SỐ 38 - THÁNG 4 NĂM 2008

 

Thơ

Thăm bạn
24nnguon
Chiến tranh và những câu hỏi
24Bùi Thạch Trường Sơn
Tháng tư xé tờ lịch cũ

24
Phạm Hồng Ân
Dũng khí

23
Tiểu Đĩnh
Bóng chinh phu
21Trần Việt Bắc
Một đi không trở lại
18
Huỳnh Kim Khanh
Em đã vì ta
18
Vinh Hồ
Thầm lặng
18
Hoàng Mai Phi
Đường xưa
18Tôn Thất Phú Sĩ
Có những sợi tình
18Kim Thành
Sen đêm Mũi Né
21
Đỗ Phong Châu
Tìm anh
21Ái Ưu Du
Thơ & Tượng: Tóc Mây
21TM - PTP - VHT
Hồ nghi
21Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Đứng giữa cơn bão rớt
14
Phạm Hồng Ân
Nơi chỉ xài bạc cắt
14Tầm Xuân
Giấc mơ hồi hương
14Phan Ngọc Danh
Giậu đổ bìm leo
14Cỏ Biển
Lan man quán café
13
Xuân Phương
Lục bà bà
14
Võ Thị Đồng Minh
Cũng đành
8Song Thao
Trực thăng lâm nạn
8Ái Ưu Du
Hành trình về với tuổi 20
8Hoàng Quốc Việt

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
4
Trần Việt Bắc
Thăng Long đại long mạch
4Vinh Hồ
Tổ quốc lâm nguy trước bá quyền Trung quốc
4Vinh Hồ
Sống thiện chết lành - Kỳ 11
4Ngô Văn Xuân
Thơ tuyệt mệnh Nguyễn Trung Trực
3Trần Ngọc Giang
Phiêu bạc
3Trần Ngọc Giang

Mộng còn say
3Đỗ Trường
Phiếm luận văn chương - Kỳ 5
3Huỳnh Kim Khanh
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 25
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (13,14,15)
1Ái Ưu Du
Thằng Nèm
1
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 32

1Huỳnh Kim Khanh


 

Giấc mơ hồi hương

 

Trước khi tắt đèn, như thường lệ, lão Năm vói tay ấn chiếc núm báo thức của chiếc đồng hồ trên đầu giường, rồi kéo chăn lên tận cổ, nằm nhìn những tia sáng còn sót lại bên kia khung cửa. Bên cạnh lão, bà Năm nằm quay người vào tường, hơi thở đều đặn. Căn phòng trở lại yên tĩnh như mọi đêm. Được chừng vài phút tiếng ngáy khò khè quen thuộc của bà Năm từ từ trỗi lên, rõ dần trong bầu không khí trầm mặc. Nhưng lão Năm không cách nào ru nổi giấc ngủ của lão. Trăn trở qua lại đôi ba lần, mắt lão vẫn ráo hoảnh, dán kín vào bóng tối trên trần nhà. Độ này lão có phần hơi khó ngủ, đầu óc hay suy nghĩ vẩn vơ. Ý định về hưu lúc nào cũng lởn vởn trong lòng lão. Nghỉ hưu xong lão sẽ về quê, sống một đời bình thản bên cạnh vườn rau, bờ ao, vách giếng. Rồi lão sẽ nuôi một bầy gà, rồi chơi đàn, viết truyện, làm thơ. Mỗi sáng sớm lão sẽ đi bơi ngoài bờ biển Hòn Chồng. Về nhà lão sẽ nằm trên cái võng treo giữa hai thân dừa, nghe cải lương hay nhạc dân tộc trên đài phát thanh nhà nước. Nhưng nhất là lão sẽ thực hiện giấc mộng đi xem những thắng cảnh của quê hương mà thuở xưa khi còn chiến tranh lão vẫn hằng mơ ước.

Đó là giấc mơ nhỏ nhoi, nung nấu trong lòng lão ngay từ thuở mới đặt chân lên tới xứ người. Mà nói nào ngay lão cũng có thể thực hiện được giấc mơ như ý lão mong muốn, nếu không vì...

oOo

Tàu bay hạ cánh, chạm đất rồi từ từ tiến vào trạm. Tim lão đập nhanh hơn thường lệ; lão vừa xốn xang vừa cảm thấy như mình trẻ hẳn lại năm mười tuổi. “Để người ta đi ra đã, ông đứng lên làm gì!” – Bà Năm, ngồi bên cạnh lão, níu tay chồng. Vì bị lãng tai nặng, lão chẳng nghe nên vẫn rướn người, định vói lấy cái túi xách trên đầu. Cô chiêu đãi viên từ đằng sau bước vội tới, ấn vai lão, yêu cầu ngồi xuống. “Tôi hồi hộp quá, bà ạ!” Lão nóng lòng, ngồi đứng không yên. Trong khi đó bà Năm vẫn thản nhiên nhìn ra khung cửa sổ, “Chẳng biết bây giờ tụi nó đang làm gì?” Lão điềm nhiên trả lời, “Thì tụi nó đợi xe ra đón để hướng dẫn đem vào trạm chứ làm gì!” Bà cải chính, “Không, tôi nói hai đứa nó kìa... Bây giờ là mấy giờ bên Cali hả ông?” Lão Năm quay lại nhìn vợ, vừa ngạc nhiên vừa thương hại.

Khi đèn báo vừa tắt, mọi người vội vã đứng lên, ùn ùn kéo về phía cánh cửa. Lão nhích lên từng bước rồi từng bước, tay ôm túi xách, miệng không ngừng hối thúc vợ lão. Ra khỏi tàu bay, giang rộng hai tay, hít một hơi đầy phổi, lão lầm bầm, “Thôi, từ nay thoát nợ, giã từ cái thế giới văn minh mà lắm khi rỗng tuếch!”

Trên đường về Phú nhuận lão mải nhìn hàng quán bên đường mà không để ý gì đến vợ lão đang úp mặt vào hai bàn tay. Khi taxi ngừng trước cửa nhà người bà con, lão quay lại thấy hai mắt vợ lão đỏ hoe với giọt nước đang lăn dài trên má. Lão trấn an, “Thôi, bà đừng xúc động quá người ta để ý. Chuyện đâu còn có đó!”

Dạo này trời Sài gòn vừa nóng lại vừa oi bức. Đã vậy, chiều nào cũng mưa. Mưa gì mà mưa ngược đời, trời đang khô ráo quang đãng chợt ào ào như trời sập, trút xuống như người ta tạt thau nước qua bên vệ đường. Người sống ở ngoại quốc khi về tới Sài gòn hay bị cảm sốt là vì vậy.

Lão nhớ từ khi lập gia đình, lão đã bao lần tâm sự cùng vợ là khi nào xong việc lão sẽ về quê sống cuối đời ở đấy. Chẳng bao giờ bà phản đối lấy nửa lời. Bà thừa biết từ bao nhiêu năm nay xác lão ở một nơi nhưng hồn lão ở một chỗ khác. Thương chồng, bà cũng định như vậy, vả lại quê lão cũng là quê của bà, chỉ cách nhau một thôi đường. Vì thế vợ chồng bà có biết bao nhiêu kỉ niệm êm đềm với nhau, từ thuở tóc còn để chỏm, mang quần thủng đít, cho đến lúc lấy nhau rồi sau này vượt biên. Nhưng nào ngờ sau khi có hai mặt con bà thấy lòng mình thay đổi. Bà chỉ muốn lẩn quẩn bên tụi nó, đi đâu cũng nhớ con. Bà ngấm ngầm thuyết phục lão từ bỏ ý định về quê sinh sống. Gì thì gì, chứ chuyện “sống đời sống kiếp bên xứ người ta” lão không chấp nhận được. Quê hương lão, tuy có nghèo có cơ cực, nhưng lão đã nhất quyết là phải về, phải về thôi.

Hơn tuần sau đó vợ chồng lão ra ga, đi chuyến tàu đêm. Gió ngoại thành về khuya mát rượi. Tiếng rè rè của chiếc máy lạnh làm giảm bớt tiếng sình sịch của đoàn tàu hỏa. Quá nửa đêm, khi ánh trăng chiếu qua cửa sổ, lão vươn mình ngồi dậy ngắm trăng. Xa xa tận cuối chân núi, xóm làng khi ẩn khi hiện dưới ánh trăng vàng vọt, mờ mờ ảo ảo. Lão định đánh thức vợ dậy xem cảnh nhưng lòng lão lại nhói lên một nỗi niềm khó tả. Biết bà ấy có cảm thấy cái đẹp của đồng quê cỏ nội dưới ánh trăng rằm như lão hay không! Cứ thế lão ngồi yên, lặng nhìn cảnh vật trôi dạt qua trước mắt. Chợt còi tàu hụ lên mấy tiếng inh ỏi, “Tàu sắp đến ga Nha Trang, xin bà con chuẩn bị hành lý. Tàu chỉ ngừng lại năm phút.”

Đến bến vợ chồng lão Năm đón xe về cầu Xóm Bóng. Khuất sâu sau một rặng dừa có căn nhà nhỏ bé lão đã hỏi thuê từ tháng trước, nằm sát bên bờ sông Cái. Chiều chiều gió sông thổi vào, vừa mát lại vừa thoang thoảng mùi biển mặn.

Sáng sớm hôm sau, khi tiếng gà gáy đầu tiên vọng về từ cuối thôn, lão Năm đã thức giấc. Vợ chồng lão đạp xe xuống bến Hòn Chồng tắm. Nước ấm mà trong vắt. Lão tưởng mình là người đầu tiên dưới bến, nào ngờ tới nơi đã thấy hàng trăm người, già có trẻ có, nào bơi nào đánh cầu, chạy nhảy dọc suốt bờ biển. Khi mặt trời đã lên khỏi mặt nước khoảng sải tay, mọi người lại lững thững ra về. Vợ chồng lão đạp xe dọc đường Trần Phú, gần đến bãi dương liền ghé vào một quán nước bên đường, vừa ăn sáng vừa nhìn mặt biển, lăn tăn gợn sóng. Hoa phượng đỏ ối rơi dọc vỉa hè. Vợ chồng lão ngồi uống cà phê cả tiếng đồng hồ mà chẳng nói với nhau lấy một lời. Mỗi người một ý tưởng, một tâm trạng. Xa xa ở cuối chân trời, mấy hòn đảo nằm theo hình cánh cung, bao bọc gần trọn bãi biển. “Bà nhìn kìa, có phải Hòn Tằm đó không?” Lão Năm hỏi mà như thể nói một mình. “Phía đó là Hòn Mun hay Hòn Sẻ chứ chẳng sai... tôi còn nhớ mà!” Bà Năm chỉ nhìn, không nói. Hòa  lẫn với tiếng sóng đổ ập rồi liếm dần vào bờ cát là tiếng đàn réo rắt của Vô Thường từ một gốc cây, “Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày...”

Một lúc sau lão cố gợi chuyện, “Bà không nhớ à, hồi mới quen bà, tôi có đưa bà qua chơi bên đó, phải không?” Bà Năm chỉ gật đầu cho lấy lệ, mắt bà nhìn mọi vật như nhìn tờ giấy trắng. Khi mặt trời đứng bóng, vợ chồng lão ra về. Đường phố trưa hè vắng hẳn lại, chỉ lác đác dăm ba người cong lưng, đạp xe đạp với vẻ vội vàng. Dưới những gốc phượng, gốc me, vài ông đạp xích lô nằm nhoài người ra ngủ, che mặt dưới tờ nhật trình và tay quạt phe phẩy.
Chờ đến xế chiều, khi nắng đã bớt gắt, lão mượn chiếc xe gắn máy chở vợ đi thăm tượng Phật chùa Long Sơn. Đứng dưới chân tượng lão chợt nói, “Bà có nhớ thuở xưa cũng ở chỗ này, bà đã thề thốt rằng nếu lấy được nhau bà sẽ không bao giờ bỏ tôi không?” Rồi lão thản nhiên ngắt một bông hoa sứ, cành trắng nhụy vàng, đưa lên mũi hít một hơi dài rồi ép vào tay bà. “Bà còn thề nhiều thứ nữa, tôi không nhớ hết!” Nghe vậy bà Năm mỉm cười, nhưng khuôn mặt bà vẫn một nỗi u sầu, ảm đạm. Không thấy bà nói gì, lão cầm tay bà, “Thôi, mình vào chùa thắp một nén hương đi bà!” Mấy thằng bé con trông thấy hai ông bà cụ cầm tay nhau, trố mắt ngạc nhiên. Chúng vừa chạy vừa hò hét sau lưng vợ chồng lão, “Chắc là Việt kiều chúng mày ơi!” Có con bé bạo dạn hơn, “Già mà còn cầm tay... lêu lêu...”
Trên đường về, vợ chồng lão Năm ghé vào ngã ba Suối Tiên. Bao nhiêu kỉ niệm thời thơ ấu trở về với lão như mới xảy ra hôm qua. Lão cố tìm cho được quán Viễn Du. Lão nói, “Bà còn nhớ quán Viễn Du không hở bà?” Chẳng nghe tiếng trả lời, lão nói tiếp, “Gớm, tôi còn nhớ, hồi đó mỗi lần đến đây bao giờ bà cũng làm một hơi ba đĩa bánh cuốn. Mới ‘bồ bịch’ mà bà chẳng ý tứ gì cả! Bây giờ mà vào quán, sức bà làm được mấy đĩa?” Bà Năm chỉ cười, “Con gái mới lớn... tránh sao được!” Nhưng tìm mãi chẳng thấy quán đâu cả. Hỏi người bên vệ đường, họ bảo quán đã đóng cửa từ hồi giải phóng, nghe nói để vượt biên. Có lẽ chủ quán đã định tâm như vậy nên đặt tên Viễn Du từ lúc mới mở để nhắc chừng.

Thế là từ đấy, ngày nào lão cũng chở vợ đi thăm những thắng cảnh quê hương của vợ chồng lão. Có lần ra tới Đại Lãnh, Vũng Rô, hoặc vào tới Ba Ngòi, Cam Ranh. Lão nói, “Bà nó ạ, quê hương mình có biết bao nhiêu là danh lam thắng cảnh. Nội có Nha Trang không là đã mất cả tháng mới xem hết. Rồi đến đồi núi trên cao nguyên, sông lạch dưới lục tỉnh, chưa kể đến ngoài bắc với biết bao nhiêu di tích lịch sử, phong cảnh hữu tình. Bây giờ còn mạnh khỏe tay chân, không đi cho biết, đến khi ngồi xe lăn thì trễ mất rồi. Vả lại, đẹp hay không là tùy vào cái tâm của mình. Quê hương nơi mình sinh trưởng bao giờ cũng đẹp hơn cả. Còn thắng cảnh xứ người ta, dẫu có đẹp cách nào thì cũng chỉ như xem ti vi mà thôi...” Trong khi lão huyên thuyên, ca ngợi cái hay cái đẹp của quê hương nơi vợ chồng lão sinh ra, lớn lên, rồi phải từ bỏ để vượt biên, bà Năm chẳng nói một lời. Bà chỉ nhìn vẩn vơ ra đầu ngỏ. Theo hướng bà nhìn, lão thấy một bầy gà con đang quấn quít nô đùa bên cạnh con gà mẹ. Có con cỡi trên lưng, có con chui rúc vào cánh, và có con mò mẫm kiếm ăn một mình, nhưng lang thang chưa được sải tay thì đã chạy trở về.

Được hơn ba tuần bà Năm trở bệnh. Người bà khô héo dần, rồi sốt liên miên, tóc rối bù trông thật thảm não. Bác sĩ cho thuốc, bảo là cần tĩnh dưỡng một thời gian là khỏe, chẳng có gì phải lo. Lão cũng hy vọng như thế. Hằng ngày lão đi mướn sách, truyện về đọc cho vợ nghe, rồi thuê phim cho vợ xem. Lẩn quẩn bên cạnh giường vợ ngày này qua ngày khác nhưng lão không biết chán nản hay mỏi mệt. Hết sách hết phim lão lại kể cho bà nghe những kỉ niệm thưở trước, khi hai ông bà mới quen nhau. Nào là ăn kem tận trên nhà thờ chánh tòa, chơi trốn bắt ở tháp chàm hay lặn lội bắt ốc ở vịnh Vân Phong. Trong hơi thở nhọc mệt bà Năm vẫn lắng nghe cái tiếng thầm thì, nhỏ giọt của lão. Nhiều lần, bà nằm quay vào tường, chẳng biết còn thức hay ngủ, nhưng lão vẫn kể, vẫn nói đều đều như cái máy radio quên tắt. Bao nhiêu kỉ niệm từ khi lão mới quen bà, lão còn nhớ hết thảy, hay có khi lão pha chế ra, rồi lão kể cho bà nghe, cứ y như thật. Chốc chốc, lão lại đưa tay áp vào trán vợ, xem bà có bớt được phần nào không.

Đêm khuya hôm ấy, khi bóng trăng đã bò qua quá sân, lão nghe như có tiếng thở dài mỏi mệt của vợ lão. Lòng lão xót xa, ân hận, nhưng biết làm sao! Ngoài sân gió đêm vẫn thổi nhẹ qua mấy tàu lá dừa nghe xào xạc như những gợn sóng tắp vào bờ sông. Xa xa tiếng mái chèo đập vào mạn thuyền của bọn câu đêm vọng về nghe đến buồn não nuột. Lão ngẫm nghĩ, có thể nào vì nhớ con mà vợ lão héo mòn đến chẳng còn muốn sống? Cũng phải để cho thuyền tách bến, cho chim lìa đàn chứ! Trong bóng tối bao la tịch mịch, tiếng rền rĩ của côn trùng hòa lẫn với tiếng gió gào từ bến sông lên, lão nằm yên như cố soi suốt tâm can của lão. Mãi đến gần sáng, khi thấy bà Năm sốt nặng hơn, đầu nóng như lửa, lão khẽ xoay mặt vợ áp sát vào với mặt mình, “Bà ạ, tôi tính rồi.” Bà Năm vẫn nửa tỉnh nửa mê, hơi thở có phần đứt đoạn. Ngập ngừng, lão nói khẽ vào tai vợ, “Bà nó ạ, thôi mình về bên đấy đi. Bà sống không có tụi nó không được, mà tôi sống không có bà thì biết sống có nổi không!”

Trong hơi thở nặng nề cùng chút ít hơi sức còn lại, bà Năm vói tay ôm lấy đầu chồng, áp sát vào mặt mình. Bên kia sông có tiếng gà gáy sáng, báo hiệu cho buổi bình mình của một ngày mới.

Khi mặt trời vừa lên tới đầu ngọn tre, bà Năm đã bớt sốt. Bà ngồi dậy, nhờ lão đưa cho miếng nước. Chiều đến bà bước ra sân, vươn vai hít thở, trên môi đã thấy nở một nụ cười, thơ thới như ánh nắng vàng rộ lên sau một cơn mưa lớn.

oOo

Vừa lúc ấy chiếc đồng hồ reo lên vài tiếng báo thức. Choàng tỉnh dậy lão Năm theo thói quen vói tay tắt ngay nó. Nghe động, bà Năm thức giấc, xoay người ôm lấy lão như sợ lão đứng lên, sửa soạn đi làm như thường lệ. Nhưng lần này lão chẳng đứng dậy mà lại nằm yên bất động. Một hồi sau, ngạc nhiên bà Năm hỏi, “Ông tính nghỉ bữa nay hay sao?”

Chẳng nghe tiếng trả lời, bà xoay người, nhìn thấy nét mặt lão có phần cau có, “Ông làm sao đấy?”
Lão chợt thở dài, “Bây giờ là mấy giờ ở... Nha Trang hả bà?”

Phan Ngọc Danh