Trời tối đen như mực, chiếc đèn hoa kỳ trên bàn thờ hết dầu nên
đã tắt từ lâu, lão Năm đưa tay lần mò tìm cánh cửa ra sau vườn.
Lão kéo cái chốt cửa rồi đẩy nhẹ bước ra ngoài. Bên ngoài trời
có sáng hơn một tí nhờ ánh trăng lưỡi liềm và vài ngọn sao trên
giải ngân hà. Sau khi khép cánh cửa lại sau lưng, theo thói quen
từ thời bao cấp lão vói tay lấy chiếc chổi cùn bên cạnh thành giếng,
rồi dựng lên chận vào cái cánh cửa.
Thói quen dùng một vật gì đó để chận cửa sau khi ra ngoài có từ
thời xa xưa, khi mà trộm cướp lan tràn trong thành phố của lão.
Mặc dầu ở thành phố, nhà cửa sát vách tường với nhau, nhưng trộm
hay lợi dụng đêm khuya để leo qua tường rồi vơ lấy bất cứ cái gì
có thể lấy được. Từ áo quần phơi trên sợi dây thép cho đến cái
nồi cái niêu, chén bát hay ngay cả cái gàu múc nước cũng bị đánh
cắp. Trộm dạo ấy tài tình vô cùng, ban ngày chúng ngủ vùi để đến
đêm, khoảng hai ba giờ sáng, nhất là đêm ba mươi, khi không có
trăng là chúng đi hoành hành. Chúng có đủ mánh lới nên tường nhà
cao bao nhiêu cũng leo được. Chúng lại khá kiên nhẫn, có thể ngồi
bất động giờ này qua giờ khác cho đến khi có cơ hội thuận tiện
mới ra tay. Mánh lới thông dụng nhất của chúng là đợi cho chủ nhà
mở cửa ra ngoài chúng liền lách vào bên trong, núp vào một chỗ
tối như dưới gầm giường hay phía sau kệ tủ. Đợi cho chủ nhà trở
vào lại giường, nằm ngủ say là chúng lục soát đồ đạc. Cái hay là
ở chỗ nếu chúng có gây ra tiếng động bất thường người nhà cứ nghĩ
là do một người khác cùng phòng gây ra, ví dụ như đi uống nước
hoặc bị muỗi chích. Trộm nhờ thế mà tha hồ lục soát, hoặc ngang
nhiên mở cửa vác đồ ra ngoài. Để ngừa chuyện trộm lách vào nhà,
người nào trong thị xã cũng có thói quen dùng một vật gì đó để
chận cửa. Nếu khi đi vào trở lại mà thấy vật đó bị tạt ra ngoài
là bạn biết ngay trộm đã vào nhà.
Vừa ngồi trong nhà tiêu lão Năm vừa nghĩ đến cái thói quen đó,
rồi lão mỉm cười tự hỏi không hiểu tập tục này bây giờ có còn không.
Lão nghĩ chắc là không, bởi vì làm gì còn có ăn trộm khi mà mức
sống thành phố đã có vẻ khá giả hơn xưa, hơn hẳn cái thuở cơm độn
với bo bo, với khoai với sắn. Bây giờ trong thành phố Quảng Ngãi
nhà nào cũng xây vài mê, xe Honda nhiều như giày dép, nhà nào cũng
vài ba chiếc. Ngoài đường ai cũng một tay lái Honda một tay cầm
điện thoại di động. Lúa gạo mỗi năm ba mùa, tôm cá đầy dẫy, làm
gì mà còn trộm cắp lặt vặt nữa, lão nghĩ thế. Lần đầu tiên về thăm
quê lão cảm thấy một nỗi hân hoan khó tả bởi hàng xóm láng giềng
ai cũng ăn nên làm ra, đời sống sung túc, đúng với chính sách đổi
mới và kinh tế thị trường. Nhớ lại thuở trước mà hãi hùng, từ cái
thớt gỗ chặt cá hay cục đá mài dao, cho đến cái hũ nước cơm cho
heo ăn mà cũng sợ mất. Vừa đi vào nhà và định mở cửa lão chợt giật
nẩy mình, “Cái gì thế này?” Lão đứng khựng lại ngay, quả tình hồi
nãy lão đã lấy cái chổi cùn chận ngay nơi cái cánh cửa này, cớ
sao nó lại nằm rơi ra đây?
Vừa ngạc nhiên vừa hồi hộp lão đứng yên, rồi rảo mắt nhìn quanh
một vòng, quan sát từ sân trước ra sân sau. Ánh trăng lưỡi liềm
vẫn mờ nhạt, không đủ soi sáng mọi vật. Từ cái thành giếng cho
đến sợi dây phơi áo quần cho đến đống củi chụm lửa, tuy không nhìn
thấy rõ nét nhưng lão cũng thấy được phần nào cảnh vật nếu có gì
đáng khả nghi. Cánh cửa vẫn khép hờ như hồi nãy nhưng cớ sao cái
chổi như bị ai hất ra ngoài. Càng suy nghĩ tim lão càng đập mạnh
hơn. Chả lẽ tệ trạng mấy mươi năm về trước bây giờ lại xảy ra,
lão phân vân mãi. Nhà của cha mẹ lão chỉ có ba căn nối liền nhau.
Mở cửa ra sân sau là cái bếp, tới cái giếng, rồi đi xa hơn nữa
là cái nhà tiêu. Ngoài bà Năm với lão nằm một phòng, tới cô em
gái nằm phòng giữa, rồi nằm phòng ngoài cùng là đứa cháu. Đứng
lặng yên lắng nghe, lão không tin là có ai mới từ trong phòng đi
ra. Và nếu không có ai đi ra ngoài, cớ sao cái chổi lại bị đá tung
đi? Chuột? Mèo? Không, không thể thế được, bởi lẽ lão nghĩ, nếu
chuột với mèo thì cái chổi chỉ có thể rơi ngay vào chỗ của nó,
chỗ cánh cửa khép hờ. Thôi rồi, trộm, lão chắc như thế, không thể
sai lầm được. Lão cảm thấy hồi hộp hơn, tim đập mạnh hơn, hai bàn
tay vô tình nắm chặt lại như hai quả đấm. Bây giờ biết xử trí làm
sao, lão phân vân tự hỏi.
Lấy lại bình tĩnh lão cố tình gây ra một vài tiếng động cho thật
tự nhiên như không có gì lạ xảy ra. Lão đằng hắng một tiếng như
thể có đờm trong cuống họng. Rồi lão mở cánh cửa nhà bếp, mò lấy
con dao phay thật to trên gác măng rê. Quay trở lại lão điềm nhiên
mở cửa phòng ngủ, tiến đến bàn thờ, châm thêm dầu rồi bật hộp quẹt.
Tay cầm dao tay cầm đèn lão bước đến ngồi vào chiếc ghế đẩu bên
cạnh một cái bàn con gần cửa ra vào.
“Ông làm cái gì mà bật đèn lên thế kia?” bà Năm nằm trong mùng
thấy đèn sáng hỏi vọng ra.
“Bà nó cứ nằm ngủ, để tôi xử lý,” lão trả lời với giọng có phần
hơi run run, mặc dầu lão đã cố tỏ ra bình thản. Một hồi sau bà
Năm lại hỏi với vẻ ngạc nhiên:
“Ông nói cái gì? Cái gì xử lý? Ông làm sao thế?”
Đến lúc này lão Năm chợt phân vân hay là chính lão đã nhìn gà hóa
cuốc, hay là cái chổi vẫn nằm yên như vậy từ đầu mà vì lão đã già,
rồi đâm ra lẩm cẩm, cho rằng có trộm. Lỡ không có trộm thật thì
biết ăn nói làm sao! Không, lão không tin là lão đã lầm, bởi lão
nhớ như đinh đóng cột là lão đã theo thói quen, cố tình dựng chiếc
chổi lên chận cánh cửa.
Một vài phút trôi qua, lão Năm tằng hắng, cầm con dao gõ nhẹ trên
bàn.
“Ông định làm gì với con dao thế kia, bộ khùng rồi à?” bà Năm vừa
hỏi vừa ngồi dậy, vén mùng nhìn ra.
“Mày mà không ra đây thì tao chém đầu, đừng có trách!”
“Ơ hay, ông này điên thật sao! Ông nói chém ai, ông chém tôi à?”
Bà Năm la toáng lên, tưởng rằng lão Năm điên thật. Khi lão vừa
đứng lên bà Năm đã phóng ngay đến ôm lấy chồng, cố giựt lấy con
dao.
“Bà ngồi xuống đấy, nhà có trộm,” lão Năm nói lớn hơn, nói lớn
để cố giữ lấy bình tĩnh. Vừa khi ấy có tiếng động ở phòng bên cạnh,
lão Năm gạt bà Năm qua một bên rồi cầm dao đứng thủ thế. Từ phòng
giữa, nơi có tiếng động, cô em gái lão Năm lù lù đi ra.
“Gì thế anh Năm, nhà có trộm à?” cô Sáu ngạc nhiên hỏi.
“Mày có khôn hồn thì đi ra ngay, ông đã biết mày ở đâu rồi!” lão
Năm gằn giọng, nói chậm rãi với giọng tự tin hơn, có lẽ tại có
thêm cô Sáu và thằng cháu cũng vừa mới bước ra.
Từ phía sau tấm màn phủ căn gác lửng, có tiếng động đậy khiến
tấm màn lúc lắc.
“Mày bước ra đây!” Lão Năm lùi lại, đứng chắn ngay cửa. Thằng ăn
trộm vén màn, bước từng bước một. Thân nó gầy như da bọc xương,
run run với vẻ sợ hãi. Nó trạc hai mươi tuổi, toàn thân bôi đen
như nồi đồng, được bọc trong chiếc áo cụt tay rách nát và cái quần
đùi đã vá víu nhiều nơi. Nó vòng hai tay ra trước ngực, khúm núm
thưa:
“Lạy ông, con nghèo đói nên lỡ dại...”
Thấy như có vẻ nắm vững được tình thế lão Năm yên tâm, nói dõng
dạc:
“Bà nó và cô Sáu qua ngồi bên giường bên kia, còn mày... mày quì
xuống đây.”
Trời nóng nực mà thằng ăn trộm run lật bật, hai mắt nó trắng dã
trong khuôn mặt đen đui đủi, càng nhìn càng thấy dễ sợ. Nó nhìn
ra cửa như tìm cách bỏ chạy.
“Mày đừng có hòng bỏ chạy, tao mà chém cái dao này thì đầu mày
đứt ra như cây chuối,” lão Năm biết ý, đe nó. Lão đã thật sự lấy
lại bình tĩnh, bước tới gần chỗ nó quì, tay cầm chặt dao, dự phòng
nó vùng chạy.
“Thằng ranh con, cha mẹ mày là ai, tại sao không đi học mà lại
đi ăn trộm hả?” lão hỏi gằn từng tiếng.
“Con không có cha, chỉ có mẹ con đang đau ở nhà,” nó nói lí nhí
trong mồm không ai nghe được.
“Mày nói gì, mẹ mày đau hả? Mày đừng có láo, mày định giở trò tả
oán để tao tha cho đấy à?” lão gằn lấy giọng như để thị uy. Một
lúc sau không biết hỏi gì thêm lão đành hỏi như hỏi cho có chuyện:
"Thế mẹ mày là ai?"
"Dạ mẹ con là bà Lưu bún bò," thằng ăn trộm đầm đìa nước mắt, nói
không ra thành tiếng. Lão Năm chận lời nó ngay:
"Cái gì, mày nói cái gì, có phải mày là con bà Lưu bán bún bò ở đường
Lê trung Đình, gần sân vận động hay không?”
Khi thằng ăn trộm trả lời, “Dạ bà Lưu... bún bò... Lê trung Đình...”
lão nghe như tưởng mình đang sống trong mơ, như tai mình nghe nhầm,
như đầu óc mình vì già mà bị lẫn. Lão cúi đầu nhìn sát mặt thằng
ăn trộm rồi bất ngờ biến sắc, ngồi phịch như rơi xuống chiếc ghế
con.
oOo
Trời còn tối, hai bên vệ đường lác đác một vài ngọn đèn leo lét,
không đủ soi sáng quá một sải tay. Dọc theo đường Quang Trung không
một bóng người lai vãng và hai bên hiên nhà người ta chỉ thấy một
vài tấm nylon treo luộm thuộm dưới các tấm tôn đã rách nát. Sương
đêm bay lất phất làm phủ mờ cảnh vật hai bên đường. Trong cái không
khí tĩnh mịch không một vật gì lay động, ngoại trừ một vài con
chuột rượt đuổi nhau gần mấy cái cống rãnh. Bất chợt tiếng nhạc
nổi lên từ mấy cái loa phóng thanh treo trên các cột điện hai bên
đường, “Đây là đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ thủ đô Hà
Nội...”
Toàn tỉnh, toàn thành phố như bùng lên, nổi sóng. Theo thói quen
và theo lệnh của nhà nước, mọi người phải thức dậy sớm, đến sân
vận động để tập thể dục. Tiếng các cánh cửa sắt hai bên đường được
kéo ra, kêu kèn kẹt chói cả tai, chen lẫn với tiếng kêu ơi ới từ
nhà này sang nhà nọ tạo ra một khung cảnh nhộn nhịp, ồn ào như
một buổi chợ sớm. Một người rồi hai, rồi ba, từng đoàn kéo ra đường
lộ, nối đuôi nhau bước về hướng đường Lê trung Đình để đến sân
vận động thị xã. Một người bắt nhịp, cả đoàn liền hát hùa theo,
“Đường lên non, anh theo kháng chiến... chống giặc Mỹ xâm lược...
em ở nhà gánh gạo nuôi con...” Trong vòng nửa giờ đồng hồ đường
sá khắp nơi đã đông nghẹt, tiếng nói tiếng cười vang lên khắp ngõ,
lấn át cả tiếng gà gáy sáng quen thuộc hay tiếng chó sủa bên mấy
đống rác. Trong sân vận động, hàng hàng lớp lớp thanh niên thiếu
nữ, ngay hàng thẳng lối, vươn tay nhấc chân, vận động theo một
động tác quen thuộc, đều đặn của lão Năm. Thuở ấy, nhờ to cao,
vạm vỡ, lão Năm được chỉ định làm huấn luyện viên thể thao thể
dục cho cả thành phố.
Sau khi tập thể dục tập thể khoảng hơn một tiếng đồng hồ buổi
sáng, mọi người ùn ùn kéo nhau ra về. Cũng theo thói quen, họ vừa
đi vừa hát nghêu ngao, rồi ai về nhà nấy. Lão Năm không về nhà
vội. Hôm nay ở nhà chẳng có gì làm, lão tạt vào quán bún cô Lưu.
Bà Than, mẹ cô, đang gắp bún vào tô rồi sắp thành từng hàng để
lên trên cái bàn nhỏ bên cạnh nồi xúp. Với khuôn mặt trái xoan
bầu bĩnh, duyên dáng với cái má lúm đồng tiền, cô Lưu liên tục
múc nước vào tô. Hai má cô ửng hồng vì ngồi ngay nồi xúp. Thấy
lão Năm bước vào cô liền nháy mắt rồi cười duyên làm dấu. Lão Năm,
tuy học trường Trần quốc Tuấn không lấy gì làm sáng sủa cho lắm,
nhưng được cái vai u thịt bắp và ăn nói tồ tồ như vịt đực nên được
đề cử làm huấn luyện viên. Cũng tại nhờ thế mà tiếng đồn vang xa,
trai gái trong thị xã ai cũng biết đến lão. Lão vừa viết chữ to
vừa ăn chơi rất giỏi, không thua gì ai. Thuở ban đầu, ăn xong tô
bún lão Năm lại lân la ngồi tán tỉnh cô Lưu, hoặc tán dóc với bạn
bè quen biết. Lão Năm này có khiếu mồm miệng đỡ tay chân, chuyện
gì lão cũng biết cũng nói được, phét lác cứ y như thật, không bao
giờ ngượng. Về sau thấy nhờ có lão mà khách đến ăn đông hơn nên
cô Lưu không lấy tiền bún của lão Năm nữa. Được thể, lão giở trò
lấy công làm lời: Lão cho bún vào tô, rắc thêm hành ngò rồi dần
dần bưng tô cho khách. Riết rồi người ta tưởng lão Năm là nhân
viên của cô Lưu. Biết vậy lão cũng hãnh diện lắm, không bao giờ
cải chính chuyện này. Đến gần trưa khi cô Lưu đã bán sạch bún,
lão phụ giúp cô một tay, lau bàn xếp ghế, dọn dẹp rác rưới rồi
đóng cửa ra về.
Tối đến lão mon men lên rủ rê cô Lưu đi xem kịch nói Hà nội hoặc
đoàn hát cải lương từ trong nam ra trình diễn. Đi bên cạnh lão
Năm to cao, cô Lưu cảm thấy hãnh diện, yên tâm lắm. Trong đầu cô
khi nào cô cũng mơ ước một ngày cô và lão Năm nên vợ nên chồng,
trăm năm hạnh phúc trong cảnh “chồng mời vợ múc.” Mới đầu chỉ là
bạn, sau dần là tình, bao nhiêu tâm sự cô trao cả cho người yêu.
Thêm vào đó vì làm ăn phát đạt mà ngoài bà Than, cô Lưu chẳng còn
ai để tin cậy nương nhờ. Dẫu chưa làm đám cưới nhưng cô giao dần
cho lão Năm tất cả mọi việc như thể lão đã là chồng của cô vậy.
Cô tin tưởng lão đến nỗi cô nhờ lão thu tiền bún rồi tối đến giao
lại cho cô. Về sau tiền nhiều cô lại nhờ lão giữ giùm cho cô yên
tâm, đỡ sợ cướp bóc. Thế là từ đấy lão Năm trở nên ông chủ, mỗi
sáng chỉ việc đứng thu tiền bún, chiều về lái Honda chở cô Lưu
ra biển Mỹ Khê ăn cua ghẹ, vui hưởng gió mát trăng thanh. Khi nào
cô Lưu bận ra chợ mua đồ nấu bún lão Năm liền lái Honda xuống bến
Tam Thương để tắm, hay bơi qua bên kia bờ sông để hái dưa. Lão
vẫn hay nói, "dưa chuột phía bên kia bến Tam Thương là ngon
tuyệt, nhưng phải hái trộm. Mua ăn không ngon." Những lần
nước sông cạn, lão thích bơi ra giữa dòng, lặn tìm mấy ống tre
bẫy tôm mà dân chài đã cắm xuống lòng sông. Tôm hay chui vào ống
tre để núp hoặc đẻ trứng, thế là lão hay lặn đến gần, lấy hai tay
túm ống tre, úp một bên lên rồi bắt lấy tôm. Lão bảo ăn tôm tươi
từ trong ống tre ngon đáo để. Có mấy lần từ hồi học trường Nam
Tiểu Học lão đi mò tôm bị dân chài bắt được rồi bị nhận nước. Đã
uống một ngụm nước đầy bụng lão còn phải lạy như tế sao mà vẫn
bị trói tay, lôi cổ đưa về trình diện thầy giám thị. Vốn đá cá
lăn dưa từ thuở học tiểu học, lão Năm không từ một chuyện gì mà
có thể bị thiên hạ chưởi bới. Lão hay nói không thịt gà nào ngon
bằng thịt gà... nhà hàng xóm bay qua. Khổ nỗi, bạn bè lão dần dần
phải công nhận là lão nói đúng.
Trong thời kỳ bao cấp này, kinh tế khó khăn, ai cũng phải ăn cơm
độn bo bo hay khoai sắn, nhưng chỉ có lão Năm là phè phỡn, ăn xài
thẳng tay. Ngoài chuyện mỗi sáng sớm lên sân vận động hò hét, quơ
tay quơ chân, lão không hề phải làm một cái gì cả trong ngày. Nhằm
lúc ấy nhà nước muốn trục xuất người Việt lai Tàu và cộng thêm
chuyện mọi người ngấm ngầm vượt biên, lão Năm cũng manh tâm kiếm
đường. Sẵn tiền của cô Lưu trong tay, chuyện vượt biên không phải
là khó đối với lão, nhưng lão phân vân không biết có nên bàn với
cô Lưu hay không. Nếu cô Lưu hay chuyện thế nào cô cũng đem mẹ
đi theo. Thừa biết càng đông người càng dễ bị lộ tông tích nên
lão âm thầm, chẳng nói với ai manh tâm của mình. Lâu dần, vì lên
xuống nhà cô Lưu mỗi ngày, lão quyết định về nhà cô ở luôn cho
tiện công việc. Khi nào rãnh lão mới mò về thăm ông bà già của
lão dưới đường Quang Trung.
Ở với cô Lưu được hơn tháng lão Năm tự nhiên biến mất. Một ngày,
rồi hai rồi ba, buổi tập thể dục sáng sớm không ai còn thấy tăm
dạng lão Năm ở đâu cả. Công an tỉnh truy lùng nhưng không bắt được
lão. Có người đồn lão đã vượt biên, có người bảo lão trốn vào nam
làm ăn, nhưng tuyệt nhiên không ai biết hư thực như thế nào về
tông tích của lão Năm. Người ta mạo muội hỏi cô Lưu nhưng cô chỉ
nghẹn ngào, không nói gì được. Khi công an tỉnh xuống điều tra
cô chỉ thẳng thắn trả lời là cô hoàn toàn không biết.
Thế rồi từ đó tiệm bún cô Lưu từ từ vắng khách, bún mất dần vị
ngon, và trên môi cô chẳng ai còn thấy nụ cười duyên dáng như thuở
trước. Đêm về, cô chỉ còn hai hàng nước mắt, sống một mình lặng
lẽ trong căn phòng vắng lạnh, bởi tiền đã mất mà tình cũng đã bay.
Chẳng bao lâu sau đó bà Than vì buồn mà mất sớm, cô Lưu vì buồn
và ế ẩm nên đóng cửa tiệm. Từ đó tiệm bún cô Lưu trở thành một
huyền thoại cho người dân thị xã.
Hai mươi năm sau, lão Năm đưa bà Năm về thăm quê nội. Một chiếc
taxi lớn, được thuê sẵn từ cả tháng trước ra tận phi trường Đà
Nẵng chở vào. Khi xe dừng trước nhà ở đường Quang Trung, người
ta thấy lão Năm chễm chệ trong bộ áo vét, thắt nơ màu đỏ nhạt,
một tay cầm cái xách Samsonite dày cộm, còn một tay ôm eo ếch bà
Năm. Tuy vậy bà Năm trông vẫn sang trọng hơn lão nhiều. Chiếc áo
dài xanh có thêu hai con rồng trên vạt áo làm bà trông đài các
và diễm lệ. Một chuỗi hạt trai sáng chói được quàng khéo léo xung
quanh cổ áo của bà. Kẹp trong nách là chiếc ví xách tay có điểm
hột cườm lóng lánh. Tóc bà chải ngược, kẹp gọn gàng để lộ đôi bông
tai hột xoàn quý phái. Bọn trẻ con trong khu phố hay tin, rủ nhau
kéo đến thật đông để xem khách quí Việt kiều từ phương xa trở về.
Sự đón tiếp rầm rộ đến nỗi sinh hoạt của cả một khúc phố dường
như ngưng đọng. Ngay cả đến mấy con chó nhà ai, không biết chuyện
gì cũng vẫy đuôi, chạy ngược chạy xuôi như chào đón. Vợ chồng lão
Năm chậm rãi xuống xe, bước từ tốn vào trong sân nhà. Lão vừa bước
chậm rãi, cố bước thật chậm để lão có thì giờ vừa nhìn lên xóm
trên rồi liếc về xóm dưới, vẫy tay chào người này, gật đầu đón
người kia. Nhìn vợ chồng lão Năm người ta có cảm tưởng như nhìn
cô dâu chú rể đang bước từ từ ra sân khấu để được vỗ tay, chụp
hình. Thật vậy, vợ chồng lão vào trong nhà hơn cả giờ đồng hồ mà
những người hiếu kỳ vẫn đứng xem, không chịu tản mát.
oOo
Sau đêm bắt trộm, người quen biết trong phố kéo ra nhà lão Năm
để hỏi chuyện, nhưng không biết lão ở đâu. Bà Năm cũng ngạc nhiên
thấy chồng mình tự nhiên mà đi đâu mất. Nào ai có biết chiều hôm
đó, ở một cái quán cốc bên kia cầu sông Trà Khúc, trong một góc
tối lão Năm ngồi một mình, hết ly này sang ly khác, hết điếu này
sang điếu khác. Trên chiếc bàn con, mấy chai rượu gạo nằm ngổn
ngang, bên cạnh là một bao thuốc lá con ngựa đã vơi gần hết và
một đĩa thịt bò tái chưa ai đụng đũa. Ngoài kia mưa vẫn rơi lất
phất, đều đều, tưởng chừng như không bao giờ dứt.
Phan Ngọc Danh
|