SỐ 38 - THÁNG 4 NĂM 2008

 

Thơ

Thăm bạn
24nnguon
Chiến tranh và những câu hỏi
24Bùi Thạch Trường Sơn
Tháng tư xé tờ lịch cũ

24
Phạm Hồng Ân
Dũng khí

23
Tiểu Đĩnh
Bóng chinh phu
21Trần Việt Bắc
Một đi không trở lại
18
Huỳnh Kim Khanh
Em đã vì ta
18
Vinh Hồ
Thầm lặng
18
Hoàng Mai Phi
Đường xưa
18Tôn Thất Phú Sĩ
Có những sợi tình
18Kim Thành
Sen đêm Mũi Né
21
Đỗ Phong Châu
Tìm anh
21Ái Ưu Du
Thơ & Tượng: Tóc Mây
21TM - PTP - VHT
Hồ nghi
21Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Đứng giữa cơn bão rớt
14
Phạm Hồng Ân
Nơi chỉ xài bạc cắt
14Tầm Xuân
Giấc mơ hồi hương
14Phan Ngọc Danh
Giậu đổ bìm leo
14Cỏ Biển
Lan man quán café
13
Xuân Phương
Lục bà bà
14
Võ Thị Đồng Minh
Cũng đành
8Song Thao
Trực thăng lâm nạn
8Ái Ưu Du
Hành trình về với tuổi 20
8Hoàng Quốc Việt

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
4
Trần Việt Bắc
Thăng Long đại long mạch
4Vinh Hồ
Tổ quốc lâm nguy trước bá quyền Trung quốc
4Vinh Hồ
Sống thiện chết lành - Kỳ 11
4Ngô Văn Xuân
Thơ tuyệt mệnh Nguyễn Trung Trực
3Trần Ngọc Giang
Phiêu bạc
3Trần Ngọc Giang

Mộng còn say
3Đỗ Trường
Phiếm luận văn chương - Kỳ 5
3Huỳnh Kim Khanh
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 25
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (13,14,15)
1Ái Ưu Du
Thằng Nèm
1
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 32

1Huỳnh Kim Khanh


 

Giậu đổ bìm leo

 

Cái hàng rào xây bằng gạch cao phía trên có gắn những mảnh sành vỡ chạy dài suốt từ đầu đường đến cuối con hẻm cụt, khoảng giữa bức tường bị sụp một mảng lớn, dấu vết là đống gạch vụn vẫn còn nghe nói là do chiếc xe tải chở hàng hóa kiểm kê kho hàng khi nhà nước Cộng sản tiếp quản đụng vào, năm tháng trôi qua có lẽ vì “ cha chung không ai khóc “ nên không thấy cho sửa sang, vả lại cái kho hàng đồ sộ của hãng dược phẩm danh tiếng lớn nhất nhì nước trước kia giờ chỉ còn cái vỏ là những dãy nhà trống rỗng trơ gan với nắng mưa, cây cối bên trong cũng cùng số phận, nếu không tàn lụi thì cũng mọc ngả nghiêng xơ xác, đám cỏ dại và dây bìm bìm thừa cơ hội được nước vênh váo lấn chiếm có mặt khắp nơi. Cái hàng rào cao chớn chở ngày xưa ngăn cách cặp mắt của những kẻ trộm cắp, gian manh chúng chỉ biết thập thò lấp ló phía dưới bên ngoài, bây giờ bị đám dây bìm bìm mọc tràn lấp che khuất. Từ ngày khoảng tường bị sụp chỉ cần qua một mùa mưa là lũ bìm bìm có mặt bò ngang dọc đống gạch, thấy không ai ngó ngàng chúng thừa thắng xông lên lan tràn dầy đặc từ trên trông xuống, từ ngoài vào trong bây giờ người ta chỉ còn nhìn thấy cái hàng rào bìm bìm xanh mướt bất kể mùa mưa hay nắng. Dù vậy qua những khe hở của đám lá dầy đặc nếu nhìn kỹ người ta vẫn nhìn thấy dấu vết của bức tường bám đầy rêu mốc, nó vẫn cố gắng tồn tại cho dù bị đám dây mọc hoang đè nặng chờ đợi một ngày nào đó có bàn tay con người dọn dẹp trả lại gương mặt cũ và nhiệm vụ hiên ngang thuở trước.   

oOo

Nắng như đổ lửa, gió thỉnh thoảng thổi những đợt nóng lẩn quẩn trong không gian khiến không khí trở nên ngột ngạt, oi bức. Chịu không nỗi cái nóng trong phòng tôi lần bước xuống cầu thang ra ngoài sau bữa ăn trưa, cái quán nước nghèo nàn nằm nép dưới tường rào có dây bìm bìm được che chắn thêm bằng mấy tấm vải bạt cũ nên trông có vẻ mát mẻ còn hơn là ngồi trong phòng với bốn bức vách hầm hập nóng. Công ty tôi làm việc nằm đối diện với kho hàng, tuy không hoạt động nhưng xí nghiệp dược bên kia vẫn đặt một nhân viên bảo vệ ngày đêm, để tiện cho sinh hoạt người này mang cả gia đình vợ con đến trú ngụ, bà vợ và mấy đứa con mở cái quán nước bán cho công nhân viên xí nghiệp và tổ hợp chung quanh. Quán nước lèo tèo dăm ba chai nước ngọt đặt quanh cái thùng bằng kiếng hình chữ nhật trong có tảng nước đá, phía trên đặt những miếng thơm, đu đủ xẻ sẵn, chèn chung quanh là những trái cóc, ổi cũng gọt sẵn. Bên ngoài thùng kiếng mấy hủ chai lọ đựng bánh kẹo, vài xâu bánh ú, bánh tét, kèm mấy nải chuối già thứ trái cây đặc trưng không thể thiếu của một quán nước bình dân, buổi sáng có bán thêm cà phê, thứ cà phê rang pha bắp xay nhưng cũng chỉ để mấy tay chạy vật tư mời mọc mấy cán bộ trưởng phòng để xin duyệt chi cho dễ, chứ đa số chỉ uống trà đá là tiêu chuẩn.

Mới đó mà đã gần chín năm, thời buổi của ngăn sông cấm chợ đã qua, bây giờ nhà nước không còn bao cấp nữa mà là thời của giá, lương, tiền ; là bù giá vào lương cho dù hết nghị quyết này đến nghị quyết sửa sai khác, đồng lương công nhân viên cũng chỉ đủ ăn chuối và uống trà đá. Các thứ trái cây bày trong tủ kính là “ mặt hàng cao cấp “ mỗi ngày dành cho những công nhân viên giống như tôi những người đi làm chỉ để giữ cái hộ khẩu chờ lãnh tiền, quà và giấy bảo lãnh của nước ngoài. Thấy tôi xuống bà Tư chủ quán nước đon đả kéo ghế mời khách ruột của quán và giới thiệu :

- Ngồi đi cô, hôm nay có mận Trung lương ngọt lắm, thơm Bến lức cũng vậy.

Thói quen “ tiểu tư sản “ của tôi trở lại từ ngày gia đình tôi dễ thở nhờ nhận tiền quà nước ngoài gửi về tiếp tế, buổi trưa nào tôi cũng xuống ăn thứ ưa thích của mình là trái cây ướp lạnh. Nhìn chung quanh tôi buông câu bâng quơ :

- Bữa nay sao quán ít người vậy Dì Tư.
- Họ mới vừa ngồi đây nghe nói kéo nhau đi đâu đó cô ơi,

Quy định làm việc ngày tám tiếng chỉ có ở các phân xưởng sản xuất và trên mặt giấy tờ, những nhân viên văn phòng như bọn tôi thực tế làm việc không được nửa ngày. Thời giờ buổi sáng lòng vòng ngoài chợ ăn sáng, mua bó rau miếng thịt để chiều về làm cơm. Buổi trưa nghỉ một giờ ăn cơm nhưng ngồi quán nước thêm tiếng nữa. Trong giỏ xách tôi mỗi ngày đều có một quyển truyện để đọc khi rỗi rảnh bởi trong khi các nhân viên khác la cà họp nhau tán gẫu tôi lại không thích. Công việc hàng ngày của tôi chỉ cần làm một giờ là xong, mỗi đầu tháng và giữa tháng trước kỳ phát lương tôi chỉ mất khoảng ba ngày cho việc tính toán lương của gần bốn trăm công nhân sau khi kiểm tra các bảng giao nộp sản phẩm từ thống kê phân xưởng gởi về. Mỗi ba tháng chỉ bận rộn vài ngày cho việc báo cáo cuối quý và cuối năm mới bận rộn cả tuần cho việc nộp số liệu duyệt kế hoạch và làm thêm bảng thanh toán tiền thưởng cho những ai đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Công việc nhàn nhã như vậy ngày ngày nếu không đọc sách tôi chẳng biết phải làm gì, thị trường bây giờ chỉ còn độc nhất một loại sách ca tụng phe xã hội chủ nghĩa nội dung lúc nào cũng kêu gào đấu tranh và thắng lợi một chiều, nhưng đối với những ai đã từng sống với hai chế độ người ta càng đọc càng phản cảm với những gì được viết bởi so sánh thực tế khác xa nếu không nói là ngược lại. Nó chỉ tuyên truyền mê hoặc được những người chưa bao giờ sống một ngày hay một giờ với chế độ và con người Cộng sản, vì vậy chẳng ai lấy làm lạ khi thỉnh thoảng nghe được những lời bênh vực Cộng sản thốt ra từ cửa miệng một nhà trí thức đi du học hoặc những người vỗ ngực tự xưng mình là người đã từng cầm súng chiến đấu chống Cộng bởi họ đã “ cao chạy, xa bay “ từ ngày đầu của Tháng Tư oan nghiệt.

 Ngồi ghé xuống mép bàn chờ chủ quán gọt miếng đu đủ tôi nghe tiếng nỉ non nho nhỏ của hai ông cháu ngồi cái bàn ngoài cùng sát vách rào :

- Ông ơi !! Con đói bụng.
- Chờ chút nữa đi con, ông chở con về nhà ăn cơm.

Giọng ông già dỗ dành, đứa cháu gái chừng tám chín tuổi phụng phịu ;

- Sao chờ gì mà lâu quá vậy ông ? Con muốn dìa liền hà !

Quay nghiêng đầu nhìn hai ông cháu đang ngồi dựa nhau trên chiếc ghế đẩu thấp, trước mặt là cái ly và một ấm trà chắc đã cạn hết nước, nhận ra ông già ban sáng là người khách ngồi trong phòng giám đốc khi tôi mang bảng báo cáo tổng quỹ tiền lương qua xin chữ ký để mang nộp theo thường lệ, lúc ấy tôi nghe ông nói với người khách cầm tờ giấy xin tạm ứng ông đã ký chấp thuận sang phòng kế toán để nhận tiền. Ngạc nhiên vì đến giờ vẫn còn gặp ông già ngồi ỏ đây chờ nên tôi hỏi :

- Ủa bác chưa về sao ?
- Dạ chưa lãnh được tiền,
- Ban sáng bác đã viết giấy xin tạm ứng được Giám đốc duyệt chi rồi mà.
- Dạ bị chờ cô thư ký viết phiếu chi tạm ứng, chờ cổ viết xong đem qua trình ký thì ông giám đốc đi rồi nên tôi phải chờ tới giờ này.

Tôi chắc lưỡi :

- Chà chà, chờ ổng thì biết tới chừng nào !
- Dạ hy vọng đầu giờ trưa ổng quay về.

Tôi thầm nghĩ “ tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống “ xí nghiệp có đồng nào là trăm thứ chi ra, các tổ sản xuất thuộc ngành quản lý nếu không có “ tay trong “ của phòng kế toán báo tin khi nào tiền quỹ được lãnh từ ngân hàng về để “ chụp giựt “ xin thanh toán ngay thì phải chầu chực cả ngày, có khi phải về tay không, hoặc đợi mấy ngày sau mới có.

Nhìn con bé nép bên ông già trố mắt nhìn tôi, cái quần ny lon đen trổ màu đo đỏ cho thấy vẻ nghèo nàn mặc dù ông già thì ăn mặc tươm tất hơn khi có việc phải bước vào cơ quan thuộc nhà nước quản lý. Bộ quần áo sạch sẽ phẳng phiu nhưng toàn là thứ vải cũ may trước cả vài chục năm, dáng ông gầy gò nhưng không đen đủi, tóc bạc gần hết, gương mặt nhăn nheo với cặp kính lão nên người nhìn có thể đoán được tuổi ông khoảng trên sáu mươi, khi nói chuyện tôi thấy ông hay bắt đầu câu bằng chữ “ dạ thưa “ cho thấy ông lễ phép quá mức và không phải là người vô học, tôi nói :

- Cháu đáng tuổi con của bác, bác đừng dạ thưa làm cháu tổn thọ.

Nhìn đống lá chuối vứt dưới đất tôi đoán cả hai cầm hơi cho buổi ăn trưa bằng cái bánh ú, bánh tét nhỏ xíu, đưa mắt ra hiệu cho dì Tư gọt thêm một dĩa đu đủ tôi mời ông già, ông từ chối nhưng đôi mắt đứa cháu lại lộ vẻ thèm thuồng.
Tôi nói với ông già :

- Bác cho phép con bé nó ăn kẻo hết lạnh.

Vừa ăn tôi vừa hỏi thăm ông già và được biết ông là thầy dạy nghề ngày xưa của chú Hai Ích tổ trưởng phân xưởng sơn mài, do cao tuổi nên đã giải nghệ từ trước bảy lăm, nay vì kinh tế gia đình khó khăn nên phải làm việc kiếm thêm tiền chi dùng, tôi tò mò hỏi :

- Có phải bác là nghệ nhân làm bộ tranh sơn mài Săn sâm cầm cho giám đốc.
- Dạ phải rồi cô
- Sâm cầm là con gì vậy bác ?
- Nó là một loại vịt trời thôi nhưng chỉ có ở phía Bắc, loại vịt này nghe nói rất quý vì nó sống đâu đó ở miền đất băng giá của trái đất, khi mùa đông tới thì lũ lượt bay về phương nam, vượt đại dương, băng qua đồi núi của nhiều nước, một trong các trạm dừng chân của chúng là ở Việt Nam, chúng thường ghé đậu quanh hồ Tây, hồ Bảy mẫu và hồ sen hoàng thành Huế.
- Ủa sao bác không làm tranh với đề tài săn voi hay săn cọp đúng hơn ?
- Trước bảy lăm tôi có làm nhiều tranh sơn mài, trong đó có bức săn le le ở Huế cho một ông người Pháp. Bây giờ theo đề tài này xí nghiệp muốn tôi làm bức tranh giống như vậy. Bộ tranh phải lớn hơn là loại tứ bình bề cao một tấm phải là hai thước, tám tấc ngang.

Tôi lẩm bẩm tính ;

- Vị chi bức tranh hình chữ nhật, cao hai mét, dài ba mét hai. Vậy là choán gần hết bức tường rồi. Nhưng hình như tên không phải là săn le le, sâm cầm hay le le thì cũng là vịt trời như nhau thôi.
- Sâm cầm là loài chim quý, ngày xưa thịt nó chỉ dành để tiến cống cho bậc vua chúa dùng, người Hà nội thường gọi loài vịt trời này là sâm cầm.
- Vậy là bác phải ra ngoài đó vẽ cảnh thực tế trước khi làm.
- Dạ không cần đâu cô vì mấy năm trước tôi có ra Bắc thăm nuôi con ngoài đó nên có biết, với lại sơn mài có thể lấy từ hình chụp vẽ lại.

 Tôi gặp ông già nghệ nhân lần nữa hôm ông lên phòng kế toán xin tạm ứng thêm, vừa từ phân xưởng sản xuất trở về bước vào phòng thấy ông đang đứng xớ rớ chờ trước bàn nhỏ Hồ Loan là kế toán thanh toán tôi kéo ghế mời ông :

- Bác ngồi đỡ trong khi chờ cô ấy đi trình ký trở lại,

Sau khi lãnh được tiền ông già cám ơn mọi người quay mặt đi ra cửa tấm lưng còng xuống vì tuổi tác, dáng ông vừa khuất sau khung cửa con nhỏ Hồ Loan liền bĩu môi cằn nhằn :

- Ông già Trạch này tối ngày cứ xin tạm ứng, ba tháng rồi chưa thấy làm xong.

Tôi nhắc khéo :

- Loan quên làm sơn mài nếu phải đầy đủ các công đoạn bắt buộc phải mất ít nhất từ sáu tháng trở đi sao ?

Vẫn với giọng trịch thượng con nhỏ hăm he :

- Lần tới mà không giao nộp sản phẩm thì đừng hòng được chi thanh toán thêm.

Chỉ nhỏ hơn tôi bốn năm tuổi nhưng Loan là một điển hình của những người trẻ được chế độ tin dùng, nghe nói cô ta xuất thân từ sinh hoạt phường khóm rồi thoát ly tham gia các chiến dịch kiểm kê đánh tư sản trước khi được đào tạo lớp sơ cấp kế toán, hiện là đoàn viên chi đoàn thanh niên của công ty, đang phấn đấu để được đề bạt đi học bồi dưỡng cảm tình đảng, con đường tiến đến ghế bí thư chi đoàn thanh niên. Chế độ Cộng sản có đường lối tuyên truyền trong giới trẻ rất hiệu quả, họ biết tuổi trẻ bao giờ cũng đầy ắp nhiệt huyết nên những chính trị viên lúc nào cũng ve vuốt đề cao, ca tụng thổi phồng bốc tận mây xanh những hành động bình thường của một cá nhân, tạo ảo giác sinh ra ngộ nhận đó là hành động phi thường của một anh hùng, chỉ có ta, mình ta là nhân vật quan trọng, được nhận lãnh trách nhiệm xung phong đi đầu trong các công tác khó khăn là một vinh dự hiếm có để từ đó điên cuồng hy sinh cho chủ nghĩa.Những ngày đầu mất nước không ít những bậc làm cha mẹ giơ tay kêu trời bởi những đứa con ngoan trong gia đình bỗng chốc trở thành mất dạy, lì lợm. Sau giờ học ở trường cơm nước xong không thấy siêng năng học bài hay giúp đỡ cha mẹ trong công việc nhà, cả đám nam nữ chỉ tụm năm, tụm ba hát hò, tán gẫu ở Phường, khóm đến nửa đêm, có rầy rà thì chúng bảo đi sinh hoạt, đi họp thanh niên với các anh chị phụ trách, đã vậy gặp những đứa quá ham vui nếu được tuyển chọn làm nòng cốt thì hăng hái thoát ly luôn cả gia đình mang theo quần áo ăn ngủ luôn tại phường để tiện công tác cho đội, đoàn !Nếu ai ngăn cản sẽ bị xếp vào thành phần lạc hậu chậm tiến bộ, nặng hơn thì chống lại chế độ, là phản động, thế là cha mẹ đành bấm bụng thở dài bởi chả ai thích thú khi nghe những đứa con nít đáng tuổi con cháu đến nhà lấy cớ “ động viên tinh thần “ “ giáo dục chính trị “ để lải nhải dạy đời mà không làm gì được chúng !.

 Cuối cùng thì cũng đến ngày ông Trạch giao nộp sản phẩm. Bức tranh thật to chiếm hết một góc tường, ai cũng tấm tắc khen đường nét điêu luyện tinh xảo, quả đúng là bậc thầy trong giới làm tranh. Ánh nắng chiều phảng phất trên nền đen bóng của màu sơn được phủ bằng lá vàng ửng sáng, bãi cỏ sát mép hồ một bầy chim đang đứng rỉa lông, vài con nhởn nhơ bay lên, đáp xuống trong cảnh yên ắng của buổi tà dương, trên trời bầy khác đang vỗ cánh bay về nơi xa tít, chúng không biết trên bờ sau lùm cây họng súng của thợ săn đang rình rập, dưới đất xác những con chim vấy máu nằm chết. Chỉ một bức tranh trong đó thể hiện đủ cảnh thơ mộng thời hòa bình, tàn bạo của chiến tranh và đau đớn với chết chóc.

Ông già bước vào phòng xin thanh toán hết chi phí cho việc sản xuất bức tranh, nhỏ Hồ Loan giẫy nẩy :

- Sao chỉ có giấy xin thanh toán viết tay mà không kèm theo chứng từ thanh toán.

Giọng ông Trạch nhỏ nhẹ nhưng không kém ngạc nhiên ;

- Chứng từ thanh toán, dạ thì đây là giấy tôi có viết đầy đủ lý do xin thanh toán hết số tiền còn lại.

Hồ Loan vẫn ong óng :

- Đã nói là không phải giấy này, đây là giấy duyệt chi, ông phải kèm theo chứng từ thanh toán.

Ông già lập cập đứng xích qua một bên, Hồ Loan khó chịu cằn nhằn ;

- Ông về lấy chứng từ đem tới đây để thu hồi công nợ tạm ứng rồi mới được thanh toán, làm mất thì giờ quá !!

Ông Trạch ngơ ngác một lúc muốn hỏi thêm nhưng con nhỏ quay sang người khác vồn vã nói chuyện và cầm lấy giấy duyệt chi của họ để viết phiếu.

Ông Trạch nhìn vào tờ giấy, nhìn quanh quẩn muốn nói gì đó nhưng không hiểu sao lại lắc đầu rồi bước đi. Tôi muốn giải thích cho ông nhưng công việc không thuộc phạm vi giải quyết của tôi nên lòng cảm thấy xốn xang, xếp vội đống giấy tờ đang làm dở trên bàn tôi đuổi theo ông.

Ra đến ngoài đường thấy bóng ông đi phía trước liêu xiêu như muốn té, dấn bước theo ông tới cái hàng rào bìm bìm cạnh quán nước tôi bắt kịp ông. Nắm tay ông già tôi mời ông ngồi xuống nói chuyện, nhìn ánh mắt mệt mỏi già nua tôi cảm được nỗi thất vọng vô bờ của một người bất lực. Ngồi bên cạnh nhưng tôi vẫn nghe tiếng thở dài từ lồng ngực còm cõi, nỗi đan đớn cố nén không để bật trào. Thò tay cầm mảnh giấy từ nãy giờ ông vẫn khư khư nắm chặt, tôi hỏi ông :

- Bác có chứng từ gì khác với giấy này nữa không ?

Ông chỉ chờ có thế kể lể với tôi câu được câu mất :

- Chứng từ thanh toán công nợ là cái gì ? Tôi mượn nợ hồi nào !…. mấy lần nọ là tiền ứng trước cho tôi dễ mua vật liệu làm tranh, số tiền đó chỉ vừa đủ mua xác mộc, vải tám ;…. sơn ta không bảo đảm cho màu sắc tôi phải mua sơn Nam vang mắc gấp đôi à chưa kể là lá vàng, lá bạc ! tiền công tôi trả cho mấy đứa nhỏ phụ việc mài thí còn chưa đủ nói gì đến tiền công của tôi trong bảy tháng nay ! Bây giờ giao tranh tôi xin công ty trả hết cho tôi sao nói tôi còn công nợ gì gì đó ?? ! Thú thật với cô tôi còn mấy đứa cháu phải nuôi ! Con trai, con rể đi cải tạo, ở tuổi tôi vì thương con cháu đành phải lăn vào công việc làm thuê cho nhà nước, chịu nhún nhường mọi thứ nín thở qua sông giữa thời “ giậu đổ bìm leo “ chỉ để giúp chúng kiếm dăm ký gạo sống qua ngày !

Chủ nghĩa xã hội khác với tư bản, câu “ nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý “ chỉ là câu nói suông từ cửa miệng, khẩu hiệu treo chung quanh, có người ngây thơ tưởng mình là dân thì có quyền quyết định sự việc, họ quên câu nhà nước quản lý đi kèm mới là cốt lõi, không phải chủ mà là quản lý mới có thực quyền, mấy cán bộ kiểm tra tài chánh nói một xu, một hào cũng phải có chứng từ thể hiện rõ ràng qua giấy mực, nhưng đó chỉ là để ứng dụng với công nhân là người được danh xưng làm chủ, chứ cán bộ là người thay mặt cho nhà nước để quản lý, nắm quyền hành trong tay thì tha hồ chi tiêu xà xẻo tiền bạc qua nhiều hình thức bất chấp nguyên tắc vì ăn chia từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao.!
Tôi nói với ông Trạch ;

- Kế toán bây giờ khác với hồi xưa thời tư bản nên bác thắc mắc hai chữ công nợ trong khi bác không hề mượn mà trái lại công ty còn thiếu tiền công của bác là phải rồi. Để cháu giải thích cho bác rõ, đối với những sản phẩm được làm ngoài kế hoạch như của bác khi chi tiền ứng trước cho bác để mua vật liệu ngoài chỉ là tạm chi, việc này có thể chia làm nhiều đợt trong khi chờ sản phẩm hoàn thành đem giao nộp. Sau khi nghiệm thu bác xin thanh toán tất cả chi phí cho công việc, muốn xin thanh toán số tiền công ty chưa trả hết bác phải có các chứng từ giải trình trong thời gian đã sử dụng bao nhiêu vật liệu, nếu những thứ này không do công ty cung cấp phải mua ngoài thì kèm theo chứng từ đã đi mua bao nhiêu, ở đâu, cộng thêm tiền thuê công thợ. Tất cả cộng lại thành tổng số chi phí làm ra bức tranh để xin giám đốc duyệt chi chính thức, từ số liệu này nhân viên kế toán trừ đi số tiền bác phải trả lại cho việc tạm chi các lần trước gọi là “ thanh toán công nợ “, số dư còn lại bao nhiêu bác sẽ được lãnh nốt, trường hợp khi trước chi nhiều hơn thì bác phải hoàn trả tiền lại cho quỹ. Cháu biết giải thích dài dòng như vậy chưa chắc bác hiểu hết, nhưng bác còn giữ những giấy tờ xác nhận hay hóa đơn khi đi mua hàng không ?

Có lẽ nhờ tôi giải thích nên giọng nói ông có vẽ bình tĩnh hơn :

- Làm gì có hóa đơn với giấy mua hàng ! Lúc đó bác đâu có biết chuyện này, vả lại tất cả đều đi mua ngoài. Gỗ xác mộc thì mua chui, sơn cũng vậy mua ở chợ trời làm gì có giấy tờ chứng nhận !

Tôi chắc lưỡi than thầm, vậy là khó cho bác rồi, cuối cùng tôi nghĩ ra một cách giúp bác Trạch ;

- Bây giờ chỉ còn cách này, bác giữ kỹ tờ duyệt chi tổng số tiền giám đốc đã ký này, về nhà bác cố nhớ lại thời gian qua đã mua bao nhiêu nguyên vật liệu, ở đâu. Bác nhờ nhiều người viết giùm ghi rõ số lượng và số tiền rồi ký tên vào. Đúng nguyên tắc là phải có hóa đơn nhưng thời buổi này mua chi cũng ngoài chợ trời mới có, cháu thấy mấy nhân viên chạy vật tư cho công ty họ cũng nộp mấy tờ giấy mua hàng nguệch ngoạc chữ viết tay thay vì hóa đơn của công ty vật tư nhà nước mà cũng được thanh toán. Cháu hy vọng con nhỏ Hồ Loan không làm khó dễ bác khi nhìn chứng từ mua hàng ngoài chợ trời.

Ông Trạch đứng dậy người nghiêng hẳn như muốn té khiến tôi phải nắm lấy tay ông, đọc thấy nỗi buồn đọng lại trong ánh mắt, cố nén tiếng nấc ông nói câu cảm ơn tôi rồi lủi thủi bước đi. Muốn nói với ông lời cảm thông vì hiểu được cảm giác của một người già bị một con bé xúc phạm nhưng mãi tôi không thốt được nên lời. Nước mắt tôi dâng lên và sống mũi cay cay khi nhớ đến thời gian đầu mấy năm sau ngày giải phóng.

Hồi ấy gia đình tôi lâm vào cảnh túng quẫn khó khăn, một mình ba tôi phải chạy gạo nuôi mười mấy người trong nhà, phương tiện sinh nhai còn lại là chiếc xe vận tải của gia đình cũng bị nhà nước quốc doanh vì vậy ba tôi phải tự tay cầm lái, em tôi phụ xế để nhận đồng lương chết đói của công nhân viên. Cũng như bao nhiêu người trên đường rong ruổi phải cố gắng kiếm thêm thu nhập ngoài lương, lúc ấy tiện đường tôi theo xe ba để thăm nuôi chồng vì anh mới vừa được chuyển trại lên Phước bình, Bà rá, khi xe nhận lệnh lên khu vực đó để chở tre lồ ô cho nhà máy giấy. Lượt về ngang qua ngã ba Đồng xoài một địa danh nổi tiếng với trận đánh ác liệt giờ là khu đất đỏ hoang hóa, khô khan cằn cỗi. Người dân thành phố bị lùa lên đây xây dựng khu kinh tế mới,trong thời gian phá rừng khai hoang mọi người phải đốt than, đốn củi chất bên vệ đường lén bán kiếm sống mặc dù một ngày chỉ có vài chuyến xe qua lại. Lần đó ba tôi mua nhiều hơn bình thường chỉ khoảng chục bó củi mỗi bó dài độ ba tấc, rộng hai gang tay, người bán lại nài nỉ ba tôi mua thêm hai bao than vì họ cần tiền để mua mấy viên thuốc sốt rét trị bịnh cho người nhà. Trên đường xe ghé vào trạm kiểm lâm trình giấy và xét xe như thường lệ, khi thấy nóc xe chất chục bó củi tên du kích sừng sộ và tịch thu tất cả, thực ra chẳng có quy định rõ ràng về việc này. Việc cho mang về hay không là do cảm tính vui buồn của trạm gác, nếu mua nhiều và chung chi tiền bạc cho họ thì bao nhiêu cũng qua lọt, nhưng trên đường đi mọc đầy trạm xét tiền đâu đáp ứng cho đủ. Thằng em út mười mấy tuổi cũng theo xe hôm đó vừa leo lên vứt củi xuống đất cằn nhằn tỏ vẻ bất mãn, tên kiểm lâm kêu em tôi lại chĩa súng và tát tay thằng nhỏ để thị uy với các xe khác về tội dám cãi lời cán bộ ! Ba tôi phải theo vào trạm gác năn nỉ hết lời, tên du kích ngày xưa giờ làm trưởng trạm ngồi bên trong mặt non choẹt quát tháo ba tôi :

- Cha già kia nói chuyện phải tháo kiếng xuống,

Ba tôi ngỡ ngàng không hiểu nhưng cũng lập cập gỡ cái kính trắng đang đeo ra rồi đứng nghe thằng oắt con dạy đời, lên án bọn trí thức tư sản, chỉ biết buôn bán làm giàu !! Trong đầu óc ngu dốt đầy thù hận chúng không phân biệt được đôi kính lão, kính trắng đeo mắt khác với những cặp kính mát mang đi dạo chơi. Vào những ngày đầu tiên đám bộ đội miền Bắc tràn vào thành phố, tên nào cũng tậu cặp kính tròng đen thui phản quang đeo lên và vênh mặt đi nghênh ngang giữa lòng phố xá ra cái điều ta đây mới là người văn minh, lịch sự ! Khi ba tôi trở ra tôi thấy trong đôi mắt già nua mệt mỏi của ông nhũng nước dường như sắp sửa trào ra, rơi xuống đôi gò má nhăn nheo. Nắm chặt tay thằng em lớn tôi kéo ghì nó ngoài xe sợ nó nổi hung khi thấy ba và em như vậy, tôi van xin nó với câu nức nở :

- Em ơi thằng Út bị chúng đánh rồi, em phải biết “ rừng nào cọp nấy “ để nén lòng tránh đi.

Em tôi ngồi bệt xuống đất, tôi nghe rõ tiếng thở nghèn nghẹn cố nén trong lồng ngực và nhìn đôi mắt nó đỏ ngầu những tia máu. Chị em tôi cầm tay nhau cảm thấy nỗi đau vô cùng tận, tưởng chừng như là niềm đau chung cả nhân loại cũng đành bất lực !!

Sau chuyện đó nhiều lần tôi bắt gặp em ngồi trầm ngâm với nét mặt thẫn thờ vô tri giác, rồi một hôm nó viết tờ giấy để lại nói với ba tôi nó phải vắng nhà một tuần theo phụ xế cho xe người quen chở hàng qua Kampuchea, lúc ấy tôi hay nghe con nít trong xóm hát : “ Con ra đi một là con nuôi má, hai là má nuôi con, ba là con nuôi cá !!” Gia đình tôi không có vàng cho em tôi vượt biên, chồng tôi là lính Hải quân nhưng chờ anh ra để tìm đường vượt biển không tốn tiền thì biết đến khi nào trong khi hiện tại thân anh vẫn cá chậu chim lồng ! Tôi biết em tôi và bao nhiêu người đã bị dồn đẩy đến tận cuối con đường không còn cách nào dừng lại được, đó là giới hạn giữa sống và chết, giữa ra đi âm thầm lánh xa bầy thú tìm vào tử lộ để mong tìm đường trở về sống với loài người.

 Sống trong chế độ vô thần người ta lại càng có niềm tin vào tôn giáo hơn bao giờ hết bởi chỉ còn nó là lý do duy nhất khiến người ta hy vọng bám víu vào cuộc đời. Em tôi vượt biên sang Thái lan thành công nhờ vậy gia đình tôi mấy năm sau này đời sống dễ thơ? hơn nhiều. Ông trời không đóng cửa ai mãi bao giờ, Bác Trạch trở lại công ty lần này xem như gặp may mắn vì Hồ Loan được chi đoàn thanh niên đề cử đi học tập trung một tháng ở trường đoàn Lý tự Trọng là trường Don Bosco trước kia tận Thủ đức, trước khi được đề bạt chức bí thư chi đoàn. Công việc kế toán thanh toán do tôi kiêm nhiệm trong lúc cô ta vắng mặt. Tôi viết lệnh chi thanh toán hết số tiền công ty còn thiếu sau khi làm phiếu thu tiền đã tạm ứng trước kia cho bác Trạch, tôi hỏi ông còn làm thêm sản phẩm khác cho công ty không thì ông lắc đầu, xua tay :

- Thôi thôi, bác sợ cái gì gọi là thanh toán hay trả nợ quá rồi, không muốn làm nữa. Nếu có thì bác chỉ làm từng tấm rồi mang tới ký gởi cho của hàng tiểu thủ công bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Bác giã từ mấy cái công ty quốc doanh rồi cháu ơi.

Tôi tức cười nói với ông :

- Vậy là Bác thề “ một đi không trở lại “ hả.

Hai bác cháu cùng bật cười một lúc.

oOo

 Hồ Loan trở về, giở tất cả chứng từ công việc tôi làm trong tháng qua xem lại rồi cất giọng cằn nhằn :

- Sao chị chi thanh toán hết cho ông già Trạch ? Mấy hóa đơn này viết tay đâu có giá trị.

Tôi ấm ớ giả vờ nhưng ngụ ý xỏ ngọt nó :

- Ủa, sao chị thấy hai người chuyên mua vật tư cho công ty là Ngô với Nhi cũng mang toàn hóa đơn viết tay của chợ trời và em lần nào cũng thanh toán hết.

Nó cao giọng :

- Hai đứa là công nhân viên công ty còn ông già này là người ngoài.

Dù chỉ phụ trách công việc một tháng nhưng tôi thừa hiểu chuyện Hồ Loan móc ngoặc làm khó dễ, trì trệ, chậm chạp viết lệnh chi, phiếu tạm ứng cho những ai không biết chuyện phải quấy với nó. Quà cáp, tiền bạc lớn hay nhỏ, nhiều hay ít tùy theo số tiền họ xin duyệt chi. Không ít người ngạc nhiên khi họ vừa đưa giấy tờ tôi viết phiếu và trình ký cho họ lãnh được tiền ngay tức khắc vì không ngờ tôi làm nhanh như vậy. Hèn gì tôi thường hay nghe nhiều người nói lén là phải gọi cô Loan là cô “ mai “ vì lúc nào gặp cô nộp chứng từ để viết phiếu chi tiền đều được nghe chữ ngày “ mai “. Có lẽ sợ tôi tranh mất công việc nên Loan ngồi moi móc, kẻ vạch từng chi tiết nhỏ, nó đợi tay trưởng phòng vào rồi to tiếng :

- Sổ sách chị ghi sai hết trơn, sao phiếu chi mua vật tư lại hạch toán vào tài khoản này.

Rồi the thé giọng chua như giấm :

- Sao chị thanh toán phiếu này chị không đối chiếu sổ ghi công nợ lại để bội chi ?

Tôi biết nó cố tình nói thế để hạ uy tín tôi vì trong thời gian nó đi học tôi viết phiếu thu chi nhanh chóng, vào sổ rõ ràng vì chữ viết đẹp thay cho những dòng chữ gà bới của nó. Tình cờ vào phòng Phó giám đốc tôi nghe tay trưởng phòng khen cung cách làm việc của tôi, có lẽ vì vậy khiến nó sợ mất chỗ ngồi béo bở, đến khi Loan buông lời miệt thị với thái độ hằn học :

- Chị có học nghiệp vụ mà làm công việc sai hết như vậy hả ?

Không nhẫn nhịn được nữa tôi phải lên tiếng :
- Loan nên nhớ em không phải là cấp trên của tôi và công việc này trước khi đi học chính Loan năn nỉ tôi giúp giùm, hạch toán trong sổ là do Anh Tài trưởng phòng nói tôi ghi vào. Còn việc thanh toán công nợ bị bội chi là do Loan không kết toán số liệu trước đó, trường hợp bội chi không thanh toán được thì hạch toán vào công nợ khó đòi. Tôi thấy trong sổ theo dõi phần công nợ khó đòi đầy dẫy, Loan là người làm công việc này bao lâu nay vẫn để nhiều công nợ khó đòi như vậy huống gì tôi.

Tôi buông thêm một câu không kềm chế được :

- Đúng là “ làm ơn mắc oán “.

Tôi biết những công nợ khó đòi thể hiện trong sổ toàn là những nhân vật quen biết hoặc có quyền trong công ty, họ xin tạm ứng hay mua hàng nhưng không chịu thanh toán để chờ “ lâu ngày cứt trâu hóa bùn “ theo lối nói của cán bộ. Cũng là một cách rút rỉa “ tài sản nhà nước “ mà họ có quyền quản lý.

Tôi bỏ đi ra ngoài, xuống ngồi dưới quán nước cạnh hàng rào bìm bìm. Tôi không định trả lời những câu xấc xược ấy bởi đôi co với Loan tức là tôi đã hạ mình xuống dưới vị trí thấp hơn, ngang bằng với một con bé vô lễ và kém cỏi trong cung cách xử thế. Nhưng gẫm ra không phải lỗi tại Loan mà do chế độ xã hội chủ nghĩa vì lợi ích đã “ trồng người “ như thế ! Cũng không phải bây giờ mà ngay sau tháng tư bảy lăm, bộ đội và gia đình họ từ miền Bắc tràn ngập miền Nam, tôi đã nghe nhiều than van so sánh những đứa trẻ sinh ra lớn lên ngoài ấy thường hung hãn, mất dạy hơn, bởi chúng được vun trồng dạy dỗ lúc nào cũng đấu tranh, phê bình ngay cả trong tư tưởng bất kể là ai cho dù đó là thầy dạy hay ông bà cha mẹ anh chị. Đạo đức làm người, lễ nghĩa trong xử thế là hàng rào bảo vệ tránh cho tâm hồn non nớt bị hư hỏng đã bị đập vỡ, hủy hoại, bị lên án là tàn dư của thói trưởng giả thời phong kiến điển hình qua những cuộc đấu tố thời cải cách khiến tôi thoáng rùng mình khi nhớ lại ! Nhìn hàng giậu đổ nát và đám dây bìm bìm mọc hoang tôi liên tưởng đến xã hội hiện tại và thở dài tự hỏi không biết đến khi nào mới hết cảnh tượng này trên đất nước Việt Nam.

Cỏ Biển
Tháng 4/2008