SỐ 39 - THÁNG 7 NĂM 2008

 

Thơ

Đà Nẵng
24Phạm Hồng Ân
Tuyết Sĩ
24Tử Hà
Bóng xưa
21Trần Việt Bắc
Đêm ta nghe tình nhớ
18
Huỳnh Kim Khanh
Phượng tím
18Tôn Thất Phú Sĩ
Ngàn năm mây vẫn bay
18Kim Thành
Biển hạ
21
Đỗ Phong Châu
Chờ
21Ái Ưu Du
Thơ Haiku
21Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Gọi nắng
14
Vũ Hoàng Thư
Trong mù sương phủ
14Phan Thái Yên
Phù Điêu
14Phạm Hồng Ân
Nơi chỉ xài bạc cắc
14Tầm Xuân
Bắt trộm
13
Phan Ngọc Danh
Thiên lý ngộ
14
Cỏ Biển
Xôi
8Xuân Phương
Đội mũ
8Song Thao
Xa... Nhớ... Nhiều...
8Ái Ưu Du
Văn chương và con người
8Đỗ Trường
Một bài thơ hay của Trần Trung Đạo
8Đỗ Trường
Hành trình về với tuổi 20 (2)
8Hoàng Quốc Việt

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
4
Trần Việt Bắc
Tham luận về hai chữ Bạc và Bạt
4Huỳnh Kim Khanh
Sống thiện chết lành - Kỳ 12
4Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 26
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (16,17,16)
1Ái Ưu Du
Tân liêu trai - Người đàn bà Dốc Tuyết
1
Hải Yên
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 33

1Huỳnh Kim Khanh


 

Đội mũ

 

SONG THAO

 Không biết tại sao Luân lại có thể thân được với già Tom. Một đôi khi ngồi căng mắt nhìn cỗ máy rì rà rì rầm anh vẫn thường băn khoăn tự hỏi như vậy. Có lẽ vì lần đầu gặp gỡ đã tạo cho anh một ấn tượng đặc biệt có cái đuôi lê thê tới tận ngày nay.

Chân ướt chân ráo tới Montréal được có mấy ngày, đầu óc vẫn còn lửng lơ chưa điều chỉnh kịp cặp mắt nhìn một thành phố lớn lao đẹp đẽ đang có trước mặt, Luân tới Sở Di Trú làm tiếp thủ tục xin thường trú còn dở dang ở phi trường. Bà thư ký phục phịch nhưng nhanh nhẹn, cổ toòng teng một chuỗi hạt nặng nề màu sắc tươi sáng, tay một chiếc vòng nhìn hoa cả mắt, ngón tay sát sạt những chiếc nhẫn kềnh càng vướng víu, bỗng nhìn thẳng vào mắt anh hỏi bằng một giọng ân cần hiếm có:

- Ông đã có việc làm chưa?

Luân khựng người ngẫm nghĩ. Chỉ có việc cố làm thân với cái thành phố dễ sợ như một con quái vật khổng lồ đã đủ mệt rồi, hơi sức đâu mà nghĩ tới chuyện làm việc thiết thân với nó. Nghe câu hỏi của bà thư ký luống tuổi mặt no nê son phấn Luân bỗng rùng mình sợ hãi. Bằng cấp chừ như giấy lộn, lon lá chừ như đồ mã, chức phận chừ gió thoảng mây bay, con người trần trụi thấy rét run. Biết làm được cái chi!
Anh đánh bạo trả lời bằng một câu hỏi thăm dò:

- Tôi muốn đi học lại có được không?

Bà thư ký cố nén tiếng thở dài, dán cặp mắt thương hại vào bộ mặt bối rối của Luân, giọng như dỗ dành:

- Tôi hiểu tâm trạng của ông. Người tỵ nạn Việt Nam nào cũng giống nhau. Cố vươn lên để làm lại cuộc đời. Nhưng tôi rất lấy làm tiếc để báo cho ông hay rằng ông phải đi làm ít nhất là một năm rồi muốn tính gì mới tính được. Ông có bằng lòng đi làm không?

Luân đành phải gật đầu. Nỗi thất vọng cộng với lo lắng luẩn quẩn trong đầu kéo cặp mắt anh hạ thấp xuống. Đôi giày đóng ở Việt Nam trước ngày đi gặp trời lạnh teo tắt lại bóp chặt chân anh nhức nhối. Anh mím môi ngẩng đầu lên khi nghe tiếng nói:

- Để tôi liên lạc kiếm cho ông một việc làm ngay.

Cây viết nhanh nhẹn chọc vào những con số trên máy điện thoại. Luân hồi hộp ngó quanh. Phòng làm việc được quây bằng những tấm chắn bằng nỉ xám cao ngang đầu. Tiếng điện thoại reo, tiếng nói chuyện từ các phòng khác lao xao vọng lại chen lẫn với tiếng bà thư ký cười cười nói nói với cái ống điện thoại. Bà nháy mắt với Luân, giơ ngón tay cái lên, miệng vẫn không ngớt ào ào tuôn ra thứ tiếng Pháp mà tai Luân không bắt kịp. Tiếng chiếc ống điện thoại đặt xuống bàn khô khốc kéo theo tiếng nói lanh chanh vui vẻ của bà thư ký:

- Tốt quá! Chỗ này họ đang cần người. Ông tới ngay cho họ phỏng vấn.Ông đừng ngại gì cả. Họ sẽ chỉ hỏi qua loa. Ông nói được tiếng Pháp như vậy chắc chẳng có vấn đề gì đâu.

Tim Luân bỗng như chạy đua. Sao bên này họ làm ăn chóng vánh như vậy. Tưởng cũng được dăm bảy ngày sửa soạn cho bớt hồi hộp chứ. Anh rụt rè:

- Vài ba bữa nữa tôi tới có được không?

Bà thư ký lắc đầu cười:

- Không được. Ông phải đi liền chứ không người ta mượn người khác thì hỏng việc hết. Tôi chỉ đường métro cho ông tới đó.

Bà rút tấm bản đồ métro ra vừa chỉ cho Luân vừa ghi vào một miếng giấy. Luân nhìn những vạch xanh đỏ rối nùi trên bản đồ bằng đôi mắt của đứa trẻ sơ sinh. Có biết mô tê gì đâu. Anh cầm miếng giấy mà chân như muốn chôn chặt xuống đất. Bà thư ký đứng dậy giơ tay ra cho Luân bắt:

- Chúc ông may mắn. Ông có tiền đi métro chưa?

Tay bà định với chiếc xách tay nằm chênh vênh trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh ghế ngồi. Mặt Luân đỏ bừng như bị xúc phạm. Anh vội xua tay:

- Cám ơn bà. Tôi có tiền đây rồi.

Bàn tay bà thư ký nhanh nhẹn đổi hướng nhảy lên vai Luân thân mật:

- Ông có điều gì muốn hỏi nữa không?
- Tôi sẽ làm gì vậy?
- Làm máy móc ấy mà.

Mồ hôi đâu mà nhiều thế. Luân nói như muốn xỉu:

- Tôi đâu có biết làm máy móc bao giờ đâu!

Bàn tay trên vai Luân nhẹ nhàng thổ thổ:

- Ông đừng lo. Dễ lắm. Người ta sẽ chỉ cho ông làm. Thôi ông đi đi kẻo người ta đợi.

Người đợi Luân giữa tiếng máy rầm rầm điếc tai là già Tom. Chiếc bàn nhỏ kê ở góc xưởng máy ôm trên mặt bề bộn đủ thứ lặt vặt. Già Tom ngồi trên một chiếc ghế cũ xì giơ tay ra cho Luân bắt. Bộ mặt nhăn nheo của ông phác ra một nụ cười hiền lành. Đôi mắt cá ươn màu biển nhìn chằm chặp vào mặt Luân. Ông cất tiếng hỏi trống:

- Biết đọc biết viết không?

Luân méo xệch miệng cười. Anh ngao ngán chẳng thể nào thốt ra lời. Bao nhiêu công lao đèn sách bỗng chốc như quay lưng lại với anh. Miệng anh khô khốc đắng ngắt. Anh gật đầu. Cần cổ anh cứng ngắc như muốn giữ cái đầu anh đừng lôi thôi nghĩ ngợi. Anh định nói chữ "có" cho ra vẻ lịch sự nhưng miệng anh như bị dán kín.
Già Tom nghiêng đầu hỏi tiếp:

- Tại sao lại đi làm?

Ờ, tại sao lại đến chôn người trên một chiếc ghế ọp ẹp ngồi nghe một ông già hỏi han lẩm cẩm. Máu lính trong người anh vẫn còn đặc sệt. Anh ngang ngạnh:

- Không đi làm có được không?

Nụ cười của ông già khục khục trong cuống họng. Đôi mắt như bắt được một chút tinh anh dựng đứng lên:

- Dầu gì cũng phải đi làm chứ. Khỏe mạnh như vậy nằm nhà ăn xã hội coi sao được. Ghét nhất là những đứa ngồi không ăn tiền mồ hôi nước mắt của người khác. Mà qua đây lâu mau rồi?

Luân thờ ơ trả lời:

- Mới ba ngày.

Già Tom nhoài người đãy khuôn mặt héo hắt sát vào mặt Luân buông gọn:

- Thế thì có muốn ăn xã hội cũng chẳng ai cho. Thôi, thứ hai tới làm nghe! Để tôi dẫn cậu ra văn phòng làm hồ sơ.

Thứ hai Luân tới sớm trước giờ làm gần cả tiếng đồng hồ. Anh tưởng hai chuyến métro và một chuyến buýt ít ra cũng phải tiếng rưỡi. Ai ngờ chỉ mất có nửa tiếng. Già Tom đã ngồi sẵn đó đang gặm mẫu bánh mì có kẹp một lát pho mát. Giọng ông xăng xái:

- Chà! Ngày đầu đi làm có khác. Tới sớm dữ. Cậu ra ngồi đợi ở góc kia tới giờ làm mình sẽ bắt đầu.

Tiếng chuông điện đổ rền làm Luân giật mình. Người nào vào việc nấy. Tiếng máy ồn ào như một đoàn chiến xa đang xăm xăm tiến tới. Già Tom đưa Luân tới cỗ máy kềnh càng như một chiếc tăng nằm bất động chỉ cho anh cách điều khiển máy. Chiếc máy rú lên chuyển động. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau đó anh đã được già Tom vỗ vai giao cho anh một mình trông máy. Mắt Luân có lúc nhòa đi trông những cỗ máy như những chiếc tăng của anh hồi nào. Có điều bây giờ anh phải ngồi ngoài những chiếc tăng trong trí tưởng đang ào ào như sửa soạn xông ra trận mạc. Đầu anh như trĩu nặng dưới chiếc nón sắt ngụy trang, mắt anh mơ hồ nhìn thấy ba bông mai đen nằm trước ngực, chân anh cảm thấy nằng nặng đôi giày trận thô tháp phủ bụi đỏ lòm. Anh nuốt tiếng thở dài. Chiếc buggy ba bánh của già Tom lao tới dừng lại bên cạnh anh. Ông chìa ra trước mặt anh thỏi kẹo hất hàm ra dấu mời. Anh vốn không thích kẹo vậy mà vẫn phải làm bộ vui vẻ nhanh nhẹn đưa tay ra cầm viên kẹo nhỏ xíu cho vào miệng. Già Tom nhăn răng cười hài lòng. Miệng ông xanh lè. Viên kẹo anh vừa bỏ vào miệng màu đỏ. Chẳng có gương soi mà anh biết chắc miệng anh đang loang đỏ.

Giờ nghỉ giải lao anh ra bồn rửa mặt le lưỡi trước gương. Một tên da đen có đôi mắt láo liên vừa chải mớ tóc quăn bằng chiếc lược lưa thưa khoảng chục chiếc răng lớn và dài như chiếc đinh ba vừa mở miệng hỏi:

- Mới ăn kẹo của già Tom phải không?

Anh nhếch miệng cười đau khổ:

- Sao biết hay quá vậy?

Tay vẫn thành thạo chọc chọc chiếc lược hất mớ tóc ngắn quăn tít lên, tên da đen chẳng rời mắt khỏi gương:

- Miệng đỏ như miệng ma cà rồng thế kia thì dấu được ai. Mà này, kẹo rẻ tiền vậy mà dễ được mời ăn à. Quí lắm mới được ăn kẹo của già Tom đấy. Giàu bạc triệu mà ăn toàn những thứ mạt hạng!

Cặp môi dày xám ngắt bĩu ra trước mắt Luân. Anh cười nhạt. Cái cười chẳng có ý nghĩa gì. Thấy hắn nói đúng nhưng dù sao cũng mới chân ướt chân ráo vào làm chẳng nên dây dưa những chuyện phiền phức với xếp. Kinh nghiệm trong quân đội, kinh nghiệm tù đày cải tạo và thân phận ngơ ngác nơi đồng đất xứ người đã dạy anh cái tính nhũn nhặn được việc.

Buổi trưa gặm xong ổ bánh mì thịt Luân kiếm chỗ ngồi giở sách ra đọc. Vừa liếc được vài dòng già Tom lê chiếc buggy tới. Chiếc đầu bạc gật gù hỏi:

- Ngồi đọc sách sướng quá hả?

Luân buông sách xuống nói đùa:

- Đọc cho qua giờ ấy mà.

Già Tom buông giọng:

- Tao cũng muốn đọc sách lắm mà đọc không nổi. Hồi nhỏ tao đâu có được đi học nhiều!

Chưa dứt câu nói, già Tom quay đầu xe lọc cọc đi mất. Chỉ vài phút sau Luân lại nghe thấy tiếng xe rè rè xông tới bên anh. Già Tom nheo cặp mắt ươn toét miệng nói:

- Tao chỉ đọc được sách này.

Cuốn tạp chí kẹp bên nách được trao cho Luân. Chữ Playboy đen đậm đập vào mắt anh. Mặt anh sượng trân trước tấm hình bìa. Ngày trước thỉnh thoảng anh cũng được bạn bè đi tu nghiệp bên Mỹ về cho liếc qua tạp chí này. Nhưng đâu có suồng sa như bây giờ. Nàng kiều nữ chẳng một mảnh vải che thân nhoẻn miệng cười vào bộ mặt ngơ ngẩn của Luân. Nụ cười của già Tom phá ra thành tiếng:

- Mày thích không?

Luân luống cuống chẳng biết trả lời ra sao. Chẳng lẽ bảo không thích. Anh gật đầu cho ông già hài lòng. Già Tom hài lòng thật. Miệng ông gang ra hết cỡ:

- Tưởng mày không thích. Đứa nào không thích không phải là đàn ông!

Từ đó thỉnh thoảng già Tom lại bê đến cho Luân một vài người đẹp hí hửng phô ra cái nõn nường. Luân bắt buộc phải coi một cách thú vị.

Một bữa Luân đang đánh vật với chiếc máy giở chứng, tiếng xe của già Tom lệt xệt lê tới. Người anh đổ mồ hôi rít kịt. Tay anh quờ quạng sờ chỗ này nắn chỗ kia ra điều thành thạo máy móc. Tiếng già Tom khoan thai:

- Máy hư à?

Luân quay lại mặt mũi tê rần luống cuống nặn ra một nụ cười cầu tài. Già Tom nhấc chiếc mông lép kẹp ra khỏi xe, xốc lưng quần, tay chống nạnh nhìn lũ đèn xanh đèn đỏ bu kín tấm bảng điều khiển máy. Một chiếc đèn đỏ chớp chớp liên hồi như chế nhạo khuôn mặt ngây ngô của Luân. Già Tom bấm đi bấm lại vài cái nút. Máy chạy lại. Luân thở phào nhẹ nhom. Già Tom nhe răng cười:

- Cái máy này cũng lão như tao, đôi khi giở chứng. Này, chiều nay tan sở chờ tao ngoài cổng, tao chở đi chơi chỗ này hay lắm.

Luân ngơ ngáo theo già Tom lòng vòng trong một khu bán hàng bóng lộn. Người mua kẻ bán tấp nập trong những gian hàng sáng trưng sang trọng. Ngoài lối đi những quầy hàng nho nhỏ đầy ắp phấn son, khăn mũ, xách tay chặn cặp mắt Luân từng chập. Những quầy hàng ăn nho nhỏ phả vào mũi Luân những mùi vị thơm tho xa lạ. Tới một chiếc bàn dài kê ngay giữa đường trên để đầy sách già Tom ngừng lại. Luân ngạc nhiên nhìn già Tom ngắm nghía những cuốn sách dày cộm. Ông già này cũng thích sách nữa sao? Một ông Do Thái râu ria kín mít, đầu chụp chiếc mũ nhỏ xíu bằng miệng chén ăn cơm, đứng trước tấm bảng dán kín hình những nạn nhân của Đức Quốc Xa đang trần truồng trong phòng hơi ngạt. Trên cùng là một tấm vải giăng ngang với hàng chữ đỏ như máu: " Thế giới phải ghi nhớ bài học này". Mặt già Tom như trĩu xuống trước những tấm hình đen trắng khổ lớn. Ông nhìn Luân giọng buồn bã:

- Mỗi lần nhìn những hình này tao cảm thấy lạnh cả người. Mày có thấy xúc động trước những hình ảnh này không?

Luân nghĩ tới những chết chóc hoang tàn anh đã gặp trong đời lính tác chiến. Chiến tranh tự nó là man rợ nhưng hận thù như một thứ cứu rỗi cho lương tâm. Ngoài trận tiền người ta giết nhau như một bổn phận, chẳng kịp cho một chút vấn vương suy nghĩ. Người ta tranh giành mạng sống cho mình bằng cách tiêu diệt đời sống của người khác. Thời Đức Quốc Xa hận thù được nâng cao thành một thứ tôn giáo đẩy những con người mê muội tới chỗ nhiệt tình trong tội ác. Bây giờ đứng trong khung cảnh tráng lệ của một đất nước thanh bình, nhìn lại những tấm hình anh thấy kinh tởm. Luân gật gù nói với già Tom:

- Man rợ quá. Nhưng tôi thấy người Do Thái cũng phải học bài học này.

Chỗ anh ở là một khu nhà tồi tệ cũ kỹ. Cũng như tất cả những tòa nhà khác trong khu, chủ nhân đều là người Do Thái. Chiếc bếp ga rỉ sét, cái bồn cầu hay giở chứng, những khung cửa gỗ vênh váo mặc cho gió qua lại đã đôi phen làm khổ anh. Vậy mà mỗi lần kêu sửa là một lần vất vả như kẻ ăn xin. Đồng tiền một khi đã chui vào túi những anh quạ đen này rất khó có dịp nhảy ra ngoài. Sống kèn cựa với những con người khép kín và hãnh tiến này, Luân đã mặc nhiên chẳng chút cảm tình với những anh đầu đội chiếc mũ toen hoẻn không phủ kín đầu.
Cũng đã nhiều lần Luân đã muốn văng tục trước những chiếc xe hơi kềnh càng chẳng chịu ngừng lại nhường lối cho người đi bộ hoặc tỉnh bơ đậu song song trên đường nói chuyện với nhau mặc cho những chiếc xe khác phải len lỏi đi qua. Những anh Do Thái quanh Luân đều mang vẻ ngạo mạn giống nhau. Họ như quên đi bài học Đức Quốc Xả năm xưa. Họ vẫn chất tiền leo lên cao tự cho mình là một loại người đứng trên đứng trước những người khác.
Già Tom to mắt nhìn Luân:

- Mày nói sao? Chính người Do Thái phải học bài học này hả? Mày đã thấy tao học được bài học này chưa?

Luân ngượng ngùng nhìn già Tom dò hỏi. Nụ cười lệch lạc trên đôi môi khô héo của già Tom vẽ ra cùng với bàn tay đập đập trên vai Luân:

- Có gì ngạc nhiên đâu! Tao cũng là Do Thái đây.

Luân thấy mình như vừa phạm phải một lỗi lầm muốn đỏ mặt. Sao lại có một người Do Thái lạ lùng đứng bên cạnh anh như thế này. Anh lúng túng:

- Xin lỗi ông!
- Có gì mà mày phải xin lỗi. Mày suy nghĩ đúng.

Luân cười gượng:

- Ông nói thế chứ! Mà sao không bao giờ thấy ông đội mũ vậy?
- Đội làm cái gì! Tao ghét hình thức.

Mặt già Tom đầy nét hóm hỉnh:

- Vả lại mua mũ tốn tiền. Mày có tiền trong túi không?

Luân sững sờ chẳng biết trả lời sao. Cái anh già này như một chú sóc non, nhảy từ ý nghĩ này qua ý nghĩ khác làm Luân chẳng biết đường nào mà lần. Anh căng mặt lên:

- Có chứ! Mà sao ông hỏi như vậy?

Già Tom giả lả:

- Tao định rủ mày đi ăn rồi đi chơi. Tiền người nào người nấy trả. Đó chẳng phải vì tao là Do Thái mà vì tụi mình đang sống ở Bắc Mỹ. Cái xã hội này nó sòng phẳng trơ tráo như vậy đó. Sống lâu ở đây mày sẽ phải quen với nếp sống như vậy.

Chỗ chơi mà già Tom kéo Luân tới là một hộp đêm có vũ khỏa thân. Mắt già Tom dính sát vào những tấm thân non nà chuyển động trên sàn nhảy. Luân ngồi bên cạnh u mê lạc vào một thế giới lạ lẫm thích thú. Già Tom từng lúc nhìn sang Luân như đo lường độ mê say của anh. Ông có cái thú vị của một đứa trẻ dẫn dắt một đứa bạn vào một cuộc chơi hấp dẫn. Ông nghiêng người hỏi:

- Mày thích con nhỏ đứng ở góc kia không?

Đứa con gái tóc vàng có bộ mặt con nít trên một cơ thể lớn xộn đong đưa trên chiếc ghế cao, hớ hênh bày ra cặp đùi tròn trịa mượt mà, quét những tia nhìn ướt rượt trên đám khách lố nhố trước những chai la ve ngổn ngang trên bàn. Luân chú mục vào bộ ngực no tròn mờ ảo dưới chiếc nịt nhiều màu nhỏ xíu. Già Tom nháy mắt:

- Thích thì nói đại ra cho rồi! Tao chấm con nhỏ đó đấy.

Luân cười xuề xòa:

- Ông tinh mắt thật!

Già Tom thích chí:

- Muốn kêu nó tới bàn mình nhảy không? Tốn năm đồng thôi.

Bụng Luân thú vị nhưng giọng nói làm ra lững lờ:

- Thì kêu nó đi.
- Tao kêu mày trả tiền nghe!

Luân thấy tức cười. Anh Do Thái không có mũ vẫn là anh Do Thái. Anh bỗng thấy thương hại già Tom:

- O.K! Để tôi trả cho.

Già Tom xiêu vẹo ra ghé vào tai con nhỏ. Con nhỏ điệu hạnh giơ bàn tay cho già Tom đỡ xuống ghế, nhẹ nhàng vớ chiếc bóp nhỏ xíu cắp vào nách, nhún nhảy đi theo già Tom. Nét sung sướng lộ ra hết trên khuôn mặt xộc xệch, già Tom chỉ tay vào Luân giới thiệu:

- Bạn tao. Tên nó là Luân.

Con nhỏ đưa bàn tay mát lạnh cho Luân:

-Chào anh. Em là Lisa.
- Chào Lisa. Cô là ngôi sao xinh đẹp nhất đêm nay.

Lisa nhoẻn miệng cười. Già Tom hoạnh họe:

- Thằng này cũng đía gớm nhỉ! Lisa, em cho nó coi cái ngôi sao của em đi.

Lisa leo lên chiếc bục gỗ chỉ vừa đặt đủ đôi chân. Loa phóng thanh vang lên tiếng xướng ngôn viên giới thiệu bản nhạc kế tiếp bằng cái giọng rổn rảng hấp dẫn. Nhạc trỗi lên, Lisa gỡ từng mảnh vải trên người trước hai cặp mắt đờ đẫn của một già một trẻ. Con nhỏ tự vuốt ve trên người, ưỡn ẹo những điệu bộ buông thả, đôi mắt to tình tứ ban phát dục vọng đồng đều cho già Tom và Luân. Bản nhạc chấm dứt. Lisa vội vơ mớ quần áo nhẹ tênh che hờ trên người, đỡ tờ giấy bạc trên tay Luân, chúm miệng hôn gió, vội vã biến đi như một làn sương mỏng manh.
Luân tưởng mình cũng đã biến khỏi cuộc đời của già Tom khi anh tìm được việc làm khác tốt hơn. Ngày cuối, già Tom mặt buồn rười rượi vấp váp nói lời giã từ:

- Chúc mày may mắn. Mày đi tao tiếc lắm. Ở đây chẳng có đứa nào được như mày. Tao lại đành không có bạn. Đừng quên tao nghe. Cho tao số điện thoại của mày. Cố giữ liên lạc với tao nghe!

Dặn thì dặn như vậy nhưng người giữ liên lạc chính là già Tom. Thỉnh thoảng ông lại gọi cho Luân cà kê dăm điều ba chuyện. Mười chuyện thì tới chín có dính tới đàn bà con gái. Dĩ nhiên là những bóng hồng ở ngoài đường. Luân biết ông sống với bà vợ già yếu đuối bệnh hoạn. Vậy mà chẳng bao giờ ông nói một câu tới cái gia đình nhỏ nhoi chỉ có hai người của ông. Cũng như chẳng bao giờ ông nói tới số bạc triệu có trong tay như người chung quanh ông đồn đại. Có một điều Luân biết chắc là ông có cổ phần trong công ty. Một thứ chủ trông không có vẻ là chủ. Quần áo ông xộc xệch lập dập như hàng chục năm ông chẳng hề bước chân vào một tiệm bán áo quần. Đồ dùng thì lôi thôi lếch thếch, cũ kỹ như con người ông. Thứ mà ông ham đọc, ngoài những sách báo toàn hình ảnh mát rượi, là những tờ quảng cáo của các chợ. Ông nghiền ngẫm những ô vuông nho nhỏ có hình các món thực phẩm với giá tiền được in đậm màu đậm nét như một nhà bác học cặm cụi với những dữ kiện hấp dẫn. Ông so sánh giá cả của từng chợ, dùng chiếc kéo cùn đen đúa chậm rãi cắt từng tấm phiếu hạ giá bỏ vào một cái bao thư nhàu nát không biết ông dùng từ bao giờ. Mấy cuốn sổ ngân hàng cũng cong queo nhàu nát chẳng kém được trói chặt bằng một sợi dây thun. Một ngày không biết bao nhiêu lần ông ngồi trên chiếc buggy, quay mặt vào tường, hé mở từng cuốn chôn mắt nhìn thành khẩn như một tín đ? chiêm ngưỡng thánh tích.

Thỉnh thoảng nhân lúc rỗi rảnh Luân gọi nói chuyện với già Tom. Giọng ông mừng rỡ huyên thuyên hết chuyện này tới chuyện khác. Chuyện nào cũng vướng víu bóng dáng đàn bà. Giọng ông hạ thấp như tiết lộ một việc hết sức
quan trọng:

- Ê Luân! Mày biết không? Tao mới trấn một con nhỏ làm nó đứt hơi luôn.

Luân cười thầm trong bụng. Già Tom càng ngày càng giàu óc tưởng tượng. Với mớ tuổi đáng lẽ phải về hưu từ cả chục năm trước, với cái tính chắt chiu hiếm có đã quen thói, già Tom chẳng thể nào ngon lành như vậy. Không thấy Luân nói gì, giọng già Tom bực dọc trong điện thoại:

- Mày tưởng tao nói dóc sao? Bữa nào tao kêu mày đi với tao cho biết!

Già Tom chẳng có dịp kêu Luân đi để chứng minh cái chí khí nam nhi của ông. Lần điện thoại sau đó, Luân nghe thấy giọng đàn bà mệt mỏi trả lời:

- Ông ấy nằm trong bệnh viện rồi.
- Bệnh viện nào vậy, thưa bà?
- Chẳng biết nữa!

Giọng nói ráo hoảnh chẳng mang một chút xúc động nào. Luân đành quanh quẩn hỏi thăm chỗ già Tom nằm. Anh tức tốc tới nơi.

Có chút rạng rỡ gắng gượng trên mặt già Tom khi Luân vừa bước vào phòng. Già Tom sọm hẳn đi. Già nua là một thứ mối mọt của cuộc đời. Nó có quyền uy của một mụ phù thủy. Chỉ một cây gậy vung ra là cái xác thân còm cõi thoắt sụp đổ gẫy vụn. Chẳng còn chút sinh khí nào trên khuôn mặt già Tom. Luân thấy vừa mủi lòng vừa sợ hãi trước một thân xác hầu như bất động dưới những sợi dây dọc ngang chằng chịt trên tay trên ngực người bạn già.
Miệng Luân máy móc hỏi:

- Ông khỏe không?

Chiếc đầu như một trái dừa khô nhẹ lắc trên chiếc gối lớn che kín cả đầu giường. Chẳng còn một già Tom hăm hở đuổi theo những bóng hồng. Định mệnh đã chụp bắt vây kín ông như một con ruồi nằm trong mạng nhện. Già Tom hổn hển:

- Chắc tao không qua khỏi trận này.

Luân cảm thấy nhói đau trước sự đầu hàng chát chúa của già Tom.

- Trông ông vẫn còn khỏe mà! Nằm ít ngày rồi về. Mình sẽ lại đi chơi. Lần này tôi sẽ bao ông hết.

Luân vỗ về bàn tay khô đét vêu vao như một khúc củi quá nắng. Già Tom khó nhọc nhếch miệng cười:

- Chắc mày chẳng còn tốn tiền cho tao được nữa đâu. Nằm đây nhiều lúc tao nghĩ thấy cuộc đời chẳng ra sao cả. Thuở nhỏ sớm mồ côi tao sống vất vưởng bữa đói bữa no tưởng có tiền là sướng. Tới khi có tiền, nghĩ tới cái
cực cái nhục của thời nhỏ, lại bo bo giữ rịt chẳng dám tiêu pha. Bây giờ thì nghĩ tới đống tiền trong tay mà khổ sở tiếc nuối. Vô nghĩa tất cả Luân ạ! Đời tao, tao chẳng bao giờ có một cuộc sống. Bạc triệu trong tay mà làm gì!

Luân thấy rõ nét trong anh lẽ vô thường của cuộc sống. Có cũng thế mà không cũng thế. Anh gạt đi những ý tưởng yếm thế, cố tạo ra tiếng cười giỡn với già Tom:

- Ông chán tiền thì đưa tôi tiêu giùm cho.

Già Tom cười buồn:

- Tao cho mày để làm hư mày à? Phù du hết Luân ơi. Tao đã cho các hội thiện hết rồi. May ra...

Già Tom chống chỏi với cơn nấc đang nâng ngực ông lên khiến câu nói bị bỏ lửng. Lồng ngực lép kẹp nhấp nhô dưới lớp vải trắng như những con sóng yếu ớt cố bám víu lấy bờ cát. Già Tom ho dồn dập rồi nằm thở mệt nhọc. Đôi mắt nhắm nghiền nhưng cái miệng ọp ẹp vẫn cố níu kéo câu chuyện với Luân:

- Đêm qua tao nằm thấy một vùng cỏ xanh bát ngát tới tận chân trời.
Giữa cái màu xanh hoan lạc là một tòa lâu đài trắng bao quanh bởi những luống hoa muôn màu muôn sắc. Tao cố vươn mình chạy tới nhưng đôi chân tê cứng như bị đóng chắc trên mặt đất không cho tao nhấc lên nổi. Mày biết không, khi một người Do Thái nhìn thấy cảnh đó là lúc phải buông tất cả để ra đi rồi đó.

Vốn là một người tôn trọng lời nói của mình, già Tom nói đi là ông đi. Khi Luân gọi điện thoại cho ông, nhân viên bệnh viện cho biết là ông mới chết. Luân gọi về nhà ông, giọng người vợ già nua của ông lập đi lập lại như một cuốn băng nhão:

- Ông ấy nằm trong bệnh viện rồi!

Luân vội liên lạc với chỗ làm cũ để biết ngày giờ tang lễ của già Tom. Anh mặc bộ đồ đen tới một nhà thờ Do Thái nhỏ tiễn già Tom lần cuối. Quan tài đóng kín mít nhốt già Tom vào một cảnh đời khác. Tiếng ê a cầu kinh bằng một nhịp điệu rên xiết làm anh buồn ngủ. Anh ngồi nhắm mắt gục đầu trên đôi tay chống lên hai đầu gối. Anh giật mình chợt đưa tay rờ trên đầu. Chiếc mũ nhỏ xíu người ta gắn cho anh khi vào nhà thờ vẫn nằm yên trên tóc. Anh thầm nói với già Tom. Suốt đời ông không chịu đội mũ đến lúc chết ông quẳng chiếc mũ lên đầu tôi. Ông chơi gác tôi quá, ông già ơi !