Huỳnh Kim Khanh
Tiếng Việt mình phong phú nhưng cũng có nhiều điểm khá hoang mang
nếu bạn không nắm vững nguồn gốc Hán Việt của ngôn ngữ chúng ta.
Chữ Nôm là một hình thức muốn tách rời ảnh hưởng của chữ Hán trong
ngôn ngữ Việt Nam. Thế nhưng muốn lãnh hội chữ Nôm, bạn phải hiểu
chữ Hán. Bố cục của chữ Nôm chẳng qua là sự chú trọng về phonetics
(phát âm) trên những từ phát xuất từ chữ Hán. Tức nhiên một từ
chữ Nôm thường bao gồm một từ chữ Hán cộng thêm một bộ tượng trưng
lối phát âm. Hơn bảy mươi lăm phần trăm tiếng Việt dựa vào những
từ của chữ Hán. Thành ra Việt Nam, cũng như Nhật và Đại Hàn phải
thấu hiểu ngữ căn Hán để hiểu rõ hơn ngôn ngữ của mình.
Muốn học chữ Hán, bạn phải bỏ ra ít nhất hai tới năm năm, tính
theo kinh nghiệm cá nhân.
Sự phát âm của mỗi ngôn ngữ hoặc thổ ngữ cho ta thấy cá tính địa
phương là quan trọng. Xứ Việt Nam ta tuy nhỏ nhưng ngôn ngữ có
tới ba thổ ngữ tùy theo ba địa phương Nam Trung Bắc. Vấn đề của
ngôn ngữ Việt Nam là không một miền nào có thể gọi là hoàn hảo
khi nói về cái phát âm (Phonetics Sự khác biệt về một số nhỏ của
ngôn từ địa phương chỉ là phấn phụ. Dân miến Nam có khuynh hướng
sai về hỏi ngã (phần giữa chữ) và những lỗi khác ở phần cuối chữ
như về t hoặc c (bát và bác, rát và rác), n và ng (vườn và dường
hoặc giường, lươn và lương), chữ “ bạc “ và chữ “ bạt “ được phát
âm như “ bạc “ theo dân miền Nam. Nếu người miền Nam đọc rõ ràng
hơn trong sự khác biệt về phát âm giữa “ tr “ và “ ch “ ; giữa
“ r “ và “ gi “ (rờ và giờ) hoặc “ z “ ở đâu chữ thì họ cũng có
vấn đế về sự khác biệt giữa “ v “ và “ d “ hoặc “ gi “ ở đầu chữ.
Thí dụ “ vấn đề “, người miến Nam sẽ đọc như “ yấn đề “. Chữ “
vườn “ thì dân Nam đọc là “ yường “ hoặc “ dường) “. Sự khác biệt
tế nhị của những nguyên âm như “ o “ và “ ô “ là một khó khăn cho
dân miền Nam : Chữ “ sóng “ và “ sống “ sẽ được phát âm giống
nhau bởi dân miền Nam, trong khi dân miền Bắc thì có hai phát âm
khác nhau rõ rệt. Dân miến Trung thì hay bị lỗi ở phần giữa của
chữ, tức là phần nguyên âm và tựu trung mang vẻ tổng hợp của hai
dân Bắc và Nam. Dân Trung có khuynh hướng dùng nhiều dấu nặng cho
mỗi chữ. Dân miến Bắc thì hay lộn về về sự phát âm đầu chữ như
“ tr “ vá “ ch “ (trời và chời) ; “ r “ và “ gi “ hoặc “ z “ (rời
và giờ hoặc dời).
Chữ Hán được cấu tạo bởi hai phấn: một phần biểu tượng ý nghĩa
(sematics) , một phần biểu tượng cách phát âm (phonetics). Nếu
Latin (La mã) là nòng cốt của những ngôn ngữ Tây Âu như Ý, Tây
Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp ngữ thì chữ Hán là nòng cốt của ba
ngôn ngữ Á Châu : Việt, Nhật, Hàn.
Học chữ Nho hoặc Hán phải nắm
vững nòng cốt hoặc racine (cốt tủy) của mỗi chữ. Nếu tiếng Anh
hoặc những tiếng Tây âu khác có khoảng 26 hoặc hơn mẫu tự, tiếng
Hán có đến 214, gọi là 214 bộ. Mỗi bộ biểu tượng ý nghĩa của mỗi
chữ. Tàu có vài chục thổ ngữ. Thế nhưng họ hiểu nhau là nhờ họ
chia xẻ cùng chữ viết. Nhưng từ khi Mao Trạch Đông chiếm cứ hoặc
thu gồm lãnh thổ Trung Quốc, chữ viết tiếng Tàu giữa người lục
địa và người Tàu ngoài nước kể cả Hồng Kông, Đài Bắc hoàn toàn
khác biệt. Trung Cộng chế ra một thể đơn giản hơn cho chữ viết.
Do đó, những học giả chữ Hán phải học thêm loại chữ viết mới, một
loại chữ viết khác hẳn với loại chữ viết cổ điển. Học giả sẽ gặp
nhiều khó khăn khi muôn tìm sự liên hệ giữa chữ Hán đơn giản của
Trung Hoa ngày nay với chữ Hán cổ điển mà nhiếu dân Á Châu khác
có thể lãnh hội và suy diễn.
Trở lại vấn đề muốn bàn cãi về « Bạt » và « Bạc »,
ta nhận thấy rằng có bốn vấn đề phụ trội : Việt và Hán (Nôm
và Hán) ; Phát âm và Hội nghĩa.
Chữ Hán tuy dễ mà khó học.
Mỗi chữ có thể vừa là danh từ, vừa là tĩnh từ hoặc trạng từ, vừa
là động tự. Người học chữ Hán phải nên thận trọng điều đó. Học
chữ Hàn có hệ thống nên học theo bộ trước, tức nhiên chú trọng
về ý nghĩa, sau đó hẳn sang qua theo phát âm. Tự điển cũng vậy
: có sách chú trọng về bộ (racine, tượng nghĩa ) có sách chú trọng
về phát âm (phonetics). Là người ngoại quốc học chữ Hán, bạn
nên lựa những tự điển in chữ theo bộ.
Chúng ta sẽ lấn lượt bàn qua về hai chữ Bạt và Bạc theo bốn khía
cạnh Hán Nôm, Âm và Nghĩa.
Chữ “ bạc “ theo Hán Việt thuộc bộ thủy (nước), tượng trưng về
ý nghĩ của chữ (sematics). Bộ bên cạnh của chữ này là chữ “ bách
“ tượng trưng cách phát âm (phonetics)
Bạc có nghĩa thông thường là đổ bến, đậu thuyền, ghé thuyền, dừng
lại để nghỉ ngơi sau chuyến phiêu du. Trong những bài thơ Hán như
« Phong Kiều Dạ Bạc », Dạ Bạc Tần Hoài », chữ « bạc
đều mang nghĩa này.
Chữ « bạc » còn có những nghĩa sau :
- Đất Bạc đời vua Thang, nay thuộc tĩnh Hà Nam
- Mờ ảo, lẫn lộn như trong chữ Bàng Bạc , bộ Thạch (đá)
- Bức rèm như trong chữ Châu Bạc (rèm ngọc châu) thuộc bộ Trúc
- Tàu buồm bộ Chu (thuyền)
- Mỏng mảnh, lạt lẽo, khinh rẻ, đất xấu, che lấp, bức bách, bớt
đi, cỏ mọc từng bụi. Chữ này thuộc bộ Thảo (cỏ)
- Tên một loại kim chất màu trắng (argent), (vàng và bạc). Bạch
kim tức Platinum là một kim loại khác, quí hơn. Chữ này thuộc
bộ Kim (chất kim).
- Mưa đá. Chữ này thuộc bộ Vũ (mưa)
- Thuộc da, thợ thuộc da. Chữ này thuộc bộ Cách (da thú)
Nhũng chữ nôm liên quan đến chữ « bạc » :
Rau bạc hà, chim bạc má, bạc tình, bạc bẽo và
Chữ « bạt », bộ thủ (tay) có năm nghĩa chính :
- Đưa lên, cấc lên nhấc lên, nhắc lên. Đồng nghĩ với chữ Cử cũng
bộ thủ
- Bứng lên, nhổ đi, rút ra, tuốt ra. Đồng nghĩa với chữ «Trừu »,
cũng bộ thủ
Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu
Cử bô tiêu sầu, sầu cánh sầu
(Rút dao chem nước, nước cứ chảy
Nâng ché tiêu sầu, sầu vẫn sầu )
- Chiếm cứ như trong “ bạt quốc “
- Vượt qua, vượt mức thường, to tát, vĩ đại (parcourir (F),
surpass (E), overrun (E), overpass (E). éminent (F) như trong
chữ Bạt chúng. Đồng nghĩa với chữ Việt (vượt qua để tiến lên)
- Không màng, liều lĩnh, téméraire(F) như trong chữ Bạt mạng
Chính hai nghĩa (2) và (3) là trọng tâm của sự sai lầm khi dịch
chữ “ bạt “ trong hai câu thơ của Nguyễn Trung Trực :
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỉ thần.
(Lửa đỏ rực sông Nhật Tảo làm rền trời đất
Kiếm đánh bật thành Kiên Giang làm quỉ thần phải khóc)
Trong hai câu này dùng chữ “ Bạt “ (t) là đúng (không phải Bạc
(c)) , nhưng nếu dịch chữ “ Bạt “ theo nghĩa “ rút" kiếm thì
sai về chính tả và ý nghĩa của câu thơ.
Hỏa hồng Nhật Tảo : chữ « hồng » là động từ trong
câu này. Lửa là danh từ và làm chủ từ của câu.
Kiếm Bạt Kiên Giang cũng thế : Kiếm là danh từ và là chủ từ
của câu. Bạt là động từ transitive đòi hỏi có một túc từ. Câu này
có nghĩa kiếm đánh chiếm, đánh bật, đánh úp thành Kiên Giang. Nếu
muốn dùng nghĩa “ tuốt kiếm “ hoặc “ rút kiếm “ thì câu sau phải
được viết là
Bạt kiếm Kiên Giang khấp quỉ thần. (tuốt kiếm Kiên Giang làm quỉ
thần phải khóc)
Nhưng làm thế thì không ổn cách đối với câu trên.
Nếu đảo ngược thứ tự hai chữ của câu trước để đối lại sự đảo ngược
của hai chữ Bạt và Kiếm thì câu trước trở thành
Hồng hỏa Nhật Tảo oanh thiên địa
Câu này không ồn về kết cấu chính tả. Nếu muốn nói lửa hồng của
Nhật Tảo làm chấn động trời đất thì phải viết :
Nhất Tảo hồng hỏa oanh thiên địa.
Làm thế thì đã đi quá xa kết cấu và cách đối của hai câu thơ nguyên
thủy.
Chữ « bạt « phải đứng trước chữ « kiếm »
mới có nghĩa « tuốt » hoặc « rút »
như trong chữ « bạt đao », « bạt kiếm » (rút
dao, tuốt kiếm)
Giờ xin bàn qua về ý nghĩa của chữ « phiêu bạc » (trôi
nổi rày đây mai đó, di lang thang bất định).
Chữ « phiêu » thường có nghĩa nổi bồng bềnh theo nước
hoặc gió.
Theo tự điển Hán Việt của Thiều Chữu, chữ Phiêu có chín nghĩa :
- Nhanh nhẹn, bộ Nữ (con gái, đàn bà). Dùng trong chữ Phiêu
đổ chỉ kẻ cờ bạc rong.
- Dài lòng thòng, bộ Sam (lông dài) như trong chữ Phiêu phiêu,
Phieu đái (giải cờ)
- Nổi lềnh bềnh, bộ Thủy (nước) như trong chữ Phiêu du, phiêu
bạc, phiêu bồng. Thổi, đồng nghĩa với chữ Phiêu, bộ Phong (gió)
- Béo, mập, bộ Nhục (thịt), có hai lối viết về phần phonetics
- Bèo, bộ Thảo (hoa cỏ)
- Trứng của vài loài sâu bọ, bộ Trùng (sâu bọ) như trong chữ
Phiêu sao (trứng con bọ ngựa), Hải Phiêu sao (Mai con cá mực)
- Giáo ngắn, một loại binh khí cổ, bộ Kim (kim loại)
- Thổi, nhẹ nhàng, bộ Phong (gió). Cũng đồng nghĩa với Phiêu
là trôi nổi của bộ Thủy ở trên
- Bong bóng cá, bộ Ngư (cá)
Nếu ghép hai chữ Phiêu và Bạc với nhau thì ta có chữ kép Phiêu
bạc có nghĩa trôi nổi, rày đây mai đó. Chữ này đồng nghĩa với chữ
Lang Bạt trong « Lang bạt kỳ hồ », một trong những từ
thường dược tìm thấy trong văn chương của Nguyễn Tuân.
Những chữ Lang thang, Lang bang, cũng mang ý nghĩa tương tự có
nghĩa rày đây mai đó không định hướng. » Ngủ lang » có
nghĩa đụng đâu ngủ đó không cần biết nhất định chỗ nào. Có nhiều
từ được dùng trong dân gian lâu quá rồi cái nguồn gốc chữ Hán và
chữ Nôm trở nên mờ đi, khó phân biệt.
Chữ Phiêu bạc chắn chắn là từ của chữa Hán ; còn chữ Lang
bạt là từ của chữ Nôm. Cả hai từ đều có nghĩa lang thang rày đây
mai đó, không đinh hướng, trôi nồi đó đây.
Tài liệu tham khảo :
- Hán Việt Tự Điển - Thiều Chữu, Khai trí (?)
- Hán Việt Thành Ngữ - Bửu Cân, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn
Hóa 1971
- Việt Nam Tân Tự Điển - Thanh Nghị, Khai Trí xuất bản (?)
- Japanese Character Dictionary - Mark Spahn/Wolfgang Hadamitzky,
Cheng & Tsui Company, North America Edition 1991
|