên xin lỗi khán giả
về cơn thịnh nộ của kẻ tuyệt thực và không quên giải thích đó là
hậu quả của sự nhịn ăn, một trạng thái tâm lý bất thường mà những
người no đủ không thể nào hiểu được. Chuyển qua hướng khác, ông
bầu tuyên bố là "tài tử" tuyệt thực của ông còn có thể
nhịn lâu hơn nữa, ông đề cao tinh thần khắc phục, sự kiên trì và
dĩ nhiên khả năng chịu đựng có một không hai của hắn. Mâu thuẫn
thay, nói xong thì ông ta đưa ra những tấm hình chụp hắn ngay sau
cuộc tuyệt thực (những tấm hình bán cho công chúng), trong đó hắn
nằm liệt trên giường, mệt mỏi không còn sức sống. Quen thuộc quá
với lối xảo trá đó nhưng hắn vẫn không dằn được cơn bực bội, vì
chính những hình ảnh kia đã khiến người ta cấm không cho hắn kéo
dài cuộc tuyệt thực và trong thâm tâm hắn biết không cách gì chống
lại một thế giới đầy loại người đầu óc chật hẹp. Hầu hết là hắn
tận tình hợp tác với ông bầu, đứng trong cũi lắng nghe ông nói nhưng
đến khi mấy tấm hình được đưa ra thì hắn thở dài, ngồi xệp xuống
đống rơm để khán giả lại có dịp đến gần nhìn kỹ thân hình hắn thêm
một lần nữa .
Vài năm sau, nhắc lại thì chính những người chứng kiến cuộc tuyệt
thực cũng chẳng rõ tại sao họ lại đi xem trò biểu diễn nhịn đói
như vậỵ Không ai muốn tìm hiểu thêm nhưng chắc chắn phải có một
duyên cớ sâu ngầm nào đó đã bất chợt thay đổi hẳn thị hiếu của thiên
hạ, bây giờ tất cả mải mê đuổi theo trò vui mới và kẻ tuyệt thực
chuyên nghiệp tự nhiên thấy mình bị bỏ rơi. Cố một lần chót, ông
bầu mang hắn đi hơn nửa vòng Âu Châu thử xem nghệ thuật tuyệt thực
còn được ưa chuộng không. Cuối cùng họ thấy như có một cuộc thỏa
thuận ngầm, đến nơi nào cũng vậy rõ ràng là quần chúng lộ vẻ ghê
tởm cái môn nhịn đói kiếm tiền. Dĩ nhiên không thể một sớm một chiều
mà thái độ con người đổi thay nhanh như thế, hẳn là đã có những
triệu chứng âm ỉ nhưng vì mải mê, loá mắt với công danh chàng "
tài tử" tuyệt thực đã không nhận ra. Giờ thì quá trễ, vô phương
cứu chữa . Rất có thể nghề biểu diễn tuyệt thực trong tương lai
được phục hồi , nhưng đối với kẻ đang sống trong hiện tại thì ý
nghĩ đó chẳng mang lại một an ủi nào. Câu hỏi thực tế là: phải làm
sao đây ? . Hắn tự nhủ mình đã từng được cả ngàn người hâm mộ thì
làm sao có thể hạ mình đi trình diễn ở những hội chợ nhỏ trong thôn
trong làng ? Chuyển qua nghề khác ? Hắn đã quá già , vả lại suốt
cuộc đời hắn đã chọn con đường hiến thân cho nghệ thuật tuyệt thực.
Cuối cùng hắn quyết định chia tay ông bầu, người bạn đồng hành từng
chia sẻ những năm huy hòang, rồi tự mình xin biểu diễn chung với
một gánh xiệc. Quá tủi phận mình, hắn không buồn đọc hết các chi
tiết và sự thỏa thuận của hai bên khi đặt tay vào ký giấy hợp đồng
.
Một đoàn xiệc lớn đang ở giai đoạn tuyển nhân viên, mua thú vật,
sắm dụng cụ, họ cần đủ loại người kể cả một tên biểu diễn tuyệt
thực nhà nghề, dĩ nhiên là với điều kiện hắn không đòi giá quá cao.
Thực ra thì đòan xiệc cũng muốn nhằm vào cái danh tiếng của chàng
"tài tử" tuyệt thực . Tuổi tác không ảnh hưởng đến khả
năng của hắn, cũng không ai dám bảo hắn đã qua thời lừng lẫy bây
giờ đi tìm một góc yên lặng trong gánh xiệc trú thân. Riêng hắn
vẫn cố đánh tan sự nghi ngờ ấy, khăng khăng cho mọi người biết là
mình còn rất nhiều phong độ và hứa hẹn nếu cho phép, kỷ lục hắn
sắp đạt sẽ làm cả thế giới phải sững sờ . Lời tuyên bố đó làm nhiều
người cười thầm, họ bảo quá say mê, nhiệt tình với nghề tuyệt thực
của mình mà anh chàng nhịn đói nhà nghề kia đã quên không biết quần
chúng nghĩ gì .
Tuy nhiên chưa chắc là hắn đã xa vời thực tế. Thay vì để cái cũi
ngay trung tâm nơi thú vật biểu diễn hắn yêu cầu được đặt bên ngòai
gần chuồng đám thú dữ, nơi tiện đường nhiều người qua lại. Gánh
xiệc làm những tấm bìa lớn kẻ chữ gắn chung quanh cũi cho biết bên
trong có gì để khách trên đường đi coi thú vật ghé lại xem. Lẽ ra
ngưòi ta sẽ ngừng lại lâu hơn nhưng con đường đi chật hẹp nên đám
bị chặn đường đâm ra nóng nẩy thúc dục, họ không hiểu tại sao lại
có nhóm người nấn ná trước cái cũi gây cản trở cho sự đi lại như
vậỵ Mới đầu thì hắn còn nô nức mong mỏi khách ghé qua vì đối với
hắn lôi cuốn được đám đông là cả một thành công lớn, nhưng chẳng
mấy chốc hắn rơi vào thất vọng và rồi có dối mình, chối bỏ sự thật
đến đâu chăng nữa , nhìn bộ điệu họ hắn thấy ngay đa số nhắm về
hướng thú vật gánh xiệc. Tuyệt nhất là hình ảnh đám đông nhộn nhịp
từ xa đi tới nhưng khi đến gần thì ôi thôi, đám nào cũng vậy, kẻ
muốn đi qua chửi bới người muốn dừng lại, hắn điếc tai vì tiếng
la lối, lời lẽ tục tằn. Hắn không ưa nổi loại người này, toàn là
thứ hung hăng và mục đích chỉ là đi mau ngang chỗ hắn. Ðôi lúc có
vài kẻ như lạc đường lang thang đi tới, họ có dư thì giờ ngừng lại
ấy thế mà cũng hớt hải không thèm liếc nhìn. Hiếm lắm mới thấy một
ông bố với mấy đứa con ghé lại. Vừa chỉ vào hắn, ông bố dài dòng
giải thích cho lũ nhỏ là ngày xưa ông đã từng đi xem những cuộc
biểu diễn tương tự như thế nhưng trình diễn tuyệt thực thời đó hào
hứng hơn nhiều. Mấy đứa con ngớ mặt không hiểu vì đây là không phải
bài học chúng nghe trong trường mà ngòai đời chúng cũng chưa từng
thấy, vả lại nhịn đói thì có gì mà tụi nhỏ phải để tâm?. Thế nhưng
qua ánh mắt sáng ngời, cái nhìn đăm chiêu của chúng hắn nghĩ nghề
tuyệt thực sẽ có ngày hồi phục. Ðôi lúc hắn tự nhủ có lẽ không nên
gần nơi thú vật vì vô tình đã cho khách qua đây một sự lựa chọn
rõ ràng: xem hắn hay xem thú. Chưa kể là mùi hôi thối, tiếng thú
hoang ồn ào cả đêm, mùi thịt tươi dùng làm thực phẩm cho loài vật
và tiếng gầm gừ trong giờ chúng ăn càng làm hắn xuống tinh thần.
Hắn biết vậy mà cũng chẳng dám phàn nàn với ban tổ chức, vả lại
cứ nghĩ xa một chút thì phải cám ơn đám thú mới đúng. Có chúng người
ta mới qua đọan đường này và ít nhiều cũng có vài kẻ để ý đến mình,
cứ đòi hỏi một sự lưu ý tuyệt đối có thể làm thiên hạ bực mình ,
họ sẽ lấy cớ là sự có mặt của hắn chỉ là một vướng bận và rất có
thể họ sẽ yêu cầu chuyển hắn vào một góc vắng.
Một vướng bận, nếu có thì cũng chỉ là một vướng bận không đáng
kể vì quen dần với sự hiện diện của cái cũi người ta bắt đầu thấy
chẳng có gì đáng lưu tâm. Hắn có nhịn lâu hơn nữa cũng chẳng cứu
vãn được gì, thiên hạ cứ phớt tỉnh, mà có ngồi giải thích nghệ thuật
tuyệt thực cho những tâm hồn rỗng tuếch thì cũng chỉ uổng công .
Các tấm bìa kẻ chữ treo quanh cũi được lột đi vì càng ngày càng
dơ bẩn và trở thành vô nghĩa. Thậm chí những bảng ghi lại số ngày
tuyệt thực, mới đầu thì còn được cập nhật từng ngày sau chẳng ai
đụng tới, mấy ngày qua đi mà con số cũ vẫn nằm nguyên. Sau vài tuần
đầu không ai trong ban tổ chức thèm để tâm đến công tác cập nhật
vặt vãnh này. Rồi cứ thế, đúng như ý nguyện, hắn tiếp tục kéo dài
cuộc tuyệt thực mặc dù chuyện đếm ngày chẳng còn được ai quan tâm.
Lòng nặng trĩu, chính hắn cũng không biết là mình đã phá kỷ lục
nhịn đói từ lúc nào. Ðôi lúc có kẻ đi qua dừng lại liếc nhìn con
số trên bảng rồi bảo nhau ; chắc là số gian số lận. Ðúng tòan là
bọn dối trá đểu cáng, chúng phải biết hắn là người biểu diễn nghệ
thuật tuyệt thực chân chính nhất, xã hội này mới là man trá, cướp
đi của hắn một kỷ lục, một phần thưởng quí báu vô cùng.
Một vài ngày trôi qua rồi cuộc biểu diễn của hắn đến đọan kết thúc.
Tay quản lý của ban tổ chức đi qua thắc mắc cái cũi tốt như thế
mà trong chỉ vỏn vẹn một đống rơm dơ bẩn, sao không dùng nó mà lại
vất ở đây ? Chẳng ai biết, cho đến khi có một anh tới gần cầm đọc
tấm bìa treo trên cũi, lúc đó mọi người chợt nhớ đến anh chàng tuyệt
thực. Lấy cây gậy thọc vào đống rơm họ tìm ra hắn vẫn còn nằm trong
đó. Viên quản lý lên tiếng: " Vẫn còn tuyệt thực trong đó sao
? Trời đất ơi, đến bao giờ mới ngừng đây ông ? ". Hắn thì thào
vào tai viên quản lý :"Cho tôi xin lỗi quí vị" . Vừa lấy
tay gõ vào trán hắn ý như để cho người chung quanh rõ tình trạng
sức khỏe của kẻ nhịn đói ra sao, ông quản lý trả lời . " Thôi
đi, có gì mà lỗi với phải" . Kẻ tuyệt thực: "Tôi muốn
qúi vị phải nể phục cái tài tuyệt thực của tôi ". Ông quản
lý:" Thì ai mà không nể ". Kẻ tuyệt thực " Nhưng
các ông không nên nể phục thì đúng hơn". Ông quản lý : "Ừ
thì không nể phục, nhưng cho tôi biết tại sao lại bảo tôi là không
nên phục ? " . Kẻ tuyệt thực:" Bởi vì tôi phải tuyệt thực,
tôi không thể cưỡng lại được". Người quản lý :" Hết nói
cái anh chàng này rồi. Mà tại sao anh bảo không thể cưỡng lại được
? ". Nhấc đầu lên gần như muốn hôn vào tai viên quản lý, rồi
không để một tiếng lọt ra ngòai, hắn thều thào. “ Bởi vì tôi chưa
tìm được thức ăn tôi thích, tin tôi đi, nếu có thì tôi đã không
ngần ngại tọng cho đầy bụng như ông và tất cả mấy đứa khác”. Ðó
là những lời cuối của hắn, qua ánh mắt mờ kia người ta đóan hắn
vẫn còn tiếp tục cuộc trình diễn của mình.
"Dọn dẹp cái cũi đi nào". Ông quản lý hối dục nhân viên
mang xác kẻ biểu diễn tuyệt thực cùng đống rơm đi chôn. Thay thế
hắn trong cũi là một con báo. Ai có vô tình đến đâu thì cũng phải
công nhận sự hiện diện của con báo làm thay đổi hẳn không khí chung
quanh. Nó năng động, nhẩy lọan xạ trong cái cũi mà trước đây lúc
nào cũng im lặng buồn thiu. Con báo nhìn khỏe mạnh lắm, nó muốn
ăn là lập tức có người mang đến và xem chừng nó chẳng thấy có gì
là bị giam tù, kềm kẹp. Không khí tự do quẩn quanh thân thể óng
mượt đẫy đà, ẩn mờ trong cái miệng đầy nanh nhọn và tiếng gầm gừ
thỏa mãn lạc thú cuộc đời thoát ra từ cổ họng con vật khiến khách
hiếu kỳ đứng gần phải giật mình. Nhưng cố kềm sự kinh hoàng, họ
quây quần quanh cái cũi mà chẳng chịu rời.
U Miên
Chuyển ngữ
Ðầu năm 2005
Kafka, quần đảo u mờ
U Miên
Là nhân chứng của cuộc cách mạng kỹ nghệ Âu Châu vào gần giữa thế
kỷ 19, đoản văn của Kafka cho thấy rõ hiện tình giới trí thức, văn
nghệ sĩ trong giai đoạn chuyển mình, hướng nặng về vật chất của
xã hội Âu Châu. Cũng có thể bảo “The Hunger Artist” là
metaphor phản ảnh tâm tình nhà văn, thi sĩ, họa sĩ, triết gia… ở
Ấn Ðộ, Trung Hoa, Việt Nam… ngày nay, trong giai đoạn cách mạng
điện tử, thông tin, song song với sự bành trướng kinh tế hòan cầu.
Từ địa vị được ngưỡng mộ, quí trọng tự nhiên họ cảm thấy bị bỏ quên,
lạc lõng. Dân gian hồ hởi với những trò chơi mới, vồ vập với dư
thừa vật chất. Sản phẩm nghệ thuật, thi văn không còn là nhu cầu
tinh thần mà trở thành món hàng xa xỉ, thiếu thực dụng.
Ðứng tách ra ở một điểm cao, Kafka không dấu diếm thái độ châm
biếm, khắt khe đối với một xã hội vật chất hào nhoáng "…Bởi
vì tôi chưa tìm được thức ăn tôi thích, tin tôi đi, nếu có thì tôi
đã không ngần ngại tọng cho đầy bụng như ông và tất cả mấy đứa khác…”
. (…because I couldn’t find the food I liked. If I had found it,
believe me, I should have made no fuss and stuffed myself like you
or anyone else…). Chê bai nếp sống thời thượng của dân gian,
một mặt Kafka không ngần ngại đưa ra tâm trạng bế tắc của giới văn
nghệ sĩ. Họ thất vọng với hòan cảnh và đắng cay với chính mình vì
suốt cuộc đời miệt mài, nhiệt tâm với nghệ thuật, họ rơi vào ngõ
cụt của absolutism. Như kẻ leo núi, thu hút bởi cảnh đẹp bên đường
họ tiếp tục cuộc hành trình cô đơn, hy vọng tìm lên tới đỉnh nhưng
càng đi càng thấy đỉnh cao mây phủ mịt mờ. “…Chỉ chính kẻ tuyệt
thực mới hiểu nghệ thuật ấy và y trở thành khán giả duy nhất hòan
tòan mãn nguyện về biệt tài nhịn ăn của mình… “ (...only the artist
himself could know that, he was therefore bound to be the sole completely
satisfied spectator of his own fast...).
Mượn hình ảnh tôn giáo “… nắm tay kẻ tuyệt thực đưa thẳng lên
trời như mời Thượng Ðế cúi xuống nhìn một sinh vật, một kẻ tử đạo
đứng trên đống rơm… “ (…lifted his arms in the air above the artist,
as if inviting Heaven to look down upon this creature here in the
straw, this suffering martyr…) Kafka đưa ra sự liên hệ phức
tạp, nghịch ngược giữa chàng tuyệt thực và đám khán giả: Phật, Chúa
tuyệt thực cho nhân lọai trong khi chàng tuyệt
thực biểu diễn tài nhịn đói của mình vì áp lực
của danh vọng, vì muốn đáp ứng thị hiếu của quần
chúng. Chuyện tuyệt thực của y trở thành một nhu cầu tinh thần,
hòan tòan có tính cách thỏa mãn cá nhân.
Với lối viết đầy biểu tượng, nhân vật của Kafka không những chỉ
đại diện cho đám trí thức, văn nghệ sĩ mà còn là cánh cửa ngỏ qua
đó người ta thấy ảnh hưởng, tràn lấn của tư bản vào đời sống con
người . Gã tuyệt thực mất tư thế tự chủ, không còn có thể “…
một mình một chợ …” kiếm tiền mà phải dựa vào ông bầu. Xuống
dốc hơn hắn phải nhập vào đoàn xiệc, biểu diễn cùng đám thú … Người
đọc có thể liên tưởng ngay tới quang cảnh văn hóa nghệ thuật ở Việt
Nam ngày hôm nay: ông đồ viết câu đối thuê cho đám ma đám cưới,
ngưòi họa sĩ đi vẽ bảng quảng cáo kiếm tiền… Tư bản, như loài cỏ
dại nẩy mầm, lan nhanh và những kẻ tự gán cho mình nhiệm vụ vun
xới vườn hoa trí tuệ đã thực sự bó tay .
Người ta thường đến trước cái cũi chiêm ngưỡng thân thể tàn tạ
của kẻ tuyệt thực một cách thích thú, thản nhiên. Bây giờ hắn sống
hay chết chẳng ai còn nhớ, tất cả bị thu hút bởi bộ lông mượt, vẻ
dũng mãnh của con vật trong chuồng. Vừa điểm chỉ vào ác tính, sự
vô tâm của con người, vừa kết thúc câu chuyện với vị cay độc, Kafka
đưa hình ảnh con báo trong cũi trước mắt người đọc như đưa một kẻ
phạm tội ra trước phiên tòa xử, và câu hỏi được đặt ra: Phải chăng
đó là kiếp sau của chàng tuyệt thực? kiếp đời hạn hẹp, quay cuồng
với ham muốn, vồ vập với vật chất bề ngòai ? .
“ … Con báo nhìn khỏe mạnh lắm, nó muốn ăn là lập tức có người
mang đến và xem chừng nó chẳng thấy có gì là bị giam tù, kềm kẹp.
Không khí tự do quẩn quanh thân thể óng mượt đẫy đà, ẩn mờ trong
cái miệng đầy nanh nhọn và tiếng gầm gừ thỏa mãn lạc thú cuộc đời
thoát ra từ cổ họng con vật khiến khách hiếu kỳ đứng gần phải giật
mình. Nhưng cố kềm sự kinh hoàng, họ quây quần quanh cái cũi mà
chẳng chịu rời. ”
(…The panther was all right. The food he liked was brought to him
without hesitation by the attendants; he seemed not even to miss
his freedom; his noble body, furnished almost to the bursting point
with all that it needed, seemed to carry freedom around with it
too; somewhere in his jaws it seemed to lurk; and the joy of life
streamed with such ardent passion from his throat that for the onlookers
it was not easy to stand the shock of it. But they braced themselves,
crowded around the cage, and did not ever want to move away).
Những dòng chữ trong đọan cuối của câu chuyện là những bậc thang
đưa người đọc đến đỉnh tột cùng của Kafka-symbolism. Hình
ảnh con báo khẳng định thái độ và quan điểm của tác giả về xã hội
đương thời: Theo linh tính của lòai thú con người lăn xả, vơ vội
miếng cơm manh áo. Phóng khoáng của tâm hồn, tự do của tư tưởng
được thay bằng những quyến rũ hời hợt, thỏa mãn tầm thường.
Có khi siêu thực, trừu tượng như trong tác phẩm “The Metamorphosis”,
có khi ảm đạm, khô lạnh như “The Hunger Artist”, mỗi nhân
vật, bối cảnh, đối thoại trong câu chuyện của Kafka là một hòn đá,
một hòn đảo nhỏ trong quần đảo văn chương đặc thù Kafka-esque.
Có người khách lạ ghé vào quần đảo bao phủ mây mờ, u uẩn ấy, rồi
sau chuyến viếng thăm hắn chia tay tạm biệt với một tâm tư nặng
chĩu, một suy cảm miên man.
|