Phần Thứ Nhì - Chương 13
LÍNH TRẦM TƯ
Tiếng nói của Hoài, ngày này qua ngày khác, đêm nầy qua đêm khác
thấm vào tâm tư Đan cô lẽ. Như những giọt mật tròn. Mật đắng.
Hạnh
phúc bất chợt, bé nhỏ liu riu thoáng qua nhanh, chưa thể làm lòng
Đan ấm áp, bình yên, an vui giữa cơn gió xoáy rét mướt, nơi sơn
khê ngun ngút ngàn dặm.
Biết biểu lộ tình cảm dưới dạng thức nào
cho trung thực, đối với cô gái dễ mến đó, qua bề ngoài câm nín
của cái vỏ cuộc sốngAnh mến Hoài, từ lần gặp gỡ đầu tiên tình cờ
buổi nọ. Đan hai mươi lăm tuổi, chưa có gia đình. Sống giữa chốn
núi rừng nầy, tâm tư anh không phải là không có điều nhớ nhung,
yêu thương, băn khoăn, dằn vặt, ưu phiền, buông thả, âu lo. Nhưng
anh không tỏ ra yếu mềm, mà chỉ trầm ngâm, lặng lẽ suy tư.
Đan
đã đi Pháp từ lúc mười hai tuổi. Mỗi năm, anh đều về thăm quê nhà
vào dịp hè, Tết. Sống ở xứ người qua nền giáo dục phương Tây, dạy
cho anh tính sòng phẳng, công bằng, có óc tổ chức khoa học, phép
lịch sự nhã nhặn tuyệt vời. Anh thấy đất nước mình chậm tiến, tuy
nền giáo dục tốt hơn về đức dục: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Ông
bà mình rất thương con cháu, nhưng không chiều chuộng, không buông
thả cho chúng tự do, theo ý muốn quá trớn.
Con cháu kính trọng
nể sợ, thương yêu ông cha chúng một phép. Chứ có trâng trâng tráo
tráo, láu cá như đám Tây con đâu. Anh sinh ra và lớn khôn trong
dòng tộc vương tôn, được dưỡng dục rất mực tôn nghiêm, chu đáo
và đầy tình thương của gia đình. Mặc dù sống trên xứ người, văn
minh tiện nghi, đầy đủ, sung túc vô cùng. Anh vẫn nhớ thương gia
đình. Nhất là thương nhớ me anh, và hoài hương xiết bao!
Sau bao
năm thành đạt vinh hoa, anh vừa trở về quê nhà, mong đem kinh nghiệm
đã học hỏi bấy lâu, ra giúp đời. Nhất là vì anh yêu binh nghiệp.
Tình yêu xưa đã đem lại ngọn lửa tình, vút lên từ đôi tay anh kính
cẩn chấp vào, khẩn thiết chân thành kêu xin. Rồi tình yêu từ đôi
tay nầy mọc cánh xa bay. Trong nỗi xót thương, tiếc nuối khôn cùng.
Mà thôi. Xin hãy qua đi! Xin hãy quên đi! Xin cho bình lặng tâm
hồn. Anh không muốn nhắc đến tên ai, dù vô tình đọc trên sách báo
có chữ “tên ấy” cũng vậy. Vì...
Anh quen nàng ở cạnh giáo đường
Maubert Mutualité, gần tả ngạn sông Seine, vào một chiều mưa tầm
tã. Như Verlaine đã nói: “Il pheut sur la ville, comme il pheure
dans mon coeur”, rồi trở thành đau buốt. Bởi, anh yêu me của mình
hơn bất cứ ai. Anh không muốn mẹ đau buồn, vì cô sinh viên đoan
trang, và anh thư ấy là... đầm.
Anh bỗng nhớ ngôi biệt thự xinh
xắn, ở vùng ngoại ô Gif-Sur-Yvette, cách xa kinh thành Ba Lê khoảng
hai mươi sáu kilômét, về hướng Tây NamTừ nơi nầy, anh nhớ da diết
đôi mắt xanh, mái tóc vàng óng đầy xao xuyến thuở nào. Thân hình
em rất hấp dẫn, quyến rũ, đã khắt sâu vào đời anh những vết dao
đậm sâu, đầy yêu thương, quyến luyến nhớ nhung.
Hai người thường
hò hẹn nhau đi ăn tối tại Perle-du-Lac, trên bờ hồ Leman thơ mộngNàng
thích kể cho anh nghe chuyện bà thánh Jeanne D'Arc, (tên thánh
của nàng) bà hô hào cư dân Pháp đứng lên, chống lại sự thống trị
cay nghiệt của Hoàng-gia Anh, năm 1429 tại thành phố Orléans. Sau
đó, bà bị Anh bắt bỏ tù và thiêu sống.
Anh cũng kể lại cho nàng
nghe về oai danh Bà Triệu. Hai Bà Trưng nước Việt Nam. Vì thù nhà
nợ nước, họ đã đứng lên chiêu mộ quân sĩ, đánh đuổi Tàu ra khỏi
đất nước. Họ trị vì được ba năm. Sau đó, Mã Viện đem quân sang
Việt Nam xâm chiếm. Thế yếu lương cạn, bị thua, nên hai bà nhảy
xuống sông Hắc Giang tự tử.
Cuối cùng... anh và nàng chia tay nhau
vĩnh viễn ở sân ga Part Dieu, trong thành phố Lyon. Rồi có một
ngày, ta sẽ quên. Quên. Có thể. Bao giờ nhớ đến em, từ giấc chiêm
bao, anh sẽ ghé về Paris thăm em nhe. Chúng ta sẽ hàn huyên tâm
sự. Sẽ tìm thấy nhau trong giấc ngủ muộn màng. Em ơi!
Ta có thể
thay đổi tình yêu nầy, bằng một tình yêu khác không? Biết đâu,
nó sẽ có những dễ thương trùng hợp. Như thế, hoặc hơn thế nữa!
Đan bỗng nhớ một câu của Montamayor viết:
"Hỡi ký ức thù nghịch
sự yên tĩnh của tôi, sao ngươi không lo giúp tôi, quên các khốn
nạn hiện tại. Hơn là nhớ đến những nguồn vui thuở xa xưa?"
Cơn
lốc tình cảm thuở Đan còn ở bên Tây, làm tan nát tâm hồn tươi trẻ
trước kia. Giờ rụng đi trong đôi mắt sáng loáng, ẩn sâu dưới hàng
mi cong vút, thấp thoáng ánh chìm đục, say đắm mơ màng. Đan đắm
mình trong khí ấm mùa xuân thu hút vuốt ve. Có mật ngọt và hương
hoa. Có tia vui hào quang dọi sáng. Có khúc nhạc nên thơ êm mát,
do gió núi trong lành lao xao nét tình xanh tươi thắm thoảng lại.
Thế rồi giờ đây ngày ngày Đan soi bóng mình, khi tỏ khi mờ, bên
dòng suối lờ lợ đục chao đảo. Mỗi lần, chỉ cần trông thấy chiều
tàn dần, vắt qua sườn dốc, mây trắng bạc bồng bềnh thấp thoáng,
âm thầm bay qua bên kia lòng khe, vách đá. Nước chảy róc rách trên
lưng đồi, suốt thế kỷ dội xuống lòng suối lững lờ trôi xa. Nghe
tiếng súng đạn dày xéo suốt đêm ngày, trên quê hương điêu tàn,
đổ nát. Là vết thương không trông thấy, nhói buốt đau đớn trong
lòng anh.
Cuối tuần ở Minh Long. Cảnh vật nơi đây rất hoang vắng
u buồn. Anh sống qua giờ phút xao xuyến, mơ mộng, ưu phiền bên
ngọn suối bạc uốn quanh triền núi. Như gợi lên lòng anh biết bao
nhớ nhung. Buồn thương da diết, qua vệt nắng rải sau hè, rực nét
tình xưa.
Phần Thứ Nhì - Chương 14
KIỀU NỮ QUÂN NHÂN
Đoàn 5 đóng tại Thị-xã Quảng Ngãi, rồi sẽ phân phối đi quanh mấy
vùng lân cận như: Sa Huỳnh, Mộ Đức, Tân ThạnhTư Nghĩa. Lao xá Phú
Châu thuộc liên khu V thời xưa, về hướng Tây Quận Nghĩa Hành. Cuối
cùng đóng ở ven sông Trà Khúc. Không lên Minh Long. Các cô có bạn
ở chốn giang đầu, tha hồ nhớ nhung và bâng khuâng nha.
Buổi tối, tất cả anh chị em vào ngủ trong tiểu khu cho an toàn.
Giăng mùng xong, Trúc, Hoài, vừa chui vào giường bố chiếc, đứa
nằm xuôi, đứa nằm ngược cho đỡ chật, thì điện cúp. Hội Trường có
đòn dong, cột, kèo, đều làm bằng nhiều cây sắt to kinh khủng, tương
tự như loại nhà tiền chế của Mỹ rộng lớn. Tứ bề không có cửa, chỉ
phủ kín những tấm bạt thay tường. Nóc nhà lợp tăn. Những đêm di
hành thường ăn bờ ngủ bụi luôn luôn. May mắn lắm, mới có chỗ ngả
lưng tốt thế nầy. Thật quý hiếm. Hội Trường chứa khoảng ngàn người,
lính tráng ở đâu về tạm dừng chân qua đêm nay, đông kinh khủng.
Hoài từ nhỏ ngủ riêng quen rồi, nay nằm như vậy, nên mất ngủ luôn.
Mai Hồng, Thu Hương, Lan Anh, chiếm cái bàn rộng, họ dùng làm giường
ngủ thoải mái. Ba cô ấy mến thương, giận hờn, xoi tì xoi tướng
nhau một cách thân ái. Như các chấp chính quan ở thời kỳ La Mã,
hay trong triều đình vua Tự Đức vậy.
Đang nhắm mắt mơ màng dĩ tưởng
về dĩ vãng, bỗng có ai nhẹ nâng tấm bạt lên. Hoài ngỡ là cô bạn
nào tìm chỗ ngủ, nên nói:
- Hết chỗ rồi, bạn ơi!
Một lúc khá lâu, bàn tay kia nhẹ nhàng
rờ lên hai đầu gối nàng thò ra quá nửa ghế bố. Tưởng con chó Xệ
của anh Thái, nó thích ngoạm mùng mền như mọi khi. Nàng lấy tay
hất ra, liền bị bàn tay khô cứng, sần sùi chai cứng kia chộp lấy,
cùng tiếng thở hổn hển, phì phò gần bên. Nghe rất dễ sợ. Hoài vùng
mạnh tay ra, thất thanh hét tướng lên:
- Trời ơi! Ai làm cái gì
đây?
Cùng với tiếng kêu to, bóng đen hất tấm bạt qua một bên, vụt
chạy biến vào đêm tối mất dạng. Cả hội trường nhốn nháo vì tiếng
la hét rít lên đột ngột. Điện vụt sáng. Sau phút kinh ngạc, tiếng
ồn ào lẫn trong tiếng cười nói đồng loạt nổi lên. Mấy cô gái sợ
quá, dồn nhau ngồi chung trên bàn Thu Hương đã chiếm không dám
hó hé.
Mặt Hoài, Trúc, tái xanh như nhuộm chàm, khiến các anh chị
cùng ban không nhịn được cười. Quả thật, hai cô sợ bị “bắt vô bưng”!
Ấn tượng về bàn tay lạnh ngắt kia vẫn còn nguyên. Trước khi ngủ
các anh nói chuyện ma, chuyện quỷ. Bây giờ bị một vố mất hồn mất
vía, Hoài sợ điếng người! Sao lại cười nhỉ! Không thể cười đâu.
Thế là suốt đêm Hoài mở mắt tháo láo nhìn bóng tối, mà run.
Sáng
sớm hôm sau, đoàn Quân Tiếp Vụ lên Minh Long. Trúc, Hoài, gửi theo
xe cho Đan, Trọng: Gói trà. Cà phê chồn. Đường cát. Hai cây thuốc
lá Ruby Queen. Bịch khô nai. Kèm theo mấy lời thăm hỏi, viết chung
trong tờ thư xinh xinh, gửi đến hai người anh ở chốn giang đầu.
Thứ bảy Trúc, Hoài đi làm xa, chiều về nghe anh Lân nói:
- Có một
thanh niên mặc thường phục đến tìm hai em đó.
Ban đầu Trúc nghĩ
người đó là Chiêu, bạn trai thân thiết của Trúc, nhưng anh ấy có
ra đây, thì phải mặc quân phục chứ đâu có lè phè mặc đồ cevil?
Còn Trọng? Chắc không thể. Vùng đó đang giao tranh dữ dội. Làm
gì có người binh thư nhàn nhã về dạo phố phường? Trúc chợt nhớ
lạ lùng bài ca: Biệt Kinh Kỳ của nhạc sĩ Lê Dinh, mà Đan, Trọng,
người chiến sĩ gió sương can trường muôn dặm quan hà, họ có mái
tóc sớm bạc màu nắng mưa khuya sớm. Họ đi giữa hai lằn đạn, trong
suốt tháng năm qua, trên vùng Mộ Đức, Sa Huỳnh, Nghĩa Phú, Tà Noát,
Ba Tơ, đã có lần Trọng hát cho Trúc nghe.
Phải không hở Trọng? Hẳn anh không muốn làm chàng trai phong trần,
vai đeo cung tên, ngồi trên mình con tuấn mã, ruổi rong ngàn dặm,
để tìm hương cố nhân. Anh cũng không thích làm Quan Vân Trường
râu dài, quắc thước, tính tình cương trực, ông cưỡi con xích thố,
sử dụng cây thanh long đao tuyệt hảo.
Anh càng không là chàng Kim
Trọng tình si, hào hoa phong nhã, say đắm nhan sắc Thúy Kiều. Anh
không bắt chước Đan, lội qua sông đi tìm "cô gái Huế" ở
bên kia bờ.
Mà, anh là Nguyễn văn Trọng, ở ngàn chốn sơn khê, cuối
núi đầu ghềnh, xa tít tắp. Tay anh luôn cầm súng dài, báng súng
carbine M2, lưng đầy đạn, lựu đạn, mặt nạ chống hơi ngạt, có mắt
kính lồi bằng nhựa đục. Thì việc anh bắt chước Đan, lội sông rộng
nước lớn đi tìm người em nhỏ bên tê sông. Hay anh vượt biên thùy
xa xôi ngàn dặm sơn hà, về đây tìm gặp Trúc, là điều ở trong mơ.
Nghĩ mà thêm trĩu nặng góc hồn.
Lúc trời dịu mát, năm cô gái rủ
nhau đi “pát phố”, dạo cảnh đồng quê. Cô nào cô nấy, mặt hoa da
phấn. Môi thắm má hồng. Áo quần xum xoe. Họ xức nước hoa thơm ngát,
đi bên lề lòng phố còn thoang thoảng mùi thơm. Các cô như năm con
công, lạc giữa đám gà vịt bát nháo.
Người dân quê lam lũ một nắng
hai sương, cần cù cày sâu cuốc bẫm với đồng áng ruộng vườn cằn
cỗi. Chưa khố rách áo ôm là điều đại phước. Có đâu ra thì giờ nhởn
nhơ tung tăng trên đường nhựa với quần là áo lụa. Họ chống cuốc
đứng nhìn. Cô thôn nữ mộc mạc áo lận quần xăn bạc phếch màu gian
khổ, ngẩn ngơ kéo vành nón lá sờn rách che nghiêng. Hai hình ảnh
đó đối lập nhau, không phù hợp với thực tế chút nào. Chẳng thích
ứng với vùng trời nơi chiến tranh gay gắt diễn ra, cách đó vài
mươi cây số.
Vậy, các cô gái thị thành õng ẹo “lấy le” ai đây? Sao
mà lố bịch quá! Các cô vội vàng trở về con phố chính. Ở đó, dẫu
sao còn thấp thoáng khuôn mặt cư dân thị thành. Quảng Thành mất
dần dần nét mộc mạc hồn nhiên ngày trước. Các quán ăn, Snack bar,
phòng khiêu vũ đèn mờ, nhạc kích động mọc lên như nấm.
Người Mỹ
vừa đưa những tên cố vấn đến trên quê hương nghèo nàn của chúng
ta, mang theo bầu sinh khí sôi nổi, ồn ào sống động, hội hè đình
đám, phức tạp ở các bar náo nhiệt tưng bừng trong các thành phố
đông vui. Không hiểu người ta đi đâu mà chen lấn chuyển động như
kiến trên mặt nhựa nóng. Lòng phố xuất hiện những chàng lính Mỹ
trắng, Mỹ đen, đi lố nhố nghênh ngang trong lòng đại lộ. Tuy vậy
họ khá sợ Quân Cảnh Mỹ luôn lái xe jeep đi rà soát quân nhân Mỹ.
Họ chấp hành luật pháp nghiêm minh. Ít khi thấy Mỹ hung hăng bạo
động ở thời điểm nầy.
Cha mẹ sanh thành, nưng niu con từ tấm bé
không tiếc công, mà tiếc chi tên cúng cơm, cha mẹ đặt tên cho các
cô quá khó nghe, quê mùa, khó chịu mỗi khi có người réo gọi. Thật
mắc cỡ muốn độn thổ. Nên các cô tự ý làm cuộc cách mạng gia phong,
cãi lời bố tổ. Thôi thì ta tự đặt cho mình những cái tên thật kêu,
thật đẹp, thật mê ly, đầy hoa mỹ, êm ái ngọt ngào như mật rót vào
tai. Gọi lên ngày đêm nghe bàng hoàng, thương nhớ đời ca sĩ...
đến rụng rời.
Các bạn thả bước thong dong trên phố, mấy cô cùng ngắm cửa tiệm
chưng bày mỹ phẩm, giày mũ, áo quần. Chợt có tiếng gọi:
- Hương
Hoài! Tuyết Ngọc Trúc! Mai Hồng!
Mai Hồng reo lên:
- Ái chà chà. Anh Đan, anh Đan kìa!
Hoài nhận ra anh, thoáng nhìn
giao nhanh, reo vui bằng mắt. Thấy Hoài nhìn, khuôn mặt Đan sạm
nắng gió phong sương khuya chiều nhuốm vẻ ưu tư, dịu hẳn đi trong
nụ cười ấm nồng. Nàng nhìn anh đăm đăm, cảm thấy lòng thích thích
sợi tóc ương ngạnh, bỏ mái lòa xòa trên trán không đội chiếc nón
sắt như mấy lần trước. Thương thương viền mi cong vút chơm chớp
mắt nhìn trìu mến, ưa ưa nụ cười anh rộng mở. Thích từng khóa sol
in rải rác trên áo sơ mi màu vàng nhạt, cà vạt nâu lủng lẳng kẹp
cài. quần tây mầu biển đậm, và đôi giày da thời trang đen bóng.
Biết nói thế nào cho trung thực nhỉ! Lần đầu tiên, Hoài thấy Đan
mặc thường phục; Dễ thương ư? Hoài không chối cãi điều đó. Tuy
nhiên anh mất đi một nửa, dáng dấp hùng tráng của chàng trai đượm
phong trần. Điều đó cũng đúng thôi. Nếu các anh ra trận, mà mặc
áo sơ mi ca rô hoa hòe, quần nhung dạ hội. Anh có cầm súng cối
súng trường, lưng nịt đầy đạn, mang giày nhung, đầu đội nón bành
nhung, như thời xưa chăng nữa. Vẫn yếu xìu... Còn đánh đấm gì ai
cơ chứ. Hoài thấy phục người đầu tiên, đã sáng tạo ra loại quân
phục cho quân nhân mặc. Sao mà hợp tình, hợp lý thế không biết!
Đan đến bên các cô, cười thân ái. Anh hỏi:
- Các em có bận đi đâu
không hở?
Tuyết Ngọc, hay tên Ngọc Thanh Trúc (Trúc đặt đủ thứ
biệt hiệu mà) nhanh miệng đáp:
- Không anh. Tụi em đi tà tà.
- Vậy thì tốt. Mời vào ăn tô bún, uống ly nước nhe.
Họ quay gót
theo Đan vào tiệm. Bữa ăn dẫu tình cờ nhưng đầy đủ các món. Khung
cảnh ấm cúng thanh lịch. Nhạc chọn lọc mở nhè nhẹ êm êm, với
bình hoa lys cắm trên bàn phủ khăn trắng, thì còn gì bằng. Có
các anh: Thọ, Văn, Quân, Bảy, Hộ, Tí, Hà, Đan.
Thiếu vắng Trọng.
Phần Thứ Nhì - Chương 15
SÚNG ĐẠN VÔ TÌNH ?!
Cuộc sống tao
loạn bắt đầu rơi rải rác nơi chiến trường Việt Nam sôi sục, bùng
nổ từ năm 1962Nhiều vùng đất xôi thịt lẫn lộn, dọc miền Trung không
phân chia ranh giới. Ngày đến. Ngày tàn. Rồi ngày lại ngày tiếp
nối qua nhanh, lạnh lùng qua nhanh. Không đổi mới hơn.
Con đường
cũ, mấy tháng trước đầy lá cây mượt mà tươi tốt xanh um, xôn xao
gọi gió mát về rì rào bên bờ ruộng sóng lúa nhấp nhô. Cây đại thụ
phủ bóng mát trên mái chùa cổ kính uy nghi cong cong, vọng ra tiếng
kinh mõ trầm trầm đều đều nhịp nhàng, lẫn khói hương nghi ngút
hài hòa bay cao. Làng mạc nhà cửa êm đềm nép mình ven con sông
xanh uốn lượn xuôi chảy. Hàng thùy liễu quyến luyến ôm cồn cát
trắng, và từng làn gió nhẹ mơn man ve vuốt ru khúc đồi thưa. Bây
giờ đã khác hẳn.
Nhiều chặng đường lầy lội, gập ghềnh, lồi lõm
bởi xe tăng, xe GMC, thiết giáp đi tảo trừ, cày xới, đất đỏ ngợp
trời mù bayBụi cây bờ cỏ bị đốt trụi, đen thui. Bên sườn dốc hàng
thép gai nhiều lớp bao bọc ngọn đồi dẫn đến doanh trại, chưa chắc
hứa hẹn yên ổn, an vui.
Bóng chòi canh gỗ, cao chót vót. Người
lính phong sương trấn giữ biên phòng, trông vô cùng đơn điệu chơ
vơ trên vọng gác nơi phòng tuyến. Anh quan sát một vòng cung trách
nhiệm. Đầu đội nón sắt, súng cầm tay, anh im lặng luôn ghìm chặt
bá súng, mắt chăm chú quan sát tứ phía.
Trận bão lửa. Đạn pháo
tầm gần tầm xa, tạo thành cơn cuồng phong quay tít hỏa mù, xoáy
bốc, hung hăng điên cuồng hung bạo. Đạn lửa xẹt xẹt bay qua bay
lại, đan chéo qua chéo lại. Như màn nhện đỏ ngầu gớm ghiếc trên
đầu mọi người. Đêm đen ghê rợn nhờ ánh mắt hỏa châu đỏ rực luôn
luôn nở rộ trên đầu nhân thế, rọi chút ánh sáng hiu hắt rồi vội
vàng tắt ngúm.
Hằng chục quả đại bác không giật, đại liên nổ ầm
ầm ghê rợn, bay vút lên trời, rơi xuống ngọn núi cao. Tóe ra muôn
ngàn mảnh đỏ, đụn khói cuộn phụt lên, bụi lửa mù trời hắc ám che
khuất góc núi cao.
Sau vài giờ giao tranh cận chiến ác liệt, phe
kia lùi lại dùng địa pháo rót bừa bãi vào chiến trường, bất kể
hiểm nguy cho đồng bào cư dân ở vùng lân cận, hầu mong thanh toán
chiến trường.
Theo đà lướt, từ chiếc phi cơ hai quả bom chúi mũi
bay xuống tọa độ ấn định, khá chính xác. Khiến địch im hơi lặng
tiếng, nhiều ngày giờ. Nặng nề nhất vẫn là các nơi đình, chùa,
miếu, nhà thờ, bị phá, hủy diệt nơi thờ phượng thành bia đỡ đạn.
Pháo kích tan nát, tơi bời các hầm trú ẩn cư dân.
Do súng đạn chiến
tranh bay qua vô tình, hay do ai cố ý cấm đoán tự do tín ngưỡng?
Súng đạn làm người dân vô tội lo sợ kinh khủng và hớt hải quýnh
quáng. Họ lo chạy thục mạng vào chùa chiền trú ẩn. Họ khẩn thiết
cầu xin Trời Phật mở lòng từ bi độ lượng hải hà, ra tay cứu giúp
con người đang sống trong cảnh chiến tranh lầm than, hãi hùng quái
ác quá kinh dị. Họ nhắm tít đôi mắt, bàn tay cầm chặt chuỗi hạt,
miệng lẩm bẩm cầu kinh. Họ không dám nhìn cái đầu mất mũ sắt, mặt
đầy máu, văng óc xám bầy nhầy, trộn với đất, cát và tro bụi. Trong
tro có chất khoáng mặn, làm cho bờ môi người dân thêm mặn giọt
sầu, trộn mồ hôi tang tóc điêu linh.
Khi chiến tranh dừng lại cúi
nhìn: Bị bắn trực xạ, có lẽ là gần lắm, cả chục miểng nhỏ li ti
ghim vào đồng đội. Đôi mắt anh Kim lệch tròng lòi ra, trợn ngược
nhìn trừng trừng. Miệng anh Tam há hốc, nhăn răng, lưỡi dài thườn
thượt. Thân hình anh Phan cong gập, tay chân co giật run rẩy từng
cơn nẩy, trước khi anh sụm xuống. Họ bất động vĩnh viễn trong nỗi
yêu thương dày vò xây xát tột độ.
Chớp nguồn rực lửa từ trong bóng
tối. Vẫn cung cách ấy, không khí ngột ngạt nặng nề, oi nồng khó
thở. Khói lửa phủ chụp trên đầu. Tất cả đều tàn bạo, dửng dưng.
Khi chiến cuộc tỏa sức sống xoáy đảo ác liệt, quay tròn lông lốc.
Vun vút. Chuỗi bi thương tột cùng. Hung hăng. Kinh hoàng nhất.
Bao giếng mắt đẫm lệ vĩnh viễn chia ly:
-”Chính hài cốt của người quá cố, đã cấu tạo thành Quê Hương” như
Lamartine đã nói.
Dù nơi nầy, kinh khủng hơn đất nước nào xa lạ khác. Dù cho quê
hương tôi ngất lịm giữa ngàn đắng cay, đau đớn khổ ải không kết
thúc. Người; Người vẫn đi giữa hai lằn đạn. Đi đi, đi mãi... lúc
tháng ngày lạnh lùng trôi qua. Tuổi thanh xuân. Sức quyến rũ. Tài
nghệ bẩm sinh. Trí dục, đức dục. Niềm tin yêu dần dà tàn phai,
phôi pha. Thản nhiên trôi qua trong cảnh phù sinh kinh hoàng. Ôi!
Biết làm thế nào hơn.
Con đường phía trước trở thành đêm tối mịt
mùPhút chốc sau đuôi xe, mặt trời nhẹ nhàng rón rén vươn lên, len
lén tỏa màu hồng tươi chan hòa, xen lẫn màu đỏ thắm và màu vàng
tía, như gom cả ánh sáng óng mướt đầu ngày vừa hé.
Trúc nhắm mắt, cúi gập người xuống, hai tay bưng đầu, run rẩy lo
sợ tột cùng. Nỗi khiếp sợ càng mài liếc xuống bờ ngực phập phồng,
nhấp nhô, cho nỗi đau đớn thêm thấm đẫm vào từng chân tơ kẽ tóc.
Trúc tưởng lúc nầy là hoàng hôn dìu dịu, trộn lẫn bình minh tuyệt
đẹp, ẩn trong các đài mây ngà ung dung bay bay, lờ lững trôi trôi
trên đỉnh bình yên.
Nào ngờ...
Ái Ưu Du
|